intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đặc điểm của thương mại Quảng Trị thế kỷ XVI – XIX

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

22
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Ngoài các đặc điểm chung với thương mại Việt Nam, thương mại Quảng Trị cũng mang những đặc điểm riêng biệt, được thể hiện qua hai giai đoạn phát triển và sự biến đổi về chất của nội thương và ngoại thương. Trong hơn ba thế kỷ XVI - XVIII, các chúa Nguyễn tập trung phát triển thương mại song song với việc ổn định sản xuất nông nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển sức mạnh kinh tế tổng hợp để đối đầu với chúa Trịnh.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đặc điểm của thương mại Quảng Trị thế kỷ XVI – XIX

  1. ĐẶC ĐIỂM CỦA THƯƠNG MẠI QUẢNG TRỊ THẾ KỶ XVI – XIX PHẠM NHÂN ĐỨC Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế Tóm tắt: Ngoài các đặc điểm chung với thương mại Việt Nam, thương mại Quảng Trị cũng mang những đặc điểm riêng biệt, được thể hiện qua hai giai đoạn phát triển và sự biến đổi về chất của nội thương và ngoại thương. Trong hơn ba thế kỷ XVI - XVIII, các chúa Nguyễn tập trung phát triển thương mại song song với việc ổn định sản xuất nông nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển sức mạnh kinh tế tổng hợp để đối đầu với chúa Trịnh. Sang thế kỷ XIX, khi bối cảnh lịch sử của Việt Nam và thế giới thay đổi, đặc điểm thương mại Quảng Trị cũng biến đổi theo. Từ khóa: Thương mại Quảng Trị, thê kỷ XVI – XIX, nội thương 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Quảng Trị, đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn, vốn là vùng đất biên viễn và còn nhiều bất ổn. Sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ, bộ mặt kinh tế nơi đây đã dần chuyển biến. Nhận thức được tầm quan trọng của thương nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, các chúa Nguyễn về sau đã có những chính sách khá cởi mở nhằm phát triển thương mại. Chỉ sau hơn 10 năm, Thuận Hóa đã trở thành nơi đô hội lớn của một phương, các trung tâm buôn bán dần được hình thành, các chợ làng xuất hiện dày đặc, nhân dân no đủ, nhiều loại hàng hóa có giá trị được đem ra giao thương và sự xuất hiện của nhiều tầng lớp thương nhân. Tất cả đều chứng minh cho một nền thương mại phát triển, đặc biệt là nội thương. Trải suốt 4 thế kỉ, thương nghiệp Quảng Trị có những đặc điểm cơ bản sau. 2. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA THƯƠNG NGHIỆP QUẢNG TRỊ SO VỚI CẢ NƯỚC - Thứ nhất, thương nghiệp không tách rời khỏi nông nghiệp: + Đặc điểm văn hoá của cư dân Việt Nam nói chung và người Quảng Trị nói riêng, là việc tụ cư thành từng nhóm nhỏ trong những đơn vị xóm, làng, bản. Văn hoá của những người nông dân trong cộng đồng làng xã gắn với nông nghiệp, thường là độc canh lúa nước với một nền kinh tế tiểu nông, khép kín, tự cung tự cấp. + Nông thôn Quảng Trị cũng giống như Việt Nam, về cơ bản bên cạnh nông nghiệp lại đan xen hay gắn liền với thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ; bên cạnh nông dân lại có thương nhân, thợ thủ công. Ngay cả các làng có tiếng về đi buôn hay sản xuất thủ công, thì phần lớn vẫn thiên về nông nghiệp như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng buôn Lý Hòa (Quảng Bình), làng rèn Hiền Lương (Thừa Thiên Huế)… Làng xã có kết cấu kinh tế đan xen ba thành phần: nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp tồn tại tương đối phổ biến ở các vùng đồng bằng Việt Nam. Thậm chí trong phạm vi từng gia đình vẫn tồn tại kết cấu kinh tế nông - công - thương; ví dụ người cha và anh cả làm nghề truyền thống, cùng con cái cho đi làm nông, người mẹ và con dâu cho đi buôn. + Do vậy, tất cả các hoạt động của làng xã đều không thoát ra khỏi sự chi phối của một nền kinh tế tiểu nông. Tại các làng có số người đi buôn khá đông ở Quảng Trị như Tùng Luật, Mai Xá, Phú Hội, Đại Hào, Phương Ngạn, Lâm Xuân, Kim Long, Lan Đình, Phổ Lại,… thì nguồn sống chính của phần lớn cư dân vẫn là sản xuất nông nghiệp trồng lúa hoặc khai thác thủy sản, lâm sản. Còn việc buôn bán chỉ được xem như là nghề phụ, góp phần tăng thêm thu nhập và phục vụ nhu cầu thiết yếu cho gia đình những người dân nông thôn. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sau Đại học lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2014: tr. 389-394
  2. 390 PHẠM NHÂN ĐỨC - Thứ hai, không hình thành được các khu mậu dịch lớn: + Đặc điểm về sự hình thành đô thị ở Quảng Trị cũng tương tự nhiều tỉnh thành khác, đó là việc hình thành các trung tâm hành chính – quân sự của nhà nước, dần thu hút lực lượng người lao động tập trung và yếu tố “thị” mới bắt đầu xuất hiện. Tại Ái Tử, chỉ sau khi Nguyễn Hoàng vào dựng nghiệp tạo ra dinh phủ, trung tâm hành chính quân sự của xứ Thuận Hóa, thì hoạt động thương mại nơi đây mới có bước phát triển vượt bậc. Từ Ái Tử - Trà Bát - Dinh Cát bao quanh nó là các đô thị vệ tinh (chỉ chợ làng) làm cơ quan hậu bị và điểm trung chuyển sản vật cho phủ chúa như chợ Thuận (Triệu Đại), chợ Gia Độ (Triệu Độ), Chợ Sãi (Triệu Thành)… Phủ chúa Nguyễn đóng vai trò như một đô thị đa chức năng, nó vừa đóng vai trò điều phối nền kinh tế, quản lí nguồn hàng trao đổi, vừa đóng vai trò chi phối quân sự và ổn định đời sống văn hóa xã hội. + Bước sang thế kỉ XVII, do sức phát triển của nền kinh tế hàng hóa cũng như tác động của môi trường giao thương quốc tế, ở nhiều vùng duyên hải miền trung Việt Nam đã có sự trỗi dậy và hồi sinh của các cảng thị, trong đó có Quảng Trị với thương cảng Mai Xá, Phó Hội, Tùng Luật. Tuy nhiên, nền kinh tế hàng hóa Quảng Trị nói riêng và Đàng Trong nói chung đang còn ở giai đoạn manh nha, sản xuất nhỏ lẻ, chỉ đơn thuần phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sinh hoạt của người dân xung quanh các chợ làng, chợ huyện, chợ phủ. Các đơn vị phường, hội, làng nghề sản xuất tuy có được hình thành nhưng vẫn không tách khỏi hoạt động sản xuất nông nghiệp, không hình thành được các khu mậu dịch lớn. + Đến thế kỷ XIX, do chính sách ngoại giao của triều Nguyễn với phương Tây khá cẩn trọng và dè chừng, nhất là khi nhận thấy nguy cơ bị xâm lược, nhà nước đóng cửa, làm cho các hoạt động ngoại thương bị chững lại, các trung tâm mậu dịch, thương cảng, thương điếm vừa xuất hiện như Phú Hội – Hà Tây, Tùng Luật, Mai Xá, dần đi vào quên lãng. Cuối cùng, nền kinh tế tiểu nông vẫn ngự trị xã hội Quảng Trị. - Thứ ba, lưu thông bằng đường thủy là chủ yếu: + Quảng Trị, vùng đất bị cách trở bởi địa hình ngắn và dốc, theo hướng Đông – Tây thường có các dãy núi vắt ngang cản trở cộng với hệ thống sông ngòi chi chít, dày đặc tạo ra sự đứt gãy liên tục về địa hình, tạo nhiều sự ngăn cách về không gian văn hóa, địa lý. Thời các chúa Nguyễn, đường biển từ Cửa Việt đến Phú Xuân, Hội An và từ Phú Xuân đến Hội An rồi đi các hải cảng phía nam, đóng một vai trò cực kì quan trọng, chúng quyết định về cơ bản bộ mặt thương mại Đàng Trong thế kỉ XVI – XVIII. Sang thế kỉ XIX, tuy nhiều con đường trên bộ đã được xây đắp mới, nhưng vẫn không thay thế được vai trò quyết định của giao thông đường thủy. Nhà nước cho đóng nhiều thuyền công và thuyền Hải vận để tải lương thực và vận chuyển bằng đường biển từ bắc vào nam và ngược lại. + Các thủy lộ vùng Quảng Trị được hình thành theo trục các con sông lớn trong vùng và hệ chi lưu của chúng. Các sông Minh Lương, sông Thạch Hãn, sông Hiếu cùng với phân lưu của chúng tạo ra những con đường thương mại hướng biển, với điểm tập kết trung chuyển là các cửa sông như Tùng Luật, Cửa Việt… + Giao thông đường thủy nội địa (nội tỉnh) được vận hành bởi các ghe thuyền cỡ nhỏ đảm bảo trao đổi sản vật giữa vùng thượng nguồn, thượng du và vùng đồng bằng cửa sông bên dưới. Thuyền nhỏ lách theo các nhánh sông vươn lên tới thượng nguồn, thu gom các sản vật từ người dân địa phương nơi mà người dân di chuyển bằng gồng gánh, xe bò, xe ngựa và voi kéo ven các con đường mòn và các ngạch sông, triền núi. Các sản phẩm được điều phối về đồng bằng bởi các thương nhân người Kinh, thông qua một mạng lưới các chợ làng, chợ phiên xuất hiện dày đặc ở các địa phương, người Thượng nếu đưa xuống trao đổi thì cũng ở
  3. ĐẶC ĐIỂM CỦA THƯƠNG MẠI QUẢNG TRỊ THẾ KỈ XVI-XIX 391 một vài địa điểm được giới hạn mà thôi. Hàng hóa có giá trị được tập hợp ra các thương cảng ở vùng cửa sông, để trao đổi với thương gia ngoại quốc. Các con sông ở Quảng Trị đều ngắn và dốc, với vận tốc chảy lớn, gây khó khăn cho việc vận tải thủy nội địa, nên vận tải đường biển là biện pháp tối ưu. + Do sự cách trở này đòi hỏi phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai loại hình giao thông thủy bộ. Sự vận chuyển đường bộ và đường thủy, được cộng tác bổ túc cho nhau; ở những nơi thủy lưu bị cản trở do cạn dòng, thì hàng hóa lại được chuyển lên bộ vận chuyển bằng voi hoặc xe trâu bò kéo. Ngược lại, khi đường bộ bị chia cắt bởi các con sông lớn, thì hàng hóa lại được đưa xuống thuyền tại bến đò ngang, đò dọc, cắt ngang trục đường để tiếp tục hành trình. Bởi những lý do dó nên con đường thương mại của Đàng Trong toàn thể hay từng phần đều hướng ra biển, nơi con đường Hải vận không bị ngắt quãng và chỉ có thuyền bè mới liên kết tất cả các vùng với nhau. - Thứ tư, chợ làng được hình thành chủ yếu ven các con sông: + Các thương điếm hay các chợ làng thường nằm ở vị trí là trung tâm của làng, cạnh đình làng, có giếng nước và bến chợ. Hầu hết các chợ làng ở Quảng Trị đều tọa lạc ven các con sông lớn như Thạch Hãn, Bến Hải, sông Hiếu và hệ chi lưu của chúng như: con sông đào như Vĩnh Định, kênh rạch dẫn nước như Mai Xá, kênh Hàm, kênh Châu Thị,… điều này tương tự các chợ làng của vùng đất Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhất là vào giai đoạn giao thông đường bộ chưa hoàn thiện. + Chợ làng là đầu mối trao đổi hàng hóa tập trung của một vài làng hay một vài vùng. Phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe thuyền, tạo ra sự kết nối giữa miền xuôi và miền ngược. Chợ Câu Nhi, Lương Điền, Mỹ Chánh hình thành ven sông Ô Lâu; chợ Như Lệ, chợ Thạch Hãn, chợ Sãi, chợ Hôm hình thành ven dòng Hãn Giang; chợ Hải Thiện, Ngô Xá, Phương Lang tồn tại dọc theo con sông đào Vĩnh Định và phân lưu của chúng; chợ Tùng Luật, Châu Thị, Hàm Hòa, chợ Kêng/Kênh đều hình thành theo trục của sông mẹ Hiền Lương/Bến Hải và phân nhánh của chúng. - Cuối cùng là sự đa dạng của thành phần thương nhân: Thế kỉ XIX là giai đoạn mà thị trường được thống nhất trong cả nước, tạo điều kiện cho đội ngũ thương nhân được hoạt động trên phạm vi rộng hơn, cho nên thành phần người đi buôn rất đa dạng. Do việc buôn bán bằng đường thủy là chính yếu, nên các thương gia chủ yếu là những người đồng bằng ven biển. Thành phần buôn bán ở chợ làng phần đông là các thương nhân người Kinh miền xuôi, đây cũng là đặc điểm không riêng gì của Quảng Trị. Ngoài ra, các cư dân đến từ các châu, sách, làng bản miền núi vùng Cam Lộ, Hướng Hóa đóng vai trò như một lực lượng khai thác lâm thổ sản, đem trao đổi với người miền xuôi [2]. Giai đoạn từ thế kỉ XVI – XIX, còn chứng kiến sự hiện diện của các thương nhân các nước trong khu vực và một số nước phương Tây. Từ giữa thế kỉ XIX, do nhà nước có chính sách bế quan tỏa cảng, hạn chế buôn bán với phương Tây nhưng lại ưu đãi đối với người Hoa, nên phần nhiều các chợ làng đều có người Hoa sang định cư, tham gia buôn bán, mà ít thấy xuất hiện của thương nhân các nước khác. 3. ĐẶC ĐIỂM RIÊNG CỦA THƯƠNG NGHIỆP QUẢNG TRỊ QUA HAI GIAI ĐOẠN Xuất phát từ bối cảnh lịch sử xã hội khá đặc biệt, nên vùng đất Quảng Trị ngoài những đặc điểm chung so với cả nước và cả vùng Thuận – Quảng, thì tự thân trong nó vẫn tồn tại những sắc thái riêng biệt.
  4. 392 PHẠM NHÂN ĐỨC - Thứ nhất, Quảng Trị không hình thành các đô thị và các cảng thị có quy mô lớn: + Đô thị Quảng Trị tồn tại với tư cách là một tiểu đô thị, đóng vai trò điều hành kinh tế và chi phối quân sự là chính. Giai đoạn các chúa Nguyễn trị vì bộ mặt kinh tế nơi đây có nhiều biến chuyển, tạo bước đệm cho sự hưng khởi các đô thị. Nhưng do điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của vùng đất này, nên các đô thị, cảng thị chỉ tồn tại trong một phạm vi nhất định và chức năng trao đổi không nhiều. Một mặt, đây là mảnh đất địa đầu của Đàng Trong tính từ phía nam sông Gianh, thường xuyên bị đe dọa bởi nạn binh đao, nhất là hậu quả trực tiếp của cuộc chiến tranh Lê – Mạc (1533 - 1592), chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672), nên ít nhiều vẫn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. + Mặt khác, do sự tính toán về chiến lược kinh tế, quân sự của các chúa Nguyễn, do hoàn cảnh địa lý đặc thù, không cho phép Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên và các con cháu của ông, chọn những thương cảng hay những trung tâm hành chính Quảng Trị, để tạo thành những thương cảng có quy mô như Hội An, Thanh Hà, Hà Tiên, Nước Mặn. Hơn nữa Nguyễn Hoàng đóng dinh phủ ở Triệu Phong chỉ tạm thời, sau đó dời vào phía nam là Phú Xuân. Các mặt hàng của thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản và Phương Tây ưa chuộng là tơ lụa và đường mía thì Quảng Trị không có thế mạnh và cũng không là nơi cung cấp các nguồn hàng này. Còn hàng lâm sản có giá trị thì không phong phú như núi rừng xứ Quảng [1], [2]. Cho nên, dù Cửa Việt và Cửa Tùng là những thương cảng có vị trí thuận lợi và kết cấu khá hoàn chỉnh cho phát triển hải thương nhưng chúng vẫn không được xây dựng để trở thành một thương cảng mang tầm vóc lớn như Hội An, Nước Mặn. Ghềnh Phủ - Sãi Thị ở Triệu Phong vẫn chưa phải là một Thanh Hà – Bao Vinh ở Phú Xuân. - Thứ hai, Quảng Trị không hình thành các làng buôn: + Làng buôn hình thành do sự hội tụ của nhiều nhân tố chủ quan, khách quan khác nhau, chủ yếu là phát triển lên từ chợ làng. Tại vùng đồng bằng Bắc bộ từ thế kỉ XVIII – XIX, đã xuất hiện nhiều làng buôn mang nhiều đặc điểm khác nhau đó là: làng Đa Ngưu, Báo Đáp, Phù Lưu, Đan Loan [3]. Hai làng buôn Lý Hòa và Cảnh Dương ở Quảng Bình, cũng được hình thành trong giai đoạn sôi động của nền kinh tế hàng hóa thế kỉ XVII – XVIII. Sự phát triển của các làng nghề và các hoạt động sản xuất khác của người dân, đã tạo ra nguồn hàng ổn định phong phú cho các làng buôn, đã làm thay đổi thậm chí đã “phá vỡ” tính chất thuần nông của không ít vùng quê truyền thống. Hai yếu tố làng buôn và chợ làng có mối liên hệ tương hỗ, biểu hiện cho một nền kinh tế hàng hóa trong nhân dân phát triển sôi động. Hoạt động của các làng buôn đã tạo nên gạch nối giữa các làng xã, các trung tâm sản xuất thủ công, các chợ làng với các thương cảng. + Tại Quảng Trị, xuất hiện nhiều chợ làng, chợ phiên, thương cảng mang tầm vóc liên làng, liên vùng; với một đội ngũ thương nhân đa thành phần. Tuy vậy, nơi đây lại chưa hội đủ các yếu tố về địa thế cũng như con người, sản vật để hình thành các làng buôn. Có chăng chỉ là các làng mang dáng dấp của làng buôn như Mai Xá, Phú Hội, Hà Tây, Tùng Luật, Đại Hào. Thay vào đó, nền kinh tế sản xuất hàng hóa Quảng Trị thế kỉ XVII – XVIII dần hình thành, thay cho kinh tế “tự cung tự cấp”, đem lại bộ mặt phát triển mới với sinh lực tràn trề cho nền kinh tế giai đoạn kế sau. Nhưng trong suốt thế kỉ XIX, do hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước, thương mại Quảng Trị vẫn không tạo được sự phát triển nào đáng kể. - Thứ ba, chợ làng được hình thành tập trung trong giai đoạn thế kỉ XVI – XVIII: + Kết quả nghiên cứu cho thấy, chợ làng Quảng Trị được hình thành chủ yếu trong giai đoạn từ nửa sau thế kỉ XVI đến cuối thế kỉ XVIII. Tổng cộng có 51 chợ làng được thành lập trong 4 thế kỉ XVI - XIX; trong đó từ thế kỉ XVI – XVIII có sự hiện diện của 42 chợ
  5. ĐẶC ĐIỂM CỦA THƯƠNG MẠI QUẢNG TRỊ THẾ KỈ XVI-XIX 393 (kể cả các chợ được hình thành vào giai đoạn trước), trong thế kỉ XIX xuất hiện thêm 9 chợ. Trong đó huyện Triệu Phong (Đăng Xương) có nhiều chợ nhất khi xuất hiện tới 15 chợ, tiếp đó là huyện Hải Lăng và Gio Linh đều có 9 chợ, hai huyện Vĩnh Linh và Cam Lộ đều có 4 chợ. Nhưng nếu xét ở huyện Minh Linh thời bấy giờ (bao gồm 2 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh hiện nay), thì nơi đây có tới 13 chợ. Cuối cùng thì Triệu Phong vẫn là huyện có nhiều chợ làng nhất; điều này vừa phản ánh tính lan truyền thương mại từ phủ chúa Nguyễn, vừa chứng minh cho sự nhộn nhịp của các con đường thương mại: Cửa Việt – sông Hiếu – Cam Lộ, tuyến Cửa Việt – Thạch Hãn – Ba Lòng và tuyến Cửa Việt – Thạch Hãn – và nội địa Triệu Phong. + Đặc điểm này được hình thành bởi tác động của yếu tố chính trị xã hội cụ thể ở Quảng Trị trong các thế kỉ XVI – XVIII. Đây là giai đoạn phủ chúa Nguyễn đóng tại Ái Tử - Trà Bát – Dinh Cát, tồn tại trong gần 70 năm (từ 1558 đến 1626). Vì là nơi đóng đô của cơ quan đầu não của viên quan trấn thủ, đòi hỏi phải có sự ổn định mọi mặt, cả về tình hình chính trị xã hội và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Từ thế kỉ XVII đến nửa đầu thế kỉ XVIII, nền thương mại Đàng Trong phát triển lên một tầm cao mới, các thương nhân nước ngoài tập trung vào đây mua bán, tạo bước ngoặc cho sự phát triển của ngoại thương. Do Quảng Trị không hội đủ các điều kiện để phát triển ngoại thương, nên nội thương vẫn là yếu tố chi phối nền kinh tế. Chợ làng được hình thành tập trung trong khoảng thời gian này, nó vừa là biểu hiện của sự quần cư của người nông dân làng xã, vừa là hệ quả của các nhân tố chính trị - quân sự. Sang thế kỉ XIX, chỉ xuất hiện thêm vài chợ làng có quy mô nhỏ gọn, bởi các chợ trước đây vẫn tồn tại và không đánh mất vai trò của mình, thêm vào đó, nhà nước lại chú trọng vào phát triển nông nghiệp, làm cho các trung tâm thương mại không phát huy thêm vai trò gì đáng kể. - Thứ tư, nội thương giữ vai trò chủ đạo trong nền thương mại: + Thương nghiệp Quảng Trị trong gần 3 thế kỉ XVI – XVIII, phản ánh nhu cầu trao đổi sinh hoạt trong nhân dân, đóng vai trò phục vụ chủ yếu cho một triều đình thiên về hành chính, như Ái Tử - Trà Bát – Dinh Cát và sau này là Phú Xuân. Trong khi sức mạnh thương mại nằm ở Quảng Nam, nơi hoạt động mậu dịch hướng đến cảng biển, nơi các thương nhân ngoại quốc dừng chân lâu dài ở thương cảng Hội An. Sang thế kỉ XIX, nhìn chung các thương điếm quan trọng vẫn ít thay đổi so với giai đoạn trước, có chăng chỉ là sự đa dạng hơn các mặt hàng trao đổi và sự tăng lên về lượng vận tải hàng hóa. + Nguồn sống chủ yếu của người dân trong các vùng quê Quảng Trị vẫn là sản xuất nông nghiệp. Hoạt động canh tác lúa nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong mỗi làng xã, các ngành nghề sản xuất thủ công như làm muối, nghề rèn, làm quạt giấy, lám bún, bánh ướt, làm mộc,… vẫn không thoát ra khỏi sự chi phối của nông nghiệp. Người thợ thủ công vẫn cày cấy trên đồng ruộng, các lái buôn vẫn là những nông dân tranh thủ thời gian mùa vụ nhàn rỗi, vào mùa giáp hạt mang chút vốn đi buôn thời vụ. Mặt hàng trao đổi ở các chợ làng chủ yếu là các mặt hàng nông sản, nhu yếu phẩm phục vụ cho sinh hoạt thường nhật. Việc các chợ làng xuất hiện khá dày đặc trong các vùng quê, là điểm chứng minh cho sự lấn át của một nền nội thương bó hẹp trong nội bộ làng xã. Nền ngoại thương Quảng Trị đến giữa thế kỉ XIX vẫn không có biểu hiện sáng sủa. Các thương điếm thực chất là các chợ làng mở rộng thành các chợ liên làng, các con đường thương mại vẫn không phát huy thêm vai trò của những tuyến mậu dịch mang tính chất liên vùng, liên tỉnh. Nền kinh tế tự cung - tự cấp của làng xã một lần nữa được củng cố, nhất là khi tình trạng ngăn sông cấm chợ xuất hiện và khi nhà nước độc quyền mua bán các sản vật có giá trị. Một thương điếm có tiếng một thời như Phú Hội – Hà Tây (Triệu An) dần tàn lụi, thay vào đó là ngôi chợ làng Hà Tây nhỏ bé, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của hai ngôi làng
  6. 394 PHẠM NHÂN ĐỨC này. Thương cảng Tùng Luật (Vĩnh Giang) cũng mất dần vai trò của một điểm trung chuyển hàng hóa, điểm trao đổi sản vật của ngư dân với người nông dân đồng bằng duyên hải. Điều này vừa là hệ quả của sự dịch chuyển các trung tâm thương mại, vừa là hệ quả trực tiếp của các chính sách của nhà nước phong kiến và sự tác động tiêu cực của tình hình chính trị xã hội Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX. Cuối cùng, nội thương Quảng Trị vẫn là nhân tố chủ đạo, vẫn là yếu tố quyết định bộ mặt kinh tế thương nghiệp Quảng Trị trong nhiều thế kỉ. 4. KẾT LUẬN Như vậy, từ giữa thế kỉ XVI đến nửa sau thế kỉ XVIII, các chúa Nguyễn đã chú trọng phát triển thương mại song song với việc ổn định nền nông nghiệp, nhằm tạo đà cho bước phát triển mạnh về kinh tế, tạo sức mạnh tổng lực để đối đầu với chúa Trịnh. Với những hành động thiết thực trong thương mại, các chúa đã tạo ra được một nền kinh tế theo hướng mở. Tạo đà cho sự phát triển cho nền kinh tế Quảng Trị nói chung, qua đó thúc đẩy cho một nền thương mại phát triển. Sang thế kỉ XIX, khi bối cảnh lịch sử Việt Nam và thế giới thay đổi thì thương nghiệp Quảng Trị cũng bị thay đổi theo. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Dương Văn An (Văn Thanh, Phan Đăng dịch và chú giải) (2009). Ô châu cận lục, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [2] Lê Quý Đôn (2007). Phủ biên tạp lục. NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội. [3] Nguyễn Quang Ngọc (1986). Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc bộ thế kỉ XVII – XIX, luận án PTS Khoa học Lịch sử, lưu tại Thư viện quốc gia Việt Nam, Mã kho: LA86.0103.3. Title: THE CHARACTERISTICS OF TRADE IN QUANG TRI IN THE CENTURIES XVI – XIX Abstract: Beside sharing the same common features with the commerce of Vietnam, Quang Tri also carried the distinct characteristics expressed through two stages of development and the development of foreign trade and domestic trade. For more than three centuries from XVI - XVIII, the Nguyen Lords focused on developing commercial as well as maitaining the stable of agricultureto provide impetus for development of economic strength, human synergy to confront the Trinh Lords. The turn of the nineteenth century when the context of the history of Vietnam and the world changes, the commercial characteristics of Quang Tri also change as well. Keywords: trade in Quang Tri, the XVI-XVII centuries, domestic trade PHẠM NHÂN ĐỨC Học viên Cao học, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, khóa 21 (2012-2014), Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0905 956 113, Email: phamnhanduc@gmail.com
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0