Đàn bà miền biển
lượt xem 5
download
Thiếu úy Phẩm cứ đi đi, lại lại trên khoảng sân hẹp trước căn cứ Bùng Binh như người bị thôi miên. Hắn không buồn quệt đi những giọt mồ hôi mặn chát cứ tuôn thành dòng từ chiếc trán đang nhíu cả lại, chảy vòng qua đôi má, cuốn theo biết bao bụi bẩn cứ bám chặt lấy mặt mày, mắt mũi hắn sau hai giờ chiến đấu trên giồng cát ấp Nhứt, Mỹ Long. Gương mặt viên thiếu úy trẻ khá bảnh bao mà giờ trông cứ như tấm họa đồ cáu bẩn, có cả núi đồi, cả...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Đàn bà miền biển
- Đàn bà miền biển TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN DŨNG Thiếu úy Phẩm cứ đi đi, lại lại trên khoảng sân hẹp trước căn cứ Bùng Binh như người bị thôi miên. Hắn không buồn quệt đi những giọt mồ hôi mặn chát cứ tuôn thành dòng từ chiếc trán đang nhíu cả lại, chảy vòng qua đôi má, cuốn theo biết bao bụi bẩn cứ bám chặt lấy mặt mày, mắt mũi hắn sau hai giờ chiến đấu trên giồng cát ấp Nhứt, Mỹ Long. Gương mặt viên thiếu úy trẻ khá bảnh bao mà giờ trông cứ như tấm họa đồ cáu bẩn, có cả núi đồi, cả rừng rú và những dòng sông mồ hôi loang lổ chảy ngang qua miền hoang mạc. Phía đối diện với thiếu úy Phẩm, dễ cũng không dưới ba chục con người, mà đa phần là người già và con nít, cũng cáu bẩn không kém, đang ngồi bệt ra đất, không hàng không ngũ, mắt lấm lét nhìn gương mặt phừng phừng lửa giận, rồi lấm lét nhìn xuống khẩu colt 12 ly trần trụi, giắt chéo xề xệ ngang thắt lưng viên thiếu úy. Thỉnh thoảng, lại thêm vài ba người, cũng là con nít và người già, bị mấy anh lính giải về, xô chúi nhủi vào đám đông. Một chút càu nhàu, một chút cự cãi… Nhưng tất cả vụt im bặt khi đôi mắt sắc như lưỡi dao găm của thiếu úy Phẩm lườm lườm quét ngang… Đám người lố nhố mỗi lúc một đông thêm. Mặt trời đã hơi xế về hướng tây, chiếu những tia nắng gay gắt như muốn đốt cháy khoảng sân đầy cát bủn. Thiếu úy Phẩm vẫn đi đi, lại lại như người bị thôi miên. Vài đứa con nít không chịu được đói, không chịu được nóng lăn ra xỉu, khiến những người lớn nóng lòng nhốn nháo đòi về. Cả đại đội lính làm thành mấy vòng rào bao quanh đáp trả bằng tiếng kéo qui - lát súng, cho đạn lên nòng. Thình lình, thiếu úy Phẩm dừng lại, quát lớn: - Lão già, xách cái bao lại đây! Nhứt Thấy run bắn người trước tiếng quát của thiếu úy Phẩm. Lão ôm chặt chiếc bao cà - roòng, bước khỏi đám đông, khúm núm tiến từng bước một đến trước mặt viên thiếu úy. Lần nào mà chẳng vậy, cứ mỗi chuyến hành quân bố ráp của cái tiểu đoàn chủ lực này, từ
- tay hạ sĩ tiểu đội trưởng đến ngài thiếu úy đại đội trưởng, cứ bắt lão cùng mấy ông bạn già xóm ngã ba Máy Chà, vừa quảy vừa gánh từng bao chiến lợi phẩm, khi là gà vịt, khi cả heo cúi, mà cũng có lúc là chiếc đầu máy may, chiếc radio… của bà con vùng giải phóng. - Mở bao, lấy ra coi! - Giọng thiếu úy Phẩm đanh lại, từng tiếng nhát gừng. Nhứt Thấy run rẩy mở nuột lạt quay rút miệng bao, thò tay vào trong. Bàn tay lão chạm phải vật gì đó phủ đầy lông nhưng không phải lông gà mà cũng chẳng phải lông heo. Không kịp suy nghĩ, Nhứt Thấy quơ tay túm vội, rồi lôi tuột vật ấy ra khỏi miệng bao, trước mấy chục cặp mắt đang chăm chú nhìn lão. - Ối, trời ơi! Nhứt Thấy bủn rủn chân tay, ngồi bệt ra đất. Trong mơ hồ, lão không phân biệt được chính giọng mình lẫn trong mấy chục giọng chung quanh cất tiếng kêu trời hoảng loạn. Bàn tay của lão đang túm chặt tóc của một chiếc đầu người bê bết máu. Đôi mắt người xấu số cứ trợn trừng nhìn lão nửa như căm hờn, nửa như trách cứ. Bụng lão bảo buông ra mà không hiểu sao những ngón tay không chịu nghe lời, cứ bấu lại, túm chặt lấy mái tóc. Chiếc đầu trợn trừng nhìn lão, lão trân trối nhìn chiếc đầu, không rời ra được. Giọng cười khanh khách đầy đắc thắng của thiếu úy Phẩm át hẳn tiếng la hoảng loạn của mấy mươi bà con có mặt trên khoảng sân nhỏ trước căn cứ Bùng Binh. Hắn gằn giọng: - Mấy ông, mấy bà mở con mắt ra mà nhìn cho rõ! Dân cái xứ Mỹ Long này, ai cũng là Cộng sản hết. - Thình lình, hắn giật phắc chiếc đầu trên tay lão Nhứt Thấy, quăng mạnh về phía đám đông. Chiếc đầu lăn lông lốc trên cát bỏng, đôi mắt cứ trợn trừng nhìn lấy mọi người. Giọng thiếu úy Phẩm đanh lại: Muốn chống đối Chánh phủ quốc gia hả, cứ coi cái đầu thằng Việt Cộng Năm Chói mà làm gương! - Năm Chói! - Miệng Nhứt Thấy lẩm bẩm: Tội nghiệp thằng cháu lối xóm của lão, mẹ già con mọn! Tội nghiệp, nó mới cưới vợ mấy tháng nay. Vậy mà bữa Đồng khởi Mười bốn tháng Chín, nó dẫn tiểu đội du kích Mỹ Long ra bao đồn tề xã ngoài Bến Đáy, khiến tụi thằng Tổng Chánh, vừa lính vừa quan, líu ríu dẫn nhau ra hàng. Tội nghiệp…
- Đám người bị giải về sân Bùng Binh xem thiếu úy Phẩm thị uy rồi cũng được lệnh giải tán, lục tục ai về nhà nấy. Trên sân chỉ còn đại đội lính chủ lực và lão Nhứt Thấy. Thấy lão vẫn ngồi bệt ra đất, gương mặt không còn hồn vía, chẳng thể đứng lên nổi, thiếu úy Phẩm nhếch mép cười nhạt: - Con cháu nhà ông hả? Tội nghiệp! Tôi làm phước cho một chuyến, ông cứ mang về mà chôn! Nhìn ánh mắt lườm lườm sắc như dao găm của thiếu úy Phẩm, nhìn đám lính tráng đằng đằng sát khí, đạn sẵn trên nòng, không hiểu sao Nhứt Thấy buột miệng: - Không phải, bẩm… không phải! Tui đâu có quen biết gì với người này! Thiếu úy Phẩm phóng chiếc xẻng quân dụng cắm phập xuống đất, sát cạnh chiếc đầu, giọng nhàn nhạt không chút âm sắc: - Không quen thì lôi vô chân rào mà chôn! Rồi hắn quày gót đi thẳng… *** - Đầu đuôi câu chuyện như vậy đó! Tui thiệt có lỗi với gia đình thằng Năm Chói, có lỗi với cách mạng! - Câu chuyện của Nhứt Thấy cứ đứt quãng bởi cái giọng run run, nghèn nghẹn đầy nước mắt của người có tuổi tự cảm thấy mình không xứng đáng với cháu con, với xóm làng. Ông với tay lấy chiếc bình định rót ly trà mời khách mà gương mặt trắng bệt, bàn tay run rẩy như người lên cơn sốt, khiến nước trà không chịu chảy vào ly mà tràn ra cả mặt bàn. Bảy Chúc dịu giọng an ủi: - Trong hoàn cảnh đó, chắc ai cũng xử sự như chú thôi! Bây giờ, chú cố bình tâm nhớ lại thật kỹ vị trí mà chú chôn cái đầu anh Năm! - Cái đó thì tui có ý ngay từ khi cầm chiếc xẻng trên tay! - Giọng lão Nhứt Thấy đã trở nên bình tĩnh hơn: Tui chôn thằng Năm ngay dưới cây cột rào thứ ba, từ cửa vào, bên trái. - Tụi thằng Phẩm có gài trái ở vị trí đó không?
- - Hồi tui chôn thì không! Khi tui về rồi, tụi nó có gài không, tui thiệt hổng biết! - Vậy chú nhớ vị trí chôn còn có đặc điểm gì nữa không? - Cột rào đó bằng cây gòn mới trồng, vừa mới đâm mấy chùm lá non! Bảy Chúc quơ vội chiếc nón lá bước ra mà quên gởi lại câu kiếu từ gia chủ. Vừa đi, chị vừa lẩm bẩm cho cố thuộc: Cột rào thứ ba, bên trái. Cây gòn có mấy chùm lá non… Ấp Nhứt, xã Mỹ Long là một địa bàn khá đặc biệt, áng ngữ ngay trên ngã ba Máy Chà, giống như lưỡi dao của thần Tự do từ vùng giải phóng ấp Tư, ấp Năm hướng về, cắt đứt con lộ huyết mạch nối liền thị tứ Bến Đáy với chi khu quân sự Cầu Ngang của địch. Đây chính là địa bàn tập kết mittinh của các lực lượng quân sự, chính trị, binh vận Mỹ Long trước khi nhứt tề nổi dậy giành lấy chánh quyền về tay nhân dân hôm Đồng khởi tuần trước. Cũng tại ngã ba này, suốt buổi sáng hôm qua, tiểu đội du kích Mỹ Long, do Năm Chói chỉ huy, bẻ gãy cuộc hành quân can viện của một tiểu đoàn chủ lực thuộc Sư đoàn bộ binh số Chín. Cay cú trước thất bại, thiếu úy Phẩm tự tay cắt lấy đầu người liệt sĩ chỉ huy du kích mang về căn cứ Bùng Binh để thị uy. Mấy xóm nhà tại ngã ba Máy Chà, qua xóm Cây Còng, xóm Giồng Nổi, xóm Chòi Mòi… sáng nay yên ắng lạ thường. Từ người già cho chí trẻ con, ai cũng thương tiếc trước sự hy sinh anh dũng của người chỉ huy du kích Mỹ Long - người con trai hiền lành, chân chất của quê hương ấp Nhứt. Dọc đường đi, Bảy Chúc cố dằn lòng cười đùa vài câu cho có không khí với mấy anh du kích trẻ đang lặng lẽ vét lại chiến hào, cảnh giới địch từ phía Cầu Ngang. Khi Bảy Chúc về tới thì lễ truy điệu liệt sĩ Năm Chói vẫn chưa tiến hành được. anh Thọ Ròm - Bí thư Chi bộ và anh Hai Tích - Xã đội trưởng đang đứng ngồi không yên nhìn về hướng nhà Năm Chói. Ở đó, người mẹ già đôi mắt như hóa rồ, tay cầm chiếc dao phay quơ loạn xạ trước sân. Trong nhà, người vợ trẻ bụng mang dạ chửa cứ xỉu lên xỉu xuống nhưng nhất quyết không rời thi thể không đầu của người chồng được đặt trên chiếc giường tre giữa nhà. Vượt lên tiếng gọi khe khẽ của anh Thọ Ròm, Bảy Chúc bước thẳng vào sân bởi chị hiểu rằng, trong giờ phút đặc biệt ấy, chị là người thích hợp nhất để giải
- quyết tình huống. Theo chân Bảy Chúc, anh Thọ Ròm, anh Hai Tích cùng mấy du kích và hơn chục bà con lối xóm cũng bước vào. - Cô Sáu, mợ Năm cố mà bình tâm lại! - Bảy Chúc lên tiếng mà không kềm được nước mắt khi thấy thi thể không đầu của anh Năm Chói: Làm cách mạng cứu nước thì chuyện hy sinh mất mát chắc khó tránh khỏi. Con xin cô Sáu và mợ Năm nó dằn cơn đau lòng… - Trời ơi, chồng tui làm nên tội nên tình gì mà chết không toàn thây! Anh Năm ơi, anh về dưới làm sao ông bà nhìn anh được? Hổng lẽ, cứ làm ma không đầu bơ vơ, vất vưởng… hà… hà… - Chị Năm Chói cố lết gần hơn bên chồng nhưng lại ngất đi. - Trả đầu lại cho con tao! Mấy người mau trả đầu lại cho con tao! - Bà Sáu lại cầm dao quơ tràn ra phía trước. Bảy Chúc ôm chầm lấy người mẹ khốn khổ ấy mà khóc. Chỉ là đồng chí, đồng đội mà chị đã đau buốt cả lòng khi nhìn thấy thi thể không vẹn toàn của anh, hà huống nỗi lòng người mẹ già từng mang nặng đẻ đau và người vợ trẻ đầu ấp tay gối kia. Có lẽ, những giọt nước mắt chân tình của chị đã làm người mẹ, người vợ khổ đau ấy phần nào bình tâm lại. Bà Sáu buông dao, hai tay bưng lấy mặt, khóc ròng. Thà rằng như vậy, khi khổ đau lên đến tột cùng mà rơi được giọt nước mắt tức là nỗi đau khổ ấy cũng tự vơi đi. Bên ngoài, bà con lối xóm kéo đến ngày một đông. Bảy Chúc nhận ra không ít ánh mắt lộ rõ sự bàng hoàng khi nhìn thấy thi thể không đầu của anh Năm Chói đang nằm giữa nhà. Tâm lý sợ làm ma không đầu ấy mà lây lan trong quần chúng thì phong trào cách mạng xã Mỹ Long vừa mới gầy dựng lại sẽ gặp khó khăn không ít. Nghĩ vậy, Bảy Chúc dìu bà mẹ bước ra giữa sân, đôi mắt chị ráo hoảnh: - Thưa má Sáu, thưa bà con! Chuyện liệt sĩ Năm Chói hy sinh không toàn vẹn thi thể, mà Sáu và mợ Năm đau một thì Chi bộ Mỹ Long đau đến mười. Đây là tội ác đáng kinh tởm của kẻ địch mà cũng là khuyết điểm của Chi bộ, của Xã đội trong công tác thương binh, tử sĩ. Thay mặt Chi bộ, tôi hứa với má Sáu với mợ Năm và toàn thể bà con có mặt tại đây: Ngày mai, bằng mọi giá, chúng tôi sẽ mang thủ cấp của đồng chí Năm Chói về giao lại cho gia đình!
- Nghe Bảy Chúc hứa một cách chắc nịch nhưng trong ánh mắt bà con vẫn còn không ít người bán tín bán nghi. Riêng đôi mắt của Bí thư Chi bộ Thọ Ròm trở nên tròn xoe, không chớp. Cái miệng vốn đã không ngay ngắn của anh giờ méo xệch hẳn về một phía. Lễ truy điệu liệt sĩ Năm Chói vừa dứt, mọi người chuẩn bị đưa thi hài người quá cố ra mộ huyệt thì Bảy Chúc lấy chiếc khăn bông vấn choàng hầu, đội thêm chiếc nón lá kép sụp phía trước mặt, dẫn xe đạp ra đi. Anh Thọ Ròm lấy làm ngạc nhiên: - Cô Bảy, đi đâu vậy? - Tôi ra Cầu Ngang khám bệnh! - Bảy Chúc đáp mà mặt không ngoảnh lại. Thọ Ròm ngây người nhưng rồi anh hiểu ngay ý định của Bảy Chúc: Nhà thương Cầu Ngang nằm sát cạnh khu căn cứ Bùng Binh của địch. Anh nói với theo bóng người đảng viên trẻ: - Cẩn thận, cô Bảy! Bảy Chúc vừa đạp xe khỏi chùa Dơi ấp Nhứt thì chạm mặt cả tiểu đoàn chủ lực địch hành quân ra can viện. Chị bình thản kéo chiếc nón lá che nghiêng hơn nửa mặt, đạp xe đi thẳng. Phía sau lưng chị, những tiếng súng chống càn của du kích Mỹ Long đã, từng phát một, vang lên. *** Nửa đêm. Trời vần vũ như muốn đổ mưa. Đất trời tối đen như mực. Thỉnh thoảng mấy tia chớp ngoằn ngoèo nổi lên từ phía chân trời tạo ra chút ánh sáng nhàn nhạt, rồi nhanh chóng trả lại cho màn đêm một màu đen thăm thẳm. Từ trên vọng gác tháp canh, chiếc đèn pin sáng rực cứ đều đặn chầm chậm quét qua một vòng hai phút một, khắp vòng rào căn cứ. Bảy Chúc cố thu người lại thật nhỏ, để cho màu áo bà ba xanh sậm của mình hòa vào mấy bụi cây dại bên đường. Mỗi lần tia chớp lóe lên, mỗi lần ánh đèn pin quét tới, chị cố phóng tầm mắt quan sát thật kỹ khoảng không gian trước mặt, nhất là khoảng sân từ vòng rào thứ nhất đến vòng rào thứ hai căn cứ Bùng Binh, rồi đối chiếu với lời tường
- thuật của lão Nhứt Thấy, với những gì chính mắt chị trông thấy hồi sáng khi đạp xe ngang qua và cả với những thông tin moi được từ đám vợ lính vốn mau miệng trên băng đá chờ đợi trước phòng khám nhà thương Cầu Ngang. Xốc lại chiếc kềm cắt dây kẽm, chiếc dao phay đào đất và trái lựu đạn trong túi (gặp tình huống xấu nhất thì “chia hai” với địch, có sao đâu!), tranh thủ khi ánh đèn pin vừa quét khỏi, Bảy Chúc phóng người băng về phía hàng rào căn cứ, cố gắng sao cho khi ánh đèn pin quét trở lại, chị đã ngồi thu mình an toàn ở bụi cây dại phía trước. Vượt hàng rào thứ nhất, Bảy Chúc thở phào nhẹ nhõm biết rằng mình đã thoát khỏi tầm cảnh giới của tên lính cùng ánh đèn pin trên vọng gác. Chị nhanh chóng tiếp cận vòng rào thứ hai. Định thần thật kỹ, chị men theo hàng rào, tiến về phía trái. Cột hàng rào thứ nhất, cột hàng rào thứ hai, cột hàng rào thứ ba… Đúng rồi, cây gòn mới trồng vừa đâm mấy đọt non mơn mởn. Bảy Chúc ngồi thụp xuống. Hai bàn tay chị rà khắp lượt trên mặt đất để cố phân biệt đâu là đụn đất ai đó vừa đào dế, đào đuôn với đụn đất do lão Nhứt Thấy cố tình để lại. Mưa bắt đầu rơi. Những cơn mưa tháng Chín đầu mùa gió chướng vỗ lộp độp lên vai, lên áo chị, rồi như nổi cơn thịnh nộ, ào ào trút nước xuống mặt đất. Trời đất càng tối đen như mực. Đâu đó, mấy con nhái bầu trở mình cất tiếng rên khe khẽ. Thỉnh thoảng, con chuột cống phóng mình qua bụi rậm, cánh vạc ăn đêm tung mình qua ngọn cây. Tên lính ngáy ngủ giật mình, bắn vội mấy loạt đạn vu vơ. Trời vẫn tối đen như mực. Bảy Chúc ấn mạnh lưỡi dao xuống mặt đất sát chân cột rào. Lớp đất xốp xộp khiến lưỡi dao cắm phập, ngọt sớt. Anh Năm vì nước hy sinh còn bị giặc đày đọa đến nỗi này, nếu không may bị thêm vết thương từ chiếc dao của mình thì xót quá! Nghĩ vậy, chị buông dao sang một bên, bấu đôi tay trần xuống đất mà xới từng lớp, từng lớp một. Cái hố sâu dần, sâu dần, khiến chị phải nhoài người nằm sấp ra đất mà bươi. Hốt nhiên, bàn tay Bảy Chúc khẽ chạm vào chiếc đầu. Những sợi tóc bết đất vướng vào kẽ tay lành lạnh khiến chị rụt cả đôi tay lại. Đồng chí mình chớ ai đâu xa lạ mà sợ! Nghĩ vậy, Bảy Chúc lại tiếp tục bới nhanh hơn. Không biết tụi thằng Phẩm nham hiểm có gài trái phía dưới không? Bảy Chúc một tay giữ cho chiếc đầu đứng yên, tay kia lòn xuống phía dưới rà dọc, rà
- ngang. Đến khi chắc chắn rằng không có gì nguy hiểm, chị mới hai tay nhẹ nhàng nhấc bổng chiếc đầu của người liệt sĩ lên. Chiếc đầu sau hơn hai ngày ủ kín, bất ngờ được đưa lên khỏi mặt đất phả làn hơi nồng nặc, xộc thẳng vào mặt, vào mũi Bảy Chúc, khiến cho đôi mắt chị như lòa hẳn đi. Bảy Chúc khẽ nhắm mắt lại định thần. Trời vẫn cứ cuồng nộ, xối xả cơn mưa trút nước xuống mặt đất. Từ phía chân trời, những tia chớp ngoằn ngoèo cố xé toạt màn đêm bằng một thứ ánh sáng nhàn nhạt. Gương mặt anh Năm Chói đã trở màu tím tái, trương to phập phều. Đôi mắt vẫn cứ trợn trừng, nửa như căm hờn, nửa như trách cứ. - Anh Năm sống linh thác thiêng, hãy yên tâm mà về với ông bà. Anh em du kích Mỹ Long nhất định sẽ trả thù cho anh! Món nợ máu này, nhất định thằng Phẩm phải trả! Vừa khấn, Bảy Chúc nhẹ nhàng đưa tay vuốt mắt người đồng đội quá cố. Mưa vẫn xối xả tuôn. Đất trời vẫn tối đen như mực, thỉnh thoảng bị xé toạt bởi ánh sáng nhàn nhạt từ những tia chớp ngoằn ngoèo tận phía chân trời. Ánh đèn pin từ tháp canh vọng gác vẫn cứ hai phút một, đều đặn quét một vòng chung quanh khu căn cứ. Bảy Chúc hai tay ôm chặt lấy chiếc đầu người liệt sĩ, chân khỏa vội lớp đất vừa đào lên vào hố, rồi men theo bờ rào, men theo từng bụi cây dại mà trở ra. Cứ thế, hai tay ôm chặt người đồng đội, Bảy Chúc vừa đi vừa lấp xấp chạy, vượt hơn bảy cây số đường cát ướt sũng nước mưa, hướng về phía biển, nơi có hình bóng người mẹ già còm cõi, người vợ trẻ bụng mang dạ chửa đang ngút trời đau thương vì người thân xả thân vì nước mà phút cuối vẫn không vẹn toàn thi thể. Đâu đó, tiếng gà đã rộ lên từng hồi… *** Sáng hôm sau, Chi bộ và Xã đội Mỹ Long họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Bí thư Thọ Ròm, bàn phương án đưa du kích bố phòng tác chiến, quyết không cho địch tái chiếm Mỹ Long. Cuộc họp đang hồi sôi nổi thì Bảy Chúc bước vào, hai tay bày ra bàn chiếc mâm đồng trên có phủ lá cờ Tổ quốc. Chị nói trong tiếng nấc:
- - Thưa đồng chí Bí thư! Thưa các anh em! Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mang thủ cấp của liệt sĩ Năm Chói trở về! Anh Thọ Ròm đưa tay vén lá cờ. Gương mặt trung đội trưởng du kích Năm Chói tuy đã trở màu tím tái, mặt mũi trương phập phều nhưng đôi mắt đã nhẹ khép, mãn nguyện như một người vừa hoàn thành nhiệm vụ, trở lại từ biệt đồng đội, anh em trước lúc đi xa. Cuộc họp dừng lại. Anh Thọ Ròm hai tay kính cẩn bưng chiếc mâm đồng có phủ lá cờ Tổ quốc, dẫn theo những người đồng chí, đồng đội từng vào sinh ra tử cùng Năm Chói, hướng về khu mộ liệt sĩ mới chôn hôm trước. Má Sáu cùng chị Năm Chói nghe tin chạy vội ra. Má và chị ôm chầm lấy Bảy Chúc mà khóc, những giọt nước mắt nóng hổi. Bà con Mỹ Long nghe tin cũng vội kéo tới. Mặt trời nhô khỏi rặng bần thưa ngoài bãi, chiếu những tia nắng ban mai ấm áp. Anh Thọ Ròm, anh Hai Tích cùng chị Bảy Chúc trở ra chiến hào, cùng anh em du kích chắc tay súng đợi giặc. Theo chân họ, hình như có cả anh linh người trung đội trưởng dũng cảm ngày nào. *** Không biết hương hồn anh Năm Chói có đưa lối dẫn đường hay đất trời dung rủi thế nào mà gần đúng mười năm sau, đâu khoảng tháng Ba năm Một chín bảy mươi, đại úy Phẩm - thiếu úy Phẩm ngày nào đã thăng lên đại úy tiểu đoàn trưởng - lại dẫn xác ra Mỹ Long. Ý đồ của chúng là dùng sức mạnh của tiểu đoàn chủ lực lấn chiếm chà xát, rồi đóng đồn bình định vào sâu vùng giải phóng. Sau một ngày hành quân vất vả, lại bị du kích Mỹ Long bám sát, nổ súng quấy phá liên tục, đại úy Phẩm cho cắm quân tại xóm Cây Còng - cách ngã ba Máy Chà không qua hai trăm thước - nghỉ qua đêm. Nửa đêm hôm đó, trung đội trưởng Tư Nâu dẫn trung đội du kích Mỹ Long đột kích nhả bã chính xác vào khu vực chỉ huy sở của địch. Sáng hôm sau, nghe tin đại úy Phẩm đền tội còn bỏ xác tại trận, một số du kích Mỹ Long cùng thân nhân nhà liệt sĩ Năm Chói xách dao băng đồng tìm tới, định cắt lấy đầu tên giặc gian ác mang ra tế mộ Năm Chói.
- Huyện đội phó Bảy Chúc, người được Huyện ủy phân công về chỉ đạo Mỹ Long chống lấn chiếm, nghe tin cũng tìm tới. Cô rẽ đám đông đang phấn khích, bước vào. Xác đại úy Phẩm đang nằm vắt qua bờ mẫu, hai tay vung về phía trước như cố cầu nguyện sự chở che của Chúa. Một anh du kích vung chân đá mạnh vào vai, khiến hắn bật ngửa trở ra, gương mặt trắng bệt, tóc tai rũ rượi, mặt mũi bê bết máu và nhem nhuốc bùn. Con người khi sống có hung hăng, nham hiểm tới đâu đi nữa khi chết bờ chết bụi thì thi thể cũng chỉ là cái xác mục bên đường. Chỉ tội cho vợ, cho con! Nghĩ tới vợ con tên giặc, bất giác cô Bảy nhớ lại đôi mắt hóa rồ của người mẹ, cái dáng tiều tụy xỉu lên xỉu xuống của người vợ mười năm về trước bên thi thể không đầu của Năm Chói. Lại sẽ có một người mẹ, một người vợ (dù hung dữ hay hiền lành, dù ăn trên ngồi trước hay nhà tranh vách lá cũng là người đàn bà Việt Nam đau khổ trước chiến tranh) sẽ sống chết ra sao khi người thân của mình trở về chỉ là cái xác không đầu. Cô Bảy Chúc xoay người lại, mắt nhìn thẳng vào đám đông quá khích cùng những ánh dao loang loáng: - Tôi yêu cầu các đồng chí, anh em lui ra ngay! Dân Mỹ Long anh hùng không hèn hạ trả thù người chết! Không biết từ bao giờ má Sáu và chị Năm Chói cũng có mặt, tận mắt nhìn thi thể tên giặc mười năm trước tự tay cắt đầu chồng con mình. Giọng má Sáu nghẹn ngào: - Đừng cắt đầu con người ta, các con ơi! Nghe giọng nói run run, đứt quãng của người mẹ từng sống trong tận cùng của sự đau khổ, những ánh mắt quá khích chợt chùng hẳn xuống. Những con dao được mài sáng loáng nhẹ nhàng rơi xuống đất… Chiều hôm đó, có hai người đàn bà, một già một trẻ, vận quần áo đen, từ Trà Vinh theo xe đò xuống nhận xác người thân chết trận. Họ gục đầu thảng thốt bên thi thể nguyên vẹn của người đàn ông trên ve áo quân phục còn đính ba bông mai vàng kiêu ngạo. Trong một góc nhà ven ngã ba Máy Chà, có hai người đàn bà, cũng một già một trẻ, ôm nhau và khóc…
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Nối dài tour về miền Tây
4 p | 112 | 14
-
Bánh tét lạ tại Sài Gòn
5 p | 95 | 9
-
Thiên đường trên Thái Bình Dương
9 p | 57 | 7
-
Khám phá khu rừng cổ Bialowieza ở Châu Âu
3 p | 64 | 6
-
Ôxca Và Êric
5 p | 52 | 3
-
Sapa Tuyết Trắng Xoá
2 p | 67 | 3
-
Người Đàn Bà Mang Đôi Giầy Đỏ
11 p | 79 | 3
-
Sarasota - Thành phố trốn tuyết
4 p | 54 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn