intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đánh giá và lựa chọn mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với biến đổi khí hậu tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

11
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Đánh giá và lựa chọn mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với biến đổi khí hậu tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh" nhằm đánh giá và lựa chọn mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với biến đổi khí hậu tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá rô phi ở đây trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các tiêu chí đánh giá tập trung vào cơ sở hạ tầng (6 tiêu chí), công nghệ và quản lý trại nuôi (7 tiêu chí), nhận thức và ứng phó với biến đổi khí hậu (2 tiêu chí). Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đánh giá và lựa chọn mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với biến đổi khí hậu tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

  1. ĐÁNH GIÁ VÀ LỰA CHỌN MÔ HÌNH NUÔI CÁ RÔ PHI THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI THỊ XÃ ĐÔNG TRIỀU, TỈNH QUẢNG NINH Bùi Đắc Thuyết Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Tóm tắt Nghiên cứu nhằm đánh giá và lựa chọn mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với biến đổi khí hậu tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá rô phi ở đây trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các tiêu chí đánh giá tập trung vào cơ sở hạ tầng (6 tiêu chí), công nghệ và quản lý trại nuôi (7 tiêu chí), nhận thức và ứng phó với biến đổi khí hậu (2 tiêu chí). Mỗi tiêu chí được đánh giá, cho điểm theo thang điểm 5 (5 = Rất tốt, 4 = Tốt, 3 = Trung bình, 2 = Kém, 1 = Yếu). Năm trại nuôi cá rô phi (TRP1, TRP2, TRP3, TRP4, TRP5) được lựa chọn để đánh giá chi tiết theo các tiêu chí và thang điểm nêu trên. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả năm trại nuôi cá rô phi có các tiêu chí đánh giá đạt mức trung bình trở lên, trừ tiêu chí về hệ thống cấp, thoát nước, ao chứa và ao lắng của các trại TRP1, TRP2 và TRP5. Trại nuôi cá rô phi TRP4, có điểm đánh giá cao và được đề xuất như mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giới thiệu cho cộng đồng nuôi cá rô phi trong vùng. Từ khóa: Nuôi cá rô phi; Biến đổi khí hậu; Đông Triều, Quảng Ninh. Abstract Assessment and selection of the Tilapia farming model adaptable to climate change in Dong Trieu town, Quang Ninh province This study aimed to assess and identify the Tilapia farming model adaptable to climate change in Dong Trieu town, Quang Ninh province, contributing to the sustainable development of Tilapia farming under climate change. The evaluation criteria focused on infrastructure (6 criteria), culture techniques and farm management (7 criteria), awareness and response to climate change (2 criteria). Each criterion was evaluated and scored on a 5-point scale (5 = Very good, 4 = Good, 3 = Average, 2 = Poor, 1 = Weak). Five Tilapia farms (TRP1, TRP2, TRP3, TRP4, TRP5) were selected for the assessment. The results showed that most studied criteria at Tilapia farms were averaging upwards, except criteria on influent and effluent systems, reservoirs and settling ponds of TRP1, TRP2 and TRP5. The Tilapia farm TRP4 had a high overall score and thus it can be selected as the Tilapia farming model adaptable to climate change for introduction into the Tilapia farming community there. Keywords: Tilapia farming; Climate change; Dong Trieu, Quang Ninh. 1. Đặt vấn đề Nuôi cá rô phi ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm qua, đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế của nhiều địa phương, tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân ở các vùng nông thôn, cũng như tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của FAO (2023), Việt Nam luôn ở tốp 10 nước có sản lượng cá rô phi nuôi nhiều nhất trên thế giới trong những năm gần đây (với sản lượng cá rô phi nuôi đạt cao nhất là 288.333 tấn năm 2019) [1]. Theo quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, diện tích nuôi cá rô phi ở nước ta đạt 33.000 ha và 1.500.000 m3 lồng nuôi trên sông và hồ chứa lớn năm 2020. Đến năm 2030 tổng diện tích nuôi cá rô phi của cả nước đạt 40.000 ha và 1.800.000 m3 lồng nuôi trên Hội thảo Khoa học Quốc gia 2023 125
  2. hệ thống sông và hồ chứa lớn, trong đó 40-45 % diện tích nuôi theo hướng thâm canh và 20-25 % diện tích nuôi trong ao đầm nước lợ theo hình thức nuôi đơn hoặc kết hợp với các đối tượng khác [2]. Trong đó, Quảng Ninh được quy hoạch là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi cá rô phi lớn của cả nước. Tổng diện tích nuôi cá rô phi của tỉnh đến năm 2030 sẽ đạt 2.300 ha, sản lượng đạt khoảng 12.000 tấn [2, 3]. Thị xã Đông Triều là một trong những địa phương đã và đang được ưu tiên phát triển các vùng nuôi cá rô phi tập trung của tỉnh [3]. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu (BĐKH) với những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, mưa lớn/hạn hán, thay đổi cường độ và tần suất của bão,… xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam nói chung và nghề nuôi cá rô phi nói riêng [4, 5]. Ví dụ, nhiệt độ nước cao vào mùa hè do những đợt nắng nóng bất thường làm ảnh hưởng đến chất lượng nước nuôi trong ao nuôi [6] cũng như làm bùng phát bệnh (như bệnh Streptococcosis do vi khuẩn Gram (+), Streptococus spp. gây ra) trên cá rô phi ở nhiều nơi ở miền Bắc nước ta, trong đó có cả thị xã Đông Triều, Quảng Ninh vào năm 2009, 2010 [7, 8]. Đợt mưa lịch sử lớn nhất trong 50 năm qua tại Quảng Ninh vào tháng 7 năm 2015 gây ngập lụt, sạt lở đất và thiệt hại cho 1.070 ha và 880 lồng, bè nuôi thủy sản tại nhiều địa phương trong tỉnh, bao gồm cả thị xã Đông Triều [9]. Hơn nữa, nghề nuôi cá rô phi ở đây cũng dễ bị tổn thương hơn dưới tác động của BĐKH do quy mô nuôi chủ yếu theo quy mô nông hộ, ít được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật dẫn đến việc kiểm soát môi trường và dịch bệnh trong toàn vùng nuôi gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đánh giá khả năng thích ứng với BĐKH của các trại nuôi cá rô phi và đề xuất mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với BĐKH tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là hết sức có ý nghĩa nhằm phổ biến, chia sẻ thông tin đến cộng đồng xung quanh, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá rô phi ở đây trong bối cảnh BĐKH. 2. Phương pháp nghiên cứu 2.1. Địa điểm nghiên cứu Nghiên cứu được thực hiện tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (Hình 1). Thị xã Đông Triều có địa hình khá đa dạng, vừa có đồi núi vừa có đồng bằng ven sông, trong đó có 2/3 diện tích là đồi núi dốc nghiêng từ Bắc xuống Nam. Ở phía Bắc và Tây Bắc của thị xã là vùng đồi núi thuộc cánh cung Đông Triều, còn ở phía Nam là vùng đồng bằng ven sông. Vùng đồng bằng phía Nam bao gồm toàn bộ khu vực phía Nam Quốc lộ 18A từ xã Bình Dương đến xã Hồng Thái Đông với phần địa hình tương đối bằng phẳng. Có 2 con sông chính chảy qua vùng đồng bằng phía Nam là sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc [10]. Thị xã Đông Triều nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng là nóng, ẩm mưa nhiều vào mùa hè và khô, lạnh vào mùa đông. Nhiệt độ không khí trung bình năm đạt 23,8 oC, dao động từ 16,6 oC đến 29,4 oC. Nhiệt độ vào mùa đông ở mức khá thấp, nhiệt độ trung bình trong tháng 01 tại các nơi đều dưới 16 oC, trị số thấp nhất tuyệt đối tới 3-5 oC. Nhiệt độ mùa hè khá cao, trị số trung bình tháng 7 đạt trên 29 oC, trị số cao nhất tuyệt đối lên tới 39-40 oC. Lượng mưa trung bình ở thị xã Đông Triều tương đối thấp so với các khu vực khác trong tỉnh, trung bình năm chỉ đạt 1.444 mm. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 80-90 % tổng lượng mưa cả năm, tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Mùa ít mưa từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa thấp chỉ chiếm khoảng 10-15 % lượng mưa cả năm. Tháng có lượng mưa ít nhất là tháng 12 và tháng 01 năm sau. Mỗi năm thị xã Đông Triều chịu ảnh hưởng khoảng 5-6 cơn bão, bão có tốc độ gió từ 20-40 m/s, thường gây ra mưa rất lớn, lượng mưa từ 100-200 mm, có nơi lên tới 500 mm [10]. 126 Hội thảo Khoa học Quốc gia 2023
  3. Với điều kiện địa hình bằng phẳng ở phía Nam của thị xã, có các hệ thống sông, kênh mương cung cấp nước ngọt nên khu vực này rất phù hợp với việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, trong đó có nuôi cá rô phi. Tổng diện tích nuôi thủy sản của thị xã Đông Triều khoảng 1.318 ha, trong đó trên 800 ha là chuyển đổi từ vùng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã, phường như Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây, Yên Đức, Hoàng Quế, Kim Sơn, Hồng Phong, Tân Việt. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá rô phi, chiếm tới 85 % diện tích nuôi thủy sản của thị xã [11]. Hình 1: Địa điểm nghiên cứu - thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh 2.2. Các tiêu chí đánh giá lựa chọn mô hình Những ảnh hưởng chính từ BĐKH tới các hoạt động nuôi cá rô phi phải kể đến như các đợt nắng nóng bất thường, kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến cá nuôi (do chúng là những đối tượng biến nhiệt) cũng như gián tiếp do làm thay đổi môi trường nước trong ao nuôi (như hàm lượng oxy hòa tan, tỷ phần NH3) và bùng phát dịch bệnh. Sự thay đổi cường độ, tần suất và hướng đi của các cơn bão, mưa, lũ bất thường làm phá hủy cơ sở hạ tầng, ngập úng hoặc hạn hán gây thiếu nước cho các trại nuôi [5, 6]. Như vậy, các điều kiện về cơ sở hạ tầng tại các trại nuôi, kinh nghiệm nuôi, đặc biệt là việc xử lý các tình huống bất lợi về thời tiết, khí hậu cũng như việc lựa chọn con giống, kiểm soát môi trường trong quá trình nuôi sẽ là những tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với BĐKH. Hơn nữa, nhận thức của các chủ trại nuôi về BĐKH sẽ là yếu tố góp phần không nhỏ trong việc đầu tư nhân lực, vật lực cũng như phối hợp với chính quyền địa phương, cộng đồng trong vùng nuôi nhằm giảm thiểu tác hại do BĐKH. Do vậy, nhận thức của chủ trại nuôi về BĐKH cũng sẽ được xem xét trong các tiêu chí lựa chọn mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với BĐKH. Các tiêu chí sử dụng đánh giá, lựa chọn mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với BĐKH tại thị xã Đông Triều cụ thể như sau [5, 12]: ● Nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng - Các ao nuôi được xây dựng, kè đắp chắc chắn, không bị rò rỉ nước. - Các ao nuôi có độ sâu từ 1,5-2 m. Hội thảo Khoa học Quốc gia 2023 127
  4. - Thiết kế cơ sở nuôi có hệ thống cấp, thoát nước chủ động (liên quan đến hệ thống thủy lợi trong vùng, kể cả ao chứa, nguồn nước dự phòng), đảm bảo nguồn nước sạch cấp cho các ao nuôi. - Vị trí trại nuôi trong vùng quy hoạch. - Các kho chứa thức ăn, hóa chất, nhà trông coi được xây dựng chắc chắn, không bị ngập úng. - Có hệ thống điện, máy phát điện phù hợp để chạy máy sục khí khi cần thiết trong nuôi thâm canh. ● Nhóm tiêu chí về kỹ thuật và quản lý trang trại nuôi - Phương thức nuôi phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật. - Mùa vụ thả nuôi thích hợp. - Cải tạo ao nuôi hợp lý, theo quy trình hướng dẫn. - Sử dụng thức ăn có chất lượng và cho cá ăn đầy đủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. - Con giống khỏe, đạt tiêu chuẩn chất lượng và được kiểm dịch. - Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi (như: Định kỳ thu và phân tích mẫu nước, sử dụng các chế phẩm, hóa chất kiểm soát môi trường,…). - Phòng chống dịch bệnh cho cá nuôi (như: Theo dõi sức khỏe hàng ngày của cá nuôi, cách xử lý khi cá bị bệnh để tránh lây nhiễm giữa các ao, sử dụng vitamin và khoáng chất, khử trùng,…). ● Nhóm tiêu chí về nhận thức và ứng phó với BĐKH - Nhận thức về BĐKH và kế hoạch phòng chống với các tác động tiêu cực từ mưa, bão bất thường do tác động của BĐKH gây ra. - Phối hợp với cộng đồng, chính quyền địa phương trong ứng phó với BĐKH (để tránh thiệt hại về người và tài sản cũng như phục hồi sản xuất sau thiên tai). Các tiêu chí nêu trên được tách thành các ý chi tiết, cụ thể trong bộ phiếu điều tra, đánh giá. Các tiêu chí sẽ được đánh giá và cho điểm ở từng cơ sở nuôi theo thang điểm 5 (5 = Rất tốt, 4 = Tốt, 3 = Trung bình, 2 = Kém, 1 = Yếu). 2.3. Đánh giá, lựa chọn mô hình Đánh giá, lựa chọn mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với BĐKH tại thị xã Đông Triều được thực hiện theo 2 bước: ● Khảo sát, thu thập các thông tin, dữ liệu về hiện trạng nuôi cá rô phi tại thị xã Đông Triều làm cơ sở cho việc đánh giá chi tiết theo các tiêu chí đã xây dựng Các thông tin chung, dữ liệu về tình hình nuôi cá rô phi tại thị xã Đông Triều được thu thập từ các báo cáo, tổng kết, số liệu của các cơ quan, ban ngành địa phương. Ngoài ra, thông tin sơ bộ về tình hình hoạt động của các trại nuôi cá rô phi tại đây (như quy mô trang trại nuôi, tình trạng cơ sở hạ tầng như ao nuôi, kho chứa thức ăn, thuốc và hóa chất, hệ thống điện và máy sục khí, sản lượng và hiệu quả kinh tế,…) được thu thập qua tham vấn với cán bộ phụ trách thủy sản của phòng kinh tế cũng như trực tiếp khảo sát, đánh giá sơ bộ ban đầu các trại nuôi cá rô phi tại thị xã Đông Triều. Các thông tin, dữ liệu thu thập và khảo sát sơ bộ này là cơ sở để lựa chọn một số trại nuôi cá rô phi tại thị xã Đông Triều và tiến hành đánh giá chi tiết theo các bộ tiêu chí được xây dựng. 128 Hội thảo Khoa học Quốc gia 2023
  5. Khảo sát, đánh giá chi tiết các trại nuôi cá rô phi theo bộ tiêu chí đã xây dựng  Dựa trên các thông tin, dữ liệu và khảo sát sơ bộ về tình hình nuôi cá rô phi tại thị xã Đông Triều như đã nêu trên, năm trại nuôi cá rô phi đã được lựa chọn, khảo sát, đánh giá chi tiết theo bộ tiêu chí đã xây dựng (Bảng 1). Bảng 1. Các trại nuôi cá rô phi (TRP) tại thị xã Đông Triều được khảo sát, đánh giá Ký hiệu Diện tích Vị trí trại Địa chỉ Số ao nuôi trại nuôi trại nuôi 21o02’13,1”N Cổ Lễ, Hoàng Quế, Đông TRP1 1,4 ha 2 ao (1 ao × 7.000 m2, 1 ao × 6.500 m2) 106o38’39,2”E Triều, Quảng Ninh 21o02’00,8”N Nội Hoàng Tây, Hoàng Quế, 3 ao (1 ao × 4.500 m2, 1 ao × 4.000 TRP2 1,4 ha 106o38’33,6”E Đông Triều, Quảng Ninh m2, 1 ao × 2.500 m2) 21o01’41,0”N Nội Hoàng, Hoàng Quế, Đông 5 ao (1 ao × 10.800 m2, 1 ao × 7.200 TRP3 4 ha 106o38’41,5”E Triều, Quảng Ninh m2, 1 ao × 5.700 m2, 2 ao × 2.500 m2) 21o01’41,1”N Nội Hoàng Đông, Hoàng Quế, 3 ao (1 ao × 7.500 m2, 1 ao × 6.500 TRP4 2 ha 106o38’48,7”E Đông Triều, Quảng Ninh m2, 1 ao × 3.000 m2) 21o02’03,2”N Cổ Lễ, Hoàng Quế, Đông TRP5 1,2 ha 1 ao × 1,2 ha 106o38’45,4”E Triều, Quảng Ninh Việc đánh giá, cho điểm theo từng tiêu chí ở mỗi trại nuôi được thực hiện dựa trên khảo sát thực tế cơ sở nuôi (nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng) và phỏng vấn trực tiếp chủ trại nuôi theo bộ phiếu điều tra (nhóm tiêu chí công nghệ, quản lý trại nuôi và nhận thức, ứng phó với BĐKH). Trại nuôi đạt được phần lớn yêu cầu theo các tiêu chí qua đánh giá và có điểm đánh giá cao sẽ được đề xuất là mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với BĐKH tại thị xã Đông Triều nhằm phổ biến, chia sẻ thông tin đến cộng đồng xung quanh. 3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận 3.1. Đánh giá các tiêu chí cơ sở hạ tầng tại các trại nuôi cá rô phi Để đánh giá, lựa chọn mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với BĐKH, cơ sở hạ tầng của các trại nuôi cũng như của cả vùng nuôi đóng một vai trò hết sức quan trọng. Kết quả đánh giá các tiêu chí về cơ sở hạ tầng được thực hiện tại năm trại nuôi cá rô phi tại thị xã Đông Triều được trình bày trong Hình 2. Kết quả đánh giá các tiêu chí về cơ sở hạ tầng của năm trại nuôi cá rô phi tại thị xã Đông Triều cho thấy ba trang trại TRP1, TRP2 và TRP4 có hệ thống ao nuôi được xây dựng, kè đắp tốt, bờ ao được xây bằng bê tông hoặc kè gạch, chắc chắn. Tuy nhiên, một số ao nuôi còn là bờ đất (như ở trại nuôi TRP3, TRP5), một số bờ ao bị sạt lở. Nền đáy của các ao nuôi cá rô phi trong các trại nuôi điều tra chủ yếu đáy đất. Các ao nuôi thường có độ sâu khoảng 1,5-2,5 m và duy trì mực nước trong quá trình nuôi từ 1,2-2,0 m. Hệ thống cấp, thoát nước trong các trang trại nuôi nhìn chung ở mức trung bình và kém (TRP1, TRP2 và TRP5). Hệ thống kênh cấp, thoát nước chủ yếu là kênh mương đất và có bèo tây, cỏ mọc nhiều ở ven bờ. Nhiều ao nuôi phải sử dụng máy bơm để cấp hoặc xả nước khi cần, trừ một số ao ở trang trại TRP3 có thể rút cạn được gần hết lượng nước trong ao khi xử lý sau mỗi vụ Hội thảo Khoa học Quốc gia 2023 129
  6. nuôi. Nước cấp cho các ao nuôi chủ yếu theo hệ thống kênh thủy lợi, sử dụng chung cho cả các hoạt động nông nghiệp xung quanh vùng nuôi. Hầu hết các trang trại nuôi cá rô phi được điều tra đều không có ao chứa, lắng xử lý nước mà nước được cấp thẳng vào ao nuôi. Hình 2: Đánh giá các tiêu chí cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH tại các trại nuôi cá rô phi tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh Vùng nuôi được quy hoạch từ vùng đất chuyển đổi từ nông nghiệp trũng, trồng lúa sang nuôi cá. Các trại nuôi ở đây phần lớn có mương cấp nước và xả thải riêng nhưng vẫn đổ ra dọc kênh thủy lợi nối với sông Bạch Đằng. Nguồn nước có thể bị ô nhiễm từ hoạt động khai thác mỏ than ở phía trên nên các trại nuôi cá không thể lấy nước cấp cho ao nuôi khi khu khai thác mỏ xả đập chứa nước thải. Các công trình phụ trợ tại các trang trại nuôi cá rô phi như nhà trông coi, kho chứa thức ăn, thuốc, hóa chất, trang thiết bị,… hầu hết được xây dựng bằng gạch, lợp ngói hoặc tấm lợp xi măng khá chắc chắn và không bị ngập úng (kể cả đợt mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi ở Quảng Ninh tháng 7 năm 2015). Nguồn điện lưới tại vùng nuôi có công suất yếu, nhiều khi không thể chạy máy quạt nước. Ngoài ra, các hộ nuôi cá rô phi đều có máy phát điện dự phòng để sử dụng khi có sự cố mất điện lưới hoặc điện quá yếu không thể chạy được máy quạt nước. 3.2. Đánh giá các tiêu chí kỹ thuật và quản lý trại nuôi cá rô phi Kết quả đánh giá thực tế, phỏng vấn 5 chủ trại nuôi cá rô phi tại thị xã Đông Triều về các tiêu chí kỹ thuật và quản lý trang trại nuôi cho thấy tiêu chí về cải tạo ao nuôi hợp lý và sử dụng thức ăn hợp lý tại cả 5 trại nuôi đều thực hiện rất tốt, các tiêu chí còn lại đạt ở mức tốt và trung bình (Hình 3). Các trại nuôi cá rô phi được khảo sát, đánh giá tại thị xã Đông Triều đều lựa chọn phương thức nuôi phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật của chủ trang trại. Các chủ trại nuôi có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động nuôi cá (từ 7 đến 15 năm). Hơn nữa, các chủ trang trại nuôi đều đã tham gia rất nhiều các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá 130 Hội thảo Khoa học Quốc gia 2023
  7. nước ngọt nói chung và nuôi cá rô phi nói riêng tổ chức tại địa phương. Hiện nay, đối tượng nuôi chủ yếu là cá rô phi (khoảng 60-70 %) và ghép với các loài cá truyền thống (như cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép). Hình 3: Đánh giá các tiêu chí kỹ thuật và quản lý trại nuôi cá rô phi thích ứng với BĐKH tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh Việc lựa chọn mùa vụ nuôi, thời điểm thả giống ở hầu hết các trại nuôi cá rô phi đều theo kinh nghiệm nuôi thực tế và nguồn cung cấp con giống trên địa bàn. Đa số các trại nuôi cá rô phi bắt đầu ươm, thả giống vụ 1 từ tháng 2-3 âm lịch và vụ 2 từ tháng 8 âm lịch trong năm. Mùa vụ thả cá rô phi cũng không sớm hơn so với những năm trước đây. Qua khảo sát, đánh giá cũng cho thấy hầu hết các trại nuôi cá rô phi thực hiện cải tạo ao nuôi khá hợp lý, đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn sau mỗi vụ nuôi (như tháo cạn nước, nạo vét bớt bùn ao, kè đắp, tu bổ bờ ao, bón vôi, phơi khô ao trước khi cấp nước cho vụ nuôi từ hệ thống kênh mương cấp nước trong vùng). Các ao nuôi thường không được gây màu do có nguồn dinh dưỡng từ thức ăn dư thừa, phân cá từ vụ trước tích tụ trong nền đáy. Chỉ có trại nuôi TRP2 có bón thêm phân lân để gây màu cho ao nuôi. Trang trại nuôi TRP1 còn sử dụng thêm chế phẩm sinh học Han- Subtyl để xử lý nước ao trước khi nuôi. Các trại nuôi cá rô phi hiện nay đều sử dụng thức ăn công nghiệp của các hãng sản xuất khác nhau như CJ Vina Agri, Kinh Bắc, Minh Tâm, CP,… Việc kiểm soát lượng thức ăn cho cá ăn đa phần là cho ăn theo nhu cầu (do thức ăn viên nổi) và điều chỉnh lượng thức ăn theo lượng cá trong ao. Về con giống, các trại nuôi cá rô phi tại thị xã Đông Triều chủ yếu sử dụng con giống từ Trung Quốc nhập về từ các đại lý ở Hải Phòng. Các chủ trại nuôi cá rô phi thường ít quan tâm đến giấy tờ kiểm dịch hoặc tự lấy mẫu kiểm tra mầm bệnh mà chủ yếu đánh giá bằng cảm quan là chính (cá khỏe, kích cỡ đồng đều,…). Do vậy, một số trại nuôi (như TRP3) có những đợt bị cá chết hết sau khi thả giống. Các trại nuôi cá rô phi cũng quan tâm đến việc kiểm soát chất lượng nước trong ao nuôi, chủ yếu là đánh giá màu nước và tiến hành quạt nước nhằm cung cấp thêm hàm lượng ôxy hòa tan trong ao, thoát các khí độc ra ngoài không khí. Riêng trại nuôi TRP1 còn có viên ôxy dự Hội thảo Khoa học Quốc gia 2023 131
  8. phòng để sử dụng khi cá nuôi bị ngạt do thiếu ôxy. Các trại nuôi cá rô phi thường không thu và phân tích mẫu nhằm kiểm soát môi trường trong ao nuôi, trừ trại nuôi TRP1 có lần thu và gửi mẫu đi phân tích tại Trung tâm giống thủy sản Quảng Ninh và TRP3 có kiểm tra pH bằng bộ kiểm tra pH nước. Các trang trại nuôi cá rô phi đều sử dụng các chế phẩm sinh học (như Super Monar’s, Arova, HAN-SUBTYL,…) định kỳ cho ao nuôi xen kẽ với những đợt sử dụng các chất khử trùng. Phòng chống dịch bệnh cho cá nuôi cũng được các chủ trang trại rất quan tâm. Các loại thuốc khử trùng được các trại sử dụng như BKC, Vikato, Iodin, TCCA, vôi,… Ngoài ra, các trại còn sử dụng định kỳ Vitamin C, thuốc Tiên Đắc trộn vào thức ăn cho cá ăn. Khi cá nuôi có hiện tượng bị chết, các trại nuôi thường mua thuốc kháng sinh theo giới thiệu của các cửa hàng thuốc thú y (như Trimesul, Anti RED) và sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. 3.3. Đánh giá các tiêu chí về nhận thức và ứng phó với BĐKH Kết quả khảo sát đánh giá các trại nuôi cá rô phi tại thị xã Đông Triều cho thấy chỉ có chủ trại nuôi TRP2 đã tham gia lớp tập huấn về BĐKH do dự án của Viện Quy hoạch Nông nghiệp tổ chức tại địa phương. Các chủ trại nuôi còn lại chưa tham gia lớp tập huấn, hội nghị nào về BĐKH. Tuy nhiên, các hộ nuôi đều có những nhận thức nhất định liên quan đến BĐKH, đặc biệt là việc ứng phó với các hiện tượng thời tiết bất thường trong những năm vừa qua. Các chủ trang trại nuôi thường xuyên kiểm tra lại bờ cống trước những đợt mưa bão lớn và thường xuyên theo dõi thời tiết trên tivi, đài phát thanh để có thể đối phó với những bất lợi về thời tiết do BĐKH gây ra. Hầu hết các trại nuôi đều phối hợp tốt với cộng đồng, chính quyền địa phương khi có những đợt mưa bão lớn để tránh thiệt hại về người và tài sản. 3.4. Đề xuất mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với BĐKH Hình 4: Đánh giá các tiêu chí về thích ứng với BĐKH ở trại nuôi cá rô phi TRP4 tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh 132 Hội thảo Khoa học Quốc gia 2023
  9. Qua khảo sát, đánh giá một số trại nuôi cá rô phi tại thị xã Đông Triều theo các tiêu chí nhằm thích ứng với BĐKH cho thấy các trại nuôi đều đáp ứng phần lớn các tiêu chí đưa ra (đạt ở mức trung bình trở lên) nhằm ứng phó với BĐKH. Điểm đánh giá theo các tiêu chí của trại nuôi TRP4 cao hơn (Hình 4), có thể lựa chọn làm mô hình chia sẻ với cộng đồng về nuôi cá rô phi thích ứng với BĐKH tại đây. 4. Kết luận và đề xuất Qua đánh giá nhằm lựa chọn mô hình nuôi cá rô phi thích ứng với BĐKH tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cho thấy năm trại nuôi được khảo sát, đánh giá đáp ứng được hầu hết các tiêu chí (đạt ở mức trung bình trở lên). Tuy nhiên, trại nuôi cá (TRP1, TRP2 và TRP5) vẫn chưa đáp ứng được một số tiêu chí đưa ra nhằm thích ứng với BĐKH (như hệ thống cấp thoát nước, hệ thống ao chứa, lắng). Trại nuôi cá rô phi TRP4 đã đạt phần lớn yêu cầu trong các bộ tiêu chí đưa ra và đạt điểm đánh giá cao, có thể lựa chọn làm mô hình điểm tại thị xã Đông Triều nhằm giới thiệu với cộng đồng về nuôi cá rô phi thích ứng với BĐKH. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. FAO (2023). Fisheries and aquaculture statistics: Global aquaculture production. Food and Agriculture Organization of the United Nations, online. [2]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016). Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hà Nội. [3]. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (2016). Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hạ Long. [4]. IPCC (2022). Climate Change 2022: Impacts, Adaptation and Vulnerability. Vol. Working Group II to the Sixth assessment report, Cambridge University Press, Cambridge, 3056 p. [5]. Bùi Đắc Thuyết, Nguyễn Hữu Nghĩa, Phan Thị Vân (2016). Sổ tay hướng dẫn tác động của biến đổi khí hậu và giải pháp thích ứng trong nuôi trồng thủy sản. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. [6]. Bùi Đắc Thuyết (2018). Quản lý chất lượng nước nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học và Công nghệ chuyên ngành Thủy sản giai đoạn 2013 - 2018. Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội. [7]. Hải Hà (2010). Nông dân Đông Triều đối mặt với hiện tượng cá chết hàng loạt. https://baophapluat.vn/ nong-dan-dong-trieu-doi-mat-voi-hien-tuong-ca-chet-hang-loat-post64817.html. [8]. Nguyễn Viết Khuê, Trương Thị Mỹ Hạnh, Đồng Thanh Hà, Nguyễn Thị Hà, Phạm Thành Đô, Bùi Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Nguyện, Nguyễn Hải Xuân, Phạm Thái Giang, Nguyễn Thị Thu Hà (2019). Xác định nguyên nhân gây chết hàng loạt cá rô phi nuôi thương phẩm tại một số tỉnh miền Bắc. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, Bắc Ninh. [9]. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (2015). Báo cáo tóm tắt tình hình thời tiết, thiên tai và thiệt hại tuần từ ngày 27/7/2015 đến ngày 02/8/2015. Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Hà Nội. [10]. Ủy ban nhân dân thị xã Đông Triều (2021). Thị xã Đông Triều: Điều kiện tự nhiên – xã hội. https:// dongtrieu.quangninh.gov.vn/Trang/DanhSachBaiVietGioiThieu.aspx?Cat=%C 4%90i%E1%BB%81u%20 ki%E1%BB%87n%20t%E1%BB%B1%20nhi%C3%AAn%20-% 20X%C3%A3%20h%E1%BB%99i. [11]. Mộc Hương (2020). Giống nuôi trồng thủy sản ở Đông Triều (Quảng Ninh): Cung không đủ cầu. https://thuysanvietnam.com.vn/giong-nuoi-trong-thuy-san-o-dong-trieu-quang-ninh-cung-khong-du-cau/. [12]. Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường (2011). Tài liệu hướng dẫn đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và xác định các giải pháp thích ứng. Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội. BBT nhận bài: 26/7/2023; Chấp nhận đăng: 15/9/2023 Hội thảo Khoa học Quốc gia 2023 133
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
9=>0