Giới thiệu<br />
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com<br />
"Hayden hoàn toàn có thể trở thành một nhà văn giỏi, nhưng thật may cho<br />
chúng ta khi cô đã quyết định trở thành giáo viên của những trẻ em bị rối<br />
loạn và khiếm khuyết về mặt tâm thần. Tuy vậy, các mô tả của Torey<br />
Hayden về những đứa trẻ này trong các tác phẩm của mình hoàn toàn không<br />
nặng tính mô phạm mà chúng chỉ giúp chúng ta hiểu được rằng con người<br />
không phải lúc nào cũng đúng như những định kiến và các chẩn đoán đưa<br />
ra... Hayden thật tài tình khi miêu tả con người thật sự bên trong của những<br />
đứa trẻ này dù cho mỗi cá nhân đều có những tính cách đặc thù. Đó là những<br />
nỗi sợ về thế giới bên ngoài, cảm giác không được yêu thương trọn vẹn, cảm<br />
giác bất lực trong việc bày tỏ nỗi đau của chính mình."<br />
Theo Washington Post Book World<br />
"Quyển sách này sẽ có một số đoạn khiến bạn tức giận. Một số đoạn khác<br />
khiến bạn phải bật khóc. Và sẽ có một số đoạn khiến bạn vui thích, đắm<br />
chìm trong thế giới trong sáng của trẻ thơ. Nhưng cho dù phản ứng của bạn<br />
là gì đi nữa thì chúng tôi nghĩ bạn sẽ phải thừa nhận với chúng tôi rằng đã từ<br />
lâu rồi chúng ta mới đọc được một cuốn sách mang lại cho ta nhiều cung bậc<br />
cảm xúc như cuốn Đêm tối và ánh sáng này."<br />
Theo New York Times<br />
"Cuốn sách thật sự viết về tất cả trẻ em ở mọi nơi... những đứa trẻ đang cần<br />
phép nhiệm màu về tình yêu thương vô điều kiện của cô giáo trẻ này, người<br />
sẵn sàng trao tặng tình yêu thương của mình cho chúng. Tôi ước gì các bậc<br />
phụ huynh và quý thầy cô đều có cơ hội đọc được cuốn sách này."<br />
Eda LeShan, tác giả của In Search of Myself - and Other Children<br />
Tặng con, Sheila R.,<br />
Mọi người đều hỏi cô về bài thơ dán trên bức tường trong phòng làm việc<br />
của cô.<br />
Và cô nghĩ là tốt hơn hết nên kể cho họ biết về cô bé đã làm bài thơ đó.<br />
<br />
Cô chỉ hy vọng mình có thể viết hay bằng một nửa các nhà văn mà thôi.<br />
<br />
Lời nói đầu<br />
Từ lúc trưởng thành, phần lớn thời gian làm việc của tôi đều dành cho những<br />
trẻ em bị rối loạn cảm xúc. Mùa thu năm thứ nhất đại học, tôi đã tình nguyện<br />
tham gia vào một chương trình dành cho trẻ em chưa đến tuổi đến trường bị<br />
rối loạn và khiếm khuyết về mặt tâm thần. Tôi nhanh chóng bị cuốn hút vào<br />
những khía cạnh đa dạng của chứng rối loạn tâm thần ở trẻ nhỏ. Từ đó đến<br />
nay, tôi đã đạt được ba tấm bằng, dành ra mấy năm làm giáo viên trợ giảng,<br />
rồi làm giáo viên, rồi trở thành giáo viên hướng dẫn cho sinh viên đồng thời<br />
nghiên cứu về tâm thần. Tôi đã từng sống ở năm tiểu bang khác nhau, làm<br />
việc trong những trung tâm chăm sóc sức khỏe tư nhân, trường học công lập,<br />
phân khoa thần kinh biệt lập và những học viện của tiểu bang trong khi<br />
vẫn luôn theo đuổi một đáp án mơ hồ về những đứa trẻ ấy - một chiếc chìa<br />
khóa thần kỳ sẽ khiến chúng cởi mở hơn, giúp tôi có thể hiểu được chúng.<br />
Tuy vậy, tận trong sâu thẳm, tôi vẫn luôn biết rằng không hề có chiếc chìa<br />
khóa nào tồn tại, và đối với một số trẻ, ngay cả tình yêu cũng không bao giờ<br />
đủ. Thế nhưng niềm tin vĩnh hằng trong tâm khảm con người vượt qua tất cả<br />
những lý lẽ, vươn xa khỏi tầm với hạn hẹp của những tri thức thông thường.<br />
Mọi người vẫn thường hỏi thăm tôi về công việc tôi đang làm. Và tôi thường<br />
nghe những câu hỏi đại loại như "Có chán lắm không?", "Có thấy nản không<br />
khi ngày ngày phải đối mặt với tình trạng bạo hành, những cảnh thiếu thốn,<br />
tình trạng nghiện ngập, rượu chè, lạm dụng thể xác, sự thiếu quan tâm chăm<br />
sóc và cả kỳ thị chủng tộc?". Một giáo viên từng hỏi tôi: "Cô có thấy nản<br />
lòng không khi phải làm việc cật lực mà chẳng nhận được gì?". Một số<br />
người thân thì lại hỏi: "Cô có thấy nản lòng không khi biết rằng dù mình có<br />
cố gắng thế nào đi nữa thì những đứa trẻ đó cũng đã bị xã hội nhìn nhận là sẽ<br />
phải sống một cuộc đời - mà theo tiêu chuẩn của chúng ta - không bao giờ<br />
mang lại lợi ích và đóng góp cho xã hội, hay thậm chí chỉ là một cuộc sống<br />
bình thường? Có thấy nản lòng không?".<br />
Không. Hoàn toàn không. Chúng chỉ là những đứa trẻ, đôi lúc cũng khiến<br />
mình cảm thấy bực bội như bao đứa trẻ khác, nhưng chúng cũng có lòng trắc<br />
ẩn và sự tinh tế như mọi người. Vấn đề là dường như mọi người chỉ nhận<br />
thấy những cơn nổi loạn điên cuồng của chúng mà thôi, và thế là họ cứ cho<br />
rằng bọn trẻ chỉ biết có vậy.<br />
Nhưng thật ra những đứa trẻ ấy đâu phải hoàn toàn như thế. Chúng rất can<br />
đảm. Nhưng không may, lòng dũng cảm của chúng lại bị những sự kiện bên<br />
<br />
ngoài khác làm cho lu mờ. Một số trẻ sống với những cơn ác mộng ám ảnh<br />
thường trực đến nỗi bất kỳ hành động nào của chúng cũng hàm chứa nỗi<br />
kinh hoàng mơ hồ. Có trẻ sống trong bạo lực và hoàn cảnh éo le không thể tả<br />
thành lời. Số khác bị đối xử còn thua cả súc vật. Một số sống không có tình<br />
thương, số khác sống không hy vọng. Nhưng chúng vẫn chịu đựng và chấp<br />
nhận, bởi chúng không còn cách nào khác.<br />
Cuốn sách này chỉ nói về một đứa trẻ. Cuốn sách không dùng để kêu gọi<br />
lòng thương hại; cũng không có ý định ca ngợi một cô giáo. Cũng không chỉ<br />
trích những người sống thản nhiên không để tâm đến những gì xảy ra xung<br />
quanh. Thật ra, đây chỉ là một đáp án cho câu hỏi liệu người ta có chán ngán<br />
không khi cứ phải tiếp xúc và làm việc với các bệnh nhân tâm thần. Đây là<br />
một bài ca về nhân tâm, bởi đứa trẻ này cũng như con cái chúng ta, như tất<br />
cả chúng ta - Cô bé là một con người.<br />
<br />