intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Di sản nông thôn: Nhìn nhận giá trị di sản làng An Truyền – Đầm Chuồn, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Thừa Thiên Huế

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong bài viết này, bằng việc tiếp cận những khái niệm liên quan đến “di sản nông thôn”, thông qua phương pháp khảo sát thực địa Làng An Truyền, phương pháp bản đồ, phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, đối chiếu nhóm tác giả mong muốn nhận diện, nhìn nhận, đánh giá giá trị di sản nông thôn làng An Truyền làm cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển bền vững vùng đầm phá, phát triển du lịch nông thôn đặc biệt là du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch văn hoá và du lịch bản địa.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Di sản nông thôn: Nhìn nhận giá trị di sản làng An Truyền – Đầm Chuồn, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Thừa Thiên Huế

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) DI SẢN NÔNG THÔN: NHÌN NHẬN GIÁ TRỊ DI SẢN LÀNG AN TRUYỀN – ĐẦM CHUỒN, VÙNG ĐẦM PHÁ TAM GIANG - CẦU HAI, THỪA THIÊN HUẾ Bùi Thị Hiếu*, Nguyễn Quang Huy Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế *Email: buihieu@husc.edu.vn Ngày nhận bài: 21/4/2024; ngày hoàn thành phản biện: 10176/2024; ngày duyệt đăng: 24/7/2024 TÓM TẮT Các làng dọc vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai Huế nói chung và làng An Truyền nói riêng mang đậm những giá trị đặc trưng về lịch sử hình thành, văn hoá bản địa, giá trị về mặt cảnh quan nông thôn đầm phá, kiến trúc nông thôn, nghề chài lưới, sản phẩm địa phương, lễ hội, ẩm thực truyền thống định hình nên hình ảnh đặc trưng, bản sắc vùng sóng nước. Trong bài báo này, bằng việc tiếp cận những khái niệm liên quan đến “di sản nông thôn”, thông qua phương pháp khảo sát thực địa Làng An Truyền, phương pháp bản đồ, phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, đối chiếu nhóm tác giả mong muốn nhận diện, nhìn nhận, đánh giá giá trị di sản nông thôn làng An Truyền làm cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển bền vững vùng đầm phá, phát triển du lịch nông thôn đặc biệt là du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch văn hoá và du lịch bản địa. Từ khóa: Làng An Truyền, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, di sản nông thôn, du lịch nông thôn. 1. MỞ ĐẦU Ở Việt Nam, mặc dầu chúng ta chưa có những khái niệm, định nghĩa liên quan đến “di sản nông thôn” trong các văn bản chính thống, nhưng những năm gần đây, trong những diễn đàn, hội nghị, hội thảo liên quan đến phát triển bền vững, định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, các chương trình xây dựng nông thôn mới hay bảo tồn các làng xã truyền thống Việt, chúng ta thường hay nghe nhắc đến các cụm từ như “di sản làng việt” hay“ di sản làng quê” hay “nông thôn là miền di sản”…. Cụ thể hơn, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề cập đến việc thực hiện mô hình “Nông thôn năng động – Cộng đồng sáng tạo – Di sản gắn kết” trong đó một trong 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện nghị quyết có 165
  2. Di sản nông thôn: nhìn nhận giá trị di sản làng An Truyền – đầm Chuồn, vùng đầm phá Tam Giang… liên quan đến bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa khu vực nông thôn [1]. Như vậy, các giá trị đặc trưng ở các làng quê đã được đánh giá, nhìn nhận như là di sản cần được bảo tồn và nâng cao giá trị để vừa giữ được bản sắc văn hoá, hồn cốt của làng quê vừa tạo động lực phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội cho các vùng nông thôn. Các làng dọc vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Thừa Thiên Huế nói chung và làng An Truyền ở Đầm Chuồn nói riêng mang đậm những giá trị đặc trưng về lịch sử hình thành và phát triển, văn hoá bản địa, giá trị về mặt cảnh quan nông thôn đầm phá, kiến trúc nông thôn, nghề chài lưới, sản phẩm địa phương, lễ hội, ẩm thực truyền thống…định hình nên hình ảnh đặc trưng, bản sắc vùng sóng nước. Nhìn nhận các giá trị về mặt di sản, nhận diện di sản nông thôn đối với làng An Truyền- Đầm Chuồn và đề xuất những định hướng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị hướng tới việc xây dựng các hình thức du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù mang lại hiệu quả tích cực cho việc phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng đầm phá là rất cần thiết và cấp bách trong bối cảnh sức ép ngày càng gia tăng của đô thị hóa, của nền kinh tế thị trường và hiện đại hóa nông thôn. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Phương pháp khảo sát thực địa là phương pháp nghiên cứu chính. Chúng tôi đã tiến hành những buổi điền dã, khảo sát thực địa làng An Truyền và khu vực Đầm Chuồn, thực hiện quan sát, chụp không ảnh, ảnh VR360, ảnh hiện trạng các công trình, tiến hành số hoá Đình làng và thực hiện các cuộc phỏng vấn người dân địa phương, cán bộ UBND xã, khách du lịch … nhằm thu thập hình ảnh, tư liệu, số liệu, thông tin liên quan đến làng An Truyền. Phương pháp phân tích bản đồ được nhóm tác giả đặc biệt chú trọng trong bài báo này, chúng tôi phân tích dựa trên dữ liệu bản đồ nền địa hình tỉnh Thừa Thiên Huế, dữ liệu bản đồ Google Earth, Google map… Phân tích bản đồ ở các tỷ lệ khác nhau cùng với phương pháp so sánh, đối chiếu giúp chúng tôi xác định, nhận diện các đặc trưng liên quan đến địa hình, hệ thống thuỷ văn, cấu trúc không gian làng, mạng đường, mạng công trình… Phương pháp sử dụng những tài liệu thứ cấp sẵn có ở cũng rất quan trọng trong nghiên cứu này, giúp chúng tôi tiếp cận được với các khái niệm liên quan đến vùng nông thôn, làng truyền thống, di sản nông thôn, du lịch nông thôn, tiếp cận được những thông tin, những tư liệu, hình ảnh cũ liên quan đến các giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, kiến trúc, qui hoạch của làng nhằm làm nền tảng cho việc nghiên cứu và trích dẫn tài liệu tham khảo. 166
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) 3. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 3.1. Khái niệm “di sản nông thôn” Xét về mặt xã hội, nông thôn được hiểu là vùng sinh sống và làm việc của một cộng đồng dân cư chủ yếu là nông dân, là vùng sản xuất nông nghiệp là cơ bản, ngoài ra còn có các hoạt động sản xuất và phi sản xuất khác, có các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Xét về mặt hành chính, “nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn và được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là UBND xã” [2]. “Vùng nông thôn là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn phường thuộc thị xã, quận và thành phố” [3]. Di sản nông thôn được định nghĩa là tất cả sản phẩm vật chất và tinh thần, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, xã hội, cảnh quan, kiến trúc, mỹ thuật…mà thế hệ trước đã tích luỹ, gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau ở các vùng nông thôn. Di sản nông thôn được cấu thành từ nhiều thành phần khác nhau, tự nhiên và văn hóa, vật thể và phi vật thể. Hay nói một cách cụ thể hơn, di sản nông thôn - bao gồm cảnh quan nông thôn, kiến trúc nông thôn (nhà ở, trang trại, không gian sản xuất, công trình tôn giáo, tín ngưỡng…), công cụ lao động, hàng thủ công, sản phẩm địa phương, lối sống, nếp sống, kỹ thuật sản xuất và bí quyết nghề thủ công truyền thống, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, ẩm thực, trang phục địa phương, tác phẩm nghệ thuật và các sự kiện văn hóa, xã hội khác định hình nên hình ảnh của các vùng lãnh thổ, củng cố bản sắc và sự gắn kết của các cộng đồng nông thôn, tạo nên cái hồn của mỗi vùng nông thôn khác nhau, góp phần tạo nên sức hấp dẫn của một lãnh thổ. Hình 1. Các yếu tố cấu thành di sản nông thôn. Nguồn: (Shi & Zhao 2018). Tác giả trích lại từ [4] Như vậy, di sản nông thôn cũng là một loại hình di sản văn hoá bao gồm di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. “Di sản nông thôn bao gồm tất cả các yếu tố vật chất hoặc phi vật chất minh chứng cho những mối quan hệ đặc biệt mà một cộng đồng người đã thiết lập trong suốt lịch sử với một lãnh thổ ”[5, tr 8]. Di sản nông thôn là kết quả của nền văn minh nông nghiệp, phát sinh thông qua các phương thức sản xuất và lối sống độc đáo của cư dân địa phương, liên tục tác động đến môi trường tự nhiên, là kết quả của sự tương tác liên tục giữa con người và thiên nhiên. 167
  4. Di sản nông thôn: nhìn nhận giá trị di sản làng An Truyền – đầm Chuồn, vùng đầm phá Tam Giang… Như tất cả các di sản khác, di sản nông thôn là một nguồn lực kinh tế “nông thôn không chỉ là không gian vật chất, mà còn là tài nguyên phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị nông thôn giúp người làng quê trân quý những giá trị truyền thống và để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển, du lịch nông nghiệp, nông thôn” [6]. Di sản nông thôn còn là động lực, là yếu tố phát triển. Vì vậy, bảo tồn di sản nông thôn là cần thiết và mang lại ý nghĩa cho sự phát triển của xã hội chúng ta. Nhìn nhận, nhận thức các giá trị của di sản nông thôn, bảo vệ, bảo tồn và phát huy di sản này là nhiệm vụ trước mắt của chúng ta để duy trì sự cân bằng sinh thái và phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa [5, tr 2]. 3.2. Nhìn nhận giá trị di sản làng An Truyền – Đầm Chuồn, Vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, Huế Làng An Truyền thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm cách trung tâm thành phố Huế gần 8km. Làng có diện tích tổng cộng là 210ha, tổng số hộ dân sinh sống trong làng là 1251 hộ, với tổng số dân khẩu là 4.957 người1. Làng còn được người địa phương quen gọi bằng một cái tên rất gần gũi, dân dã là làng Chuồn. Nhìn nhận, nhận diện giá trị di sản của làng An Truyền thông qua việc phân tích, đánh giá các giá trị về mặt lịch sử văn hoá, các giá trị đặc trưng của điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái vùng đầm phá, giá trị của cấu trúc không gian làng truyền thống; của cảnh quan nông thôn và cảnh quan nông nghiệp, của các công trình kiến trúc đặc trưng làng quê; … lồng ghép với các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, giá trị tri thức bản địa, dấu ấn nơi chốn… là nền tảng, là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển bền vững vùng đầm phá, phát triển du lịch nông thôn đặc biệt là du lịch văn hoá và du lịch bản địa. * Giá trị về mặt điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn. Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên [7], thì hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam dọc theo bờ biển, có chiều dài 68km, tổng diện tích mặt nước 216 km2 và gồm 3 đầm, phá hợp thành: phá Tam Giang, đầm Thuỷ Tú và đầm Cầu Hai. Trong đó, phá Tam Giang kéo dài từ cửa sông Ô Lâu đến cầu Thuận An với chiều dài 25 km, phá Tam Giang liên thông với biển Đông bằng cửa Thuận An. Đầm Thuỷ Tú kéo dài từ cầu Thuận An đến Cồn Trai trên chiều dài 33 km với diện tích mặt nước của đầm tới 60 km2 bao gồm các đầm An Truyền (hay còn gọi là đầm Chuồn), Thanh Lam (Sam), Hà Trung và Thủy Tú. Đầm Cầu Hai có chiều dài từ Cồn Trai đến cửa Sông Rui là 9 km và từ cửa sông Truồi đến núi Vinh Phong 1 Số liệu được cung cấp bởi cán bộ UBND xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. 168
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) gần 13 km với diện tích mặt nước khoảng 104 km2, liên thông với biển Đông thông qua cửa Tư Hiền [7]. Đầm An Truyền hay còn gọi là Đầm Chuồn nằm ở phía Đông Bắc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km. Đầm Chuồn là đầm nước lợ lớn có diện tích lên tới hơn 100 ha, thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, hệ đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Làng An Truyền, nằm sát Đầm Chuồn, một vị trí địa lý rất thuận lợi cho việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản với một lượng lớn, phong phú và đa dạng các loại tôm, cá,… ngon có tiếng ở vùng đất cố đô, đặc biệt là cá kình, cá dìa, cá ong, cá nâu, cá mú. Ở đây, hệ sinh thái đầm phá nước lợ đóng vai trò rất quan trọng đến sinh kế của người dân địa phương, nhiều hộ gia đình đã chọn nghề chài lưới, đánh bắt cá, tôm là nghề lao động chính. Hơn nữa, ngày nay, nguồn lợi mà người dân thu được từ các hoạt động du lịch dựa vào việc khai thác các đặc trưng về điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên đầm Chuồn cũng rất đáng kể. Như vậy, môi trường tự nhiên với hệ sinh thái đầm phá đặc trưng đã có ảnh hưởng và tác động rất nhiều đến các mặt đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội, đời sống tinh thần dân làng An Truyền. Từ bao đời nay, con người và thiên nhiên nơi đây chung sống hoà thuận tạo nên một hệ sinh thái nhân văn. Hình 2. Hệ thống thuỷ văn ở Huế, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và khu vực Đầm Chuồn. Nguồn: Dữ liệu bản đồ nền Địa hình tỉnh T.T. Huế - GIS Hue. Xử lý lại bản đồ bởi tác giả. * Giá trị về mặt lịch sử, văn hoá Làng An Truyền là một làng cổ được hình thành sớm trên mảnh đất Thừa Thiên Huế, ra đời vào cuối thế kỷ 15. Theo một số tư liệu, làng được chính thức thành lập từ năm 1471 theo lệnh chọn đất lập làng của vua Lê Thánh Tông. Theo Ô Châu Cận Lục, Quyển 3, phần Bản đồ thì trước đây, An Truyền là một trong 60 xã thuộc huyện Kim Trà. Kim Trà là một trong 5 huyện của phủ Triệu Phong, Thuận Hóa [8]. Bốn họ có công khai canh, thành lập làng trong những buổi đầu bao gồm họ Huỳnh, họ Hồ, họ Đoàn và họ Nguyễn. Sau đó, các họ khác tiếp tục đến sinh sống và lập nghiệp gồm họ Trần, họ Lê, họ Võ. Hiện tại, ở Đình làng An Truyền có bố trí 7 bàn thờ, thờ 7 vị thủy tổ của 7 dòng họ. 169
  6. Di sản nông thôn: nhìn nhận giá trị di sản làng An Truyền – đầm Chuồn, vùng đầm phá Tam Giang… Từ xưa đến nay, làng An Truyền còn có tên nôm là làng Chuồn, là một trong những làng “địa linh, nhân kiệt” nổi tiếng của vùng đất Cố đô bởi ở làng có nhiều danh nhân lịch sử - văn hóa. An Truyền còn nổi danh là một làng quê giàu truyền thống hiếu học, là nơi sinh ra bao thế hệ anh tài, hào kiệt, nhiều người đỗ đạt cao, được bổ nhiệm làm quan như cụ Hồ Đắc Tuấn, cụ Hồ Đắc Trung. Nhiều nhân tài của vùng đất Thừa Thiên là người con dân của làng An Truyền như GS. TS. BS. Hồ Đắc Di, TS. Hồ Đắc Ân; TS. Hồ Đắc Điềm; sư bà Thích Nữ Diệu Không, nhà thơ Võ Quê…, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia Hồ Đắc Thanh Chương [9]. * Giá trị di sản về cấu trúc không gian làng Cấu trúc tổ chức không gian làng An Truyền có nhiều nét đặc trưng. Nhìn tổng thể, làng nằm trong một khu vực đất tiếp giáp một bên là đầm phá nước lợ lớn đó là Đầm Chuồn với nò sáo cắm dày, một bên là đồng rộng xanh bát ngát. Các yếu tố cấu thành cấu trúc không gian làng bao gồm đường làng, chợ làng, ao sen, cổng xóm, nhà ở, nhà chồ, đình làng, chùa làng, miếu làng, nhà thờ các họ tộc, giếng, đầm phá, đồng ruộng, nghĩa địa làng… Làng An truyền bao gồm 18 xóm cũ và 1 xóm mới, tên xóm cũ được xếp thứ tự từ 1 đến 18, mở đầu mỗi xóm bằng 1 cổng xóm. Riêng xóm mới được thành lập có tên là Tân Lập. Trong mỗi xóm sẽ gồm các hộ gia đình đi chung 1 đường xóm nối với đường chính của làng và đường bao dọc đồng ruộng. Sát với khu vực đầm Chuồn, hình thành mới 1 thôn định cư, dân trong thôn định cư là dân trước đây sống trên đầm phá được di dời lên. Bắt đầu mỗi xóm của thôn Định cư là 1 cầu xóm. Mạng đường, mạng công trình ở làng An Truyền cũng có những nét đặc trưng riêng trong cách thức tổ chức. Làng được tổ chức với 2 trục đường chính chạy dọc làng về hai phía của khu dân cư. Nối liền hai trục đường chính này là hệ thống các đường xóm, đường kiệt được tổ chức song song nhau và các nhà ở được tổ chức dọc hai bên các đường xóm, phần lớn các công trình nhà ở và các trình thờ tự, tôn giáo tín ngưỡng của làng quay mặc ra hướng đồng ruộng của làng, hướng Đông Nam. Đình làng, chợ làng được bố trí ngay khu đất ở vị trí trung tâm làng. Nét đặc trưng nữa trong tổ chức không gian cảnh quan làng là làng có một hồ lớn, nằm ngay trước đình làng, trải dọc cho đến cuối làng. Hồ như là huyết mạch tạo giá trị cảnh quan cho làng. 170
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) Hình 3. Bản đồ sử dụng đất làng An Truyền. Nguồn: Dữ liệu bản đồ nền Địa hình tỉnh T.T. Huế - GIS Hue. Xử lý lại bản đồ bởi tác giả. Hình 4. Tổ chức mạng đường, mạng công trình làng An Truyền. Nguồn: Google map, https://www.google.com/maps/@16.5082404,107.6333612,881m/data=!3m1!1e3?entry=ttu Hình 5. Cổng xóm ở làng An Truyền và cầu xóm ở thôn Định cư sát đầm Chuồn. Nguồn: Ảnh chụp bởi tác giả. *Giá trị di sản cảnh quan nông thôn, cảnh quan nông, ngư nghiệp Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Huế hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Ngoài các giá trị về mặt môi trường sinh thái, các đầm phá còn mang giá trị rất đặc sắc về cảnh quan tự nhiên vùng sóng nước. Đầm Chuồn mang một vẻ đẹp của sự bình lặng, hữu tình và trù phú bởi cảnh quan tự nhiên và cảnh quan văn hoá mà con người nơi đây tạo ra. Cuộc sống bằng nghề chài lưới trên sông nước tạo ra một bức tranh tuyệt đẹp vào mỗi buổi sáng bình minh với hình ảnh lao động hăng say của ngư dân trên những chiếc thuyền nhỏ hay những buổi chiều hoàn hôn với hình ảnh những con thuyền neo đậu trên mặt nước. “Đầm Chuồn còn được gọi là "dải mầu sắc" bởi với mỗi thời điểm trong ngày, đầm lại khoác lên những vẻ đẹp riêng, khi bình yên lãng mạn, khi rực rỡ hút mắt. Buổi sáng đầm Chuồn như một cô gái khoác lên mầu áo cam hồng thì tới trưa chiếc áo lại rực rỡ tươi tắn. Khi chiều tà dần buông, không gian lại mang vẻ đẹp tím hồng đằm thắm rất đặc trưng của xứ Huế” [10]. Ngoài hoạt động chài lưới, phần lớn nông dân ở đây còn tham gia trồng lúa. Vì vậy, ở làng An Truyền, bao quanh khu vực dân cư là màu xanh của mặt nước trải dài mênh mông với nhà chồ, nò sáo và là màu xanh bát ngát của đồng ruộng, của những không gian 171
  8. Di sản nông thôn: nhìn nhận giá trị di sản làng An Truyền – đầm Chuồn, vùng đầm phá Tam Giang… sản xuất nông nghiệp tạo nên hình ảnh một làng quê bình dị, yên ả. Hình 6. Cảnh quan đầm ruộng và đầm phá bao quanh làng An Truyền. Nguồn: Ảnh chụp bởi tác giả. * Giá trị di sản kiến trúc công trình công cộng, công trình tôn giáo, tín ngưỡng và nhà ở Cũng như các làng cổ khác ở Huế, An Truyền tồn tại đầy đủ hệ thống các công trình công cộng, tôn giáo, tín ngưỡng đặc trưng làng quê như đình làng, chợ làng, chùa làng, các nhà thờ họ, am miếu. Đây là những công trình có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương và cũng có những giá trị đặc biệt về kiến trúc, cảnh quan, mỹ thuật… Đình làng An Truyền được xây dựng từ những buổi đầu thành lập làng, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Làng. Tính đến nay, Đình làng đã có tuổi đời gần 550 năm. Đình là nơi thờ các vị thuỷ tổ của làng, những người có công thành lập làng và cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hoá, tinh thần của con dân trong làng. Đình làng An Truyền được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 2754/QĐ-BT, ngày 15/10/1994 của Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bởi các giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến trúc, không gian cảnh quan, mỹ thuật… Đình toạ lạc ngay trung tâm làng, phía trước Đình là một sân lớn, là ao sen của làng và đình quay ra hướng chính Đông, hướng ra đầm Chuồn. Về kiến trúc, đình làng An truyền mang phong cách kiến trúc đặc trưng của đình làng thời Nguyễn. “Đình An Truyền cấu trúc hình chữ Tam, chia làm ba phần tách biệt. Ngoài cùng là Tiền đường, tiếp theo là nhà Tiền tế hay Đại bái, trong cùng là Hậu cung hay Nội điện. Nhà Tiền đường có 5 gian. Tiền đường cấu trúc kiểu cổ lầu hai tầng mái… Nhà Tiền tế gồm ba gian hai chái như lối nhà rường gồm cột, kèo quyết, kèo đấm, kèo bác vần, xuyên…Nhà nội điện là nơi thờ tự chính của Đình An Truyền, được bố trí 7 bàn thờ sát tường hậu, thờ 7 vị thủy tổ của 7 dòng họ ở làng An Truyền. Trước mỗi bàn thờ có sập gỗ, hương án, câu đối chạm nổi; khán thờ son son thếp vàng, đồ thờ tự bằng đồng, sành sứ, gỗ. Ngoài ra, tại nhà Đại bái có hai án thờ Tiền án và Trung án chạm lộng mặt hổ phù, kỳ lân, chim phượng hoàng, hoa chanh” [11] Hình 7. Đình làng An Truyền. Nguồn: Ảnh chụp bởi tác giả. 172
  9. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) Chùa làng An Truyền có tên là chùa An Phước. Chùa không chỉ là nơi thờ Phật, thờ các vị thánh mà còn là nơi sinh hoạt Phật sự vào các ngày Lễ phật, rằm, mồng một hàng tháng và cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng khác của làng. Hình 8. Chùa làng An Truyền. Nguồn: Ảnh chụp bởi tác giả. Đối với các làng Việt truyền thống, Nhà thờ họ là công trình rất được đề trọng, đó là nơi thờ thuỷ tổ họ hoặc thờ vọng về thuỷ tổ họ, là nơi ghi tụng công đức tổ tông, thờ cúng tổ tiên của một dòng họ, là nơi gặp gỡ để bàn việc họ, là nơi tổ chức nói chuyện về truyền thống dòng họ. Làng An Truyền có 7 họ chính là Hồ, Nguyễn, Đoàn, Huỳnh, Trần, Võ, Lê và một số họ phái khác. Các họ lớn ở An Truyền đều có Nhà thờ họ, từ đường cho họ tộc của mình. Nhà thờ họ được con dân trong họ xây dựng rất bề thế, khang trang, có giá trị về mặt kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc. Hình 9. Một số nhà thờ họ ở làng An Truyền. Nguồn: Ảnh chụp bởi tác giả. Trong tín ngưỡng dân gian ở các làng Việt truyền thống, miếu được xây dựng để thờ cúng các vị thánh thần. Trong làng An Truyền, có miếu lớn thờ ngài khai canh làng nằm ngay sát đầm Chuồn. Miếu có ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với bà con nghề chái lưới. Họ thường cúng bái và cầu nguyện ở miếu trước khi xuống ghé thuyền đi đánh bắt cá. Ngoài ra, cũng như các làng truyền thống khác, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều các miếu, các am được người làng lập nên để thờ các vị thần linh của làng. Hình 10. Hình ảnh một số am, miếu ở làng An Truyền. Nguồn: Ảnh chụp bởi tác giả. 173
  10. Di sản nông thôn: nhìn nhận giá trị di sản làng An Truyền – đầm Chuồn, vùng đầm phá Tam Giang… Ngoài ra, trong làng An Truyền, chúng ta có thể tìm thấy các công trình kiến trúc cổ, cũ có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, kiến trúc. Đặc biệt, hiện trong làng vẫn còn lô cốt cũ xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Hình 11. Một số công trình kiến trúc thuộc địa ở làng An Truyền. Nguồn: Ảnh chụp bởi tác giả. Hình 12. Một số các công trình kiến trúc cổ ở làng An Truyền. Nguồn: Ảnh chụp bởi tác giả. Trên đầm Chuồn và ở khu dân cư chạy dọc đầm phá, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều những căn nhà chồ độc đáo được xây dựng từ tre và lồ ô. Đây là nơi ở, sinh hoạt, nghỉ ngơi của ngư dân làm việc trên đầm phá, nhưng cũng có thể là nơi nghĩ dưỡng, ngắm cảnh và thưởng thức ẩm thực của khách du lịch khi đến với đầm Chuồn. Hình ảnh các căn chòi tạo nên khung cảnh của một cuộc sống bình dị vùng sông nước. Hình 13. Nhà chồ, chòi trên và dọc đầm Chuồn. Nguồn: Ảnh chụp bởi tác giả. *Giá trị di sản văn hoá phi vật thể * Lễ hội Lễ hội Thu Tế ở làng Chuồn mang đậm bản sắc, nét đẹp văn hoá truyền thống vùng đầm phá. Đây là lễ tế trời đất, tổ tiên bày tỏ sự ngưỡng mộ, tôn vinh, tri ân các bậc tiền nhân của làng, được người dân làng An Truyền được tổ chức chu đáo, bài bản hàng năm vào 3 ngày 15, 16, 17 tháng 7 âm lịch tại Đình làng. “so với một số địa phương khác, Lễ Thu tế ở làng Chuồn đặc biệt và nổi bật hơn. Cụ thể, ở lễ rước cung nghinh ba vị Thành hoàng thờ ở miếu giữa đồng (còn gọi là Đồng Miệu) được cử hành rất đẹp mắt và trọng thể. Ðám rước có đủ cờ xí, lỗ bộ, kiệu lọng. Mỗi năm, dân làng lại thay đổi linh vật, hoặc vật thờ cúng được đan bện, trang hoàng kỳ công” [12]. Ngoài ra, hằng năm, ở làng còn có lễ 174
  11. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) Thanh Minh được tổ chức vào tháng 2 âm lịch và lễ biểu dương, vinh danh và khen thưởng các học sinh và sinh viên giỏi là con em trong làng được Hội đồng hương Làng An Truyền tổ chức rất trang trọng tại Đình làng An Truyền. * Nghề chài lưới, nghề nông và các nghề thủ công truyền thống khác Vì sống ngay vùng đầm phá, nên nghề truyền thống gắn liền với cuộc sống người dân nơi đây từ xưa đến nay là nghề chài lưới, đánh bắt thuỷ sản và nghề làm nông. Theo số liệu được cung cấp bởi UBND xã Phú An thì hiện trong làng có tổng là 1251 hộ gia đình, trong đó có 92 hộ gia đình tham gia hoạt động ngư nghiệp (trong đó có 19 hộ khai thác đánh bắt tự nhiên và 73 hộ tham gia nuôi trồng thuỷ sản). Số hộ làm nông trong làng chiếm số lượng lớn gồm 378 hộ. Ngoài ra, với đặc tính cần cù, chịu thương chịu khó, dân An Truyền còn làm thêm các nghề khác để kiếm kế sinh nhai. Làng An Truyền nổi tiếng đất cố đô từ xưa với nghề nấu rượu, nghề làm liễn treo, nghề làm bánh chưng, bánh tét, nghề làm bánh bao… Hiện làng an truyền vẫn còn 11 hộ nấu rượu và 55 hộ làm bánh tét. Các sản phẩm bánh, rượu, liễn làm ra không chỉ bán cho dân địa phương và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn bán ra các tỉnh khác. Từ khi đầm Chuồn được khai thác trở thành địa điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng thì nhiều hộ dân trong làng làm buôn bán, làm thêm các dịch vụ phục vụ du lịch. *Ẩm thực và đặc sản địa phương: Ẩm thực làng Chuồn với những món ăn dân dã, bình dị nhưng lại vô cùng hấp dẫn và độc đáo ngày càng thu hút khách du lịch đến để thưởng thức. Các món ăn nổi tiếng ở đây có thể kể đến như bánh xèo (bánh khoái) cá kình, cá dìa; bánh tét; bánh canh bột sắc, … được chế biến theo cách riêng không giống những nơi khác bằng những nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương, không cầu kỳ nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt. Món ăn tiêu biểu nhất ở ẩm thực chợ làng Chuồn phải kể đến là Bánh Khoái cá kình được làm từ bột gạo của làng An Truyền, và những con cá kình tươi ngon được đánh bắt ngay tại đầm Chuồn ăn cùng giá đỗ với rau cải con, rau húng…và nước mắm ruốc thơm ngon. Ngày nay, ngoài nhân cá kình thì bánh còn được làm đa dạng các loại nhân khác cũng từ đầm phá như tôm, mực. Làng Chuồn còn nổi tiếng xứ Huế bởi món bánh tét. Bánh Tét làng Chuồn được gói bằng loại nếp thơm trồng ngay trên ruộng của Làng, bằng sự tỉ mĩ trong các khâu chuẩn bị nguyên liệu, kỹ thuật làm bánh và kinh nghiệm nấu bánh chuyên nghiệp để bánh mang lại hương vị thơm ngon đặc trưng, trở thành đặc sản địa phương. Đặc biệt, rượu làng Chuồn là một đặc sản nổi tiếng có từ lâu đời, là “đệ nhất danh tửu” của vùng đất cố đô. Rượu làng Chuồn nổi tiếng thơm ngon là nhờ những yếu tố tạo thành như nguyên liệu gạo được trồng tại ruộng làng Chuồn, men truyền thống được đặc chế riêng, nguồn nước đầm phá và kỹ thuật chưng cất chế biến kéo léo của người nấu rượu. 175
  12. Di sản nông thôn: nhìn nhận giá trị di sản làng An Truyền – đầm Chuồn, vùng đầm phá Tam Giang… Hình 14. Đặc sản địa phương. Nguồn: Ảnh chụp bởi tác giả. * Giá trị tri thức bản địa, dấu ấn nơi chốn Làng An Truyền là hình ảnh tiêu biểu cho một mô hình cư trú thể hiện sự gắn kết, sự thích ứng với địa hình điều kiện tự nhiên vùng đầm phá nước lợ, người dân nơi đây bằng các phương thức sản xuất và lối sống, phong cách sống của mình đã tác động đến môi trường tự nhiên, khai thác các lợi thế, tiềm năng của điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội địa phương đồng thời tạo ra một cộng đồng dân cư cần cù, chăm chỉ, hiếu học trong một làng quê với những nét dân dã, bình dị. *Giá trị về mặt du lịch Với vẻ đẹp độc đáo, hoang sơ, yên tĩnh của đầm Chuồn, với ẩm thực đặc sắc và các sản phẩm địa phương phong phú, độc đáo, với sự hiếu khách và tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch của người dân địa phương, và sự tạo điều kiện của chính quyền xã Phú An, đầm Chuồn và làng An Truyền ở Huế đã trở thành địa điểm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng nổi tiếng, thu hút du khách trong tỉnh, ngoại tỉnh và quốc tế. Hình 15. Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Nguồn: Ảnh chụp bởi tác giả. 3.3. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản nông thôn làng An Truyền hướng đến sự phát triển du lịch bền vững Phát triển du lịch bền vững, theo Luật du lịch Việt Nam số 09/2017/QH 14 được khái niệm là “sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế-xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai” [13]. Mục tiêu đặc ra cho việc phát triển du lịch nông thôn bền vững, trước hết, về mặt kinh tế là phải hướng đến các cơ hội phát triển kinh tế địa phương và khu vực, cải thiện công ăn việc làm và tăng thu nhập của người dân, đồng thời là cơ hội để quảng bá các sản phẩm đặc trưng của mỗi làng quê. Về mặt môi trường, là phải tôn trọng và bảo vệ môi trường, sử dụng và khai 176
  13. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) thác hợp lý các tài nguyên tự nhiên và các đặc trưng sinh thái, giảm thiểu các tác động tiêu cực do du lịch tự phát mang đến cho môi trường nước, đất, không khí. Về mặt xã hội, là mang đến cho người dân địa phương một chất lượng sống tốt hơn dựa vào các cơ hội do du lịch mang lại: tăng thu nhập cho gia đình và bản thân, tạo công ăn việc, hưởng thụ các dịch vụ, các cơ hội giao lưu tiếp cận và nâng cao nhận thức…. Và đặc biệt, du lịch bền vững phải hướng đến việc bảo tồn và nâng cao giá trị đặc trưng của mỗi một làng quê [14]. Ngày nay, việc mở rộng các điểm, tour du lịch đến các làng cổ, làng truyền thống nhằm cung cấp cho du khách các sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa và nhằm quảng bá di sản nông thôn, cảnh quan làng quê là một hướng đi đầy tiềm năng cho du lịch Huế bên cạnh việc khai thác các giá trị du lịch sẵn có. Chính quyền và người dân An Truyền, cũng đang khai thác các tiềm năng và lợi thế của làng mình để đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt chú trọng đến phát triển du lịch sinh thái đầm phá dựa vào cộng đồng. Thực hiện tốt việc bảo tồn và nâng cao giá trị di sản nông thôn làng An Truyền cũng sẽ mở ra các hướng phát triển du lịch bền vững làng An Truyền dưới các hình thức du lịch như du lịch văn hoá, du lịch bản địa vì hầu hết các hoạt động du lịch văn hóa luôn đòi hỏi phải đi đôi với việc bảo tồn tài nguyên văn hóa và di sản văn hóa. 4. KẾT LUẬN Bảo tồn và nâng cao giá trị đặc trưng của các làng truyền thống trước sức ép của đô thị hóa, của hiện đại hoá nông thôn là cần thiết và cấp bách đối với sự phát triển bền vững của Huế và các vùng phụ cận khi làng xã là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc đô thị Huế. Trải qua hơn 550 năm hình thành và phát triển, làng An Truyền vẫn còn lưu giữ được những nét cổ xưa, những giá trị đặc trưng vốn có. Nhìn nhận, nhận diện, đánh giá giá trị di sản nông thôn làng An Truyền là việc làm quan trọng cho việc đề xuất các giải pháp thích hợp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị. Hướng bảo tồn và nâng cao giá trị di sản nông thôn gắn với phát triển du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá, du lịch bản địa là hướng đi phù hợp cho làng An Truyền. Di sản làng quê sẽ là nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch nông thôn và ngược lại, du lịch sẽ giúp quảng bá các giá trị di sản đến với du khách, giúp đem lại nguồn tài chính phục vụ công tác bảo tồn và nâng cao giá trị di sản. 177
  14. Di sản nông thôn: nhìn nhận giá trị di sản làng An Truyền – đầm Chuồn, vùng đầm phá Tam Giang… TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. [2]. Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ: Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. [3]. Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. [4]. Xiaofan Du and Ding Shi. Rural Heritage: Value, Conservation, and Revitalisation— From the Perspective of the Human–Land Relationship, https://built- heritage.springeropen.com/counter/pdf/10.1186/BF03545723.pdf, tham khảo ngày 08/04/2024 [5]. CEMAT, Guide Européen d’observation du patrimoine rural-CEMAT, http://www.coe.int/t/dg4/cultureheritage/heritage/cemat/versionguide/Francais.pdf, tham khảo ngày 10/04/2024. [6]. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Tham luận tại Hội thảo văn hoá 2022, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc- hoi.aspx?ItemID=71590, tham khảo ngày 06/04/2024. [7]. Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2005. [8]. Dương Văn An, Ô Châu cận lục, 1555, Nguyễn Khắc Thuần dịch, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009. [9]. Thừa Thiên Huế online, An Truyền, làng hiếu học, https://baothuathienhue.vn/giao- duc/tin-tuc-giao-duc/an-truyen-lang-hieu-hoc-31722.html, tham khảo ngày 08/04/2024. [10]. Nguyễn Công Hâu, Du lịch vùng đầm phá Tam giang – Cầu Hai, báo điện tử Nhân dân, https://nhandan.vn/du-lich-vung-dam-pha-tam-giang-cau-hai-post743755.html, tham khảo ngày 10/4/2024. [11]. Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế, Đình làng An Truyền - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, https://thuathienhue.gov.vn/Thong-tin-du-dia-chi/tid/Dinh-lang-An-Truyen-Di- tich-kien-truc-nghe-thuat-cap-Quoc-gia/newsid/902CDC8A-D00A-4545-9176- DFBE8D3F6D91/cid/010ADD5E-B8C1-4D12-81DD-05B7BBAB942B, tham khảo ngày 06/4/2024. [12]. Thừa Thiên Huế online, Độc đáo Lễ Thu tế làng Chuồn, https://baothuathienhue.vn/goc-anh-hue/doc-dao-le-thu-te-lang-chuon-116663.html 24, tham khảo ngày 10/4/2024. [13]. Luật du lịch Việt Nam số 09/2017/QH14. [14]. Bùi Thị Hiếu, Nguyễn Quang Huy, Thủy Biều: phát triển du lịch bền vững dựa vào cảnh quan nông nghiệp, di sản kiến trúc và nhân lực địa phương, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Tập 14, Số 1 (2019). 178
  15. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) RURAL HERITAGE: RECOGNIZING THE HERITAGE VALUE OF AN TRUYEN VILLAGE – DAM CHUON, TAM GIANG - CAU HAI LAGOON AREA, THUA THIEN HUE Bui Thi Hieu*, Nguyen Quang Huy Faculty of Architecture, University of Sciences, Hue University *Email: buihieu@husc.edu.vn ABSTRACT Villages along the Tam Giang - Cau Hai lagoon in general and An Truyen village in particular have unique values of history, vernacular culture, values of the lagoon's rural landscape, rural architecture, fishing, local products, festivals, and traditional cuisine shape the unique image and identity of the brackish water area. In this article, by approaching concepts related to "rural heritage", through the field survey method of An Truyen Village, map method, analysis method, and comparison method, the author group wishes to identify and evaluate the value of An Truyen Village's rural heritage. This is the scientific basis for proposing effective solutions to preserve and promote the value of sustainable development of the lagoon area and sustainable development of rural tourism, especially eco- tourism, community tourism, cultural tourism, and indigenous tourism. Keywords: An Truyen village, Tam Giang - Cau Hai lagoon, rural heritage, rural tourism. 179
  16. Di sản nông thôn: nhìn nhận giá trị di sản làng An Truyền – đầm Chuồn, vùng đầm phá Tam Giang… Bùi Thị Hiếu sinh ngày 29/08/1981 tại Huế. Năm 2004, bà tốt nghiệp Kiến trúc sư tại trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội. Năm 2010, bà hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành "Thiết kế đô thị, Di sản và Phát triển bền vững", hợp tác giữa trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và trường Đại học Kiến trúc Toulouse, Pháp. Năm 2014, bà lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Kiến trúc của trường Đại học Kiến trúc Grenoble, Pháp. Hiện nay, bà giảng dạy tại khoa Kiến trúc, Trường Đại học khoa học, ĐH Huế. Lĩnh vực nghiên cứu: Kiến trúc nhà ở, Thiết kế đô thị, Bảo tồn di sản và Phát triển bền vững. Nguyễn Quang Huy sinh ngày 16/11/1981 tại Huế. Năm 2004, ông tốt nghiệp Kiến trúc sư tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Năm 2008, ông hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành Kiến trúc tại Đại học ChiangMai, Thái Lan. Hiện nay, ông giảng dạy tại khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế. Lĩnh vực nghiên cứu: Vật lý kiến trúc , Số hóa, 3D mô phỏng kiến trúc… 180
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1