intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đòn bẩy hội nhập tác động đến xu hướng tuyển dụng đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Đòn bẩy hội nhập tác động đến xu hướng tuyển dụng đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng" được tác giả tập trung nêu lên các tác động của hội nhập đến xu hướng tuyển dụng, đào tạo và phát triển ngành tài chính – ngân hàng. Từ đó, đưa ra một số kiến nghị, giải pháp góp phần phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng trong bối cảnh hội nhập. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đòn bẩy hội nhập tác động đến xu hướng tuyển dụng đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng

  1. ĐÒN BẨY HỘI NHẬP TÁC ĐỘNG ĐẾN XU HƯỚNG TUYỂN DỤNG ĐÀO TẠO PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG ThS. Nguyễn Thị Phương1 ThS. Nguyễn Lê Tuyết Loan2 Tóm tắt Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu khách quan của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia. Quá trình hội nhập quốc tế kéo theo sự thay đổi và phát triển nhiều mặt của toàn xã hội. Trong đó, không thể không đề cập đến sự thay đổi về xu hướng tuyển dụng, đào tào, phát triển nguồn nhân lực của ngành tài chính – ngân hàng, một trong những ngành nghề thu hút sự quan tâm của số đông lực lượng lao động. Trong bài viết này, tác giả tập trung nêu lên các tác động của hội nhập đến xu hướng tuyển dụng, đào tạo và phát triển ngành tài chính – ngân hàng. Từ đó, đưa ra một số kiến nghị, giải pháp góp phần phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính - ngân hàng trong bối cảnh hội nhập. Từ khóa: Hội nhập, cách mạng 4.0, ngành tài chính - ngân hàng, nguồn nhân lực. 1. Đặt vấn đề Hội nhập kinh tế quốc tế vừa là động lực và cũng là mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới luôn hướng đến. Ở thời kỳ cổ đại, mong muốn hội nhập quốc tế đã được các đế chế thể hiện thông qua việc bành trướng lãnh thổ, mở mang bờ cõi và đi kèm với nó là sự phát triển về giao thông, kinh tế, văn hoá xã hội… Khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt sự phát triển của kỹ thuật, khoa học, công nghệ đã dẫn đến sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các làn sóng cách mạng công nghiệp làm thay đổi cơ bản và toàn diện các mặt của đời sống kinh tế xã hội mỗi quốc gia. Làn sóng hội nhập quốc tế và phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã tạo ra những bước đột phá trong sự phát triển của nền kinh tế xã hội, giúp mở ra nhiều cánh cửa cơ hội cho sự phát triển của các ngành nghề và từ đó cũng tạo ra những sự thay đổi trong xu hướng tuyển dụng, đào tạo và phát triển của nguồn nhân lực. Ngành tài chính – ngân hàng đã và đang là một trong những ngành nghề thu hút được nhiều sự quan tâm của đông đảo lực lượng lao động nước nhà. Chính vì vậy, đứng trước xu thế hội nhập quốc tế, thì những tác động và sự phát triển của xu hướng tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực của ngành tài chính – ngân hàng lại càng được quan tâm hơn. Trong nghiên cứu này nhóm tác giả tập trung đề cập tới các tác động và xu hướng thay đổi, phát triển của nguồn 1 Khoa Kế toán, Trường Đại học Lao động – Xã hội (CS II). Email: phuongnt@ldxh.edu.vn 2 Khoa Kế toán, Trường Đại học Lao động – Xã hội (CS II). Email: loannlt@ldxh.edu.vn 854
  2. nhân lực ngành tài chính – ngân hàng trong bối cảnh hội nhập, từ đó đưa ra các đề xuất, giải pháp cho nền giáo dục nước nhà và cho các thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết Thuật ngữ hội nhập quốc tế đã được đề cập từ những năm 1960 và được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cho đến nay vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau về hội nhập quốc tế. Trong luận án của mình TS. Phạm Quốc Trụ đã đưa ra khái niệm theo đó: “Hội nhập quốc tế được hiểu như là quá trình các nước tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn kết họ với nhau dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực (thẩm quyền định đoạt chính sách) và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế.” (Phạm Quốc Trụ, 1996). Nhìn tổng thể, hội nhập quốc tế có ba cấp độ: Hội nhập toàn cầu, khu vực và song phương. Các phương thức hội nhập này được triển khai trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Hoạt động hội nhập quốc tế được triển khai trên cả 3 lĩnh vực chính gồm: Hội nhập trong lĩnh vực kinh tế (hội nhập kinh tế quốc tế); Hội nhập trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác Hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu, có lịch sử phát triển lâu dài và có nguồn gốc, bản chất xã hội của lao động và sự phát triển văn minh của quan hệ giữa con người với con người. Về bản chất, hội nhập quốc tế chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế. Hội nhập quốc tế cũng như các hình thức hợp tác quốc tế khác đều là vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Các quốc gia tham gia quá trình này cơ bản vì lợi ích cho đất nước, vì sự phồn vinh của dân tộc mình. Mặc khác, các quốc gia thực hiện hội nhập quốc tế cũng góp phần thúc đẩy thế giới tiến nhanh trên con đường văn minh, thịnh vượng. Tại Việt Nam, hội nhập kinh tế, quốc tế, đã tạo môi trường thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển sản xuất kinh doanh. Khu vực kinh tế này đóng góp rất lớn trong việc tạo việc làm cho người lao động. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2017, có khoảng hơn 14.600 doanh nghiệp FDI, sử dụng hơn 3,6 triệu người chiếm 6,5% tổng việc làm của nền kinh tế (Tổng Cục thống kê, 2017). Bên cạnh đó, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo cơ hội cho việc di chuyển lao động quốc tế, bao gồm cả lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và lao động là người nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam. Giai đoạn 2006 - 2017, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân mỗi năm đạt 87,5 nghìn người, tương đương tăng 4,23%/năm. Đến nay, Việt Nam có khoảng 500 855
  3. nghìn lao động đang làm việc tại hơn 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, tập trung chủ yếu ở các nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và khu vực Trung Đông; thị trường ở Bắc và Đông Âu cũng có dấu hiệu mở rộng cơ hội cho lao động Việt Nam. Đi cùng với sự gia tăng số lao động đi làm việc ở nước ngoài, chất lượng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài cũng tăng lên do yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động ngoài nước. Đồng thời, lao động là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam cũng tăng nhanh, góp phần bổ sung lực lượng lao động quản lý và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. (Cục quản lý lao động ngoài nước, 2017) Theo Bùi Thị Huyền (2018), hội nhập quốc tế đang đặt ra những vấn đề mang tính thách thức đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam như chất lượng lao động tại Việt Nam ở mức thấp, tốc độ tăng năng suất có tăng lên nhưng thấp hơn mặt bằng chung của khu vực và trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ số và tự động hóa là một xu hướng tất yếu và là yêu cầu cơ bản trong quá trình tuyển dụng lao động. Theo Đặng Nguyên Anh (2021) hội nhập quốc tế tại Việt Nam dẫn đến sự chuyển dịch lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời làm thay đổi các mối quan hệ về quan hệ lao động như chính sách tiền lương tối thiểu hay sự giải quyết về các tranh chấp lao động.Trong nghiên cứu của Nguyễn Minh Sáng (2018), tác giả nhắc đến sự thay đổi của xu hướng hệ sinh thái ngân hàng mở để gia tăng tiện ích sản phẩm và thu nhập cho ngân hàng, gia tăng sự trung thành và sự hài lòng của khách hàng, giảm chi phí giao dịch, quản lý tài sản dễ dàng hơn hay sự gia tăng sự lựa chọn sản phẩm dịch vụ. Võ Thị Phương (2019) cho rằng việc mở rộng hội nhập quốc tế cùng với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động đến thị trường việc làm khi ngân hàng truyền thống dần bị mất đi và sự ra đời ngân hàng hiện đại sẽ kéo theo một số bộ phận việc làm không còn tồn tại nữa. Bên cạnh đó là sự thay đổi về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành khi các yêu cầu về công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ và khả năng số hóa ngày càng được nâng lên. Trong nghiên cứu, tác giả cũng đề cập đến sự thay đổi trong chính sách tuyển dụng, các yêu cầu đặt ra sẽ khắt khe hơn và yếu tố lương, chi phí sẽ không quan trọng bằng chất lượng vị trí việc làm. Một yêu cầu lớn cũng đặt ra chính là việc bảo mật thông tin của khách hàng trước những cuộc tấn công mạng đang thường xuyên xảy ra. 2.2. Phương pháp nghiên cứu 856
  4. Phương pháp thu thập số liệu: Xuất phát từ những thông tin, số liệu thứ cấp liên quan đến quá trình hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, tác giả tiến hành thu thập và phân tích các thông tin, số liệu đã có. Phương pháp phân tích và tổng hợp: Từ những tài liệu, lý luận khác nhau về ngành tài chính - ngân hàng trong bối cảnh hội nhập, tác giả căn cứ phân tích sự thay đổi trong xu hướng tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đối với nghề tài chính - ngân hàng. Từ đó tổng hợp, liên kết từng bộ phận, từng thành phần nhằm hệ thống lại các lý luận liên quan đến mục tiêu nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu định tính (phỏng vấn chuyên gia): Tác giả tiến hành tham vấn ý kiến của các chuyên gia bao gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu về cải tiến công nghệ, về ngành tài chính - ngân hàng và các đại diện cán bộ ngân hàng. Mục đích của phương pháp là nêu ra sự thay đổi trong xu hướng nguồn nhân lực nghề tài chính – ngân hàng, từ đó đưa ra các đề xuất, giải pháp phù hợp cho thế hệ trẻ và nền giáo dục Việt Nam. 3. Những tác động của quá trình hội nhập quốc tế đến xu hướng tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính – ngân hàng 3.1. Sự gia tăng số lượng và quy mô của các ngân hàng, tổ chức tín dụng Có thể nói sau khi chính thức gia nhập WTO vào năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhờ việc khai thông thị trường tài chính và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thị trường tài chính mở cửa đã làm gia tăng số lượng ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty tài chính, các quỹ đầu tư… xuất hiện ngày càng nhiều ngân hàng hoạt động theo hướng chuyên môn hóa như ngân hàng bán lẻ, ngân hàng đầu tư, ngân hàng bán buôn, đồng thời hình thành một số ngân hàng qui mô lớn, có tiềm lực về tài chính. Tính đến thời điểm tháng 01/2022, hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam gồm nhiều loại hình đa dạng với tính chất sở hữu khác nhau: 7 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước; 41 NHTM cổ phần tư nhân; Ngân hàng hợp tác xã; 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và ngân hàng liên doanh; công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính, trên 1.182 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở,… Các TCTD có chức năng huy động vốn, cho vay, cung ứng các dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại cho nền kinh tế (Trần Thế Sao, Phạm Thị Phương Thảo; 2021). Hội nhập kinh tế giúp các ngân hàng trong nước tiếp cận thị trường tài chính quốc tế dễ dàng hơn, hiệu quả sử dụng vốn và huy động vốn tăng cao. Tổng tài sản của toàn ngành ngân hàng trong thời gian qua có sự thay đổi rõ rệt. Năm 2016, Tổng tài sản ngành ngân hàng đạt khoảng 5,600,000 tỷ đồng. Đến thời điểm cuối tháng 9 857
  5. năm 2021, con số này đã tăng lên gấp 2 lần, đạt 10,200,000 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm tổng tài sản ngành tăng lên khoảng 12% từ năm 2016-2020 (MB Securities; 2021). Việc mở rộng hoạt động kinh doanh làm tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc mở thêm chi nhánh và các điểm giao dịch, mở rộng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm. Do đó, các ngân hàng phải luôn hoàn thiện bộ máy tổ chức từ hội sở đến các điểm giao dịch để nâng cao lợi thế. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt đó, nguồn nhân sự trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng hiện đang xảy ra tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu ở một số vị trí việc làm. Theo Báo cáo thống kê hàng năm do Vụ Tổ chức cán bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện, tính đến thời điểm 01/06/2019, toàn ngành Ngân hàng ước tính có 346.614 người, với cơ cấu trình độ như sau: Tiến sĩ: 569 người, chiếm 0,16%;Thạc sĩ: 20.286 người, chiếm 5,85%; Đại học: 263.927 người, chiếm 76,16%; Cao đẳng: 23.453 người, chiếm 6,77%; Trung cấp: 20.054 người, chiếm 5,79%; Số còn lại (sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo): 18.325 người, chiếm 5,29% (Vụ Tổ chức cán bộ NHNN, 2019). Dự báo nguồn nhân lực vẫn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, vì đây là khoảng thời gian các ngân hàng trong nước nỗ lực phát triển, chuyên nghiệp hơn để cạnh tranh với các ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Theo các chuyên gia dự báo, giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao cho ngành Tài chính - Ngân hàng tăng 20% mỗi năm. Riêng tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành này đến năm 2025 chiếm tỉ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) tổng số việc làm cần tuyển hàng năm, trong đó, trình độ đại học, cao đẳng trở lên chiếm tỉ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng (Trần Anh Tuấn, 2021). Chính vì vậy, việc tìm hiểu, nắm bắt xu hướng tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lúc này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tầng lớp trong xã hội. 3.2. Sự dịch chuyển thị trường lao động theo hướng đổi mới công nghệ Báo cáo gần đây của McKinsey, cho thấy nhu cầu về nguồn nhân lực ngành tài chính chuyên nghiệp trên thế giới gia tăng và đến 2030 khoảng 8 - 9% với các vị trí công việc sẽ mới hoàn toàn, nhiều vị trí công việc hiện tại sẽ chuyển hóa đáp ứng sự thay đổi của công nghệ. (McKinsey, 2019) Diễn đàn Kinh tế thế giới (2020) (World Economic Forum – WEF) nhận định, sẽ có khoảng 65% công việc mới xuất hiện trong tương lai liên quan đến những ngành nghề sản sinh từ các mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, tài chính công nghệ - FinTech và đó là xu hướng. 858
  6. Lĩnh vực ngân hàng đã và đang có chiến lược tái cấu trúc về mặt số hóa hệ thống, từ việc vận dụng các nền tảng số trong quản lý và giao dịch. Tại Việt Nam chính là hệ thống LiveBank có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đang dần thay thế các giao dịch viên truyền thống. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có kế hoạch chuyển đổi số cho ngành ngân hàng đến năm 2025, với ngành dịch vụ tài chính đóng vai trò tiên phong cho quá trình số hóa toàn diện và lấy con người làm trung tâm. Khi đó, các ngân hàng không chỉ hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp công nghệ trong nước, mà phải mở rộng ra phạm vi toàn cầu, nhằm hướng đến đội ngũ lao động đủ khả năng tiếp thu và ứng dụng những công nghệ chuyển giao, công nghệ mới cho Việt Nam. Kết quả khảo sát từ PwC Việt Nam năm 2020 đối với các tổ chức dịch vụ, tài chính đã cho thấy có 49% nhân viên e ngại rằng sẽ bị mất việc vì hệ thống tự động hóa và bày tỏ nguyện vọng nâng cao kiến thức, đặc biệt là lĩnh vực tài chính công nghệ. Điều này hàm ý tồn tại vấn đề thừa nhân sự truyền thống, thừa nơi tuyển dụng, nhưng lại thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao và đạt chất lượng quốc tế. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ngay từ năm 2018, Báo cáo của Earn & Young đã dự báo xu hướng công nghệ có khả năng thực hiện khoảng 30% công việc ở các ngân hàng thương mại trong những năm tới, giảm số lượng công việc hiện tại của đội ngũ nhân sự. Một số ngân hàng tham gia khảo sát cho biết sẽ cắt giảm 20 - 30% nhân viên đến hết năm 2022. Xu hướng thay đổi này đòi hỏi nguồn nhân lực trong tương lai phải có kỹ năng về công nghệ và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế (Earn & Young, 2018). Theo Phạm Thị Lâm Anh (2021), cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập quốc tế sẽ có tác động đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trên thế giới khi làm giảm nhu cầu nguồn nhân lực ở một số bộ phận như giao dịch viên ngân hàng nhưng tăng nhu cầu ở một số vị trí việc làm: Thiết kế trải nghiệm hỗn hợp, thuật toán máy, thiết kế giao diện đàm thoại, cố vấn dịch vụ toàn cầu, kỹ sư xử lý kỹ thuật số, kết nối cổng đối tác. Bên cạnh đó là thay đổi chiến lược tuyển dụng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. 3.3. Sự thay đổi chiến sách tuyển dụng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng Theo khảo sát của Trung tâm đào tạo Nghiệp vụ Ngân hàng Tài chính UB Academy về điều kiện thi tuyển vào Big 4 - Top 4 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam - gồm ngân hàng Agribank, ngân hàng BIDV, ngân hàng Vietinbank và ngân hàng Vietcombank, ta có thể thấy xu hướng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập đã có sự thay đổi, phát triển và mang tính cạnh tranh cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội. 859
  7. Bảng 1.1. Yêu cầu tuyển dụng cán bộ ngân hàng Yêu cầu Agribank BIDV Vietinbank Vietcombank Trình độ đào – Tốt nghiệp Đại – Tốt nghiệp – Tốt nghiệp Đại – Tốt nghiệp Đại tạo học chuyên Cao đẳng trở lên học chuyên học chuyên ngành liên quan. (với vị trí nhân ngành liên quan. ngành liên quan. * Không nhận viên) – Chấp nhận – Chấp nhận hồ sơ của những – Điểm trung ứng viên bằng ứng viên bằng ứng viên học văn bình từ 6.5/10 Trung bình. Trung bình. bằng hai, hệ liên hoặc 2.5/4 trở – Chấp nhận tốt – Chấp nhận tốt thông. lên nghiệp Đại học nghiệp Đại học – Chấp nhận dân lập. dân lập. Đại học dân lập; * Không chấp * Không chấp Đại học chính nhận hệ liên nhận hệ liên quy hệ liên thông, văn bằng thông, văn bằng thông; Đại học 2, tại chức. 2, tại chức. nước ngoài. Chứng chỉ anh – Tiếng Anh tối – Tiếng – Trình độ C trở – Chứng chỉ C văn thiểu IELTS 4.5, Anh trình độ lên và các chứng trở lên. * Các chứng chỉ TOEFL ITP 450, B, hoặc: chỉ quốc tế - TOEFL-PBT tiếng Anh trên TOEFL iBT 45, – B1 Châu Âu tương đương. 550 điểm trở lên; phải do các đơn TOEIC 450. – IELTS 3.5 TOEFL-CBT vị uy tín đã được – TOEIC 420 213 điểm trở lên; Bộ Giáo dục TOEFL-IBT 80 hoặc cơ quan điểm trở lên Quốc tế công - IELTS 6.0 trở nhận cấp. lên - TOEIC 650 trở lên. Chứng chỉ tin Trình độ A, B, C Trình độ A, B, C Trình độ A, B, C Trình độ A, B, C học tương ứng với vị tương ứng với vị tương ứng với vị tương ứng với vị trí ứng tuyển. trí ứng tuyển. trí ứng tuyển. trí ứng tuyển. Độ tuổi ứng Dưới 30 tuổi Dưới 35 tuổi Dưới 35 tuổi Dưới 35 tuổi tuyển Chiều cao – Nữ cao 1.55m – Nữ cao 1.58m – Nữ cao 1.58m – Nữ cao 1.58m trở lên trở lên trở lên trở lên – Nam cao – Nam cao – Nam cao – Nam cao 1.65m trở lên 1.65m trở lên 1.65m trở lên 1.65m trở lên 860
  8. Yêu cầu Agribank BIDV Vietinbank Vietcombank * Một số vị trí * Một số vị trí * Một số vị trí * Một số vị trí chuyên môn chuyên môn chuyên môn chuyên môn không xét ngoại không xét ngoại không xét ngoại không xét ngoại hình hình hình hình (Nguồn: Dữ liệu tổng hợp của nhóm tác giả (2021)) Ngoài bốn ngân hàng hàng đầu nước ta trên, thì các ngân hàng và tổ chức tài chính… cũng có các yêu cầu tuyển dụng tương tự hoặc điều kiện ít khắt khe hơn nhưng trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, thì xu hướng tuyển dụng nhân sự ngành tài chính – ngân hàng vẫn phải đáp ứng các điều kiện cơ bản về: Trình độ chuyên môn; Ngoại ngữ; Tin học và các kỹ năng mềm khác. Khi nói đến ngành tài chính – ngân hàng thì một trong những xu hướng tuyển dụng trong giai đoạn phát triển và hội nhập như hiện nay thì không thể không nhắc đến yêu cầu về trình độ chuyên môn. Ứng viên dự tuyển trong ngành phải đảm bảo các yêu cầu về kiến thức ngành, khả năng ứng dụng công nghệ và sự đa năng của người lao động. Để đáp ứng việc chuyển đổi theo mô hình công nghệ hiện đại cũng như nâng cấp đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, nhân lực ngành tài chính, ngân hàng ngoài am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng phân tích dữ liệu, còn phải thành thạo kỹ năng vận hành công nghệ số. Bên cạnh yêu cầu chuyên môn thì trong xu thế hội nhập như hiện nay, yêu cầu về ngoại ngữ là một yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ cán bộ nhân viên của nghề tài chính – ngân hàng. Theo số liệu thống kê năm 2021 của Bộ Giáo dục và đào tạo, hiện nay có hơn 90 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành tài chính – ngân hàng, trong đó yêu cầu đầu ra anh văn là yêu cầu bắt buộc, với chuẩn đầu ra anh văn của các trường tối thiểu đạt từ 400 điểm TOIEC trở lên hoặc các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEF… tương đương. Đối với các trường chấp nhận bằng B1, thì bằng phải đáp ứng tiêu chuẩn áp dụng khung tham chiếu châu Âu. Có một số trường phân hệ đào tạo sinh viên hệ chất lượng cao như trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh thì chuẩn đầu ra anh văn lại càng yêu cầu cao hơn, sinh viên khi ra trường phải đạt IELTS 5.5 mới đáp ứng yêu cầu đầu ra ngoại ngữ… Ngoài xem xét bằng anh văn khi tuyển dụng đầu vào, đối với một số tổ chức tài chính, ngân hàng còn tiến hành tổ chức thi kiểm tra anh văn trong vòng sơ khảo, sau khi đạt điểm anh văn tối thiểu theo yêu cầu, ứng viên mới được chuyển qua vòng tiếp theo để tham dự phỏng vấn. Đây cũng chính là bước đầu sàng lọc ứng viên của nghề tài chính – ngân hàng. 861
  9. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, nhất là đối với hệ thống tài chính – ngân hàng, nơi đi đầu trong cuộc phát triển và cải tiến công nghệ, thì yêu cầu chọn lựa nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, trình độ tin học là không thể thiếu. Đối với nghề tài chính – ngân hàng, ứng viên khi ứng tuyển cần phải đạt yêu cầu về trình độ tin học như có bằng tin học căn bản (gồm đủ 6 module cơ bản) theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, trình độ bằng tin học phân loại A, B, C tuỳ theo vị trí tuyển dụng và yêu cầu các chứng chỉ tin học khác nếu ứng tuyển vào các vị trí đặc thù. Đồng thời, tương tự như việc sàng lọc ứng viên đối với trình độ ngoại ngữ, các tổ chức tài chính, ngân hàng, cũng tổ chức, xây dựng các bài kiểm tra ứng dụng trình độ tin học trên máy tính trực tiếp nhằm đảm bảo chất lượng ứng viên đầu vào. 3.4. Đặt ra yêu cầu mới của quá trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Trước thay đổi trong nhu cầu tuyển dụng của lĩnh vực ngân hàng, các cơ sở giáo dục cần giảm bớt các môn học mang tính hàn lâm, tăng tính ứng dụng, điều chỉnh chương trình giảng dạy theo hướng chú trọng tới đào tạo liên ngành, như bổ sung và đào tạo chuyên sâu các ngành công nghệ tài chính, ngân hàng số, thương mại điện tử, quản trị công nghệ thông tin,… Qua đó, phát triển nguồn nhân lực đa năng, có đủ kiến thức cần thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ ngân hàng hiện đại. Không chỉ chương trình giảng dạy, phương thức đào tạo cũng cần được đổi mới, xóa bỏ cách học thụ động, sách vở, tăng cường giờ thực hành, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận ứng dụng công nghệ hay mô hình hoạt động thực tế. Các cơ sở đào tạo nên đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng nhằm xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với nhu cầu thị trường. Các trường đại học thậm chí có thể chủ động đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tổ chức các khoá thực tập, trải nghiệm thực tiễn để các sinh viên có những kinh nghiệm và hình dung nhất định ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó giúp sinh viên ra trường có thể vào làm việc ngay, không cần đào tạo lại nghiệp vụ. Liên kết đào tạo quốc tế cũng cần tăng cường về lượng và chất để góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Xu hướng tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân sự trên không chỉ áp dụng đối với đối tượng ứng viên mà các tổ chức tài chính - ngân hàng cũng luôn quan tâm, chú trọng và thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, kiểm tra chất lượng cán bộ nhân viên (CBNV) trong doanh nghiệp. Tác giả đã tiến hành điều tra, khảo sát, phỏng vấn các cán bộ nhân viên trong 15 tổ chức ngân hàng để làm rõ hơn về quan điểm này. 862
  10. Bảng 1.2. Khảo sát tần suất các tổ chức tài chính - ngân hàng triển khai lớp đào tạo, tập huấn và kiểm tra năng lực CBNV về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học Tần suất Thường Thỉnh Không Tên ngân hàng xuyên thoảng bao giờ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank X Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV X Công thương Việt Nam - Vietinbank Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank X Quân đội – MB X Kỹ thương Việt Nam - Techcombank X Á Châu – ACB X Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á – Đông Á Bank X Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á – Nam Á Bank X Việt Nam Thương tín - VietBank X Đại chúng Việt Nam – PVcombank X Phương Đông – OCB X Sài Gòn Công thương – SGB X Ngân hàng Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên HSBC X – HSBC Ngân hàng Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên X Shinhan Việt Nam – Shinhan Bank (Nguồn: Dữ liệu tổng hợp của nhóm tác giả (2021)) Căn cứ kết quả khảo sát về tần suất các tổ chức tài chính – ngân hàng triển khai lớp đào tạo, tập huấn và kiểm tra năng lực CBNV về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học tại bảng 1.2, chúng ta có thể thấy, các tổ chức tài chính – ngân hàng luôn quan tâm, chú trọng, phát triển chất lượng nguồn nhân lực đã và đang làm việc tại doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, mức độ cạnh tranh ngày càng cao thì ngoài việc giỏi về chuyên môn, có trình độ về ngoại ngữ, tin học, nghề tài chính – ngân hàng còn đòi hỏi các ứng viên và đội ngũ cán bộ nhân viên trong nghề phải có các kỹ năng mềm phù hợp với vị trí, công việc đảm nhận, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tư duy logic… Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu về xu hướng tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập ngày càng phát triển như hiện nay là một điều không hề dễ đối với mỗi cá nhân người lao động nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung. Các chuyên gia nhận định, trong khoảng thời gian 15 năm từ 2005 - 2020, hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển nhanh chóng, thể hiện qua việc gia tăng ồ ạt số lượng ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, sự phát 863
  11. triển quá nhanh đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có yếu tố chất lượng nguồn nhân lực chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng của ngành. Thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn sâu trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, tín dụng - ngân hàng, phân tích thị trường chứng khoán… Chưa kể, theo khảo sát của công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks, cho thấy dựa trên ý kiến của 2.500 người lao động Việt Nam, đa phần người lao động Việt Nam đang thiếu tự tin về trình độ ngoại ngữ, đồng thời khi nhận xét về lực lượng lao động sinh viên mới ra trường, nhiều nhà quản lý nhận xét, sinh viên còn thiếu nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phân tích, kinh nghiệm kiến thức về thao tác các phần mềm trong công việc thực tế… Chính vì vậy, bài toán về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng nhằm đáp ứng xu thế phát triển của xã hội vẫn luôn được quan tâm, chú trọng. 3.5. Một số kiến nghị, giải pháp góp phần phát triển nguồn nhân lực nghề tài chính - ngân hàng trong bối cảnh hội nhập - Đối với nền giáo dục Việt Nam Một là, gắn việc dạy và học với thực tiễn. Chương trình giáo dục cần phải mô phỏng và chuẩn bị cho người học bước vào cuộc sống thực tiễn càng nhiều càng tốt. Giảm thiểu khung lý thuyết, đưa nhiều ví dụ, tình huống thực tế trong công việc, đời sống vào bài học. Như vậy, sẽ giúp cho người học dễ tiếp thu và nâng cao khả năng thích nghi với thực tế ngay từ trong sách vở. Hai là, học đi đôi với hành. Để giảm thiểu trường hợp sinh viên khi ra trường còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, ngoài trang bị cơ sở lý thuyết gắn với thực tiễn, giáo dục Việt Nam nói chung và các cơ sở trường lớp nói riêng, cần trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, tạo không gian, điều kiện cho sinh viên có nơi thực hành, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Đẩy mạnh việc liên kết với các tổ chức, tài chính – ngân hàng để cho sinh viên có nhiều cơ hội đến học hỏi, làm quen môi trường, tiếp thu kinh nghiệm, công việc thực tế. Ba là, tăng cường dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh chuyên ngành. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, việc tăng cường dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh chuyên ngành rất cần thiết đối với sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên ngành tài chính – ngân hàng nói riêng. Giải pháp quan trọng trong việc tăng cường dạy và học ngoại ngữ là phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, không chỉ dừng lại ở chuyên môn ngoại ngữ, mà còn phải đảm bảo các kỹ năng truyền đạt, tạo cho sinh viên cảm giác yêu thích và gần gũi với tiếng Anh, xem đây như một ngôn ngữ giao tiếp thứ hai được sử dụng trong đời sống, công việc. Đồng thời, việc dạy và học tiếng anh cần được tích hợp, mở rộng, lồng ghép vào nhiều môn học 864
  12. khác, tăng độ bao phủ và tiếp xúc của sinh viên với tiếng Anh, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập. Bốn là, áp dụng công nghệ thông tin trong học tập và quản lý. Ngày nay, nhờ việc phát triển mạnh mẽ của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 nhất là hệ thống công nghệ thông tin đã giúp cho người dạy và học dễ dàng tiếp cận với nguồn kiến thức một cách linh hoạt và thuận tiện hơn. Chính vì vậy, trong giáo dục cần phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc dạy và học, tiến hành chuyển đổi dần các hình thức giảng dạy truyền thống sang công nghệ số, cho sinh viên làm quen với việc học và làm bài kiểm tra trên các nền tảng trực tuyến. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong các công tác giáo dục, hành chính, quản lý văn thư lưu trữ... Xây dựng hệ thống thông tin kết nối thông suốt giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Sở Giáo dục và Đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn ngành… Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và giáo dục đào tạo được xác định là chìa khóa quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển quốc gia. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo vẫn luôn cần thiết và được sự quan tâm nhiều từ Chính phủ và cơ quan nhà nước. Trong hơn 30 năm qua, nước ta đã ghi nhận những thành công lớn trong việc hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo như đã có nhiều chương trình hợp tác đào tạo, dự án ODA (Official Development Assistance - Hỗ trợ Phát triển Chính thức), dự án trao đổi giáo viên, sinh viên, giảng viên và các chương trình liên kết đào tạo thực tế giữa Việt Nam và các trường của quốc gia khác được tổ chức, thực hiện. Điều này đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền giáo dục nước nhà. Đồng thời, giúp mở ra nhiều cánh cửa cơ hội cho nguồn nhân lực Việt Nam phát triển và vươn tầm ra thế giới. - Đối với sinh viên Việt Nam Một là, chủ động, sáng tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn. Trong bối cảnh hội nhập, sinh viên cần phải chủ động trong việc học, không chỉ dừng lại ở việc học trên lớp, mà sinh viên phải tìm, đọc và nghiên cứu thêm tài liệu. Tăng cường bổ sung kiến thức nhất là các kiến thức chuyên ngành. Chủ động nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là đối với các môn trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, tín dụng – ngân hàng, phân tích thị trường chứng khoán… Hai là, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng càng được coi trọng. Việc ra đời và phát triển của ngân hàng số, ngân hàng trực tuyến đòi hỏi mỗi người lao động phải có kiến thức và kỹ năng lập trình, phân tích 865
  13. dữ liệu, marketing digital. Hiện nay, sinh viên, học viên, người lao động sẽ dễ dàng tham gia các lớp học, chương trình tập huấn tại các trường đại học, trung tâm đào tạo công nghệ thông tin để cải thiện và nâng cao trình độ. Bên cạnh đó yêu cầu về trình độ ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập sẽ là điều kiện tiên quyết. Mỗi sinh viên cần phải nhận thức rõ về khái niệm sinh viên có trình độ quốc tế. Vì trong điều kiện hiện nay, việc cạnh tranh vị trí việc làm sẽ không dừng lại ở trên bình diện một quốc gia mà mở rộng phạm vi trong khu vực và trên thế giới. Ba là, rèn luyện, nâng cao kỹ năng mềm. Các kỹ năng mềm như khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng đàm phán kinh doanh, thuyết trình, lập báo cáo kinh doanh còn là những điểm yếu của lao động Việt Nam nói chung. Việc rèn luyện kỹ năng mềm là quá trình hoàn thiện bản thân, biến những kiến thức chuyên môn thành những kỹ năng làm việc hiệu quả. Ngoài ra, bản thân người lao động cũng cần rèn luyện tinh thần và trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt động của bản thân. Bốn là, không ngần ngại, tự tin, tích cực. Hiện nay, để phát triển cho sinh viên, các trường đại học đã tiến hành triển khai cho sinh viên tham gia đăng ký, bảo vệ các đề tài nghiên cứu khoa học, đây cũng chính là cơ hội cho sinh viên phát triển và nâng cao hồ sơ năng lực của bản thân ngay từ trên ghế nhà trường. Chính vì vậy, sinh viên cần phải tự tin và tích cực hơn trong việc nghiên cứu, cũng như thể hiện năng lực, góp phần phát triển bản thân. 4. Kết luận Dưới tác động của quá trình hội nhập quốc tế và sự thay đổi của xu hướng công nghệ, nền kinh tế - xã hội Việt Nam ngày càng mở rộng, vươn ra tầm quốc tế. Kéo theo đó là sự thay đổi và phát triển của xu hướng nguồn nhân sự. Trong đó, ngành tài chính - ngân hàng đã, đang và sẽ là ngành thu hút nhiều sự quan tâm của lực lượng lao động tri thức Việt. Để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập thế giới, thì lực lượng lao động ngành tài chính – ngân hàng, cần phải xác định rõ hướng đi, mục tiêu rèn luyện và phát triển ngay từ bây giờ, tránh bị bỏ lại. Đồng thời tăng sức cạnh tranh so với lực lượng lao động nước ngoài. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bùi Thị Huyền (2018). Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đến lĩnh vực lao động, việc làm ở Việt Nam. Nguồn: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn/khoa-ly-luan- mac-lenin-tu-tuong-ho-chi-minh/tac-dong-cua-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-den-linh- vuc-lao-dong-viec-lam-o-viet-nam.html. 2. Cục Quản lý Lao động ngoài nước (2017). Báo cáo tổng hợp quản lý Lao động ngoài nước năm 2017. Hà Nội. 866
  14. 3. Đặng Nguyên Anh (2021). Thị trường lao động - việc làm và quan hệ lao động trong điều kiện hội nhập ở Việt Nam: Thực trạng và một số định hướng chính sách. Nguồn: http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/thi-truong-lao-dong---viec-lam-va- quan-he-lao-dong-trong-dieu-kien-hoi-nhap-o-viet-nam-thuc-trang-va-mot-so- dinh-huong-chinh-sach--%E2%80%8B.html. 4. Nguyễn Minh Sáng (2018). Xu hướng ngân hàng mở trong bối cảnh toàn cầu và sự chuẩn bị của Việt Nam. Tạp chí ngân hàng số 19/2018. 5. Phạm Quốc Trụ (1996). Chủ nghĩa khu vực như là một chiến lược an ninh quốc gia: Chế độ an ninh hợp tác của ASEAN 1957 – 1996. Luận văn tiến sỹ, Đại học Laval, Quesbec (Canada). 6. Phạm Thị Lâm Anh (2021). Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến nguồn nhân lực lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2021. 7. Tổng Cục thống kê (2017). Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2017. Hà Nội. 8. Trần Anh Tuấn (2021). Khái quát chung về hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Tạp chí Thương mại và tài chính quốc tế quý II năm 2021. 9. Trần Thế Sao, Nguyễn Thị Phương Thảo (2021). Hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục phát triển bền vững sau một năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số tháng 2 năm 2021. 10. Võ Thị Phương (2019). Triển vọng nguồn nhân lực ngành ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019. 11. Vũ Việt Hoàng (2018). Những cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử nhân loại. Tạp chí Kinh tế - Pháp luật năm 2018. 867
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2