intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đóng góp của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục (1945 – 1954)

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nhằm làm rõ những đóng góp của đội ngũ trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc và khẳng định vị trí quan trọng của tầng lớp trí thức trong xã hội và nhìn nhận lại vai trò quan trọng của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì bài viết sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic để làm rõ các hoạt động và ảnh hưởng của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn trên lĩnh vực văn hóa và giáo dục từ năm 1945 đến năm 1954.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đóng góp của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục (1945 – 1954)

  1. ĐÓNG GÓP CỦA TRÍ THỨC SÀI GÒN - CHỢ LỚN TRÊN LĨNH VỰC VĂN HÓA – GIÁO DỤC (1945 – 1954) Phạm Thị Vân Anh 1 1. Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân và trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn đã giành được thắng lợi to lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau và góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đội ngũ trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn đã hăng hái tham gia công tác phát triển, xây dựng nền giáo dục kháng chiến từ thành phố đến thị xã, từ nội đô ra bưng biền. Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức còn hoạt động tích cực trên những mặt như văn học, văn nghệ, báo chí trong suốt quá trình kháng chiến. Nhằm làm rõ những đóng góp của đội ngũ trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc và khẳng định vị trí quan trọng của tầng lớp trí thức trong xã hội và nhìn nhận lại vai trò quan trọng của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì bài viết sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic để làm rõ các hoạt động và ảnh hưởng của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn trên lĩnh vực văn hóa và giáo dục từ năm 1945 đến năm 1954. Từ khóa: Giáo dục, Trí thức Sài Gòn, Văn hóa 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Từ thực tế lịch sử Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới đã chứng minh rằng: tầng lớp trí thức đóng một vai trò quan trọng trong cách mạng ở các nước thuộc địa. Những trí thức là người có điều kiện tiếp xúc với phong trào quốc tế và hiểu phong trào ấy, đồng thời họ gần gũi với giai cấp công nông, cho nên chính họ đã đưa ra các quan điểm, tư tưởng mới vào quần chúng, trí thức có tính dân tộc mạnh đồng thời họ là người có cảm giác nhạy cảm, nên khi phong trào cách mạng đi lên người châm ngòi đầu tiên thường là trí thức. Vậy trí thức là gì? Theo Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, khái niệm trí thức, được Nghị quyết nêu rõ: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”. Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước thì trí thức góp phần không nhỏ làm nên những thắng lợi đó. Sau cách mạng tháng Tám thắng lợi, thực dân Pháp lại tiếp tục quay trở lại xâm lược nước ta. Dân tộc ta lại phải đối diện với sự xâm lược của thực dân Pháp và trong cuộc kháng chiến này có nhiều thành phần và tầng lớp nhân dân tham gia. Trong đó có sự đấu tranh của tầng lớp trí thức Việt Nam, trí thức Nam bộ nói chung và trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn nói riêng có một vị thế và vai trò quan trọng, đặc biệt được thể hiện qua chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với những đóng góp quan trọng, cơ bản và mang tính quyết 341
  2. định trên nhiều lĩnh vực văn hóa, giáo dục... lực lượng trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành một bộ phận không thể tách rời khỏi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Những đóng góp của họ là vô cùng lớn lao, để lại nhiều bài học quý báu. Để nhìn nhận một phần vai trò của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn trong cuộc kháng chiến này thì bài viết sẽ đề cập đến hoạt động của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn trên lĩnh vực văn hóa và giáo dục từ năm 1945 đến năm 1954. 2. BỐI CẢNH LỊCH SỬ Cách mạng tháng 8/1945 thành công, bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn. Kinh tế đất nước vốn nghèo nàn, lạc hậu, lại bị kiệt quệ hơn do chính sách vơ vét, tham tàn của đế quốc, phát xít trong mấy mươi năm thống trị. Sau cách mạng, công nghiệp lạc hậu và đình đốn; nông nghiệp tiêu điều, ruộng đất bị bỏ hoang do hạn hán và lụt lội; thương nghiệp ngưng trệ, bế tắc, hàng hóa khan hiếm; tài chính cạn kiệt, kho bạc trống rỗng. Nạn đói đầu năm 1945 chưa qua khỏi thì nguy cơ của một nạn đói mới đã xuất hiện. Về văn hóa, chính sách ngu dân, lạc hậu, phản động của chủ nghĩa thực dân đã để lại một di sản thảm hại với hơn 90% dân số không biết chữ. Các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, mê tín, dị đoan... trầm trọng và nặng nề. Sau ngày độc lập, lực lượng chống phá, phản kích phong trào giải phóng dân tộc; các thế lực phản động quốc tế tập trung tìm mọi cách tiêu diệt cách mạng Việt Nam. Ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng vượt biên giới vào Việt Nam. Quân Tưởng lộng hành, âm mưu vô hiệu hóa, gây sức ép, đòi hỏi chính quyền cách mạng thỏa mãn yêu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm. Không những thế, chúng còn lôi kéo lũ phản động người Việt lưu vong về mưu đồ cướp chính quyền cách mạng, lập chính quyền phản động. Tổ chức "Quốc dân quân", lực lượng vũ trang khủng bố mang tên "Thiết huyết đoàn", "Thần lôi đoàn", "Bàn tay máu " được thiết lập dựa vào sự dung túng của quân Tưởng, chúng tiến hành cướp của, giết người vô tội, ám sát cán bộ. Tại miền Nam, tình hình nghiêm trọng hơn rất nhiều. Hơn 2 vạn quân Anh kéo vào miền Nam, ngang nhiên vi phạm quy định của Hội nghị Pốtxđam, thay vì tước khí giới, quân Anh cho quân Nhật làm nhiệm vụ cảnh sát trong thành phố và đòi lực lượng vũ trang cách mạng giao nộp vũ khí. Cấm báo chí không được xuất bản và thiết quân luật, ai trái lệnh sẽ bị xử tử… Quân Nhật chiếm các trại giam, thả quan Pháp bị bắt giữ hồi tổng khởi nghĩa, thả lính Pháp bị giam trong đêm Nhật đảo chính, trang bị lại vũ khí cho chúng. Lũ phản quốc thi nhau ngóc đầu dậy hoạt động, tiếp tay, kích động dân chúng và vu khống đả kích UBND Nam Bộ. Một số phần tử phản động trong các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo lợi dụng thần quyền và lòng sùng đạo để hoạt động chia rẽ nội bộ các tín đồ và giữa các tôn giáo. Pháp thể hiện quyết tâm "giải phóng" Đông Dương bằng tuyên bố của Tổng thống Đờ Gôn về "Những điều kiện tổng quát của quy chế Đông Dương sẽ được hưởng", khẳng định đặt lại ách thống trị với sự giúp đỡ của Anh và Mỹ. Vào 0 giờ ngày 23/9/1945, được sự hỗ trợ của quân Anh, Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Từ Sài Gòn, quân Pháp đánh lan rộng ra các tỉnh ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn và toàn Nam bộ bước vào một thời kỳ đấu tranh cách mạng mới với nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. 342
  3. 3. ĐÓNG GÓP CỦA TRÍ THỨC SÀI GÒN – CHỢ LỚN TRÊN LĨNH VỰC GIÁO DỤC TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 Sau ngày đất nước độc lập, mặt trận giáo dục cũng nhanh được chóng kiến thiết lại, đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ chấn hưng dân trí, xây dựng đất nước. Từ nhận thức đó, Chính phủ phải bắt tay ngay vào việc xây dựng nền giáo dục mới của một nước độc lập và dân chủ, chống "giặc dốt" được đặt ở vị trí thứ hai trong sáu nhiệm vụ cấp bách của chính phủ. Ngày 6/9/1945, Nha bình dân học vụ đã ra đời hướng dẫn nhân dân học chữ. Bên cạnh đó, Hội truyền bá Quốc ngữ do ông Nguyễn Văn Vỹ, một trí thức yêu nước làm chủ tịch, vẫn tiếp tục duy trì hoạt động như một tổ chức chính yếu góp phần chống thất học, thanh toán nạn mũ chữ, nâng cao dân trí. Hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến, một bộ phận trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn ra bưng biền tham gia hoạt động giáo dục. Trong nhiều phiên họp, Đảng và Chính phủ đã bàn đến việc mở lại các trường đại học để đào tạo lớp trí thức thanh niên mới, đào tạo đội ngũ trí thức, giáo viên. Theo quyết định của Chính phủ, ngày 15/11/1945, nhiều trường đại học được mở tại Hà Nội và khai giảng tại Sài Gòn – Chợ Lớn như: trường Đại học Luật khoa Sài Gòn, trường Sư phạm, Cao đẳng vô tuyến, Hàng Hải, Đại học Y Dược (trung tâm nghiên cứu Y khoa Sài Gòn), các trường Công chánh, Kỹ thuật; các trường nghề như trường Mỹ thuật Gia Định, trường Kỹ thuật thực hành Sài Gòn, trường Cơ khí Á châu, trường Y tế thực hành bản xứ (đào tạo y tá và nữ hộ sinh), trường học nghề đóng tàu Sài Gòn… Do đó đội ngũ sinh viên trí thức không ngừng tăng lên. Về cấp giáo dục phổ thông, sau 8/1945, tính toàn Nam bộ có khoảng 108 trường tiểu học, 34 trường tư thục, 78 trường của tôn giáo. Tại Sài Gòn – Chợ Lớn vẫn còn các trường dạy theo chương trình Pháp – Việt, trường tư, trường Thiên chúa giáo (Hồ Hữu Nhựt, 2000). Tháng 8/1947, Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ quyết định thành lập Sở Giáo dục và Viện Văn hóa kháng chiến Nam Bộ. Đây là hai cơ quan khác nhau về chức năng nhiệm vụ, nhưng đều do trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn lãnh đạo. Năm 1950, Sở và Viện sáp nhập thành Nha Giáo dục Nam Bộ; sau đó lấy lại tên Sở Giáo dục Nam Bộ đảm nhiệm đồng thời chức năng về giáo dục và văn hóa. Sở Giáo dục và Viện Văn hóa kháng chiến Nam Bộ có nhiệm vụ chính trị chiến đấu trên mặt trận văn hóa - giáo dục theo yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến, quét sạch tàn tích văn hóa - giáo dục ngu dân của thực dân Pháp, xây dựng nền văn hóa - giáo dục mới của Nam Bộ. Một trong những chiến công trên mặt trận giáo dục là công tác xóa mù chữ. Phong trào Bình dân học vụ nở rộ khắp nơi, được duy trì cả trong vùng tự do lẫn vùng du kích và vùng tạm chiếm, do tổ Bình dân học vụ của ban Xã hội trực thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ đảm trách, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp tài liệu, sách vở và xóa mù chữ. Phòng Bình dân học vụ do GS. Nguyễn Hậu Lạc phụ trách, mở các lớp đào tạo cho các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Tham gia tích cực vào hoạt động này là đồng chí Nguyễn Văn Đài, một trí thức yêu nước từ lâu gắn bó với sự nghiệp truyền bá chữ Quốc ngữ. Từ giữa năm 1947, phòng Bình dân học vụ đã đào tạo giáo viên bình dân học vụ và bổ túc văn hóa, cán bộ chỉ đạo phong trào bình dân học vụ của Ty Giáo dục các tỉnh; mở lớp học tại Rạch Rít (Chợ Lớn), Trà Cú (Trà Vinh), Tân Bằng và rạch Ông Đuông (Bạc Liêu) bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 200 giáo sinh toàn Nam Bộ. Phong trào nhanh chóng 343
  4. đạt kết quả khích lệ. Năm 1948, Quới Xuân (Gia Định) là xã đầu tiên hoàn thành xóa mù chữ, được Bác Hồ gửi điện khen ngày 21/6/1948. Hội nghị giáo dục toàn Nam Bộ (1952) tổ chức tại xã Tân Đức (Bạc Liêu) 18 chiến sĩ thi đua diệt giặt dốt cấp tỉnh và hai cấp Nam Bộ được Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ tặng bằng khen. Tính đến cuối năm 1953, đã xóa mù chữ cho hơn ba triệu đồng bào, hầu hết là trẻ em và người lớn những vùng do chính quyền cách mạng quản lý. Tỉnh Gia Định, 4 huyện và 256 xã là những đơn vị hành chính được Sở Giáo dục Nam Bộ công nhận hoàn thành thanh toán nạn mù chữ. (Hồ Sơn Diệp, 2003). Song song với việc xóa mù chữ, phong trào phát triển giáo dục tiểu học ngoại trú và nội trú cũng được chú ý. Những người lớn tuổi sau khi biết đọc biết viết đều được tiếp tục học thêm các lớp "dự bị bình dân", ngoài mục đích chống “tái mù chữ”, còn trang bị một số kiến thức khoa học phổ thông và đời sống mới, giáo dục ý thức công dân như vệ sinh ăn ở, chống mê tín dị đoan, cảnh giác phòng gian, thực hiện "3 không" đối với địch. Riêng đối với trẻ em, Sở Giáo dục Nam Bộ cùng Ty Giáo dục các tỉnh phối hợp mở nhiều trường tiểu học. Ở những địa phương có điều kiện về an ninh mở Trường tiểu học nội trú cho con em cán bộ, gia đình liệt sĩ. Nhằm đào tạo giáo viên cho các trường trung học kháng chiến, cuối năm 1947 Sở Giáo dục kết hợp với Viện Văn hóa Kháng chiến mở lớp Sư phạm và Văn hóa Phan Chu Trinh. Đầu năm 1948, mở lớp sư phạm cấp tốc ở Bạc Liêu đạo tạo giáo viên cho toàn Nam Bộ. Năm 1949, Sở Giáo dục mở Trường Sư phạm Nam Bộ tại Rạch Tắt (Cái Tàu) đào tạo giáo viên có khả năng dạy đến lớp nhất tiểu học hoặc trở thành cán bộ cốt cán của các Ty Giáo dục. Trường mở được 3 khóa đào tạo gần 300 giáo viên tiểu học; các khóa học ở Cà Mau, Bạc Liêu do GS. Nguyễn Văn Chì phụ trách. Nhờ vậy, phong trào bình dân học vụ trong thời kỳ kháng chiến ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc tham gia giảng dạy, các nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn còn hoạt động quyên góp ủng hộ tiền bạc vật chất cho ngành giáo dục trong những ngày tháng đầu gian nan. Nhiều trí thức đã ủng hộ sách vở, giấy mực; tham gia biên soạn sách như luật sư Lê Đình Chi biên soạn các tài liệu có giá trị như Luật hiến pháp sơ giảng, Hình luật sơ lược. Ngày 7/9/1952, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ Nam Bộ ra mắt đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn. Hội được thành từ năm 1944 ở Hà Nội, do nhà trí thức – thương nhân Michel Văn Vĩ làm hội trưởng, dược sĩ Trần Kim Quan hội phó, nhà báo Thuần Phong làm tổng thư ký, tham gia còn có nhà sử học Lê Thọ Xuân, nhà văn Trọng Toàn, dược sĩ Nguyễn Văn Liễn, Tạ Đình Thuận, Lê Quang Hộ, Lê Văn Hai. Hội đã phát động phong trào chống giặc dốt, vừa phổ biến văn hóa dân tộc, vừa giáo dục tinh thần yêu nước trong quần chúng, chống các tác phẩm văn hóa đồi trụy. Trong suốt giai đoạn thực hiện chiến dịch diệt giặc dốt, toàn Nam Bộ có gần ba triệu người thoát nạn mù chữ; năm mươi vạn người học xong lớp dự bị bình dân; tỉnh Gia Định có hơn 80% số người trong vùng giải phóng được đi học; có 4 huyện xóa hoàn toàn mũ chữ là Tam Bình tỉnh Vĩnh Long, Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh, Long Châu tỉnh Cần Thơ và Gò Vấp tỉnh Gia Định. Đó là những thành quả chung mà trí thức yêu nước Sài Gòn – Chợ Lớn cùng với trí thức cả nước giành được trong quá trình xây dựng nền giáo dục Việt Nam lớn mạnh, góp phần đưa đến chiến thắng cuối cùng của cuộc kháng chiến. 344
  5. Bên cạnh việc tham gia vào hoạt động giáo dục, đào tạo cán bộ trí thức cho cách mạng, giáo viên cho nền giáo dục kháng chiến ở vùng bưng biền, giới trí thức giáo chức cũng tham gia mạnh mẽ vào phong trào đấu tranh chính trị trong các đô thị, nhất là giai đoạn 1950-1954, góp phần cùng quân và dân kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Hưởng ứng bản tuyên ngôn của giới trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn (3/1954) về việc đòi quân đội Pháp ngưng chiến và lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, một số trường tư thục ở nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn (Đồng Nai, Huỳnh Khương Ninh, Kiến Thiết) đã đấu tranh, đòi chính quyền thực dân Pháp: bớt tiền học phí tất cả các môn, hạ tiền học phí tiếng Pháp, miễn quân dịch cho học sinh… Tháng 8/1954, Nghiệp đoàn giáo học tư thục Việt Nam tổ chức Đại hội Giáo dục, đòi miễn quân dịch cho giáo viên, hoãn quân dịch cho học sinh. Giới giáo viên, giáo chức đã tham gia tích cực Phong trào bảo vệ Hòa bình do một số trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn khởi xướng. Nhiều phong trào được hình thành tại các trường học, tạo thành cao trào đấu tranh rộng lớn ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Trong suốt chín năm kháng chiến, đội ngũ trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn đã tập hợp lại trong nhiều tổ chức khác nhau, hăng hái tham gia công tác phát triển, xây dựng nền giáo dục kháng chiến. Chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống giáo dục các cấp đã ra đời khắp vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và Nam Bộ, từ thành phố đến thị xã, từ nội đô ra bưng biền. Đội ngũ trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn không chỉ đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy mà còn tham gia chiến đấu trên các mặt trận vũ trang, đấu tranh chính trị. 4. ĐÓNG GÓP CỦA TRÍ THỨC SÀI GÒN – CHỢ LỚN TRÊN LĨNH VỰC VĂN HÓA TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 1954 4.1. Trên lĩnh vực văn học Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đội ngũ trí thức là văn nghệ sĩ sớm bắt tay vào việc xây dựng mặt trận văn hóa, văn nghệ kháng chiến theo phương châm: "Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận và các văn nghệ sĩ phải là những chiến sĩ trên mặt trận ấy"; văn hóa, thơ ca, nhạc họa cũng là vũ khí đánh giặc. Bên cạnh một số ít văn nghệ sĩ không chịu nổi gian khổ đã bỏ cuộc, đa số các văn nghệ sĩ đều tham gia sinh hoạt trong các Hội, các Chi hội văn hóa thuộc Mặt trận Việt Minh, hoặc Hội Liên Việt. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, văn thơ yêu nước Sài Gòn – Chợ Lớn có những bước phát triển mới. Văn Nhơn ký giả của các nhân sĩ, văn nhân Sài Gòn – Chợ Lớn được thành lập, ngày 25/8/1945, quy tụ nhiều nhà văn yêu nước như Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà, Ngươn Long, Chu Đức... Ngoài việc sáng tác những ký sự, văn phẩm có nội dung yêu nước, động viên cách mạng, nhiều tác phẩm nước ngoài có nội dung tiến bộ được dịch để tuyên truyền tư tưởng đấu tranh. Tại hội nghị văn hóa toàn quốc lần I, Liên đoàn văn hóa cứu quốc được thành lập, liên kết với tổ chức Báo chí thống nhất, tập hợp các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ trong một mặt trận đấu tranh. Sự ra đời và kết hợp của hai tổ chức đã thúc đẩy phong trào đấu tranh trên các mặt trận văn hóa – tư tưởng. Tiêu biểu như nhà giáo Bùi Thị Nga đã tổ chức buổi hòa nhạc và triển lãm thơ, tranh ký họa có nội dung đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và ủng hộ các phong 345
  6. trào đấu tranh chính trị của Khám Lớn Sài Gòn. Hoạt động thu hút sự tham gia của nhiều trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn như nhạc sĩ Lê Thương, Trần Văn Khê, Thái Thị Liên, Nguyễn Xuân Quyến, bác sĩ Phạm Kim Thương, kỹ sư Thái Văn Lân,… Cuối năm 1948, Liên hiệp Văn nhân Nam Bộ ra đời, quy tụ nhiều nhà văn nổi tiếng như Trúc Chi, Thẩm Thệ Hà, Thành Nguyên, Văn Lâu, Bùi Đức Tịnh... Sự ra đời của tổ chức văn nhân đã thúc đẩy phong trào đấu tranh trên mặt trận tư tưởng ở Nam Bộ ngày càng lên cao. Giai đoạn này đánh dấu sự ra đời của nhiều tác phẩm lý luận văn học có tư tưởng chính trị tiến bộ như “Việt Nam trên con đường Cách mạng tân văn hóa” của Thẩm Thệ Hà, “Dân chủ và dân chủ” của Thiếu Sơn, “Nghệ thuật và Nhơn sinh”, “Văn chương và xã hội” của Thiên Giang… Bằng ngòi bút và tài năng của mình, các nhà văn, nhà thơ đã đóng góp không nhỏ vào xây dựng đời sống văn hóa kháng chiến. Những trí thức văn nhân tiêu biểu như Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Thành Nguyên, Chu Đức, Thẩm Thệ Hà, Bùi Nam Tử, Phan Hữu, Ngươn Long, Thiếu Sơn, Thanh Nhã, Hùng Ngôn, Bùi Đức Tịnh, Trần Tuấn Quốc, Thiên Giang, Tam Ích, Hoài Sơn, Ngao Châu, Hồ Thị… thông qua những sáng tác và dịch thuật, đã nói lên tiếng nói yêu nước, tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm. Những truyện dài như “Tổ Quốc Trên Hết”, “Ngậm Hờn”, tác phẩm dịch như “Đệ Bát Lộ Quân”, “Đường Lên Cõi Bắc”, “Kế Hoạch 5 Năm Của Liên Xô”, “Giữa Hai Cuộc Cách Mạng 1789-1945”, hay thơ như “Chiến sĩ hành”, “Trên đường”,… đều phản ánh tinh thần cách mạng, được đông đảo độc giả đón nhận.(Hồ Hữu Nhựt, 2000). Bên cạnh đó cũng có không ít những tác phẩm mang tính văn học thuần túy, thiếu tính cách mạng. Chính vì thế, sự ra đời của các tác phẩm như Lịch sử giải phóng Việt Nam, Nam Bộ kháng chiến, Việt Nam trong năm lịch sử, Con đường cứu nước, Việt Nam trên con đường Cách mạng tân văn hóa,… đánh dấu một sự trưởng thành về mặt nhận thức chính trị của tầng lớp trí thức văn nhân. Các tác phẩm văn học phản ánh hơi thở của chiến tranh, phản ánh thực tế chiến đấu bằng những tác phẩm văn học mang giá trị tư tưởng giải phóng dân tộc, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh. Hơn thế nữa các tác phẩm văn học đã mổ xẻ nỗi thống khổ của người dân Việt dưới ách thống trị của người Pháp. Tác phẩm của nhà văn, nhà báo được độc giả đón đọc, họ đọc sách kháng chiến rồi đi theo kháng chiến. các tác phẩm văn học cũng là tiếng còi xung trận , tiếng còi khơi dậy truyền thống quật cường của dân tộc và truyền thống yêu nước, chiến đấu vẻ vang của nhân dân Việt Nam. 4.2. Trên lĩnh vực văn nghệ Trong ngành nghệ thuật sân khấu, sự ra đời Hội nghệ sĩ thành phố do Nguyễn Thành Châu phụ trách và Hội Ái hữu nghệ sĩ do Trần Hữu Trang chủ trương, nghệ sĩ Phùng Há làm hội trưởng, không chỉ thu hút sự tham gia của văn nghệ sĩ trí thức, các đoàn/gánh hát của Sài Gòn – Chợ Lớn mà cả vùng Nam Bộ. Ngoài hoạt động biểu diễn, hội còn chú ý đến hoạt động sáng tác nhiều kịch bản có nội dung yêu nước, kích thích tinh thần chiến đấu của quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn. Sự ra đời của những tổ chức văn nghệ đã thổi một luồng gió chứa đựng nhiệt huyết và tinh thần yêu nước tới đông đảo quần chúng nhân dân trên khắp đô thị và vùng tạm chiến. Gánh hát Năm Châu là một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của ngành sân khấu không chỉ Sài Gòn – Chợ Lớn mà cả Nam Bộ, nơi sinh hoạt của nhiều nghệ sĩ như Nam Châu, Phùng Há, Duy Lân, Ngọc Sương, Thanh Loan, Từ Anh... Gánh hát có nhiều vở kịch nổi tiếng như Gió 346
  7. ngược chiều, Hận chiến trường, Máu nhuộm phụng hoàng cung… được công diễn nhiều lần, từ nội thành đến chiến khu. Khi ghánh hát “Con tằm” tan rã lập tức xuất hiện gánh hát Phụ Hảo, tập trung nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Phùng Há, Tư Út, Ba Vân… Tham gia phong trào đấu tranh, các văn nghệ sĩ yêu nước lần lượt bỏ thành thị vào chiến khu gia nhập Vệ quốc đoàn. Nhiều nghệ sĩ như Tám Danh, Năm Châu, Ba Du, Tư Chơi, Kim Cúc,… trở thành những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa. Tại chiến khu Đồng Tháp Mười, chi hội Văn nghệ và nhà xuất bản Đồng Tháp Mười được thành lập với sự tham gia của nhiều anh chị em nghệ sĩ trí thức như họa sĩ Diệp Minh Châu, Thanh Nha, Minh Kao; nhà văn Xích Liên, Minh Lộc, Nguyễn Bính, nhạc sĩ Hoàng Việt, Huệ Nhu, Phan Vân; nhiếp ảnh gia Mai Lộc, Vũ Sơn. Trong những năm 1947-1950, rất nhiều “ca khúc kháng chiến” đã ra đời, gắn với một thế hệ “nhạc sĩ kháng chiến” tài danh như Hoàng Việt, Văn Lưu, Minh Trị, Lưu Hữu Phước, Long Châu, Mỹ Ca. Nhiều tác phẩm văn học đề cao lòng yêu nước, cỗ vũ tinh thần đấu tranh được xuất bản như Việt Nam mến yêu của Thẩm Thệ Hà, Tiếng gọi Nam quan của Từ Trầm Lệ, Lòng yêu nước của Thiên Nga, Tiểu đoàn 307, 309, Lá xanh, Chiến dịch Xuân,… Nhiều nhà văn như Trần Minh Ký, Hợp Phố, Bùi Đức Tịnh, Thẩm Thệ Hà,… tham gia phong trào đấu tranh “chống đầu độc văn hóa” tác phẩm khiêu dâm. Trong bối cảnh phong trào đấu tranh chính trị nội thành có chuyển biến mạnh, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ do kỹ sư Michel Văn Vĩ làm hội trưởng, dược sĩ Trần Kim Quan làm hội phó, nhà văn Thuần Phong làm tổng thư ký, chính thức ra mặt nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn. Sự hiện diện của Hội sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa phong trào học chữ quốc ngữ ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, vừa chống giặc dốt vừa phổ biến văn hóa dân tộc. Trong năm 1952, Sở Văn hóa Thông tin Tuyên truyền Nam Bộ đổi tên thành Sở Tuyên truyền văn nghệ Nam Bộ, thành lập Phòng văn nghệ là nơi tập hợp và sinh hoạt của nhiều trí thức, nhân sĩ, nhà văn, nhà báo như Huỳnh Văn Gấm, GS. Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Xuân Nhị, nghệ sĩ Khương Minh Ngọc, ca sĩ Nguyễn Ngọc Bạch, nhạc sĩ Quách Vũ, nhà thơ Hà Mai Nhâu, soạn giả Hoàng Phố… Sở Tuyên truyền Văn nghệ Nam Bộ thành lập Đoàn ca kịch lưu động, sau đổi tên thành Đoàn ca kịch Cửu Long do nghệ sĩ Hoàng Tuyển làm trưởng đoàn. Đoàn có nhiều văn nghệ sĩ, trí thức tham gia như Lương Nhâm, Thanh Hương, Dương Hà, Vũ Hoàng, Can Trường, văn Thìn, Văn Còn… biểu diễn trong vùng giải phóng, đáp ứng đời sống tinh thần và tham gia truyên truyền các ca khúc cách mạng... (Hồ Sơn Diệp, 2003). Để khích lệ tinh thần sáng tác trí thức văn nhân, giải thưởng “Văn nghệ Cửu Long I” được thành lập do Hà Huy Giáp và Ca Văn Thinh làm giám khảo. Giải thưởng đã trở thành nguồn động viên thiết thực khi cuộc đấu tranh đang lên cao trong năm 1951. Trên cơ sở đó, năm 1953, giải thưởng “Văn nghệ Cửu Long II” do chi hội Văn nghệ Nam bộ đảm nhận. Giải thưởng đã góp phần tạo nên không khí thi đua ái quốc, cổ vũ tinh thần chiến đấu trên các mặt trận (Hồ Sơn Diệp, 2003). Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn – Chợ Lớn trong giai đoạn 1946 – 1954 là những người lính xung kích trên “mặt trận văn hóa”. Trong suốt chín năm kháng chiến, nhiều chủ trương của Đảng, của Chính phủ, của Xứ ủy và tin tức mặt trận được nhanh chóng truyền đến nhân dân bằng hệ thống báo chí, đài phát thanh, đội tuyên truyền lưu động, đội văn nghệ xung 347
  8. kích, đội tuyên truyền xung phong Việt Minh... Người trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn đã làm bừng sáng chiến khu cách mạng bằng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ; nhiều tác phẩm văn học, thơ ca, âm nhạc trở thành món ăn văn hóa hàng ngày cho quân và dân, để rồi "biến thành" ngọn lửa chiến đấu. 4.3. Trên lĩnh vực báo chí Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, đấu tranh trên mặt trận báo chí luôn được chú trọng, và đã phát huy hiệu quả với sự góp sức của nhiều trí thức báo giới. Một trong những tờ báo đi tiên phong đấu tranh chống Pháp ở nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn là tờ Justice – Công Lý, của “Nhóm Văn hóa Mác-xít” do nhà văn Thiếu Sơn làm chủ bút. Mặt trận Việt Minh ở Sài Gòn – Chợ Lớn cũng đã xuất bản tờ Thông tin Kháng chiến, về sau đổi thành báo Chống Xâm Lăng, do đồng chí Trịnh Đình Trọng phụ trách, quy tụ được nhiều trí thức cách mạng tham gia diễn đàn đấu tranh như Nguyễn Mạnh Hoàn, Liễu Châu, Trần Bạch Đằng, Quế Lâm,… Một hệ thống báo chí hùng hậu được phát hành ở nội thành và chiến khu như Công Đoàn, Tiền Đạo, Tổ Quốc, Tiếng Súng Kháng Địch, Dân Chủ, Hi Sinh, Tu Dưỡng, Kèn gọi Lính, Tin Điển, Nam Kỳ, Kiến Thiết, Tân Việt,… được đông đảo quần chúng ủng hộ và tìm đọc, với lượng phát hành kỷ lục. Tổng Công đoàn Nam bộ cũng tham gia diễn đàn với việc xuất bản tờ báo Công Đoàn do Nguyễn Lưu phụ trách, sau đổi thành báo Cảm Tử do nhà báo Lý Chính Thắng điều hành, đặt tòa soạn tại An Phú Đông, Gia Định. Tổng bộ Văn báo thành lập “Ban biên tập xóm Thơm” (4/1946), gồm nhiều nhà báo tên tuổi như Lý Vĩnh Khuông, Ái Lan, Lê Văn Ngôn, Trần Văn Khê, Nguyễn Văn Hiếu, Triệu Công Minh… Đội ngũ trí thức tham gia trên mặt trận này đã góp phần đánh đổ những luận điệu xuyên tạc, âm mưu thành lập chính phủ Nam Kỳ tự trị của thực dân Pháp trên các báo phản động như Phục Hưng, Tương Lai, Tiếng Gọi và Bình Dân. Các nhà báo trẻ như Trần Bạch Đằng, Phạm Thiều, Huỳnh Tấn Phát, Thiếu Sơn, Lý Vĩnh Khuông, Lê Thọ Xuân, Trần Văn Nguyên, Thiếu Sơn, Dương Tử Quang, Vĩnh Sanh, Vũ Tùng… có nhiều bài viết đấu tranh đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi độc lập, trưng cầu dân ý thống nhất đất nước, ủng hộ chính phủ Cụ Hồ trên các báo. Nhiều tờ báo công khai đòi thực dân Pháp thả trí thức yêu nước như nghị sĩ quốc hội Hoàng Minh Châu, luật sư Đỗ Minh Sảng, kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích. Tờ Nam Kỳ cho đăng toàn văn bức thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Nam Bộ; tờ Justice kêu gọi yêu cầu giải tán chính phủ tự trị; tờ Lendemains (của nhóm Văn hóa Mác xít) lên tiếng đấu tranh chống chia cắt đất nước… (Hồ Sơn Diệp, 2003). Ngày 10/10/1946, tổ chức Báo chí Thống nhất chính thức thành lập và cùng nhau ra bản Tuyên ngôn, nhằm thể hiện chính kiến và sự ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh sau Hiệp định sơ bộ và bản Tạm ước. Hai tờ tuần báo Việt Bút và Justice đi đầu trong việc thành lập tổ chức Báo chí Thống nhất và ra tuyên ngôn. Sau đó, các báo Tân Việt, Quần Chúng, Dân Quyền, Văn Hóa, Sud, Lendemains (Những ngày mai)... lần lượt gia nhập. Bản Tuyên ngôn được đăng trên các báo và gửi đến chính phủ Việt Nam, chính phủ Pháp để bày tỏ lập trường quan điểm và cương lĩnh của giới trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn. Bản tuyên ngôn xác định "mục đích của sự hoạt động là thống nhất ba kỳ và sự tự do của Tổ quốc (Hồ Hữu Nhựt, 2000). Nhằm phát triển hơn nữa thế mạnh của mặt trận báo chí, tập hợp sự đoàn kết lực lượng trí thức trong một tổ chức đấu tranh thống nhất, ngày 23/10/1946, Nghiệp đoàn báo chí Nam 348
  9. Bộ được thành lập. Nghiệp đoàn chủ trương chống hà khắc đối với trí thức, đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận, đồng thời, góp phần tuyên truyền, chỉ trích mạnh mẽ tư tưởng phản động của nhóm “Phân ly”, âm mưu “Nam kỳ tự trị”, đấu tranh đòi Pháp công nhận “Nam Bộ là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam”. Để phổ biến những quan điểm này, “Báo chí Thống nhất” đã mở mục “Diễn đàn dân chúng” trên các báo. Năm 1947, trước những điều kiện đấu tranh mới, thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn quyết định thay thế báo Chống Xâm Lăng bằng tờ Tổ Quốc Trên Hết, mức độ hoạt động công khai và phổ biến hơn, bên cạnh các báo Tri thức Kháng chiến, Sinh viên kháng chiến, Cứu quốc nội thành,… Đặc biệt là sự hiện diện của tờ Tiếng nói Kháng chiến (La Voix De Maquis) bằng tiếng Pháp do trí thức Trần Xuân Nhị phụ trách, đã tuyên truyền vận động trí thức Việt – Pháp tham gia kháng chiến (Hồ Sơn Diệp, 2003). Cuối năm 1947, giới báo chí yêu nước đã tiến hành thành lập Hội liên hiệp ký giả dân chủ Nam Bộ. Sau đó, tháng 12/1947 Nghiệp đoàn ký giả chuyên nghiệp cũng được thành lập tại câu lạc bộ báo chí Nam Bộ ở nội thành Sài Gòn nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, tính chiến đấu và bản lĩnh cách mạng cho các nhà báo, tờ báo. Nghiệp đoàn ký giả chuyên nghiệp do nhà báo Pháp Soulie làm chủ tịch, đã tập hợp nhiều ký giả người Pháp, người Việt và người Hoa. Sự ra đời của 2 tổ chức này là nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào báo chí yêu nước phát triển, làm động lực cho các phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị lớn như Sài Gòn – Chợ Lớn. Trên cơ sở lớn mạnh của các tổ chức chính trị báo giới ở Sài Gòn – Chợ Lớn, Xứ ủy ra nghị quyết thành lập Hội liên hiệp báo chí Nam Bộ vào cuối năm 1948. Ban chấp hành gồm nhiều ký giả tên tuổi như Lê Thọ Xuân, Trúc Chi, Nam Quốc Cang, Triệu Công Minh. Hội Liên hiệp Báo chí kết hợp cùng với Liên hiệp Văn nhân đã thúc đẩy phong trào đấu tranh trên mặt trận tư tưởng ở Nam Bộ ngày càng lên cao. Liên đoàn Thanh niên Việt Nam Nam Bộ chủ trương phát hành tờ Thanh Niên; Mặt trận Liên Việt Sài Gòn – Chợ Lớn đã xuất bản tờ Liên Việt, xâm nhập vào trong các trường học, công sở, khu dân cư, tập hợp quần chúng làm cho số lượng thành viên của Hội ngày không ngừng tăng lên. Một ban biên tập phát thanh hàng ngày cũng được thành lập, biên tập các tin tức nước ngoài từ các đài Việt Nam (Việt Nam), AFP (Pháp), UPI (Mỹ), REUTER (Anh), để phục vụ thông tin kháng chiến. Tháng 3/1949, sau tin Pháp ký thỏa ước đưa Bảo Đại về thành lập “chính phủ Quốc gia”, Thành ủy Sài Gòn chỉ đạo phát hành số báo đặc biệt trên tờ Tổ Quốc Trên Hết nhằm vạch rõ âm mưu đẩy mạnh cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Sau khi bị mật thám phát hiện bắt giữ chủ tịch hội là dược sĩ Phạm Hữu Hạnh và 21 thành viên khác, báo chí đã lên tiếng phản đối, đấu tranh giữ dội, buộc chính quyền Pháp phải trả tự do cho hàng trăm trí thức và công chức yêu nước. Sự kiện nhà báo Nam Quốc Cang bị ám sát, đám tang của ông đã biến thành cuộc biểu tình của hàng vạn quần chúng. Trước sự đàn áp, bắt bớ của Pháp, nhiều ký giả đã rời Sài Gòn - Gia Định ra vùng giải phóng để tiếp tục kháng chiến như Triệu Công Minh, Mai Văn Bộ, Dương Tử Giang, Vũ Tùng…(Hồ Sơn Diệp, 2003). Năm 1950, hoạt động đấu tranh báo chí trong nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn cũng có những bước phát triển. Sở Thông tin tuyên truyền Nam bộ xuất bản tờ Cứu Quốc Nam Bộ, là cơ quan ngôn luận của Mặt Trận Việt Minh. Đài phát thanh tiếng nói Sài Gòn – Chợ Lớn Tự 349
  10. do được thành lập với nỗ lực của các kỹ sư Lê Văn Huấn, Nguyễn Khắc Cần, Lê Văn Thời,.. tuyên truyền chính sách của Đảng và chính phủ kháng chiến. Đài có sự tham gia của các trí thức là phát thanh viên người Hoa, người Khơ me, người Pháp; các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn nhà báo nổi tiếng như Quách Vũ, Lưu Cầu, Viễn Phương, Thiếu Sơn, Nguyễn Văn Nguyễn… Tháng 12/1950, đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn thành lập Ban thông tin và phát hành tờ báo Cứu quốc Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn nhằm tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách kháng chiến. Tham gia mặt trận báo chí còn phải kể đến hoạt động của các nhà in, trong đó mạnh nhất là nhà in Trần Phú. Từ năm 1951 đến 1954, nhà in đã liên tục in và phát hành nhiều sách báo, tạp chí cách mạng như Tạp chí Nghiên cứu, báo Nhân dân Miền Nam, báo Kinh nghiệm Tuyên truyền, báo Văn nghệ Miền Nam, báo Lá Lúa,… Sau Đại hội 2/1951, Đảng chủ trưởng ra đời tạp chí Lý luận Nghiên cứu, do Hà Huy Giáp làm chủ nhiệm, nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn làm chủ bút, nhà báo Đức Tân là thư ký tòa soạn; và xuất bản tờ báo Nhân dân Miền nam do các trí thức Nguyễn Văn Nguyễn, Lưu Quý Kỳ, Trần Bạch Đằng thay nhau làm chủ bút; ngoài ra có nhiều nhà báo - nhà chính trị nổi tiếng tham gia như Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Phạm Thiều… Trong cao trào đấu tranh chính trị trong những năm 1950-1952, nhiều tờ báo ra đời, đáp ứng những nhiệm vụ mới, ngoài nhiệm vụ chính trị là đấu tranh văn hóa, văn nghệ. Tiêu biểu như tờ Tiếng Chuông, Ánh Sáng, Việt Thanh, Nhân Loại, Cố Gắng, Tin Tức, Phá Ngục, Tung Xiềng,… đã góp phần nâng cao cuộc chiến chống ngoại xâm trên các trang báo. Bên cạnh văn thơ yêu nước, các tờ Ánh Sáng, Tiếng Chuông,… còn cho đăng nhiều phóng sự về đời sống công nhân Ba Son, xe lửa Dĩ An. Năm 1953, các nhà báo Nguyễn Văn Hiếu, Bùi Đức Tịnh chuyển qua hoạt động vận động trong giáo dục tư thục, và xuất bản “Phần Văn hóa” thông qua tờ Việt Nam giáo khoa Tập san. Tờ Việt Nam Giáo Khoa Tập San của cơ quan lãnh đạo văn hóa cách mạng tập hợp nhiều cây bút chiến xuất sắc, nhiều trí thức tên tuổi như Bùi Đức Tịnh, Thành Nguyên, Nguyễn Bảo Hóa, Thuần Phong… Những năm 1953-1954, báo chí Sài Gòn – Chợ Lớn góp phần vào gây dựng lại phong trào cách mạng ở nội thành, đấu tranh đòi độc lập dân tộc và hòa bình. Đỉnh cao của cuộc đấu tranh giai đoạn này là cuộc triển lãm sách báo chống chiến tranh xâm lược, bản kiến nghị ngày 1/8/1954 của hơn 500 nhà trí thức và cuộc mít tinh chào mừng Hiệp định Geneve thắng lợi (Hồ Hữu Nhựt, 2000). Những hoạt động đấu tranh chính trị của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn trên mặt trận báo chí trong các nội thành đã làm lung lay chính quyền thực dân, đồng thời hỗ trợ tích cực cho những hoạt động kháng chiến trên các mặt trận quân sự. 5. KẾT LUẬN Trải qua chín năm gian khổ và hi sinh, cùng với cả nước, công cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân và trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn đã giành được thắng lợi to lớn trên nhiều mặt trên nhiều lĩnh vực. Vai trò của trí thức cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn được phát huy cao độ trong công cuộc kháng chiến kiến quốc từ năm 1945 đến năm 1954. 350
  11. Có thể nói, giai đoạn đầu chống pháp ở Nam bộ 1945 - 1954 là giai đoạn chứng kiến những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn. Đây là giai đoạn mà người trí thức chỉ biết bút nghiên quen sống chốn phồn hoa đô thị phải lựa chọn đường đi cho mình khi đất nước có họa xâm lăng. Không do dự, nề khổ, đội ngũ trí thức Nam bộ đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Những đóng góp của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn được đánh giá cao và ghi nhận trên nhiều góc độ. Hầu hết trong số họ xuất thân là “con nhà giàu có”, “con nhà có học”, tuy nhiên khi đất nước lâm nguy, cần đến trí tuệ và nhiệt huyết, họ đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang, từ bỏ đô thành tiện nghi, xung phong lên vùng chiến khu bưng biền thiếu thốn gian khổ trăm bề, tham gia xây dựng căn cứ cách mạng, cầm súng chiến đấu trong suốt chín năm kháng chiến kiến quốc. Hơn thế, họ còn trải qua cảnh bắt bớ, tù đày khổ ải, nhưng vượt qua tất cả, họ là đội quân xung kích trên các mặt trận xây dựng nền văn hóa kháng chiến, nền giáo dục – văn hóa kháng chiến… hoàn thành tốt nhiệm vụ diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Nhiều nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn đã anh dũng hi sinh, thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng, khí phách kiên cường. Trong thời đại ngày nay, sự thành công của mỗi quốc gia, dân tộc không còn phụ thuộc bao nhiêu vào sự phong phú của thiên nhiên mà lại phụ thuộc vào trình độ trí tuệ của nhân dân, đặc biệt là giới trí thức. Trí thức Việt Nam nói chung và Sài Gòn – Chợ Lớn thời nay tiếp tục truyền thống của ông cha, ý thức được vai trò làm chủ đất nước, xác định trách nhiệm thiêng liêng và khả năng đặc biệt của mình, gánh vác trên vai những trọng trách lớn. Cũng như trí thức thời xưa, đại bộ phận trí thức thời nay kế thừa và phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất, vượt mọi khó khăn, đạt được những thắng lợi vẻ vang trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong quá trình hội nhập toàn cầu hóa. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hồ Sơn Diệp (2005). Trí thức Nam bộ trong cuộc kháng chiến chống pháp 1945-1954. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Tp. HCM. 2. Trần Bạch Đằng (2005). Kẻ sĩ Gia Định. Hà Nội: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. 3. Trần Bạch Đằng (Cb) (2010). Lịch sử Nam bộ kháng chiến. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. 4. Nguyễn Đình Đầu, Lê Trung Khả, Võ Sĩ Khải (1987). Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. 5. Trần Đương (2005). Bác Hồ với nhân sĩ trí thức. Nhà xuất bản Thông Tấn. 6. Hồ Chí Minh (2000). Toàn tập, tập 2,5, 6,7,9. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội. 7. Hồ Hữu Nhựt (2001). Trí thức Sài Gòn -Gia Định 1954-1975. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. 8. Nhiều tác giả (1999). Nam bộ thành đồng đi trước về sau. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. 351
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0