intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Dưới gốc bồ đề ở Mahathana

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

42
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mahathana là địa danh do tôi bịa ra. Nó không có trên bản đồ thế giới. Nhưng nghe đâu nó nằm ở giữa Ấn Độ và Nêpal. Những người Ấn Độ đi tới Nêpal thì nói rằng nó thuộc phần đất của Ấn Độ. Những người Nêpal đi sang Ấn Độ lại cho là đấy là vùng lãnh thổ của họ. Của ai thì chưa rõ nhưng bất cứ ai muốn qua lại giữa Ấn Độ và Nêpal đều phải dừng chân ở Mahathana. Những người khách đi du lịch hay là người hành hương cũng đều dừng chân ở...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Dưới gốc bồ đề ở Mahathana

  1. Dưới gốc bồ đề ở Mahathana TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN TRỌNG VĂN Mahathana là địa danh do tôi bịa ra. Nó không có trên bản đồ thế giới. Nhưng nghe đâu nó nằm ở giữa Ấn Độ và Nêpal. Những người Ấn Độ đi tới Nêpal thì nói rằng nó thuộc phần đất của Ấn Độ. Những người Nêpal đi sang Ấn Độ lại cho là đấy là vùng lãnh thổ của họ. Của ai thì chưa rõ nhưng bất cứ ai muốn qua lại giữa Ấn Độ và Nêpal đều phải dừng chân ở Mahathana. Những người khách đi du lịch hay là người hành hương cũng đều dừng chân ở đây. Người Nêpal đi trong vùng lãnh thổ của mình đến Mahathana thì dừng lại, họ ngồi đấy cho tan cơn mệt thì quay về nhà mình. Người Ấn Độ đi từ đất đai của mình tới cũng dừng lại, ngửa cổ nhìn tán lá to rộng của cấy bồ đề họ thấy lòng thanh thản lạ. Khi đã hết chồn chân họ đứng dậy và cũng quay về nhà mình. Không ai ngủ đêm ở đấy và đương nhiên không có ai dựng nhà ở đấy. Chỉ có một người đàn ông có nước da lem nhem, dáng gầy đét là ở lại. Ông ta chừng ngoài năm mươi, vóc lênh khênh. Lại lùng thùng trong chiếc quần ống rộng và chiếc áo cũng rộng được may bằng vải gai, màu cháo lòng, dài quá gối. Nhìn cung cách ấy thì có cảm tưởng ông ta đã già lắm. Già nhiều hơn cái tuổi thật của mình. Ông ta được mọi người gọi là thày Cả. Ai là người gọi cái tên ấy đầu tiên thì cũng không ai biết. Người trước gọi, người sau gọi theo vậy là thành tên thày Cả. Thày Cả ngồi dưới gốc cây bồ đề từ bao giờ cũng không ai nói chính xác được. Người Ấn Độ nhận thày Cả là bà con và nói thày Cả sinh ra dưới gốc bồ đề này. Người Nêpal khăng khăng nói thày Cả quê ở Nêpal và thày được cây bồ đề nuôi dưỡng. Chuyện tranh cãi về thày Cả cùng vùng đất Mahathana chắc chẳng có hồi kết. Có điều cho dù là người Ấn Độ hay là người Nêpal thì địa danh Mahathana cùng cây bồ để và thày Cả đều được coi trọng, giữ gìn và tôn kính.
  2. Thày Cả là bậc thông thái và công minh có một không hai. Có điều gì ai chưa hiểu tới hỏi thày Cả là tỏ tường. Có chuyện gì ai chưa rõ phải trái đi hỏi thày Cả là ngã ngũ. Thày Cả ngồi đấy và tiếp đủ mọi người. Khách du lịch có, người hành hương có và đương nhiên người Ấn Độ cũng như người Nêpal đều có. Đã tới Mahathanan mà chưa gặp, chưa được nghe thày Cả giảng giải coi như chưa đạt mục đích cho chuyến đi xa nhiều vất vả của mình. Cây bồ đề cao, to và tỏa lá sum sê đến mát rợp cả khoảng đất rộng quanh gốc. Sức che mát của cây bồ đề đủ chỗ cho cả trăm người ngồi một lúc. Bởi vậy dưới gốc bồ đề ở Mahathana không khi nào thưa vắng bóng người. Một cây bồ đề già cỗi đến mức không thể đoán được tuổi của cây. Lá bồ đề to bằng bàn tay người lớn, hình trái tim với đuôi lá dài cong cong. Nếu gặp cơn gió ào tới lá bồ đề đã vàng rụng xuống lả tả. Nhưng hễ có một chiếc lá vàng nào rụng xuống là có bàn tay ai đó nhặt lên. Họ vội cất lá bồ đề vừa nhặt vào túi một cách một cách đầy mãn nguyện. Tuyệt nhiên không có một ai dám thò tay bứt lá xanh còn ở trên cây. Cũng bởi thế mà dưới gốc bồ đề ở Mahathana luôn sạch sẽ như li như lau. Người dừng lại dưới gốc cây thoải mái ngồi mà không phải bận tâm tìm giấy lót hay cúi xuống thổi thổi hoặc lau lau. Khoảng đất chỗ gốc cây bồ đề nhẵn thín, sạch trơn và chai lỳ nhờ biết bao người đã ngồi xuống quanh nó. Thày Cả bao giờ cũng ngồi ở chỗ chính diện, hình như từ khi có mặt ở đây thày Cả chưa khi nào di chuyển. Bên chỗ thày ngồi xúm xít những người ngồi nghỉ. Thực ra không ai ngồi nghỉ cả, họ đều chăm chú nghe thày Cả giảng giải hoặc nhờ thày Cả đoán định hộ số phận. Thày Cả không chỉ thông thái mà thày Cả còn có khả năng tiên tri. Những điều thày Cả nói ra thường làm mọi người trở nên hăm hở cho hành trình tiếp theo. Có điều thày Cả nói ra làm cho một số người phải nghĩ ngợi chán. Nghĩ chán chưa chắc đã hiểu vì thày Cả nói điều họ chưa hiểu. Cái dáng cao lêu đêu, da dẻ khô khốc nên dù thày Cả đang ngồi cũng khiến mọi người đang xúm xít ngồi nghe cũng đều phải ngước mắt lên. Giọng nói lúc thủ thỉ như vỗ về, khi trầm trầm như khích lệ. Lời nói của thày Cả có sức thuyết phục đến độ mọi người nếu không hỉ hả thì cũng gật gù tâm đắc.
  3. *** Tôi nghe chuyện có một nhà thông thái ở Mahathana gọi là thày Cả đã lâu. Nhưng phải đợi lần này mới tới được Mahathana. Mặt trời vừa lên từ phía đông, những tia nắng như ngược từ dốc núi lên đang tỏa ánh hào quang hình nan quạt và gốc cây bồ đề bỗng như một chiếc ô khổng lồ che rợp cho trăm người đang ngồi quanh nó. Khó khăn lắm tôi mới len được đến sát bên thày Cả. Đó là một người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, đầu quấn khăn xếp cũ mèm. Chiếc khăn xếp chung chiêng trên đầu thày, hai chiếc tua rủ hai bên tai màu vàng cũng chung chiêng theo. Tôi có cảm giác như chiếc khăn xếp ấy chỉ chực tuột khỏi cái đầu nhòn nhọn. Đôi lưỡng quyền nhô cao lại càng nhô cao hơn bởi hàng ria mép cùng bộ râu được bện hắt sang bên trái và lồng vào mép khăn xếp. Khuôn mặt ấy trông ngồ ngộ, luôn cố vươn lên nhìn ra xa như chẳng nhìn ai mà nhìn vượt khỏi đầu mọi người. Thày Cả cũng có lúc đăm chiêu, thày mím môi rồi mở rộng hai vành môi ra “à” lên một tiếng và thong thả nói. Thày nhìn ra xa vậy mà khi tôi len vào ngồi chầu hẫu trước mặt, thày khẽ nhíu đôi lông mày bạc thếch và dài chạm xuống mắt. Đôi lông mày bạc thếch có những sợi dài ấy của Thày động đậy mỗi khi thày nói. Thày Cả hỏi: “Ngài có điều gì phải hỏi chăng?”. Cái miệng hơi ha há chờ đợi câu trả lời của tôi. Tôi phân vân và dù chuẩn bị cả chục câu hỏi vẫn lúng túng trước mặt thày. Với một người thông thái và luôn tất bật với hàng trăm người sẵn sàng hỏi bất cứ câu gì thì câu hỏi nào vừa thỏa sự tò mò của tôi vừa có thể cho chung mọi người? Tôi ra hiệu ý nói với thày rằng tôi đợi lát sau cũng được. Thày Cả quay sang nhóm người ăn vận lôi thôi, quần áo họ còn lấm lem như chưa bao giờ được nhúng nước chứ nói gì là đã từng được đem giặt. Thày nhìn một cách rất bao quát, nhìn từ đôi chân sỏ trong những đôi giầy vải bố rách tả tơi lên tới bộ mặt thiểu não của họ. Thày lắc đầu quay sang nhìn đám người điệu đà trong những chiếc áo Sari đủ màu sắc sặc sỡ. Đó là những người đàn bà Ấn tìm đường trở về sau chuyến sang Nêpal lùa đàn gia súc. Những người đàn bà Ấn da nhẻm như lấm bụi, mở đôi mắt tròn to đến ngơ ngác, họ là những người đầu tiên cần có câu giảng giải. Những những chiếc áo Sari nhàu nhĩ khiến mặt họ thêm nhàu nhĩ. Nhưng ánh mắt họ lại rất ngưỡng vọng trước thày Cả. Thày nhỏ nhẹ giảng giải với những người đàn bà Ấn rằng: “Sinh con
  4. và nuôi con là bổn phận của đàn bà. Việc ấy rất mệt nhưng bù lại họ nhận được ở những đứa con của mình sự kính trọng đến chân thành”. Lời thày Cả nói làm những người đàn bà Ấn rưng rưng, họ cúi đầu, chắp hai bàn tay, đầu nhón tay chạm vào đầu mũi. Họ cảm ơn thày, rồi dùng tay hắt vạt áo Sari về đằng trước. Đấy là khi họ đứng dậy quay về nhà với những đứa con của mình. Thày Cả có vẻ thấm mệt, đôi mắt nhắm hờ như cố cưỡng cơn buồn ngủ. Thày định dựa lưng vào gốc bồ đề nhưng khi lưng thày chạm vào thân cây đánh nhột khiến thày nhăn mặt. Tấm lưng cong, chỉ có da, nổi những cục xương đốt làm thày thấy đau khi chạm vào vật cứng. Tôi vội vòng tay đỡ hai vai thày, hơi nhích người thày ra khỏi thân cây. Tôi luồn vào sau lưng thày tấm khăn Pashmina. Một tấm khăn truyền thống của người Nêpal tôi đã cất công tìm mua bằng được khi qua Nêpal du lịch. Cảm động với thái độ ấy, thày Cả gật gật cái đầu tỏ ý cảm ơn, thày chỉ tay ra hiệu cho tôi được ngồi gần mình hơn. Thày Cả hỏi “Ngài không phải người Ấn Độ?”, tôi gật đầu xác nhận. Thày lại hỏi “Ngài không phải người Nêpal?”. Tôi vừa gật đầu vừa nói tiếp cho thày đỡ hỏi thêm “Kính thày. Tôi là người Việt Nam”. Thày Cả lại “à” một tiếng rồi thần mặt ra nghĩ ngợi. Thày chắc chưa biết người Việt Nam là người thế nào. Im lặng kéo dài, khoảng im lặng lại thêm im lặng khi ánh mặt trời đã khuất lấp sau rặng núi phía tây. Không gian lờ mờ tranh tối tranh sáng. Trông thứ ánh sáng mờ dại ấy trông thày Cả như cao vọt hẳn lên, cái dáng ngồi
  5. lênh khênh như chực ngã. Thày không ngã, thày vốn lắc lư như thế mỗi khi nghĩ ngợi trước lúc đưa ra câu giảng giải. Đám người đi sang, đi về cũng đã tản hết. Chỉ còn tôi ngồi sát bên thày Cả chờ đợi. Có tiếng rơi nhẹ tênh xuống đầu tôi, tôi đưa tay lên và bắt gặp trong tay mình một chiếc lá bồ đề vừa rụng. Một chiếc lá còn xanh, không hề có vết rách nào, không hề có bất cứ tì vết nào dù nhỏ. Nó cưng cứng và ram ráp trong tay tôi. Bỗng thày Cả cười, tiếng cười giòn tan “Ngài được chiếc lá xanh là may mắn đấy”. Tôi cũng bắt đầu tâm niệm thế. Thày Cả nói thong thả “Thế giới không sinh ra người Ấn Độ hay người Nêpal. Cũng không sinh ra người Việt Nam hay người nào khác”. Thày nói có vẻ triết lý nhưng là lạ thế nào ấy. Điều thày vừa nói hình như không đúng. Trên thế giới có nhiều dân tộc, có nhiều chủng người vậy thày nói thế là thế nào? Tôi cũng lại bắt đầu nghi ngờ cái gọi là sự thông thái được đồn đại. Thày Cả im lặng hồi lâu một cách không có gì phải vội vã. Ở Mahathana rất lạ, khi mặt trời khuất hẳn thì không gian lại không hề tối đen. Quanh gốc bồ đề sáng là lạ, thứ ánh sáng đủ để nhìn kỹ được những sợi râu bạc lốm nhốm sợi đen của thày. Bộ râu thêm phần kỳ quái làm lệch khuôn mặt khắc khổ, làm thêm nhọn đôi lưỡng quyền trên gò má thày Cả. Sau khi tu vài nhụm nước đựng trong chiếc sừng bò, thày Cả lại thong thả nói tiếp “Thế giới chỉ sinh ra các loại người mà thôi”. Một phát hiện mới của thuyết nhân chủng học chăng? tôi hoài nghi ra mặt. Chắc lúc hoài nghi bộ mặt tôi trông buồn cười lắm nên thày Cả cũng phải bật cười. Hay thày cười cái vẻ thồn thộn của tôi? Đêm tối ở Mahathana vẳng lên tiếng rì rào của tán lá bồ đề. Tiếng rì rào như ru ta vào giấc ngủ. Nhìn trong ánh sáng mờ dại trông thày Cả như một chiếc cột biết cử động, một chiếc cột phát ra tiếng nói. Bây giờ thì là cái cột cất lên tiếng nói. Trong bóng đêm Mahathana cái cột khẽ lay động với bên trên nó là mênh mang một tán rộng. Vòm lá bồ đề như nhập vào cái cột trắng nhờ nhờ tạo thành một chiếc ô khổng lồ che kín lời thầm thì. Thày Cả nói tiếp “Thế giới chỉ sinh ra các loại người mà thôi. Thứ nhất là loại người “tiểu nhân”. Tôi kìm tiếng “á” trong cuống họng. Người tiểu nhân thì tôi đã biết. Theo cách giảng của người Trung Hoa thì “tiểu nhân” dùng để chỉ những người bình dân. Hay cách khác dùng làm lối xưng hô
  6. của những người có vai vế thấp để thưa với người có vai vế cao hơn. Tiểu nhân còn hiểu là những người bé nhỏ hay thấp hèn trong xa hội. Chữ này xưa rồi, bây giờ không ai nói “tiểu nhân” nữa trừ có trong phim dã sử Trung Quốc chiếu trên Tivi. Vốn đã hoài nghi sự thông thái được đồn thổi về thày Cả nên tôi có vẻ ể oải, hờ hững nghe. Hoặc giả như ở Việt Nam “bọn người tiểu nhân” lại là cách chỉ những người có lối hành xử không đàng hoàng. Chỉ những người có lối xử sự nhập nhèm, mờ ám. Cứ căn cứ vào cách hiểu của mình thì thày Cả là đồn đại hoang đường, mê hoặc những người nhẹ dạ hay cả tin. Nghĩ tới đó tôi toan đứng dậy thì thày Cả tiếp “Loại người “tiểu nhân” là loại người không có học và không có hiểu biết. Loại người này thường hành động theo bản năng đôi khi đến mù quáng...”. Thày Cả chưa nói hết câu tôi đã nhấp nhổm hướng mặt quay vào chú ý, đúng là chuyện mới rồi. Tôi thầm đoán và chăm chú hơn. “Loại người “tiểu nhân” có số đông nên rất nguy hiểm bởi chúng không được học hành. Thực ra nếu có học hành cũng khó vì chúng đâu có hiểu. Loại người này chỉ cần dụ dỗ là được. Chúng coi trọng cái ăn hơn lý trí. Dụ dỗ loại người này trước là dùng kế mê hoặc. Sau là dùng kế “khẩu”, cho ăn, cho uống để sai khiến chúng hành động theo ý mình. Nói chung loại người này dễ trị”. Thày Cả nói liền một mạch, những câu nói rành rọt nghe như chói vào tai, nghe như xoáy vào bụng. Tôi bất lực không đưa ra được mộ ý phản bác nào. Đêm sâu hơn. Ở Mahathana đêm không thấy lạnh. Tôi phanh cúc áo ngực ra chỗ đỡ chật chội. Không một sợi gió nào đưa tới, sự chật chội đến bức bối. Tôi đảo mắt nhìn xung quanh. Những tiếng sột soạt như vọng lên từ dưới đất. Tiếng đêm nghe rờn rợn. Trên độ cao hơn ba ngàn mét khiến gió như ngưng lại, cây bồ đề trong đêm thay vì hút Các bon thả ra Oxy lại đang làm qui trình ngược lại. Thày Cả dường như không mảy may băn khoăn như tôi, thày quen rồi nên tự thày đã điều chỉnh được theo sự thay đổi của vạn vật. Đến lúc này tôi mới hiểu vì sao thày khác người và hơn người. Sự điều chỉnh cho thích hợp của thày giống hệt những con thú hoang phải thay đổi điều kiện sống. Giống như loài kỳ nhông tự thay đổi màu da theo màu của sự vật nơi nó cư trú. Thày khác người đầu tiên là sự tự điều chỉnh đó. Trong đêm nhờ nhờ sáng tôi vẫn thấy cái đầu quấn khăn xếp của thày chung chiêng, thấy đôi lưỡng quyền nhô cao như hai mỏm núi. Thấy chòm râu cằm
  7. bạc thếch như mốc bện lệch sang trái. Thày chưa cần nói tiếp. Hình như lúc tôi mải suy luận thày đã tranh thủ ngủ. Giấc ngủ của thày cũng đặc biệt và khác người. Thày ngồi không tựa mà vẫn ngủ. Người Mahathana nói thày ngủ nhưng đầu thày thức. Suy nghĩ, kiến giải luôn chuyển động trong cái đầu được bọc trong chiếc khăn xếp ngả sang màu không ra trắng mà cũng không ra vàng của thày. Nó có màu thay đổi theo sắc thái của thời gian. Ban sáng tôi thấy nó trắng phau khi len đến ngồi sát thày. Về chiều nó vàng lợm, nhàn nhạt như bị dính bẩn. Trong bóng tối của đêm nó có màu lân tinh, chấp chới như ma chơi, ẩn khuất dưới tán lá bồ đề rậm mù mù. Nó nổi bật trên cái cột lênh khênh trăng trắng mờ dại. Nhìn thế lành lạnh thế nào ấy, tôi hơi ngài ngại. Thày Cả hít hơi thở thành tiếng. Tiếng thở hít vào như cố lấy sinh khí từ thiên nhiên. Đấy lại là nét thú vị tôi khám phá được ở thày. Thày có ăn gì đâu nhỉ? từ sáng đến giờ tôi chỉ thấy thày uống nước đựng trong chiếc sừng bò có một lần. Ăn thì tuyệt nhiên thày không động tĩnh rồi. Người Mahathana bảo thày sống nhờ không khí. Tôi tin vì chính thày vừa hít một hơi thở rõ to và dài. Khí trời chui qua cánh mũi rồi luồn sâu xuống bụng thày. Thày hít khí trời thay ăn âu cũng là sự thanh bạch của bậc thông tuệ. Tôi chợt nhớ lại câu thày nói “ Loại người “tiểu nhân” thường coi trọng cái đưa vào bụng qua đường miệng”. Chẳng có gì phải vội cả. Tôi đã quyết định đêm nay nghỉ lại ở Mahathana. Nghỉ lại dưới gốc bồ đề nên việc kéo dài thời gian chờ sáng ra cũng là lẽ khôn. Thày Cả về đêm thường chỉ có một mình vì thế đêm nay có thêm tôi chắc thày cũng thấy vui. Cái đầu lắc lư cố xua vẻ thanh vắng hay là thày đang xua những điều tầm thường mà đám đông ban ngày bắt thày phải tiếp nhận. Bầu trời đêm ở Mahathana le lói vài vì sao. Trên sườn cao lừng lững của dãy Himalaya những vì sao như thấp hơn, nó chấp chới, là là sát vào ngọn bồ đề. Thoảng bay vèo những vệt sáng như tia chớp. Đó là sao đang đổi ngôi. Tôi lần đầu trong đời được ngắm nhìn sao đổi ngôi một cách gần đến thế. Gần đến nỗi tôi toan giơ tay hòng giữ lấy những tia sáng vèo qua. Thày Cả bật cười, chắc thày cười sự ngây ngô kiểu con trẻ mà tôi vừa biểu lộ. “Xin lỗi. Ngài đã bao nhiêu tuổi?” thày Cả ngừng cười hỏi tôi. Tôi nghe câu hỏi vẻ nghiêm túc đến mức phải thành khẩn. “Kính thày, tôi sáu mươi tuổi”. Câu trả lời của tôi đầy vẻ tự hào. Tự hào chứ chơi à. Chí ít khi nghe tôi nói
  8. tuổi mình chắc thày Cả phải khiêm nhường hơn. Tôi cao tuổi hơn thày là cái chắc. Thày Cả lại cười to hơn, tiếng cười to làm động vòm lá trên cây bồ đề. Rồi thày hạ cái đầu lắc lư của mình cho sát mặt tôi hơn, thày tiếp: “Sáu mươi tuổi coi như là đã hết.” Câu nói của thày nghe chắc nịnh, nó như khẳng định đấy chính là chân lý. “Người sáu mươi tuổi là hết. Hết danh vọng. Hết học hành. Hết ham muốn. Những người sáu mươi tuổi như ngài thì đi xa làm gì cho mệt?”. Chao ơi, lời thày Cả làm tôi nhụt hết mọi ý chí. Nó là vậy ư? Tôi không tin bởi tôi còn nhiều toan tính. Lần đến Mahathana này chính là thể hiện toan tính của tôi. Tôi muốn tự mình đến đất bồ đề để chứng minh cho lập luận: Tìm lại mình trong sự thanh nhàn của đức tín. “Tôi đã nói với ngài về loại người thứ nhất rồi”. Thày Cả cúi sát vào tôi hỏi lại. Tôi gật đầu xác nhận. Thày Cả hắng giọng rõ to, hào hứng hẳn lên “loại người tiếp gọi là loại người “cao nhân”. Loại người này không cần học mà vô cùng hiểu biết bởi họ sinh ra đã đầy ắp tri thức cùng tư tưởng lớn rồi. Những điều họ biết, người khác phải cố công tìm hiểu”. Thày Cả ghé mặt sát mặt tôi hơn, chừng như thày muốn tường tận xem tôi ngộ đến đâu. Tôi hơi ngả người về phía sau, cái chính là tránh hơi thở có mùi nằng nặng của thày. "Sao đêm nay dài thế?" Tôi ngước nhìn vòm trời đang sà xuống sát gần chỗ tôi và thày Cả ngồi. Những vì sao to và sắc lạnh như muốn quệt vào mặt. Không thèm đếm sỉa đến thái độ lui xa tránh mùi khó chịu từ miệng thày của tôi. Thày Cả vẫn thích thú nói: “loại người “cao nhân” thường áp đặt ý chí của mình cho người khác bởi họ luôn giữ vai trò thủ lĩnh. Rất may là thế giới sinh ra loại người này bởi họ hoặc là làm thay đổi thế giới hoặc là làm thế giới phải chuyển động. Tất cả phụ thuộc vào ý chí của họ muốn gì”. Giờ thì tôi đã lờ mờ hình dung ra loại người “cao nhân” là thế nào. Thế giới từ khi có nền văn minh đến giờ luôn sinh ra những người “cao nhân”. “Chắc là các vị vua, những nhà tư tưởng vĩ đại, những viên tướng làm khuynh đảo khắp thế gian bằng những trận đánh tiêu diệt ngàn vạn quân…..” tôi đoán vậy rồi hướng vào thày Cả hòng nghe tiếp. Bây giờ thì tôi không ngại cái mùi từ miệng của thày nữa, đơn giản là tôi cố lùi ra thì thày lại cúi sát gần hơn. “Loại người “cao nhân” không nhiều. Đôi khi vài trăm năm thế giới mới sinh ra họ. Họ không bao giờ mất đi cho dù họ đã chết” thày Cả khẳng định. Rồi thày Cả ngừng
  9. nói, đưa mắt quan sát thái độ của tôi; “Thế giới đổi thay được chính là nhờ loại người cao nhân này". Giờ thì ở Mahathana, ở quanh gốc bồ đề đã có gió thổi. Những luồng gió mà thực chất là luồng khí chạy sườn sượt từ đỉnh núi xuồng, ào ào rất mau rồi ngừng hẳn. Trong vài chục giây luồng sinh khí ào qua bầu trời Mahathana quang đãng hẳn. Tôi bắt đầu thấy thú vị khi biết đất là dấu hiệu chuyển từ đêm sang rạng ngày của mảnh đất xa lạ này. Trời ở Mahathanan tịch không có một vẩn mây nào. Bầu trời trong veo đến vô tận, trong cái mung lung giữa đất và trời ấy thì dáng lênh khênh của thày Cả nổi bật tựa như một chiếc cọc chống lên trời. “Loại người “cao nhân” sinh ra từ sự bức bách của thế giới. Thế giới tuy già cỗi song nó hơn chúng sinh ở chỗ lại biết thay đổi mình nhờ những ý chí do các “cao nhân” sáng tạo ra. Đó là tư tưởng dẫn đến thế giới biến động từ sự thấp hèn sang tiến bộ. Chúng ta đều biết ơn các “cao nhân” đó”. Thày Cả thao thao một hồi dài, thày phải lấy hơi sau hồi thao thao đó. “Ngài – thày Cả chỉ thẳng tay vào tôi nói – ngài cũng như bao người khác, đó là những người chiếm số đông trong cái thế giới bé tẻo này là loại người “thường nhân”. Loại người “thường nhân” là loại người được học một ít, hiểu biết một ít”. Tôi vội đưa tay tự sờ nắn khắp thân thể mình. Không thấy gì phức tạp trên cơ thể cả. Họa chăng là tôi cảm thấy mệt sau gần trọn đêm ngồi giữa trời nghe thày Cả giảng giải. Thày Cả lại bắt đầu giảng nốt bài giảng của mình “Loại người “thường nhân” hành động theo cái được học. Họ học thế nào hành động thế đó. Sự học đổi thay họ sẽ có hành động thay đổi. Tức là loại người có chút suy nghĩ chứ không có động não như loại người “tiểu nhân”. Thày Cả lại thao thao. Hình như thày đã cảm nhận được nếu không nói nhanh thì khi ánh sáng ban ngày lộ rõ thày sẽ phải nói khác đi. Lời nói trong bóng đêm dễ dàng hơn những lời nói giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi dù khâm phục sự thông tuệ của thày cũng phải tự cười thầm bởi cái khôn đến độ ma quái của người đàn ông không ăn, uống ít mà nói nhiều này. Thày Cả lùi người lại, đầu hơi ngửa nhìn lên vòm lá của cây bồ đề: “Loại người “thường nhân” tuy có học nhưng lại rất phiền phức. Đơn giản là họ học được điều gì thì hành động theo điều đã học đó. Trong cái thế giới bao la mà chật hẹp này có nhiều điều học
  10. khác nhau. Nên loại người thường nhân cũng chia thành các phe khác nhau. Cái chết là chỗ đó”. Rồi thày Cả cúi xuống nói thầm trong giọng điệu rất tâm sự “Muốn loại người này thay đổi hành vi thì phải dạy lại họ. Tức là cho họ học cái mới. Muốn thế giới đi theo một hướng thì phải chỉ có một điều học mà thôi". Tôi lắc đầu chưa hiểu. “Việc dạy lại vô cùng vất vả nên muốn họ đổi thay hành vi cũng vất vả vô cùng”. Tôi lại lắc đầu chua chát. Thày Cả suốt đời ngồi dưới gốc bồ đề ở Mahathananthì làm sao thay đổi được. Chính thày đã nói chỉ các bậc cao nhân mới làm thế giới đổi thay là gì. Những tia nắng đầu tiên đã dọi tới chỗ thày Cả và tôi ngồi. Một đêm không hề vô bổ. Tôi phải đứng dậy để nhường chỗ cho những người vừa đi tới. Đó là những người đàn bà Ấn Độ chân đất, bùng nhùng quấn quanh người tấm áo Sari đang nhễ nhại lùa đàn gia súc tìm chỗ chăn thả. Họ chắc phải lùa đàn gia súc đi xa nữa vì trên dải núi cao mênh mang tuyết trắng này lấy đâu ra cỏ cho đàn gia súc của họ. Tôi phải đứng dậy để những người đàn bà ấy đợi bàn tay chỉ của thày Cả. Theo hướng tay thày Cả chỉ chắc chỗ đó sẽ có cỏ. Tôi lảng ra xa khỏi bóng cây bồ đề để nhường chỗ cho đám người từ Nêpal đang lại gần. Đám người ấy đang khoác trên vai những chiếc bao tải rỗng, dúm dó sau lưng. Họ xuống thấp dưới núi để hy vọng chiều tối quay lên có những chiếc bánh làm khẩu phần ăn cho bọn trẻ đợi ở nhà. *** Mahathana không có thật. Thày Cả ngồi ở đó cũng do tôi bịa ra. Nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn giữ như một báu vật chiếc lá bồ đề hình trái tim to bằng bàn tay người lớn, rụng nhẹ tênh trên đầu tôi lúc tôi ngồi nghe thày Cả giảng giải. Tôi cẩn thận ép chiếc lá bồ đề trong cuốn sổ ghi chép. Chặng đường từ Mahathana về tới Việt Nam đủ dài để chất diệp lục của chiếc lá tan thành bột, rụng lả tả làm trơ ra những đường gân cùng những sợi sơ kết gắn với nhau. Chiếc lá bồ đề mang hình trái tim với đuôi lá cong dài đã ngả sang màu vàng khô. Nó thành vật mà tôi những khi có gì chưa hiểu lại đem ra để suy luận. Tôi nhớ thày Cả nói: “Đừng nghĩ thế giới có chủng tộc này hay dân tộc khác. Hãy nghĩ thế giới chỉ có các loại người khác nhau mà thôi”.
  11. Mahathana nghe đâu nằm giữa Ấn Độ và Nêpal. Nó là điểm dừng chân cho bất cứ ai qua lại giữa hai vùng đất đó. Ở Mahathana có một người đàn ông cao lêu đêu ngồi dưới gốc cây bồ đề già cỗi, nói những chuyện mới tinh. Tôi đã có một ngày một đêm được nghe người đàn ông ấy nói chuyện. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt khắc khổ cùng giọng nói đầy thuyết phục của thày Cả. Những lúc cần phân tích sự biến động của thế giới tôi lại đem lời thày Cả ra để lý giải. Những khi cần mổ xẻ những phức tạp của thế giới tôi lại đem lời thày Cả ra để an ủi.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2