intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Gã Trương Chi

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

72
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Ba mươi năm trôi qua, chúng ta đã từng say đắm một Điêu Thuyền sắc nước hương trời, một Chiêu Quân với tiếng đàn nảo nuột, một Mỵ Nương đắm chìm trong nỗi tương tư... Tất cả những người đẹp nghiêng nước nghiêng thành đó đều là hoá thân của một người duy nhất, một nhan sắc rực rỡ, một giọng ca của thế kỷ, một tài năng trăm năm mới có một lần, đó chính là đào thương Hoàng Oanh. Hôm nay, chúng ta sẽ gặp gỡ bà, sẽ cùng bà thăng hoa trên bầu trời nghệ thuật huyền...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Gã Trương Chi

  1. Gã Trương Chi TRUYỆN NGẮN CỦA TRƯƠNG THỊ THANH HIỀN Ba mươi năm trôi qua, chúng ta đã từng say đắm một Điêu Thuyền sắc nước hương trời, một Chiêu Quân với tiếng đàn nảo nuột, một Mỵ Nương đắm chìm trong nỗi tương tư... Tất cả những người đẹp nghiêng nước nghiêng thành đó đều là hoá thân của một người duy nhất, một nhan sắc rực rỡ, một giọng ca của thế kỷ, một tài năng trăm năm mới có một lần, đó chính là đào thương Hoàng Oanh. Hôm nay, chúng ta sẽ gặp gỡ bà, sẽ cùng bà thăng hoa trên bầu trời nghệ thuật huyền diệu. Bà bước ra sân khấu. Mặc áo long bào, đầu đội mũ bình thiên, bà đang là bà hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Hoa, nữ hoàng Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên mắt sắc như dao, nhìn lướt xuống khán phòng như nhìn xuống bề tôi của mình. Ôi, thế là mình lại được đứng trên sân khấu, lại được làm bà hoàng lộng lẫy và quyền uy. Cứ như trong mơ, cứ như mình đã chết và được sống trở lại với cuộc đời mình đã từng sống. Hoàng Oanh đã nghĩ vậy khi ngồi trên ngai vàng. Mới đây thôi, trong cánh gà, bà gặp một chuyện xúc động tưởng chừng như không ra diễn nổi. Đó là bà đã gặp lại gã Trương Chi, người bà ngỡ suốt cả cuộc đời này bà không bao giờ gặp lại, còn bất ngờ hơn nữa khi bà nhận ra ông lão nông dân nghèo bà gặp cách nay nửa năm lại chính là gã. Sao lúc đó bà lại không nhận ra gã nhỉ, lại không nhận ra dáng đi khập khễnh của gã nhỉ? Hơn nửa năm về trước, bà ngồi buồn bã trước sân chùa. Đó là chùa Nghệ Tâm, nơi dành cho những nghệ sĩ cải lương về già không nơi nương tựa. Bà đã ở đó hơn năm năm nay, sau khi đã đốt hết vốn liếng của mình vào một sòng bạc. Không nhà, không tiền, không còn ca hát nữa, dĩ nhiên nơi duy nhất để bà dung thân là đây, là chùa Nghệ Tâm này.
  2. Bà ngồi ở băng đá bên cạnh hồ sen. Mùa này sen nở kín mặt hồ. Những bông sen phớt hồng hiên ngang vươn thẳng lên trời cao khoe sắc. Bà cũng đã từng vươn thẳng người kiêu hãnh như vậy trong giới thượng lưu ở Sài Gòn. Và cũng đã từng là người trong giới thượng lưu, là bạn của những bà mệnh phụ phu nhân đài các, chưa kể bà cũng đã từng là mệnh phụ phu nhân đài các. Đang lúc bà mơ màng nhớ lại quá khứ huy hoàng đó, thì ông đến. Không hiểu sao ông lại đến chùa này để thắp hương và cúng dường, bởi chỉ có dân nghệ sĩ mới đến đây. Ông mặc bộ đồ bà ba đen, mang đôi dép có quai kẹp, dáng đi khập khễnh. Khi đi ra, ông nhìn sững vào bà rồi đến gần, rụt rè hỏi: - Bà có phải là nghệ sĩ Hoàng Oanh không? Bà thoáng mỉm cười hài lòng. Thế ra, khán giả vẫn có người nhớ đến bà. Bà kẻ cả mời ông ngồi. Bà không nhìn thấy vẻ xúc động của ông mà dù có thấy bà cũng không lấy làm lạ, biết bao người đã từng xúc động như vậy khi đứng trước ngôi sao rực rỡ là bà. Chẳng mấy chốc cuộc trò chuyện giữa ông và bà trở nên thoải mái hơn, lại có phần thân thiết. Bà ngạc nhiên khi thấy ông hiểu biết về cải lương còn hơn cả bà. Ông kể vanh vách những nghệ sĩ cải lương, những ông bầu, những thầy tuồng nổi tiếng. Rõ ràng cải lương đã trở thành tôn giáo đối với ông. Cải lương cũng đã trở thành tôn giáo đối với người dân Nam Bộ này từ lâu và những nghệ sĩ lừng lẫy như bà đã từng là những vị thánh. Bà hỏi ông có biết nghệ sĩ Hoàng Nhân không? Ông trầm ngâm một lát rồi nói, biết chứ. Ông biết người ấy hả? Vậy có biết bây giờ ông ấy ở đâu không? Không, tôi không biết. Vậy hả? Bà thở dài thậm thượt, rồi tâm sự rằng, giá như tôi có thể gặp lại ông ấy một lần, một lần thôi rồi chết cũng cam. Ông không biết đâu, ông ấy mới đích thực là một tài năng lớn của sân khấu cải lương. Giọng ca của ông ấy mới đích thực là giọng ca thế kỷ. Thế mà chỉ vì tai nạn, ông ấy trở nên....Ừ, tôi có nghe nói. Vì tai nạn ấy mà ông ấy không còn là ngôi sao sáng. Cuối đời, ông ấy rất đáng thương. Tôi cũng đáng thương vậy. Bà sụt sùi. Rồi bà khóc thật, những giọt mắt khổ đau đổ xuống vai một người xa lạ. Như ngày xưa, mỗi lần đau khổ vì thất tình, vì thua bạc, bà vẫn thường gục xuống vai gã Trương Chi mà
  3. khóc. Lại chỉ là gã Trương Chi an ủi bà, vực bà đứng dậy để rồi sau đó bà tiếp tục lao vào thế giới phù hoa của bà. Ông lão nông dân xa lạ này cũng lại an ủi bà bằng những câu thân quen đến nỗi bà thoáng ngỡ ngàng. Qua cơn bĩ cực đến ngày thái lai. Con người ai không lầm lỗi. Có vấp ngã thì mới biết cách đứng lên. Tôi bây giờ còn có thể đứng lên nữa hay sao? Ông coi, tôi đã già, giọng hát đã run, sắc đẹp đã tàn. Đêm qua, tôi xem Bích Huệ biểu diễn trên sân khấu mà tôi khóc ròng rã suốt đêm vì tủi thân tủi phận. Cái thời tôi nổi tiếng, Bích Huệ chỉ được đóng vai người hầu. Thế mà bây giờ nó có một sô diễn riêng mình trên một sân khấu hết sức hoành tráng. Nghe nói vì nó đang lên nên có người tài trợ cho sô diễn đó. Còn tôi bây giờ, cái ăn còn chưa có, lấy đâu người tài trợ. Còn lâu tôi mới có một sô diễn diễn lại tất cả những vai đã làm nên tên tuổi Hoàng Oanh này. Trời, sao mà tôi được thèm lên sân khấu quá. Tôi thèm được là Điêu Thuyền, được là Chiêu Quân, được là Trưng nữ vương lẫm liệt phi thường. Tôi còn ước ao được một lần đóng chung với gã Trương Chi. Tôi sẽ hát với Trương Chi rằng : “ Trương Chi hỡi, khi Mỵ Nương hiểu được tình yêu là gì, thi chàng đã vĩnh viễn ra đi. Trương Chi hỡi, cho thiếp đi cùng với”. Bà khóc nức nở như trẻ nhỏ, khiến ông lão dường như cũng muốn khóc theo. Ông bối rối đứng dậy từ biệt bà, nói câu an ủi: “ Phật tổ sẽ biết được ước vọng của bà”. Nửa năm sau bà mới biết được Phật không ở đâu xa, mà ở trong trái tim những người xung quanh bà, trong trái tim của ông lão nông dân quê mùa đen nhẽm bà ngỡ ngàng nhận ra đó chính là gã Trương Chi trước giờ biểu diễn. Ông xuất hiện trong bồ đồ vá chằng vá đụp của anh chàng Trương Chi nghèo hèn, mỉm cười rạng rỡ với bà, còn gọi bà là cô bé như ngày nào, dù bây giờ bà đã là một bà già: - Cô bé, nhận ra gã Trương Chi chứ? “Cô bé” sau phút bất ngờ đã nhảy xổ tới ôm chầm lấy ông. Ông cũng mở rộng vòng tay ra ôm lấy bà. Những người bạn diễn ngày xưa cũng mở vòng tay ra ôm lấy họ, bao bọc họ. Bà lại khóc nức lên khi biết rằng để có đêm diễn dành riêng cho bà, ông đã bán đi hết phân nửa đất đai mà ông có và đã vận động bạn bè đóng góp vào. Qua làn nước mắt, bà nhận thấy gương mặt Bích Huệ đang sát bên mình. Bích Huệ đang trong trang phục của
  4. một cung nữ hầu cận Nữ hoàng Võ Tắc Thiên. Mọi thứ dường như vẫn như xưa. Dường như thời gian đang quay trở lại vào cái ngày cha bà rụt rè dắt con gái bước lên một ghe hát bên bờ sông. Ông bầu Thắng ngáp vắn ngáp dài chui ra mui ghe tiếp ông. Nhìn khắp lượt cô bé Lụa gầy nhom nhưng đôi mắt sáng quắc, ông gật gù. Ừ, đoàn tui đang thiếu vai người hầu. Người hầu, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, phải hầu hạ mấy ngôi sao trên sân khấu lẫn ngoài đời. Trên sân khấu còn được mặc quần áo đẹp, được tô son trát phấn, được vấn tóc cài hoa, được xướng lên mấy câu ca còn nàng hầu sau khi tấm màn nhung hạ xuống phải làm quần quật tất cả mọi việc không tên mà bất kỳ ai cũng sai khiến được. Ước vọng ca hát của cô bé Lụa vỡ tan tành chỉ sau vài tháng đi theo ghe hát. Có lẽ cô đã chấp nhận quay về nhà, chấp nhận còng lưng trên mảnh ruộng của mình mà mơ chuyện thần tiên nếu không có lời khích lệ của kép hát Hoàng Nhân. Em đừng nản. Bất cứ ai vào nghề hát cũng đều như vậy cả. Em có tin là anh làm chân sai vặt suốt năm năm. Đi theo đoàn hát suốt mười năm mới được một vai phụ dài hơi một chút. Vậy ư? Anh kép hát Hoàng Nhân đêm đêm dũng mãnh trong vai Lữ Bố, sóng mắt đa tình đắm đuối nhìn nàng Điêu Thuyền mà cũng từng làm quân hầu ư? Vậy thì những vất vả của mình có đáng là bao. Đêm nay, người đóng vai Lữ Bố không phải là gã Trương Chi. Từ lâu, gã không còn được giao những vai đẹp đẽ như thế nữa. Gã vĩnh viễn từ bỏ ánh hào quang rạng rỡ đó, mãi mãi làm anh chàng đánh cá nghèo với chiếc nón lá lụp xụp che kín mặt mình khi ưỡn người ra che chở cho cô trong trận đòi nợ của lũ côn đồ năm xưa. Ngày đầu tiên đóng vai Điêu Thuyền, cô bé Lụa được ông bầu Thắng hỏi muốn đặt tên nghệ danh là gì. Không hề suy nghĩ, cô bé trả lời : “ Hoàng Oanh”. Ai cũng cười, lại muốn làm em gái Hoàng Nhân nữa rồi. Trong đêm hát đó, không chỉ Hoàng Oanh xuất thần trong vai Điêu Thuyền mà cả Hoàng Nhân cũng diễn y như thật. Hai con người đó đắm đuối nhìn nhau và trao nhau những lời yêu thương nồng thắm, tưởng chừng như họ đang nói thật với nhau. “ Em nói thật đấy”- Khi tấm màn nhung vừa khép lại, Hoàng Oanh đã thầm thì vào tai Hoàng Nhân như thế rồi vùng bỏ chạy. Trút bỏ áo giáp uy nghi,
  5. trút bỏ quần là áo lượt, họ lại như những người bình thường đi dạo trên đường phố Sài Gòn. Đêm đã rất khuya nhưng không ai nghĩ đến chuyện quay về. Sáng hôm sau, tờ báo nào cũng đăng bài về một ngôi sao mới xuất hiện trên vòm trời nghệ thuật cải lương: Hoàng Oanh. Lập tức, Hoàng Oanh trở thành đối tượng săn lùng của các tay ký giả và những người hâm mộ mà đa số là những người giàu có. Cô bé Lụa lập tức trở thành nàng công chúa, không chỉ lộng lẫy trên sân khấu mà còn lộng lẫy ở ngoài đời. Bỗng dưng, gánh hát của ông bầu Thắng trở nên chật hẹp, bỗng dưng hình tượng Lữ Bố không còn lẫm liệt uy nghi. Đêm cuối cùng diễn cùng Hoàng Nhân để ngày mai cô về đoàn hát mới nổi tiếng hơn, Điêu Thuyền sắc nước hương trời đã cương thêm vào kịch bản câu hát : “ Chàng hỡi, kiếp này thiếp và chàng không thể ở bên nhau bởi thiếp đã lầm. Xin chàng hãy hiểu cho lòng”. Nàng lầm điều chi? Anh quyết hỏi cho ra nhẽ. Trước khi bước lên chiếc xe hơi bóng loáng của kép Lâm Minh, người được đoàn hát Kim Hoa đến đón cô, người đang nổi nhất, người giàu có nhất, người sẽ trở thành chồng cô vài tháng sau đó, cô đã nói thầm vào tai anh: “ Đêm đó em đã lầm lòng mình. Em hoá thân đạt quá nên nhầm lẫn giữa mình và nhân vật. Đó là lời của Điêu Thuyền. Xin lỗi anh”. Người trong vai Lữ Bố đêm nay cũng không phải là Lâm Minh. Lâm Minh sống với cô được vài năm cũng đã rời bỏ cô để theo cô đào mới trẻ đẹp hơn, sau khi để lại cho cô thói quen ăn xài phung phí và chứng nghiện rượu. Họ đã yêu nhau đúng một năm, cùng nhau uống rượu đúng một năm và cãi nhau đúng một năm. Những người chồng, những người tình sau đó cũng tiếp tục bổ sung những thói quen mới cho cô trong đó có thói quen đánh bài. Thật ra, cô đánh bài không phải vì họ bày cho cô, mà cô đã tự tìm đến để giết thời gian, để hoà mình vào thế giới thượng lưu, vì có lần cô đã từng là vợ của một ông trung tá, mê cải lương đến nỗi bỏ cả vợ để cưới cô về. Ông trung tá mê cô, mê giọng hát của cô, nhưng không thể mê thói quen bài bạc ấy. Cuộc ly hôn năm ấy ồn ào nhất Sài Gòn vì ông phải chia cho cô phân nửa gia tài kết sù của mình. Nhưng cái gia tài đồ sộ đó cuối cùng cũng theo những con bài đội áo ra đi. Nghệ sĩ Hoàng Oanh lộng lẫy xiêm áo mỗi đêm diễn thù lao hơn cả cây vàng lại ở trong một nhà trọ tăm tối. Cô không lấy thế làm buồn,
  6. vì cô biết rằng chỉ là tạm thời thôi, vì chắc chắn chỉ một thời gian ngắn sẽ có một người giàu có nào đó ái mộ cô, đến rước cô đi. Người đó không biết còn đang rong ruỗi chốn nào mà khiến cô phải chờ đợi lâu như vậy, khiến nợ nần của cô chồng chất mãi lên. Đêm đó, sau một trận gây gổ với ông bầu, cô đã xù đêm diễn. Hành động bồng bột đó khiến hầu như các đoàn hát tẩy chay cô. Như bao lần, những khi cô khổ đau nhất, cùng quẫn nhất thì gã Trương Chi lại xuất hiện. Hồi đó, anh chưa được gọi là gã Trương Chi vì anh vẫn còn là Lữ Bố uy nghi trên sân khấu. Anh vẫn ân cần với cô như một người anh chu đáo, một người tình nhẫn nại. Buổi tối hôm ấy, anh lại cùng cô đi dạo trên đường phố Sài Gòn. Bên cạnh anh, cô đã say mèm, lảm nhảm nói rằng nếu thời gian quay trở lại, cô sẽ không bao giờ trở thành một Hoàng Oanh. Cô sẽ mãi mãi là con bé Lụa quê mùa không ai biết đến. Bất thần, một lũ côn đồ xuất hiện, một băng đòi nợ thuê. Chỉ một khoảnh khắc thôi, chàng Lữ Bố oai phong lẫm liệt trở thành gã Trương Chi đầy thương tích nằm oằn oại trong tay nàng Mỵ Nương đầy thói hư tật xấu mà chàng đang cố chở che. Từ đó, Lữ Bố biến mất tăm khỏi sân khấu, chỉ còn tiếng hát Trương Chi làm rơi nước mắt bao người. Hoàng Oanh trở về gánh hát sau khi cả đoàn hát góp tiền nhau trả nợ cho cô. Kép hát Hoàng Nhân trở thành gã Trương Chi với dáng đi khập khiểng, che dấu khuôn mặt u buồn trong vành nón lá, đêm đêm hát khúc tương tư. Nàng Mỵ Nương khóc cùng chàng một thời gian rồi tiếp tục rời gánh hát, chạy theo những ảo ảnh của đời mình. Đêm đó, chàng cũng ra đi, bỏ lại ông bầu Thắng ngơ ngẩn tiếc của, tiếc người. Cách đây hơn ba thập niên, chúng ta đã từng rơi lệ bởi nỗi đau khổ của Trương Chi. Tiếng hát Trương Chi đã vượt ra khỏi sân khấu đi vào cuộc sống của chúng ta, ru giấc những ai cùng chung nỗi đau tình ái. Người làm nên một hình tượng không phai chính là một kép hát sớm nổi danh nhưng cũng sớm rời chúng ta mà đi – Kép hát Hoàng Nhân. Hoàng Nhân chính là người bạn diễn ăn ý nhất của Hoàng Oanh, hai người đã cùng nhau dệt một chuyện tình bi thương nhất là Trương Chi - Mỵ Nương. Hôm nay, chúng ta sẽ gặp gỡ hai con người đó, cùng họ đắm chìm trong khúc hát lưu danh thiên cổ - Khúc hát Trương Chi. Sau đây, xin mời khán giả cùng thưởng thức trích đoạn vở cải lương Khúc hát Trương Chi do hai nghệ sĩ Hoàng Nhân và Hoàng Oanh biểu diễn.
  7. Gã Trương Chi đây ư! Gã đang chèo thuyền trên dòng sông, hướng đôi mắt u buồn về phía lầu hồng, hát khúc hát nhẹ nhàng như gió như mây, sáng trong như vầng trăng ngọc. Ai đang hát đấy? Thưa tiểu thư, đó là một gã đánh cá ven sông. Ôi, tiếng hát tuyệt vời làm lòng ta thổn thức. Giọng người trong như ngọc. Người có tiếng hát như vậy, phải là người có tâm hồn sáng trong như những vì tinh tú, phải là người đẹp tựa những thiên thần. Mau mau cho gọi người ấy đến đây. Thưa tiểu thư, đó chỉ là một gã đánh cá hèn mọn, có đáng để tiểu thư nhọc lòng không? Ngươi biết gì, tình yêu không bao giờ hèn mọn cả, nó là hoa, là hương thơm, là tinh túy của trời đất tạo thành. Ôi, nếu không gặp được người, ta sẽ không còn muốn sống. Mau lên. Lệnh đòi, tiểu thư Mỵ Nương muốn gặp gã Trương Chi. Dạ, Trương Chi xin diện kiến người. Hả? Trời! Trời! là tiếng kêu sững sốt của cả hai người. Mỵ Nương sững sốt trước một gã Trương Chi “ người thì thậm xấu hát thì thậm hay”. Trương Chi sững sốt trước một nhan sắc chim sa cá lặn của nàng Mỵ Nương. Phút chốc, nỗi tương tư trong lòng nàng đã chuyển qua cho chàng. Chàng chèo thuyền ra đi, hát ngu ngơ, rồi cũng chết trong ngu ngơ, linh hồn kết tinh trong chén ngọc. Thưa tiểu thư, có người mang đến cho tiểu thư chén ngọc này. Để đó cho ta. Hoàng Oanh nhìn chén ngọc. Nước mắt bà rơi lã chã. Bà khóc nhiều quá đến nỗi không hát được một câu. Bóng chàng Trương Chi hiện lên trong đó. Không phải là chàng Trương Chi với con đò như trong truyền thuyết, mà là gã Trương Chi của bà. Gã đã dìu dắt bà từ khi còn là con bé Lụa đứng ngơ ngác trước mũi ghe hát, khóc mếu máo khi cha ra về đến khi trở thành nghệ sĩ Hoàng Oanh lộng lẫy trên sân khấu. Gã đã đứng sau lưng bà trong suốt cuộc đời bà, che chở, nâng đỡ mỗi khi bà vấp ngã. Trong chén ngọc, không hề có chiếc thuyền nào, chỉ có gã Trương Chi hiện tại, đen sẫm, bộ đồ bà ba đen, đầu cài khăn, dáng đi khập khiễng, dừng chân trước cửa chùa Nghệ Tâm nói lời an ủi bà. Đừng lo, Phật sẽ thấy hết. Phật kia, Phật trong nụ cười rộng mở của gã, trong ánh mắt già nua mà vẫn bao dung nhìn bà như nhìn con bé Lụa ngày xưa. Bất thần, bà đổ gục xuống rồi bất động hẳn. Khán giả nín lặng rồi bùng vỡ tiếng vỗ tay tán thưởng. Họ nói, Mỵ Nương
  8. đã biết yêu Trương Chi rồi, My Nương đã chết cùng Trương Chi rồi. Thế là linh hồn Trương Chi đã được ngậm cười nơi chín suối. Thế là chàng đã không cô đơn. Thật là một kết thúc có hậu. Như chứng thực cho lời họ nói, linh hồn Trương Chi từ trong cánh gà chạy nhanh ra, ôm lấy bà khóc nức nở. Trời ơi, đạo diễn mới này tài quá, đã thêm một tình tiết quá hay. Màn nhung khép lại, vội vã hơn thường ngày, vội vã một cách bất thường, đến nỗi khi cánh màn bị vướng vào đạo cụ trên sân khấu, ba bốn người trong cánh gà chạy ào ra kéo nhanh cho nó khép lại. Tiếng vỗ tay vang rền. Trong màn, gã Trương Chi vẫn ôm Mỵ Nương lạnh ngắt khóc mãi không thôi. Nước mắt chàng rơi vào chén ngọc hòa lẫn cùng nước mắt khi nãy của nàng. Những người bạn diễn đứng quay xung quanh, sụt sùi nghe chàng hát: “ Mỵ Nương hỡi, khuynh nước khuynh thành để làm chi, tài tình chi lắm để làm chi, để rồi lại thiếu chữ tình. Mỵ Nương hỡi, tình là chi? Sông sâu bể rộng thu vào chén ngọc. Nước mắt trần gian, chỉ chén ngọc này thôi sao, hỡi nàng ơi...ơi...ơi?”
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2