VJE<br />
<br />
Tạp chí Giáo dục, Số 440 (Kì 2 - 10/2018), tr 58-61<br />
<br />
GIÁ TRỊ CỦA CÁC BẢN HƯƠNG ƯỚC Ở CÁC LÀNG, XÃ THÁI BÌNH<br />
TRONG VIỆC GIÁO DỤC Ý THỨC, HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH<br />
CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG<br />
Trịnh Thị Hường, Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh<br />
Ngày nhận bài: 20/08/2018; ngày sửa chữa: 25/08/2018; ngày duyệt đăng: 28/08/2018.<br />
Abstrast: The village convention is a social normative document with general codes of conduct<br />
agreed by the people which adjust the self-governing social relationships to preserving and<br />
promoting the good traditions and customs of the community (village). Hence, the village<br />
conventions are valuable documents to educate moral sense and good traditions for the people in<br />
general and high school students in particular. This article discusses the values of the village<br />
conventions in Thai Binh in awaness education and personality form for high school students in<br />
the current context.<br />
Keywords: convention value, personality education, student, Thai Binh Province.<br />
1. Mở đầu<br />
“Hương ước” - hay còn gọi là “tục lệ”, “lệ làng” là<br />
một bản quy ước thành văn có giá trị về mặt văn hóa,<br />
truyền thống, gắn liền với lịch sử, trải qua bao biến cố,<br />
thăng trầm cùng thời gian, hương ước đến nay vẫn còn<br />
được lưu giữ và đóng vai trò rất quan trọng trong việc<br />
bảo tồn, giữ gìn nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt<br />
Nam. Các bản hương ước của cộng đồng làng xã ở Việt<br />
Nam chứa đựng những phong tục, tập quán, quy tắc ứng<br />
xử trong việc thờ cúng Thành Hoàng làng, người có công<br />
lao to lớn trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương đất<br />
nước, cũng như việc thờ cúng tổ tiên, quan hệ gia đình,<br />
quan hệ làng xóm, ma chay, cưới hỏi, quan hệ lao động,<br />
phân xử tranh chấp trong làng, xã... và một phần quan<br />
trọng liên quan đến phân chia, quản lí đất đai, đặc biệt là<br />
đất đai hương hỏa. Những nội dung quy định trong<br />
hương ước được xây dựng vào đầu thế kỉ XX nhằm điều<br />
chỉnh các quan hệ xã hội căn bản phát sinh trong đời sống<br />
nông thôn Việt Nam truyền thống. Do vậy, các bản<br />
hương ước trong cộng đồng làng, xã Việt Nam nói<br />
chung, ở tỉnh Thái Bình nói riêng được coi như “thước<br />
đo chuẩn mực” giúp mỗi cá nhân tự “soi” lại những hành<br />
vi ứng xử, việc làm của mình với người thân, với cộng<br />
đồng làng xã, với toàn xã hội. Hương ước có tác dụng to<br />
lớn trong việc giáo dục tư cách đạo đức cho mỗi cá nhân,<br />
giáo dục cộng đồng, sống và làm việc theo hiến pháp,<br />
pháp luật, giáo dục lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê<br />
hương đất nước. Dưới thời kì thống trị của thực dân pháp,<br />
các bản Hương ước là một trong những nhân tố “đề<br />
kháng” của làng, xã chống lại chính sách đồng hóa của<br />
chủ nghĩa thực dân, mặc dù đất nước bị xâm lược, nước<br />
mất nhưng làng xã không mất, những phong tục, tập<br />
quán, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được gìn<br />
giữ và bảo tồn.<br />
<br />
58<br />
<br />
Vào những năm cuối của thế kỉ XX, đặc biệt trong<br />
gần hai thập niên đầu thế kỉ XXI, quá trình phát triển KTXH Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, diện mạo<br />
của đất nước nói chung, các vùng nông thôn, miền núi<br />
nói riêng có nhiều khởi sắc, đời sống kinh tế vật chất<br />
cũng như nhu cầu văn hóa của người dân không ngừng<br />
được nâng lên. Trong quá trình phát triển với xu thế “đô<br />
thị hóa” diễn ra hết sức nhanh chóng, sự dịch chuyển lao<br />
động từ nông thôn ra thành phố ngày càng nhiều đã dẫn<br />
đến một thực trạng ở nông thôn chủ yếu là người già và<br />
trẻ nhỏ, nên phạm vi tác động của hương ước mới đến<br />
cộng đồng bị thu hẹp lại, mặt khác, nhiều phong tục, tập<br />
quán bị thay đổi, mai một, hoặc thất truyền.<br />
Trước tình hình đó, yêu cầu thực tế đặt ra là cần tăng<br />
cường hơn nữa việc xây dựng và thực hiện hương ước,<br />
quy ước, cũng như điều chỉnh, bổ sung một số nội dung<br />
trong các bản hương ước, quy ước trong cộng đồng.<br />
Ngày 19/6/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số<br />
24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện hương<br />
ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, trong<br />
đó chỉ thị nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, cùng<br />
với việc không ngừng đổi mới và hoàn thiện hệ thống<br />
pháp luật phục vụ cho yêu cầu quản lí nhà nước, quản lí<br />
xã hội bằng pháp luật, các hương ước, quy ước của làng,<br />
bản, thôn, ấp, cụm dân cư đã góp phần hỗ trợ không nhỏ<br />
trong việc thực hiện pháp luật của Nhà nước, điều chỉnh<br />
các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng<br />
dân cư ở cơ sở. Hiện nay, thực hiện chủ trương mở rộng<br />
dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của<br />
nhân dân, đặc biệt là ở cơ sở, nhiều địa phương trong cả<br />
nước đã và đang xây dựng và hoàn thiện hương ước, quy<br />
ước làng văn hóa trên cơ sở kế thừa những mặt tích cực<br />
của hương ước cũ, phù hợp với quy định của pháp luật<br />
hiện hành. Tại nhiều địa phương, hương ước, quy ước<br />
Email: tranthihuongbg78@gmail.com<br />
<br />
VJE<br />
<br />
Tạp chí Giáo dục, Số 440 (Kì 2 - 10/2018), tr 58-61<br />
<br />
mới không những góp phần phát huy thuần phong mĩ tục,<br />
đề cao các chuẩn mực đạo lí và đạo đức truyền thống của<br />
dân tộc mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cuộc<br />
vận động duy trì an ninh trật tự, vệ sinh, môi trường,<br />
phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất,<br />
khuyến khích học hành, giải quyết các tranh chấp, vi<br />
phạm nhỏ trong nhân dân, xóa đói, giảm nghèo...”.<br />
Do đó, việc tìm hiểu, tuyên truyền, phổ biến nội dung<br />
các bản hương ước, góp phần giáo dục những nét đẹp văn<br />
hóa truyền thống, hình thành nhân cách Việt Nam cho<br />
cộng đồng dân cư nói chung, cho các thế hệ HS nói riêng<br />
là một việc làm có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, do hạn<br />
chế về thời lượng, bài viết chỉ tập trung đề cập giá trị<br />
trong một số lĩnh vực của các bản hương ước ở Thái Bình<br />
vào đầu thế kỉ XX trong việc giáo dục ý thức, hình thành<br />
nhân cách, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước cho<br />
HS trên địa bàn Thái Bình trong bối cảnh hiện nay.<br />
2. Nội dung<br />
2.1. Sơ lược về hương ước ở Thái bình đầu thế kỉ XX<br />
Theo sách “Hương ước Thái Bình” của tác giả Nguyễn<br />
Thanh biên soạn do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành<br />
vào năm 2000 (tái bản năm 2016), cho biết năm 1992, Sở<br />
Văn hóa Thông tin - Thể thao Thái Bình đã tiến hành sưu<br />
tầm, sao chụp lại những bản hương ước cải lương (hương<br />
ước có điều chỉnh, bổ sung với các bản hương ước cũ) của<br />
các làng xã ở Thái Bình đã soạn thảo từ năm 1922 đến<br />
1944 hiện còn lưu trữ bản gốc tại kho hương ước của Viện<br />
Thông tin Khoa học xã hội (KHXH) thuộc Trung tâm<br />
KHXH và Nhân văn quốc gia (nay là Viện Hàn lâm<br />
KHXH Việt Nam) cho thấy: trước Cách mạng tháng Tám<br />
1945, Thái Bình có 810 làng (con số này có lúc dãn ra là<br />
820 làng, có lúc co lại là 802 làng) với số làng xã có hương<br />
ước là 451 làng, xã. Trong đó: hương ước của xã là 218<br />
bản; hương ước của làng là 187 bản; hương ước của thôn<br />
là 45 bản; hương ước của phố huyện là 01 bản. Trong các<br />
bản hương ước này, chỉ có duy nhất bản hương ước của xã<br />
Đại Hữu, tổng Tân Định, huyện Tiền Hải (nay là xã Tây<br />
Ninh, huyện Tiền Hải) được in typo vào năm 1924, các<br />
bản còn lại đều viết tay và có đầy đủ chữ kí của các kì hào,<br />
lí dịch, hội đồng tộc biểu và chữ kí, con dấu của lí trưởng,<br />
tổng, huyện, phủ, tỉnh, có bản ghi bằng chữ Quốc ngữ, có<br />
bản ghi bằng chữ Hán.<br />
Mỗi làng, xã lại có những điều kiện, đặc điểm khác<br />
nhau, do đó, các bản hương ước cũng có sự khác nhau,<br />
“mỗi làng mỗi vẻ” cả về nội dung, bố cục, hình thức trình<br />
bày. Song nội dung cơ bản mà các bản hương ước đều đề<br />
cập đó là những quy định về trách nhiệm của người dân<br />
đối với nhà nước bảo hộ, với làng xã (nghĩa vụ nộp thuế);<br />
quy định việc sử dụng đất đai, khuyến nông, phát triển<br />
sản xuất, đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp; quy<br />
định về việc giữ gìn trật tự an ninh xóm làng; động viên,<br />
<br />
59<br />
<br />
khuyến khích con em nhân dân tích cực học tập để mở<br />
mang văn minh cho làng xã; quy định về trách nhiệm của<br />
người dân trong việc bảo vệ tài sản công, nhất là những<br />
di sản văn hóa truyền thống như: đình, chùa, đền, miếu,<br />
những danh lam thắng cảnh, việc bảo vệ môi trường; quy<br />
định việc thực hiện thuần phong mĩ tục, phong tục, tập<br />
quán như: các nghi thức hiếu, hỉ, tổ chức hội hè, tế lễ, thờ<br />
cúng, thực hiện các mối quan hệ với người thân trong gia<br />
đình, với cộng đồng làng xóm…<br />
Như vậy về cơ bản, các bản hương ước ở Thái Bình<br />
thời kì này vẫn bảo tồn được những mặt tích cực phù hợp<br />
với nét đặc trưng của văn hóa truyền thống, đó là: gìn giữ<br />
phát huy những thuần phong mĩ tục, đề cao các chuẩn mực<br />
đạo lí và đạo đức truyền thống của dân tộc, bảo vệ các di<br />
tích lịch sử, di sản văn hóa, duy trì an ninh, trật tự, vệ sinh,<br />
môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất,<br />
khuyến khích học hành, giải quyết mâu thuẫn nhỏ trong<br />
cộng đồng làng xóm… Đây chính là những giá trị rất cơ<br />
bản của hương ước cần được tuyên truyền và phổ biến<br />
rộng rãi đến mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là các thế hệ HS<br />
góp phần vào việc giáo dục ý thức tự tôn dân tộc, hình<br />
thành nhân cách Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.<br />
2.2. Giá trị của các bản hương ước ở Thái Bình trong<br />
việc giáo dục ý thức, hình thành nhân cách cho học<br />
sinh trong bối cảnh hiện nay<br />
2.2.1. Giáo dục học sinh ý thức sống, làm việc theo hiến<br />
pháp, pháp luật<br />
Hương ước, quy ước là một loại văn bản quy phạm,<br />
chứa đựng những nguyên tắc bắt buộc hoặc cho phép cá<br />
nhân, tổ chức được làm hoặc không được làm một việc gì<br />
đó trong cuộc sống hằng ngày tại địa phương, đó là các<br />
quy phạm xã hội do cộng đồng dân cư thỏa thuận đặt ra và<br />
cùng nhau thực hiện. Do đó, cùng với hệ thống pháp luật<br />
hiện hành của nhà nước, các bản hương ước (trong đó có<br />
hương ước xưa và hương ước mới hiện nay được tái lập)<br />
có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục ý thức<br />
người dân nói chung, các thế hệ HS nói riêng sống, làm<br />
việc theo hiến pháp, pháp luật. Trên thực tế, hương ước,<br />
quy ước được xây dựng chủ yếu để điều chỉnh các quan<br />
hệ tự quản tại cộng đồng dân cư, những quan hệ trong lĩnh<br />
vực xã hội - dân sự mà pháp luật không điều chỉnh hoặc<br />
chỉ điều chỉnh ở mức độ quy định các nguyên tắc chung<br />
như: việc tổ chức ma chay, cưới xin, bảo vệ trật tự trị an,<br />
phát triển sản xuất, khuyến khích học hành, giữ gìn và phát<br />
huy những giá trị đạo đức truyền thống, giải quyết các<br />
tranh chấp hoặc những vi phạm nhỏ trong nhân dân.<br />
Như vậy, hương ước là một công cụ quan trọng góp<br />
phần quản lí xã hội trong phạm vi làng, xã Việt Nam từ<br />
nhiều thế kỉ qua, trong chế độ phong kiến, hương ước tồn<br />
tại song song với pháp luật của Nhà nước phong kiến<br />
Việt Nam, góp phần giữ gìn bản sắc và phong tục tập<br />
<br />
VJE<br />
<br />
Tạp chí Giáo dục, Số 440 (Kì 2 - 10/2018), tr 58-61<br />
<br />
quán của dân tộc. Khi nói đến hương ước, quy ước là đề<br />
cập đến một thành tố quan trọng trong thể chế quản lí<br />
nông thôn, đề cao tính tự quản, tự trị của làng, xã, là một<br />
nét văn hóa quản lí truyền thống có tính phổ biến.<br />
Trong lời nói đầu của Hương ước làng Hiệp Trung tổng Cát Đàm - phủ Thái Ninh (nay là huyện Thái Thụy<br />
- Thái Bình) được soạn thảo vào năm 1937 ghi: “có nước<br />
phải có làng, làng nhiều mới thành nước, nước có luật lệ,<br />
thời chính trị mới hay, làng có khoán ước thì phong tục<br />
mới tốt, đất lề, quê thói lệnh vua phép làng nhẽ thường<br />
bao giờ cũng vậy… Nay thừa thượng lệnh sức làm hương<br />
ước là mong dân ta đổi tục lệ xưa, theo thời thế mới giữ<br />
vững được con đường phong hóa, gieo ra hạt giống văn<br />
minh… chọn những điều hay, trừ những thói dở, châm<br />
chước cho hợp thời làm thành hương ước…” [2; tr 57].<br />
Trong các hương ước cũng quy định rõ ràng hình thức<br />
xử phạt đối với những người mắc lỗi, điều 41 của hương<br />
ước xã Duyên Mĩ, tổng Thượng Hộ, huyện Duyên Hà<br />
(nay là Hưng Hà - Thái bình) có ghi: “đàn bà, trẻ con<br />
phạm lỗi gì xét ra người phạm lỗi ấy còn ở với cha thì<br />
cha phải chịu, mà còn ở với chồng thì chồng phải chịu,<br />
nếu không có cha, chồng thì chú bác phải chịu” [2; tr 61].<br />
Như vậy, quy phạm trong hương ước là quy phạm xã<br />
hội do nhân dân xây dựng nên và nhân dân tự nguyện<br />
thực hiện dựa trên những phong tục, tập quán của địa<br />
phương và hệ thống pháp luật của nhà nước. Do đó,<br />
những nội dung trong các bản hương ước được tuyên<br />
truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp dân cư, các thế hệ HS là<br />
nhân tố rất thuận lợi để đưa pháp luật vào cuộc sống<br />
người dân ở cơ sở.<br />
2.2.2. Giáo dục tinh thần hiếu học, ý thức vượt khó để<br />
vươn lên trong học tập<br />
Đây là nét đẹp truyền thống ở các làng xã cổ truyền<br />
Thái Bình nói riêng và Bắc Kỳ nói chung và luôn giữ một<br />
vai trò đặc biệt quan trọng trong việc rèn luyện nhân<br />
cách, duy trì bản sắc tốt đẹp của dân tộc. Điều này được<br />
thể hiện khá đậm nét trong quy ước của các bản hương<br />
ước làng, xã ở Thái Bình, hình thức khuyến học phổ biến<br />
ở các làng, xã là dành ruộng học điền để chăm lo sự học<br />
hành cho con em nhân dân. Nhiều làng, xã còn có hình<br />
thức trợ cấp giấy bút cho con em nhà nghèo theo học, xếp<br />
ngôi thứ cho những người đỗ đạt, khen thưởng đối với<br />
những người có công nuôi dưỡng…, hương ước cũng<br />
quy định việc xây dựng trường học, mời thầy về dạy, bố<br />
mẹ là những người có trách nhiệm phải khuyên bảo cho<br />
con em đi học, đến trường. Ở một số làng còn đặt ra lệ<br />
khuyến học là hoãn việc đi lính cho những ai đang bận<br />
việc học tập, những làng, xã đặt ruộng “học điền” dành<br />
ra từ bốn, năm sào đến một mẫu lấy hoa lợi mời thầy giáo<br />
dạy chữ hoặc tặng mỗi người đi học một sào ruộng để lấy<br />
hoa lợi ăn học, một số ít làng xã còn cấp tiền ăn học mỗi<br />
<br />
60<br />
<br />
tháng từ một đến ba quan làm phí giấy bút cho người đi<br />
học ở xã. Những làng có truyền thống khoa bảng thường<br />
hay tổ chức khảo hạch sĩ tử trước kì thi hương… qua đó,<br />
họ được ôn luyện thử sức trước mùa thi.<br />
Hương ước làng Đại Hữu (nay thuộc xã Tây Ninh<br />
huyện Tiền Hải) có ghi: “nghĩa vụ của cha mẹ phải cho<br />
con cái đi học, ai có con từ 8 tuổi trở lên phải cho con đi<br />
học… người nào nghèo túng quá mà hiếu học làng sẽ cấp<br />
giấy bút cho. Ai có con đến tuổi ấy không cho con đi học<br />
phải phạt một đồng trừ ra… trong làng ai chuyên cần việc<br />
học tập thì được miễn tạp dịch. Ai xuất dương du học<br />
được miễn trừ tạp dịch và xuất sưu người ấy làng sẽ trích<br />
công quỹ nộp cho, còn gia quyến người ấy ở nhà có sự<br />
gì làng phải hết lòng bênh vực” [2; tr 70].<br />
Hương ước làng Tô Xuyên, huyện Phụ Dực (nay là<br />
huyện Quỳnh Phụ) quy định: “trong thôn hương lí cần<br />
phải khuyên bảo cho dân làng nhà ai có con phải cho đi<br />
học, vì trong làng có nhiều người học thì mới có văn<br />
minh tiến hóa được… nhà ai có con từ 8 tuổi phải cho<br />
con ra trường công học tập… cấm không được cho trẻ<br />
em lêu lổng” [2; tr 87]. Hương ước làng Long Mĩ, tổng<br />
Thượng Tầm, phủ Thái Ninh (nay là huyện Thái Thụy)<br />
nhấn mạnh: “việc học là việc rất cần thiết cho con người<br />
ta, vì có học thì trí khôn mới mở mang, kiến thức mới<br />
rộng rãi và mới biết được luân thường đạo lí đối đãi với<br />
xã hội và gia đình. Nước mà văn minh, thịnh vượng cũng<br />
do ở nền giáo dục phổ thông” [2; tr 87].<br />
Do đó, quan niệm “nửa bụng chữ bằng một hũ vàng”<br />
được thể hiện rõ nét trong các bản hương ước nếu được<br />
tuyên truyền, phổ biến rộng rãi sẽ có tác dụng rất thiết<br />
thực trong việc giáo dục thế hệ trẻ ở các làng quê Thái<br />
Bình nói riêng, các làng quê Việt Nam nói chung trong<br />
việc nỗ lực vượt khó để vươn lên trong học tập.<br />
2.2.3. Giáo dục ý thức bảo vệ các di sản văn hóa, giữ gìn<br />
và phát huy thuần phong, mĩ tục, thực hiện nếp sống văn<br />
minh trong cộng đồng<br />
Hương ước, quy ước được coi như một công cụ hỗ<br />
trợ cho pháp luật để duy trì, phát triển thuần phong mĩ<br />
tục, đề cao các chuẩn mực đạo lí và đạo đức truyền thống<br />
trong sinh hoạt cộng đồng làng, xã, như: cách ứng xử,<br />
giao tiếp, ăn, ở, đi lại, phát triển các hoạt động văn hóa<br />
lành mạnh, xây dựng và phát huy tình làng, nghĩa xóm,<br />
đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau<br />
trong cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường sống, sông,<br />
hồ, danh lam thắng cảnh, đền chùa, đình, miếu, các<br />
nguồn nước, đê điều, phát triển đường làng, ngõ xóm,<br />
trồng cây xanh… cũng như các biện pháp bài trừ các hủ<br />
tục, tệ nạn xã hội và mê tín dị đoan trong việc cưới hỏi,<br />
việc tang, lễ hội, thờ phụng ở địa phương; khuyến khích<br />
những nghi lễ lành mạnh, tiết kiệm, hạn chế ăn uống lãng<br />
phí, tốn kém; phòng chống các tệ nạn xã hội như cờ bạc,<br />
<br />
VJE<br />
<br />
Tạp chí Giáo dục, Số 440 (Kì 2 - 10/2018), tr 58-61<br />
<br />
rượu, chè, trộm cắp, các hành vi vi phạm pháp luật khác<br />
nhằm xây dựng địa bàn trong sạch.<br />
Đề cập việc bảo vệ đường làng, ngõ xóm, Hương ước<br />
làng Nội Trang, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà (nay là<br />
huyện Hưng Hà) quy định: “đường công cấm ai được buộc<br />
trâu, bò và trồng cây trong vườn để thò lò cành lá ra ngoài<br />
đường, cấm dịch dậu lấn đường, ruộng ở chân đường<br />
không được vạc xuống làm hỏng đường”. Để bảo vệ lợi<br />
ích của cộng đồng dân cư, tăng cường tình đoàn kết tình<br />
làng nghĩa xóm và giảm gánh nặng cho dân nghèo, Điều<br />
36, Chương 2, hương ước làng Hiệp Trung, tổng Cát Đàm,<br />
phủ Thái Ninh (nay là huyện Thái Thụy) ghi rõ: “ngày hội<br />
bổ sưu thuế, cấm không được bày ra ăn uống gì, tính bổ<br />
cho dân làng phải chịu nặng thêm”; hay quy định về việc<br />
tang lễ, Điều 133 ghi: “Việc tang hiếu là cốt ở sự buồn rầu,<br />
thương xót, nếu chỉ chăm ở sự sửa soạn chè chén khoản<br />
đãi tân khách để trả nợ miệng lẫn nhau thì thật là trái lễ.<br />
Nay định những nhà có việc tang hiếu không được giết<br />
trâu bò lợn bày ra ăn uống trước, nếu có người thân tình ở<br />
xa đến phúng chỉ được dùng cơm thường khoản đãi” [2; tr<br />
60]. Mặc dù được soạn thảo trong những năm đầu thế kỉ<br />
XX khi nước ta còn đang trong chế độ cai trị của thực dân<br />
Pháp, nhưng nhìn chung nội dung các bản hương ước vẫn<br />
đảm bảo được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân<br />
tộc “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá<br />
rách” thể hiện tinh thần đoàn kết, đùm bọc chia sẻ cùng<br />
nhau trong cộng đồng làng xã.<br />
Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra một cách<br />
mạnh mẽ và quyết liệt, với quá trình hội nhập quốc tế<br />
ngày càng sâu rộng, sự ảnh hưởng và giao lưu văn hóa<br />
giữa các quốc gia, dân tộc diễn ra ngày càng mạnh mẽ<br />
với sự đan xen của nhiều luồng văn hóa khác nhau, việc<br />
giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống càng<br />
được đặt ra một cách cấp bách. Do đó, mỗi quốc gia, dân<br />
tộc cần phải có những giải pháp hữu hiệu để vừa tiếp thu<br />
những giá trị văn minh của nhân loại, đồng thời vừa bảo<br />
vệ những đặc trưng văn hóa truyền thống. Trong bối cảnh<br />
đó, hương ước làng xã là một công cụ quan trọng để lưu<br />
giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng<br />
tại các vùng miền, nó như một “tấm lá chắn” thanh lọc<br />
những yếu tố ngoại lai không phù hợp.<br />
3. Kết luận<br />
Những năm gần đây, trong quá trình đổi mới, cơ cấu<br />
KT-XH cũng như cảnh quan ở khu vực nông thôn đã có<br />
nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất của người<br />
dân không ngừng được nâng lên, hình thức sinh hoạt văn<br />
hóa cũng có những thay đổi để phù hợp với cuộc sống,<br />
cơ chế xã hội mới. Đặc biệt, khi Đảng và nhà nước ta có<br />
chủ trương đẩy mạnh công cuộc chấn hưng nền văn hóa<br />
dân tộc, mỗi làng xã, mỗi dòng tộc càng ý thức rõ hơn<br />
tâm lí “tìm về cội nguồn”, các giá trị văn hóa truyền<br />
<br />
61<br />
<br />
thống trước đây bị mai một có điều kiện để khôi phục và<br />
phát triển, các hoạt động lễ hội, tu sửa đình, chùa, đền,<br />
miếu, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, chăm sóc<br />
nghĩa trang liệt sĩ, giúp đỡ người già không nơi nương<br />
tựa, gia đình nghèo neo đơn, trẻ em vùng sâu vùng xa, đã<br />
trở thành một nét đẹp của văn hóa truyền thống, được<br />
đông đảo mọi tầng lớp dân cư, nhất là thế hệ trẻ học sinh,<br />
sinh viên tham gia tích cực.<br />
Để làm tốt những việc làm có ý nghĩa nêu trên, việc<br />
tăng cường tìm hiểu, tuyên truyền, phổ biến nội dung các<br />
bản hương ước giúp thế hệ trẻ có thêm những hiểu biết về<br />
dòng tộc, về cội nguồn, bồi dưỡng cho các em lòng tự hào<br />
về truyền thống quê hương đất nước, qua đó hình thành<br />
nhân cách Việt Nam cho thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay<br />
là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên trong quá trình thực<br />
hiện, các nhà trường, các thầy cô giáo (đặc biệt là giáo viên<br />
bộ môn Lịch sử), các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội địa<br />
phương cần nghiên cứu kĩ nội dung, đối tượng, để có các<br />
giải pháp phổ biến, tuyên truyền giá trị của các bản hương<br />
ước đến mọi tầng lớp dân cư, nhất là với thế hệ trẻ một<br />
cách phù hợp để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất.<br />
Tài liệu tham khảo<br />
[1] Thủ tướng Chính phủ (1998). Chỉ thị số<br />
24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 về việc xây dựng<br />
và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản,<br />
thôn, ấp, cụm dân cư.<br />
[2] Nguyễn Thanh (2000). Hương ước Thái Bình. NXB<br />
Văn hóa dân tộc.<br />
[3] Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số<br />
22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 về việc xây dựng,<br />
thực hiện hương ước, quy ước.<br />
[4] Bộ Tư pháp - Bộ Văn hóa Thông tin - Ban thường<br />
trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam<br />
(2000). Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTPBTTUBTƯMTTQVN ngày 31/3/2000.<br />
[5] Vũ Duy Mền (2010). Hương ước cổ làng xã Đồng<br />
bằng Bắc Bộ. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.<br />
[6] Đinh Khắc Thuân (chủ biên, 2006). Tục lệ cổ truyền<br />
làng xã Việt Nam. NXB Khoa học xã hội.<br />
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Đại Nam thực<br />
lục (tập 8), bản dịch. NXB Giáo dục.<br />
[8] Hương ước xã Hưng Quan, tổng Cát Đàm, phủ Thái<br />
Ninh, tỉnh Thái Bình. Thư viện Viện Thông tin Khoa<br />
học xã hội, Kí hiệu HU 3091.<br />
[9] Hương ước thôn Đàm, xã Tô Xuyên, tổng Tô<br />
Xuyên, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Thư viện<br />
Viện Thông tin Khoa học xã hội, Kí hiệu HU 3054.<br />
[10] Hương ước xã Đại Hữu, tổng Tân Định, huyện Tiền<br />
Hải, tỉnh Thái Bình. Kí hiệu: HU 3204, Thư viện<br />
Viện Thông tin Khoa học xã hội.<br />
<br />