intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giải pháp thúc đẩy chuyển đối số trong doanh nghiệp Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

15
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Giải pháp thúc đẩy chuyển đối số trong doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ sở lý thuyết về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, thực trạng tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giải pháp thúc đẩy chuyển đối số trong doanh nghiệp Việt Nam

  1. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 49 GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỐI SỐ TRONG DOANH NGHIỆP VIỆT NAM Phạm Thị Ngọc Ly, Đặng Thị Ly, Hàn Như Thiện Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum Email: ptnly@kontum.udn.vn; dtly@kontum.udn.vn; hnthien@kontum.udn.vn Tóm tắt: Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng thay đổi đã tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) diễn ra nhanh chóng hơn, trong đó CĐS trong các doanh nghiệp được xem là xu hướng tất yếu giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững. Bài viết tìm hiểu cơ sở lý thuyết về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, thực trạng tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ở Việt Nam. Từ khóa: Chuyển đổi số, Công nghệ, Doanh nghiệp. SOLUTIONS TO PROMOTE DIGITAL TRANSFORMATION IN VIETNAM BUSINESSES Abstract: With the strong development of the fourth industrial revolution, along with the impact of the Covid-19 epidemic, changing consumption trends have created a driving force to accelerate the digital transformation process. Therefore, digital transformation in businesses is considered an inevitable trend to help businesses develop sustainably. The article explores the theoretical basis and international experience on digital transformation in enterprises, the current situation in Vietnam, thereby proposing solutions to promote digital transformation in enterprises in Vietnam. Keywords: Digital transformation, Technology, Enterprise. 1. Đặt vấn đề Dưới tác động của Covid-19 và sự thúc đẩy của thời đại công nghệ 4.0, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã có sự thay đổi từ phương thức truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để thương mại điện tử bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay. Do đó, để bắt kịp với tốc độ phát triển của thương mại điện tử đòi hỏi các doanh nghiệp phải đưa CĐS vào trong hoạt động của mình. Có thể thấy hoạt động CĐS trong các doanh nghiệp đã và đang
  2. 50 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI“ LẦN THỨ 4 NĂM 2023 diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới. Tại Việt Nam, các chương trình của Chính phủ có tác động rõ rệt đến quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Cụ thể, “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định mục tiêu về phát triển kinh tế số, đặt ra kế hoạch đến năm 2025, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 cũng tạo ra “cú hích” đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. CĐS là một yếu tố không thể thiếu giúp doanh nghiệp dần dần quay trở lại trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID. Trên nền tảng này, các doanh nghiệp khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân viên trong công ty, đồng thời cũng giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo kịp thời. Có thể thấy rằng CĐS chính là xu hướng phát triển chung của toàn cầu. Thế giới đang thực hiện việc thay đổi, Việt Nam không thể tách mình ra khỏi hướng đi chung của các quốc gia khác. Trong thời đại công nghệ phát triển, mọi điều đều thực hiện theo cách 4.0 thì cách thức vận hành cũng nên tiến bộ để theo kịp thời đại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số cũng như chưa ứng dụng một cách hiệu quả CĐS vào hoạt động kinh doanh của mình. Đây có thể là rào cản làm cho các doanh nghiệp tụt lại phía sau trong cuộc chạy đua CĐS và công nghệ. Từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng CĐS tại các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như những thách thức trong quá trình này. Từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy CĐS trong các doanh nghiệp Việt Nam. 2. Cơ sở lý thuyết 2.1. Chuyển đổi số 2.1.1. Khái niệm Theo Microsoft, chuyển đổi số (CĐS) là một sự đổi mới kinh doanh được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), cung cấp những cách mới để hiểu, quản lý và chuyển đổi cho các hoạt động kinh doanh của họ. Siebel (2019) định nghĩa bản chất CĐS là sự hội tụ của 4 công nghệ đột phá sau: công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Sự hội tụ này khiến cho phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của CĐS hết sức rộng lớn, do đó có nhiều cách nhìn và cách tiếp cận CĐS khác nhau nhằm đưa lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu. Không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học... (Phạm Huy Giao, 2020). CĐS không phải đơn thuần thay đổi cách thực hiện công việc từ thủ công truyền thống (ghi chép trong sổ sách, họp trực tiếp,...) sang vận dụng công nghệ để giảm thiểu sức người mà thực tế chuyển đổi kỹ thuật số không phải là về phần mềm hay công nghệ - mà là về khả năng thích ứng của tổ chức. Để bắt kịp với sự thay đổi do chuyển đổi kỹ thuật số thúc đẩy,
  3. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 51 các tổ chức phải có khả năng linh hoạt thích ứng, và văn hóa tổ chức là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của bất kỳ sáng kiến ​​ thuật số nào (Phan Y Lan, 2022) kỹ 2.1.2. Phân biệt chuyển đổi số, số hóa và công nghệ số Theo Siebel (2019) “phạm vi của chuyển đổi số và hàm ý của nó đang liên tục biến đổi và tác động của nó vẫn đang tiếp tục được làm rõ”. Việc nhầm lẫn hay không phân biệt được rõ ràng sự khác nhau giữa số hóa (digitisation), công nghệ số/ứng dụng công nghệ số (digitalisation/digitalised applications) và chuyển đổi số (digital transformation) là khá phổ biến trên thực tế. Cụ thể: - Số hóa: là quá trình đưa các thông tin lưu trữ ở dạng vật lý như văn bản giấy, đĩa CD, ổ cứng ,...lên các hệ thống lưu trữ trên mạng Internet. Nhờ đó, người ta có thể dễ dàng tìm kiếm dữ liệu để phục vụ cho công việc hàng ngày hơn. - Quy trình sử dụng thông tin đã được số hóa để làm cho các cách thức hoạt động đơn giản và hiệu quả hơn được gọi là Digitalization (công nghệ số). Công nghệ số/ứng dụng công nghệ số là việc sử dụng các dữ liệu số để thực hiện công việc nhanh và tốt hơn. - Chuyển đổi số được định nghĩa là “một quá trình nhằm mục đích cải thiện một thực thể bằng cách tạo ra những thay đổi đáng kể đối với các thuộc tính của nó thông qua sự kết hợp của công nghệ thông tin, máy tính, truyền thông và kết nối” (Vial, Gregory, 2019). Có thể xem “Số hóa” như một phần của quá trình “Chuyển đổi số”. CĐS là cần thiết đối với tất cả các doanh nghiệp bất kế quy mô và ngành nghề. CĐS mô tả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tối ưu quy trình hiện tại của họ và tăng trải nghiệm của khách hàng nhằm duy trì tính cạnh tranh và phù hợp trong nền kinh tế mới lấy khách hàng làm trung tâm. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là cài đặt một phần mềm mới, hoặc chuyển sang sử dụng điện toán đám mây, mà cốt lõi của CĐS là chuyển đổi mô hình kinh doanh đòi hỏi cả về chuyên môn kinh doanh kết hợp với tất cả các yếu tố liên quan tới doanh nghiệp. Mặc dù chuyển đổi số được thúc đẩy bởi các thay đổi từ kỳ vọng của khách hàng trong bối cảnh kinh doanh có tính kết nối cao với các hiểu biết số, việc thực hiện chuyển đổi đơn thuần bằng việc thay đổi công nghệ là không đủ. CĐS đòi hỏi kết hợp kinh doanh với yếu tố chuyên môn và hiểu biết số một cách thích hợp để đảm bảo thành công. Hình 1: Phân biệt giữa số hóa, công nghệ số và chuyển đổi số Nguồn: Phạm Huy Giao (2020)
  4. 52 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI“ LẦN THỨ 4 NĂM 2023 2.2. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Chuyển đổi số trong doanh nghiệp được định nghĩa là “việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới” (USAID, 2021) Theo nghiên cứu của Nguyễn Danh Nam và Uông Thị Ngọc Lan (2021), CĐS trong doanh nghiệp được hiểu là quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách thay đổi phương thức điều hành lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp, quy trình làm việc...CĐS hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, áp dụng công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo để đổi mới cách thức làm việc với khách hàng, đối tác. Nó tác động đến quy trình và thói quen làm việc của nhân viên từ việc lệ thuộc hồ sơ, giấy tờ truyền thống sang việc sử dụng hóa đơn điện tử, báo cáo qua ứng dụng. Điểm nổi bật của chuyển đổi số trong doanh nghiệp là tích hợp được tất cả các công nghệ quản lý bao gồm quản lý toàn diện doanh nghiệp, quản lý mối quan hệ khách hàng, trí tuệ nhân tạo, hệ thống trả lời tự động... Mô hình Doanh nghiệp số tạo ra giá trị độc lập, tạo sự thu hút, hấp dẫn và khiến cho khách hàng sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số. CĐS còn mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Chuyển đổi số không chỉ tác động đến những tổ chức hay doanh nghiệp mà còn tác động đến những nhóm đối tượng khác xoay quanh như là khách hàng, đối tác, nguồn nhân lực, kênh phân phối. (Bùi Thị Quyên, Phạm Nhật Linh, 2021). 3. Vai trò của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp Việt Nam Việt Nam là nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á đối với việc ứng dụng công cụ số của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á e-Conomy 2022, nền kinh tế số của Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN (31%) và dự báo sẽ đạt mức khoảng 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục 120-200 tỷ USD vào năm 2030. Theo Bà Stephanie, Phó chủ tịch Google châu Á Thái Bình Dương, Phụ trách khu vực Đông Nam Á nhận định: “Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng năm nay với nền kinh tế kỹ thuật số có tốc độ phát triển nhanh nhất và thương mại điện tử có tốc độ tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bất chấp những khó khăn hiện tại trên toàn cầu và khu vực, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam đang trên đà chạm mức 50 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025” (Văn Phong, 2022). Vì vậy, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, CĐS là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế số Việt Nam sau đợt ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, (1) Đối với hoạt động doanh nghiệp: CĐS giúp tăng hiệu suất công việc, đẩy nhanh quá trình xử lý công việc, nâng cao chất lượng công việc; dễ dàng quản lý tập trung, tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa nhân lực; tăng cường sự minh bạch, hiệu quả và sáng tạo trong hệ thống quản trị công ty. (2) Đối với thị trường: Tăng tương tác với thị trường, khách hàng. CĐS giúp
  5. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 53 nắm bắt nhanh chóng, chính xác về thông tin thị trường, tăng trải nghiệm khách hàng. (3) Về lợi ích kinh tế: Tiết kiệm và giảm chi phí vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy doanh thu, tăng lợi nhuận. (Bùi Đức Hưng, 2021). Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, CMCN 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng rõ rệt bởi nếu trước đây các doanh nghiệp thường nhìn nhận công nghệ là điểm yếu của mình do khả năng tài chính để đầu tư vào đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại thì trong kỷ nguyên số hiện nay, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể thừa hưởng công nghệ hiện đại với chi phí thấp, cũng như có thể dễ dàng tiếp cận khối lượng dữ liệu khổng lồ về thị trường, khách hàng để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả. Từ đó, Công nghệ số sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu ngành và thậm chí kinh tế ngành theo những cách chưa từng có, góp phần định hình nền kinh tế số (Phan Thị Bích Nguyệt và cộng sự, 2021). 4. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp thu thập dữ liệu: Các số liệu và dữ liệu liên quan đến quá trình phân tích là những số liệu thứ cấp được thu thập chủ yếu từ các báo cáo của VCCI và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn sử dụng nguồn dữ liệu thu thập trên các bài báo, tạp chí, trên các trang website có liên quan. Phương pháp phân tích, tổng hợp: nghiên cứu các tài liệu và phân tích thực trạng CĐS tại các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, cùng với đó là nhìn nhận những thách thức. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy CĐS trong các doanh nghiệp Việt Nam. 5. Thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp ở Việt Nam Theo kết quả khảo sát về nhu cầu, thực trạng triển khai và đầu tư cho các hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2022 thì đa phần doanh nghiệp đã có nhận thức và ý thức được về sự cần thiết phải CĐS, nhưng CĐS chưa đạt mục tiêu kỳ vọng. Các doanh nghiệp chủ yếu đang ở bước số hóa, hoặc đã từng bước sử dụng các công nghệ, phần mềm mới nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra nên đã ngừng sử dụng, hoặc vẫn đang sử dụng nhưng còn gặp khó khăn, chưa thực sự thuận lợi. Cụ thể có 48.8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp CĐS nhưng hiện tại không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc doanh nghiệp áp dụng để đáp ứng những nhu cầu tức thời đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng giờ không còn nhu cầu. Lý do khác cho thực trạng này là việc các doanh nghiệp chưa xác định được mục tiêu và chiến lược CĐS đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ CĐS cả về lượng và chất. Điều này thể hiện rõ khi chỉ có 6.2% đã hoàn thành xác định mục tiêu CĐS và chỉ 7.6% đã từng bước xây dựng kế hoạch trong ngắn và dài hạn để CĐS, 35.3% doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu, quy trình (chủ yếu đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” lưu trữ trên hệ thống). Đây là hoạt động quan trọng để tiến tới CĐS ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn. Ngoài ra, một tỉ lệ nhỏ (2.2%) đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hoá để đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh, cho dù một số vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng công nghệ.
  6. 54 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI“ LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Hình 2: Vị trí của doanh nghiệp trong lộ trình chuyển đổi số Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022) Công nghệ trước hết thường được doanh nghiệp áp dụng vào một số nghiệp vụ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của doanh nghiệp như: hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng. Cụ thể, ngoài hai hình thức bán hàng truyền thống là bán hàng trực tiếp tại cửa hàng/điểm bán và bán hàng qua điện thoại, thì hình thức bán hàng qua mạng đã trở nên phổ biến hơn trước đây do sự hỗ trợ và tham gia đặc lực của nhiều nền tảng bán hàng trực tuyến (Shopee, Lazada, Tiki...) và các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo và gần đây là Tiktok) với tỉ lệ đa số doanh nghiệp triển khai bán hàng đa kênh. Hình 3: Hình thức bán hàng của doanh nghiệp Nguồn: Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022) Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp được khảo sát thực hiện CĐS mang tính khá rời rạc, nhằm quản lý từng chức năng hoạt động riêng rẽ như vận chuyển hàng hoá, kho hàng, bán hàng, nhân sự và kế toán mà thiếu đi sự kết nối mang tính đồng bộ. Trên thực tế, khoảng 20
  7. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 55 -30% doanh nghiệp được khảo sát là có ứng dụng CĐS trong một số nghiệp vụ một cách thường xuyên như: về hoạt động quản lý xe, vận chuyển hàng hoá, có trên 60% doanh nghiệp mới chỉ sử dụng phần mềm số ở mức rất ít hoặc thậm chí hiếm sử dụng. Khoảng 23% doanh nghiệp ứng dụng thường xuyên ở mức độ cao. Hình 4: Mức độ sử dụng phần mềm trong các hoạt động của doanh nghiệp Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022) Nghiệp vụ kế toán là nơi diễn ra mức độ CĐS cao hơn cả với trên 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên. Và như đã giải thích ở trên, hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đều tập trung CĐS ở các khía cạnh mà mang lại hiệu quả trực tiếp tới doanh thu, lợi nhuận của tổ chức. Vì thế, kế toán là một trong những nghiệp vụ được ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong quá trình CĐS. Tuy nhiên, vẫn còn đến 33% doanh nghiệp vẫn còn chưa biết khai thác các phần mềm công nghệ số cho dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ. Hơn 40% doanh nghiệp hầu như không/ít sử dụng phần mềm số trong quản lý kho hàng, quản lý đơn hàng, khách hàng hay thậm chí là trong quản lý nhân sự. Hình 5: Nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi số của doanh nghiệp Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022)
  8. 56 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI“ LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, các doanh nghiệp có sự tự tin về kiến thức cho CĐS nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ ở hầu như tất cả giai đoạn CĐS, từ giai đoạn nền tảng ban đầu của quá trình như chuẩn hoá các quy trình hoạt động của doanh nghiệp, xây dựng lộ trình CĐS cho đến giai đoạn triển khai thực hiện hay tiếp nhận các giải pháp công nghệ phục vụ CĐS. Cụ thể, có 25% doanh nghiệp cần được hỗ trợ tư vấn về nền tảng, giải pháp công nghệ CĐS, 24,3% doanh nghiệp cần được hỗ trợ xây dựng lộ trình CĐS, 23,6% cần được hỗ trợ về chuẩn hóa các quy trình hoạt động, và 22,2% doanh nghiệp cần được hỗ trợ tư vấn triển khai các hoạt động CĐS. Hình 6: Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số theo ngành Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022) Theo kết quả khảo sát về mức độ sẵn sàng CĐS của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dựa trên thang điểm 1 đến 5 tương ứng với các mức độ sẵn sàng CĐS từ “cơ bản” tới “dẫn đầu”, có thể thấy 12 trên tổng số 16 ngành được khảo sát có mức độ sẵn sàng trên mức trung bình (mốc điểm 2.5). Trong đó, ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản có số điểm trung bình cao nhất là 3. Kết quả trên cho thấy rằng hầu hết các ngành nghề được khảo sát đã và đang phát triển được các mục tiêu số hoá trong hoạch định chiến lược, song hành với đó là thiết lập các vị trí quản lý cần thiết hay các dự án CĐS riêng biệt. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp trong hầu hết các ngành đã sẵn sàng cho sự dịch chuyển mang tính chất đột phá và toàn diện này. Tuy vậy, việc đo lường và quản lý thực hiện CĐS ở quy mô toàn doanh nghiệp vẫn còn nhiều thử thách cần được giải quyết. Dễ dàng nhận thấy những ngành trong khảo sát có mức độ sẵn sàng cao đều là những ngành mà hoạt động của họ liên quan chặt chẽ tới sản xuất, lưu chuyển hàng hoá, dịch vụ tới trực tiếp khách hàng như: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa xe có động cơ; dịch vụ lưu trú và ăn uống hay xây dựng. Nhìn chung, các doanh nghiệp đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách
  9. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 57 hàng tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu và chuẩn hoá quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn. Tuy vậy, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp vẫn mang tính cục bộ và rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện CĐS một cách rõ ràng ngay từ đầu. Vì vậy mà việc đầu tư CĐS vẫn chưa mang lại thành công như mong đợi ở nhiều doanh nghiệp. 6. Những thách thức trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam Thách thức từ công nghệ và nguồn lực: Công cuộc CĐS đòi hỏi doanh nghiệp phải có trình độ cả về kỹ thuật và nhân lực rất cao trong nền tảng hệ thống Internet mạnh mẽ. Tuy nhiên, nền tảng công nghệ Việt Nam hiện nay vẫn còn đi sau thế giới, chưa thể làm chủ được hệ thống công nghệ cốt lõi của CĐS. Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện công cuộc CĐS thành công cần phải có cơ sở hạ tầng về nền tảng công nghệ thông tin phù hợp, gồm cả phần cứng và phần mềm. Nếu các doanh nghiệp lớn đi đầu trong việc nâng cấp phần mềm và phần cứng công nghệ thông tin, thì các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn đang bị hạn chế và thụ động trong vấn đề này. Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô hoạt động vừa và nhỏ này lại chiếm 95-96% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, công cuộc CĐS đòi hỏi doanh nghiệp triển khai cần sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng kiến thức công nghệ mới và phục vụ cho việc triển khai CĐS. Đó cũng là một điều khó khăn nữa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trên thực tế, mỗi năm thị trường lao động Việt Nam thiếu khoảng 90.000 người lao động để phát triển nền kinh tế số - xã hội số, trong khi các chương trình đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu kiến thức cần thiết của CĐS. Thách thức từ vốn đầu tư: các dự án CĐS có thể tốn rất nhiều kinh phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá hạn chế. Theo khảo sát từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020, có đến 55,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chi phí ứng dụng công nghệ là hạn chế lớn nhất. Chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới; chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin như việc phải triển khai một số hệ thống công nghệ thông tin sẽ dẫn tới việc tăng đầu tư và các chi phí vận hành hệ thống. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam thường chọn công nghệ điện toán đám mây là công cụ CĐS. Với nền tảng công nghệ này, các doanh nghiệp có thể mở rộng hệ thống cơ sở thông tin nhanh chóng khi có nhu cầu mà không cần phải đầu tư nhiều. Đối với các doanh nghiệp lớn, tuy rằng không phải chịu áp lực lớn về nguồn tài chính đầu tư, nhưng cuộc đua CĐS giữa các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng gây ra sự lãng phí lớn. Thách thức từ nhận thức của doanh nghiệp: các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò CĐS trong cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, theo VCCI, hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như chưa có nhận thức sâu và thực chất về CĐS. Ngoài ra, số liệu tính riêng trên Cổng thông tin của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS (SMEdx) năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về
  10. 58 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI“ LẦN THỨ 4 NĂM 2023 các nền tảng được đăng tải trên đó; khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của Chương trình để CĐS, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để CĐS đi vào thực chất, cuối 2021 Bộ đã ban hành bộ chỉ số đo lường mức độ CĐS của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 1 năm, chỉ có 500 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tài khoản trên trang Cổng www.dbi.gov.vn. Trong số những doanh nghiệp đăng ký tài khoản, vẫn còn nhiều doanh nghiệp còn chưa quan tâm đến việc đo lường mức độ CĐS. Cụ thể, chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ CĐS của mình và có một số nhỏ, khoảng vài chục doanh nghiệp thực hiện tư vấn đánh giá. 7. Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở Việt Nam Hoàn thiện khung pháp lý: rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số và phát triển mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, Internet và không gian mạng. Chú trọng sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông, như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông,... Nghiên cứu chính sách, quy định cụ thể về thuế, phí để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số. Rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật dân sự, hình sự và các luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng mức và hình phạt cho các hành vi lừa đảo, gian lận khi giao dịch trên không gian mạng cũng như các hành vi lợi dụng, khai thác trái phép thông tin riêng, cá nhân trên mạng để người dùng an tâm khi thực hiện các giao dịch số. Phát triển hạ tầng số và nền tảng số phục vụ kịp thời nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp: cần chú trọng xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G; mở rộng kết nối Internet trong nước, phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT). Các nội dung phát triển hạ tầng phải bảo đảm hiệu quả, phát triển các hạ tầng dùng chung, tránh đầu tư trùng lặp. Về nền tảng số, cần tập trung xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia; xây dựng hệ thống thanh toán điện tử; xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây (Cloud); xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư phát triển các hệ thống này. Đây chính là điều kiện cần để các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ, đơn vị sản xuất, kinh doanh phát triển các nền tảng dịch vụ mới theo hướng hiện đại, số hóa... Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: đội ngũ lao động ngoài đòi hỏi có năng lực chuyên môn trong môi trường kinh doanh còn phải không ngừng nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để thực thi công việc, học hỏi các kiến thức về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, đảm trách tốt việc vận hành hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp. Ban hành các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về vốn đầu tư: cần triển khai thực hiện nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số như các chính sách hỗ trợ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ các khóa đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp...đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư cho các doanh nghiệp trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất cần thiết, mỗi chính sách hỗ trợ cần phù hợp với tình hình của từng doanh nghiệp. Ngoài ra cần xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn chuyển đổi
  11. THE 4TH INTERNATIONAL CONFERENCE PROCEEDINGS COMMERCE AND DISTRIBUTION 59 số, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cổng thông tin điện tử của Chính phủ và ngành, địa phương để tăng cường sự tương tác trên môi trường số giữa doanh nghiệp với chính quyền, hướng tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Thay đổi nhận thức về chuyển đổi sổ: tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp về sự cần thiết, cấp bách của chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Tăng cường chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình của các doanh nghiệp về chuyển đổi số để truyền cảm hứng, chuyển đổi nhận thức trong toàn xã hội. Phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; giữa hội, hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin với hội, hiệp hội chuyên ngành trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau để tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội. Ngoài ra có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế về CĐS trong doanh nghiệp: một số bài học kinh nghiệm nổi bật như hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách liên quan; có cơ quan chuyên trách, có thẩm quyền trong thúc đẩy chuyển đổi số; tập trung vào những hoạt động có thể đột phá; hạ tầng thông tin (cứng và mềm); đào tạo nguồn nhân lực theo hướng bền vững, thông qua hợp tác quốc tế để cùng phát triển... 8. Kết luận Tăng trưởng kinh tế luôn gắn liền với những thành tựu quan trọng của Việt Nam về phát triển toàn diện. Kết quả này không chỉ giúp tạo tác động lan tỏa tích cực về thu nhập, việc làm mà còn thể hiện nỗ lực thử nghiệm, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở nhận thức rõ những lợi ích to lớn và thách thức trong quá trình chuyển đổi số, Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần chung tay triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Trong đó, cần tập trung phát triển sơ sở hạ tầng công nghệ, thay đổi căn bản nhận thức cho các doanh nghiệp về chuyển đổi số; có chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số nhanh chóng và thành công. Việc nắm bắt những xu hướng, thực hiện tốt về chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022. Bùi Đức Hưng (2021), Chuyển đổi số - Lợi ích của doanh nghiệp dưới góc nhìn khoa học quản lý kinh tế, Tạp chí khoa học Trường Đại học Mở Hà Nội. Bùi Thị Quyên, Phạm Nhật Linh (2021). Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp bưu chính có vốn tư nhân. Trong Quản trị thông minh trong môi trường phức hợp toàn cầu: Lý luận và thực tiễn: Hà Nội, 2021. K Schwertner (2017), Digital transformation of business, Trakia Journal of Sciences, Vol. 15, Suppl. 1, pp 388-393 Nguyễn Danh Nam và Uông Thị Ngọc Lan (2021), Chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học -Trường Đại học Mở Hà Nội 84(10/2021) 1-9. Phạm Huy Giao, 2020, Chuyển đổi số, bản chất, thực tiễn và ứng dụng, Tạp chí dầu khí, Số 12 - 2020, trang 12 - 16, ISSN 2615-9902
  12. 60 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ “THƯƠNG MẠI VÀ PHÂN PHỐI“ LẦN THỨ 4 NĂM 2023 Phan Thị Bích Nguyệt và cộng sự (2021), Chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam: một cái nhìn toàn cảnh, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh. Phan Y Lan (2022), Tác động của văn hoá doanh nghiệp tới chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội, Tạp chí Công thương, mã số T 2021-PC-054. Ribeiro-Navarrete, S., Botella-Carrubi, D., Palacios-Marqués, D., & Orero-Blat, M. (2021). The effect of digitalization on business performance: An applied study of KIBS. Journal of Business Research, 126, 319-326. Sabrina Schneider, Olga Kokshagina (2021), Digital transformation: What we have learned (thus far) and what is next, Volume 30, Issue 2, Pages 229-433. Schwab, K., & Davis, N. (2018). Shaping the future of the fourth industrial revolution. Currency. Scott, S., Hughes, P., Hodgkinson, I., & Kraus, S. (2019). Technology adoption factors in the digitization of popular culture: Analyzing the online gambling market. Technological Forecasting and Social Change, 148, Article 119717. Siebel (2019), Digital Transformation: Survive and Thrive in an Era of Mass Extinction. Sorbe, S., Gal, P., Nicoletti, G., & Timiliotis, C. (2019). Digital dividend: Policies to harness the productivity potential of digital technologies. USAID (2021), Hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, USAID LinkSME. Ustundag, A., & Cevikcan, E. (2017). Industry 4.0: Managing the digital transformation. Springer. VCCI và VNPT (2020). Chuyển đổi số: Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 và phát triển, NXB Thông tin và Truyền thông. Văn Phong (2022), Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, Báo quân đội nhân dân. Zhang, L., Guo, X., Lei, Z., & Lim, M. K. (2019). Social network analysis of sustainable human resource management from the employee training’s perspective Sustainability, 11(2), 380. https://www.grandviewresearch.com/industry-analysis/digital-transformation-market https://www.psmarketresearch.com/market-analysis/india-digital-transformation-market
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2