Giảm thiểu sự cố y khoa trong các bệnh viện<br />
Thạc sĩ Phạm Đức Mục – Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam<br />
Bài đăng trên Bacsinoitru.vn<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
Bài trình bày này nhằm mục đích:<br />
<br />
(1) Cung cấp các thông tin về tần suất sự cố y khoa đã được đăng trong các Tạp chí y học quốc tế;<br />
(2) Nhận định xu hướng sự cố y khoa;<br />
(3) Nguyên nhân của các sự cố y khoa không mong muốn;<br />
(4) Đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu sự cố y khoa không mong muốn trong các bệnh viện.<br />
<br />
Phương pháp: Tổng hợp các nghiên cứu và báo cáo được đăng tải trên các Tạp chí y học của Mỹ,<br />
Canada, Úc, Anh quốc, Hà lan… về an toàn người bệnh và một số Tạp chí y học trong nước.<br />
<br />
Kết quả nghiên cứu cho thấy: (1) Đã có nhiều công trình nghiên cứu y học của các nước đi tiên<br />
phong như Mỹ, Úc, Anh quốc, Canada, New Zealand trong lĩnh vực an toàn người bệnh. Tuy nhiên<br />
chưa có sự thống nhất cao về thuật ngữ cũng như tiêu chuẩn trong việc phân loại và xác định các<br />
sai sót, sự cố y khoa; (2) Bệnh viện là nơi có nhiều sự cố y khoa từ 3,8%-16,7% người bệnh nhập<br />
viện 10-16; (3) Nguyên nhân của các sai sót sự cố y khoa chủ yếu do lỗi hệ thống (70%) và chỉ có<br />
30% sai sót và sự cố y khoa liên quan tới cá nhân người hành nghề 10; (4) Chiều hướng sự cố y<br />
khoa trong thập kỷ đầu Thế kỷ XXI hầu như chưa giảm 17-20; (5) Tổ chức y tế Thế giới và các nước<br />
tiên phong đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quan trọng như thành lập Hiệp hội an toàn người<br />
bệnh toàn cầu, thành lập các Ủy ban an toàn người bệnh quốc gia, các Viện nghiên cứu an toàn<br />
người bệnh và ban hành các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, cũng như thiết lập các hệ thống báo<br />
cáo sự cố y khoa bắt buộc và tự nguyện để nâng cao nhận thức và đưa ra các giải pháp làm giảm<br />
thiểu sai sót, sự cố y khoa trong các cơ sở khám chữa bệnh.<br />
<br />
Trên cơ sở kinh nghiệm của các nước, tác giả khuyến nghị Việt Nam cần: (1) Tăng cường chính<br />
sách An toàn người bệnh , đặt An toàn người bệnh trở thành vấn đề y tế công cộng để có sự đầu tư<br />
tương ứng; (2) Thành lập các tổ chức có qui mô quốc gia để điều phối các nỗ lực về an toàn người<br />
bệnh như Hội đồng quốc gia về chất lượng dịch vụ y tế và an toàn người bệnh, viện nghiên cứu an<br />
toàn người bệnh để tư vấn cho Bộ Y tế ban hành các chính sách, các hướng dẫn và tiêu chí quốc<br />
gia về an toàn người bệnh; (3) Xây dựng các quy định báo cáo bắt buộc các sai sót sự cố y khoa<br />
nghiêm trọng; (4) Triển khai sớm hệ thống bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp theo Luật Khám chữa bệnh;<br />
(5) Cải thiện môi trường làm việc của cán bộ y tế và đổi mới văn hóa an toàn người bệnh; (6) Tăng<br />
cường sự tuân thủ của người hành nghề trong việc thực hiện các quy định chuyên môn kỹ thuật.<br />
<br />
1. ĐẶT VẤN ĐỀ<br />
Y văn đã sử dụng các thuật ngữ khác nhau để mô tả những rủi ro trong thực hành y khoa như: bệnh<br />
do thầy thuốc gây nên (Iatrogenics), sai sót y khoa (Medical Error), tai biến y khoa (Medical<br />
Complication), an toàn người bệnh (Patient Safety-AEs) và hiện nay thuật ngữ sự cố y khoa không<br />
mong muốn (Medical Adverse Events) được sử dụng ngày càng phổ biến.<br />
Luật khám bệnh, chữa bệnh định nghĩa Tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là hậu quả gây tổn hại<br />
đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa<br />
bệnh hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh.<br />
<br />
Luật khám bệnh, chữa bệnh xác định sai sót chuyên môn khi người hành nghề vi phạm một trong<br />
những nội dung sau: Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh, vi phạm các quy<br />
định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp và xâm phạm quyền của người bệnh.<br />
<br />
Theo định nghĩa của WHO: Sự cố y khoa không mong muốn là tổn thương làm cho người bệnh mất<br />
khả năng tạm thời hoặc vĩnh viễn, kéo dài ngày nằm viện hoặc chết. Nguyên nhân do công tác quản<br />
lý khám chữa bệnh (health care management) hơn là do biến chứng bệnh của người bệnh. Sự cố y<br />
khoa có thể phòng ngừa và không thể phòng ngừa[23][25].<br />
<br />
Tiêu chí xác định sự cố y khoa được sử dụng trong các nghiên cứu của Mỹ và các nước gồm: (1)<br />
Sự cố nằm trong danh mục các sự cố nghiêm trọng phải báo cáo theo quy định của Mỹ như mô tả<br />
tại Phụ lục số 1; (2) Sự cố trong danh mục bị từ chối trả chi phí ở mức cao; (3) Sự cố dẫn đến 1<br />
trong 4 mức độ nghiêm trọng là: Kéo dài ngày nằm viện, người bệnh bị tổn thương vĩnh viễn, phải<br />
can thiệp cấp cứu hoặc chết.<br />
<br />
Ở nước ta, sự cố y khoa xảy ra gần đây gây sự quan tâm theo dõi của toàn xã hội đối với ngành y<br />
tế. Áp lực mà các bệnh viện và người hành nghề đang phải đối mặt là một số người nhà người bệnh<br />
và nhóm người có toan tính lợi dụng sự cố y khoa để: (a) Gây rối loạn trật tự xã hội (BV Nam Căn); (<br />
b) Lợi dụng gây áp lực bồi thường tài chính (BVĐK Thành phố Vinh, BV Thiệu Hóa); (c) Gây ảnh<br />
hưởng tới uy tín, sức khỏe, tính mạng người hành nghề! Trong thực tế, khi có sự cố y khoa không<br />
mong muốn xảy ra không chỉ có người bệnh, gia đình người bệnh trở thành nạn nhân mà các cán<br />
bộ y tế liên quan trực tiếp tới sự cố y khoa cũng là nạn nhân và cũng cần được hỗ trợ về tâm lý.<br />
<br />
2. TẦN SUẤT VÀ XU HƯỚNG SỰ CỐ Y KHOA<br />
Các nghiên cứu sự cố y khoa không mong muốn của các quốc gia tiên phong được đăng tải trên<br />
các Tạp chí y học của Mỹ, Canada, Úc, Anh quốc, Hà lan và Việt Nam được tổng hợp trong các<br />
bảng dưới đây.<br />
<br />
2.1. Tần suất sự cố y khoa<br />
Bảng 1. Tổng hợp sự cố y khoa tại các nước phát triển<br />
* Áp dụng phương pháp nghiên cứu của Úc; ** Áp dụng phương pháp nghiên cứu của Mỹ.<br />
<br />
Các nghiên cứu về tần suất sự cố y khoa của các quốc gia tiên phong đã bắt đầu từ những năm<br />
2000s, các nghiên cứu đều sử dụng phương pháp hồi cứu trên bệnh án và giống nhau về tiêu chí<br />
đánh giá cho thấy tần suất sự cố y khoa từ 3,7% -16,6% người bệnh nhập<br />
viện[11][12][13][14][15][16][17]. Các nghiên cứu so sánh áp dụng cùng phương pháp của Mỹ và của<br />
Úc cho thấy tần suất sự cố y khoa trong khoảng từ 5,4% – 10,6%[11][12][22][23]. Viện nghiên cứu y<br />
học Mỹ hồi cứu 30.195 bệnh án đã công bố tỷ lệ người bệnh nhập viện gặp sự cố y khoa là 3,7%<br />
10. Các chuyên gia y tế Mỹ ước tính ít nhất có 44.000 – 98.000 người bệnh tử vong trong các bệnh<br />
viện của Mỹ hàng năm do các sự cố y khoa. Số người chết vì sự cố y khoa trong các bệnh viện của<br />
Mỹ cao hơn tử vong do tai nạn giao thông, Ung thư vú, tử vong do HIV/AIDS là ba vấn đề sức khỏe<br />
mà người dân Mỹ quan tâm hiện nay[11][12][18][19][20][21][22][23].<br />
<br />
Nghiên cứu về chất lượng chăm sóc y tế của Úc (1994) do Bộ Y tế và dịch vụ con người tiến hành<br />
(1994) đã công bố tần suất sự cố y khoa đối với các bệnh nhân nhập viện tại các bệnh viện của Úc<br />
là 16,6%[12].<br />
Nghiên cứu sự cố y khoa trong các bệnh viện Anh Quốc ghi nhận tần suất người bệnh gặp sự cố y<br />
khoa chiếm 10,8% người bệnh nhập viện và một nửa sự cố có thể phòng ngừa[13].<br />
<br />
Nghiên cứu về tần suất sự cố y khoa tại các bệnh viện Canada báo cáo tần suất sự cố y khoa 7,5%<br />
người bệnh nhập viện, 36,9% sự cố có thể phòng ngừa. Hàng năm Canada có 2,5 triệu người bệnh<br />
nhập viện và ước tính có 185.000 người bệnh gặp sự cố y khoa[14].<br />
<br />
Nghiên cứu về sự cố y khoa tại Đan Mạch (1998) báo cáo tần suất sự cố y khoa 9% đối với người<br />
bệnh nhập viện, 40% sự cố có thể phòng ngừa[15].<br />
Nghiên cứu tại 21/101 bệnh viện Hà Lan (2004) báo cáo tần suất sự cố y khoa 5,7% người bệnh<br />
nhập viện, >50% sự cố không mong muốn liên quan tới người bệnh có phẫu thuật[16].<br />
<br />
Nghiên cứu tại New Zealand (1998) trên tổng số 6.579 bệnh án của 13 bệnh viện đại diện công bố<br />
tần suất sự cố y khoa 6,3%. Trong đó, >50% liên quan tới người bệnh có phẫu thuật và gần 50% sự<br />
cố có thể phòng ngừa, sự cố y khoa do lỗi hệ thống có thể phòng ngừa chiếm 50%[17].<br />
<br />
Bảng 2. Nhiễm trùng bệnh viện tại một số bệnh viện Việt Nam<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Nguồn: Nhiễm trùng bệnh viện tại các bệnh viện Việt Nam<br />
<br />
Nhiễm khuẩn bệnh viện trong các bệnh viện của Việt Nam qua các báo cáo đã được đăng trên các<br />
tạp chí y học ghi nhận NKBV hiện mắc từ 5,4% – 8% người bệnh nội trú, NKVM trên những người<br />
bệnh có phẫu thuật chiếm từ 2,5% – 8,45% và viêm phổi bệnh viện trên các người bệnh có thở máy<br />
từ 40% – 50%[3][10].<br />
<br />
2.2. Xu hướng sự cố y khoa<br />
Báo cáo của Tổng thanh tra y tế Mỹ, nghiên cứu 780 bệnh án ngẫu nhiên của các người bệnh trong<br />
tháng 10 năm 2008 công bố 13,5% người bệnh nhập viện gặp sự cố y khoa (cứ 7 người bênh ra<br />
viện thì có 1 người gặp sự cố y khoa thỏa mãn ít nhất 1 tiêu chuẩn xác định sự cố y khoa); 51%<br />
không thể phòng ngừa, 44% sự cố y khoa hầu như có thể phòng ngừa và 5% không xác định[18].<br />
Nghiên cứu tổng quan của John T Jame đăng trên Tạp chí Lippincott William & Wilkin sử dụng Bộ<br />
công cụ đánh giá sự cố y khoa của Viện cải thiện chăm sóc y tế – Mỹ “Global Trigger Tool of the<br />
Institute for Healthcare Improvement” ước tính thấp nhất 210.000 tử vong hàng năm liên quan tới sự<br />
cố y khoa so với nghiên cứu của Viện y học Mỹ (Institute of Medicine) năm 1999 ước tính hàng năm<br />
có tới 98.000 người tử vong liên quan tới sự cố y khoa[19].<br />
<br />
Một nghiên cứu hồi cứu trên 11.883 bệnh án của Hà Lan tại 20 bệnh viện, trong đó có 7.787 bệnh<br />
án (2004) và 3.966 bệnh án (2008) công bố tỷ lệ sự cố y khoa tăng từ 4,1% (2004) lên 6,2% (2008),<br />
sự cố y khoa đối với người bệnh ngoại khoa tăng lên và chiếm tỷ lệ > 50% các sự cố. Các tác giả<br />
đều nhận định sự cố y khoa mang tính bền vững, sự cố y khoa là vấn đề rất khó để tạo tác động<br />
thay đổi và cần thiết vận động người bệnh tham gia vào quá trình làm giảm sự cố y khoa<br />
[18][19][20].<br />
<br />
Báo cáo y tế lần thứ 9 của Bang Minisota – Mỹ (1.2013) ghi nhận năm 2012 có nhiều sự cố y khoa<br />
hơn các năm trước, bình quân mỗi tháng có 26,1 sự cố, 28% các sự cố y khoa gây hậu quả cho<br />
người bệnh và 4% sự cố y khoa dẫn đến chết người; Các sự cố liên quan tới phẫu thuật sai phương<br />
pháp, sai vị trí vẫn có xu hướng tăng nhẹ [21].<br />
<br />
Ngoài ra, xu hướng tranh chấp trong khám chữa bệnh giữa một bên là người sử dụng dịch vụ y tế<br />
và người cung cấp hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ y tế ngày càng gia tăng.<br />
<br />
3. PHÂN LOẠI SỰ CỐ Y KHOA<br />
3.1. Phân loại theo tính chất chuyên môn<br />
Hiệp hội an toàn người bệnh Thế giới phân loại sự cố y khoa theo 6 nhóm gồm:<br />
<br />
– Sự cố y khoa liên do nhầm tên người bệnh<br />
<br />
– Sự cố y khoa do thông tin bàn giao của CBYT không đầy đủ<br />
<br />
– Sự cố y khoa do sai sót dùng thuốc: xảy ra trong tất cả các công đoạn từ khi kê đơn thuốc, cấp<br />
phát thuốc, pha chế thuốc, sử dụng thuốc và theo dõi sau dùng thuốc. Viện Nghiên cứu Y học Mỹ<br />
ước tính tại Mỹ có khoảng 1,5 triệu sai sót, sự cố do dùng thuốc xảy ra hàng năm và có tới 7.000<br />
người chết do sai sót dùng thuốc hàng năm[22].<br />
<br />
– Sự cố y khoa do nhầm lẫn liên quan tới phẫu thuật (nhầm vị trí, nhầm phương pháp, nhầm người<br />
bệnh). Sự cố y khoa do phẫu thuật theo ước tính của WHO: Cứ 25 người có một người có phẫu<br />
thuật, hàng năm có khoảng 230 triệu phẫu thuật, tử vong liên quan tới phẫu thuật từ 0,4% – 0,8% và<br />
biến chứng do phẫu thuật từ 3% – 16%23. Sự cố y khoa không mong muốn có tần suất cao trên<br />
những người bệnh có phẫu thuật (50%)[22][23][24].<br />
<br />
– Sự cố y khoa do nhiễm khuẩn bệnh viện<br />
<br />
– Sự cố y khoa do người bệnh bị té ngã trong khi đang điều trị tại các cơ sở y tế.<br />
<br />
Chú ý: Thông tư số 19 /2013/TT-BYT Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh,<br />
chữa bệnh tại bệnh viện bổ sung thêm nội dung an toàn người bệnh trong việc sử dụng trang thiết<br />
bị y tế.<br />
<br />
3.2. Phân loại theo lỗi cá nhân và hệ thống<br />
Sơ đồ 1. Mô tả các lớp hàng rào bảo vệ của hệ thống phòng ngừa sự cố y khoa Nguồn: Reason J.<br />
Carthey, Diagnosing vulnerable system sysdrome<br />
<br />
Trong y tế, các quy trình chuyên môn, các hoạt động của thầy thuốc như khám bệnh, chẩn đóan, kê<br />
đơn, can thiệp thủ thuật, kể cả các hoạt động hành chính gián tiếp cũng đều có thể gây rủi ro trực<br />
tiếp hoặc gián tiếp trên người bệnh. Vì vậy, thường quy làm việc của các bệnh viện, mọi quy trình<br />
công việc cần được thiết kế sao cho toàn bộ hệ thống có khả năng phát hiện và phòng ngừa sự cố<br />
xảy ra với người bệnh.<br />
<br />
Các lỗi do cá nhân người hành nghề hay còn gọi là lỗi hoạt động (active errors). Người hành nghề ở<br />
lớp hàng rào phòng ngự cuối cùng trực tiếp với người bệnh nên khi sự cố xảy ra họ dễ bị gán lỗi.<br />
Trên thực tế có nhiều lỗi cá nhân do hệ thống gây ra. Theo các nhà nghiên cứu y khoa, 70% các sự<br />
cố y khoa không mong muốn có nguồn gốc từ các yếu tố của hệ thống và chỉ có 30% là do cá nhân<br />
người hành nghề 6,12. Quy chụp trách nhiệm cho cá nhân sẽ dẫn đến văn hóa giấu diếm sự thật sẽ<br />
ít hiệu quả trong việc mang lại những kết quả dài hạn.<br />
<br />
Các lỗi do hệ thống (latent factors) liên quan tới các sai sót, sự cố y khoa có thể là: Các chính sách<br />
không phù hợp, các quy định chuyên môn chưa lấy người bệnh làm trung tâm, thiếu nhân lực, ca<br />
kíp kéo dài, thiếu phương tiện phục vụ người bệnh, cơ chế tự chủ v.v. Những yếu tố này thường ít<br />
được chú ý xem xét liên quan khi phân tích nguyên nhân sự cố y khoa. Do vậy nếu chỉ tập trung vào<br />
lỗi cá nhân thì nguyên nhân gốc gây ra sự cố vẫn chưa được giải quyết và lỗi tương tự sẽ tiếp tục<br />
xảy ra.<br />
<br />
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra Hội chứng hệ thống suy yếu của tổ chức (Vulnerable System<br />
Syndrome). Hội chứng này có ba nhóm triệu chứng chính là: (1) Đổ lỗi cho cá nhân trực tiếp (bác sĩ,<br />
điều dưỡng, hộ sinh…); (2) Phủ nhận sự tồn tại các điểm yếu của lỗi hệ thống; (3) Theo đuổi lợi<br />
nhuận dẫn đến lạm dụng các chỉ định chuyên môn, xa rời mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm.<br />
<br />
3.3. Phân loại theo các yếu tố liên quan<br />
a. Yếu tố người hành nghề<br />
<br />
Sai sót không chủ định: (1) Do thói quen công việc như một người pha thuốc và một người tiêm; sao<br />
y lệnh thuốc; (2) Do dựa vào trí nhớ như bác sĩ khám bệnh cho tất cả bệnh nhân sau đó mới ghi<br />
bệnh án, điều dưỡng cuối ngày mới ghi nhận xét vào hồ sơ bệnh nhân…; (3) Do quên như quên<br />
không lấy bệnh phẩm xét nghiệm, quên không bàn giao cho ca trực sau, quên không cho người<br />
bệnh dùng thuốc đúng giờ, ra y lệnh miệng sau đó quên không ghi bệnh án..; (4) Do tình cảnh của<br />
người hành nghề như mệt mỏi, ốm đau, tâm lý…; (5) Do kiến thức, kinh nghiệm của người hành<br />
nghề. Một số trường hợp sự cố y khoa không mong muốn xảy ra ngay đối với các thầy thuốc có<br />
kinh nghiệm nhất và đang trong lúc thực hiện công việc chuyên môn có trách nhiệm.<br />
<br />
Sai sót do cố ý: (1) Cắt xén hoặc làm tắt các quy trình chuyên môn (chưa tuân thủ vệ sinh tay, mang<br />
găng tay..); (2) Vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi ích của người bệnh không được đặt lên hàng đầu<br />
dẫn đến lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật cao và các thiết bị y tế can thiệp trên người bệnh không<br />
bảo đảm chất lượng.<br />
<br />
b. Yếu tố chuyên môn<br />
<br />
Y học mang tính xác suất và bất định cao. Người bệnh trong các cơ sở y tế phải trải qua nhiều can<br />
thiệp thủ thuật, phẫu thuật, đưa thuốc, hóa chất vào cơ thể dễ gây phản ứng dẫn đến rủi ro bất khả<br />
kháng. Vì vậy, cần nhận thức không phải sự cố y khoa nào cũng do thầy thuốc thiếu trách nhiệm và<br />
thiếu y đức.<br />
<br />
Hạn chế của y học. Những thành tựu y học trong y tế đã giúp phát hiện sớm bệnh tật và nhiều<br />
người mắc bệnh nan y đã được điều trị thành công mang lại hạnh phúc cho hàng triệu người bệnh.<br />
Tuy nhiên, những hạn chế của y học trong một số trường hợp tạo nên sự cố y khoa nghiêm trọng.<br />
Ví dụ, tại Đài Loan (2012) đã dùng tạng của người bệnh HIV (+) để ghép tạng cho 5 người bệnh<br />
khác.<br />
<br />
Dây chuyền khám chữa bệnh phức tạp. Nhiều đầu mối, ngắt quãng, nhiều cá nhân tham gia trong<br />
khi hợp tác chưa tốt, thông tin chưa đầy đủ và chưa kịp thời.<br />
<br />
c. Yếu tố môi trường chăm sóc y tế<br />
<br />
Môi trường chăm sóc y tế có nhiều áp lực do quá tải, ca kíp trái với sinh lý bình thường (trong khi<br />
mọi người ngủ thì cán bộ y tế phải trực). Nơi làm việc chật chội nhiều tiếng ồn, cán bộ y tế nhiều<br />
khoa/bệnh viện phải làm việc với cường độ rất cao và áp lực tâm lý luôn căng thẳng.<br />
<br />
d. Yếu tố chính sách, quản lý và điều hành<br />
<br />
Một số chính sách, những quy định cần nghiên cứu điều chỉnh để khắc phục những mặt trái tác<br />
động tới sự an toàn người bệnh như: Quy định cho thuốc 2-3 ngày; đăng ký nơi khám chữa bệnh<br />
ban đầu dẫn đến giữ người bệnh ở tuyến dưới; thu viện phí theo dịch vụ dẫn đến lạm dụng xét<br />
nghiệm, thuốc, kỹ thuật cao v.v.<br />
<br />
Cơ chế bệnh viện tự chủ cũng mang theo những rủi ro tiềm ẩn cần kiểm soát như: Giảm chi phí đầu<br />
vào đặc biệt là giảm nhân lực điều dưỡng chăm sóc người bệnh, giảm sử dụng vật tư, hàng tiêu<br />
hao y tế, thầy thuốc trước khi chỉ định thuốc, xét nghiệm cho người bệnh phải xem xét khả năng chi<br />
trả của người bệnh, v.v.<br />
<br />
Tổ chức cung cấp dịch vụ chưa thực sự hợp lý như: Hoạt động bệnh viện tập trung nhiều vào buổi<br />
sáng; ca-kíp kéo dài (24 giờ/ngày); nhân lực trực đêm và ngày nghỉ, ngày lễ chưa thực hiện được<br />
nguyên tắc “Bệnh viện hoạt động 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần”. Nhiều bệnh viện tuyến huyện, bố trí<br />
1 bác sĩ trực theo khối (nội nhi lây và ngoại sản) dẫn đến bác sĩ không đáp ứng tốt được yêu cầu<br />
chuyên môn chuyên khoa (ví dụ, bác sĩ chuyên khoa mắt trực khối ngoại khám sản v.v.). Các yếu tố<br />
liên quan tới sự cố y khoa được mô tả tóm tắt trong sơ đồ 2 dưới đây:<br />
<br />
Các yếu tố liên quan tới sự cố y khoa<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Sơ đồ 2. Các yếu tố liên quan tới sự cố y khoa<br />
<br />
3.4. Phân loại theo mức độ nghiêm trọng đối với người bệnh ( tham khảo)<br />
Nguồn: NCC MERP Index, Medication Errors Council Revises and Expended Index for categorizing<br />
Errors, June 12,2001.<br />
<br />
3.5. Sự cố y khoa nghiêm trọng cơ sở y tế phải báo cáo (tham khảo)<br />
Bảng 3. Danh mục các sự cố y khoa nghiêm trọng phải báo cáo[28]<br />
Nguồn: NQF, Serious Reportable Event in Health Care 2006 update.<br />
<br />
4. ĐỀ XUẤT<br />
1. Tăng cường hệ thống chính sách, văn bản pháp quy về ATNB<br />
Sự cố y khoa cần được xem xét như một vấn đề y tế công cộng (public health issue) vì những lý do<br />
sau đây: (1) Sự cố y khoa mang tính toàn cầu, vượt ra tầm điều chỉnh các sai sót mang tính cá nhân<br />
người hành nghề, xảy ra mọi lúc, mọi nơi, tại mọi cơ sở y tế, có quy mô rộng (cá nhân, tổ chức,<br />
quốc gia và quốc tế); (2) Sự cố y khoa có tần suất cao (3,7% – 10,6% người bệnh nhập viện, hậu<br />
quả sự cố y khoa rất nghiêm trọng trực tiếp ảnh hưởng tới kết quả điều trị, tính mạng người bệnh,<br />
uy tín, sự an toàn và an ninh của mọi cơ sở y tế; (3) Việc khắc phục và làm giảm sự cố y khoa là<br />
một công việc khó khăn, lâu dài và đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ hệ thống, kể cả sự tham gia của<br />
người bệnh và cộng đồng. Mọi nỗ lực của hệ thống y tế chỉ có thể làm giảm nhẹ sự cố y khoa mà<br />
không có thể phòng ngừa được mọi sự cố y khoa; (4) Cần có sự phối hợp giữa các ngành nghề<br />
trong lĩnh vực y tế và ngoài y tế, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc cung cấp<br />
thông tin để tăng cường nhận thức của cộng đồng và người hành nghề về an toàn người bệnh. Tổ<br />
chức Y tế Thế giới đã có Nghị quyết số WHA55.18 kêu gọi các quốc gia thành viên giành sự quan<br />
tâm cao nhất có thể để cải thiện sự an toàn người bệnh. Đồng thời, yêu cầu Giám đốc của Tổ chức<br />
Y tế thế giới đưa ra các hướng dẫn, các chuẩn toàn cầu về an toàn người bệnh, hỗ trợ thiết lập các<br />
hệ thống đo lường, báo cáo sự cố y khoa và thực hiện những giải pháp để làm giảm rui ro cho<br />
người bệnh[24].<br />
<br />
2. Xem xét thành lập các tổ chức ATNB<br />
Các quốc gia tiên phong như Mỹ, Úc, Anh, Canada, New Zealand từ thập kỷ đầu của thế kỷ XXI đã<br />
thành lập các tổ chức chuyên trách để tư vấn, giám sát, đánh giá ATNB như: Ủy ban quốc gia về<br />
chất lượng y tế và an toàn người bệnh (Mỹ, Úc, Malaysia ); Viện nghiên cứu quốc gia an toàn người<br />
bệnh (Mỹ, Canada); Hiệp hội an toàn người bệnh (Úc); Cơ quan an toàn người bệnh quốc gia (Anh<br />
quốc, Mỹ); Liên minh an toàn người bệnh Đức (German Coalition for Patient Safety) v.v. Các tổ<br />
chức trên đóng vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu, tư vấn, điều phối các nỗ lực về ATNB.<br />
<br />
3. Triển khai hệ thống báo cáo sự cố y khoa bắt buộc<br />
Hiện nay, những sự cố y khoa đã biết chỉ là phần nổi của tảng băng do đó việc thiết lập hệ thống<br />
báo cáo sự cố y khoa là cấp thiết để đánh giá hiện trạng và theo dõi xu hướng. Hệ thống báo cáo<br />
sự cố y khoa bao gồm các thành tố sau: (1) Văn bản hướng dẫn báo cáo sự cố y khoa và quy định<br />
sử dụng thông tin về sự cố y khoa; (2) Ban hành danh mục các sự cố y khoa phải báo cáo bắt buộc<br />
bất cứ khi nào về Bộ Y tế; (3) Chuẩn hóa khung Báo cáo sự cố y khoa và báo cáo đánh giá định kỳ<br />
về các sự cố y khoa, phân tích nguyên nhân gốc và các giải pháp khắc phục. Từng bước minh bạch<br />
thông tin về sự cố y khoa thể hiện sự tôn trọng của các hệ thống y tế đối với người bệnh và thể hiện<br />
trách nhiệm của các cấp của hệ thống y tế khi sự cố xảy ra. Kinh nghiệm một số nước tiên phong,<br />
việc công khai minh bạch thông tin về sự cố y khoa làm giảm áp lực của cộng đồng đối với ngành y<br />
tế và ngành y tế nhận được sự thông cảm, chia sẻ của người bệnh và cộng đồng về tính chất phức<br />
tạp và đa dạng của sự cố y khoa.<br />
<br />
4. Triển khai bảo hiểm nghề nghiệp<br />
Việc triển khai bảo hiểm nghề nghiệp sẽ giúp bảo vệ người hành nghề, bảo vệ cơ sở y tế. Khi sự cố<br />
y khoa xảy ra, cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho người bệnh và sẽ có tác<br />
động làm tăng niềm tin của người bệnh và gia đình người bệnh về khả năng đền bù khi có sự cố<br />
xảy ra và từ đó sẽ giảm bớt gây căng thẳng cho thầy thuốc và cơ sở y tế.<br />
<br />
5. Cải thiện môi trường làm việc và văn hóa an toàn người bệnh<br />
Bảo đảm nhân lực đáp ứng yêu cầu bệnh viện hoạt động liên tục 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần. Rà<br />
soát lại các thường quy làm việc (khám bệnh, kê đơn, phát thuốc, bàn giao ca kíp…) phát hiện các<br />
khoảng trống có nguy cơ tiềm tàng tới sự ATNB để chủ động khắc phục, rà soát và cập nhật các<br />
hướng dẫn chuyên môn, khắc phục lỗi hệ thống và tăng cường giáo dục, kiểm tra sự tuân thủ của<br />
người hành nghề, tăng cường chuyên nghiệp và luôn đặt lợi ích của người bệnh lên trên các lợi ích<br />
của cá nhân trong khi hành nghề.<br />
<br />
6. Tăng cường kiểm tra, giám sát sự tuân thủ của người hành nghề.<br />
Giảm thiểu các sai sót sự cố y khoa liên quan tới việc xác định sai tên người bệnh; thông tin không<br />
đầy đủ giữa các cán bộ y tế; sai sót trong dùng thuốc; sai sót trong phẫu thuật, thủ thuật; tăng<br />
cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; sử dụng trang thiết bị y tế./.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
1. Luật Khám bệnh, chữa bệnh<br />
2. Bộ Y tế. Thông tư Số 19 /2013/TT-BYT Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại<br />
bệnh viện.<br />
3. Nguyễn Thanh Hà (2005), “Giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện tại 6 tỉnh phía Nam”.<br />
4. Nguyễn Việt Hùng (2005). “Tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện tại các bệnh viện khu vực phía Bắc”.<br />
5. Trần Hữu Luyện. “Nhiễm khuẩn bệnh viện trên NB có phẫu thuật”.<br />
6. Phạm Đức Mục và cộng sự (2005). “Nhiễm khuẩn bệnh viện tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế năm 2005”.<br />
7. Lê Anh Thư. “Nhiễm khuẩn bệnh viện trên các bệnh nhân có thở máy”.<br />
8. Nguyễn Văn Xáng. Nhiễm khuẩn bệnh viện tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh hòa, 2013. Tạp Chí y học thực hành<br />
(2014), số 904: 65-69.<br />
9. Trịnh Hồ Tình và cộng sự. Giám sát NKVM của 622 NB có phẫu thuật tại BVĐK Bình Định. Tạp Chí y học thực<br />
hành (2014), số 904: 57-64.<br />
10. Mai Thị Tiết. Giám sát NKVM của 810 người bệnh có phẫu thuật tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Tạp Chí y học<br />
thực hành (2014), số 904: 53-56.<br />
11. Results of Harvard Medical Practice Study II. New England Journal of Medicine, 1991,323:377.384.<br />
12. Wilson, R.M., Runciman W.B., Gibberd R.w., Newby,L., & Hamilton, J.D. (1995). The quality in Austrailia health<br />
care Study. The medical Journal of Australia,163 (9), 458-471.<br />
13. Vincent, C., Neale, G., & Woloshynowych,M. (2001). An adverse events in British hyospitals: Preliminary<br />
retrospective record review. British Medical Journal, 322 (7285), 517-519.<br />
14. Baker, G.R., Norton P.G., Flintoft, W., Blais, R., Cox,J., et al. (2004). The Canadian adverse event study: The<br />
incident of adverse events among hospital patient in Canada, CMẠ,170 (11), 1678-1686<br />
15. Mette Lundgaard, Louise Raboel, Elizabeth Broegger Jensen. Danish Society for patient Safety. The Danish<br />
patient experience: the Act on patient safety in the Danish health care system.<br />
16. M Zegers, M C de Bruijne, C Wagner. Adverse events and potentially preventable deaths in Dutch hospitals.<br />
Results of retrospective patient record review study.<br />
17. Davis P, Lay-Yee R, Briant R, Ali W, Scott A, Schug S. Adverse events in New Zealand public hospitals II:<br />
preventability and clinical context.<br />
18. Daniel R. Levinson. Advrese events in hospitals: National incident among medical beneficiaries. Offic of<br />
Investigator General.<br />
19. Rebecca J Baines, maaike Langelaan. Change in adverse event rates in hospital over time: a longitudinal<br />
retrospective record review study.<br />
20. Trends in adverse events events over time: why are we not improving<br />
21. Adverse health events in Minnesota. Ninth Annual Report/Jannuaryy 2013<br />
22. WHO (2011). Patient Safety curriculum guide. Multi-professional Edition,2011, 96-97.<br />
23. Vincent C et al. “Systems approaches to surgical quality and safety: from concept to measurement”. Annuals of<br />
Surgery , 2004, 239:475–482.<br />
24. R. Monina Klevens, Jonathan R. Edwards, Chesley L. Richards (2002). “Estimating Health Care-Associated<br />
Infections and Deaths in U.S. Hospitals”<br />
25. WHO (2002). Fifty fifth World health Assembly WHA55.<br />
26. WHO (2011). Guidelines for Adverse Event Reporting and Learning System<br />
27. Bates DW, Spell N et al (1997), “The costs of adverse drug events in hospitalized patients”, JAMA 1997; 277:301-<br />
34.<br />
28. Serious Reportable Events in health care-2011 Update: A consensus report. National Quality forum. Washington,<br />
DC: NQF,2011.<br />