YOMEDIA
ADSENSE
Giễu nhại trong truyện ngắn Donald Barthelme
23
lượt xem 3
download
lượt xem 3
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Donald Barthelme đề xuất rất nhiều đối tượng bị giễu nhại khác nhau từ người nổitiếng đến những người hết sức bình thường. Phạm vi giễu nhại còn trải rộng trênnhiều phương diện từ chính trị, văn hóa, nghệ thuật, thi ca, âm nhạc đến ngôn ngữ,tôn giáo, tình yêu, tình dục... Tiếng cười trong truyện ngắn Donald Barthelmethường nhẹ nhàng mà sâu lắng.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Giễu nhại trong truyện ngắn Donald Barthelme
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2013, Vol. 58, No. 6, pp. 52-59 GIỄU NHẠI TRONG TRUYỆN NGẮN DONALD BARTHELME Lê Thúy Hằng Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Sơn, Tỉnh Thanh Hóa Tóm tắt. Giễu nhại là tinh thần của chủ nghĩa hậu hiện đại. Phương thức này giúp nhà văn không chỉ đem đến tiếng cười cho người đọc mà còn tạo ra cái nhìn đa chiều về những hiện tượng khách quan, đời thường, giải thiêng thần tượng. Truyện ngắn của Donald Barthelme đa dạng về đối tượng và trải rộng phạm vi giễu nhại là một trong những đặc điểm sự kiện mà nhà văn hậu hiện đại này đưa vào tác phẩm. Donald Barthelme đề xuất rất nhiều đối tượng bị giễu nhại khác nhau từ người nổi tiếng đến những người hết sức bình thường. Phạm vi giễu nhại còn trải rộng trên nhiều phương diện từ chính trị, văn hóa, nghệ thuật, thi ca, âm nhạc đến ngôn ngữ, tôn giáo, tình yêu, tình dục. . . Tiếng cười trong truyện ngắn Donald Barthelme thường nhẹ nhàng mà sâu lắng. Từ khóa: Donald Barthelme, đối tượng giễu nhại, truyện ngắn, phạm vi giễu nhại. 1. Mở đầu Theo quan điểm của nhà nghiên cứu người Mỹ I. Hassan, giễu nhại là “một phương thức tiêu biểu mà nhà văn hậu hiện đại muốn dùng để chống chọi với “bản chất dối trá của ngôn ngữ” và với tư cách là người “hoài nghi chủ nghĩa triệt để”, nhà văn hậu hiện đại cho rằng cái thế giới dị thường này thật vô nghĩa và đã đánh mất mọi nền tảng” [3;30]. Lê Huy Bắc cũng chỉ ra rằng “thế kỉ XX là thế kỉ bùng nổ loại hình văn học nhại. Trong văn học, nhại là hình thức phê bình châm biếm hoặc là hình thức chế giễu khôi hài bằng cách bắt chước phong cách (style) và bút pháp (manner) của một nhà văn hoặc một nhóm nhà văn đặc biệt để nhấn mạnh đến sự non yếu của nhà văn ấy hoặc những quy ước bị lạm dụng của trường phái ấy” [2;31]. Bên cạnh đó, các cấp độ nhại thường gặp là giữa tác phẩm – tác phẩm, nhân vật – con người ngoài đời, các thói hư tật xấu, nhân vật – nhân vật trong tác phẩm. . . Do vậy, giễu nhại thường được nhà văn hậu hiện đại nói chung và Donald Barthelme nói riêng sử dụng trong tác phẩm của mình. Phương thức này giúp nhà văn không chỉ đem đến tiếng cười cho người đọc mà còn tạo ra cái nhìn đa chiều về những hiện tượng khách quan, đời thường, giải thiêng thần tượng. Đọc truyện ngắn của Donald Barthelme, chúng tôi thấy đa dạng về đối tượng và trải rộng phạm vi giễu nhại là một trong những đặc điểm sự kiện mà nhà văn hậu hiện đại này đưa vào tác phẩm. Ngày nhận bài 7/10/2012. Ngày nhận đăng 21/07/2013. Liên lạc Lê Thúy Hằng, e-mail: lethuyhang.sphn@gmail.com 52
- Giễu nhại trong truyện ngắn Donald Barthelme 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Đa dạng đối tượng giễu nhại Donald Barthelme đề xuất rất nhiều đối tượng bị giễu nhại khác nhau khi là người nổi tiếng khi là những người hết sức bình thường. Họ trở thành nhân vật chính mà ống kính giễu nhại tập trung quay cận cảnh những góc khuất trong cuộc sống của những nhân vật này. Đó trước hết là những con người nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Thậm chí, họ có thể là chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn trên chính trường như Robert Kennedy, họ cũng có thể là những văn nghệ sĩ tầm cỡ thế giới như Lev Tolstoy, Edward Lear. . . Ở đây có hai cấp độ, thứ nhất là nhà văn cắt những thông tin từ đời thực của những người nổi tiếng mà ai cũng biết, tạo nên “sự hấp dẫn mang tính quảng cáo của mặt hàng tiêu thụ phổ dụng đối với tất cả mọi người, kể cả những người ít học” [3;31]. Cấp độ thứ hai là nhà văn dán những thông tin này vào truyện của mình với sự phi thật tạo nên “một mã nghệ thuật được mã hóa hai lần” [3;30] khiến cho tính chất giễu nhại bộc lộ rõ. Cấp độ thứ hai này đòi hỏi người đọc phải có trình độ nhất định, càng hiểu biết và giàu kinh nghiệm càng giải mã được nhiều lớp nghĩa ngôn từ. Tiêu biểu cho kiểu sự kiện giễu nhại về người nổi tiếng, truyện ngắn Robert Kennedy được cứu khỏi chết đuối là một trong những tác phẩm độc đáo của Donald Barthelme. Ngay sau nhan đề truyện ngắn là một dòng chữ: “Từ ‘Robert Kennedy và cuộc đời’ viết bởi Arthur M. Schlesinger, Jr., sách đóng trên bìa giấy mềm đã xuất bản, trang 877–8 (ghi chú)”. Đây là chú thích của Donald Barthelme. Người được nhắc đến ở câu trên – Arthur M. Schlesinger, Jr. – là một nhà sử học Mỹ đồng thời là nhà phê bình xã hội mà công việc của ông là nghiên cứu về các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kì như Franklin D. Roosevelt, John F. Kennedy và Robert F. Kennedy. Ông đã từng tích cực hỗ trợ chiến dịch tranh cử tổng thổng của thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, và sau vụ ám sát Kennedy tại Los Angeles, ông đã viết cuốn Robert Kennedy và cuộc đời. Có thể nói, kiểu trích dẫn từ một nguồn tin cậy như trên là một trong những thủ pháp đắc dụng – cũng là phương thức mà Donald Barthelme ưa thích – để giễu nhại chính những thứ được nói đến ở đó, đồng thời, đối với người đọc “cả tin”, nó cũng sẽ tạo ra một niềm tin rằng bạn đang đọc những thông tin “hoàn toàn có thật, chính xác từng chi tiết nhỏ”. Để tiếp thêm niềm tin cho người đọc, tiếp đó, nhà văn mở đầu bằng một lời trần thuật của chính mình: “Tôi chưa bao giờ gặp Robert Kennedy mà cũng chưa từng nói chuyện với ai gặp ông. Câu chuyện bắt đầu khi tôi đang sống ở Denmark năm 1965. . . chỉ có một “sự thật” là lời nhận xét của Kennedy về người họa sĩ. Tôi đã tình cờ thấy tại nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật khi ông ấy bước vào cùng với một nhóm người; tôi nghĩ người họa sĩ là Kenneth Noland. Kennedy nêu nhận xét về kẻ thống trị – không phải là chuyện đùa mới mẻ nhất trên đời. Câu chuyện đã được xuất bản ở New American Review trước khi cuộc ám sát xảy ra. Tôi không thể giải thích tất cả những động lực của tôi về việc – nghị lực đã “cứu” ông ấy nhiều hơn là ám chỉ đến cái chết của Kennedy, tuy nhiên, vụ ám sát thứ hai không thể tưởng tượng được vào lúc đó. Nói tóm lại, sự chính xác đến bất kì chi tiết 53
- Lê Thúy Hằng nào đều là kết quả của việc xem tivi và đọc báo New York Times” (Barthelme gửi tác giả, 16.07.1977)”. Đối với người dân nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, ai cũng biết Robert Kennedy tên đầy đủ là Robert Francis “Bobby” Kennedy (20/11/1925 – 6/6/1968), tên viết tắt là RFK, là chính trị gia người Mỹ, đồng thời cũng là Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ ở New York. Ông là biểu tượng của chủ nghĩa tự do Mỹ hiện đại và là thành viên trong gia đình Kennedy, em trai của tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Nhân vật tên tuổi thứ ba sau Arthur M. Schlesinger, Jr. và Robert Kennedy là Kenneth Noland (10/4/1924 – 5/1/2010). Ông là một trong những họa sĩ trừu tượng Mỹ nổi tiếng nhất. Ông có công trong việc thành lập Trường Hội họa Washington. Những tên tuổi được dẫn ra trong truyện của Donald Barthelme đều có thật. Chúng ta hãy chờ xem ông kể như thế nào về sự kiện “Robert Kennedy được cứu khỏi chết đuối”. Tiêu đề của truyện có thể xem là một sự kiện giật gân, tạo cho người đọc sự tò mò vốn có. Thế nhưng, đọc suốt chiều dài câu chuyện, mục đích kể ban đầu mà độc giả chờ đợi thì nhà văn lại cố tình lờ đi. Ông kể về cuộc sống của Robert Kennedy qua rất nhiều góc quay khác nhau. Bằng giọng điệu hài hước, chân dung nhà chính trị gia đã hiện lên qua những chi tiết đời thường, cận cảnh: K (ở đây chỉ Robert Kennedy) tại bàn làm việc, K sau quán rượu, K đọc báo, thái độ đối với công việc, ngủ trên đá ở những thành phố xa lạ, giao thông vận tải đô thị, K với nỗi buồn, bạn bè bình luận về sự cô độc của K, miêu tả qua cô thư kí, K trong đám đông, trong những bảo tàng mở, trong mối quan hệ với con cái, tự nói về vai trò của chính mình, giấc mơ, K với những người trẻ, thảo luận về nhà văn Pháp, Poulet. Sau khi dông dài về những mảnh ghép thậm phồn xung quanh cuộc sống của R. Kennedy, đến cuối truyện, mới có một mục nhỏ ghi về K được cứu khỏi chết đuối. Nhà văn đã tường thuật trực tiếp (sử dụng thì hiện tại) cảnh K được cứu thoát khỏi chết đuối như sau: “K dưới nước. Chiếc mũ đen, áo khoác đen, cái kiếm của ông dạt vào bờ. Ông vẫn giữ được mặt nạ của mình. Bàn tay ông đánh bại chỗ nước xoáy trên mặt nước xung quanh ông. Bọt trắng, nước sâu. Tôi ném một sợi dây, cuộn dây nhảy trên bề mặt nước. Ông ấy đã bắt trượt nó. Không, ông ấy đã có nó. Bàn tay phải của ông ấy (cánh tay cầm kiếm) nắm lấy sợi dây mà tôi đã ném cho ông. Tôi ở trên bờ, sợi dây làm thắt lưng tôi bị thương, hướng về phía tảng đá. Bây giờ K đã bám cả hai tay vào sợi dây. Tôi kéo ông ấy ra khỏi nước. Bây giờ ông ấy đứng trên bờ, hổn hển nói “Xin cảm ơn”. Suốt câu chuyện tác giả toàn liệt kê những điểm tốt của K. mà ở đây cần đưa vào một câu “ông vẫn giữ được mặt nạ của mình” ngay trong hoàn cảnh mạng sống bị đe dọa, đã khiến sự tin tưởng của người đọc ở phần đầu đã trở nên thiếu căn cứ. Không chỉ những người nổi tiếng mà cả những con người bình thường với những ý nghĩ, hành động khác thường cũng trở thành mục tiêu của sự giễu nhại. Bởi thế, văn phong hài hước của Donald Barthelme bàng bạc trên trang giấy. Không khó để chúng ta thấy một nụ cười ẩn đằng sau vẻ lạnh lùng, khách quan của nhà văn khi để ống kính giễu nhại phóng to những sự vật hiện tượng. Chẳng hạn như suy nghĩ một anh bác sĩ sau khi quyết định “chỉ rửa tay với nước lã bình thường rồi dùng quần làm khăn lau, chùi tay vào 54
- Giễu nhại trong truyện ngắn Donald Barthelme đằng sau hai ống quần (để tránh những nghi ngờ có thể đến nếu phía trước bị dính nước): “cô ấy sẽ nghĩ về mình như thế nào đây? Tất cả những việc này đều có vẻ thiếu chuyên nghiệp!”. Và rồi anh chàng tự trấn an mình rằng “Cô ta có ở trong phòng vệ sinh đâu?”. Sau đó, anh ta “bước vào không gian nơi cô ta đang ở đó, thật đẹp, rồi cầm lấy tay cô ta và tiếp đó xé toang chiếc áo bệnh nhân của cô ta (nhưng không, chúng ta không thể để thứ đồi trụy rác rưởi này xuất hiện trong một câu văn oai vệ, cao cả này bởi nhỡ đâu nó lại được đưa vào thư viện của Quốc hội”). Chính những suy nghĩ, lo lắng của nhân vật đã tạo ra tiếng cười hài hước cho người đọc. Nhà văn đã giễu nhại ngay cả ý nghĩ của con người. Cũng như vậy, trong Vũ hội của cảnh sát anh lái xe vừa đi đường vừa suy nghĩ về quả bóng: “Tại sao người ta lại luôn luôn vỗ tay hoan hô những kẻ làm ra cú sút? Tại sao họ không hoan hô quả bóng? Chính quả bóng mới thực sự chui vào trong lưới chứ. Mấy người chơi đâu có đi vào trong lưới. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một người vào trong lưới.” Anh lái xe này đã di chuyển điểm nhìn từ người ghi bàn sang quả bóng, lâu nay người ta vẫn nghĩ như thế, nhưng chỉ cần thay đổi góc nhìn thôi thì dường như sự thật không phải thế. Ở đây đằng sau nụ cười hóm hỉnh hàm chứa sự giễu nhại tư duy thông thường, quen suy xét một chiều của con người. Trong truyện ngắn Tổn thương não, bằng cách sắp xếp các sự kiện không logic, liền mạch, mà nhảy cóc, chẳng đầu chẳng cuối, mỗi đoạn nói một chuyện, nhà văn đã giễu nhại chính cuộc sống con người với bản chất xô bồ, phức tạp, hỗn độn. Ở đó, hiện thực phải chăng chỉ là những mảnh ghép của cuộc sống, nó không hoàn toàn là những gì chúng ta thấy? Trong thế giới đó, mỗi con người đều mang trong mình một chấn thương tinh thần để rồi ở mọi nơi đều có tổn thương não: “Ồ, có tổn thương não ở phía đông, và tổn thương não ở phía tây, và trên cầu thang có tổn thương não, và dưới cầu thang có tổn thương não, và trong phòng khách phu nhân của tôi – tổn thương não. Tổn thương não có ở khắp mọi nơi”. Đến ngay cả những tên tuổi nổi tiếng cũng tổn thương não, như Apollonaire – người tiên phong của chủ nghĩa siêu thực trong văn học và nghệ thuật, hay cặp đôi Bonnie và Clyde – băng cướp huyền thoại, đã được dựng thành phim. Điều hài hước là “bạn có thể giấu dưới gầm giường nhưng tổn thương não ở dưới đó, và bạn có thể đi náu ở những trường đại học nhưng chính chúng lại là trụ sở trung tâm của tổn thương não”. Như vậy, Donald Barthelme đã đưa vào trong tác phẩm của mình rất nhiều đối tượng giễu nhại khác nhau, từ những người nổi tiếng (những vị quan chức cấp cao, những chính trị gia, cả nghệ sĩ kiệt xuất. . . ) đến những con người bình thường, vô danh. Tiếng cười ở đây nhẹ nhàng, sâu lắng. Cái nhìn giải thiêng thần tượng này đã đem đến cho người đọc một thái độ nhìn nhận lại, xem xét lại những gì chúng ta bấy lâu vẫn tôn thờ. 55
- Lê Thúy Hằng 2.2. Trải rộng phạm vi giễu nhại Không chỉ đối tượng giễu nhại đa dạng mà phạm vi giễu nhại còn trải rộng trên nhiều phương diện từ chính trị, văn hóa, nghệ thuật, thi ca, âm nhạc đến ngôn ngữ, tôn giáo, tình yêu, tình dục. . . Trong truyện ngắn Lời giải thích, có rất nhiều những lời thoại được nói theo cách giải thích, chẳng hạn như: “Q: Nội dung của chủ nghĩa Mao là gì? A: Nội dung của chủ nghĩa Mao là sự tinh khiết. Q: Sự tinh khiết có quy thành số lượng được không? A: Sự tinh khiết chưa bao giờ được quy thành số lượng. Q: Sự tinh khiết diễn ra thế nào trên toàn thế giới? A: Sự tinh khiết xảy ra chừng 0,004 phần trăm của mọi trường hợp. Q: Sự tinh khiết thuần tuý thì thường đi đôi với cái gì? A: Sự tinh khiết thuần tuý thì thường đi đôi với sự điên loạn.” Cứ như thế thì lời giải thích sẽ liên tục được giải thích và chẳng bao giờ người ta có được câu trả lời cuối cùng cho một vấn đề. Dường như không một lời giải thích thích nào thỏa mãn được mong muốn hiểu biết vô tận của con người hay là phải chăng người ta chẳng cần nghe những lời giải thích? Tiếp thu và kế thừa thành tựu từ những vở kịch phi lí của Beckett hay Ionesco, trong truyện ngắn, Kierkergaard không công bằng với Schlegel cũng có rất nhiều đoạn đối thoại kiểu như thế: “Q: Chiếc xe hơi của tôi thế nào? Q: Những chiếc móng của tôi thế nào? A: Món khoai tây của tôi vị thế nào? Q: Món khoai tây tôi nấu như thế nào? Q: Cách ăn mặc của tôi như thế nào? Q: Chiếc áo của tôi thế nào?” Người đọc có cảm tưởng các nhân vật chỉ nói chỉ để nói, nói không phải để giao tiếp. Hay là nói chẳng–có–mục–đích–gì lại chính là mục đích phát ngôn? Trong Kinh Thánh mở đầu bằng câu Khởi thủy là lời, điều đó nói lên chức năng quan trọng của lời nói trong việc kết nối giữa con người với con người, là phương tiện đồng thời cũng là mục đích giao tiếp. Nhưng đến thời hậu hiện đại khi mà sự đổ vỡ niềm tin, chấn thương tinh thần của con người đã đến trở thành một căn bệnh trầm trọng, thì lời nói lại chỉ còn cái xác không hồn, chỉ là những âm sắc để con người phát ngôn với nhau mà không cần phải hiểu. Và như thế tôi nói năng tức là tôi tồn tại (ý của Ionesco). Ở ý nghĩa này, Donald Barthelme đã nhại lại chính ngôn ngữ – phương tiện giao tiếp đặc thù và quan trọng nhất của con người. Donald Barthelme đã phát huy sở trường của mình khi ông cắt – dán những câu nói nổi tiếng vào trong tác phẩm, thậm chí, ông đưa trích dẫn có tên tuổi các tác giả nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Và những trích dẫn đó lại là chi tiết giễu nhại của chính nhà 56
- Giễu nhại trong truyện ngắn Donald Barthelme văn hài hước này. Trong truyện ngắn Kierkergaard không công bằng với Schlegel, Donald Barthelme đã cắt một câu nổi tiếng của Nietzche: “Hoặc dẫn lời của Nietzche ý nghĩ tự tử là nguồn an ủi lớn đã giúp ông tồn tại qua bao nhiêu đêm tồi tệ. Một trong những lời nói mỉa tếu táo hoàn hảo đó cũng giúp làm giảm bớt không khí đầy khó chịu đang tồn tại trong căn nhà này. Nhờ mấy lời tếu của tôi, mấy cây gậy dùng để chơi trò gẩy gỗ, đòn tạ, và bóng bánh đủ các loại bị ném ra khỏi thế giới này. Thật là một sức mạnh kì diệu”. Lời của triết gia đã được trích dẫn trong một lời nói ngụ ý mỉa mai của nhân vật trong truyện. Ở Ngọn núi thủy tinh, D. Barthelme còn trích dẫn trực tiếp rất nhiều dưới những tên tuổi nổi tiếng như sau: “Trong thời gian gần đây, hiện tượng sút giảm về mối yêu thích mang tính libido đối với hiện thực đã chấm dứt” (Anton Ehrenzweig). “Bình an ngự trị trên đất nước, nhờ sự thông tuệ đầy tự tin của mọi người” (M. Pompidou). “Một biểu tượng cổ truyền (chẳng hạn như con chim dạ oanh, thường có ý nghĩa liên hệ đến nỗi buồn), ngay cả khi nó được công nhận qua sự đồng tình của nhiều người, vẫn không phải là một dấu hiệu (như bộ đèn giao thông, chẳng hạn) bởi, như đã nói, nó có khả năng khơi dậy những cảm xúc sâu sắc và được xem là có chứa đựng những đặc tính mà con mắt bình thường không trông thấy được” (Từ điển Thuật ngữ văn học). “Ở một vài thế kỷ trong quá khứ, óc tưởng tượng của con người đã làm cho cuộc sống biến thành một thao tác căng thẳng của tất cả những năng lực đáng quý” (John Masefield). Về những người được Barthelme trích dẫn ở trên, họ đều là những tên tuổi nổi tiếng: Anton Ehrenzweig (1908–1966) là một nhà lí thuyết mĩ học đặt cơ sở trên phân tâm học về vô thức của Freud. Ông đã xuất bản nhiều tiểu luận trên nhiều tạp chí nổi tiếng như Tạp chí Thẩm mĩ Anh, Nghệ thuật quốc tế. . . M(onsieur) Pompidou là ông Georges Pompidou (1911–1974), cố tổng thống Pháp. Barthelme cho rằng ông trích câu này – định nghĩa biểu tượng, (chúng tôi thêm vào) – từ cuốn A Dictionary of Literary Terms. Đây là một cuốn từ điển thuật ngữ văn học rất phổ thông do J.A. Cuddon biên soạn (Middlesex, England, 1984 [ấn bản đầu tiên do nhà André Deutsch phát hành tại Anh quốc năm 1977]). Tuy nhiên, tra trong mục từ symbol and symbolism (trang 671–674) thì hoàn toàn không tìm ra câu do Barthelme trích. John Masefield (1878–1967) là nhà thơ Anh quốc. Ông được phong tước Nhà thơ đoạt giải của nước Anh vào năm 1930 [4]. Như vậy, những tên riêng được Donald Barthelme đưa vào đều có thật nhưng những lời ông gán cho là của họ thì dường như lại hoàn toàn là hư cấu? Điều thú vị hơn là chính những lời nói có vẻ hàn lâm này lại toát lên phong vị giễu nhại. Như vậy, phạm vi giễu nhại trong truyện ngắn của Donald Barthelme trải rộng từ ngôn ngữ, mĩ học, triết học, tâm lí đến chính trị. . . Dưới đây, chúng tôi xét đến một trường hợp đặc biệt của phạm vi giễu nhại trong quan hệ giữa nhà văn – bạn đọc hay là sự tiếp nhận của bạn đọc đối với văn học. Như chúng ta đã biết, mối quan hệ giữa văn chương và bạn đọc là mối quan hệ 57
- Lê Thúy Hằng khăng khít, hai chiều biện chứng nhau. Kể từ khi lí thuyết tiếp nhận ra đời, vai trò của người đọc lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, theo lí thuyết này, người đọc chính là người mang lại sức sống cho văn bản nghệ thuật, từ đó nó mới trở nên sống động thành tác phẩm văn chương với những hình tượng nghệ thuật độc đáo. Người đọc trở thành người có vai trò đồng sáng tạo văn bản với tác giả. Những khoảng trống ngôn từ mà nhà văn tạo ra trong tác phẩm sẽ được người đọc lấp đầy bằng trí tưởng tượng của mình. Khác với nhà văn ở thời trước, nhà văn hậu hiện đại không mang trong mình khát vọng bao chiếm hiện thực, khái quát thế giới mà chỉ đưa ra những mảnh hiện thực nào đó như nó vốn có, còn người đọc mới là người sáng tạo nên tác phẩm đó trong thế giới tinh thần chủ quan của mình. Bởi vậy, xu thế kiệm ngôn nhưng ý nghĩa thậm phồn, đa tạp là tính chất tất yếu của văn học hậu hiện đại. Donald Barthelme đã giễu nhại phong cách đọc – hiểu của độc giả truyền thống khi ông đưa vào tác phẩm của mình những truyện mà mới đọc chẳng có gì hấp dẫn. Thậm chí, nhà văn không che giấu tâm điểm sự kiện mà đưa ra đầu đề để rồi bỏ rơi người đọc với sự tò mò vốn có của mình. Chẳng hạn như trong truyện ngắn Robert Kennedy được cứu khỏi chết đuối, như trên đã phân tích. Câu chuyện kết thúc nhưng người đọc cảm thấy không đủ niềm tin để tin vào một sự kiện mà ngay từ đầu được quảng cáo là chính xác từng chi tiết. Sau khi tiếp nhận một loạt các sự kiện dường như khả tín thì rút cục người đọc lại chỉ có cảm giác hoài nghi về chính những thứ mà mình biết. Và đương nhiên, đến đoạn kết thì dù tác giả có cố tình tường thuật trực tiếp cận cảnh Kennedy được cứu khỏi chết đuối, người đọc cũng chẳng tin về vụ ám sát này. Đó hoàn toàn là sự tưởng tượng của người viết. Điều này rất thú vị ở chỗ mục đích của nhà văn hậu hiện đại đến đây đã đạt được. Bởi lẽ, hoài nghi là một cảm thức hậu hiện đại. Cảm thức này khiến cho bạn đọc không được phép quên rằng chúng ta đang đọc một truyện–hư–cấu, dù cho nó có được quảng cáo là sự thật hoàn toàn đi chăng nữa. Thêm vào đó, lối kết cấu trưng ra rất nhiều sự kiện, giống như một cuốn từ điển sống hay đúng hơn là “nhại” kiểu viết tiểu sử của các nhà nổi tiếng, đã tạo nên một khoái cảm thẩm mĩ khi người đọc nhận ra sự thật hóa ra cũng chỉ là sự thật dưới cái nhìn chủ quan của người khác mà thôi. Vì thế mà nó hoàn toàn bất khả tín. Như thế, nhà văn hậu hiện đại nói chung và Donald Barthelme nói riêng đã đả phá đại tự sự. Thế giới được nói đến chỉ tồn tại trong văn bản, ra ngoài ranh giới trang sách, nó hoàn toàn không có nghĩa lí gì, mà ngay cả trong văn bản nó cũng không có thật, nó đơn giản chỉ là sự hư cấu của tác giả. Cho nên, người đọc phải “là kẻ tiếp cận văn bản một cách tỉnh táo bằng tri thức tích cực thay vì cảm xúc thụ động, luôn luôn xem nó là một sản phẩm được xây dựng thuần túy bằng ngôn ngữ, cảm thấy thích thú khi dự phần vào việc diễn dịch nó, nhưng không bao giờ mong mỏi có thể diễn dịch tuyệt đối chính xác và rốt ráo, vì tác phẩm hư cấu hậu hiện đại không phải là một tác phẩm khép kín mà là một văn bản mở” [3;474]. Giễu nhại mối quan hệ nhà văn – bạn đọc trong cách đọc truyền thống của Donald Barthelme có ý nghĩa như vậy. 58
- Giễu nhại trong truyện ngắn Donald Barthelme 3. Kết luận Giễu nhại là tinh thần của chủ nghĩa hậu hiện đại. Đọc truyện ngắn Donald Barthelme, từ sự đa dạng đối tượng đến trải rộng phạm vi giễu nhại, người đọc thấy được tinh thần hậu hiện đại giải thiêng những đại tự sự, phá vỡ tính nguyên nhất thuần túy, tạo ra một hiện thực thậm phồn, đa chiều, như nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh [1] đã nhận định: “Giễu nhại những gì mà chủ nghĩa hiện đại coi là thiêng liêng, không cúng giỗ cho những gì coi là đã chết: tôn giáo, lịch sử, siêu hình, tri thức... nghệ thuật hậu hiện đại, khác với nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, là sự phá vỡ những phong cách, đúng hơn, sự pha tạp những phong cách”. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đào Tuấn Ảnh, 2007. Những yếu tố hiện đại trong văn xuôi Việt Nam trong tương quan so sánh loại hình với văn xuôi hậu hiện đại Nga. Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12. [2] Lê Huy Bắc, 2004. Truyện ngắn: lí luận, tác gia và tác phẩm, tập 1. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3] Nhiều tác giả, 2003. Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lí thuyết. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. [4] Hoàng Ngọc Tuấn (dịch tác phẩm). Barthelme Donald. http://www.tienve.org. [5] Donald Barthelme, 1970. City Life. A Bantam Book. ABSTRACT Parody in Donald Barthelme stories Parody is in the spirit of post-modernism. This method not only creates humor, it also creates a multidimensional view of objective phenomena, everyday life and sacred idols. Donald Barthelme’s short stories present a variety of subjects and extend the scope of parody. Donald Barthelme parodied many different people from celebrities to ordi- nary people. His range of parody extends to politics, culture, art, poetry, music, language, religion, love and sex. Laughter in Donald Barthelme’s short stories is light but deep. 59
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn