Ka Đô mây trắng nắng xanh
lượt xem 3
download
- Cuối năm nay cô lấy chồng, xuất ngoại. Số sướng thế mà sao vẫn có chuyện gì đó phiền muộn là sao nhỉ? - Chuyện phiền muộn chi vậy dì? Mà sao mấy lần coi bói, người ta nói con lấy chồng, có lấy đâu. - Tui không biết, chỉ thấy bài hiện lên phiền muộn. Bà thầy bói già mắt nhoen nhoét gỉ đưa tay xào bộ tu lơ khơ điệu nghệ, xỉa ra những con bài mới, phán như đinh đóng cột: “Chắc cú đấy, cô không lấy chồng năm nay thì tui giải nghệ”. Thanh nghe...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Ka Đô mây trắng nắng xanh
- Ka Đô mây trắng nắng xanh TRUYỆN NGẮN CỦA VÕ THU HƯƠNG - Cuối năm nay cô lấy chồng, xuất ngoại. Số sướng thế mà sao vẫn có chuyện gì đó phiền muộn là sao nhỉ? - Chuyện phiền muộn chi vậy dì? Mà sao mấy lần coi bói, người ta nói con lấy chồng, có lấy đâu. - Tui không biết, chỉ thấy bài hiện lên phiền muộn. Bà thầy bói già mắt nhoen nhoét gỉ đưa tay xào bộ tu lơ khơ điệu nghệ, xỉa ra những con bài mới, phán như đinh đóng cột: “Chắc cú đấy, cô không lấy chồng năm nay thì tui giải nghệ”. Thanh nghe nhịp tim mình đập mạnh. Phải chắc chắn lắm bà thầy mới nói vậy. Nghĩ vậy, nhưng rồi Thanh cười thầm diễu mình đến là dễ tin người. Và Thanh tự an ủi, con gái ở cái xã Ka Đô(*) xa xôi này, lên được Sài Gòn đã là một cuộc đổi đời, may mắn lắm, mơ làm chi chuyện xuất ngoại. Nhà Thanh có vài người trong họở Mỹ thật nhưng từ sau vụ tranh giành đất đai với bố đã ra đi không ngoảnh đầu lại. Dẫu họ có quay lại nữa cũng có ai rước qua Mỹ, qua mẽo làm gì. Chắc bà coi bói này lẫn rồi, nên phán nhầm. Chuyện xảy ra sau đó không phải là phiền muộn mà nặng lòng hơn phiền muộn gấp mười lần. Nhà Thanh nằm lưng chừng con dốc dẫn lên núi. Nhìn xa xa chập chùng mây trắng,những hàng thông xanh sẫm cao vút. Ánh nắng xuyên qua tán thông xuống đường mát rượi. Trước đây, khi chưa có tấm bảng Karaoke vẽ mấy cô gái õng ẹo cầm mic đứng hát – sản phẩm của bố cô, một họa sĩ tự phong phố núi – thì đó là một con đường đẹp. Mỗi lần đi học về, dắt xe lên con dốc mà Thanh cứ mong con đường dài hơn nữa. Chỉ để được tắm mình trên đường phủ lá thông xanh và mây trắng. Tấm bảng to bằng cỡ sải tay của Thanh, đứng choán bên đường đến là vô duyên. Nhưng thủ thuật quảng cáo luôn muốn đập mạnh vào mắt người ta để gây ấn tượng. Nhờ tấm biển ấy mà nhiều người
- không thể không ghé cái quán trong rừng thông này. Quán mới mở hơn một tháng đã tập nập kẻ vào người ra. Quán mở được một thời gian ngắn, bố Thanh nhận cô tiếp viên tuổi mới đôi mươi lên làm… con nuôi. Cô bé thua Thanh những 5 tuổi, hồn nhiên cười nói, mắt ngây thơ hay giả nai, Thanh cũng chẳng đoán nổi. Nhà đã ba chị em gái, lại thêm cô em gái nuôi này nữa khiến nhiều lúc Thanh phát bực mình. Mẹ Thanh nghi ngờ mục đích nhận con nuôi của chồng, nhưng không dám công khai phản đối đức ông chồng vốn mang tính gia trưởng. Hình như mẹ biết cô bé ấy là con của một người bạn thời tiểu học của chồng nên rất khó nói. Hơn nữa, ông xã độc đoán, cộc cằn đã tự tay đóng một chiếc quan tài bằng gỗ, sơn son đặt trên chiếc bàn sau nhà. Hễ ai phản đối bất cứ việc làm nào của ông là ông khuân ra, chỉ vào cỗ hậu sự ấy mà quát: “Có muốn vào đây không?”. Thanh biết, chiếc quan tài ấy đã cướp mất của bố bao mối quan hệ. Ngày ông bà mất, các anh, chị của bố ở Mỹ về quê, đòi quyền thừa kế một phần mảnh đất vườn để có nơi còn quay về. Bố lôi chiếc quan tài từ nhà sau đặt lên bàn, tay chỉ thẳng nắp áo quan, trừng mắt: “Có ai muốn đòi đất thì vào đây ngồi nói chuyện. Ngày ông bà già bệnh liệt giường liệt chiếu, vợ chồng tôi lo hết, sao chẳng về mà giành phần? Giờ lại vác mặt mo mà đòi quyền thừa kế đất đai là sao?”. Mấy bác, mấy chú tái sắc mặt, hồn vía lên mây, vội vã tháo lui. Đến mẹ, là người sống với bố mấy chục năm, có với nhau ba mặt con, cũng sợ đến phải bỏ đi. Nhưng bố vẫn tìm ra và lôi về. Tới nhà, ông trỏ vào quan tài, nói như dao chém, ngôn ngữ của quan tòa: “Lần đầu mà bà bỏ đi tui tạm tha, nếu tái phạm một lần nữa thì vô trong này mà ở”. Mặt mẹ cắt không còn giọt máu, chân run lẩy bẩy. Từ đó, mẹ sống như câm điếc.Thanh thấy bố như một giáo chủ của một đạo giáo trừng phạt người bằng cực hình. Một thời gian sau, da dẻ cô con nuôi của bố xanh xao, cố dấu những cú nôn. Nhưng rồi, dấu sao nổi khi bụng cô ta đội áo vượt lên. Ông bố giáo sỹ đã gằn giọng yêu cầu vợ con phải chăm sóc cô con nuôi thật chu đáo, nếu không vô quan tài cả lũ. Thanh xấu hổ và thấy mẹ nén uất ức, nhiều lúc mẹ muốn khóc nhưng không dám. Được bố nuôi che chở, cô gái khoe: “Siêu âm 4 chiều, chắc chắn con trai rồi”. Mẹ đau buồn đến rảo người mà
- vẫn im lặng. Hình như mẹ thấy mình có lỗi, khi chỉ sinh toàn con gái. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, dânl àng Ka Đô đồn ầm lên ông họa sỹ chủ quán Karaoke tốt số, tuổi xế chiều mà sắp có người nối dõi tông đường, có thằng chống gậy đi trước quan tài. Thanh cũng chẳng biết nên mừng hay vui nữa. Cô chỉ thương mẹ. Nhưng sự đời luôn gặp bất trắc, đứa bé chưa lọt lòng mẹ đã chết ngạt do nhau thai quấn hai vòng quanh cổ. Bác sĩ mới ra trường chưa có kinh nghiệm xử lí nên cứ hè nhau một, hai, ba lôi ra. Cô con nuôi của bố, người tưởng được làm mẹ thằng con nối dõi cho dòng họ này, đau đớn ôm xác hài nhi nằm vào chiếc quan tài ấy. Ai cũng nghĩ, cô ấy nằm với xác con một lúc cho nguôi nỗi đau, nên để yên. Nhưng sớm hôm sau, mới phát hiện thì cả hai mẹ con đã lạnh ngắt. Hóa ra, cô gái non dạ ấy đã tìm đến cái chết chỉ với một sợi dây thừng.Công an vội đến khám nghiệm tử thi, lấy khẩu cung tất cả mọi người trong nhà. Họ phát hiện ra mảnh thư tuyệt mệnh của cô gái gửi người tình đã phụ cô ta khi biết mang bầu. Cả làng vỡ lẽ hóa ra bố chỉ là kẻ sắp đổ vỏ cho thằng nào đó đã ăn ốc. Mẹ cô cảm thấy xấu hổ vì đã nghi ngờ cho chồng. Bố mẹ cô gái xấu số từ quê đến đưa xác con về quê an táng trong nghĩa trang dòng tộc. Bất ngờ, có một thằng con trai, khách quen của quán, đến nhận mình là tình nhân cô gái. Ngó bản mặt nó, Thanh thấy ghét cay, ghét đắng. Hắn đến bên cỗ áo quan miệng lảm nhảm “giá như, giá như”. Sau vụ việc động trời ấy, mẹ Thanh quyết định dẹp quán, tháo tấm bảng Karaoke, giải tán đám nhân viên mắt xanh mỏ đỏ. Bán như cho bàn ghế, ti vi. Mẹ lên chùa tụng kinh, niệm phật. Còn bố như phát rồ, cầm hai chai rượu lên trước cổng chùa gần nhà ngồi từ sáng đến tối. Lúc về không chai nào còn một giọt. Nhiều hôm nấu cơm tối xong, Thanh đợi bố mẹ từ chùa về mà cơm canh lạnh ngắt còn hơn cơm cúng. Nhìn ra con đường trước nhà vẫn mây trắng nắng xanh, không còn tấm bảng, cũng không còn đẹp mà buồn hiu hắt. Thanh không còn cong mông đẩy xe mỗi buổi đi học về. Cô bắt đầu những tháng ngày đằng đẵng chờ phân công công việc. Thanh thấy ngại ngại mỗi khi nhìn ra con đường thông xanh vì cảm giác con đường sao xa ngái. ***
- Bác Linh, anh trai bố đột ngột về quê. Bác gạt hết giận hờn, bỏ qua việc tranh giành đất đai.Bác cho biết về làng Ka Đô lần này là để xin bố Thanh một đứa làm con nuôi. Nếu được sẽ nhanh chóng là thủ tục đưa sang Mỹ luôn. Bác tâm sự, ở xứ đất khách quê người ấy, vợ chồng bác thấy cuộc sống vô cùng vô nghĩa, trống vắng vì không có con. Hai người đã bàn tính, xin trẻ mồ côi cũng được nhưng không thể bằng cháu mình, một giọt máu đào, còn hơn ao nước lã. Hai đứa em Thanh còn học cấp hai, cấp ba, dứt khoát không chịu xa bố mẹ.Thanh vừa ra trường, học xong cao đẳng chưa có việc làm. Đi với bác là tiện nhất. Biết đâu sang Mỹ có việc làm nhanh và có tiền giúp được bố mẹ. Mẹ Thanh đồng ý liền. Đi khỏi làng Ka Đô, Thanh muốn mình thoát khỏi những cơn mơ về đêm luôn ám ảnh cỗ quan tài với xác hai mẹ con cô gái bất hạnh ấy. Khi ngồi trên chiếc xe ngựa cũ xộc xệch, Thanh nhìn con đường dốc lên núi thông xanh, mây trắng mà lòng nôn nao. Thanh tự hỏi, mình đang ra đi thế này tốt hay không tốt cho tương lai? Tự nhiên hình ảnh bà thầy bói già hiện lên, lời phán văng vẳng bên tai Thanh. Hóa ra, bà già ấy nói đúng một nửa. Thánh thật. Nhà bác ở làng Versailles, một làng người Việt trên đất Mỹ. Thanh bất ngờ khi buổi chiều theo bác gái ra chợ, gặp cảnh toàn người Việt, ngồi chồm hổm bán từng mớ rau, con cá. Chẳng khác chợ ở quê là mấy. Có chăng, chợ nơi đây mua bán nhanh gọn, chợ chật chội hơn, đồ ăn không tươi ngon bằng mà thôi. Bác gái có một vườn rau trước nhà chuyên trồng các loại rau thơm cung cấp cho các hàng quán, khách hàng cũng chỉ toàn người Việt. Thấy Thanh tỏ vẻ ngạc nhiên, bác gái cười khùng khục, trọ trẹ giọng Nghệ: “Nói thật với mi, tau qua đây gần hai mươi năm, trừ khi mô ra sân bay còn gặp người nước ngoài, còn lại chỉ gặp người Việt. Hồi tê ở Sài Gòn, khu phố Tây còn gặp nhiều Tây hơn qua đây”. Hàng xóm chỗ Thanh ở thuộc hàng khá giả nơi đây. “Anh Hòa, giàu nhứt xóm, một mình nuôi con, vợ bỏ. Mỗi tuần tau giúp việc cho nhà nớ có 4 buổi mà hấn trả 200 đô” – bác gái tóm tắt ngắn gọn. Thi thoảng đi đâu xa anh lại đưa bé Nhím qua gửi bác, thấy Thanh
- anh vẫn chào bằng giọng Hà Nội ấm mềm. Khi về, anh tất tả dọn nhà cửa, chăm từng thìa cơm cho con, lại quay ra nấu nướng. Mùi khét lẹt của trứng cháy, cá cháy thường xuyên bay qua chỗ Thanh. Dù sao cũng còn hơn bố Thanh, chưa từng biết đến việc nhà. Qua bác gái giới thiệu, Thanh trở thành gia sư dạy Tiếng Việt cho cô con gái năm nay lên 5 mà mới chỉ bập bẹ được dăm ba câu. Cô bé tỏ ra thích trò chuyện, gần gũi với Thanh. Có hôm, đang học bài, cô bé thản nhiên nói: ”Cô về ở với con đi, mẹ con đi lâu quá rồi không quay về nữa”. Hòa lụi hụi kiểm tra lại ống nước gần đó nhìn lên, mắt buồn nẫu nuột khi gặp ánh mắt lúng túng của Thanh nhìn lại. Thanh không hiểu nổi mình khi mỗi sáng cô lại muốn dậy thật sớm chỉ để ngồi nơi chiếc xích đu. Trước thềm nhà. Cuốn sách cô vẫn cầm trên tay chỉ là một cái cớ bởi một tuần cô chỉ đọc hết chừng 30 trang. Tâm trí Thanh để hết nơi nhà hàng xóm. Xuyên qua ô cửa, Thanh nhìn thấy Hòa đang cho bé Nhím ăn sáng. Con bé tíu tít nói gì đó, thi thoảng hai bố con cười híp mắt. Thanh thấy sự ấm cúng, vui vui len trong lòng mình. Hòa không mất nhiều thời gian để chinh phục Thanh. Người đàn ông trải qua một lần tình duyên gãy đổ có một sức hấp dẫn riêng. Huống chi, những nụ cười của cha con Hòa, những lo toan của Hòa, cả mùi đồ ăn thường xuyên khét lẹt khi anh quá lửa… tất cả dường như luôn khiến Thanh thấy xúc động trong lòng. Thanh biết mình yêu anh chẳng vì tài sản, chẳng vì anh đẹp, chẳng vì gì cụ thể. Chỉ vì thấy cần được gần gũi anh và bé Nhím. Sự cần ấy có khi trở thành khát khao. Nhưng Hòa không là người đơn giản. Thanh luôn đọc được sự lo âu trong ánh mặt phiền muộn của anh nhìn mình. “Anh không tin mình có thể đưa lại hạnh phúc cho em khi chính anh cũng không biết mình có đủ dũng cảm để đi tiếp bước nữa không. Anh vẫn còn nghĩ về vợ cũ nhiều, dù cô ấy bỏ bố con anh đi. Như vậy sẽ thiệt thòi cho em, anh thương em…” – Hòa nói. Thanh thấy có gì đó bóp nghẹn nghẹn lồng ngực mình. *** Khi yêu thường mù quáng. Hai chuyện tưởng chẳng có gì liên quan ấy thực ra lại cực kì liên quan. Khi Thanh nhận ra thì không còn biết mình sẽ quay đầu hay bước tiếp. Thanh hạnh phúc khi chọn cho mình người đàn ông đã có con riêng, cả khi người ấy thẳng thắn
- nói anh ta chưa quên được vợ cũ. Thanh hạnh phúc khi dọn về ở chung nhau đã hai, ba tháng anh vẫn chưa có đủ thời gian để tổ chức đám cưới. Thanh ngờ rằng có khi chính anh đã chán đám cưới. Anh nói, đằng nào cũng đã đăng kí kết hôn, đám cưới chỉ là hình thức. Cô chấp nhận cách giải thích ấy, dù khát khao một lần mặc váy cô dâu. Tất cả chỉ vì yêu. Tối qua bé Nhím làm Thanh buồn đến mất ngủ. Trong lúc dọn dẹp phòng con bé, Thanh gặp chiếc áo hoa người lớn cũ kĩ. Chiếc áo có mùi hăng hăng, ngai ngái do mặc dở mà chưa giặt. Chẳng biết của ai mà con bé tha lôi về để ngay bên gối nó. Khi Thanh định cho vào máy giặt thì con bé lao như một mũi tên bắn từ đâu đó ào ra. Nó giằng mạnh chiếc áo trên tay Thanh: “Áo của mẹ con, cô không có quyền chạm vào!”. Nó vùi mặt vào chiếc áo, vai rung lên khóc tức tưởi. Chiếc áo ấy con bé giữ suốt hai năm nay từ ngày mẹ nó ra đi. Nó không cho ba nó hay Thanh giặt vì không muốn mất đi mùi – của – mẹ. Thi thoảng nhớ mẹ, con bé lại lén ba lôi ra để dưới gối hít hà, sáng mai lại gấp gọn gói kĩ trong bao để giữ mùi – của –mẹ. Cuối cùng Hòa cũng thu xếp được một ngày vào cuối thu để làm đám cưới. Thanh đang xem lại lịch đặt vé máy bay để hai vợ chồng về quê ra mắt gia đình thì điện thoại đổ chuông. Đằng kia, sự im lặng kéo dài khi nghe tiếng Thanh. Thanh định đặt máy xuống thì giọng người đàn bà rành mạch: “Cô thực sự yêu Hòa à? Kể cả khi anh ấy vẫn thường quan hệ với vợ cũ? Chúng tôi vừa đi nghỉ mát ở biển về cuối tuần rồi. chắc cô không tin vì chuẩn bị đám cưới phải không? Dễ thôi, chỉ cần hỏi anh Hòa là cô sẽ biết” Cô chết điếng. Chẳng lẽ chuyện thiêng liêng của một đời người lại diễn ra thế này sao? Trong lúc Thanh lặng người, thì người đàn bà tự xưng tênl àThoa và tiếp: “Tuy đã chia tay, nhưng anh Hòa vẫn thường xuyên hẹn hò với tôi. Chúng tôi vẫn rất quyến luyến nhau. Cô có thể suy nghĩ lại”. Một hồi sau, Thanh mới thốt ra được câu :“Nếu chị vẫn hẹn hò với anh ấy, vẫn yêu thương nhau, sao chị lại bỏ chồng bỏ con theo người đàn ông khác?”. “Ở Mỹ đâu như cái xứ nhà quê như cô. Cô hỏi kì quá. Hơn nữa, cô bỏ tính nhà quê thích tọc mạch chuyện người khác đi, cô không có quyền hỏi tôi điều ấy”. Thanh thả phịch người xuống ghế.
- Mấy hôm sau, Thanh kể lại cho Hòa nghe cuộc đối thoại ngắn ngủi ấy. Thanhđể xem Hòa phản ứng ra sao. Nhưng không, Hòa vẫn cười dễ dãi, hồn nhiên đến độc ác: “Đúng là em nhà quê thật, chuyện đó không quan trọng như em nghĩ”. “Vậy quan trọng là gì?”, “là anh vẫn lo toan công việc làm ăn, lo cho em và con một cuộc sống đủ đầy, không thua kém ai. Anh vẫn yêu con, yêu em. Hiện tại của anh là cuộc sống chúng ta. Cô ấy chỉ là quá khứ mà anh chưa thể dứt, còn em chính là tương lai của anh mà“. “Tình yêu có thể chia ra rành rọt như thế sao,anh?” – giọng Thanh như hụt hơi. Nhấp ngụm nước trà nhạt,anh nói tiếp, anh từng bảo với em rằng, yêu anh em sẽ thiệt vì anh không thể quên được vợ cũ. Bây giờ anh không thể dối em, dối cả mình khi điều đó chính là sự thực. Nhưng chỉ là gặp gỡ qua lại thôi, quay lại thì không bao giờ. Vì cô ấy từng bỏ bố con anh ra đi. Bây giờ cô ấy đang lục đục với chồng hiện tại, anh là chồng cũ, không lẽ không chia sẻ nỗi buồn với cô ấy. Hay em hãy cho anh thêm một thời gian nữa để có thể dứt khoát với người vợ cũ ấy đã. Chính lời nói trơn tru của anh ta, Thanh thấy ghê sợ. Con người này chẳng bao giờ thoát khỏi mớ bòng bong của cuộc sống anh ta đã tạo nên đâu. Thanh vội vã mua duy nhất một vé máy bay về Việt Nam. Cô nói với Hòa, cần một mình về trước giải quyết một số việc riêng tư. Thanh lại về với con đường dẫn lên dốc núi đầy mây trắng nắng xanh. Lại thêm một lần, như ngày ra đi từ dạo ấy, trên con đường này, Thanh tự hỏi không biết lựa chọn này liệu có chính xác? Vẫn chiếc xe cũ, vó ngựa gõ lốc cốc trên con đường cao nguyên thân thuộc, Thanh bỗng nhớ có lần, cô đã nói với Hòa rằng: “Em nhà quê, em thuộc về Ka Đô chứ không thuộc về xứ người này”. Bây giờ, chính trên con đường này, Thanh lại mong Hòa có cuộc sống hạnh phúc ở xứ người, dù xứ ấy không có chỗ phù hợp với Thanh. _______________ (*) Ka Đô: xã thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, cách Đà Lạt khoảng 30 km
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn