intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khuếch tán công nghệ theo không gian – nghiên cứu tổng quan bằng phương pháp trắc lượng thư mục

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Khuếch tán công nghệ theo không gian là chủ đề được nhiều học giả quan tâm. Một số nghiên cứu thực nghiệm đã cung cấp bằng chứng về vai trò của khuếch tán công nghệ theo không gian đến năng suất của doanh nghiệp, ngành hoặc quốc gia. Bài viết tổng quan các nghiên cứu về khuếch tán công nghệ theo không gian nhằm đánh giá mạng lưới cộng tác nghiên cứu, các chủ đề nghiên cứu chính có liên quan.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khuếch tán công nghệ theo không gian – nghiên cứu tổng quan bằng phương pháp trắc lượng thư mục

  1. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 KHUẾCH TÁN CÔNG NGHỆ THEO KHÔNG GIAN – NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN BẰNG PHƯƠNG PHÁP TRẮC LƯỢNG THƯ MỤC Hồ Thị Mai Sương Trường Đại học Thương Mại Email: homaisuong@tmu.edu.vn Tóm tắt: Khuếch tán công nghệ theo không gian là chủ đề được nhiều học giả quan tâm. Một số nghiên cứu thực nghiệm đã cung cấp bằng chứng về vai trò của khuếch tán công nghệ theo không gian đến năng suất của doanh nghiệp, ngành hoặc quốc gia. Bài viết tổng quan các nghiên cứu về khuếch tán công nghệ theo không gian nhằm đánh giá mạng lưới cộng tác nghiên cứu, các chủ đề nghiên cứu chính có liên quan. Nghiên cứu sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục, phân tích trên phần mềm VOSviewer với dữ liệu trích xuất trên Google Scholar trong giai đoạn 1999 – 2023. Kết quả nghiên cứu cho thấy chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian đã có nhiều nghiên cứu quan tâm và có sự hợp tác nghiên cứu của nhiều tác giả. Các từ khóa tác giả chủ yêu tập trung về khuếch tán công nghệ, lan tỏa kiến thức, khuếch tán không gian. Kết quả từ mẫu nghiên cứu đã phân chia các từ khóa tác giả theo ba nhóm: kênh khuếch tán công nghệ, tác động của khuếch tán công nghệ đến hội tụ năng suất, vai trò của năng lực hấp thụ đến tốc độ tác động của lan tỏa kiến thức đối với năng suất nhân tố tổng hợp. Từ khóa: công nghệ, kiến thức công nghệ, khuếch tán, không gian, trắc lượng thư mục. 1. Giới thiệu Khuếch tán công nghệ là quá trình trong đó những đổi mới lan rộng khắp các nền kinh tế. Sự đổi mới có thể là sản phẩm mới, quy trình mới hoặc phương pháp quản lý mới (Stoneman, 1985). Các loại sản phẩm hay quy trình mới được lan truyền sẽ thay thế toàn bộ hoặc một phần cũ hiện có. Khuếch tán công nghệ có vai trò trong việc đưa công nghệ mới vào sử dụng hiệu quả và xem xét sự năng động của công nghệ đó trong một doanh nghiệp, ngành công nghiệp hoặc nền kinh tế (Sarkar, 1998). Các kiến thức công nghệ được truyền tải dễ dàng hơn giữa các tác nhân gần nhau về mặt địa lý. Lợi ích của việc áp dụng một loại công nghệ của một nước sẽ có thể tác động đến việc chấp nhận sử dụng công nghệ đó của một nước láng giềng (Comin & cộng sự, 2012; Comin & Mestieri, 2014). Boschma (2005) đã lập luận rằng sự gần gũi về địa lý có thể tăng cường học tập tương tác và đổi mới một cách gián tiếp hơn, rất có thể bằng cách kích thích các khía cạnh khác như sự gần gũi về công nghệ. Cùng quan điểm trên, Yingcheng & cộng sự (2021) cho rằng sự gần gũi về địa lý có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập tương tác và lan tỏa kiến thức giữa các tác nhân lân cận, do đó có thể tăng cường sự gần gũi về công nghệ giữa các tỉnh. Ngoài ra, sự gần gũi về mặt địa lý cũng giúp các địa phương học tập các chiến lược phát triển công nghệ lẫn nhau. Tương tự, theo Bottazzi & Peri (2003), kiến thức có từ các ý tưởng mới được lan tỏa chủ yếu qua các liên hệ cá nhân và tương tác trực tiếp. Các ý tưởng này được coi là hàng hóa công cộng địa phương vì nó mang lại lợi ích cho các nhà khoa học trong khu vực hoặc các vùng lân cận nhưng nó sẽ mất dần đi khi các mối liên hệ và tương tác giảm đi. Các mô hình nghiên cứu liên quan đến công nghệ/đổi mới và vị trí địa lý có hai cách tiếp cận khác nhau (Feldman, 1999). Thứ nhất, dựa vào khái niệm lan tỏa theo địa lý và tính đến khoảng cách địa lý để xác định đổi mới/khuếch tán. Thứ hai, tiếp cận nghiên cứu tác động của 709
  2. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 đổi mới/ lan tỏa công nghệ theo không gian đến tăng trưởng kinh tế hoặc năng suất của doanh nghiệp, ngành kinh tế. Biến lan tỏa công nghệ là một mắt xích quan trọng, có vai trò thúc đẩy tăng năng suất. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được vai trò của khuếch tán công nghệ theo không gian thúc đẩy tăng năng suất và hiệu quả của doanh nghiệp, ngành kinh tế. Hiện nay, có nhiều phương pháp nghiên cứu tổng quan về các chủ đề khác nhau, tuy nhiên phương pháp trắc lượng thư mục được sử dụng rộng rãi nhằm lập bản đồ cấu trúc và sự phát triển của các lĩnh vực và ngành khoa học. Đây là phương pháp định lượng nhằm mô tả, đánh giá và giám sát các nghiên cứu đã được công bố. Phương pháp này cung cấp các thông tin nhằm hướng dẫn các nhà nghiên cứu đến những bài báo có ảnh hưởng nhất và lập bản đồ lĩnh vực nghiên cứu một cách khách quan (Zupic & Čater, 2015). Các nghiên cứu tổng quan liên quan đến khuếch tán công nghệ đã được một số tác giả thực hiện. Gong & Keller (2003) đã tổng quan cụ thể nội dung một số nghiên cứu để trả lời câu hỏi: liệu thương mại quốc tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài và các hoạt động xuyên biên giới khác có tác động đến khuếch tán công nghệ hay không? Nghiên cứu của Stokey (2020) phân tích một số nghiên cứu về khuếch tán công nghệ quốc tế ở Hoa Kỳ, đồng thời xem xét lý thuyết khuếch tán công nghệ liên quan đến sự biến động của chi phí áp dụng công nghệ và chi phí đầu vào. Các nghiên cứu thể hiện phương pháp tổng quan nội dung, phân tích hệ thống các nghiên cứu liên quan đến khuếch tán công nghệ. Trong phạm vi tìm hiểu của tác giả, vấn đề khuếch tán công nghệ theo không gian chưa có nhiều nghiên cứu tổng quan bằng phương pháp trắc lượng thư mục. Nghiên cứu này có thể lấp đầy một phần khoảng trống liên quan đến khuếch tán công nghệ theo không gian. Bài viết phần mềm VOSviewer để đánh giá tổng quan bằng phương pháp trắc lượng thư mục. Nguồn dữ liệu của bài báo được thu thập từ Google Scholar trong giai đoạn 1999 – 2023. Các từ khóa có liên quan đến khuếch tán công nghệ không gian được sử dụng để tìm các bài báo, sau đó tác giả thu thập và lọc các tài liệu chính để phân tích. Nghiên cứu đánh giá các bài báo về chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian với bản đồ mạng lưới đồng tác giả và đồng xuất hiện của từ khóa tác giả. Kết quả cho thấy một số tác giả nghiên cứu độc lập và có nhiều tác giả hợp tác công bố các bài báo về chủ đề này. Đồng thời, các từ khóa tác giả xuất hiện chủ yếu bao gồm lan tỏa kiến thức, khuếch tán công nghệ, khuếch tán không gian, khả năng hấp thụ, năng suất nhân tố tổng hợp. Các từ khóa trong mẫu nghiên cứu được phân chia thành các nhóm liên quan đến kênh khuếch tán, tác động của khuếch tán công nghệ theo không gian đến hội tụ năng suất, vai trò của năng lực hấp thụ đến tác động này. Bài viết cấu trúc gồm năm phần. Phần thứ nhất, giới thiệu về chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian, phương pháp phân tích; đồng thời nêu mục đích nghiên cứu và một số kết quả chính. Phần thứ hai sẽ phân tích về cơ sở lý thuyết liên quan đến khuếch tán công nghệ theo không gian. Phần thứ ba sẽ làm rõ phương pháp nghiên cứu trong bài viết này. Phần thứ tư phân tích kết quả nghiên cứu bằng phương pháp trắc lượng thư mục theo tiêu chí đồng xuất hiện của từ khóa, sự cộng tác của các tác giả. Phần cuối cùng là những kết luận từ nghiên cứu chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian. 2. Cơ sở lý thuyết về khuếch tán công nghệ theo không gian 2.1. Công nghệ Công nghệ là hoạt động đổi mới không hiện hữu được đại diện bằng đầu tư R&D (Pianta, 1995); là các sản phẩm, dụng cụ, thiết bị (Bozeman, 2000; D. Comin & Mestieri, 2014); công nghệ thể hiện thông qua đầu tư được đại diện chính là vốn trên mỗi lao động (Pianta, 1995; 710
  3. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 Baptist & Teal, 2014); hay đó là các bản thiết kế, kỹ thuật và quy trình, các bí quyết quản lý, tiếp thị, sản xuất (Kumar & cộng sự, 1999; Maskus, 2004); cơ cấu tổ chức nội bộ công ty, phương tiện tài chính (Maskus, 2004); hoặc hoạt động kiểm soát chất lượng, độ tin cậy, lao động có kỹ năng và các lĩnh vực chức năng (Kumar & cộng sự, 1999); công nghệ cũng có thể là những thông tin cần thiết để sản xuất ra một lượng đầu ra nhất định từ tập hợp các đầu vào (Maskus, 2004). Công nghệ mới được biểu hiện bằng quá trình sản xuất mới, công cụ mới và hàng hóa dịch vụ mới với chất lượng cao hơn (Comin & Mestieri, 2014). Mặc dù, khái niệm công nghệ được nhiều nghiên cứu đưa ra theo các cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng một công nghệ mới của doanh nghiệp cần phải có kiến thức hay nói cách khác các công cụ, thiết bị công nghệ mà doanh nghiệp sử dụng không đơn thuần chỉ là các công nghệ hữu hình mà trong đó đã bao gồm các kiến thức công nghệ. Những người muốn áp dụng công nghệ thì cần tìm hiểu về sự tồn tại và đặc tính của nó; tiếp theo, cần tìm hiểu cách sử dụng và phương thức áp dụng nó vào quy trình sản xuất hiện có hoặc quy trình sản xuất mới (Comin & cộng sự, 2012). Do đó, sản phẩm công nghệ và kiến thức không thể tách rời nhau (Bozeman, 2000). Trên thế giới, khi nghiên cứu về khuếch tán công nghệ thì việc sử dụng một dữ liệu tốt để phân tích là rất khó (Stokey, 2020). Keller (2002) cho rằng công nghệ là vô hình nên khó đo lường trực tiếp. Do đó, các nghiên cứu đã đưa ra các cách đo lường công nghệ khác nhau. Một số nghiên cứu sử dụng chi R&D đại diện cho đổi mới/công nghệ (Keller, 2002, 2004); bằng sáng chế (Jaffe & cộng sự, 1993; Jaffe & Trajtenberg, 1999; Fischer, Scherngell & cộng sự, 2009); năng suất nhân tố tổng hợp (Nelson & Phelps, 1966; Benhabib & Spiegel, 1994; Abreu & cộng sự, 2004; Benhabib & Spiegel, 2005; Amoroso & Martino, 2020); tỷ lệ chấp nhận công nghệ (Comin & Hobijn, 2010; Comin & cộng sự, 2012; Comin & Mestieri, 2014). 2.2. Khuếch tán công nghệ Khuếch tán công nghệ là quá trình lan rộng các sản phẩm, quy trình, phương pháp quản lý mới trong phạm vi một nền kinh tế và giữa các nền kinh tế với nhau. (Stoneman, 1985). Kết quả của khuếch tán kiến thức công nghệ thể hiện thông qua lợi ích mà các doanh nghiệp lân cận trong cùng một không gian công nghệ nhận được từ các kiến thức của một doanh nghiệp tạo ra (Jaffe, 1986). Robbins (2006) cho rằng kiến thức đổi mới là thông tin về cách để tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm/quy trình và nó có thể lan tỏa từ doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác và cho phép họ cải tiến sản phẩm hoặc giảm chi phí. Cùng cách tiếp cận Caragliu & Del Bo (2011) cho rằng sự lan tỏa kiến thức được hiểu là những tác động tích cực của các phát minh ra công nghệ, sản phẩm hoặc quy trình mới sẽ lan sang các tổ chức khác. Do đó, thị trường công nghệ mới thay đổi theo thời gian và các mô hình sản xuất và sử dụng các sản phẩm và quy trình sản xuất mới. Đây chính là quá trình khuếch tán công nghệ (Stoneman & Battisti, 2010). Lý thuyết lan tỏa kiến thức công nghệ của Griliches (1979) cho rằng năng suất chịu tác động của kiến thức công nghệ bên trong và kiến thức công nghệ bên ngoài. Cơ chế tác động của lan tỏa kiến thức công nghệ bên ngoài đến năng suất thông qua một hàm trọng số khoảng cách về kinh tế hoặc công nghệ. Theo tiếp cận khoảng cách công nghệ, nghiên cứu của Nelson & Phelps (1966) được coi là một trong những nghiên cứu đầu tiên phát triển mô hình phổ biến công nghệ như một hàm của khoảng cách công nghệ giữa người dẫn đầu và người theo sau. Benhabib & Spiegel (1994) đã mở rộng mô hình của Nelson and Phelps (1966). Theo đó, Benhabib & Spiegel (1994) cho rằng không thể bỏ qua sự phổ biến công nghệ giữa các quốc gia, trong đó tính đến khả năng bắt kịp công nghệ. Khả năng bắt kịp công nghệ được xác định 711
  4. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 thông qua tốc độ thay đổi khoảng cách công nghệ giữa quốc gia dẫn đầu và quốc gia đi sau. 2.3. Khuếch tán công nghệ theo không gian Kiến thức công nghệ có khả năng được truyền tải dễ dàng hơn giữa các đối tượng ở các quốc gia gần nhau hơn là các quốc gia ở cách xa nhau. Tương tự, chi phí để áp dụng một công nghệ cụ thể (ví dụ như đường sắt) có thể bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm áp dụng của các nước láng giềng. Các cơ chế này có thể tạo ra một mô hình chấp nhận tương quan ở các quốc gia lân cận (Comin & cộng sự, 2012). Các nghiên cứu đã chứng minh được sự tồn tại của khuếch tán công nghệ theo không gian giữa các quốc gia. Nghiên cứu của Branstetter (2001) đã sử dụng dữ liệu R&D và bằng sáng chế của các doanh nghiệp ở Mỹ và Nhật Bản để tính toán tỷ trọng lan tỏa R&D. Kết quả nghiên cứu cho rằng việc trích dẫn các sáng chế là có tính chất địa phương hóa theo phạm vi địa lý, có nghĩa là sự lan tỏa trong nước mạnh hơn nhiều so với sự lan tỏa giữa các quốc gia. Nghiên cứu của Bottazzi & Peri (2003) ở các nước khu vực EU cho thấy sự phân rã địa lý một cách mạnh mẽ về sự khuếch tán công nghệ giữa các quốc gia và các vùng cụ thể. Sự lan tỏa có tính địa phương hóa và chỉ tồn tại trong khoảng cách 300 km. Nếu tăng gấp đôi chi tiêu cho R&D trong một khu vực sẽ làm tăng sản lượng thu được từ các ý tưởng mới ở các khu vực khác trong phạm vi 300 km chỉ từ 2–3%, trong khi nó sẽ làm tăng sự đổi mới của chính khu vực lên 80–90%. Một số nghiên cứu cũng đưa ra bằng chứng về tác động của khuếch tán công nghệ theo không gian đến năng suất của ngành, doanh nghiệp. Keller (2002) đã chứng minh được sự lan tỏa công nghệ có tính chất địa phương vì khi khoảng cách tăng lên thì lợi ích từ lan tỏa công nghệ sẽ giảm đi. Fischer & cộng sự (2009), Tientao & cộng sự (2016) cho thấy vai trò lan tỏa công nghệ theo không gian đến năng suất nhân tố tổng hợp của các quốc gia phù hợp với Keller (2002). 3. Phương pháp nghiên cứu Bài viết đánh giá tổng quan về các nghiên cứu có liên quan đến khuếch tán công nghệ theo không gian bằng phương pháp tổng quan trắc lượng thư mục. Các dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu là các bài báo được trích xuất từ Google Scholar từ năm 1999 đến năm 2023. Sau khi chọn lọc kỹ các nghiên cứu có liên quan đến chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian, dữ liệu này được phân tích bằng phần mềm VOSviewer. Phương pháp trắc lượng thư mục có tên tiếng anh là “Bibliometric methods”, bao gồm hai phần: phân tích hiệu suất và bản đồ khoa học. Trong đó, phân tích hiệu suất nhằm đánh giá khả năng nghiên cứu và xuất bản của các cá nhân và tổ chức. Lập bản đồ khoa học nhằm xem xét cấu trúc và động lực của các lĩnh vực khoa học. Đây là phương pháp sử dụng định lượng vào việc đánh giá chủ quan các tài liệu nghiên cứu (Zupic & Čater, 2015). Trong nghiên cứu này, các thông tin liên quan đến đồng trích dẫn, phạm vi địa lý chưa được thống kê đầy đủ nên chỉ tập trung vào phân tích đồng tác giả và đồng xuất hiện các từ khóa tác giả trong các nghiên cứu thu thập được. 712
  5. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 Bảng 3. Các từ khóa tìm kiếm trên Google Scholar Xuất hiện bất cứ nơi Chỉ xuất hiện ở Có tất cả các từ nào trong bài viết tiêu đề bài viết Geographic distance on the technology 543.000 (0,12 giây) 0 diffusion Spatial diffusion of technology 4.600.000 (0,10 giây) 30 (0,11 giây) Spatial technology diffusion 5.070.000 (0,05 giây) 44 (0,02 giây) International technology diffusion 5.010.000 (0,16 giây) 209 (0,21 giây) spatial technology knowledge spillovers 150.000 (0,12 giây) 2 (0,06 giây) Tìm kiếm đồng thời các từ khóa 25.400 (0,17 giây) 0 Nguồn: Tác giả tổng hợp ngày 11 tháng 01 năm 2024 Từ khóa tìm kiếm được sử dụng bằng tiếng anh liên quan đến khuếch tán công nghệ theo không gian. Các từ khóa bao gồm: Geographic distance on the technology diffusion (khoảng cách địa lý trong khuếch tán công nghệ), spatial diffusion of technology hoặc spatial technology diffusion (khuếch tán công nghệ theo không gian), international technology diffusion (khuếch tán công nghệ quốc tế), spatial technology knowledge spillovers (lan tỏa kiến thức công nghệ theo không gian). Kết quả trong bảng 1 được tìm kiếm trên Google Scholar theo các tùy chọn được sử dụng trong tìm kiếm nâng cao “có tất cả các từ” và không giới hạn thời gian. Số lượng các bài viết tìm kiếm theo các từ khóa ở trên khá lớn. Tuy nhiên, nghiên cứu sẽ sàng lọc các bài báo liên quan đến khuếch tán công nghệ theo không gian trong giai đoạn 1999 - 2023. Kết quả sàng lọc từ tên của tiêu đề, các nội dung trong tóm lược của bài báo, nghiên cứu đã chọn lọc được 58 bài báo có liên quan bao gồm các thể loại bài tạp chí, working paper, chương sách. 4. Kết quả và thảo luận 4.1. Phân tích đồng xuất hiện từ khóa tác giả Phân tích đồng xuất hiện từ khóa tác giả sẽ phân tích các từ khóa xuất hiện cùng nhau trong một nghiên cứu. Phương pháp này sẽ tìm ra được mạng lưới các chủ đề và mối quạn hệ giữa các chủ đề đó. Điều này sẽ đại diện cho không gian khái niệm của một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Phân tích mạng lưới đồng xuất hiện từ khóa tác giả là phương pháp duy nhất sử dụng nội dung thực tế của các nghiên cứu để xây dựng thước đo độ tương tự của các nghiên cứu. Trong khi đó, các phương pháp như phân tích đồng trích dẫn hoặc đồng tác giả chỉ cung cấp kết nối các nghiên cứu một cách gián tiếp (Zupic & Čater, 2015). Từ khóa tác giả (keywords) là các từ khóa được tác giả xác định và xuất hiện trong bài nghiên cứu. Đối với các bài tạp chí, các từ khóa thường xuất hiện ở đầu gần phần tóm tắt (abstract). Các bài nghiên cứu dạng working paper hoặc chương sách, thường sẽ không có các từ khoá này. Các nghiên cứu về khuếch tán công nghệ theo không gian được sử dụng một số từ khóa quan trọng như lan tỏa kiến thức, khuếch tán công nghệ, khả năng hấp thụ. 713
  6. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 Hình 3. Đám mây từ khóa tác giả Nguồn: Tác giả sử dụng các từ khóa thu thập được trong dữ liệu Hình 1 cho thấy kết quả phân tích dựa trên sự xuất hiện đồng thời của các từ khóa tác giả. Theo đó, các từ khóa được xuất hiện nhiều nhất trong các nghiên cứu về khuếch tán công nghệ theo không gian là lan tỏa kiến thức (knowledge spillover), khuếch tán công nghệ (technology diffusion), năng lực hấp thụ (absorptive capacity), năng suất nhân tố tổng hợp (TFP),... Các từ khóa tác giả cho thấy các nghiên cứu về công nghệ được đo lường theo nhiều phương pháp khác nhau, trong đó kiến thức là một dạng công nghệ được đại diện bằng R&D, bằng sáng chế (Keller, 2002, 2004; Fischer, Scherngell & cộng sự, 2009). Do đó, từ khóa lan tỏa kiến thức đã được sử dụng nhiều trong chủ đề nghiên cứu này. Tiếp theo là các từ khóa khuếch tán công nghệ, khuếch tán không gian, khả năng hấp thụ, năng suất nhân tố tổng hợp. Trung Quốc là quốc gia được nhiều nghiên cứu xem xét trong chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian. Để nghiên cứu sự đồng xuất hiện của các từ khóa tác giả trong các nghiên cứu theo thời gian, thực hiện trên VOSviewer, kết quả được thể hiện ở hình 2. Mỗi từ khóa là một nút tròn, mỗi nút sẽ liên kết với nhau bởi một đường. Đường liên kết càng đậm thể hiện sự xuất hiện cùng nhau trong các nghiên cứu của các từ khóa này càng nhiều. Hình 4. Mạng đồng xuất hiện các từ khóa tác giả theo năm Nguồn: Kết quả phân tích từ phần mềm VOSviewer 714
  7. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 Hình trên thể hiện các nút tròn lớn như lan tỏa kiến thức, khuếch tán công nghệ, TFP, khả năng hấp thụ,… thể hiện các từ khóa xuất hiện nhiều trong các bài báo nghiên cứu. Từ khóa khuếch tán công nghệ thường xuất hiện cùng với các từ khóa như lan tỏa kiến thức, khuếch tán không gian, chuyển giao công nghệ, vốn nhân lực, FDI, thương mại quốc tế, kinh tế lượng không gian. Từ khóa lan tỏa kiến thức thường đồng xuất hiện với năng suất, R&D, khuếch tán không gian, khuếch tán công nghệ, TFP, năng lực hấp thụ. Từ khóa năng lực hấp thụ cũng được xuất hiện nhiều trong các nghiên cứu về khuếch tán công nghệ không gian. Từ khóa này thường xuất hiện cùng với các từ khóa như lan tỏa kiến thức, lan tỏa công nghệ quốc tế, TFP, năng suất, hội tụ, kinh tế lượng không gian, sự gần gũi về địa lý và công nghệ. Xét theo thời gian, trước năm 2005, các từ khóa thường xuất hiện như thay đổi công nghệ, đổi mới, thương mại. Giai đoạn 2010 – 2015, các nghiên cứu tập trung lan tỏa đổi mới, lan tỏa kiến thức, năng suất, TFP, khuếch tán không gian, khuếch tán công nghệ quốc tế. Những năm gần đây, các nghiên cứu tập trung lan tỏa vùng, mô hình không gian, công nghệ xanh. Nếu tùy chọn các từ khóa xuất hiện ít nhất ba lần trong dữ liệu thì mạng lưới đồng xuất hiện của các từ khóa tác giả sẽ được phân chia theo các cụm. Kết quả cho thấy, có ba cụm từ khóa tác giả với 14 mục tương ứng với 14 từ khóa được xuất hiện ít nhất ba lần. Hình 5. Phân chia các cụm đồng xuất hiện của từ khóa tác giả Nguồn: Kết quả phân tích từ phần mềm VOSviewer Cụm thứ nhất thể hiện trên bản đồ với màu đỏ gồm 5 từ khóa xuất hiện như khuếch tán công nghệ, FDI, khuếch tán công nghệ quốc tế, khuếch tán không gian, thương mại quốc tế. Cụm này thể hiện các kênh khuếch tán công nghệ bao gồm thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Coe & Helpman (1995) là một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu về tầm quan trọng của nhập khẩu trong việc chuyển giao công nghệ nước ngoài cho các ngành công nghiệp trong nước và thúc đẩy tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Các nghiên cứu của Xu & Wang (1999), Eaton & Kortum (2001) cho thấy trao đổi tư liệu sản xuất có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa những lợi ích của tiến bộ công nghệ. Kết quả nghiên cứu của Keller (2010) chỉ ra tác động lan tỏa công nghệ xảy ra khi các công ty đa quốc gia nhập khẩu hàng hóa trung gian từ công ty mẹ đồng thời thực hiện sản xuất các đầu vào khác tại địa phương. Cụm thứ hai màu xanh lá cây với 5 từ khóa là năng suất, khuếch tán, R&D, lan tỏa, hội 715
  8. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 tụ. Cụm này thể hiện tác động của khuếch tán/lan tỏa công nghệ thông qua R&D đến hội tụ năng suất. Các nghiên cứu của Keller (2000, 2002) đã chỉ ra rằng chi tiêu R&D trong nước và R&D nước ngoài có tác động tích cực đến năng suất ngành công nghiệp. Nghiên cứu của Cameron & cộng sự (2005) cũng cho thấy vai trò của R&D trong thúc đẩy tốc độ đổi mới tác động đến hội tụ năng suất. Cụm thứ ba màu xanh dương có 4 từ khóa như khả năng hấp thụ, lan tỏa kiến thức, kinh tế lượng không gian, năng suất nhân tố tổng hợp TFP. Các từ khóa trong cụm này có thể cho biết vai trò của khả năng hấp thụ đến mức độ tác động của lan tỏa kiến thức công nghệ theo không gian đối với năng suất nhân tố tổng hợp TFP. Khả năng hấp thụ công nghệ thể hiện nội lực của một doanh nghiệp để xác định, đồng hóa và khai thác tri thức từ môi trường bên ngoài (Cohen & Levinthal, 1990) và là yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả của sự tương tác của các doanh nghiệp với môi trường tri thức bên ngoài (Mitze & Makkonen, 2020). Nghiên cứu của Kneller (2005) cho thấy, khả năng hấp thụ có đóng góp tích cực và đáng kể vào tác động của công nghệ tiên tiến tới năng suất trong nước. 4.2. Mạng lưới đồng tác giả về nghiên cứu khuếch tán công nghệ theo không gian Đồng tác giả các ấn phẩm khoa học được coi là thước đo của sự hợp tác, liên kết nghiên cứu giữa các tác giả trong bài báo (Zupic & Čater, 2015). Phân tích mạng lưới đồng tác giả về vấn đề khuếch tán công nghệ theo không gian có thể cung cấp bằng chứng về sự hợp tác nghiên cứu và công bố các bài báo giữa các tác giả liên quan đến chủ đề này. Hình 4 và hình 5 trình bày về mạng lưới hợp tác giữa các tác giả trong các nghiên cứu về chủ đề này. Hình 6. Mạng lưới đồng tác giả theo số lượng trích dẫn của nghiên cứu Nguồn: Kết quả phân tích từ phần mềm VOSviewer Biểu đồ cho biết các tác giả có ít nhất 2 bài nghiên cứu được liệt kê trong dữ liệu. Các nút tương ứng với mỗi tác giả càng lớn thì thể hiện số lượng trích dẫn của các nghiên cứu của các tác giả càng nhiều. Kết quả cho thấy, các nghiên cứu của tác giả Wolfgang Keller về chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian có số lượng trích dẫn lớn nhất (5984 trích dẫn). Tiếp 716
  9. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 theo là tác giả Bin Xu có 1797 bài báo trích dẫn từ các nghiên cứu của ông. Trong bản đồ trực quan trên, một số nút có đường liên kết thể hiện các tác giả sự hợp tác nghiên cứu với nhau. Trong đó, các nhóm tác giả Andrea Caragliu và Perter Nijkamp, Manfed M Fischer và Thomas Scherngell, Yum K Kwan và Mi Lin có sự hợp tác nghiên cứu với nhau. Trong khi đó, một số tác giả có nhiều công bố với các nghiên cứu độc lập như Wolfgang Keller, Bin Xu, Fei Fan, Wei Jin. Hình 7. Mạng lưới đồng tác giả với ít nhất một tài liệu Nguồn: Kết quả phân tích từ phần mềm VOSviewer Nếu chỉ xét các tác giả có ít nhất một nghiên cứu xuất hiện trong dữ liệu, thì bản đồ cho thấy sự hợp tác thể hiện mạnh hơn. Sự thay đổi về kích thước của các nút trong bản đồ tỷ lệ thuận với số lượng bài viết của các tác giả trong mẫu nghiên cứu. Biểu đồ trên cho thấy có 9 tác giả có ít nhất 1 bài hợp tác với nhau để nghiên cứu trong lĩnh vực này. Trong đó, tác giả Fei Fan có sự liên kết rộng nhất với 8 tác giả khác. Các tác giả có 4 sự liên kết trong công bố bài báo bao gồm Xiaohua Ye, Song Wang, Xueli Wang và Lei Wang. Các tác giả Minqui Zhang, Jiangqing Zhang, Haichao Yu có 3 sự liên kết với các tác giả khác để công bố bài nghiên cứu. 5. Kết luận Phân tích trắc lượng thư mục đối với chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian đã chỉ ra được mạng lưới đồng tác giả và đồng xuất hiện của các từ khóa tác giả trong chủ đề này. Đối với phân tích đồng xuất hiện các từ khóa tác giả, kết quả cho thấy rằng, trong lĩnh vực nghiên cứu này, các từ khóa thường xuất hiện cùng nhau như khuếch tán công nghệ, lan tỏa kiến thức, khuếch tán không gian, năng suất nhân tố tổng hợp, năng lực hấp thụ. Mẫu nghiên cứu cũng chỉ ra mạng lưới đồng xuất hiện các từ khóa tác giả phân chia thành ba cụm khác nhau liên quan đến ba vấn đề nghiên cứu. Các vấn đề nghiên cứu này cũng phù hợp với một số nội dung nghiên cứu cụ thể của các tác giả trong chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian. Theo đó, các cụm nội dung nghiên cứu từ phân tích đồng xuất hiện từ khóa tác giả bao gồm: thứ nhất, các kênh khuếch tán công nghệ bao gồm thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI; thứ hai, tác động của khuếch tán/lan tỏa công nghệ đến hội tụ năng suất; Thứ ba, 717
  10. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 vai trò của khả năng hấp thụ đến mức độ tác động của lan tỏa kiến thức công nghệ theo không gian đối với năng suất nhân tố tổng hợp TFP. Đối với phân tích đồng tác giả, mẫu nghiên cứu đã chỉ ra một số tác giả chính có nhiều nghiên cứu về chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian như Wolfgang Keller, Bin Xu với nhiều trích dẫn của các bài báo có liên quan. Một số tác giả có sự hợp tác với nhau để công bố nghiên cứu như tác giả Fei Fan hợp tác với 8 tác giả, hoặc mỗi tác giả có 4 liên kết với các tác giả khác để nghiên cứu như Xiaohua Ye, Song Wang, Xueli Wang và Lei Wang. Như vậy, bài báo đã cung cấp một số bằng chứng liên quan đến xu hướng nghiên cứu, các tác giả quan trọng hay sự kết hợp nghiên cứu của các tác giả về chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian. Những phát hiện từ nghiên cứu có thể bổ sung thêm các bằng chứng quan trọng, cung cấp các thông tin trực quan nhằm thu hẹp khoảng trống nghiên cứu liên quan đến chủ đề này. Đồng thời, bài viết đã làm rõ về phương pháp định lượng được sử dụng trong các bài báo tổng quan. Chủ đề khuếch tán công nghệ được nghiên cứu khái quát bằng phương pháp trắc lượng thư mục đã giúp người đọc có cái nhìn chung nhất về các từ khóa, các tác giả chủ yếu, các mối liên kết nghiên cứu giữa các tác giả xét về số trích dẫn và số lượng bài nghiên cứu. Phương pháp này có thể hoàn toàn thực hiện độc lập trong các nghiên cứu tổng quan, hoặc có thể sử dụng kết hợp với các phương pháp tổng quan khác để có thể cung cấp thông tin sâu và rộng hơn về các chủ đề nghiên cứu khác nhau. Điểm hạn chế của nghiên cứu này thể hiện thông qua việc thu thập dữ liệu về các bài báo chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian. Số liệu các bài báo sử dụng phân tích trong nghiên cứu này chủ yếu dựa vào cơ sở dữ liệu của Google Scholar. Đây là nguồn dữ liệu lớn được các nhà khoa học sử dụng phổ biến trong việc tiếp cận tìm tài liệu nghiên cứu. Tuy nhiên, Google Scholar không cung cấp giao diện trích xuất tự động danh sách thông tin các tài liệu tham khảo giống như cơ sở dữ liệu của Scopus hoặc Web of Science. Do đó, tác giả đã phải tập hợp thủ công phỏng theo mẫu dữ liệu của Scopus để đưa vào phần mềm VOSviewer nhằm phân tích theo phương pháp trắc lượng thư mục. Bài viết sẽ bị hạn chế bởi số lượng các bài báo về chủ đề khuếch tán công nghệ theo không gian. Đồng thời, các thông tin tập hợp từ Google Scholar không đủ theo thông tin từ cơ sở dữ liệu Scopus nên nội dung bài nghiên cứu này chỉ phân tích nội dung mạng lưới đồng tác giả và đồng xuất hiện từ khóa tác giả. Hướng nghiên cứu trong tương lai liên quan đến phương pháp trắc lượng thư mục sẽ mở rộng hơn với tiếp cận từ cơ sở dữ liệu của Scopus hoặc Web of Science. Đồng thời có thể kết hợp phân tích với phương pháp tổng quan hệ thống nhằm trả lời một số câu hỏi nghiên cứu liên quan đến chủ đề này thông qua tổng quan các tài liệu. 718
  11. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 TÀI LIỆU THAM KHẢO Abreu, M., de Groot, H. L., & Florax, R. J. (2004). Spatial patterns of technology diffusion: An empirical analysis using TFP. Tinbergen Institute Discussion Paper, No. 04- 079/3. Amoroso, S., & Martino, R. (2020). Regulations and technology diffusion in Europe: The role of Industry dynamics. Benhabib, J., & Spiegel, M. M. (1994). The role of human capital in economic development evidence from aggregate cross-country data. Journal of Monetary Economics, 34(2), 143–173. Benhabib, J., & Spiegel, M. M. (2005). Human capital and technology diffusion. Handbook of Economic Growth, 1, 935–966. Boschma, R. (2005). Proximity and innovation: A critical assessment. Regional Studies, 39(1), 61–74. Bottazzi, L., & Peri, G. (2003). Innovation and spillovers in regions: Evidence from European patent data. European Economic Review, 47(4), 687–710. Branstetter, L. G. (2001). Are knowledge spillovers international or intranational in scope?: Microeconometric evidence from the US and Japan. Journal of International Economics, 53(1), 53–79. Cameron, G., Proudman, J., & Redding, S. (2005). Technological convergence, R&D, trade and productivity growth. European Economic Review, 49(3), 775–807. Caragliu, A., & Del Bo, C. (2011). Determinants of spatial knowledge spillovers in Italian provinces. Socio-Economic Planning Sciences, 45(1), 28–37. Coe, D. T., & Helpman, E. (1995). International R&D spillovers. European Economic Review, 39(5), 859–887. Cohen, W. M., & Levinthal, D. A. (1990). Absorptive capacity: A new perspective on learning and innovation. Administrative Science Quarterly, 128–152. Comin, D., Dmitriev, M., & Rossi-Hansberg, E. (2012). The spatial diffusion of technology. National Bureau of Economic Research. Comin, D., & Hobijn, B. (2010). An exploration of technology diffusion. American Economic Review, 100(5), 2031–2059. Comin, D., & Mestieri, M. (2014). Technology diffusion: Measurement, causes, and consequences. In Handbook of economic growth (Vol. 2, pp. 565–622). Elsevier. Eaton, J., & Kortum, S. (2001). Trade in capital goods. European Economic Review, 45(7), 1195–1235. Fischer, M. M., Bartkowska, M., Riedl, A., Sardadvar, S., & Kunnert, A. (2009). The impact of human capital on regional labor productivity in Europe. Letters in Spatial and Resource Sciences, 2, 97–108. Fischer, M. M., Scherngell, T., & Reismann, M. (2009). Knowledge spillovers and total factor productivity: Evidence using a spatial panel data model. Geographical Analysis, 41(2), 204–220. 719
  12. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 Gong, G., & Keller, W. (2003). Convergence and polarization in global income levels: A review of recent results on the role of international technology diffusion. Research Policy, 32(6), 1055–1079. https://doi.org/10.1016/S0048-7333(02)00136-1 Griliches, Z. (1979). Issues in assessing the contribution of research and development to productivity growth. The Bell Journal of Economics, 10, 92–116. Jaffe, A. B. (1986). Technological opportunity and spillovers of R&D: evidence from firms’ patents, profits and market value. national bureau of economic research Cambridge, Mass., USA. Jaffe, A. B., & Trajtenberg, M. (1999). International knowledge flows: Evidence from patent citations. Economics of Innovation and New Technology, 8(1–2), 105–136. Jaffe, A. B., Trajtenberg, M., & Henderson, R. (1993). Geographic localization of knowledge spillovers as evidenced by patent citations. The Quarterly Journal of Economics, 108(3), 577–598. Keller, W. (2000). Geographic Localization of International Technology Diffusion (Working Paper Series). National Bureau of Economic Research. Keller, W. (2002). Geographic localization of international technology diffusion. American Economic Review, 92(1), 120–142. Keller, W. (2004). International technology diffusion. Journal of Economic Literature, 42(3), 752–782. Keller, W. (2010). International trade, foreign direct investment, and technology spillovers. In Handbook of the Economics of Innovation (Vol. 2, pp. 793–829). Elsevier. Kneller, R. (2005). Frontier Technology, Absorptive Capacity and Distance*. Oxford Bulletin of Economics and Statistics, 67(1), 1–23. https://doi.org/10.1111/j.1468- 0084.2005.00107.x Mitze, T., & Makkonen, T. (2020). When interaction matters: The contingent effects of spatial knowledge spillovers and internal R&I on firm productivity. The Journal of Technology Transfer, 45(4), 1088–1120. Nelson, R. R., & Phelps, E. S. (1966). Investment in humans, technological diffusion, and economic growth. The American Economic Review, 56(1/2), 69–75. Robbins, C. A. (2006). The impact of gravity-weighted knowledge spillovers on productivity in manufacturing. The Journal of Technology Transfer, 31(1), 45–60. Sarkar, J. (1998). Technological diffusion: Alternative theories and historical evidence. Journal of Economic Surveys, 12(2), 131–176. Stokey, N. L. (2020). Technology diffusion. Review of Economic Dynamics. https://doi.org/10.1016/j.red.2020.09.008 Stoneman, P. (1985). Technological diffusion: The viewpoint of economic theory. Stoneman, P., & Battisti, G. (2010). The diffusion of new technology. In Handbook of the Economics of Innovation (Vol. 2, pp. 733–760). Elsevier. Tientao, A., Legros, D., & Pichery, M. C. (2016). Technology spillover and TFP growth: A spatial Durbin model. International Economics, 145, 21–31. 720
  13. PHÂN TÍCH ĐỊNH LƯỢNG CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ LẦN THỨ 3 Xu, B., & Wang, J. (1999). Capital goods trade and R&D spillovers in the OECD. Canadian Journal of Economics, 1258–1274. Yingcheng, L., Weiting, X., & Xiaowu, H. (2021). The geography of intercity technological proximity: Evidence from China. International Journal of Urban Sciences, 1–16. Zupic, I., & Čater, T. (2015). Bibliometric Methods in Management and Organization. Organizational Research Methods, 18(3), 429–472. https://doi.org/10.1177/1094428114562629 721
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2