YOMEDIA
ADSENSE
Kì thị đối với người khuyết tật – Rào cản trong thực hiện giáo dục hòa nhập
89
lượt xem 3
download
lượt xem 3
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở của định hướng lí thuyết mô hình xã hội của khuyết tật – coi những rào cản xã hội (chứ không phải chỉ tình trạng khuyết tật) là nguyên nhân chính của tình trạng bị thiệt thòi và loại trừ xã hội của người khuyết tật (NKT) trong cuộc sống hòa nhập nói chung và của trẻ khuyết tật (TKT) trong môi trường giáo dục hòa nhập (GDHN).
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Kì thị đối với người khuyết tật – Rào cản trong thực hiện giáo dục hòa nhập
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0115 Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6BC, pp. 97-101 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn KÌ THỊ ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT – RÀO CẢN TRONG THỰC HIỆN GIÁO DỤC HÒA NHẬP Đỗ Thị Thanh Thủy Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở của định hướng lí thuyết mô hình xã hội của khuyết tật – coi những rào cản xã hội (chứ không phải chỉ tình trạng khuyết tật) là nguyên nhân chính của tình trạng bị thiệt thòi và loại trừ xã hội của người khuyết tật (NKT) trong cuộc sống hòa nhập nói chung và của trẻ khuyết tật (TKT) trong môi trường giáo dục hòa nhập (GDHN). Kì thị đối với NKT tạo ra những “rào cản” về mặt xã hội và môi trường xã hội bất lợi đó có xu hướng cản trở TKT trước các cơ hội hòa nhập và làm tăng nguy cơ TKT bị loại trừ khỏi các cơ hội tiếp cận các dịch vụ, làm TKT mất tự tin, tự cô lập và mặc cảm, không muốn vươn lên, từ đó dẫn đến làm hạn chế sự tiến bộ của TKT. Để giảm bớt và tiến tới xóa bỏ những kì thị đối với người khuyết tật, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện GDHN TKT, cần tạo được cơ hội và môi trường để mọi người trong cộng đồng có sự thay đổi nhận thức về quyền con người và khả năng, nhu cầu của người khuyết tật nói chung và TKT nói riêng thông qua sự phối hợp các kênh thông tin, giáo dục và truyền thông để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng đối với NKT nói chung và đối với TKT nói riêng. Từ khóa: Kì thị, người khuyết tật, giáo dục hòa nhập, trẻ khuyết tật, rào cản. 1. Mở đầu Theo một nghiên cứu đánh giá gần đây về tình hình khuyết tật ở Việt Nam đã nhấn mạnh: “nhu cầu cấp thiết phải thay đổi thái độ tiêu cực của xã hội đang làm cản trở sự tiến bộ của người khuyết tật (NKT), trong đó kì thị đối với NKT được coi là vấn đề cốt lõi cần đạt nhiều thành công hơn nữa” [5, tr. 18]. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu những rào cản (về mặt xã hội) trong tiến trình thực hiện GDHN TKT. Giáo dục hòa nhập (GDHN) trẻ khuyết tật (TKT) là một xu thế tất yếu của thời đại và dựa trên quan điểm xã hội trong việc nhìn nhận, đánh giá đúng TKT. Kì thị đối với NKT nói chung và với TKT nói riêng sẽ tạo nên “rào cản xã hội” trong thực hiện GDHN. Các nghiên cứu đã chứng minh: kì thị là nguyên nhân chính hạn chế các cơ hội sống của NKT và kì thị là nguyên chính của 19% những bất công đối với học sinh khuyết tật trong nhà trường [4, tr. 16]. Môi trường xã hội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của TKT. Do đó, GDHN cần tạo được môi trường xã hội “không kì thị” sẽ góp phần giúp TKT được bình đẳng, cùng tham gia các hoạt động và phát triển như mọi trẻ em khác. Ngày nhận bài: 28/5/2015. Ngày nhận đăng: 15/8/2015. Liên hệ: Đỗ Thị Thanh Thủy, e-mail: thanhthuyhuy75@yahoo.com. 97
- Đỗ Thị Thanh Thủy 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Một số vấn đề lí luận 2.1.1. Khuyết tật Nhiều mô hình, khái niệm đã được đưa ra để giải thích về khuyết tật, trong số đó hai mô hình quan trọng nhất về khuyết tật là mô hình y học (coi khuyết tật là tình trạng thể chất của một cá nhân làm giảm chất lượng cuộc sống và gây ra những thiệt thòi cho cá nhân đó) và mô hình xã hội về khuyết tật (cho rằng những rào cản và định kiến cũng như sự không chấp nhận của xã hội (có chủ ý và không chủ ý) là những yếu tố chính xác định ai là người khuyết tật và ai không là người khuyết tật). Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật, Luật người khuyết tật (năm 2010) đã quy định cách hiểu về NKT là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; Các dạng tật được quy định gồm 6 dạng: khuyết tật vận động, khuyết tật nghe nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật thần kinh và tâm thần, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật khác [2;16-17]. Khuyết tật là một thách thức lớn về mặt xã hội ở Việt Nam, tỉ lệ dân số khuyết tật là rất đáng kể. Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tỉ lệ NKT chiếm 7,1% tổng dân số, trong đó có rất nhiều người là nạn nhân của chiến tranh [1, tr. 8]. NKT nói chung và TKT nói riêng có thể tham gia vào các hoạt động như mọi thành viên khác trong cộng đồng. Tuy nhiên, TKT có được tham gia các hoạt động đó để thể hiện và phát triển các tiềm năng của bản thân hay không tùy thuộc phần lớn vào sự tạo điều kiện của cộng đồng và toàn xã hội. 2.1.2. Kì thị đối với người khuyết tật - Khái niệm kì thị: Kì thị đã được đề cập trong khá nhiều nghiên cứu và một số học giả khác nhau đã đưa ra những định nghĩa khác nhau. Trong bài viết này, khái niệm kì thị được đề cập đến như là một quá trình xã hội hoặc trải nghiệm cá nhân có liên quan đến việc loại bỏ, xã lánh, khiển trách hoặc hạ thấp giá trị do trải qua phán xét xã hội bất lợi về một người hoặc một nhóm người (Weiss và Ramakrishna) [4]. Có hai dạng kì thị chủ yếu, đó là: “kì thị cảm nhận”/(perceived stigma) (hay còn gọi là ”tự kì thị”/”kì thị nội tâm”) - nói đến một sự kì thị nhập tâm mà làm mất đi lòng tự trọng và sự tự tin của một ai đó, một cá nhân cảm thấy sự hạ thấp giá trị, xấu hổ) và “kì thị gặp phải”/(enacted stigma) - nói đến những trải nghiệm thực tế của một cá nhân đối với sự phân biệt đối xử của người khác với mình. Kì thị có đặc điểm thường gắn liền với một số tình trạng sức khỏe mãn tính và khuyết tật. - Kì thị với người khuyết tật: Kì thị NKT bắt nguồn từ các định kiến và được thể hiện qua thái độ, hành vi ứng xử thể hiện sự khinh thường hoặc thiếu tôn trọng đối với NKT - đó có thể là những thái độ và hành vi phân biệt đối xử, thiếu tôn trọng, coi thường hay xúc phạm NKT một cách vô tình hay cố ý dưới nhiều dạng và trong nhiều bối cảnh khác nhau (từ gia đình, cộng đồng tới trường học, bệnh viện, nơi làm việc . . . ) . . . Chính sự kì thị đối với NKT có ảnh hưởng, tác động ngược trở lại tới tâm lí tự ti, mặc cảm của NKT. Theo Điều 1, điểm 2 và 3 của Luật Người khuyết tật (2010) đã đưa ra định nghĩa về kì thị với người khuyết tật như sau: “Kì thị NKT được hiểu là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng NKT vì lí do khuyết tật của người đó” [2, tr. 17]. Kì thị đối với NKT là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc NKT không được hòa nhập vào các hoạt động văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của cộng đồng [2, tr.22]. Kết quả nghiên cứu của 98
- Kì thị đối với người khuyết tật - rào cản trong thực hiện giáo dục hòa nhập Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội về kì thị liên quan đến khuyết tật năm 2011 (khảo sát tại 8 tỉnh/thành phố ở Việt Nam) cho thấy: Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ kì thị cũng như xu hướng trải nghiệm sự kì thị đối với NKT có thể kể đến là: Mức độ khuyết tật và loại khuyết tật, độ tuổi, trình độ học vấn của NKT, văn hóa tương tác trong gia đình và ngoài xã hội của khu vực NKT sinh sống, tình trạng kinh tế. Cụ thể: NKT có điểm số kì thị cao hơn và có nguy cơ bị kì thị ở mức độ cao nhiều hơn so với người không khuyết tật (NKT có xu hướng trải nghiệm kì thị ở mức độ cao gấp 1,8 lần so với người không khuyết tật, tùy thuộc vào dạng khuyết tật và mức độ khó khăn). Đặc biệt những người có khó khăn về ghi nhớ, giao tiếp và tự chăm sóc bản thân có tỉ lệ bị kì thị cao hơn những người có khó khăn khác; người trẻ tuổi bị kì thị ở mức độ cao hơn và có điểm số kì thị cao hơn so với nhóm tuổi lớn hơn; kì thị phổ biến hơn trong nhóm NKT nghèo [4;18]. Kì thị đối với NKT tạo nên sự chưa chấp nhận NKT trong xã hội cũng như những mặc cảm, tự ti của NKT mà nguyên nhân chủ yếu là nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng về khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội của NKT. 2.1.3. Giáo dục hòa nhập và những rào cản do kì thị đối với người khuyết tật trong thực hiện giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật a. Khái niệm giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật GDHN TKT là một tiến trình tất yếu vì nó đáp ứng mục tiêu giáo dục, làm thay đổi quan điểm giáo dục về đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh trong lớp học nói riêng và trong môi trường giáo dục nói chung, nhìn nhận khả năng của học sinh và mang lại hiệu quả cao trong giáo dục phát triển toàn diện cho HS. Tại Hội nghị về Giáo dục cho TKT tại Agra, Ấn Độ (3/1998) do UNESCO tổ chức đã khẳng định “xu hướng GDHN cho mọi trẻ em” [3;15]. GDHN xuất phát từ quan điểm xã hội về GD- coi nhà trường như một xã hội thu nhỏ và phản ánh tính chất đa dạng của xã hội. GDHN là hỗ trợ mọi học sinh, trong đó có TKT, cơ hội bình đẳng tiếp nhận dịch vụ GD với những hỗ trợ cần thiết trong các hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi và tham gia các hoạt động khác nhằm chuẩn bị cho trẻ trở thành những thành viên đầy đủ của xã hội. Điều này cũng có nghĩa là trong GDHN, TKT cần được: Không bị phân biệt đối xử (được tạo điều kiện để học tập, sinh hoạt, vui chơi trong cùng một mái trường với các bạn cùng trang lứa), tham gia mọi hoạt động trong nhà trường và cộng đồng. được giaó dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi cá nhân TKT. GDHN dựa trên quan điểm tích cực về TTK - mọi TKT đều có những năng lực nhất định, là chủ thể chứ không phải là đối tượng thụ động trong quá trình tiếp nhận các tác động GD. Trong GDHN, gia đình, cộng đồng, xã hội cần tạo ra sự hợp tác và hòa nhập với cá em trong mọi hoạt động để TKT được tham gia đầy đủ và bình đẳng mọi công việc và hoạt động trong nhà trường và cộng đồng theo đúng nghĩa “trường học cho mọi trẻ em, trong một xã hội cho mọi người”. Điều này sẽ tạo cho TKT niềm tin, lòng tự trọng, ý chí vươn lên để đạt đến mức cao nhất mà năng lực của mình cho phép. b. Rào cản trong giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật - “Rào cản” trong GDHN TKT là đề cập tới tất cả những gì làm cản trở quá trình TKT được tham gia vào trong các hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi trong môi trường trường/lớphọc hòa nhập và cộng đồng xã hội. Rào cản trong GDHN khiến TKT không được tiếp cận trường học, không đi học đều và không học tốt. Do đó, GDHN là một quá trình bắt đầu từ việc xác định tới việc giảm bớt và xoá bỏ mọi rào cản trong và xung quanh nhà trường, để có môi trường học tập hòa nhập, thân thiện, giúp TKT được tham gia, bình đẳng và phát triển. - “Rào cản” do kì thị đối với người khuyết tật trong thực hiện giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật: Kì thị đối với NKT là một trong những yếu tố quan trọng gây cản trở việc tiếp cận các cơ hội giáo dục của NKT nói chung và TKT nói riêng cũng như tạo ảnh hưởng tới suy nghĩ, tình cảm. Kì thị đối với NKT có thể gây ra những “rào cản” khiến TKT không được đến trường hoặc 99
- Đỗ Thị Thanh Thủy TKT đã được đến trường nhưng TKT còn mặc cảm, tự ti và không phát huy được hết khả năng của bản thân. Kết quả nghiên cứu điều tra xã hội có quy mô lớn của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (năm 2006) trên 8.068 hộ gia đình ở 49 phường, xã của bốn địa phương có tỉ lệ NKT cao (Thái Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam và Đồng Nai) [1] cho thấy những “rào cản” này ở NKT nói chung cũng như TKT nói riêng được thể hiện qua một số khía cạnh trong cuộc sống như: quan niệm tiêu cực của cộng đồng đối với NKT (98% người dân cộng đồng cho rằng NKT là những người “đáng thương”, 76% cho rằng nên được gửi vào các trung tâm để có được “chăm sóc tốt hơn”, 66% cho rằng NKT không thể có cuộc sống “bình thường” như những người khác, 40% ý kiến cho rằng NKT ỷ lại vào người khác . . . ); NKT bị phân biệt đối xử trong cộng đồng dưới nhiều hình thức (NKT bị lăng mạ (54,2%), bị coi thường (17%), bị phớt lờ trong các hoạt động của cộng đồng (11,5%) . . . ); NKT bị phân biệt đối xử trong tham gia hoạt động xã hội (tùy theo dạng khuyết tật, từ 11% đến 63% người dân cộng đồng cho rằng NKT không nên tham gia các hoạt động cộng đồng, đối chiếu với thực tế cho thấy 81,6% NKT không tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao trong cộng đồng); sự phân biệt đối xử cũng có thể được thể hiện ngay trong gia đình NKT (NKT bị gia đình coi là gánh nặng (40%), bị bỏ mặc không chăm sóc (8,5%), bị coi thường (16%) . . . ); phân biệt đối xử NKT thể hiện trong giáo dục (nhu cầu học tập của NKT được nhận thức và đánh giá thấp, các hoạt động học tập, giao tiếp của NKTvới giáo viên và bạn cùng lớp gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng của trường không thân thiện với NKT, giáo viên thiếu kĩ năng làm việc với NKT. . . ). Kì thị đối với NKT tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự hòa nhập về mặt xã hội, có thể hủy hoại lòng tự trọng và lấy đi những cơ hội xã hội của TKT. Trải nghiệm sự kì thị ở NKT có tác động lớn đến sự tự tin và có thể càng làm gia tăng cảm giác bị loại bỏ, xa lánh, sống cách li xã hội và cảm giác vô dụng của bản thân. Nghiêm trọng hơn, những kì thị do cộng đồng và gia đình thậm chí có thể biến “khiếm khuyết” thành “khuyết tật”. Mặc dù trong những năm qua, GDHN TKT đã đạt được những thành tựu dáng ghi nhận (nhận thức về GD TKT được nâng cao rõ rệt trong cộng đồng, hệ thống quản lí nhà nước về GD TKT được hình thành và đi vào hoạt động có nền nếp, nguồn lực cho GD TKT đang được hình thành và phát triển, quy mô các trường GDHN ngày càng được mở rộng, chất lượng GDHN ngày từng bước được nâng lên . . . ), song những khó khăn, trở ngại của GDHN còn không ít: Số lượng TKT đi học còn hạn chế, chất lượng GD TKT còn ở mức khiêm tốn, đặc biệt số học sinh khuyết tật hiện đang học hòa nhập còn hạn chế về “hòa nhập văn hóa” và chưa phát triển hết tiềm năng của mình . . . [3]. GDHN tạo cơ hội hợp tác giữa các lực lượng tham gia vì sự nghiệp GD TKT. GDHN chỉ thành công khi có sự hợp tác, hỗ trợ giữa các lực lượng GD. Ngoài giáo viên và nhà trường, các lực lượng có thể đóng góp tích cực cho công tác GDHN là gia đình TKT và gia đình trẻ không khuyết tật, Hội phụ huynh, cán bộ y tế, chính quyền địa phương, các tổ chức doàn thể ở địa phương (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh . . . ). Thay đổi thái độ kì thị đối với NKT sẽ góp phần giảm trải nghiệm kì thị và tăng cường sự tự tin của TKT khi tham gia các hoạt động giáo dục cũng như các hoạt động trong cộng đồng, giảm bớt rào cản xã hội trong thực hiện GDHN TKT, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập TKT. Quan điểm, thái độ và hành động của cộng đồng có ảnh hưởng quan trọng đối với GDHN TKT. Sự ủng hộ, giúp đỡ từ những người xung quanh trong cộng đồng sẽ có tác động giúp gia đình TKT giảm mặc cảm khi đưa con em mình đến trường; chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể cần có tiếng nói, sự giúp đỡ cụ thể và cần đi đầu trong công tác vận động, giúp đỡ TKT ra lớp hòa nhập; cộng đồng cần là nơi đùm bọc, cưu mang TKT, tạo điều kiện để TKT có cuộc sống hòa nhập. 100
- Kì thị đối với người khuyết tật - rào cản trong thực hiện giáo dục hòa nhập 3. Kết luận Môi trường xã hội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của TKT bởi vì nguyên nhân gây ra khuyết tật không phải chỉ do khiếm khuyết của bản thân cá thể mà còn do tác động của môi trường xã hội. Kì thị tạo ra những “rào cản” về mặt xã hội và môi trường xã hội bất lợi đó có xu hướng cản trở TKT trước các cơ hội hòa nhập và làm tăng nguy cơ TKT bị loại trừ khỏi các cơ hội tiếp cận các dịch vụ. Kì thị đối với TKT tác động, ảnh hưởng đến suy nghĩ, tình cảm và sự tự kì thị của TKT, làm TKT mất tự tin, tự cô lập và mặc cảm, không muốn vươn lên, từ đó dẫn đến làm hạn chế sự tiến bộ của NKT. GDHN cần tạo được cơ hội, môi trường mà mọi người trong cộng đồng có dịp tiếp cận với TKT nhiều hơn, thấy rõ hơn nhu cầu, tiềm năng của các em, những mặt mạnh, khó khăn của các em để từ đó cộng đồng có những điều chỉnh về thái độ và hành động kì thị để hỗ trợ TKT nhiều hơn trên cơ sở có sự thay đổi nhận thức về quyền con người và người khuyết tật nói chung, về TKT nói riêng. Muốn vậy cần thiết có sự phối hợp các kênh thông tin, giáo dục và truyền thông để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng đối với NKT nói chung và đối với TKT nói riêng. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội và Fordfoundation, 2011. Tài liệu hướng dẫn hoạt động giảm kì thị và phân biệt đối xử vởi người khuyết tật. Nxb Thanh niên. [2] Ban Tuyên giáo Trung ương, 2012. Hướng dẫn công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm xóa bỏ kì thị và phân biệt đối xử liên quant đến người khuyết tật. [3] Bộ Giáo dục & Đào tạo, 2006. Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở tiểu học. Nxb Giáo dục. [4] Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội & Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, 2013. Chi phí kinh tế của sống với khuyết tật và kì thị ở Việt Nam. Nxb Lao Động. [5] Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, 2009. Người khuyết tật ở Việt Nam - kết quả điều tra xã hội tại Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng và Đồng Nai. Nxb Chính trị Quốc gia. ABSTRACT Stigma towards people with disabilities – Obstacles in implementing inclusive education for children with disabilities This research was done on the basis of the theory-oriented social model of disability-social barriers (not just disability) being the main cause of persons with disabilities (PWDs)’s lack of inclusion in society with a look at children with disabilities (CWD)’s in an environment of inclusive education (IE). Stigma creates social barriers and creates an unfavorable social environment that tends to hinder CWD from integrating into society and accessing services. As a result, CWD to lack confidence, feel isolated and guilty and feel unable to improve, limiting their advancement in life. To reduce and eventually eradicate stigma towards people with disabilities, IE could be implemented to provide greater opportunities and an environment in which everyone in the community can have a broader perception of human rights and demand that people with disabilities have access to greater opportunities. With the cooperation of the media and educators, individual and communities could become more aware of their responsibility for the well being of people with disabilities, and particularly for children with disabilities. Keywords: Stigma, People with disabilities, Inclusive education, Children with disabilities, Barriers. 101
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn