intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Kiến giải mới về danh xưng Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương)

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đặc trưng về địa lý - nhân văn vùng thượng nguồn sông Sài Gòn vào cuối thế kỷ XVIII có thể đã từng hình thành một khẩu ngữ địa phương rằng “cây/rừng/xứ dầu của người Stiêng”, để trên cơ sở chịu sự tác động của các hiện tượng biến đổi ngôn ngữ mà đúc kết thành một danh xưng phiếm chỉ hoàn toàn thuần Việt: “xứ Dầu Tiếng”. Ngược lại với mọi kiến giải dễ dãi trước nay về địa danh Dầu Tiếng, bài viết còn tiến hành kết nối các dữ liệu thư tịch hiếm hoi đương thời để diễn trình một lịch sử khá phức hợp của vùng đất, trước khi chế độ thực dân Pháp xác lập và cuốn hút nơi đây vào cỗ máy kinh tế thế giới hiện đại.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Kiến giải mới về danh xưng Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương)

  1. KIẾN GIẢI MỚI VỀ DANH XƯNG DẦU TIẾNG (TỈNH BÌNH DƯƠNG) Nguyễn Văn Giác 1 1. Khoa khoa học quản lý, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Đặc trưng về địa lý - nhân văn vùng thượng nguồn sông Sài Gòn vào cuối thế kỷ XVIII có thể đã từng hình thành một khẩu ngữ địa phương rằng “cây/rừng/xứ dầu của người Stiêng”, để trên cơ sở chịu sự tác động của các hiện tượng biến đổi ngôn ngữ mà đúc kết thành một danh xưng phiếm chỉ hoàn toàn thuần Việt: “xứ Dầu Tiếng”. Ngược lại với mọi kiến giải dễ dãi trước nay về địa danh Dầu Tiếng, bài viết còn tiến hành kết nối các dữ liệu thư tịch hiếm hoi đương thời để diễn trình một lịch sử khá phức hợp của vùng đất, trước khi chế độ thực dân Pháp xác lập và cuốn hút nơi đây vào cỗ máy kinh tế thế giới hiện đại. Từ khóa: Dầu Tiếng; Địa danh học; Stiêng; tộc người bản địa. MỞ ĐẦU Ở tỉnh Bình Dương, cùng với hai địa danh lớn Thủ Dầu Một và Lái Thiêu thường được cho là chưa có cách thức diễn giải hợp lý và thấu đáo, danh xưng Dầu Tiếng cũng bị ghép vào các trường hợp không thuyết phục này. Dầu Tiếng có phải là nơi từng hiện hữu một cây dầu đại thụ và cực kỳ nổi tiếng bởi thân cây dầu đã trở thành cây cầu bắc qua sông Sài Gòn một cách ngoạn mục và hoàn toàn đắc dụng? Được biết, khởi nguyên của vùng đất ngút ngàn rừng xanh, trong đó cây dầu là chủng loại phổ biến, được chiếm cứ bởi tộc người Stiêng dũng mãnh và thiện chiến mà bản thân họ cũng từng chinh phục cả người Khmer cùng các bộ lạc lân cận khác để thu nhận cống phẩm hoặc thuế khóa định kỳ tại những nơi được chỉ dẫn bằng các thành ngữ địa phương, như “cây xoài của người Stiêng”, “cây dầu của người Stiêng”... Một trong những nơi như thế có thể đã trở thành địa danh rút ngọn mà trước nay các nhà nghiên cứu bỏ ra công sức không nhỏ cho sự truy tìm gốc tích và giải mã ý nghĩa. Bài viết này là một phần của những nỗ lực tìm kiếm và kiến giải theo định hướng đó. NỘI DUNG TỔNG QUAN VÀ KIẾN GIẢI VỀ DANH XƯNG DẦU TIẾNG 1. Về danh xưng Bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí biên soạn vào buổi đầu vương triều Nguyễn, trong phân mục “Ghi chép về dinh Phiên Trấn” có mô tả về địa giới phía Bắc nối liền với dinh Trấn Biên, đồng thời chỉ cập nhật mỗi đạo Kiên Uy ở nơi gọi là Bến Súc (Lê Quang Định, 2005), tức thuộc xứ Mộc Tân (Bến Gỗ), đương thời có thể đã trở thành thôn Thanh Tuyền. Xứ Tự Tân (Bến Chùa), tức thôn Thanh An cùng xứ Dầu Tiếng, tức thôn Bảo Định liền kề hoàn toàn chưa được tài liệu địa dư này nhắc đến. 831
  2. Trước khi các dữ liệu về địa bạ trên toàn quốc được cập nhật từ năm 1836, vùng đất thuộc tổng Bình Thạnh Thượng như tên gọi về sau, bấy giờ thuộc tổng Dương Hòa (huyện Bình Dương, trấn Phiên An), theo như Gia Định thành thông chí có niên đại 1819 - 1820 thống kê gồm 74 thôn/phường/lân/ấp, trong đó có các thôn Bình Định, Thanh An, Thanh Tuyền (Trịnh Hoài Đức, 1998). Tác gia Trịnh Hoài Đức có lưu ý rằng tổng này vừa được “mới đặt” (Trịnh Hoài Đức, 1998), cho thấy các thôn/phường/lân/ấp trực thuộc cũng hiện diện chưa lâu, khoảng từ cuối thế kỷ trước cho đến thập niên thứ hai của thế kỷ XIX. Tổng Dương Hòa sang thời Minh Mệnh (1836) chia ra ba tổng thượng, trung, hạ mà ba thôn kể trên (Bình Định, Thanh An, Thanh Tuyền) thuộc về Dương Hòa Hạ, lại chỉ dẫn một cách cụ thể hơn về các xứ/vùng bao quát, trong đó thôn Bình Định đổi gọi là “Bảo Định thôn” và “ở xứ Dầu Tiếng” (Nguyễn Đình Đầu, 1994). Đây là lần đầu tiên xuất hiện danh xưng Dầu Tiếng với tính cách là một xứ/vùng tuy có xác định địa giới nhưng cũng chỉ mang tính ước lệ, vì có đến ba phía giáp sông rạch, còn các loại đất kê khai đều gọi chung 1 khoảnh. Đến khi có sự chuyển đổi danh xưng hành chính thôn Bảo Định bởi thôn/làng Định Thành từ khoảng giữa thế kỷ XIX trở đi, xứ Dầu Tiếng có lẽ đã có địa phận được xác định bởi địa giới của thôn/làng này. Bẵng đi một thế kỷ, danh xưng Dầu Tiếng tái hiện thành tên một đơn vị hành chính cấp quận, do Chính quyền thực dân Pháp ban hành thông qua các Quyết định vào ngày 7.3.1946 và ngày 2.3.1949; Nghị định của Thủ hiến Nam Việt ngày 15.2.1955 tiếp tục công nhận danh xưng hành chính cấp quận đối với Dầu Tiếng; quận Dầu Tiếng tiếp tục được duy trì bởi Nghị định số 278-BNV/HC/NĐ ngày 30.8.1957 của bộ Nội vụ Chính quyền Việt Nam Cộng hòa, song đến Nghị định số 663-NĐ ngày 2.7.1962 tân danh Trị Tâm đã thay thế đối với tên gọi Dầu Tiếng kéo dài đến năm 1975. Từ cấp quận, tháng 2.1976 Dầu Tiếng đổi thành cấp huyện để rồi Quyết định số 55/1977/QĐ-CP của Hội đồng Chính phủ cho sáp nhập Dầu Tiếng vào huyện Bến Cát thuộc tỉnh Sông Bé. Sự tái lập tỉnh Bình Dương và với Nghị định số 58/1999/NĐ-CP ngày 23.7.1999, huyện Dầu Tiếng cũng được lập lại với huyện lỵ đặt tại thị trấn cùng tên từ đó đến nay. Như vậy, từ xứ Dầu Tiếng vào cuối thế kỷ XVIII, ngày nay địa danh Dầu Tiếng đã hiện hữu và phổ biến trên nhiều đối tượng địa danh, không chỉ đối với hai đơn vị hành chính cấp huyện và thị trấn nói trên mà còn áp dụng ở một số đối tượng liên quan khác, gồm: nông trường Cao su Dầu Tiếng, chợ Sáng Dầu Tiếng, chợ Chiều Dầu Tiếng, công viên Dầu Tiếng, bến xe Dầu Tiếng, sân vận động Dầu Tiếng, nghĩa trang Nhân dân Dầu Tiếng... 2. Về xuất xứ và ý nghĩa Nhà văn Sơn Nam trong khi đề cập các truyền thuyết về vùng đất tỉnh Sông Bé đã nhân giai thoại cây sao cổ thụ ở miền rừng Quang Hóa (thuộc phủ Tây Ninh xưa) được Trịnh Hoài Đức chép trong Gia Định thành thông chí mà nói đến cây dầu ở miệt Dầu Tiếng rằng “Vì có cây dầu nổi tiếng nên gọi là Dầu Tiếng” (Trần Bạch Đằng cb, 1991). Một trong những tài liệu về phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng được biên soạn sớm nhất là Lịch sử phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng (1917 - 1997) cho biết xuất xứ của địa danh Dầu Tiếng như sau: “Tên Dầu Tiếng ra đời vào thời kỳ trước khi bọn tư bản thực dân đặt chân tới đồn điền cao su. Thuở ấy, nơi đây là chốn hoang vu. Rừng cây - chủ yếu là cây dầu thâm u rậm rạp. Bên bờ sông Sài Gòn, khu vực Cầu Tàu bây giờ, có một cây dầu lớn ba, 832
  3. bốn người ôm không xuể, không hiểu vì lẽ gì đổ xuống, thân nằm vắt ngang dòng sông, làm thành một chiếc cầu tự nhiên. Dân ghe thuyền đi trên sông Sài Gòn, dân từ hai bên bờ sông qua lại đều không thể không nói đến chiếc ‘cầu’ này. Cây dầu với độ lớn và vị trí của nó đã thành danh và theo khách qua lại truyền đi nhiều nơi. Từ đó, nhân dân đã lấy luôn tên cây ‘dầu’ có ‘tiếng’ này để gọi vùng đất sinh ra nó - vùng đất Dầu Tiếng” (Lê Văn Khoa cb, 2000). Trích đoạn đặc sắc về cách lý giải địa danh nêu trên đã gần như trở thành nguyên mẫu đối với hầu hết tài liệu lịch sử hay địa chí có liên quan đến vùng đất Dầu Tiếng; có thể kể ra một vài trong số đó, như: Lịch sử phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng (1917 - 2010), Lịch sử Đảng bộ huyện Dầu Tiếng (1945 - 1975), Lịch sử Đảng bộ huyện Dầu Tiếng (1975 - 2010), Cao su Dầu Tiếng - hành trình vào thế kỷ 21... (Công ty TNHH Một Thành viên Cao su Dầu Tiếng, 2011; Nguyễn Văn Bình, 2006; Nguyễn Văn Bình, 2011; Tuấn Cung, 1998). Đôi khi cũng có sự diễn giải sai biệt về địa danh, ví như không phải một cây dầu mà là với số lượng nhiều cây, theo trích đoạn từ bài viết đăng tải trên tạp chí Lịch sử Quân sự sau đây, giới thiệu cho một ấn phẩm có nhan đề Công nhân cao su Dầu Tiếng - chặng đường 70 năm: “Vùng ‘vàng trắng’ của tổ quốc ngày nay bắt đầu từ trang sử của mình từ cái tên gọi. Những cây Dầu có Tiếng mọc ở đây tự bao giờ đã được nhân dân đặt tên gọi cho vùng đất đã sinh ra và cưu mang đùm bọc nó” (Hải Đăng, 1988). Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Học biện giải danh xưng Dầu Tiếng theo cách không những sử dụng cả khuôn mẫu trên đây, mà đồng thời còn quy đồng đối tượng về dạng thức hình thành địa danh Thủ Dầu Một: “Theo tư liệu truyền khẩu cho rằng có tên gọi Thủ Dầu Một là vì vùng đất này có cây dầu cao lớn hơn cả nên gọi là ‘Dầu một’, lại mọc gần cái đồn để kiểm soát canh giữ (thủ). Các thành tố ‘thủ’ và ‘Dầu một’ ghép lại thành địa danh Thủ Dầu Một. Cũng gần giống như thế, ‘Dầu Tiếng là vùng đất có cây dầu nổi tiếng’” (Nguyễn Hiếu Học, 2011). Cũng với hàm ý ấy, song lối diễn giải tập trung khai thác ở khía cạnh hữu dụng, theo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị trấn Dầu Tiếng (1945 - 2015) như sau: “Dầu Tiếng gắn liền với sự tích cây dầu lớn đổ xuống nằm vắt ngang sông, trở thành cây cầu cho người dân qua lại trên sông ở khu vực Cầu Tàu bây giờ. Cây dầu trở thành nổi tiếng với sự hữu dụng của nó, nhằm giúp người dân qua sông thuận lợi, vì vậy người dân nơi đây đã lấy chữ ‘dầu’ trong cây dầu và chữ ‘tiếng’ trong sự hữu dụng của nó mà ghép lại thành hai chữ ‘Dầu Tiếng’” (Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Dầu Tiếng, 2016). Trong khi đó, tác giả của Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam tỏ ra khá cẩn trọng trước khi đưa ra lời kiến giải về nguồn gốc và ý nghĩa của danh xưng này, do đó đã tiếp tục suy ngẫm cả hàng chục năm nay, sau khi bỏ ngỏ rằng “Dầu Tiếng (thuần Việt): chưa biết nghĩa” (Lê Trung Hoa, 2013). Bởi vậy, hoạt động nghiên cứu về địa danh Dầu Tiếng từ đó đến nay chưa đạt được kết quả mới mong đợi nào. Nhìn lại về lịch sử nghiên cứu vấn đề, có thể nhận thấy các cách thức lý giải nêu trên bao quát hai hàm ý: (1). Nhấn mạnh đặc trưng nổi bật của cây cầu với tính cách cây dầu đại thụ duy nhất. (2). Đề cao tính hữu dụng của cây cầu với tính cách thuận tiện cho nhu cầu qua lại của cộng đồng cư dân, thay thế cho các chuyến đò ngang. 833
  4. Theo đó, chính sự kết hợp giữa đặc điểm độc đáo về kích cỡ của cây dầu cùng tiện ích sử dụng của người đi đường đã truyền tải, âm vang và tạo nên tăm tiếng đối với cây cầu, từ đó hình thành địa danh Dầu Tiếng, trước tiên phải được áp dụng cho thực thể cây cầu (cầu Dầu Tiếng), tiếp sau mới phái sinh trên các thực thể liên quan (bến Dầu Tiếng, chợ Dầu Tiếng, xứ Dầu Tiếng...). Tuy nhiên, dẫn liệu lịch sử đã không cho phép truy nguyên về nguồn gốc địa danh cầu Dầu Tiếng cùng các thực thể liên quan, ngoại trừ mỗi tên gọi xứ Dầu Tiếng, được tái hiện trong địa bạ triều Minh Mệnh (1836). Dù vậy, theo cách hình thành địa danh được dân gian giải thích và lưu truyền mà hầu hết sách vở ngày nay dẫn lại kể trên, có điều phi lý nằm ngay trong tính khu biệt lẫn hữu dụng của cây cầu. Được biết, lợi ích về giao thông cũng như các sinh hoạt thường ngày khác của cư dân vùng ven sông Sài Gòn thời trước rất đa dạng, không chỉ dành riêng cho sự qua lại giữa đôi bờ mà còn, thậm chí quan trọng hơn nhiều, lưu thông đối với những chuyến đò dọc, kết nối thương mại và vận tải từ vùng hạ lưu đến tận thượng nguồn và ngược lại. Việc cây dầu đại thụ chắn ngang dòng sông để gánh vác chức năng của một cây cầu đã hoàn toàn triệt thoái vai trò thủy lộ theo chiều dài Nam - Bắc, chưa kể những ngưng trệ của hoạt động ghe thuyền tại địa phương. Cho đến thời hiện đại, khi giao thông đường bộ và hàng không đã trở nên thông dụng, thủy lộ này vẫn còn là con đường huyết mạch của hãng Michelin về phương diện vận tải thủy mà bến Tàu hay cầu Tàu đã trở thành danh xưng hiện hữu đến ngày nay86 (TTLTQG II, 1956). Mặt khác, khảo sát trên thực địa cho thấy sông Sài Gòn khá rộng mà nhiều nơi đạt tới khoảng cách hơn 100m; riêng tại đoạn bến Tàu và cầu Tàu có bề ngang xấp xỉ 80m (căn cứ thông tin về chiều dài của cầu Tàu hiện nay). Có lẽ khó có cây dầu nào đạt kích cỡ tương đương, hơn nữa lại “bỗng dưng” ngã đúng theo chiều Đông - Tây để “thân nằm vắt ngang dòng sông, làm thành một chiếc cầu tự nhiên” đầy hữu ích (Lê Văn Khoa cb, 2000). Bởi vậy, sự dẫn giải đi từ truyền khẩu dân gian cho đến một loạt các nguồn văn liệu như đã mô tả trên đây cho thấy vấn đề chưa đủ để thuyết phục đối với lịch sử hình thành địa danh Dầu Tiếng. 3. Kiến giải mới qua kết quả nghiên cứu Xứ Dầu Tiếng xưa, tương ứng ngày nay bao gồm thị trấn Dầu Tiếng cùng một số bộ phận đất đai thuộc các xã lân cận khác trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Đó là một vùng không xác định được ranh giới mà vào khoảng cuối thời chúa Nguyễn kéo dài cho đến đầu triều Nguyễn có một bộ phận đất đai và dân cư hợp thành đơn vị hành chính lấy tên là Bình Định thôn, thuộc tổng Dương Hoà, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An, theo như thư tịch cho biết (Nguyễn Đình Đầu, 1994). Cũng trong khoảng thời gian này, trấn Phiên An đổi thành tỉnh Phiên An và rồi tỉnh Gia Định. Bình Định thôn đã đổi thành Bảo Định thôn, “ở xứ Dầu Tiếng”, một trong 8 thôn thuộc tổng Dương Hoà Hạ, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định; có tứ cận được xác định như sau: 86 Ở đề mục “Đường thủy”, báo cáo bởi Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sung vào ngày 29.3.1956, tài liệu ghi nhận tỉnh Thủ Dầu Một chỉ có 2 bến cảng, gồm bến Thủ Dầu Một và bến Dầu Tiếng, nằm trên thủy lộ Sài Gòn - Dầu Tiếng, trong đó phần lớn dành cho hoạt động của Sở Cao su Dầu Tiếng, dùng chở mủ cao su từ bến Tàu về Sài Gòn, đồng thời tải gạo và thực phẩm từ Sài gòn về Sở. 834
  5. - Đông giáp sông nhỏ và địa phận thôn Thanh An; - Tây giáp rạch nước; - Nam giáp sông lớn; - Bắc giáp sông nhỏ (Nguyễn Đình Đầu, 1994). Thời kỳ tiếp theo, tổng Dương Hoà Hạ trên địa phận tương ứng lấy tên là tổng Bình Thạnh Thượng. Dưới thời Pháp thuộc tính từ năm 1862, tổng Bình Thạnh Thượng lập làm 16 làng, thuộc về huyện Bình Long, phủ Tây Ninh; trong khi vẫn còn có tổng Dương Hoà Hạ bao gồm 15 làng thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Năm 1867, tổng Bình Thạnh Thượng chia làm 15 làng, thuộc huyện Bình Long, hạt thanh tra Sài Gòn (Nguyễn Đình Đầu, 1994). Năm 1871, tổng Bình Thạnh Thượng tách khỏi hạt thanh tra Sài Gòn, nhập vào hạt thanh tra Thủ Dầu Một. Tổng Bình Thạnh Thượng lúc này có 12 thôn, trong đó thôn Định Thành có lẽ bao quát địa giới thôn Bảo Định trước đây. Xứ Dầu Tiếng đại diện bởi Bảo Định thôn, đất đai được xác định mang tính ước lệ rằng “Đất gò đồi, trong có nhà cửa dân cư, 1 khoảnh. Đất hoang nhà 1 khoảnh”, ấn ký bởi thôn trưởng Phan Văn Hạc và điểm chỉ bởi hai dịch mục là Ngô Văn Liễu và Lê Văn Phú (Nguyễn Đình Đầu, 1994). Địa danh xứ Dầu Tiếng có thể đã xuất hiện từ thời chúa Nguyễn, khi người Việt bắt đầu tiến hành chinh phục vùng đất phía tả ngạn sông Băng Bọt/Thuỷ Vọt từ hạ lưu cho đến thượng nguồn này. Bảo Định thôn thuộc tổng Dương Hoà Hạ về sau, tính từ thời điểm lập địa bạ dưới triều Minh Mệnh (1836) đã từng có tên thôn là Bình Định rồi, chứng tỏ danh xưng Dầu Tiếng có niên đại càng lùi xa hơn nữa. Đối diện với bờ hữu ngạn sông Băng Bọt đương thời thuộc địa phận cư trú của tộc người bản địa Khmer, phía tả ngạn là lãnh địa của tộc người Stiêng có quan hệ gần gũi về mặt phương ngữ. Tuy nhiên, căn cứ theo các truyền thuyết liên quan, M. D. Barthelemy đã xác lập một sơ đồ về vùng cư trú của tộc người Stiêng, trong đó bao gồm phần lớn địa bàn huyện Dầu Tiếng ngày nay, vượt qua sông Sài Gòn cho đến núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh (Hình 1) (Mạc Đường, 1985). Nhà thám hiểm nổi tiếng Henri Maitre cho biết: “Người Stieng… là một dòng tộc mạnh và hiếu chiến, với nhiều làng đông dân gồm các nhà sàn. Họ sống trên toàn bộ hinterland của Thượng Nam Kỳ và Đông Nam Cambodge; họ trải rộng trên thượng lưu sông Bé và các chi lưu của nó, về phía Tây, tới tận lưu vực thượng lưu sông P. Tchlong, trên đó họ có tràn ra một ít, và trên thượng lưu sông Sài Gòn; về phía Đông, họ dừng lại ở sông Rhlap, chi lưu của sông Bé” (Henri Maitre, 2008). Đây cũng là khu vực hình thành những cánh rừng dầu bạt ngàn, nguồn lợi lâm sản vô kể không chỉ riêng về cây gỗ mà còn là chế phẩm dầu nguyên liệu. Mô tả từ Gia Định thành thông chí về loại tài nguyên này đối với xứ sở như sau: “Cây dầu: lá có lông, lớn như cây tỳ bà, dân gian thường dùng làm chèo, làm thuyền. Thân cây có dầu, người ta vạt 2, 3 lỗ nơi gần gốc cây, rồi đốt lửa vào, nhựa chảy ra thành dầu, (sách Võ bị chí gọi là dầu mãnh hỏa, tục gọi là dầu rái) cứ ngay chỗ vạt lấy vá múc lấy, dầu chảy ra không hết. Một năm tổng số dầu sản xuất có 2.000.000 cân, dùng để trét ghe thuyền, làm đèn đuốc, lợi rất nhiều” (Trịnh Hoài Đức, 1998). Hoạt động khai thác tài nguyên gắn liền với vùng lãnh địa quản lý đã xác lập một yếu tố luật lệ hay thành ngữ phổ quát rằng đây là xứ rừng dầu của tộc người Stiêng. Dù vậy, sự chinh phục của các tộc người mới đến (Việt, Hoa) cũng đã khiến người bản địa phải thu hẹp không gian hoang dã. Chưa đầy hai thế kỷ sau, luật lệ hay thành ngữ kia đã được giản lược còn lại là một danh xưng mang tính phiếm chỉ: xứ Dầu Tiếng. 835
  6. An Nam đại quốc họa đồ (1838) của Jean Louis Taberd xuất hiện muộn hơn thời điểm xác lập địa bạ dưới triều Minh Mệnh (1836), song chưa cập nhật kịp thời các địa danh đã hành chính hoá đối với tỉnh Gia Định và lân cận Biên Hoà. Trên bản đồ, cả một vùng đất mênh mông phía Tây trấn Biên Hoà, trải dài từ Bắc xuống Nam giáp sông Băng Bọt, từ Đông sang Tây giáp với Cambodge (tức Campuchia), hoàn toàn thuộc về “Nước Stiêng - Tinh Xương (thành)”. Như vậy, theo chỉ dẫn của bản đồ Taberd, có thể nhận thức được rằng cả một vùng rừng rú bao phủ này đều thuộc về lãnh địa/công quốc Stiêng, hay nói một cách đầy ngụ ý, xứ rừng/cây dầu của người Stiêng (Hình 2). Không chỉ thế, như H. Maitre đã chỉ dẫn trên đây, những thủ lĩnh Stiêng thiện chiến còn kiểm soát cả khu vực tả ngạn sông Mékong trên lãnh thổ Cambodge, cách trung tâm Sambor về phía hạ lưu khoảng vài chục kilomet. Mô tả của nhà thám hiểm về cuộc chạy loạn của người Khmer vào năm 1833 khi quân Xiêm tấn công Sambor, cung cấp một chứng cứ quan trọng liên quan đến việc định danh đang đề cập. H. Maitre cho biết: “... những người Cambodge thoát được chạy trốn về phía hạ lưu 38km, cạnh ngôi làng nghèo khổ Roka-Kandal; cái ấp này ‘chỉ có vài ngôi nhà và chưa có chùa. Lúc đó, lãnh địa này thuộc bộ lạc Stieng và năm nào cũng vậy, các thủ lĩnh của họ tới chỗ hai cây xoài mà nay một cây vẫn còn đó ở phía Bắc bờ rào nha đại lý Hãng Vận tải đường thủy, được gọi là cây xoài của người Stieng [tác giả nhấn mạnh], để thu thuế của người Cambodge sống bên bờ tả ngạn’” (Henri Maitre, 2008). Như vậy, tương ứng với địa điểm được định danh là “cây xoài của người Stiêng” trong vùng lãnh địa Stiêng thuộc lãnh thổ Cambodge, chắc hẳn cũng đã từng hiện hữu một nơi gọi thành cây dầu của người Stiêng ngay trên xứ sở của bộ tộc Stiêng đã đang được xác lập chủ quyền với tính cách quốc gia bởi chính quyền chúa Nguyễn. Từ đó, dưới tác động của các hiện tượng rút gọn, mượn âm và ngữ nghĩa, thành ngữ cây dầu của người Stiêng dần dần cải biến thành xứ Dầu Tiếng87 (Lê Trung Hoa, 2010). Xứ Dầu Tiếng không được xác định về phạm vi địa giới. Trên bản đồ rõ ràng là một dải đất đai khá rộng lớn, trải dài từ sông Băng Bọt đến miền thượng nguyên Nam Trung Kỳ. Để xác lập một cột mốc chủ quyền, chính quyền chúa Nguyễn đã danh xưng hoá đơn vị hành chính cấp thôn ở nơi xa nhất về phía Bắc sông Băng Bọt là Bình Định, với nghĩa chinh phục để ổn định. Hiển nhiên, dù là cộng cư hay cư trú biệt lập, các tộc người địa phương không thể tránh khỏi những bất đồng hay xung đột. Tuy nhiên, có thể khẳng định tình trạng dung hợp trong sinh hoạt chung của cộng đồng người nơi đây ngày càng chiếm ưu thế. Từ đó, tên gọi mới của đơn vị hành chính cũng phản ánh thực tế lẫn kỳ vọng của cư dân địa phương vào một thời điểm thuộc cuộc cải cách Minh Mệnh: Bảo Định thôn. Bảo Định thôn sau đó tiếp tục được đổi ra thôn Định Thành. Danh xưng ĐịnhThành xuất hiện từ thời Nguyễn giữa thế kỷ XIX, có thể vào triều Thiệu Trị (1841 - 1847), gắn với sự thành lập tổng Bình Thạnh Thượng thuộc tỉnh Gia Định mà đến năm 1871 được đổi thuộc hạt thanh tra Thủ Dầu Một trên cơ sở Quyết định ngày 5.6.1871; tổng bao gồm 12 thôn/làng, trong đó có thôn/làng Định Thành (Nguyễn Đình Tư, 2017). Định Thành cũng là làng lâm phần duy nhất của tổng Bình Thạnh Thượng với một số ưu đãi đặc biệt trong khoảng thời gian 1931 - 1933 (Nguyễn Đình Tư, 2017). 87 Theo đó, hiện tượng rút gọn là lược bỏ các âm tiết 1, 3, 4 để chỉ còn dầu Stiêng; hiện tượng mượn âm là mượn một từ hoặc một bộ phận từ có ngữ âm gần và hiện tượng ngữ nghĩa là thay thế yếu tố cũ mang nghĩa ít thông dụng bởi yếu tố mới có nghĩa phổ quát hơn mà ở đây là từ “tiếng” được chọn thay cho từ Stiêng, tức dầu tiếng/Dầu Tiếng. 836
  7. Nếu kết nối các xưng danh thay đổi theo thời gian kể từ thuở ban sơ của vùng đất cho đến lúc này, có thể nhận thấy toàn bộ công cuộc khai phá, chinh phục và giáo hoá nơi đây đã diễn tiến hết sức gian truân, bền bỉ mà thành quả đạt được sau mỗi chặng đường đều hàm chứa những ý nghĩa bứt phá lớn lao: Dầu Tiếng (cây dầu của người Stiêng > xứ Dầu Tiếng) > Bình Định (chinh phục để yên định) > Bảo Định (bảo vệ để giữ yên) > Định Thành (yên ổn và thành tựu). Cho đến những năm thuộc thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX, lịch sử chinh phục vùng đất Nam Kỳ của thực dân Pháp tại tiền đồn Thị Tính mà ngày nay thuộc về đất Dầu Tiếng, vừa cho thấy tinh thần kháng cự mãnh liệt của tộc người địa phương, vừa đồng thời cung cấp một cứ liệu để hình dung diễn trình chinh phục và khai phá vào buổi đầu đối với vùng đất của chính quyền chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. J. C. Baurac nhắc nhớ: “Thị Tính lưu dấu một số sự kiện lịch sử: 1. Chiến dịch Thị Tính và đánh tan quân nổi loạn phía Bắc, ngày 8 tháng 11 năm 1868; 2. Chiến dịch ngày 6 tháng 4 năm 1870 đánh người Stiêng” (J. C. Baurac, 2022). Quân nổi loạn mà người Pháp nói đến này chính là các lực lượng kháng chiến của người Việt và người Khmer đang được nương náu trong vùng người Stiêng bất phục trước bè lũ thực dân. Định Thành đã là sự an yên và thành tựu sau cùng để rồi mãnh liệt tái sinh ra một thực thể sức sống mới là đô thị hiện đại Dầu Tiếng. Bởi vậy, cần thiết phải lưu giữ trọn vẹn hạt giống nguyên thuỷ đã tạo nên sự biến hoá độc đáo này. Sự tái tạo xã Định Thành vào đầu thế kỷ XXI nằm trong mục đích thường hằng sâu xa ấy. Kể từ khi danh xưng Định Thành ra đời vào giữa thế kỷ XIX, đơn vị hành chính cấp thôn vào một số thời điểm được đổi gọi thành làng và sau năm 1945 đổi gọi thành xã, để rồi kể từ năm 1956 trở đi Chính phủ Việt Nam Cộng hoà thống nhất gọi là xã Định Thành, thuộc quận Dầu Tiếng (Hình 3) hoặc Trị Tâm. Sau năm 1975, xã Định Thành lần lượt thuộc huyện Dầu Tiếng rồi huyện Bến Cát. Từ năm 1994, xã Định Thành được nâng cấp thành thị trấn Dầu Tiếng và từ năm 1999, khi tái lập huyện Dầu Tiếng thì thị trấn Dầu Tiếng trở thành lỵ sở trung tâm. Đến đầu năm 2004, trên cơ sở các bộ phận đất đai cắt ra từ thị trấn Dầu Tiếng, xã Định Hiệp và xã Định An, xã Định Thành được tái lập về mặt danh xưng nhưng diện tích tự nhiên phần lớn hoàn toàn mới. KẾT LUẬN Khác với xứ Lái Thiêu thuộc vùng sông rạch phía hạ lưu sông Sài Gòn có danh xưng được hiển thị gắn với ít nhất ba thôn xã trực thuộc cùng một số địa phương giáp ranh, xứ Dầu Tiếng nằm về phía thượng nguồn giữa bạt ngàn rừng rú và chỉ hiện hữu lần duy nhất gắn với thôn Bình Định, cũng là thôn Bảo Định tiếp sau. Quả thực điều may mắn này đã trở thành hiện tượng địa danh độc đáo với sự kết hợp nguyên thủy giữa từ thuần Việt với tên gọi tộc người (Dầu Stiêng), trải qua quá trình biến đổi ngôn ngữ để cuối cùng Việt hóa hoàn toàn (Dầu Tiếng). Tiến trình hình thành và hoàn thiện địa danh tái hiện khách quan xu thế phát triển lịch sử của vùng đất. Danh xưng Dầu Tiếng có thể đã khởi nguyên bởi một thành ngữ chỉ dẫn về địa lý hay vị trí liên quan đến phương cách quản lý hoặc sinh hoạt đời thường của tộc người Stiêng bản địa. Ngay cả khi địa danh đã được Việt hóa trọn vẹn, ý nghĩa của nó cũng không quan hệ gì đến sự nổi tiếng của một cây dầu hoặc cả xứ/rừng dầu trên vùng đất. Thủ Dầu Một, tháng 4-5.2023 837
  8. Hình 1. Sơ đồ vùng cư trú của tộc người Stiêng trong truyền thuyết và đầu thế kỷ XX (Mạc Đường, 1985) 838
  9. Hình 2. Biên Hòa trấn cùng vùng thượng nguồn sông Sài Gòn trong An Nam đại quốc họa đồ (bản đồ Taberd, 1838) 839
  10. Hình 3. Lược đồ quận Dầu Tiếng năm 1955 (Nguồn: TTLTQG II. ký hiệu tài liệu 2227. Phông Tòa Đại biểu Chánh phủ tại Nam Phần) 840
  11. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Dầu Tiếng (2016). Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị trấn Dầu Tiếng (1945 - 2015). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật. 2. J. C. Baurac (2022). Nam Kỳ và cư dân các tỉnh miền Đông. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp Tp. HCM. 3. Nguyễn Văn Bình (2006). Lịch sử Đảng bộ huyện Dầu Tiếng (1945 - 1975). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. 4. Nguyễn Văn Bình (2011). Lịch sử Đảng bộ huyện Dầu Tiếng (1975 - 2010). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. 5. Công ty TNHH Một Thành viên Cao su Dầu Tiếng (2011). Lịch sử phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng (1917 - 2010). Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật. 6. Tuấn Cung (1998). Cao su Dầu Tiếng - hành trình vào thế kỷ 21”. Tạp chí Xưa&Nay, 56B, tr.54. 7. Hải Đăng (1988). Công nhân cao su Dầu Tiếng - chặng đường 70 năm. Tạp chí Lịch sử Quân sự, 4, tr.75-76, 92. 8. Trần Bạch Đằng (cb) (1991). Địa chí tỉnh Sông Bé, Sông Bé: Nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé. 9. Nguyễn Đình Đầu (1994). Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Gia Định (Tp. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An). Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tp. HCM. 10. Lê Quang Định (2005). Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa. 11. Trịnh Hoài Đức (1998). Gia Định thành thông chí. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. 12. Mạc Đường (1985). Vấn đề dân tộc ở Sông Bé. Sông Bé: Nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé. 13. Lê Trung Hoa (2010). Địa danh Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Dân Trí. 14. Lê Trung Hoa (2013). Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam. Quyển 1. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. 15. Nguyễn Hiếu Học (2011). Dầu Tiếng - địa danh một vùng đất nổi tiếng, đầy ấn tượng. Tạp san Thông tin Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương. http://www.sugia.vn. 16. Lê Văn Khoa (cb) (2000). Lịch sử phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng (1917 - 1997). In lần thứ hai có sửa chữa, bổ sung. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động. 17. Henri Maitre (2008). Rừng người Thượng - vùng rừng núi cao nguyên miền Trung Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức. 18. TTLTQG II (1956). Địa chí Thủ Dầu Một. Hồ sơ số 73. Phông Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa. 19. Nguyễn Đình Tư (2017). Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời thuộc Pháp (1859 - 1954). Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp Tp. HCM. 841
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2