intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Kinh nghiệm Fintech từ Singapore và Indonesia: Bài học tiếp cận Fintech cho Việt Nam

Chia sẻ: Dạ Thiên Lăng | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Kinh nghiệm Fintech từ Singapore và Indonesia: Bài học tiếp cận Fintech cho Việt Nam" sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về FinTech tại Singapore và Indonesia và bài học kinh nghiệm từ hoạt động quản lý và tạo điều kiện cho sự phát triển FinTech tại hai quốc gia này. Từ đó, rút ra hàm ý chính sách cho Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Kinh nghiệm Fintech từ Singapore và Indonesia: Bài học tiếp cận Fintech cho Việt Nam

  1. KINH NGHIỆM FINTECH TỪ SINGAPORE VÀ INDONESIA: BÀI HỌC TIẾP CẬN FINTECH CHO VIỆT NAM ThS. Trần Ái Tiên1 Tóm tắt: Cách mạng công nghệ 4.0 với những thành tựu đáng kể trong trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), Internet kết nối vạn vật (IoT), v.v đã và đang mang lại nhiều triển vọng đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu. Những đột phá công nghệ đã tác động sâu sắc đến đến nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính, ngân hàng nói riêng. Công nghệ tài chính hay FinTech là một lĩnh vực tài chính phát triển các mô hình, quy trình và sản phẩm kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ kỹ thuật số tiên tiến để cải thiện và tự động hoá chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ tài chính. Đầu tư vào FinTech tăng lên đáng kể trong những năm gần đây trên phạm vi toàn cầu và ở Đông Nam Á, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia công nghệ, chuyên gia tài chính và nhà đầu tư. Bài tham luận này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về FinTech tại Singapore và Indonesia và bài học kinh nghiệm từ hoạt động quản lý và tạo điều kiện cho sự phát triển FinTech tại hai quốc gia này. Từ đó, rút ra hàm ý chính sách cho Việt Nam. Từ khóa: FinTech, kinh nghiệm, Việt Nam. 1. MỞ ĐẦU Cách mạng Công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) được phát triển dựa trên những phát minh của Cách mạng Công nghiệp 3.0 hay Cuộc Cách mạng Kỹ thuật số, diễn ra từ những năm 1950 đến đầu những năm 2000. CMCN 4.0 là thời đại mà các công nghệ được kết nối lại với nhau và làm mờ sự khác biệt giữa sinh học, kỹ thuật số và vật lý (Stock & Seliger, 2016). Nói cách khác, CMCN 4.0 là bước tiếp theo trong quá trình số hóa lĩnh vực sản xuất, được thúc đẩy bởi các xu hướng đột phá bao gồm sự gia tăng của dữ liệu và kết nối, phân tích, tương tác giữa người và máy và những cải tiến về robot. Thành tựu công nghệ của CMCN 4.0 đang ảnh hưởng đáng kể đến ngành tài chính- ngân hàng và được dự đoán sẽ thay đổi ngành trong tương lai. Thuật ngữ “FinTech” (Công nghệ tài chính) được sử dụng để chỉ lĩnh vực liên ngành kết hợp giữa tài chính, quản lý công nghệ và đổi mới sáng tạo, mô tả sự kết nối của công nghệ liên quan đến internet với các hoạt động dịch vụ thương mại của ngành tài chính như giao dịch ngân hàng và cho vay (Giglio, 2021). FinTech có tác động tích cực đến xã hội dựa trên những lợi ích mang lại cho khách hàng sử dụng FinTech. FinTech cung cấp các dịch vụ như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mở tài khoản ngân hàng và cho vay tiền thông qua các ứng dụng ngân hàng trực tuyến (internet banking). FinTech cũng giúp khách hàng tối ưu hóa tài chính và giảm chi phí giao dịch. Ngoài ra, FinTech cung cấp dịch vụ truy cập và quản lý tài chính cho những người có nhu cầu nhưng không được đáp ứng bởi ngân hàng truyền thống do yếu tố địa lý. Bên cạnh những lợi ích trên, FinTech còn làm tăng tính cạnh tranh và đa dạng hóa thị trường tài chính, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường tài chính. Tại ASEAN, FinTech là một lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu từ. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng tài trợ FinTech ở khu vực ASEAN ở mức 7% trên tổng số 63,5 tỷ USD đổ vào FinTech trên toàn cầu trong cùng kỳ, tăng từ 2% vào năm 2018 (UOB, 2022). Tốc độ phát triển mạnh mẽ của FinTech đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý câu hỏi làm cách nào để đối phó với sự phát triển nhanh 1 Trường Đại học Văn Hiến, Email: tienta@vhu.edu.vn;
  2. 484 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM chóng của thị trường FinTech và chủ động trong cải cách quy định và giám sát thị trường tài chính. Singapore và Indonesia là những quốc gia tiêu biểu trong câu chuyện phát triển FinTech ở khu vực Đông Nam Á. Bài viết này cung cấp bài học kinh nghiệm về phát triển FinTech tại hai trung tâm FinTech nổi bật của khu vực ASEAN là Singapore và Indonesia, cũng như hàm ý chính sách cho Việt Nam trước khi hòa nhập vào cuộc chơi số hóa ngành tài chính. 2. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA FINTECH Ở KHU VỰC ASEAN ASEAN được dự đoán trở thành nền kinh tế lớn thứ tư sau Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 2030 (World Economic Forum, 2022). Ngành dịch vụ tài chính trong khu vực đang thay đổi nhanh chóng nhờ những đổi mới của tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển FinTech ở ASEAN không đồng đều, trái ngược với một số quốc gia có hệ sinh thái FinTech được thiết lập và phát triển mạnh như Singapore và Indonesia. Vietnam, Campuchia và Myanmar được coi là những thị trường FinTech trẻ với tốc độ phát triển nhanh chóng. Dù không phải là khu vực tạo ra các “kỳ lân” FinTech của châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, ASEAN vẫn có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư FinTech bởi đây khu vực có tiềm năng kinh tế mạnh mẽ (tốc độ tăng trưởng GDP cao và GDP bình quân đầu người ngày càng tăng); số lượng người dùng điện thoại di động và điện thoại thông minh cao; số lượng người dùng internet ngày càng tăng; tỷ lệ biết chữ của dân số trên 15 tuổi và dân số khu vực thành thị tăng mạnh; và các giải pháp ngân hàng truyền thống không phù hợp với khách hàng và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (CCAF, ADBI & FinTechSpace, 2019). Tài trợ vào FinTech trong ASEAN, tập trung ở khu vực ASEAN-6 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), đã tăng theo cấp số nhân, cụ thể đầu tư FinTech đã tăng 501%, từ 0,9 tỷ USD vào năm 2018 lên 4,3 tỷ USD tính đến 9 tháng đầu năm 2022. Số thương vụ tài trợ mới tăng từ 122 (2018) lên 163 (2022), tuy nhiên, số thương vụ tài trợ mới trong 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận sự sụt giảm đáng kể so với năm 2021 với 247 thương vụ mới được tài trợ. Singapore và Indonesia tiếp tục là hai nước dẫn đầu nguồn tài trợ FinTech khi chiếm hơn 3/4 nguồn tài trợ trong khu vực ASEAN-6 và 55% các thương vụ mới được ký kết thuộc về các công ty FinTech Singapore. Hình 1. Xu hướng tài trợ FinTech trong ASEAN-6 Nguồn: UOB, 2022
  3. Phần 2: Hoàn thiện về Thể chế và Chính sách 485 Về tài trợ theo lĩnh vực trong FinTech, thanh toán tiếp tục chiếm 45% tổng tài trợ FinTech trong 9 tháng đầu năm 2022. Đứng thứ hai trong tổng tài trợ theo lĩnh vực là cho vay thay thế (alternative lending) với 506 triệu USD chiếm 12% tổng tài trợ, trong khi tiền điện tử đứng thứ ba với giá trị tài trợ 461 triệu USD tương đương 11% tổng tài trợ. Hình 2. Tài trợ FinTech theo lĩnh vực Nguồn: UOB, 2022 Mặc dù nguồn tài trợ FinTech được ghi nhận tăng lên, số lượng công ty FinTech mới thành lập trong khu vực ASEAN-6 trong 9 tháng đầu năm 2022 lại ghi nhận mức thấp kỷ lục với 127 công ty, thấp hơn so với thời điểm đỉnh cao của đợt phong tỏa đại dịch vào năm 2020 với 262 công ty. Hình 3. Số lượng công ty FinTech theo từng quốc gia Nguồn: UOB, 2022
  4. 486 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới dành cho dịch vụ tài chính đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng ở khu vực đầu tư tư nhân đã thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý. Hiện vẫn chưa có quy định cho FinTech ở các thành viên thuộc ASEAN-6 tuy nhiên 90 % các nước trong khu vực đã sử dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) và các sáng kiến quy định công nghệ (RegTech initiatives) như công cụ hỗ trợ điều tiết và kích thích sự phát triển của FinTech trong nước. 3. BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ SINGAPORE Với mục tiêu trở thành trung tâm thương mại và tài chính toàn cầu, Singapore đã cam kết tạo ra một hệ sinh thái tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa nền kinh tế và phát triển FinTech (Lee, 2001). Phát triển FinTech cũng là một khía cạnh quan trọng của việc xây dựng quốc gia, được thể hiện qua sáng kiến Quốc gia thông minh của Singapore với mục đích chuẩn bị lực lượng lao động, chính phủ và công dân cho kỷ nguyên kỹ thuật số (Smart Nation Singapore, n.d). Cơ quan Quản lý Tiền Tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore - MAS) thành lập năm 2016 với vai trò là cơ quan quản lý FinTech, đã thực hiện nhiều sáng kiến để củng cố vị thế “thủ đô FinTech” của Singapore trong khu vực. Những nỗ lực quản lý của MAS đã tạo ra kết quả nổi bật khi Singapore trở thành quốc gia thu hút nhiều nguồn tài trợ cho FinTech nhất khu vực ASEAN-6 từ năm 2018. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Singapore chiếm 43% tổng tài trợ FinTech (1,847 triệu USD) và là quốc gia có tỷ lệ công ty khởi nghiệp FinTech cao nhất trong số các nước ASEAN-6 với 1.580 công ty có trụ sở tại Singapore (UOB, 2022). Để đạt được những kết quả trên, Chính phủ Singapore đã có các biện pháp cải thiện hệ thống thể chế và quản lý, bao gồm: cải thiện sự tích hợp của cơ sở hạ tầng pháp lý (thành lập FinTech & Innovation Group - FTIG); cải cách quy định để khuyến khích đổi mới tài chính; ban hành các hướng dẫn quy định và thông qua luật nhằm cung cấp sự rõ ràng về quy định nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của FinTech; và cải cách luật pháp. Từ các biện pháp thay đổi đã được thực hiện, có bốn bài học kinh nghiệm tiếp cận FinTech của Singapore, bao gồm: (1) phương pháp tiếp cận quy định hợp lý và tích hợp; (2) xây dựng một hệ sinh thái FinTech; và (3) giới hạn quy định. 3.1. Phương pháp tiếp cận quy định hợp lý và tích hợp Sự tích hợp của MAS với các tổ chức liên quan khác giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch quản lý hiệu quả. MAS đã hợp tác chặt chẽ với nhiều cơ quan chính phủ bao gồm Ban Phát triển Kinh tế và SPRING Singapore trong lĩnh vực đổi mới FinTech và hợp lý hóa việc tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi. Ngoài ra, để đảm bảo rằng các nhiệm vụ được xử lý hiệu quả, MAS cũng đã tạo ra các quy tắc tổ chức nội bộ làm việc mang tính hợp tác cùng với các cơ quan chính phủ liên quan, bao gồm FTIG. Các quy tắc này dựa trên cách thức quản lý thông tin và truy vấn sao cho văn phòng phù hợp nhất có thể cung cấp phản hồi nhanh chóng theo quy định cho thắc mắc của các công ty. Cụ thể, chính sách “không nhầm cửa” (“No Wrong Door” policy) của MAS và chính phủ Singapore yêu cầu viên chức nhận được câu hỏi đảm bảo rằng người hỏi sẽ nhận được câu trả lời trong thời hạn quy định, bất kể câu hỏi đã được chuyển đến cơ quan thích hợp nhất hay không (Public Service Division, 2007).
  5. Phần 2: Hoàn thiện về Thể chế và Chính sách 487 3.2. Xây dựng một hệ sinh thái FinTech Để xây dựng hệ sinh thái FinTech hàng đầu của khu vực, MAS đã thành công trong việc thực hiện các biện pháp sau: - MAS đã áp dụng cách tiếp cận dựa trên hoạt động trong việc quản lý các vấn đề liên quan đến FinTech do sự phát triển nhanh chóng và sự không chắc chắn của thị trường. Dựa vào đó, các quy định sẽ được đưa ra khi có các rủi ro và xu hướng cụ thể xuất hiện trong ngành FinTech. Việc chuyển từ phương pháp quản lý dựa trên thể chế sang phương pháp quản lý dựa trên hoạt động này dựa trên nhận thức rằng rủi ro ngày càng gắn liền với bản chất của các hoạt động hơn là nhãn hiệu của các tổ chức liên quan (Lin, 2019). - MAS cải thiện nguồn cung cấp vốn thông qua nhiều chương trình của chính phủ. Các công ty FinTech tại Singapore nhận được nhiều khoản tài trợ ở các giai đoạn phát triển khác nhau, và các khoản tài trợ này cũng được thiết kế cho cả người nước ngoài và người dân địa phương. Ví dụ, MAS, Hiệp hội FinTech Singapore (SFA), Tập đoàn AMTD và Quỹ AMTD đã công bố Quỹ tài trợ đoàn kết FinTech MAS-SFA-AMTD trị giá 6 triệu SGD để hỗ trợ các công ty FinTech có trụ sở tại Singapore trong bối cảnh môi trường kinh doanh đầy thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020 (MAS, 2020). - MAS đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho sự đổi mới FinTech của Singapore. Các sáng kiến của FTIG, bao gồm Lễ hội FinTech Singapore, FinTech Hackcelerator toàn cầu, ngày giao dịch FinTech, mạng lưới tài chính toàn diện ASEAN và thư mục FinTech (FinTech News, 2021) đã thu hút nhiều công ty, nhân vật trong ngành và nhân tài đến với Singapore. - Singapore đã khai thác các nguồn lực từ các quốc gia để thu hút nhiều nhân tài đồng thời tăng cường hợp tác FinTech với chính phủ các quốc gia này. Một ví dụ về thực tiễn này là thỏa thuận của Singapore với Thái Lan để liên kết hệ thống thanh toán điện tử của cả hai nước (MAS, 2021). 3.2. Giới hạn quy định Các cơ quan quản lý FinTech phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn lực, nhân viên, chuyên môn và công cụ trong việc quản lý FinTech. Trong những trường hợp này, sự hạn chế chuyên môn công nghệ có thể khiến các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc hiểu FinTech và đánh giá tác động của nó đối với các quy định (Janik & Kate, 2017). Hơn nữa, hỗ trợ pháp lý dưới hình thức thử nghiệm có kiểm soát và văn phòng đổi mới cũng có thể không khả thi ở một số khu vực pháp lý nhất định nếu thiếu năng lực tài chính. Hiệu quả của các biện pháp bị hạn chế bởi câu hỏi các quốc gia có đủ khả năng tài chính để thu hút nhân tài làm việc trong khu vực chính phủ, thành lập các sandbox và văn phòng đổi mới hay không. Cách tiếp cận từ trên xuống trong FinTech có thể không thực tế ở các nước lớn nếu thiếu ngân sách để thực hiện các sáng kiến (Lin, 2019); tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải là vấn đề ở Singapore vì đây là một đảo quốc nhỏ nhưng giàu có. 4. BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ INDONESIA Indonesia hiện là nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới (lớn thứ 8 tính theo GDP) và tham vọng sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới (lớn thứ 5 tính theo GDP) vào năm 2030. Ngoài ra, với 132,7 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 51,5% dân số và hơn 50 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), Indonesia là quốc gia có tiềm năng rất lớn về FinTech (Batunanggar, 2019). Theo báo cáo của UOB (2022), trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng tài trợ FinTech của Indonesia là 1,421 triệu USD
  6. 488 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM - đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN-6 và đồng thời xếp thứ 2 khu vực với 993 công ty khởi nghiệp FinTech có trụ sở tại Indonesia. Bên cạnh đó, Indonesia là một trong các trung tâm FinTech Hồi giáo toàn cầu với 61 công ty trên tổng 375 công ty FinTech Hồi giáo (DinarStandard and Elipses, 2022). Các công ty FinTech tại Indonesia hoạt động dưới sự giám sát của hai tổ chức chính phủ chính: Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) và Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK). BI quản lý các hoạt động FinTech trong việc điều tiết và giám sát các ngân hàng, trong khi OJK điều tiết và giám sát thị trường vốn và các tổ chức tài chính, chẳng hạn như ngân hàng kỹ thuật số, cho vay ngang hàng (P2P), huy động vốn cộng đồng, và công nghệ bảo hiểm (Dương Quốc Anh, 2022). Thách thức chính đối với các cơ quan quản lý là cân bằng giữa đổi mới sáng tạo với toàn vẹn thị trường tài chính và bảo vệ khách hàng sử dụng FinTech. Do đó, các quy định quy định về FinTech cần cung cấp một khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hỗ trợ đổi mới trong lĩnh vực FinTech đồng thời đảm bảo an toàn, lành mạnh cho lĩnh vực tài chính và bảo vệ khách hàng. Điều này phù hợp với cách tiếp cận pháp lý “chạm nhẹ và bến cảng an toàn” được Tổng thống Indonesia - Joko Widodo đề cập trong Cuộc họp thường niên năm 2018 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Nhóm Ngân hàng Thế giới (IMF-WBG) tại Bali (IMF Media Center, 2018). Để hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong tài chính kỹ thuật số ở Indonesia và đảm bảo bảo vệ khách hàng sử dụng FinTech, OJK đã sử dụng nhiều chiến lược quản lý và giám sát, bao gồm: (1) chiến lược tổng thể và cân bằng; (2) giám sát thực hiện thị trường; và (3) đổi mới kỹ thuật số. 4.1. Chiến lược tổng thể và cân bằng OJK có vai trò đảm bảo khả năng phục hồi và sự lành mạnh của FinTech, đồng thời khuyến khích sự đổi mới và cạnh tranh trong ngành. Từ năm 2013, OJK bắt đầu ban hành các quy định mới nhằm mục đích bảo vệ khách hàng trong lĩnh vực FinTech chứ không phải giảm thiểu rủi ro tài chính như trước đây, trong bối cảnh dữ liệu cá nhân thường bị tiết lộ trái phép và các hoạt động kinh doanh đáng ngờ khiến khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính bị mất tiền oan. Quy định POJK số 6/POJK.07/2022 (POJK 6) về Bảo vệ khách hàng và công chúng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính được ban hành với mục đích nâng cao nhận thức của khách hàng sử dụng FinTech và tăng cường sự chắc chắn về mặt pháp lý đối với các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp bởi các công ty FinTech. Theo quy định này, các tổ chức tài chính được yêu cầu phải cung cấp cho OJK thông tin toàn diện về sản phẩm và xác nhận rằng khách hàng được thông báo đầy đủ về những gì họ đang mua để làm bằng chứng trong các tranh chấp pháp lý. Ngoài ra, POJK 6 mở rộng các hạn chế áp đặt lên cách nhà cung cấp hoạt động kinh doanh của mình bằng cách áp đặt một số lệnh cấm đối với các công ty FinTech, và các công ty FinTech được giao nhiệm vụ bảo vệ khách hàng trong các hoạt động kinh doanh của họ và duy trì niềm tin trong ngành (OJK, n.d). 4.2. Giám sát thực hiện thị trường OJK chịu trách nhiệm quản lý và giám sát FinTech (OJK, n.d), trong khi các công ty FinTech chịu trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh của họ bằng cách áp dụng quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro và tuân thủ hợp lý (Batunanggar, 2019). Để thực hiện việc quản lý có hiệu quả thị trường FinTech: - OJK áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo quy định OJK số 13/POJK.02/2018 (POJK 13) về Đổi mới tài chính kỹ thuật số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính (OJK, n.d). Việc sử dụng cơ chế
  7. Phần 2: Hoàn thiện về Thể chế và Chính sách 489 thử nghiệm mang đến cho OJK hiểu biết sâu hơn về các mô hình và rủi ro kinh doanh FinTech, và đồng thời giúp các công ty FinTech cải thiện mô hình hoạt động và quản trị doanh nghiệp. - OJK đã bổ nhiệm Hiệp hội Indonesia FinTech Association (AFTECH) làm Hiệp hội Fintech đổi mới tài chính kỹ thuật số (IKD) vào năm 2019, phụ trách giám sát sự phát triển của thị trường FinTech (FinTech Indonesia, n.d). - OJK sử dụng công nghệ giám sát (SupTech) để cải thiện hệ sinh thái doanh nghiệp FinTech, tăng cường giám sát và duy trì liêm chính thị trường. Công nghệ giám sát (SupTech) được các cơ quan quản lý thị trường và cơ quan thực thi pháp luật sử dụng như một phương tiện để cải thiện khả năng giám sát, phân tích và thực thi tốt hơn, mang lại sự ổn định tài chính, tính toàn vẹn thị trường và phúc lợi khách hàng (OECD, 2021). 4.3. Đổi mới kỹ thuật số OJK đã thành lập “OJK Infinity”-”Trung tâm đổi mới OJK cho công nghệ tài chính kỹ thuật số” vào ngày 20 tháng 8 năm 2018 để thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính. OJK Infinity có ba chức năng chính (Marsya, 2018): (1) trung tâm thử nghiệm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để cân bằng giữa đổi mới với bảo vệ khách hàng sử dụng FinTech, (2) trung tâm đổi mới, để phát triển ngành IKD cũng như phát triển toàn bộ hệ sinh thái IKD, và (3) trung tâm học tập dành cho những người chơi FinTech hoặc học giả mong muốn trở thành một phần của IKD. Trong công cuộc số hóa, Indonesia vẫn đang trong giai đoạn “nhận thức”, trong khi lĩnh vực phát triển công nghệ đã tiến tới giai đoạn “mới nổi”. Do đó, chính phủ Indonesia đã thực hiện nhiều hành động nhằm thúc đẩy quá trình số hóa toàn diện nền kinh tế (OJK, 2020) như: - Tăng cường bảo vệ khách hàng trong thời đại kỹ thuật số, bao gồm nâng cao hiểu biết về tài chính kỹ thuật số và thực hành quản lý khiếu nại; - Ban hành các quy định và hướng dẫn bảo vệ dữ liệu cho khách hàng sử dụng FinTech; - Tăng cường quy định và giám sát FinTech, bao gồm việc sử dụng RegTech và SupTech để cải thiện và hỗ trợ tuân thủ quy định và giám sát; - Cải thiện đối thoại và hỗ trợ đổi mới: trung tâm đổi mới, các phiên và đối thoại chia sẻ kiến thức, cơ chế thử nghiệp có kiểm soát, tăng cường phối hợp toàn cầu và khu vực; - Tập trung vào việc cải thiện các biện pháp an toàn và lành mạnh cho ngành FinTech mới nổi, chẳng hạn như an ninh mạng, phòng chống gian lận và quản lý rủi ro; - Hỗ trợ hệ sinh thái FinTech, cụ thể là môi trường đầu tư; - Nâng cao cơ sở hạ tầng truy cập kỹ thuật số, bao gồm nhận dạng kỹ thuật số, ngân hàng mở và nhận dạng khách hàng điện tử. 5. KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH Từ những biện pháp đã được Singapore và Indonesia đã thực hiện, dưới đây là hai hàm ý chính xách mà bài tham luận đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái Việt Nam. Thứ nhất, xây dựng khuôn khổ, hành lang pháp lý cho lĩnh vực FinTech. Có thể thấy Singapore và Indonesia đã rất chú trọng trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các công ty FinTech phát triển, đồng thời đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN-6 chưa có khung pháp lý cho FinTech và vẫn đang
  8. 490 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM trong giai đoạn đề xuất thử nghiệm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Thiếu sót về văn bản pháp lý tạo ra những “điểm mờ” pháp lý trong các hoạt động FinTech đem đến rủi ro cho khách hàng. Đơn cử như hoạt động cho vay P2P, tại Singapore, cho vay P2P được quản lý bởi MAS theo Đạo luật Chứng khoán và Tương lai (Cap. 289) (SFA) và Đạo luật Cố vấn Tài chính (Cap. 110) (FAA) (MAS, n.d). Theo quy định của MAS, các doanh nghiệp cho vay P2P đều phải được kiểm định và cấp giấy phép dịch vụ thị trường vốn; các doanh nghiệp này không được tự quản lý tiền của nhà đầu tư thay vào đó họ phải gửi một đơn vị ký quỹ độc lập nhằm đề phòng trường hợp doanh nghiệp gặp rủi ro về tài chính. Ngoài ra, người đi vay cá nhân có thể vay tối đa 100.000 USD và phải viết giấy xác nhận nợ cho nhà đầu tư, đây là căn cứ pháp lý để xác định người đi vay nghĩa vụ trả nợ cho nhà đầu tư vào một thời điểm nhất định trong tương lai; bên cạnh đó, các công ty cho vay P2P cũng phải đảm bảo rằng người đi vay nắm rõ quy định này (MAS, n.d). Trong khi đó, OJK Indonesia ban hành Quy định OJK số 10/POJK.05/2022 (POJK 10/2022) thay thế cho quy định trước đó (POJK 77/2016) nhằm thắt chặt các quy định về cho vay P2P. Theo POJK 10/2022, các nhà cung cấp dịch vụ cho vay P2P phải có giấy phép kinh doanh từ OJK và phải được đăng ký là nhà điều hành hệ thống điện tử (ESO) trong hệ thống của Bộ Truyền thông và Tin học (MOCI). Bên cạnh đó, nhà cung cấp mới phải có vốn thanh toán tối thiểu là 1.670.000 USD và phải được nộp đầy đủ dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn đứng tên nhà điều hành của nền tảng tại một ngân hàng Indonesia. POJK 10/2022 cũng yêu cầu cả nhà cung cấp hiện tại và mới phải có khoảng 835.000 USD vốn chủ sở hữu. Những thay đổi mới này được OJK đưa ra giúp đảm bảo rằng các nhà cung cấp dịch vụ cho vay P2P có đủ vốn lưu động để chi trả cho các hoạt động hàng ngày. Tại Việt Nam, trong Công văn số 5228/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 08/07/2019 về hoạt động cho vay ngang hàng có nói rõ “pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hoạt động P2P Lending”. Như vậy, các công ty cho vay P2P đang hoạt động tại Việt Nam đều không có giấy phép hoạt động và các công ty này có thể lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp...), chiếm dụng vốn của nhà đầu tư, gây tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, an ninh kinh tế và ổn định xã hội. Công ty cổ phần Công nghệ tài chính VO247 và Fiin Credit là những ví dụ điển hình cho việc “lách” quy định trong hoạt động cho vay dẫn đến mất thanh khoản, và không thể thanh toán các khoản vay đến hạn cho nhà đầu tư, khiến những nhà đầu tư hầu như mất trắng. Để hạn chế các sự việc như trên có thể tiếp diễn trong tương lai, các cơ quan quản lý Nhà Nước và Ngân hàng Nhà Nước cần có trách nhiệm xây dựng và đưa ra các khuôn khổ pháp lý, hướng dẫn pháp lý để hoàn thiện hệ sinh thái FinTech, tạo điều kiện phát triển cho các công ty FinTech. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần quan tâm phát triển các quy định cần thiết để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho khách hàng trong quá trình sử dụng các dịch vụ FinTech . Thứ hai, xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ. Để phát triển FinTech góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, Việt Nam cần nâng cấp hạ tầng công nghệ cũng như nghiên cứu phát triển các sáng kiến công nghệ hiện đại có khả năng vận hành và làm chủ hệ điều hành, cơ sở dữ liệu ngày càng phức tạp và đảm bảo an ninh thông tin trong quá trình sử dụng. Công nghệ dữ liệu lớn, nền tảng cho vay ngang hàng, nhận diện kỹ thuật số, công nghệ Blockchain, v.v. là những nền tảng công nghệ quan trọng cần được tập trung phát triển để đáp ứng yêu cầu phát triển của FinTech nói riêng và nền kinh tế số nói chung.
  9. Phần 2: Hoàn thiện về Thể chế và Chính sách 491 Hạ tầng công nghệ của Singapore phụ thuộc rất nhiều vào trí tuệ nhân tạo (AI). Để phát triển AI phục vụ cho mục tiêu Quốc gia thông minh, Chính phủ Singapore đã kêu gọi tài trợ cho nghiên cứu AI thông qua quan hệ đối tác quốc gia. Mục tiêu của những lời kêu gọi này là khuyến khích sự hợp tác giữa các cộng đồng nghiên cứu AI ở Singapore và nước ngoài, từ đó mang lại tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực AI có lợi cho cả hai bên (PwC, 2023). Ngoài ra, AI Singapore tổ chức chương trình 100Experiements (100E), hỗ trợ các công ty Singapore trong việc triển khai AI. 100E là chương trình giúp các doanh nghiệp phát triển đội ngũ AI và tìm ra giải pháp cho các vấn đề AI của họ. Theo đó, các tổ chức có thể báo cáo vấn đề AI nào mà họ gặp phải cho 100E. Nếu không có giải pháp có sẵn, vấn đề sẽ được giải quyết bởi một hệ sinh thái gồm các nhà nghiên cứu và đội ngũ kỹ thuật AI Singapore trong vòng 7 đến 18 tháng dưới sự tài trợ của quỹ AI Singapore. Chính phủ Indonesia ưu tiên phát triển AI và blockchain hỗ trợ cho lĩnh vực tài chính. Tính năng bảo mật là một yếu tố quan trọng của FinTech, blockchain được sử dụng như là nền tảng của nền tảng bảo mật, cùng vơi mã hóa, sinh trắc học, xác thực đa yếu tố và các hệ thống bảo mật khác để đảm bảo tính bảo mật của ngành. Sự phát triển của FinTech có thể được sử dụng như một phương tiện thúc đẩy sự phát triển AI và blockchain, làm tăng niềm tin của công chúng vào các ứng dụng tài chính kỹ thuật số. Điều này sẽ có lợi cho chính phủ vì cần có niềm tin để xây dựng quản trị hiệu quả trong nền kinh tế kỹ thuật số. THAM KHẢO 1. Batunanggar, S. (2019). Fintech Development and Regulatory Frameworks in Indonesia [Working Paper]. ADBI, Tokyo. https://www.adb.org/publications/fintech-development-regulatory-frameworks-indonesia 2. CCAF, ADBI & FinTechSpace. (2019). ASEAN FinTech Ecosystem Benchmarking Study. Cambridge, UK. 3. DinarStandard and Elipses. (2022). Global Islamic Fintech Report. DinarStandard and Elipses. https:// www.qfc.qa/-/media/project/qfc/qfcwebsite/documentfiles/research/global-islamic-fintech-report.pdf 4. Dương Quốc Anh. (2022). FinTech và chiến lược phát triển tài chính toàn diện ở Indonesia. Viện Kinh tế số. https://vienkinhteso.vn/fintech-va-chien-luoc-phat-trien-tai-chinh-toan-dien-o-indonesia-9118.html 5. FinTech Indonesia. (n.d). About us. FinTech Indonesia. https://fintech.id/en 6. FinTech News. (2021). Singapore FinTech Report 2020. FinTech News. https://fintechnews.sg/wp- content/uploads/2021/01/Singapore-Fintech-Report-2021-Alibaba-Cloud-Fintech-News-SG-.pdf 7. Giglio, F. (2021). Fintech: A Literature Review. European Research Studies Journal, XXIV, 600-627. 8. IMF Media Center. (2018). IMF FINTECH. IMF Media Center. https://mediacenter.imf.org/news/imf- fintech/s/2baee5c0-cd09-4466-8e74-a9d5fdc73354 9. Janik, I., & Kate, L. (2017). Regulatory Sandboxes and Financial Inclusion [Working Paper]. CGAP, Washington, D.C, USA. https://www.cgap.org/sites/default/files/Working-Paper-Regulatory- Sandboxes-Oct-2017.pdf 10. Lee, H.L. (2001). Building One Financial World [Poster presentation]. ACI World Congress, Singapore. https://www.bis.org/review/r010525a.pdf 11. Lin, L. (2019). Regulating FinTech: The Case of Singapore. NUS Law Working Paper 2019/028. https://law.nus.edu.sg/cbfl/wp-content/uploads/sites/5/2020/04/028_2019_Lin-Lin.pdf 12. Marsya, N. (2018). OJK Launches "OJK Infinity", Digital Financial Innovation Center. DailySocial id.  https://dailysocial.id/post/ojk-launches-ojk-infinity-digital-financial-innovation-center 13. MAS. (2020). New S$6 Million Grant Scheme to Support Singapore FinTech Firms. Singapore Government. https://www.mas.gov.sg/news/media-releases/2020/new-grant-scheme-to-support-singapore -fintech-firms
  10. 492 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM 14. MAS. (2021). Singapore and Thailand Launch World’s First Linkage of Real-time Payment Systems. Singapore Government. https://www.mas.gov.sg/news/media-releases/2021/singapore-and-thailand- launch-worlds-first-linkage-of-real-time-payment-systems 15. MAS. (n.d). Securities And Futures Act (Cap.289) Financial Advisers Act (Cap. 110) Frequently Asked Questions (FAQs) on Lending-based Crowdfunding. Singapore Government. https://www. mas.gov.sg/-/media/MAS/Regulations-and-Financial-Stability/Regulations-Guidance-and-Licensing/ Securities-Futures-and-Fund-Management/Regulations-Guidance-and-Licensing/FAQs/FAQs-on- Lending-based-Crowdfunding.pdf 16. OECD. (2021). OECD Business and Finance Outlook 2021: AI in Business and Finance. OECD Library. https://www.oecd-ilibrary.org/sites/d478df4c-en/index.html?itemId=/content/component/ d478df4c-en#section-d1e11441 17. OJK. (2020). Digital Finance Innovation Road Map and Action Plan 2020-2024. Indonesia Government. https://www.ojk.go.id/id/berita-dan-kegiatan/publikasi/Documents/Pages/Publikasi- Materi-Digital-Finance-Innovation-Road-Map-dan-Action-Plan-2020-2024-serta-Digital-Financial- Literacy/Digital%20Finance%20Innovation%20Road%20Map%20dan%20Action%20Plan.pdf 18. OJK. (n.d). About us: Duties and Function. Indonesia Government. https://ojk.go.id/en/tentang-ojk/ pages/tugas-dan-fungsi.aspx 19. OJK. (n.d). Consumer And Public Protection In The Financial Services Sector. Indonesia Government. https://www.ojk.go.id/iru/BE/uploads/regulation/files/file_1abe2d9f-120f-4f23-802e- a0b1d2673990-18082022171829.pdf 20. Public Service Division. (2007). “No Wrong Door” policy. Singapore Government. https://www.psd. gov.sg/newsroom/pq-replies/no-wrong-door-policy/ 21. Smart Nation Singapore. (n.d). Three Pillars of a Smart Nation. Singapore Government. https://www. smartnation.gov.sg/about-smart-nation/pillars-of-smart-nation/ 22. Stock, T., & Seliger, G. (2016). Opportunities of sustainable manufacturing in industry 4.0. Procedia Cirp, 40, 536-541. 23. UOB. (2022). FinTech in ASEAN 2022: Finance, Reimagined report. UOB. https://www.uobgroup. com/techecosystem/news-insights-fintech-in-asean-2022.html 24. World Economic Forum. (2022). Davos Agenda: What can we expect of 2022? Highlights and key takeaways. World Economic Forum. https://www.weforum.org/agenda/2022/01/davos-agenda-2022- highlights-key-takeaways/ 25. PwC. (2023). FinTech innovation in Singapore: Sustaining growth in uncertain times. PwC. https://www.pwc.com/sg/en/publications/assets/page/fintech-innovation-in-singapore.pdf?link_ id=1a2dedc0-a0af-4cad-b0e4-3148756cd0d5
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2