intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Liêu trai chí dị - Phần 45

Chia sẻ: Tran Xuan Tam | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:6

80
lượt xem
15
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tế Nam có một đạo nhân, không biết quê quán ở đâu, cũng không rõ họ tên là gì, mùa đông hay mùa hè đều mặc một chiếc áo mỏng, thắt một sợi dây lưng màu vàng, ngoài ra không còn quần áo gì khác. Ông ta thường chải đầu bằng nửa miếng lược gỗ, chải xong lại cài vào tóc, làm như đội mũ; ngày ngày đi chân đất lang thang ngoài chợ, đem thì ngủ ở đầu đường. Quanh chỗ ông ta nằm khoảng vài thước, băng tuyết tan hết. Khi mới đến đất Tế, ông thường làm...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Liêu trai chí dị - Phần 45

  1. Phần 45 Hoa Sen Mùa Lạnh Tế Nam có một đạo nhân, không biết quê quán ở đâu, cũng không rõ họ tên là gì, mùa đông hay mùa hè đều mặc một chiếc áo mỏng, thắt một sợi dây lưng màu vàng, ngoài ra không còn quần áo gì khác. Ông ta thường chải đầu bằng nửa miếng lược gỗ, chải xong lại cài vào tóc, làm như đội mũ; ngày ngày đi chân đất lang thang ngoài chợ, đem thì ngủ ở đầu đường. Quanh chỗ ông ta nằm khoảng vài thước, băng tuyết tan hết. Khi mới đến đất Tế, ông thường làm trò ảo thuật cho mọi ngườixem, người trong phố tranh nhau cho tiền. Có mấy tên vô lại trong ngõ, đem rượu tới, xin ông truyền phép cho, không nghe. Gặp lúc đạosĩ tắm dưới bến sông, chúng sấn lại ôm áo dấu đi để bắt bí. Đạo sĩ chắp tay vái nói: - Xin trả lại cho, sẽ không tiếc gì mà không truyền phép thuật. Tên vô lại sợ ông dối, cứ khư khư không chịu buông. Đạo nhân hỏi: - Có thực không chịu trả không? Đáp: Thực. Đạo nhân nín lặng không nói gì với hắn nữa. Phúc chốc chiếc dây lưng vàng hóa thành con rắn, khoanh to bằng vài nắm tay, quấn lấy mình tên kia đến sáu bảy vòng, trừng mắt ngóc đầu thè lưỡi nhìn hắn. Tên kia kinh hoảng, quì xuống, mặt xanh nhợt, thở hổn hển, van xin cứu mệnh. Đạo nhân bèn lấy lại chiếc thắt lưng, thì té ra vẫn là thắt lưng, không phải rắn; ngoài ra còn một con rắn khác thì ngoằn ngoèo bò vào thành. Vì thế danh tiếng của đạo nhân càng lừng lẫy. Các nhà quyền quý nghe thấy lạ, mời đến, cùng ông giao du. Từ đấy ông thường qua lại nhà các tiên sinh trong làng. Các vị quan to trong hạt đều nghe danh, mỗi khi có yến tiệc thường dắt đạo nhân đi cùng. Một hôm, đạo nhân thết tiệc ở ngôi đình thủy tạ để đáp lễ các quan. Tới ngày hẹn các quan khách đều nhận được thiếp mời của đạo nhân để trên án thư, mà không biết từ đâu tới. Quan khách tới nơi, đạo nhân bước ra cung kính đón tiếp. Vào bên trong, thấy thủy đình trống rỗng, im lặng như tờ, bàn ghế cũng chưa kê, đều ngờ là lừa gạt. Đạo nhân thưa với các quan rằng: - Bần đạo không có người hầu phiền các ngài cho mượn mấy người tùy tùng đỡ tay một lút. Các quan xin vâng. đạo nhân vẽ lên vách hai cánh cửa, lấy tay gõ, nghe bên trong có tiếng thưa, liền rút then nâng cửa lên. Mọi người đổ xô ngó vào, thấy bên trong thấp thoáng những người qua lại. Bình phong rèm cửa, bàn ghế đều đủ cả. Rồi có người truyền đem tất cả mọi thứ ra cửa ngoài. Đạo nhân sai bọn người hầu của các quan đỡ lấy bày ra giữa đình, lại dặn đừng nói chuyện với những người bên trong. Hai bên trao nhận chỉ nhìn nhau mà cười. Giây lát mọi thứ trang hoàng bày chật cả thủy đình, lịch sự đến cùng cực. Thế rồi rượu ngon tỏa hơi ngào ngạt, mùi chả nướng thơm lừng,
  2. đều là những thứ từ trong vách đưa ra cả. Tân khách không ai không kinh dị. Nhà thủy đình vốn xây lưng ra mặt hồ. Hằng năm vào tháng sáu, hoa sen nở chạy dài vài mươi khoảnh, bát ngát không thấy bờ. Nhưng bấy giờ đương vào tiết đông, ngoài cửa sổ chỉ thấy mênh mông làn khói biếc. Chợt một vị quan than rằng: - Hôm nay được hội tụ tưng bừng (1), chỉ tiếc không có hoa sen tô điểm! Mọi người cùng đồng thanh phụ họa. Phúc chốc một tên lệ mặc áo xanh chạy vào bẩm: - Lá sen đã phủ kín mặt hồ rồi! Cả bàn tiệc cùng kinh ngạc, đẩy cửa sổ trông ra, quả thấy đầy tầm mắt đều là lá non xanh biếc, chen lẫn với những bông sen. Rồi chỉ trong khoảng chớp mắt, muôn nghìn đóa sen nở tung một lượt, một làn gió bấc thổi tới, hương thơm ngào ngạt thấm tận tâm can. Mọi người đều lấy làm lạ lùng. Sai một tên nha lại chèo thuyền ra hái sen, đứng xa trông thấy thuyền vào tít giữa hồ sen, một lát bơi về tay không lên trình quan. Quan hỏi, nha lại thưa rằng: - Tiểu nhân chèo thuyền đi, thấy hoa ở phía xa xa, dần dần sang tới bờ phía Bắc, ngoảnh lại, lại thấy xa tắp mãi tận phía Nam. Đạo nhân cười nói: - Đó chỉ là những bông hoa ở trong ảo mộng. Không bao lâu, tiệc rượu tàn, hoa sen cũng tả tơi héo úa. Gió bấc vụt nổi lên làm gãy hết các cuống lá, không còn một cây nào sót lại. Quan án Tế Đông bằng lòng lắm, dắt đạo sĩ về dinh, hàng ngày vui chơi tiêu khiển. Một hôm quan cùng khách uống rượu. Nhà quan vốn có một thứ rượu ngon gia truyền, mỗi lần uống chỉ lấy ra một đấu, không chịu cho uống phí. Hôm ấy khách uống ngon miệng, cố đòi dốc thêm vò rượu, quan khăng khăng chối từ, lấy cớ rượu đã nhẵn. Đạo nhân cười bảo khách rằng: - Các ngài nếu muốn uống cho thỏa, cứ hỏi bần đạo này là được. Khách vâng ngay. Đạo nhân cầm hồ bỏ trong tay áo, giây lát lấy ra, rót khắp một lượt, chẳng khác gì thứ rượu quan dấu trong nhà. Ai nấy say sưa thỏa thích mới thôi. Quan đâm ngờ, vào nhìn bình rượu, thì dấu niêm phong hãy còn nguyên, mà rượu đã không còn một giọt. Trong bụng vừa thẹn vừa giận, lấy cớ là yêu quái, cho bắt đạo sĩ đánh đòn. Gậy vừa quất vào, quan cảm thấy đùi mình thốt nhiên đau buốt; đánh thêm một hèo nữa, thịt đùi tưởng như muốn toạt ra. Dưới thềm tuy đạo nhân cất tiếng kêu rên, nhưng trên công đường, quan án đã chảy máu đầm đìa. Quan bèn truyền dừng tay, không đánh nữa và đuổi đạo nhân đi. Đạo nhân bèn rời khỏi đất Tế, không biết là đi
  3. đâu. Sau có người gặp ở Kim Lăng, cách ăn mặc vẫn như cũ. Hỏi, chỉ cười không nói. Chú thích (1) có bản: “cảnh đẹp thế này” Mộng Thấy Chó Sói Ông họ Bạch người Trực Lệ, có con trai lớn là Giáp, mới ra làm quan ở phương Nam, ba năm không có tin tức. Chợt có một người họ Đinh có họ hàng dây mơ rễ má đến thăm, ông giữ ở lại. Đinh vốn làm phụ đồng thiếp(1). Trong lúc chuyện trò, ông bèn hỏi chuyện âm phủ, Đinh trả lờicó nói đến những điều huyễn hoặc, ông không tin lắm nhưng cũng chỉ cười ruồi. Chia tay được mấy ngày, ông vừa nằm nghỉ, thấy Đinh lại đến, mời ông cùng đi chơi. Ông đi theo, vào một tòa thành. Lát sau, Đinh trỏ một cái cửa bảo: - Cháu ông ở trong ấy đấy. Bấy giờ ông có người cháu con chị gái, đang làm quan huyện đất Tấn, bèn ngạc nhiên hỏi: - Sao nó ở đây được? Đinh đáp: - Không tin, cứ vào sẽ biết. Ông vào, quả nhiên thấy cháu, mũ điêu thiền, áo trãi tú (2) ngồi trên công đường, cờ kích dàn hàng, không ai vào lọt. Đinh kéo ông ra bảo: - Còn nha môn của công tử cũng cách đây không xa, ông có muốn đến xem không? Ông bằng lòng. Lát sau đến một tòa nhà, Đinh bảo: - Ông vào đi! Nhòm qua cửa thấy một con sói to tướng chắn giữa lối, ông sợ quá không dám bước tới. Đinh giục: - Ông cứ vào đi! Lại vào một cửa nữa thấy trên nhà dưới nhà, con nằm con ngồi đều là sói cả.Nhìn đến thềm, xương trắng chất cao như núi, ông lại càng sợ. Đinh phải lấy mình che cho ông mà đi vào. Công tử Giáp vừa từ nhà trong ra, thấy cha và Đinh mừng lắm. Ngồi một lát, Giáp gọi người hầu sửa soạn cơm rượu. Bỗng một con sói ngoạm xác người chết đem vào.
  4. Ông run rẩy đứng dậy hỏi: - Để làm gì? Giáp đáp: - Để đưa xuống nhà bếp. Ông vội ngăn lại, lòng hoảng hốt không yên, cáo từ định đi ra nhưng đàn sói đã cản đường. Đang lúc tiến lui chưa quyết bỗng thấy lũ sói tán loạn chạy trốn, con chui gầm giường, con rút gầm ghế, ông kinh ngạc không hiểu vì sao. Giây lát có hai lực sĩ dũng mãnh mặc giáp vàng trợn mắt bước vào, rút dây thừng đem ra trói Giáp. Giáp ngã xuống đất hóa thành hổ, răng nhe tua tủa. Một người rút kiếm sắt toan chặt đầu, người kia ngăn: - Hãy khoan, hãy khoan! Đấy là việc của tháng tư năm sau, chi bằng hãy tạm bẻ răng nó đã. Bèn rút cây chùy sắt thật lớn ra đập vào răng, răng rơi rụng xuống đất. Hổ rống lên vang động núi non. Ông thất kinh, sực tỉnh, mới biết là mộng. Trong lòng lấy làm lạ, cho người mời Đinh, Đinh từ chối không đến. Ông ghi lại giấc mộng sai con trai thứ mang đưa cho Giáp, trong thư răn đe thống thiết. Người em tới nơi, thấy răng cửa của anh gãy hết, kinh hãi hỏi anh, thì ra bị gãy vì ngã ngựa trong cơn say rượu. Hỏi kỹ thời gian thì đúng vào ngày cha nằm mộng thì càng hãi, đưa thư của cha cho xem. Giáp xem thư tái mặt, lát sau nói: - Đấy là ảo mộng, ngẫu nhiên phù hợp, có gì đáng lạ. Khi ấy Giáp đang hối lộ các quan trên để được tiến cử trước, cho nên không để ý đến giấc mộng gỡ của cha. Người em ở chơi mấy ngày, thấy bọn nha lại sâu mọt đầy công đường, người nộp của đút và người xin hộ đến nửa đêm vẫn không ngớt, bèn rớt nước mắt can ngăn anh. Giáp đáp: - Em hàng ngày ở chốn nhà tranh cho nên không biết điều quan yếu của đường làm quan. Quyền thăng hay truất ở quan trên chứ không do trăm họ. Quan trên hài lòng là quan tốt. Thương yêu trăm họ thì làm sao cho quan trên vui lòng được? Người em biết không thể can ngăn được nên về thuật lại với cha. Ông Bạch nghe xong khóc rống lên, không biết làm thế nào, chỉ còn biết bỏ của ra giúp người nghèo, hàng ngày cầu khấn thần kinh, chỉ xin nếu báo oán đứa nghịch tử thì đừng để lụy đến vợ con. Năm sau có tin báo Giáp được tiến cử về bộ Lại, người mừng đến chật cổng. Ông chỉ khóc tức tưởi, phục xuống gối thác bệnh không ra. Chẳng bao lâu nghe tin con trai trên đường về gặp cướp, tớ thầy đều chết. Ông trở dậy bảo người nhà:
  5. - Cơn giận của quỷ thần chỉ tới một mình nó, còn sự phù hộ cho nhà ta không phải không sâu nặng vậy. Nhân đó ông thắp hương lễ tạ. Người đến hỏi thăm đều cho rằng đó là lời đồn đại sai ngoa ngoài đường sá, chỉ có ông tin chắc không chút nghi ngờ, định ngày bói nơi chôn cất. Nhưng Giáp vốn chưa chết. Trước đó, khoảng tháng tư, Giáp thôi chức cũ, vừa ra khỏi điạ phận liền gặp cướp, Giáp dốc hết hành trang nộp cho chúng. Bọn cướp bảo: - Chúng tao đến đây để hả nỗi oan phẫn cho dân cả ấp, đâu chỉ vì những thứ này. Nói rồi chém đầu Giáp, xong, hỏi người hầu: - Tư Đại Thành là đứa nào: - Tư vốn là tay chân tâm phúc của Giáp, giúp Kiệt làm điều bạo ngược. Gia nhân đều chỉ vào hắn, cướp cũng giết chết nốt. Lại thêm bốn tên nha dịch sâu mọt là tay sai vơ vét cho Giáp, được Giáp đưa về kinh, đều bị lôi ra chém chết. Bấy giờ bọn cướp mới chia của bỏ vào túi, phóng ngựa bỏ đi. Hồn Giáp phục ở bên đường, thấy một quan tể đi qua hỏi: - Người bị giết là ai thế nhỉ? Toán quân đi trước đáp: - Đó là tri huyện họ Bạch ở huyện nọ đấy? Quan tể bảo: - Hắn là con trai ông họ Bạch, không nên để cho ông lão đến sau phải nhìn thấy cảnh thảm khốc này. Nên chắp đầu lại cho hắn. Lập tức có một người nhặt đầu đặt vào cổ rồi nói: - Kẻ gian tà không nên để đầu ngay ngắn, nên cho vai đỡ lấy cằm (3) là được. Nói rồi trẩy đi. Lát sau Giáp sống lại. Vợ con đến nhặt xác thấy còn thoi thóp, bèn chở về, từ từ cho uống, cũng uống được, nhưng đành sống gửi nơi quán trọ vì nghèo quá không thể về được. Khoảng nửa năm sau, ông mới biết tin đích xác, sai con thứ đến đưa về. Giáp tuy sống lại nhưng mắt tự nhìn được lưng mình, không còn ra vẻ con người được mấy nỗi. Còn con trai người chị thì nhờ được tiếng trị dân giỏi, năm đó được thăng ngự sử. Tất cả đều hệt như trong giấc mộng.
  6. Dị sử thị bàn rằng: Ta trộm than rằng: trong thiên hạ, quan là cọp mà nha môn lại là sói, đâu cũng thế cả. Cho dẫu quan chưa là cọp thì nha lại cũng sẽ là sói; huống chi lại có chính lệnh khắc nghiệt còn dữ hơn cả cọp (4) nữa kia! Điều người ta lo là không thể tự mình quay nhìn lại phía sau; cho sống lại mà lại còn làm cho chính mình nhìn thấy được đằng sau, bài học của quỷ thàn mới sâu xa tinh tế biết bao! Chú thích (1) phụ đồng thiếp: một thuật mê tín cho là có thể đưa hồn người sống xuống thăm âm phủ. (2) mũ điêu thiền: mũ vẽ hoa văn hình ve tượng trưng cho thanh cao trong sạch và cắm đuôi điêu tượng trưng cho sức mạnh bên trong mà bên ngoài ôn hòa. Áo trãi tú: áo thêu hình con thú một sừng gọi là giải trãi, biết phân biệt ngay gian. Cả hai loại mũ áo trên là trang phục của quan ngự sử. (3) nên cho vai đỡ lấy cằm: bản gốc là “cổ” không hợp lắm. Chúng tôi dựa vào một bản khác. (4) Lời Khổng Tử trong thiên “Đàn cung” sách Lễ ký: “Chính sách hà khắc còn dữ hơn cọp”.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2