intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Luật kinh tế: Góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật Việt Nam

Chia sẻ: Cẩn Ngữ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:82

37
lượt xem
10
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đề tài được thực hiện nhằm mục đích: Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về QSHCN và góp vốn bằng QSHCN như đưa ra khái niệm và phân tích những đặc điểm của QSHCN cũng như đặc trưng của hoạt động góp vốn vào công ty bằng QSHCN; phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở so sánh với pháp luật một số nước trên thế giới điều chỉnh về hoạt động góp vốn bằng QSHCN;... Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Luật kinh tế: Góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật Việt Nam

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH TỐNG TRANG ĐÀI GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SỸ CHUYÊN NGÀNH LUẬT KINH TẾ
  2. TP. HỒ CHÍ MINH, THÁNG 12 - NĂM 2017 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn “Góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật Việt Nam” là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn khoa học của Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Nam Giang. Các số liệu, thông tin trong luận văn là trung thực, các dữ liệu, luận điểm đều được trích dẫn đầy đủ theo đúng quy định. Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về lời cam đoan này. Tác giả luận văn Tống Trang Đài
  3. DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT Các từ Nội dung được viết tắt viết tắt SHTT Sở hữu trí tuệ SHCN Sở hữu công nghiệp QSHTT Quyền sở hữu trí tuệ QSHCN Quyền sở hữu công nghiệp BLDS Bộ luật Dân sự LSHTT Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 Hiệp định Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền TRIPS sở hữu trí tuệ
  4. MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU .................................................................................................................. 1   CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ............................................ 7   1.1.   Khái quát về quyền sở hữu công nghiệp......................................................................... 7   1.1.1.   Khái niệm quyền sở hữu công nghiệp ................................................................ 7   1.1.2.   Đặc điểm của quyền sở hữu công nghiệp ........................................................... 9   1.2.   Khái quát về góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp ................................................ 14   1.2.1.   Khái niệm hành vi góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp ........................... 14   1.2.2.   Quyền góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp .............................................. 19   1.2.3.   Chủ thể góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp ............................................ 20   1.2.4.   Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được sử dụng để góp vốn ..................... 23   1.2.5.   Phương thức và hình thức góp vốn bằng quyền sở công nghiệp ...................... 26   Kết luận Chương 1............................................................................................................. 31   CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN............ 33   2.1.   Quyền được góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp................................................. 33   2.2.   Chủ thể góp vốn vào công ty bằng quyền sở hữu công nghiệp .................................... 35   2.2.1.   Điều kiện đối với chủ thể góp vốn vào công ty bằng quyền sở hữu công nghiệp 35   2.2.2.   Kiến nghị........................................................................................................... 38   2.3.   Quyền sở hữu công nghiệp được sử dụng để góp vốn.................................................. 38   2.3.1.   Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được sử dụng để góp vốn ..................... 38   2.3.2.   Kiến nghị........................................................................................................... 49   2.4.   Cách thức và hình thức góp vốn vào công ty bằng quyền sở hữu công nghiệp ........... 50   2.4.1.   Cách thức góp vốn ............................................................................................ 50   2.4.2.   Hình thức góp vốn ............................................................................................ 51   2.4.3.   Kiến nghị........................................................................................................... 53   2.5.   Định giá quyền sở hữu công nghiệp được sử dụng để góp vốn.................................... 53   2.5.1.   Định giá quyền sở hữu công nghiệp sử dụng ngân sách Nhà nước .................. 54   2.5.2.   Định giá quyền sở hữu công nghiệp sử dụng nguồn vốn tư nhân..................... 56   2.5.3.   Kiến nghị........................................................................................................... 64  
  5. 2.6.   Chế độ kế toán đối với quyền sở hữu công nghiệp được sử dụng để góp vốn ............. 65   2.6.1.   Đối với bên góp vốn ......................................................................................... 65   2.6.2.   Đối với bên nhận góp vốn ................................................................................. 68   Kết luận Chương 2............................................................................................................. 70   KẾT LUẬN......................................................................................................................... 71  
  6. 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Ngày nay, cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sở hữu trí tuệ, đặc biệt là sở hữu công nghiệp ngày càng chiếm vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đều đã công nhận bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và thừa nhận nó là một loại tài sản. Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh nguồn lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh các sản phẩm ứng dụng thành quả của sự sáng tạo trí óc, thì dưới góc độ tài sản, loại tài sản vô hình như quyền sở hữu công nghiệp ngày càng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Theo thống kê của công ty đầu tư tài chính danh tiếng Ocean Tomo, đến năm 2015, tài sản vô hình chiếm 84% giá trị thị trường của top 500 công ty có vốn hóa trên thị trường lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong khi con số này vào năm 1985 chỉ là 32%1. Chính vì những giá trị to lớn mà quyền sở hữu công nghiệp mang lại, cùng với mong muốn của chủ sở hữu quyền trong việc phát triển và nâng cao giá trị của quyền sở hữu công nghiệp mà mình đang sở hữu, nhu cầu góp vốn và nhận vốn góp bằng quyền sở hữu công nghiệp xuất hiện và ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, Nhà nước ta đã thừa nhận quyền góp vốn vào công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền sở hữu công nghiệp nói riêng lần đầu tiên trong Điều lệ về đầu tư của nước ngoài ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 115-CP ngày 18 tháng 4 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ. Theo thời gian, các quy định của pháp luật về góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp cũng được sửa đổi, bổ sung để dần hoàn thiện. Hiện nay, bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ như Luật Doanh nghiệp năm 20142, LSHTT, Nhà nước ta đã xây dựng được một khung pháp lý cho việc góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, do những đặc điểm riêng biệt của quyền sở hữu công nghiệp cũng như những hạn chế, bất cập và chưa đầy đủ trong các quy định của pháp luật hiện hành điều 1 Ban biên tập Báo Khoa học và phát triển, “Tài sản vô hình: Con đường của tương lai”, http://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/tai-san-vo-hinh-con-duong-cua-tuong-lai/201605170940518p1c882.htm, truy cập vào ngày 20/6/2016. 2 Trước khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 được ban hành, việc góp vốn bằng QSHCN được điều chỉnh theo các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính Phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.
  7. 2 chỉnh việc góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp, dẫn đến việc quyền góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp chưa thực sự được áp dụng rộng rãi trên thực tế và còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chính vì thế, xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện để bảo đảm cho việc thực thi quyền góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp của các nhà đầu tư là vấn đề cần thiết. Thêm vào đó, nước ta đang thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, các văn bản quy phạm pháp luật vẫn đang được nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành LSHTT, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng đã đến lúc phải sửa đổi LSHTT để phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta đang trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển Sở hữu trí tuệ Quốc gia Việt Nam áp dụng cho giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2030. Trong khuôn khổ đó, các quy định của pháp luật về góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bằng quyền sở hữu công nghiệp nói riêng cũng cần được nghiên cứu để thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Xuất phát từ những lý do trên mà tác giả chọn đề tài “Góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật Việt Nam” làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Trong quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy rằng hoạt động góp vốn bằng QSHTT nói chung, bằng QSHCN nói riêng cũng đã được một số tác giả quan tâm nghiên cứu. Có thể phân loại các công trình nghiên cứu này thành các nhóm như sau: Nhóm các luận văn thạc sĩ - Luận văn thạc sĩ “Áp dụng pháp luật về góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” của tác giả Phạm Đức Quảng, công bố năm 2011. Luận văn này đi sâu vào làm rõ các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện góp vốn và thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng QSHTT, trong đó tập trung phân tích vào đối tượng góp vốn là nhãn hiệu. Chính vì giới hạn phạm vi nghiên cứu của luận văn chỉ tập trung vào nhãn hiệu nên luận văn không làm rõ được các vấn đề lý luận cũng như thực trạng quy định của pháp luật về góp vốn bằng các đối tượng QSHCN khác. - Luận văn thạc sĩ “Góp vốn kinh doanh bằng giá trị nhãn hiệu theo Pháp luật Việt Nam” của tác giả Trương Quốc Hưng, công bố năm 2015. Luận văn này tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực trạng góp vốn kinh doanh bằng nhãn hiệu bao gồm xác định đối tượng góp vốn, định giá nhãn hiệu, vấn đề hạch toán kế
  8. 3 toán đối với nhãn hiệu được sử dụng để góp vốn. Luận văn đã nêu được một số kiến nghị để góp phần hoàn thiện pháp luật về góp vốn bằng nhãn hiệu, cụ thể như: sửa từ “doanh nghiệp” thành “công ty” trong khái niệm “góp vốn”; sửa đổi Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2005 theo hướng do tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá; sửa đổi quy định tại Chuẩn mực kế toán số 04 để ghi nhận nhãn hiệu là tài sản cố định vô hình; bổ sung quy định về chấm dứt tư cách thành viên khi thỏa thuận góp vốn chấm dứt. Tuy nhiên, luận văn có nhiều phần đi quá sâu vào phân tích góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, nhiều kiến nghị chưa có giá trị áp dụng trên thực tiễn. Và tương tự như luận văn của tác giả Phạm Đức Quảng, do chỉ tập trung đi sâu vào nghiên cứu đối tượng góp vốn là nhãn hiệu nên luận văn đã bỏ qua các đối tượng QSHCN khác được sử dụng để góp vốn. - Luận văn thạc sĩ “Góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” của tác giả Đoàn Thu Hồng, công bố năm 2012. Công trình nghiên cứu này tập trung vào phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về chủ thể góp vốn, chủ thể nhận vốn góp, điều kiện góp vốn và các thủ tục góp vốn bằng QSHTT, định giá QSHTT dùng để góp vốn và vấn đề hạch toán QSHTT. Từ đó, chỉ ra những ưu, nhược điểm trong các quy định của pháp luật và đề xuất giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, cũng như luận văn của tác giả Phạm Đức Quảng nói trên, điểm hạn chế chung của hai luận văn này chỉ đề cập đến các quy định của pháp luật về hoạt động góp vốn bằng QSHTT vào thời điểm ban đầu để khai sinh ra một doanh nghiệp chứ chưa đề cập đến giai đoạn góp vốn vào một doanh nghiệp đang hiện hữu. Bên cạnh đó, do phạm vi nghiên cứu của luận văn khá rộng, bao gồm toàn bộ các đối tượng của QSHTT nên có nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động góp vốn bằng QSHCN chưa được nghiên cứu sâu để làm rõ. - Luận văn thạc sĩ “Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ theo pháp luật Việt Nam” của tác giả Tạ Thị Thanh Thủy, công bố năm 2012. Công trình này nghiên cứu những vấn đề về lý luận chung về tài sản trí tuệ, góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ, pháp luật về góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ và thực tiễn hoạt động góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động góp vốn bằng tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, cũng như một số luận văn khác, đối tượng được sử dụng để góp vốn được đề cập đến trong luận văn quá rộng và việc sử dụng từ “tài sản trí tuệ” có vẻ như không phù hợp vì pháp luật nước ta không có quy định về tài sản trí tuệ mà chỉ có các quy định liên quan đến QSHTT.
  9. 4 - Luận văn thạc sĩ “Góp vốn vào doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam” của tác giả Lê Thị Hà, công bố năm 2011. Bên cạnh việc nghiên cứu các vấn đề lý luận về góp vốn vào doanh nghiệp bằng QSHTT, luận văn đã chỉ ra được thực trạng pháp luật điều chỉnh quan hệ góp vốn vào doanh nghiệp bằng QSHTT, trong đó, điểm nổi bật của luận văn là đã làm rõ được các quy định của pháp luật liên quan đến hạch toán giá trị tài sản góp vốn là QSHTT. Một trong những điểm hạn chế của luận văn này là phạm vi nghiên cứu quá rộng nên các quy định về góp vốn bằng QSHCN chưa được thể hiện một cách toàn diện và chuyên sâu. - Luận văn thạc sĩ “Góp vốn vào doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp theo pháp luật hiện hành ở Việt Nam” của tác giả Hà Thị Doánh, công bố 2013. Luận văn đã tập trung làm rõ những những nét đặc trưng của hoạt động góp vốn vào doanh nghiệp bằng QSHCN so với các loại tài sản khác, chỉ ra những bất cập của pháp luật liên quan làm cơ sở cho việc đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật. Có thể thấy, công trình nghiên cứu này có phạm vi nghiên cứu gần như giống với luận văn tác giả đang thực hiện. Tuy nhiên, công trình này đã được thực hiện từ năm 2013, khi các quy định của BLDS năm 2005 hay Luật Doanh nghiệp năm 2005 chưa có sự thay đổi, do đó, tính tới thời điểm hiện tại, nhiều nội dung và kiến nghị trong luận văn đã không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Nhóm các bài viết trên các báo, tạp chí, bao gồm: - Bùi Văn Sơn - Phạm Hà Trung (2007), “Góp vốn bằng quyền sử dụng thương hiệu”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 21 (94), tr.49-51. - Đỗ Quốc Quyền (2010), “Xác định loại và giá trị tài sản góp vốn vào công ty”, Tạp chí Nghề luật, Học viện Tư pháp, số 5/2010, tr.48-51, 60. - Nguyễn Võ Linh Giang (2015), “Quy định về định giá tài sản là quyền sở hữu trí tuệ khi góp vốn thành lập doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Cộng hòa Pháp”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 17 (297), tr.60-64. - Lê Đức Hiển – Trương Quốc Hưng (2017), “Hoàn thiện pháp luật về góp vốn kinh doanh bằng giá trị nhãn hiệu”, Tạp chí Dân chủ & Pháp luật, số 5 (302), tr.26-31. - Lê Minh Thái (2017), “Hoàn thiện pháp luật về góp vốn bằng nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, Bộ Tài chính, số 660. Do giới hạn trong phạm vi một bài viết, bài báo nên mỗi bài viết, bài báo nói trên cũng chỉ tập trung khai thác một nội dung nhất định và khai thác những khía
  10. 5 cạnh nhỏ của vấn đề chứ chưa tập trung phân tích đánh giá sâu về lý luận, thực tiễn các quy định của pháp luật của hoạt động góp vốn bằng QSHCN. Trong đề tài này, tác giả kế thừa một số kiến thức và kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, tác giả sẽ đi sâu vào nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam về góp vốn vào công ty bằng QSHCN dưới góc độ pháp lý và thực tiễn áp dụng trong giai đoạn hiện nay và cập nhật những quy định mới nhất về pháp luật liên quan đến hoạt động góp vốn QSHCN. Đề tài tác giả lựa chọn là một đề tài hẹp mang tính chuyên sâu. Vì vậy, dưới hình thức luận văn thạc sĩ, việc chọn đề tài của tác giả là không trùng lắp với các công trình đã được công bố. 3. Mục đích nghiên cứu Đề tài được thực hiện nhằm mục đích: (i) làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về QSHCN và góp vốn bằng QSHCN như đưa ra khái niệm và phân tích những đặc điểm của QSHCN cũng như đặc trưng của hoạt động góp vốn vào công ty bằng QSHCN; (ii) phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở so sánh với pháp luật một số nước trên thế giới điều chỉnh về hoạt động góp vốn bằng QSHCN; việc áp dụng trên thực tiễn, chỉ ra những thành tựu cũng như những bất cập trong các quy định của pháp luật và (iii) từ những bất cập đó, luận văn đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về góp vốn vào công ty bằng QSHCN. 4. Phạm vi nguyên cứu Dưới góc độ lý luận: Đề tài nghiên cứu những vấn đề lý luận về QSHCN và góp vốn vào công ty bằng QSHCN bao gồm khái niệm QSHCN, góp vốn bằng QSHCN, các đặc điểm của QSHCN cũng nhưng các đặc trưng của việc góp vốn bằng QSHCN so với góp vốn bằng các loại tài sản khác. Dưới góc độ quy định của pháp luật: Đề tài nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh hoạt động góp vốn vào công ty bằng QSHCN. Trong quá trình nghiên cứu, đề tài cũng không loại trừ việc nghiên cứu, so sánh pháp luật Việt Nam với pháp luật của một số quốc gia trên thế giới để đánh giá những thành tựu và hạn chế trong quy định của pháp luật Việt Nam và đưa ra các đề xuất nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật. 5. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện đề tài này, tác giả sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:
  11. 6 - Phương pháp lịch sử: được sử dụng khi nghiên cứu quá trình hình thành các quy định của pháp luật về góp vốn vào công ty bằng QSHCN. - Phương pháp phân tích, tổng hợp: được thực hiện khi nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam và một số nước trên thế giới về góp vốn bằng QSHCN; tổng hợp để rút ra nhận xét, đánh giá từng vấn đề dưới góc độ pháp lý. - Phương pháp so sánh, đối chiếu: được sử dụng để so sánh các quy phạm nội dung giữa các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau trong việc điều chỉnh hoạt động góp vốn bằng QSHCN; so sánh quy định của pháp luật Việt Nam với một số nước trên thế giới để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt; đối chiếu giữa lý luận và thực tiễn để làm rõ tính khả thi, tính hiệu quả của các quy định pháp luật hiện hành. - Phương pháp logic cũng được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thực hiện đề tài để đảm bảo các vấn đề được sắp xếp một cách thống nhất và hợp lý; đảm bảo các giải pháp đưa ra phù hợp với thực tiễn và có cơ sở khoa học. 6. Ý nghĩa khoa học của đề tài Từ kết quả nghiên cứu, đề tài góp phần xây dựng cơ sở lý luận và làm rõ thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về góp vốn vào công ty bằng QSHCN. Đề tài sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu pháp luật về QSHCN và góp vốn bằng QSHCN. Đối với các cơ quan Nhà nước, kết quả nghiên cứu của đề tài này có thể là nguồn tham khảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về góp vốn vào công ty bằng QSHCN. 7. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu, lời cam đoan, danh mục từ viết tắt, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận văn gồm có hai chương: Chương 1: Những vấn đề lý luận về quyền sở hữu công nghiệp và góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp Chương 2: Thực trạng quy định pháp luật Việt Nam về góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp và kiến nghị hoàn thiện
  12. 7 CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP 1.1. Khái quát về quyền sở hữu công nghiệp 1.1.1. Khái niệm quyền sở hữu công nghiệp Đã từ lâu, những thành quả của sự sáng tạo và tri thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ mà biểu hiện là các đối tượng SHCN như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, v.v đã xuất hiện ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta và góp phần vô cùng quan trọng trong việc tạo động lực cho sự cạnh tranh và tạo ra những cơ hội mang lại lợi ích trong tương lai cho các doanh nghiệp, góp phần to lớn đối với sự phát triển kinh tế của cả nhân loại. Xuất phát từ những giá trị và tiềm năng to lớn đó, vấn đề bảo hộ các đối tượng SHCN được các nhà lập pháp đặt ra và xây dựng thành một chế định pháp lý riêng biệt và được gọi tên là QSHCN. Mặc dù vấn đề bảo hộ các đối tượng QSHCN đầu tiên đã được pháp luật ghi nhận từ năm 14743, nhưng khái niệm về SHCN hay QSHCN lại ít được sử dụng trong hệ thống pháp luật. Khái niệm “sở hữu công nghiệp” chỉ có ở các nước theo hệ thống luật lục địa, còn ở các nước theo hệ thống luật Anh – Mỹ không sử dụng thuật ngữ này mà chỉ trực tiếp đề cập đến các đối tượng như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, quyền chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh4. Nhưng nhìn chung, theo cách hiểu thống nhất của phần lớn các nước trên thế giới được quy định ở nhiều công ước quốc tế như Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả hay Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì SHCN được hiểu theo nghĩa bao gồm “sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, mẫu hữu ích, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý (chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ) và chống cạnh tranh không lành mạnh”5. Tại mục 1.5, Chương 1, Cẩm nang Sở hữu trí tuệ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng đưa ra khái niệm tương tự về SHCN, theo đó SHCN bao gồm các sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, các chỉ dẫn và tên thương mại, gồm các chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ và việc bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh. Như vậy, có thể thấy hầu hết các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều tiếp cận khái niệm SHCN theo cách thức liệt kê các đối tượng được bảo hộ dưới dạng SHCN. Chính vì 3 Kamil Idris (2005), Sở hữu trí tuệ Một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, Cục Sở hữu trí tuệ dịch và xuất bản, tr.13. 4 Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2014), Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ, Lê Nết – Nguyễn Xuân Quang chủ biên, NXB Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr.30. 5 Đoạn 3 phần Giới thiệu chung của Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
  13. 8 cách tiếp cận theo hướng liệt kê này nên khái niệm QSHCN cũng không được quy định cụ thể. Pháp luật về SHTT của các quốc gia thường tập trung đi sâu vào quy định các quyền của các tổ chức, cá nhân đối với các đối tượng QSHCN, trao cho các chủ thể này quyền độc quyền kiểm soát các đối tượng QSHCN do họ sáng tạo ra hoặc có được một cách hợp pháp. Khác với các nước trên thế giới, pháp luật về SHTT tại Việt Nam không đề cập đến khái niệm SHCN mà trực tiếp quy định khái niệm về QSHCN. Cụ thể, theo quy định tại khoản 4 Điều 4 LSHTT thì: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.” Từ quy định nêu trên, có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam tiếp cận khái niệm QSHCN dưới góc độ là một quyền dân sự. Bên cạnh đó, khái niệm này cũng liệt kê các đối tượng được pháp luật công nhận bảo hộ dưới dạng SHCN, các đối tượng QSHCN được liệt kê trong khái niệm này cũng gần như tương đồng với khái niệm về SHCN của pháp luật quốc tế. Với cách tiếp cận này, nhà làm luật khẳng định việc bảo hộ QSHCN bằng cách trao cho các tổ chức, cá nhân các quyền hợp pháp (quyền nhân thân và quyền tài sản) đối với các đối tượng QSHCN do họ sáng tạo ra hoặc có được một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật. “Quyền nhân thân” theo quy định tại Điều 25 BLDS năm 2015 là “quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác”. Cụ thể, quyền nhân thân mà pháp luật trao cho tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu các đối tượng QSHCN là quyền được đứng tên tác giả trong văn bằng bảo hộ, trong các tài liệu công bố, giới thiệu về đối tượng QSHCN. Còn “Quyền tài sản” theo quy định tại Điều 115 BLDS năm 2015 là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng QSHCN; quyền ngăn cấm người khác sử dụng và quyền định đoạt đối tượng QSHCN theo quy định của pháp luật. Quyền tài sản đối với các đối tượng QSHCN là quyền quan trọng nhất bởi vì pháp luật trao cho chủ sở hữu quyền được độc quyền kiểm soát đối tượng QSHCN trong một khoảng thời gian nhất định. Chính vì thế, quyền này có giá trị to lớn về mặt thương mại và thường được sử dụng trong các giao dịch kinh doanh giữa các thương nhân với nhau. Có thể thấy rằng, các nhà lập pháp Việt Nam đã rất nỗ lực để đưa ra một khái niệm cụ thể về QSHCN, thành quả này rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, việc liệt kê
  14. 9 hàng loạt các đối tượng QSHCN vào trong khái niệm đã làm giảm tính bao quát của khái niệm và dẫn đến trường hợp sẽ phải điều chỉnh lại khái niệm này nhiều lần nếu trong tương lai xuất hiện thêm những đối tượng SHCN khác mà pháp luật thừa nhận bảo hộ nhưng không được liệt kê trong khái niệm này. Nhìn chung, sẽ rất khó để đi tìm một quy định cụ thể về khái niệm QSHCN trong pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, từ cách tiếp cận khái niệm SHCN cũng như các quy định có liên quan về các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với các đối tượng QSHCN trong pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của các quốc gia trên thế giới, có thể hiểu một cách chung nhất rằng QSHCN là quyền mà Nhà Nước trao cho tổ chức hoặc cá nhân được độc quyền kiểm soát đối tượng QSHCN trong một khoảng thời gian nhất định. 1.1.2. Đặc điểm của quyền sở hữu công nghiệp Mặc dù được xem là một quyền dân sự, là một phạm trù pháp lý trong quyền sở hữu nói chung, tuy nhiên, không giống như quyền sở hữu các tài sản hữu hình khác, QSHCN là quyền hình thành trên các đối tượng do hoạt động lao động trí tuệ tạo thành (còn gọi là tài sản trí tuệ), điều này làm cho QSHCN cũng mang những điểm đặc trưng nhất định của QSHTT, thậm chí khi so sánh với quyền tác giả – cũng là một bộ phận của QSHTT, QSHCN cũng có những đặc trưng khác biệt. Những đặc trưng cơ bản của QSHCN có thể kể đến như sau: Thứ nhất, đối tượng của QSHCN là những tài sản vô hình. Các đối tượng QSHCN như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại,v.v… được hình thành do quá trình lao động trí óc, do đó nó không thể cầm nắm được và cũng không chiếm hữu được về mặt vật lý. Nó tồn tại dưới dạng thông tin hoặc tri thức, thể hiện trong những vật thể hữu hình, và có thể được nhân bản thành vô số bản sao ở bất kỳ đâu trên thế giới6. Tuy không thể nhìn thấy được nhưng nó có thể trị giá được bằng tiền và có thể trao đổi tương tự như các tài sản hữu hình khi nó được vật chất hóa hoặc thể hiện trên những vật mang tin cụ thể. Chính vì đặc tính này mà các đối tượng QSHCN được xem là một loại tài sản vô hình. QSHCN không phải là quyền sở hữu đối với các tài sản hữu hình như kiểu dáng một của chiếc xe, một nhãn hiệu nào đó mà QSHCN, thực chất là quyền của chủ sở hữu đối với những đối tượng vô hình (thông tin và tri thức) đứng đằng sau 6 D&N International, “Khái niệm sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ”, http://dnlaw.com.vn/vi/khai-niem- so-huu-tri-tue-va-quyen-so-huu-tri-tue.html, truy cập vào ngày 22/5/2015.
  15. 10 những vật hữu hình đó. Những thông tin và tri thức này có thể mang lại quyền lợi về tinh thần (quyền nhân thân) cũng như mang lại quyền vật chất (lợi nhuận) cho tác giả và chủ sở hữu quyền. Do vậy, pháp luật hướng tới bảo hộ những đối tượng vô hình là thành quả của sự sáng tạo hay uy tín kinh doanh bằng cách trao cho tác giả hoặc chủ sở hữu các đối tượng QSHCN độc quyền khai thác, sử dụng và định đoạt chúng trong một khoảng thời gian nhất định để họ có thể thu lại chi phí đã bỏ ra và có thêm nguồn lực tài chính để nghiên cứu, sáng tạo các đối tượng QSHCN mới. Việc Nhà nước bảo hộ QSHCN cho chủ sở hữu quyền một cách hữu hiệu là động lực quan trọng để nền khoa học công nghệ cũng như nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển. Thứ hai, căn cứ xác lập QSHCN khác với tài sản hữu hình. Quyền sở hữu tài sản mà đặc biệt là tài sản hữu hình được xác lập dựa trên căn cứ được quy định trong Bộ luật dân sự7. QSHCN cũng là một loại tài sản, tuy nhiên việc xác lập quyền của chủ sở hữu đối với đối tượng QSHCN không giống với các tài sản hữu hình, mà việc xác lập quyền phải căn cứ vào quy định của LSHTT8. Nếu như đối với tài sản hữu hình, một tổ chức, cá nhân sẽ trở thành chủ sở hữu đối với tài sản kể từ thời điểm có được tài sản đó thông qua lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp9 thì đối với tài sản trí tuệ, chủ thể sáng tạo ra tài sản trí tuệ chưa hẳn đã là chủ sở hữu của tài sản đó. Theo quy định của LSHTT, người dùng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật của mình để sáng tạo ra đối tượng QSHCN sẽ được xem là chủ sở hữu, đồng thời là tác giả của đối tượng QSHCN đó. Trong trường hợp có nhiều người cùng dùng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật của họ để sáng tạo ra đối tượng QSHCN thì sẽ được xem là đồng chủ sở hữu đồng thời là đồng tác giả. Trong trường hợp đối tượng QSHCN được tạo ra dựa trên nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng thuê việc thì chủ sở hữu đối tượng QSHCN sẽ là tổ chức, cá nhân giao nhiệm 7 Điều 221 BLDS năm 2015 quy định 8 căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, bao gồm: 1. Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; 2. Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác; 3. Thu hoa lợi, lợi tức; 4. Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến; 5. Được thừa kế; 6. Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên; 7. Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này; 8. Trường hợp khác do luật quy định. 8 Điều 222 BLDS năm 2015. 9 Điều 222 BLDS năm 2015.
  16. 11 vụ sáng tạo hoặc ký kết hợp đồng sáng tạo với tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra đối tượng QSHCN. Quyền của chủ sở hữu đối với hầu hết đối tượng QSHCN được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký, trừ một số đối tượng như nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại, bí mật kinh doanh thì quyền của chủ sở hữu sẽ được xác lập một cách tự động nếu các đối tượng này đáp ứng những tiêu chuẩn bảo hộ do pháp luật quy định10. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản của QSHCN so với các tài sản hữu hình. Thứ ba, nội dung quyền năng của chủ sở hữu QSHCN có sự khác biệt so với các loại tài sản khác. - Quyền chiếm hữu: Theo quy định của BLDS năm 2015, đối với các tài sản hữu hình, ba quyền năng cơ bản mà pháp luật trao cho chủ sở hữu đó là: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt11. Tuy nhiên, xét về mặt lý luận và thực tiễn, quyền năng của chủ sở hữu đối tượng QSHCN lại không bao gồm quyền chiếm hữu, mà chỉ bao gồm quyền sử dụng và quyền định đoạt. Theo quy định tại Điều 186 BLDS năm 2015 thì quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Thế nhưng chủ sở hữu đối tượng QSHCN lại khó có thể thực hiện được quyền này trên thực tế. Xuất phát từ đặc tính vô hình mà đối tượng QSHCN có khả năng lan truyền rộng lớn đến bất kỳ đâu trên thế giới. Chủ sở hữu sẽ gặp khó khăn và thậm chí là không thể kiểm soát, quản lý việc lan truyền thông tin và tri thức trừ khi chủ sở hữu giữ các thông tin này trong vòng bí mật, bằng cách khoanh vùng và cách ly nó khỏi sự tiếp cận của những người khác. Nhưng điều này chỉ có ý nghĩa khi thực hiện đối với tài sản hữu hình chứ hoàn toàn không mang lại lợi ích gì cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Bởi vì, tài sản trí tuệ chỉ bộc lộ giá trị và mang lại lợi ích khi nó được khai thác, sử dụng. Ví dụ như việc sáng tạo ra một giải pháp kỹ thuật để giải quyết một vấn đề nhưng lại không được công bố và áp dụng vào sản xuất, kinh doanh thì dù giải pháp kỹ thuật đó có hữu ích đến đâu cũng không mang lại ý nghĩa gì cho công chúng và chính bản thân người sáng tạo hoặc sở hữu giải pháp đó. Việc công bố ra bên ngoài sẽ làm bộc lộ bản chất của tài sản trí tuệ và đồng nghĩa với việc ai cũng có thể tiếp 10 Khoản 3 Điều 6 LSHTT. 11 Mục 1 Chương XIII Bộ luật dân sự năm 2015.
  17. 12 cận được với nó, nhưng đồng thời, tác giả, chủ sở hữu tài sản trí tuệ mà cụ thể là đối tượng QSHCN có thể thu về cho mình quyền lợi về mặt vật chất hoặc tinh thần nhất định. Hơn nữa, mục đích chính của việc Nhà nước bảo hộ QSHCN là nhằm khuyến khích sự sáng tạo, thông qua đó tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy kinh tế phát triển. Nên việc chiếm hữu QSHCN cho riêng mình mà không công bố ra công chúng là đi ngược lại với mục đích của việc bảo hộ. Như vậy, có thể thấy rằng vấn đề chiếm hữu trong QSHCN không còn quan trọng nữa, mà điều quan trọng nhất chính là xác định chủ thể nào có quyền khai thác, sử dụng đối tượng QSHCN. - Quyền sử dụng: Nếu như đối với các tài sản hữu hình, quyền chiếm hữu được xem là quyền năng cơ bản và quan trọng nhất trong ba quyền năng của chủ sở hữu thì đối với QSHCN, quyền sử dụng lại được xem là quan trọng hơn cả. Xuất phát từ đặc tính của tài sản hữu hình, chủ sở hữu phải chiếm hữu tài sản thì mới có thể tiến hành sử dụng để khai thác công dụng của tài sản đó. Việc chiếm hữu sẽ là cơ sở để phát sinh các quyền khác. Thế nhưng, đối tượng QSHCN lại mang đặc tính vô hình nên chủ sở hữu không thể chiếm hữu nó. Việc khai thác giá trị của đối tượng QSHCN chỉ được thực hiện thông qua hành vi sử dụng. Nhưng bản thân các đối tượng QSHCN không thể tự nó phát sinh giá trị và tự đem lại lợi ích cho người nắm giữ quyền mà nó chỉ đem lại các lợi ích vật chất và tinh thần cũng như các lợi thế cho chủ sở hữu, người sử dụng khi đối tượng QSHCN được áp dụng vào trong quá trình sản xuất kinh doanh bằng việc sử dụng, vận hành và khai thác các vật chất hữu hình chứa đựng những thông tin và tri thức là thành quả sáng tạo của trí óc. Chính giá trị mà đối tượng QSHCN tạo ra làm cho nhiều người có mong muốn được sở hữu nó để có thể khai thác, sử dụng để thu được lợi ích. Do đó, bản chất của việc bảo hộ QSHCN chính là bảo hộ độc quyền khai thác, sử dụng đối tượng QSHCN. Như vậy, do đặc tính thương mại mà quyền sử dụng được xem là quyền chủ yếu và cơ bản nhất của chủ sở hữu đối tượng QSHCN. Một vấn đề cần lưu ý là tuy được pháp luật trao cho chủ sở hữu quyền độc quyền khai thác, sử dụng các đối tượng của QSHCN, nhưng độc quyền này cũng có những giới hạn nhất định. Pháp luật các nước quy định việc sử dụng đối tượng QSHCN vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của chủ sở hữu. Để buộc chủ sở hữu phải sử sụng các đối tượng QSHCN nhằm mục đích phát triển khoa học và công nghệ, phục vụ cho lợi ích chung của xã hội và tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận chúng, các
  18. 13 điều ước quốc tế và pháp luật các quốc gia đặt ra quy định về việc bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với đối tượng QSHCN trong trường hợp chủ sở hữu không sử dụng. Việc bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng được thực hiện trong một số trường hợp nhất định như khi quốc gia rơi vào tình trạng khẩn cấp hoặc các trường hợp cấp bách khác hoặc khi để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội12,v.v… Thứ tư, QSHCN chỉ được bảo hộ trong một phạm vi nhất định. Nếu như các quyền tài sản khác được pháp luật của các quốc gia trên thế giới bảo hộ một cách tuyệt đối thì việc bảo hộ QSHCN nói riêng, QSHTT nói chung lại bị giới hạn về mặt không gian và thời gian. Về giới hạn không gian, việc bảo hộ QSHCN mang tính lãnh thổ. Một số đối tượng QSHCN chỉ được thừa nhận và được pháp luật bảo hộ trên cơ sở đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của một quốc gia và sẽ chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đã cấp văn bằng đó. Trong phạm vi bảo hộ, bất kỳ ai cũng không có quyền xâm phạm đến quyền sử dụng và quyền định đoạt đối tượng QSHCN mà chủ sở hữu đã đăng ký bảo hộ và được pháp luật quốc gia công nhận. Vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia đã công nhận và cấp văn bằng bảo hộ thì những chủ thể khác có quyền tự do sử dụng đối tượng QSHCN mà không bị bất cứ ràng buộc nào. Phạm vi không gian mà QSHCN được bảo hộ sẽ chỉ mở rộng ra ngoài phạm vi của một quốc gia khi chủ sở hữu thực hiện việc đăng ký bảo hộ tại các quốc gia khác và được cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia này công nhận hoặc Điều ước quốc tế về bảo hộ QSHCN mà quốc gia đã công nhận bảo hộ là thành viên có quy định về phạm vi bảo hộ QSHCN mở rộng ra phạm vi lãnh thổ của tất cả các quốc gia thành viên của Điều ước quốc tế đó. Về giới hạn thời gian, QSHCN được bảo hộ trong một khoảng thời gian nhất định. Việc bảo hộ QSHCN là việc trao cho chủ sở hữu độc quyền khai thác, sử dụng các đối tượng QSHCN với mục đích giúp chủ sở hữu thu được những lợi ích nhất định vì công sức lao động hoặc kinh phí đã bỏ ra để sáng tạo ra đối tượng QSHCN. Tuy nhiên, việc bảo hộ QSHCN có thể mang lại tác dụng ngược, đó là tạo ra tình trạng độc quyền dẫn đến làm tăng chi phí giao dịch của các sản phẩm trí tuệ, khiến cho người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt hại đồng thời triệt tiêu đi tính năng động 12 Điều 31 Hiệp định TRIPS, Điều 145 LSHTT.
  19. 14 và sáng tạo – là hai động của nền kinh tế thị trường và dẫn đến kinh tế suy thoái13. Để cân bằng quyền và lợi ích của chủ sở hữu đối tượng QSHCN với lợi ích của xã hội, pháp luật của các quốc gia đặt ra một thời hạn bảo hộ riêng cho mỗi đối tượng QSHCN. Thời hạn bảo hộ các đối tượng của QSHCN như sáng chế, nhãn hiệu được pháp luật các nước quy định hầu như tương tự nhau, cụ thể thời hạn bảo hộ sáng chế là hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn, thời hạn bảo hộ nhãn hiệu là mười năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần mười năm14. Đối với một số đối tượng đặc biệt khác như chỉ dẫn địa lý hay nhãn hiệu nổi tiếng thì sẽ được bảo hộ vô thời hạn nhưng phải đáp ứng một số điều kiện luật định. Trong thời hạn bảo hộ mà pháp luật quy định, mọi hành vi nhằm xâm phạm QSHCN như các hành vi sao chép, phân phối, sử dụng hoặc các hình thức khác nhằm phổ biến đối tượng QSHCN mà không được phép của chủ sở hữu đều phải gánh chịu những chế tài cụ thể theo quy định của pháp luật. Khi hết thời hạn bảo hộ, bao gồm cả thời hạn gia hạn (nếu có), chủ sở hữu sẽ mất đi độc quyền sử dụng cũng như những quyền khác đối với đối tượng QSHCN. Lúc này, đối tượng QSHCN sẽ được xem là tài sản chung của nhân loại, có thể được sử dụng một cách tự do và không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào. Việc đặt ra giới hạn thời gian bảo hộ QSHCN cũng là phù hợp với sự phát triển kinh tế và xã hội. Đối tượng của QSHCN là các sản phẩm trí tuệ gắn liền với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ nên dễ bị lạc hậu so với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Việc bảo hộ vô thời hạn với các đối tượng này là không cần thiết bởi theo thời gian, các sáng tạo này sẽ không còn phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội và sẽ dần bị thay thế bởi những sáng tạo khác tiên tiến hơn. Thông qua việc đặt ra thời hạn bảo hộ, Nhà nước cũng gián tiếp “nhắc nhở” và khuyến khích các chủ sở hữu, cụ thể là các doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo để có thể cạnh tranh với các đối thủ khác, nếu không muốn bị các đối thủ khác sáng tạo hơn qua mặt. 1.2. Khái quát về góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp 1.2.1. Khái niệm hành vi góp vốn bằng quyền sở hữu công nghiệp Trong một thế giới hiện đại mà công nghệ ngày càng chiếm ưu thế thì các đối tượng SHCN ngày càng được ứng dụng nhiều trong kinh doanh thương mại và trở thành một trong những yếu tố cấu thành nên hàng hóa, dịch vụ. Khi các đối tượng 13 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2014), tlđd (2), tr.24. 14 Điều 93 LSHTT.
  20. 15 này được pháp luật bảo hộ và nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ mang đối tượng được bảo hộ trên thị trường tăng cao thì QSHCN sẽ trở thành một tài sản kinh doanh có giá trị15. Là một loại quyền tài sản, QSHCN, hay chính xác hơn là quyền tài sản đối với đối tượng QSHCN16 ngày càng chứng minh được vai trò to lớn của mình đối với các doanh nghiệp. QSHCN làm tăng giá trị của doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh rằng giá trị của các tài sản vô hình như tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp ngày càng tăng cao, chúng dần dần thay thế vị trí của tài sản hữu hình trở thành loại tài sản chính và mang tính quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp17. “Tỷ trọng giá trị của các tài sản trí tuệ và tài sản vô hình nói chung trong tổng số giá trị tài sản của doanh nghiệp/nền kinh tế ngày càng cao. Tại một số doanh nghiệp và một số nước, tỷ lệ đó đã vượt quá 50%”18. Hay theo thống kê của công ty đầu tư tài chính danh tiếng Ocean Tomo, đến năm 2015, tài sản vô hình chiếm 84% giá trị thị trường của top 500 công ty có vốn hóa trên thị trường lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong khi con số này vào năm 1985 chỉ là 32%19. Đến năm 2017, theo Báo cáo Theo dõi Tài sản Tài chính Vô hình Toàn cầu của Brand Finance – nhà tư vấn định giá thương hiệu và chiến lược kinh doanh độc lập hàng đầu thế giới thì 48% giá trị thị trường toàn cầu thuộc về tài sản vô hình20. Thế giới cũng đã chứng kiến nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra một số tiền khổng lồ để sở hữu một doanh nghiệp có giá trị tài sản hữu hình không đáng kể để đổi lấy khối tài sản vô hình trong chính các doanh nghiệp đó. Ví dụ như vào thương vụ mua lại công ty dịch vụ tin nhắn trực tuyến Whatsapp của Facebook vào năm 2014, khi đó, Facebook đã bỏ ra 19 tỷ USD chỉ để sở hữu 50 nhân viên cùng số tài sản hữu hình không đáng kể 15 Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - Bộ phận Doanh nghiệp vừa và nhỏ, “Sở hữu trí tuệ dành cho doanh nghiệp”, tr.04, http://www.wipo.int/edocs/mdocs/sme/en/wipo_kipo_noip_smes_08/wipo_kipo_noip_smes_08_topic04.doc, truy cập vào ngày 16/05/2017. 16 Điều 115 BLDS năm 2015. 17 Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - Bộ phận Doanh nghiệp vừa và nhỏ, tlđd (13), tr.06, 07. 18 Phạm Đình Chướng (2013), “Giới thiệu chung về tài sản trí tuệ”, tài liệu Hội thảo “Kỹ thuật xác định giá trị tài sản trí tuệ”, http://www.dost.hochiminhcity.gov.vn/Hinh%20anh%20ban%20tin/2015- 7/Tham%20luan%20dan%20nhap%20- %20Gioi%20thieu%20chung%20ve%20Tai%20san%20Tri%20tue%20(Pham%20Dinh%20Chuong).pdf , truy cập vào ngày 22/6/2016. 19 Ban biên tập Báo Khoa học và phát triển, tlđd (1). 20 Brand Finance, “Báo cáo Top 50 Thương hiệu hàng đầu Việt Nam về Tài sản vô hình và Giá trị thương hiệu của Brand Finance năm 2017”, http://brandfinance.com/images/upload/bf_vietnam_2017_vn_locked.pdf, truy cập vào ngày 01/09/2017.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0