intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế - Quốc gia thăng trầm: Phần 1

Chia sẻ: Túcc Vânn | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:267

10
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Cuốn sách "Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế - Quốc gia thăng trầm" mang tới cái nhìn tổng quan về lịch sử, cơ chế vận hành, đặc trưng của các nền kinh tế thế giới, từ đó phóng chiếu về viễn cảnh tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Sách được chia thành 2 phần, mời các bạn cùng tham khảo nội dung phần 1 cuốn sách.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế - Quốc gia thăng trầm: Phần 1

  1. RUCHIR SHARMA Tường Linh dịch — ★— • THE RISE AND FALL OF NATIONS • QUỐC GIA THĂNG TRẦM LÝ GIẢI VẬN MỆNH CỦA CÁC NỀN KINH TẾ PHƯƠNG NAM BOOKS & NXB THẾ GIỚI ebook©vctvegroup | 20-07-2021
  2. Về tác giả Ruchir Sharma là một trong những lãnh đạo cao cấp nhất tại Quỹ Quản lý Đầu tư Morgan Stanley, với hơn 20 tỷ đô-la tài sản thuộc quyền quản lý. Ông đi nhiều, dành ra một tuần mỗi tháng tại một quốc gia để gặp gỡ giới chính trị, CEO hàng đầu và các nhân vật địa phương khác. Sharma đã là một cây viết thậm chí từ trước khi là một nhà đầu tư. Ông là cộng tác viên thường xuyên cho các trang quan điểm của Wall Street Journal, Financial Times và Times of India. Các tiểu luận của ông đã được đăng trên tạp chí Foreign Affairs, Time, New York Times, Foreign Policy, Forbes và Bloomberg View. Trong thập kỷ qua, ông đã dành nhiều thời gian làm cộng tác viên biên tập với Newsweek, nơi ông phụ trách một chuyên mục thường xuyên mang tên “Nhà đầu tư toàn cầu (Global Investor)”. Cuốn sách đầu tay của ông, Các quốc gia đột phá: Tìm kiếm phép mầu kinh tế tiếp theo (Breakout Nations: In Pursuit of the Next Economic Miracles) đã ra mắt và trở thành sách bán chạy số một ở Ấn Độ, sách bán chạy trên Wall Street Journal và được Foreign Policy bình chọn là một trong 21 cuốn sách phải đọc trong năm 2012. Bloomberg nêu danh Sharma như một trong 50 người có ảnh hưởng nhất thế giới vào tháng 10-2015. Năm 2012, ông được Foreign Policy chọn là một trong các Nhà tư tưởng Hàng đầu Toàn cầu, và vào tháng 6-2013, tuần san Outlook hàng đầu của Ấn Độ đã vinh danh ông là một trong 25 Người Ấn Độ Thông minh nhất Thế giới.
  3. Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos đã chọn Sharma là một trong những Nhà lãnh đạo trẻ hàng đầu của thế giới vào 2007. Là một vận động viên chạy bộ đầy nhiệt huyết, ông thường xuyên tập luyện với cựu huấn luyện viên Olympic của mình và tranh tài trong các cuộc chạy nước rút.
  4. Lời nói đầu Vào chốn hoang dã Suốt 25 năm qua, năm nào tôi cũng tham gia vào đoàn đi săn đến Ấn Độ hoặc châu Phi. Trong một lần đến châu Phi, tôi được nghe câu chuyện về một vị vua đã cho con trai ông vào rừng để tìm hiểu nhịp điệu của rừng già. Lần đầu xuất hành, giữa inh ỏi âm thanh của côn trùng và chim chóc, chàng hoàng tử trẻ chỉ nghe được tiếng gầm của sư tử và tiếng rống của voi. Chàng trở lại rừng nhiều lần và bắt đầu nhận biết những âm thanh khó nhận biết hơn, cho đến khi chàng nghe được cả tiếng sột soạt của một con rắn và tiếng lũ bướm đập cánh. Vua cha lệnh cho chàng hãy tiếp tục vào rừng cho đến khi cảm nhận được hiểm họa trong thinh lặng và ước vọng trong ánh bình minh. Để xứng vai một bậc trị vì, vị hoàng tử phải nghe được cả những gì chẳng phát ra tiếng. Nhịp điệu của rừng xanh đã chẳng còn ở New York, nơi tôi sống, nhưng câu chuyện xa xưa của xứ Phi châu này lại rất phù hợp với một thế giới đã tái định hình bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Cuộc khủng hoảng này đã làm đảo lộn cả thế giới, làm gián đoạn các dòng mậu dịch lẫn tiền tệ, châm ngòi cho những cuộc động loạn chính trị, làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và khiến thật khó để nhận ra ra quốc gia nào sẽ lớn mạnh và quốc gia nào sẽ suy vong trong một bối cảnh đã chuyển biến. Cuốn sách này nhằm gạn lọc những thông tin cường điệu và rối nhiễu để chọn ra những tín hiệu rõ ràng nhất hầu tiên đoán sự trỗi dậy hoặc suy tàn
  5. của các quốc gia. Cuốn sách là một nỗ lực để phục hiện cuộc giáo hóa vị hoàng tử, cho những ai quan tâm đến nền kinh tế toàn cầu. Những người trong giới tài chính toàn cầu thường tự xem họ là loài mèo lớn, những con thú săn mồi đang căng tai lắng nghe tiếng sột soạt trong khu rừng kinh tế. Nhưng ở châu Phi, sự khác biệt giữa họ nhà mèo và những loài khác bị xóa nhòa rất nhanh. Mỗi năm trên đồng bằng Mara – Serengeti ở Kenya và Tanzania, hơn một triệu con linh dương đầu bò nối đuôi nhau đi thành một vòng gần hai ngàn dặm đường mà chúng đã in dấu chân suốt bao thế hệ. Di chuyển trong làn mưa bên cạnh những con ngựa vằn và linh dương gazen, lũ linh dương đầu bò vụng về luôn bị đám sư tử, báo hoa mai và báo săn rình rập. Cuộc tranh đấu trông có vẻ lộn xộn, nhưng sư tử tương đối chậm, hụt hơi và chụp dính chưa đến một phần năm số lần vồ mồi. Báo săn thì nhanh hơn, nhưng vì chúng nhỏ hơn và thường săn một mình, chúng buộc phải nhường lại nhiều con mồi đã hạ được cho bọn ăn xác thối đi thành bầy. Không quá một phần mười số báo săn sống được qua một tuổi. Sư tử sống lâu hơn một chút, nhưng nhiều con đực sớm bỏ mạng trong những trận giao chiến giành lãnh địa với các con đực khác. Chu trình sinh tử đối với lũ thú ăn thịt cũng tàn khốc không kém gì với con mồi, một thực tế có thể khiến những con sư tử tương lai của nền kinh tế toàn cầu phải chùn chí. Tôi đã sống trong nỗi sợ về sự tồn vong của chính mình từ khi bước chân vào khu rừng này. Tôi đã khởi sự đầu tư khi còn là một chàng trai ngoài hai mươi vào giữa những năm 1990, khi Mỹ đang bùng nổ tăng trưởng và các quốc gia mới nổi vẫn còn được xem như chốn hoang dã và lạ lẫm. Những cuộc khủng hoảng tài chính đã quét từ Mexico đến Thái Lan
  6. và Nga, gây ra những cuộc suy thoái đau đớn và làm xáo trộn thứ hạng của các nền kinh tế đang lên lẫn những nước dẫn dắt thế giới. Thiệt hại ngoài dự kiến trên các thị trường toàn cầu đã xóa sổ nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có nhiều cố vấn, đồng nghiệp và bạn bè của tôi. Ngẫm lại, sự suy vong của các nhà lãnh đạo quốc gia (và các nhà đầu tư toàn cầu) đều diễn ra theo một mô thức. Ban đầu họ đi theo một con đường dẫn đến thành công về kinh tế hoặc tài chính, nhưng sau đó các con đường này chuyển hướng và dẫn đến bãi lầy. Điều này đã xảy ra trong các cuộc khủng hoảng ở những nền kinh tế mới nổi vào những năm 1990, trong cuộc phá sản dot-com 2000 – 2001, và một lần nữa vào năm 2008. Lần nào cũng thế, người ta cứ mải làm những việc họ vẫn làm những khi tốt đẹp, rồi bị nuốt chửng khi địa chấn bắt đầu xảy ra ngay dưới chân họ. Chu kỳ phấn khích và thất vọng của thị trường thường làm nẩy ra sáo ngữ “hành vi bầy đàn”, nhưng ngay cả trong rừng, cuộc sống cũng đã phức tạp hơn khuôn mẫu ấy rồi. Một kiểu “trí tuệ bầy đàn” nhất định dẫn dắt lũ linh dương đầu bò, đảm bảo sự sinh tồn của quần thể ngay cả khi điều đó đồng nghĩa nhiều cá thể phải bỏ mạng sớm. Cuộc thiên di theo chu kỳ của linh dương đầu bò đã bị giễu nhại bằng câu cách ngôn xưa “cỏ bên kia đồi lúc nào cũng xanh hơn”, nhưng đàn thú thực ra đã đúng về việc nơi nào cỏ xanh hơn. Chúng đi theo những cơn mưa, vào đất Kenya ở phía Bắc trong mùa xuân, trở lại Tanzania ở miền Nam vào mùa thu. Hiểm họa chí tử xảy đến hai lần mỗi năm vào lúc đàn thú phải vượt dòng Mara, để băng qua sông trong cuộc hành trình cả về phía Bắc lẫn phía Nam. Thông thường, để tránh thú dữ, đàn thú dựa vào hệ thống cảnh báo lâu đời – tiếng hét của khỉ đầu chó, và tiếng kêu gắt giọng của lũ chim hét cao cẳng trong rừng. Nhưng hệ thống này không hoạt động được trên bờ
  7. sông Mara, nơi đàn linh dương đầu bò quần tụ đến hàng vạn con, với hiểm họa ngay trước mắt: lũ cá sấu nổi lềnh bềnh, dòng sông cuồn cuộn nước mưa và bọn sư tử mai phục bên kia bờ. Cắm đầu xuống đất, lũ linh dương đầu bò dường như cùng đồng thanh cất giọng với tiếng rống đặc trưng, chẳng khác gì các nhà phân tích ở Phố Wall trong một cuộc họp qua điện thoại, đang hội ý cho động thái kế tiếp. Đàn thú chờ một thành viên hành động. Nếu con vật này dấn một bước và lùi lại, nỗi sợ hãi sẽ làm tê liệt đám đông, nhưng ký ức của chúng chóng phai. Trong vòng vài phút một con khác lại thử sức, và nếu nó lao xuống nước, cả đàn sẽ lao theo – nhiều con rơi vào hàm cá sấu đang chực chờ và dòng nước chết người. Theo ước tính, khoảng 10% tổng số linh dương đầu bò bỏ xác mỗi năm, phần lớn trong lúc vượt sông. Những người làm việc trong các thị trường toàn cầu từ New York đến Hong Kong có thể bị hút vào một nếp văn hóa đã được lập trình, như linh dương đầu bò, khiến họ không ngừng chuyển động. Mỗi ngày báo cáo nghiên cứu đổ dồn về các thủ đô tài chính này, thúc giục đám đông đuổi bắt cú lớn kế tiếp hoặc tháo chạy khỏi đợt điều chỉnh lớn tiếp theo. Sự thôi thúc hành động tạo nên một lực đồng tâm mới vào mỗi mùa hoặc mỗi quý, một xung lực chỉ có tăng thêm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hãy xem năm 2015. Trong quý đầu, người ta chỉ bàn đến việc mua vào hoặc bán ra trước cơn trỗi dậy của thị trường chứng khoán Trung Quốc, mà khi ấy dường như chỉ có diễn biến một chiều. Quý hai chỉ tập trung vào việc liệu Hy Lạp có kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống, và trong suốt quý ba, cơn hoảng loạn tài chính ở Trung Quốc chiếm lĩnh các cuộc trao đổi. Các báo cáo đôi khi đúng, và đôi khi sai, nhưng luôn luôn tiến về phía
  8. trước, quên đi những gì đã nói ngày hôm trước và lý do đã nói. Đôi lúc câu chuyện thay đổi mà dường như chẳng có nhịp điệu hay lý do gì cả. Phố Wall có một câu nói lâu năm được ưa chuộng rằng chỉ có kẻ hoang tưởng và kẻ thích nghi nhất mới sống sót. Tôi sẽ diễn đạt khác một chút. Thách thức ở đây là làm thế nào để hướng một kẻ hoang tưởng khôn ngoan vào mục đích sinh tồn. Mỗi cuộc khủng hoảng được đón nhận như một lời hiệu triệu hành động mới, và khủng hoàng càng lớn thì hành động càng quyết liệt. Những năm sau 2008, nỗi sợ hãi những khoản thua lỗ lớn thêm nữa vẫn còn ám ảnh đến mức những tay chơi gạo cội nhất của Phố Wall hầu như giám sát lợi nhuận hằng tháng thay vì hằng năm, điều gây ra áp lực buộc giới quản lý tiền phải giao dịch liên tục, với hy vọng tránh được dù chỉ là một tháng tệ hại duy nhất. Chuyện này diễn ra bất chấp bằng chứng cho thấy lợi nhuận giờ đây thường đổ vào các nhà đầu tư giao dịch ít hơn, minh chứng cho câu đùa tếu “lười một chút mới tốt”. Mùa hè 2014, sau nhiều chuyến đi săn, lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến một con họ mèo lớn bắt mồi ở Tanzania. Một buổi chiều tà, tôi và các bạn hữu chợt bắt gặp một con báo săn đang thở hổn hển sau hai lần săn hụt trong ngày, theo lời kể từ hướng dẫn viên của chúng tôi. Suốt hai giờ tiếp đó, con báo mai phục ở nơi trú ẩn để lấy hơi; trong ánh tà dương dần phai, ngọn gió đổi chiều đã khiến mùi của nó không bay về phía một con linh dương đực đơn độc. Khi điều kiện chín muồi, con báo bắt đầu di chuyển, trườn chậm chạp, từng chút, thấp và khuất dạng trong lớp cỏ lùn trên thảo nguyên cho đến khi còn cách mục tiêu chưa đến năm mươi bộ. Khi ấy nó chợt tăng tốc lên đến sáu mươi dặm một giờ và – bằng một cú lao mình hình chữ chi trong tích tắc – vồ lấy con linh dương.
  9. Ấn tượng hơn cả pha bùng nổ tốc độ chính là sự tĩnh lặng trước đó. Bọn mèo lớn được lập trình để sinh tồn bằng cách bảo tồn năng lượng, không phí sức vào việc di chuyển liên tục. Cảnh tượng thường thấy nhất ở sư tử chính là hình ảnh nó nằm chợp mắt; người ta cho rằng chúng ngủ 18- 20 giờ mỗi ngày. Khi săn mồi thành công, họ nhà mèo cố gắng không tiêu hao nhiều sức lực vào việc tranh giành bữa ăn. Và chúng không hoảng sợ trước những xáo trộn của chu kỳ thời tiết. Trong những cơn mưa chiều dữ dội quét qua đồng bằng Masai Mara ở Kenya, tôi đã chứng kiến lũ thú hoang đứng yên vị và bất động như trời trồng – bọn thú săn mồi cách con mồi ngay trong tầm tấn công – cho đến khi cơn mưa chấm dứt. Bản năng của chúng dường như hiểu rằng mưa gió chỉ là một nhịp điệu bình thường trong ngày và nỗi sợ sẽ chỉ gây ra thêm hoảng loạn. Rừng rậm là nơi ngụ cư của nhiều kẻ sống sót dạn dày, và không phải tất cả đều thuộc họ nhà mèo. Lối phòng vệ tốt nhất lại thuộc về đám ăn cỏ vụng về, lũ voi và tê giác. Ngay cả một đàn sư tử cũng hiếm khi đọ với một con voi bảy tấn có cặp ngà dài sáu bộ. Bọn gián điệp tinh nhất có lẽ là linh dương đầu bò, với mạng lưới khỉ đầu chó và chim chóc của chúng. Những tay thợ săn cừ nhất có thể là linh cẩu mà, dù thường được mô tả là bọn ăn trộm xác thối, chính là một trong những loài thú săn mồi cỡ lớn thành công nhất. Khác với họ nhà mèo, linh cẩu có sức chịu đựng, có thể đuổi bắt hầu như bất kỳ động vật nào, và không chỉ nhắm đến con mồi già nua và ốm yếu. Đi theo bầy lên đến sáu mươi con, linh cẩu không sợ con mồi nào. Ở đồng bằng Serengeti, có lần tôi thấy một đàn sư tử đã phải nhường con mồi đã hạ được cho một bầy hai mươi con linh cẩu gan lì.
  10. Từ lúc bước vào nghề, kinh nghiệm đau thương đã dạy tôi rằng bất cứ ai muốn thọ lâu hơn những chu kỳ năm năm về chính trị và kinh tế, không ngừng vùi dập nền kinh tế toàn cầu đều phải thấm nhuần một vài quy luật của rừng xanh. Chớ tiêu hao năng lượng với những số liệu lập lòe hằng ngày hoặc hằng quý. Hãy thích ứng với hoàn cảnh đang chuyển biến thay vì để cho bản ngã cản trở một cuộc triệt thoái chiến lược. Tập trung vào các xu hướng lớn, và theo dõi những ngã rẽ. Hãy xây dựng một hệ thống phát hiện những dấu hiệu chuyển biến quan trọng, ngay cả khi mọi người quanh ta đều đang tận hưởng xu thế hiện thời. Hơn 25 năm qua, tôi đã dành rất nhiều thời gian để thực nghiệm, cố gắng tạo dựng một hệ quy luật nhằm phát hiện những biến động trong tình hình kinh tế. Những yếu tố để sinh tồn trong tự nhiên và ở Phố Wall cũng áp dụng cho sự sinh tồn của các quốc gia trong nền kinh tế thế giới. Không có một hình mẫu độc nhất nào. Mọi quốc gia điều có cùng nguy cơ bị tổn hại bởi các chu kỳ bùng nổ và suy thoái, đều triệt tiêu hầu hết các đợt tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và cuối cùng biến những con báo săn phóng vùn vụt thành những con mèo kiệt sức. Làn sóng khủng hoảng sau cuộc suy thoái toàn cầu 2008 đã làm tê liệt nhiều nền kinh tế, cả yếu lẫn mạnh, cả đã phát triển lẫn đang phát triển. Noi theo các mô thức phát triển kinh tế lâu năm, các ngôi sao mới của kỷ nguyên mới lại nổi lên từ các quốc gia từng bị xem nhẹ như bọn ăn xác thối hay lũ ăn cỏ chậm chân, mà ngay cả sự trỗi dậy ban đầu của họ cũng chẳng được mấy ai nhắc tới. Bất cứ ai nỗ lực tìm hiểu những bước thăng trầm của các quốc gia đều phải nghiền ngẫm thực tế rằng nền kinh tế toàn cầu là một khu rừng náo nhiệt; những cuộc bùng nổ tăng trưởng, sa sút và phản kháng đều nằm trong nhịp điệu thường tình của nó. Những gì tôi viết sau đây là nhằm giúp ta xác định mười dấu hiệu nhận
  11. diện những chuyển động hệ trọng, đưa tình hình đi đến chỗ tốt đẹp hơn hoặc tệ hại hơn, gồm cả những chuyển động chẳng hề phát ra tiếng.
  12. Dẫn nhập Lẽ vô thường Trong những năm Tiền khủng hoảng* – trước cuộc khủng hoảng 2008, thế giới tận hưởng đợt bùng nổ kinh tế chưa từng có trải từ Chicago đến Trùng Khánh. Mặc dù đợt bùng nổ này diễn ra chỉ vẻn vẹn bốn năm với một nền tảng mỏng manh, nhiều nhà quan sát xem đó là sự khởi đầu của một thời kỳ toàn cầu hóa vàng son. Dòng tiền, hàng và nhân lực sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ kỷ lục, làm gia tăng và lan tỏa sự thịnh vượng. Nhiều quốc gia nghèo sẽ đứng vào hàng ngũ các nước giàu. Sẽ có thêm nhiều công dân của họ thoát nghèo và có cuộc sống sung túc, thu hẹp khoảng cách giữa 1% và số còn lại. Với sức mạnh mới được phát hiện của chính mình, giới trung lưu đang trỗi dậy của toàn cầu sẽ gây áp lực lên các chế độ độc tài để nới lỏng ách kiểm soát, tổ chức những cuộc bầu cử đích thực và mở ra các cơ hội mới. Sự thịnh vượng đang trỗi dậy sẽ dẫn đến tự do chính trị và dân chủ, và lại mang đến thêm sự thịnh vượng. Thế rồi đến năm 2008. Những năm Tiền khủng hoảng đã nhường chỗ cho những năm Hậu khủng hoảng*. Đến Hậu khủng hoảng, sự kỳ vọng về một thời vàng son đã nhường chỗ cho một thực tại mới. Sự hô hào về toàn cầu hóa đã nhường bước cho những bàn tán về “giải toàn cầu hóa”. Bức tranh lớn trở nên phức tạp và mâu thuẫn, bởi không phải tất cả mọi dòng chảy trong toàn cầu hóa đều bị chậm lại hoặc đảo chiều. Dòng chảy thông tin, được đo bằng lượng truy cập Internet, chẳng hạn, vẫn tăng mạnh. Dòng chảy nhân lực, được đo bởi lượng du khách và hành khách hàng không,
  13. đang tăng mạnh. Nhưng về tổng thể lượng di dân kinh tế dịch chuyển từ các nước nghèo sang các nước giàu đã giảm, bất chấp cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra vào năm 2015 về người tị nạn Hồi giáo từ Syria và Iraq. Và dòng tiền vốn ảnh hưởng trực tiếp nhất đến sự tăng trưởng kinh tế – dòng vốn giữa các quốc gia và kim ngạch giao thương hàng hóa và dịch vụ – đã giảm mạnh. Các quốc gia đã quay vào trong, tái thiết lập các rào cản thương mại và tự cách ly với các nước láng giềng. Trong thập niên 2010, lần đầu tiên kể từ thập niên 1980, thương mại toàn cầu đã tăng trưởng chậm hơn so với kinh tế toàn cầu. Các ngân hàng quốc tế lớn đã thu mình lại trong biên giới bản quán của họ, e ngại cho vay ra nước ngoài. Sau khi tăng mạnh trong hơn ba thập kỷ, các dòng vốn đã đạt đến mức đỉnh cao lịch sử 9 ngàn tỷ đô-la và chiếm 16% nền kinh tế toàn cầu trong 2007, sau đó giảm xuống còn 1,2 ngàn tỷ đô-la tức 2% của kinh tế toàn cầu – mức của năm 1980. Khi tiền cạn kiệt và thương mại suy giảm, sự tăng trưởng kinh tế cũng chịu chung số phận. Các nền kinh tế quốc gia thường hứng chịu suy thoái, nhưng vì luôn có những quốc gia đang tăng trưởng nhanh đâu đó trên thế giới, nền kinh tế toàn cầu hiếm khi suy thoái toàn bộ. Do đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) định nghĩa một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu không theo mức tăng trưởng GDP âm mà theo sự sụt giảm của mức tăng trưởng thu nhập, số việc làm bị mất đi và các yếu tố khác khiến cả thế giới cảm thấy đang bị một cuộc suy thoái bao vây. Theo IMF, đã có bốn lần như vậy: vào giữa những năm 1970, đầu những năm 1980, đầu những năm 1990 và giai đoạn 2008 – 2009. Trong cả bốn trường hợp, tăng trưởng GDP toàn cầu đều giảm xuống dưới 2%, so với mức tăng trưởng dài hạn 3,5%.* Tăng trưởng toàn cầu cũng giảm xuống dưới 2% vào 2001, khi bong bóng công
  14. nghệ Mỹ vỡ. Thế nên, trên thực tế, có thể nói rằng đã có năm cuộc suy thoái trên toàn thế giới kể từ 1970, và chúng đều có một điểm chung. Tất cả đều bắt nguồn từ Mỹ. Nhưng cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu kế tiếp có khả năng là “sản xuất tại Trung Quốc”, quốc gia mà trong những năm gần đây đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đóng góp lớn nhất vào mức tăng hằng năm của GDP toàn cầu. Năm 2015, do sự trì trệ kinh tế ở Trung Quốc, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng ở mức chỉ 2,5%, và đến cuối năm đã đứng bên bờ vực của một cuộc suy thoái nữa. Sự trì trệ của Trung Quốc đang tác động hết sức mạnh mẽ đến các quốc gia cùng mới nổi khác. Nếu không tính Trung Quốc, các quốc gia mới nổi khác đang tăng trưởng với mức trung bình chỉ trên 2%, tức chậm hơn cả nền kinh tế giàu có hơn nhiều của Mỹ. Thu nhập bình quân của các quốc gia nghèo và trung bình này không còn bắt kịp với nền kinh tế hàng đầu thế giới. Từ Brazil đến Nam Phi, các nền kinh tế mới nổi đang tụt xuống trên bậc thang phát triển. Cảm giác về vận hội mà sự thịnh vượng toàn cầu tạo ra đã biến thành một cuộc tranh giành để tìm một ngách hẹp sinh tồn. Thế giới đã đổ vỡ. Niềm hy vọng sự thịnh vượng sẽ mang đến tự do và dân chủ đã phai nhòa. Theo Freedom House, kể từ 2006, năm nào số lượng các nước sa sút về các quyền chính trị cũng vượt quá số các nước đạt được bước tiến. Tính chung, 110 quốc gia, tức hơn một nửa tổng số các nước trên thế giới, đã tổn thất về tự do trong suốt mười năm qua.[1] Con số các nền dân chủ đã không thay đổi đáng kể, nhưng nạn đàn áp lại đang gia tăng ngay cả ở các nước vẫn duy trì sự hiện diện của bầu cử, như Nga chẳng hạn. Chẳng còn mấy nhà quan sát lập luận rằng sự thịnh vượng ở Trung Quốc sẽ dẫn đến dân chủ. Thay vì vậy họ chỉ ra sự trỗi dậy của một hình
  15. thức chủ nghĩa toàn trị mới mẻ và ngày càng quyết liệt, mà đi đầu là Nga và Trung Quốc và để lại dấu ấn ở các chế độ bác bỏ dân chủ như một giá trị phổ quát, bênh vực cho các hình thức đàn áp chính trị nhẹ tay hơn rằng đó là biểu hiện của đặc trưng văn hóa dân tộc. Đòn giáng mạnh vào sự thịnh vượng và không khí chính trị bình lặng trên toàn cầu xảy ra vào khoảng 2010, khi nạn trì trệ kinh tế lan từ Mỹ và châu Âu sang thế giới mới nổi. Trong thập kỷ trước đó, trên thế giới có trung bình khoảng 14 đợt biến động xã hội lớn mỗi năm, nhưng sau năm 2010 con số này đã tăng lên đến 22, mà trong nhiều trường hợp đã được hun đúc bởi cơn thịnh nộ của tầng lớp trung lưu trước sự bất bình đẳng gia tăng và đối với những chế độ già cỗi đã trở nên nhũng nhiễu và tự mãn trong thời kỳ sung túc Tiền khủng hoảng. Làn sóng lớn đầu tiên của phong trào nổi dậy diễn ra vào Mùa xuân Ả Rập, khi các cuộc biểu tình, được thổi lửa bởi giá lương thực tăng cao, đã dấy lên niềm hy vọng rằng các nền dân chủ mới sẽ bén rễ ở Trung Đông. Những kỳ vọng ấy đã tiêu tan bởi sự trở lại của chế độ độc tài ở Ai Cập và sự bùng nổ nội chiến từ Libya tới Syria. Đến 2011, cuộc nổi dậy đã lan rộng sang các quốc gia mới nổi lớn hơn. Những cuộc biểu tình này được thúc đẩy bởi sự bất bình về kinh tế kết hợp với sự trì trệ toàn cầu: bởi lạm phát tại Ấn Độ, nạn chính trị thân hữu ở Nga, mức lương và điều kiện làm việc ở Nam Phi. Tình trạng bất ổn này lên đến đỉnh điểm vào mùa hè 2013, khi hàng triệu người tham gia các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố khắp các nền kinh tế ngôi sao đang lu mờ – Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Kịch tác gia người Mỹ Arthur Miller từng nhận xét rằng một thời đại đi đến điểm cáo chung “khi những ảo tưởng cốt lõi của nó cạn kiệt”.[2] Ngày nay các ảo tưởng về việc khuếch trương sự thịnh vượng vốn đã định hình
  16. thời kỳ Tiền khủng hoảng rốt cục đã tắt lịm. Ảo tưởng tan biến cuối cùng chính là niềm tin rằng cuộc bùng nổ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ kéo dài vô tận, vực dậy các quốc gia từ Nga đến Brazil, từ Venezuela đến Nigeria, vốn lâu nay vươn lên chủ yếu nhờ xuất khẩu hàng nguyên liệu cho Trung Quốc. Nhu cầu không ngừng gia tăng của Trung Quốc ngỡ sẽ làm nên một “siêu chu kỳ” khiến giá hàng nguyên liệu gia tăng và sự thịnh vượng cứ nảy nở từ Moscow tới Lagos. Đến 2011, cốt truyện này bắt đầu trở nên đáng ngờ, khi giá đồng và thép bắt đầu giảm. Ảo tưởng đã hoàn toàn sụp đổ vào cuối năm 2014, khi giá dầu giảm hơn một nửa chỉ trong vòng mấy tháng. Không gì minh họa sự vô thường của các xu hướng toàn cầu sắc nét bằng số phận của các quốc gia mới nổi được bàn tán rầm rộ nhất vào những năm 2000, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Giới tiếp thị đã gom các nước này thành cụm từ viết tắt BRIC, để diễn tả ý niệm rằng bốn đại cường này sắp sửa thống trị nền kinh tế toàn cầu. Ngày nay, cụm từ này thường đồng nghĩa với tính từ chỉ suy vong hoặc sụp đổ, bị nhạo thành “ý niệm đầu tư hết sức lố bịch – bloody ridiculous investment concept”, hoặc đảo thành một từ viết tắt mới CRaB* để diễn tả vị thế bẽ bàng của Trung Quốc, Nga và Brazil hiện tại. Trong thời Hậu khủng hoảng, tỷ lệ tăng trưởng GDP hằng năm của Trung Quốc đã giảm từ 14% xuống dưới 5% theo ước tính riêng,[3] Nga từ 7% xuống -2% và Brazil từ 4% xuống -3%. Trong nhóm BRIC ban đầu, chỉ mỗi Ấn Độ có hy vọng tăng trưởng trong những năm 2010 với mức gần bằng như trước đó trong thập niên 2000. Sự phiền muộn của thời Hậu khủng hoảng đã trầm trọng hơn bởi màu hồng của cuộc bùng nổ tăng trưởng trước đó và bởi quá ít nhà quan sát nhìn thấy cuộc khủng hoảng ập đến. Thế giới đã trông mong vào một thời
  17. vàng son bất tận để rồi chuốc lấy những ngày tháng khốn khó. Thế giới đã dự đoán nhu cầu gia tăng ở tầng lớp trung lưu mới nổi để rồi thay vì thế, ở nhiều nước, nhu cầu của một tầng lớp trung lưu đang phẫn nộ lại giảm sút. Trong bối cảnh toàn cầu căng thẳng này, nỗi sợ hãi quen thuộc về lạm phát đã nhường chỗ cho nỗi sợ về giảm phát, tức giá cả sụt giảm, mà trong một số trường hợp thậm chí còn nguy hại hơn cho tăng trưởng kinh tế. Những cái tên hấp dẫn của thời Tiền khủng hoảng đã hoàn toàn chẳng còn chút gì tính thời thượng nữa. Khi các dòng tiền khô cạn và đảo chiều, đồng tiền của các quốc gia mới nổi suy yếu đột ngột. Sau khi thu hút dòng vốn dương mỗi năm suốt từ khi có số liệu vào 1978, thế giới mới nổi chứng kiến dòng vốn chảy ngược ra lần đầu tiên năm 2014 và trong cuộc vỡ đập năm 2015, với dòng vốn tháo lui đồ sộ đến hơn 700 tỷ đô-la. Tổn thất đột ngột về nguồn tài chính khiến cho các quốc gia này càng khó trả nợ nước ngoài hơn. Nhiều quốc gia mới nổi đang tích cực tìm đường thoát nợ giờ đây lại sa tiếp vào nợ nần, trở thành những kẻ đi vay khốn đốn. Ở đỉnh cao của bùng nổ tăng trưởng thời Tiền khủng hoảng, vào 2005, IMF chẳng phải tiến hành một hoạt động cứu hộ nào và đã tính đến chuyện đóng cửa bộ phận cứu trợ tài chính, nhưng năm 2009 họ đã hoạt động rầm rộ trở lại và kể từ đó đã phát động từ 10 đến 15 chương trình trợ giúp mới mỗi năm, từ Hy Lạp đến Jamaica. Trong thời Hậu khủng hoảng, những hiểm họa của tăng trưởng được thừa nhận rộng rãi hơn. Cuộc bành trướng toàn cầu khởi sự từ 2009 đi vào giai đoạn yếu kém nhất trong lịch sử sau Thế chiến II. Năm 2007, ngay trước khủng hoảng tài chính, cứ 20 nền kinh tế mới nổi thì có một bị chậm lại về tốc độ tăng trưởng. Đến năm 2013, tỷ lệ đó là bốn phần năm, và sự “trì trệ đồng bộ” này đã bước vào năm thứ ba, dài nhất trong thời gian gần
  18. đây. Tình trạng này còn lâu hơn cả cuộc trì trệ đồng bộ đã tác động vào thế giới mới nổi sau vụ khủng hoảng đồng peso của Mexico năm 1994, hoặc cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, hay vụ phá sản dot-com năm 2001 hoặc thậm chí cả cuộc khủng hoảng năm 2008.[4] Trong lúc sự trì trệ lan tỏa, cuộc săn tìm những ngôi sao tiếp theo của thế giới mới nổi đã nhường bước cho một thực tế: tăng trưởng kinh tế không phải là một đặc quyền thiên phú. Các vùng trọng yếu trên thế giới, gồm cả đế chế Byzantine và châu Âu trước cuộc cách mạng công nghiệp, đã từng trải qua những giai đoạn dài hàng trăm năm hầu như không tăng trưởng. Tại Goldman Sachs, các nhà nghiên cứu rà soát lại 150 năm ở các quốc gia từng trải qua những thời kỳ dài tăng trưởng dưới mức trung bình và có thu nhập bình quân thua kém các nước ngang hàng. Họ tìm thấy 90 trường hợp đình lạm như thế kéo dài ít nhất sáu năm, trong đó 26 trường hợp kéo dài hơn mười năm. Những cuộc suy trầm này đã giáng vào nhiều nước, từ Đức vào những 18 năm 1860 và 1870 cho đến Nhật Bản những năm 1990 và Pháp những năm 2000. Cuộc đình lạm lâu nhất kéo dài 23 năm và giáng vào Ấn Độ từ năm 19 , trong khi cuộc lâu thứ hai kéo dài 22 năm tại Nam Phi, bắt đầu hồi 1982. Những cuộc đình lạm này không nổi tiếng bằng và không được nghiên cứu cặn kẽ như các “phép mầu” tăng trưởng của châu Á thời hậu chiến đã diễn ra trong nhiều thập niên và đưa Nhật Bản (trước 1990) cùng một số nước láng giềng vươn lên vị thế nước giàu. Nhưng dù sao các cuộc đình lạm cũng phổ biến không kém các phép mầu và có lẽ còn phổ biến hơn trong thời Hậu khủng hoảng. Điều hệ trọng cần hiểu là không thể dựa vào chính chu kỳ kinh tế này để dự báo sự hồi phục tại các quốc gia một cách khả đoán và tuyến tính. Khi suy thoái vượt quá một ngưỡng nào đó, một nền kinh tế có thể mất
  19. khả năng tự hiệu chỉnh. Ví dụ, một cuộc suy thoái bình thường sẽ làm gia tăng thất nghiệp và suy giảm mức lương, để rốt cục dẫn đến một chu kỳ mới của sự tuyển dụng và hồi phục. Tuy nhiên, nếu cuộc suy thoái này quá dài và sâu, nó có thể hủy hoại kỹ năng của lực lượng lao động, gây ra tình trạng phá sản lan rộng, và tiêu hủy năng lực công nghiệp, dẫn đến một sự suy sụp thậm chí lâu hơn nữa. Thuật ngữ thông dụng để chỉ hiểm họa này là “hiện tượng trễ”, vốn mô tả một giai đoạn mà sự tăng trưởng chậm hoặc âm dẫn đến một sự tăng trưởng chậm hơn nữa thay vì sự phục hồi. Trong thời Hậu khủng hoảng đầy trì trệ, người ta có nỗi sợ mới là một số nước giờ đây có thể kẹt trong tình trạng này. Bản chất phù du và chật vật của sự tăng trưởng mạnh mẽ giờ đây đã được nhìn thấy rõ, và nó đặt ra một câu hỏi đơn giản. Làm thế nào, trong một thế giới vô thường, ta có thể dự đoán những quốc gia có nhiều cơ may sẽ tăng tiến hoặc suy vong? Đâu là những dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy vận mệnh của một quốc gia sắp chuyển biến, và làm thế nào nhìn ra những dấu hiệu đó? Để giúp định hướng trong một thế giới thường tình – một môi trường dễ gặp phải sự bùng nổ tăng trưởng, sa sút và phản kháng – cuốn sách này vạch ra mười quy luật để nhận diện liệu một quốc gia đang tăng trưởng, suy thoái hay chỉ đi luẩn quẩn. Các quy luật này hợp thành một hệ thống để nhận diện sự chuyển biến và được áp dụng phù hợp nhất cho các quốc gia mới nổi, một phần do thể chế kinh tế và chính trị ở các quốc gia này chưa vững, khiến các nơi này dễ bị tổn thương trước biến động chính trị và tài chính. Tuy nhiên, như tôi sẽ chỉ ra, nhiều quy luật cũng áp dụng thỏa đáng cho thế giới phát triển. Nhận diện mô thức: nguyên lý của các quy luật
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2