YOMEDIA
ADSENSE
Mã kép trong hình tượng Aureliano của Gabriel Garcia Marquez
37
lượt xem 5
download
lượt xem 5
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Việc sử dụng “mã kép” điêu luyện đã giúp Marquez xây dựng thành công hình tượng nhân vật đại tá Aureliano bất hủ. Con người này mang trong mình gần hết mọi dư âm của thời đại, những biến cố lớn lao của người dân Colombia, những điều đạt được và cả những gì chưa thể đạt được, nhưng trên hết dấy là một tâm hồn nhân văn vô hạn độ, người biết sống cho lí tưởng cao đẹp của cuộc đời.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Mã kép trong hình tượng Aureliano của Gabriel Garcia Marquez
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci. Science., 2010, Vol. 55, No. 7, pp. 3-15 MÃ KÉP TRONG HÌNH TƯỢNG AURELIANO CỦA GABRIEL GARCIA MARQUEZ Lê Huy Bắc Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Đặt vấn đề Mã kép (double code) là một trong những khái niệm cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại. Thuật ngữ được đưa ra lần đầu bởi nhà phê bình kiến trúc Hoa Kỳ Charles Jencks (1939– ). Ông cho rằng kiến trúc hậu hiện đại cần phải bao hàm trong nó mã kép. Đó chính là sự trộn lẫn giữa các phong cách bác học và đại chúng, cũ và mới, hiện đại và cổ điển... Nguyên tắc của việc tạo mã kép là nghệ sĩ phải bố trí sao đó để tính chất “kép” được thể hiện trong một sự vật hiện tượng và ngay cùng lúc. Đây cũng chính là những nguyên tắc nền tảng của “mã kép” trong văn chương. Văn chương hậu hiện đại sử dụng mã kép, một mặt làm tăng thêm tính biểu đạt cho hình tượng, mặt khác, quan trọng hơn là tạo nên cảm hứng mỉa mai (Irony) cho lời văn. Bản chất của việc sử dụng mã kép là để chế giễu những cái cũ, cái bảo thủ, không hợp thời, để ngăn ngừa những diễn ngôn tích cực đương đại có nguy cơ trở thành đại tự sự. Mã kép được sử dụng trong nhại, nhằm tăng hiệu quả “đối thoại” bên trong và ngoài văn bản, tăng sức mạnh đả phá những đại tự sự, tăng tính liên văn bản, tạo khoảng trống cho trường liên tưởng của người đọc, để họ xâm nhập sâu hơn vào bản chất của sự kiện, hình tượng trong văn chương hậu hiện đại. “Mã kép” của hậu hiện đại gồm chứa trong nó tính năng kép: vừa xác lập nghĩa và trường nghĩa của “mã”, đồng thời lại đưa ra cơ chế giải mã bằng cách “phi mã” thông qua việc chế giễu, mỉa mai những ý nghĩa vừa được thiết lập. Các cơ chế sinh nghĩa của văn bản hậu hiện đại đều được dừng ở mức độ “gợi” hoặc tạo đường “link”, thậm chí là siêu kết nối (hyperlink) để người đọc tự xác lập các trường nghĩa hoặc mỉa mai các trường nghĩa của mã. Roland Barthes cũng quan tâm đến “mã” trong tác phẩm văn học. Ông chia “mã” thành năm kiểu: mã văn hóa, mã giải thích, mã tượng trưng, mã kí hiệu, mã trần thuật. Quan niệm “mã” của Barthes vượt qua khuôn khổ của chủ nghĩa cấu trúc. Ông không cố định “mã” vào một nét nghĩa cứng nhắc như vốn có trước đó. Ông xem “mã” chỉ là những “trường liên tưởng”, là cách tổ chức siêu văn bản của 3
- Lê Huy Bắc những nét nghĩa, liên quan đến “cách hiểu” của sự giải mã (tức người đọc) trước những khả năng liên kết tạo nghĩa nhất định. 2. Nội dung nghiên cứu Có thể khai thác mã kép ở bất kì tác phẩm văn chương hậu hiện đại nào. Từ truyện ngắn Lớp học của Donald Barthelme đến tiểu thuyết in năm 1986 Foe của M.J. Coetzee,... người đọc đều có thể thấy ngay cấu trúc này. Foe được lấy cốt truyện xoay quanh câu chuyện về Robinson Crusoe của Daniel Defoe. Câu chuyện được kể theo cái nhìn của Susan Barton, người tình cờ dạt lên đảo của Robinson vào thời điểm anh đang sống cùng Thứ Sáu. Có kết cấu của một truyện kể khung hệt như Robinson Crusoe. Khi trở về Anh quốc, Barton thuyết phục nhà văn Daniel Foe giúp bà kể lại câu chuyện phiêu lưu của mình dưới dạng truyện hư cấu. Tập trung chủ đề truyện và ngôn ngữ và quyền lực, cuốn tiểu thuyết bị các giới chức chính trị Nam Phi chỉ trích vì những vấn đề liên quan đến họ. Con gái của Susan Barton bị bắt cóc đưa sang Tân thế giới. Cô lên đường tìm con và bị lạc đến đảo của Robinson. Đặt chân lên bờ, Barton gặp Robinson, người lúc này dường như quên bẵng hết quá khứ của mình và Thứ Sáu không thể nói vì bị những ông chủ nô lệ trước đây cắt mất lưỡi. Cả ba sống nơi đó trong khoảng một năm trước khi được cứu thoát. Trên hành trình về lại Anh, Robinson qua đời. Chỉ còn Thứ Sáu với Barton về đến đại lục. Barton nỗ lực kể lại chuyện phiêu lưu của mình trên giấy nhưng bất lực trước ngôn từ. Do vậy, cô tìm gặp nhà văn Daniel Foe nhờ ông viết ra câu chuyện của mình. Nhưng giữa họ có mối bất đồng, Foe không đồng ý với những sự kiện phiêu lưu mà Barton đặc biệt yêu thích. Đặc biệt khi kể, ông nhấn mạnh những sự kiện phiêu lưu của Robinson hơn là của Barton. Thời gian sau, Foe trở thành người tình của Barton và thảm họa xảy ra với nhà văn. Ông mắc nợ, không còn nhiều thời gian cho công việc sáng tạo và năng lực viết sa sút. Câu chuyện của Barton dừng lại khi có một cô gái đến và nói cô chính là đứa con bị thất lạc của cô. Tính chất mã kép xuyên suốt câu chuyện ngay từ cái tên. Foe trong tiếng Anh có nghĩa là kẻ thù. Những cái tên đó là một “trích đoạn” từ cái tên của đại văn hào Defoe. Ta cũng chú ý tiếp đầu ngữ “de”. Trong tiếng Pháp đây là tiểu từ chỉ danh hiệu quý tộc (Jean de la Fontaint). Trong tiếng Anh, đấy là tiếp đầu ngữ chỉ sự đả phá, hủy bỏ, giải: Giải cấu trúc (deconstruction). “Defoe” hiểu theo nghĩa chiết tự có nghĩa là “giải hận”, “thôi thù”... Ứng với lịch sử Nam Phi, thì câu chuyện này đương nhiên có vấn đề về nạn phân biệt chủng tộc trước đó. Tiếp theo mã kép có thể khai thác ở hình ảnh nhại Robinson của Barton hay chuyện cái lưỡi bị cắt cụt của Thứ Sáu, điều trước đây không có trong tiểu thuyết của Daniel Defoe. Lấy đề tài từ một câu chuyện đã trở thành lịch sử, thay đổi đôi chút về nhân vật và sự kiện, nhà văn hậu hiện đại đã tạo nên nhiều lớp mã để đối thoại với nhãng vấn đề diễn 4
- Mã kép trong hình tượng Aureliano của Gabriel Garcia Marquez ra trong quá khứ và đặc biệt là những vấn đề nổi cộm ở thời ông. * Đại tá Aureliano là hình tượng tập trung nhất “mã kép” trong Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez. Aureliano chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong cốt truyện. Có thể nói, gần như hai phần ba câu chuyện được dùng để kể về ngài, một con người âu sầu, cô đơn ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, có tài tiên tri, trí tuệ, kiên định và lãng mạn... Đấy là những phẩm chất của một thiên tài, một nghị lực lớn lao của thời đại. Thế nhưng, đại tá Aureliano còn là kết tinh của tất thảy những nỗi bi hài của số phận. Ngài là hiện thân của đỉnh cao quyền lực, nhưng đồng thời cũng là một con người rất đỗi bình thường; vinh quang và cay đắng phối kết ngẫu nhiên hệt như sự nếm trải của bất kì con người nào từng sống trên cõi đời. Tất cả những đặc tính đó đều xuất phát từ một căn nguyên, đấy là mã kép trong kĩ thuật khắc họa ngài. Ở Đại tá Aureliano luôn xuất hiện hai con người: một yếu nhân lịch sử và một bình dân của đời thường. Hai kiểu người này luôn tồn tại trong xu thế đối thoại và ngầm ẩn sự chế giếu, mỉa mai nhau. Thời thơ ấu của đại tá Aureliano trôi qua trong bình lặng. Suốt ngày miệt mài bên cha trong xưởng kim hoàn, tự học là chính nhưng bằng tài năng thiên bẩm của mình, đại tá Aureliano sớm trở thành một tay thợ lành nghề. Cái nghề mà sau này, sau bao vinh quang, huyền thoại, vị đại tá già lại cặm cụi làm những con cá vàng rất công phu rồi chỉ để nấu lại chúng rồi bắt đầu một chu trình sản xuất hệt như ngày hôm trước. Hành động này của ngài đại tá cũng là hành động mang tính ẩn dụ cho sự quanh quẩn của kiếp người, cho lí tưởng không bao giờ được thực hiện vì thông thường cái ác, cái xấu luôn có sức mạnh tự thân để áp chế cái tốt đẹp, cái cao cả trong đời. Đại tá Aureliano yêu thích lao động. Ngoài việc phát động chiến tranh đánh đổ cường quyền, thì niềm đam mê lao động là phẩm chất lớn nhất trong đời đại tá. Sau khi giã từ binh nghiệp, đại tá Aureliano trở về xưởng kim hoàn sản xuất những con cá vàng, không bận tâm đến những sự kiện chính trị đang diễn ra. Người ta cho rằng “sở dĩ ngài đại tá không muốn hay biết gì về hoàn cảnh đất nước là vì ngài đã làm giàu nhờ xưởng kim hoàn của mình”. Trong con mắt của Úrsula – mẹ ngài, công việc đó được nhìn nhận theo cách khác: “cụ không thể hiểu được công việc kinh doanh của ngài đại tá hết đổi những con cá vàng lấy những đồng tiền vàng, để rồi sau đấy lại biến những đồng tiền vàng thành những con cá vàng và cứ thế luân hồi mãi theo cách thức: càng phải lao động nhiều hơn khi bán được nhiều hơn để thoả mãn cái vòng luẩn quẩn vô vọng” [1;287]. Người kể chuyện bình luận tính “kép mã”, đúng hơn là vận dụng kiểu lời văn nửa trực tiếp để đọc suy nghĩ của đại tá: “Quả thế thực, đối với ngài đại tá điều khiến ngài thích thú không phải là kinh doanh mà là lao động. Ngài phải tập trung tư tưởng đến cao độ để xếp các vẩy, để khảm con 5
- Lê Huy Bắc ngươi vàng bé tí hin vào đôi mắt, để dát mỏng các vảy trước vây sau, để cắm đuôi cho con cá, mà do đó trong tâm tưởng ngài không có chỗ trống cho nỗi thất vọng vì chiến tranh lẫn vào” [1;28]. Là người trung thực, đại tá Aureliano sống với lí tưởng nhân văn của mình. Đấy là tự do, dân chủ và bình đẳng cho mọi người. Khát vọng này giống hệt như khát vọng của thầy trò Don Quixote trong pho tiểu thuyết nổi tiếng của Cervantes. Cuộc đời chiến đấu đầy gian truân với nhiều vinh quang và cay đắng của hiệp sĩ hậu hiện đại Aureliano cũng đâu có khác nhiều với chàng hiệp sĩ của Cervantes. Phát động ba mươi hai cuộc nổi dậy, quân đội tự do dưới sự chỉ huy đầy can trường của đại tá Aureliano nhiều phen làm quân bảo hoàng thất đảm. Thế nhưng, sau bao nhiêu vinh quang đó, đại tá Aureliano bỗng nhận ra rằng đấy là trò đùa của số phận, là ngón đòn tạo hoá bày ra để trêu ngươi con người. Chém giết không có lợi cho bất kì ai, bởi sẽ luôn có những kẻ khua môi múa mép luôn đợi sẵn để hưởng thành quả cách mạng. Việc kí hoà ước của đại tá chứng thực cho suy nghĩ ấy. Một sự đối thoại sòng phẳng giữa các “mã”. Các nhà hậu hiện đại nhận thức bản thể con người là cô đơn đến cùng tận. Márquez để cho nhân vật trốn chạy nỗi cô đơn trong đạo lí làm người. Thời trai trẻ, đại tá Aureliano không quan tâm đến chính trị. Chàng yêu Remedios, con gái của thanh tra bảo hoàng Moscote. Những tưởng cuộc đời chàng sẽ bình dị trôi qua trong hạnh phúc gia đình nhỏ nhoi ấy. Thế nhưng, hôn nhân của chàng bị huỷ hoại vì cái chết bất ngờ của Remedios. Cái chết đó chỉ là sự ngẫu nhiên, nhưng lại là cú sốc lớn trong đời chàng. Con đường chạy trốn cô đơn bằng cuộc sống gia đình của chàng bị đứt gãy. Aureliano đến với chiến tranh. Trước hết đấy là chính trị. Lúc đó ở Macondo, dưới sự thống trị hà khắc của chính phủ bảo hoàng, những người theo phe tự do rục rịch đứng lên khởi nghĩa. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự chống đối ấy là sự gian lận trong bầu cử. Trước đó, thái độ của Aureliano là phớt lờ chính trị. Chàng chẳng quan tâm đến phái tự do hay bảo hoàng. Trái lại các bạn chàng, đã nghe theo lời vận động của nhà cách mạng Noguera trá hình dưới vỏ bọc là thầy thuốc đã ngấm ngầm chuẩn bị bạo động. Bất bình trước sự gian lận phiếu bầu của bố vợ mình, Aureliano gia nhập nhóm thanh niên cách mạng, hậu duệ của những người khai sáng ra Macondo. Nhưng khi biết mục tiêu hành động của nhóm này là khủng bố, ám sát những phần tử thuộc phe bảo hoàng, trong đó có bố vợ mình Don Apolina Mocoste – một người hiền lành, chứ không chịu làm cách mạng một cách lí tưởng triệt để, Aureliano không tán thành và công khai đứng ra bảo vệ Moscote. Aureliano ý thức rất rõ, rằng Mocoste là một người tốt và chỉ là một quan chức bù nhìn của bộ máy thống trị kia mà thôi, giết Moscote không phải là mục tiêu đúng đắn của cách mạng. Mâu thuẫn giữa những người ủng hộ phái tự do với phe bảo hoàng ngày một lên đến cao trào khi cuộc nội chiến bùng nổ, các tướng lĩnh lực lượng tự do tập 6
- Mã kép trong hình tượng Aureliano của Gabriel Garcia Marquez trung lực lượng tấn công vào thành trì của đảng cầm quyền. Một trung đội lính bảo hoàng mang theo hai cỗ pháo hạng nhẹ âm thầm đến làng Macondo và thiết quân luật. Chúng thẳng tay áp bức và sát hại dân làng. Bác sĩ Noguera linh hồn của những người tự do bị bắn chết. Cha xứ cũng bị chúng hành hung. Cuộc sống của dân làng Macondo chưa bao giờ khốn đốn như bây giờ. Không thể khoanh tay nhìn cái ác hoành hành, Aureliano phát lệnh khởi nghĩa. Bằng những vũ khí thô sơ, hai mươi mốt đàn ông chưa đến ba mươi tuổi đã đánh úp trại lính, giết chết viên đại uý và bốn tên lính tham gia sát hại dân thường. Aureliano tự phong làm đại tá, dẫn đầu những người khởi nghĩa gia nhập lực lượng quân tự do. Đến đây, Aureliano mang trong mình “mã yếu nhân lịch sử”. Việc làm sau cùng trước khi Aureliano lên đường là trả tự do cho bố vợ Don Apolina Moscote. Ông ta cứ ngỡ việc khởi nghĩa ấy là trò đùa vì không tin cậu con rể lầm lì, cô độc của mình lại có thể hành động quyết liệt đến thế. Câu nói của Aureliano dành cho bố vợ khẳng định sự trưởng thành tột bậc của chàng: “Đó là chiến tranh thực sự. Xin bố đừng gọi Aureliano cộc lốc nữa, vì tôi đã là đại tá Aureliano Buendía rồi” [1;159]. Vốn được xem là con người đa sầu đa cảm, Aureliano bao giờ cũng chuộng nghi lễ đạo đức. Với chàng trên đời chỉ có hai hạng người: đạo đức và vô đạo đức. Chàng là hiện thân của lòng quả cảm và sẵn sàng hành động vì chính nghĩa. Cuộc đời binh nghiệp của Aureliano càng ngày càng khẳng định tài năng thiên bẩm ở con người chàng. Dần dần chàng trở thành linh hồn của quân đội tự do. Trải qua nhiều gian khổ, quân đội dưới trướng Aureliano đã lập nên những chiến công phi phàm, gây cho phái bảo hoàng nhiều phen khốn đốn. Aureliano đã trở thành biểu tượng của người anh hùng và là huyền thoại trong mắt của những người yêu chuộng tự do. Bằng chứng sinh động cho điều này là việc mười bảy cô gái hâm mộ chàng đã tự nguyện tìm đến sinh con với chàng để duy trì nòi giống của người anh hùng. Nhưng chiến tranh và vinh quang dần làm cho con người chàng đổi khác. Một “mã” thứ hai xuất hiện. Đương nhiên mã này luôn tiềm ẩn, chỉ chờ cơ hội. Nếu trước đây khi mới manh nha ý định làm cách mạng, Aureliano cực lực phản đối chủ trương khủng bố cá nhân của bác sĩ Noguera bằng thái độ thẳng thắn: “Ngài chẳng phải là nhà tự do cũng chẳng phải là cái đếch gì, ngài là một tên sát nhân không hơn không kém” [1;156], thì về sau, cùng với những thành công trên con đường binh nghiệp và sự chém giết cũng như cái bả vinh quang đã biến Aureliano thành một kẻ độc tài, kiêu ngạo, chỉ chiến đấu cho niềm kiêu hãnh của cá nhân mình. Đấy là con đường chung của những kẻ nắm trong tay quyền lực tối thượng và có thể ban phát sự sống và cái chết cho bất kì ai. Sự băng hoại nhân tính trong tâm hồn đại tá Aureliano không phải đến từ khi quyền lực của phái tự do rơi vào tay chàng mà từ chính những vinh quang và tủi nhục mà đại tá Aureliano gánh chịu trên suốt chặng đường chinh chiến dài. Có 7
- Lê Huy Bắc lần chàng bị bắt giải về Macondo như một tội phạm chiến tranh. Người ta chuẩn bị bắn chàng và chàng muốn được bản án thi hành ở Macondo. Lúc này Aureliano đã trở thành huyền thoại trong lòng của bất kì một người dân nào chống chế độ bảo hoàng của giới chức thối nát đương quyền. Người ta xem chàng như một vị thánh, như một biểu tượng cao cả của tự do. Nhờ sự sùng bái và mê tín của dân chúng thời đó mà Aureliano thoát chết. Đối diện với cái chết, Aureliano phát hiện ra trò hề của sự sống, ấy vậy nên từng bước chàng càng rơi vào nỗi cô đơn khủng khiếp của cuộc đời. Nỗi cô đơn ấy gặm nhấm thể xác và cả linh hồn chàng cho đến lúc chàng thấy mình là cái rốn của vũ trụ. Bất cứ nơi nào chàng đến nơi ấy là trung tâm và chính giữa trung tâm ấy là chàng, một kẻ cô độc, ngạo mạn chưa từng thấy trên đời. “Trong gần hai mươi năm chiến tranh, đại tá Aureliano Buendía đã nhiều lần có mặt ở nhà, nhưng trạng thái vội vã mỗi lần chàng trở về, cái bộ máy quân sự ầm ĩ theo chàng đi khắp các miền đất nước cũng như vầng hào quang huyền thoại ôm toả hình ảnh chàng và ngay đối với hình ảnh của chàng trong ánh hào quang huyền thoại ấy không ai cảm thấy gần gũi kể cả Úrsula, tất cả những cái đó biến chàng thành một thứ lạ lẫm” [1;250]. Aureliano cho vẽ một cái vòng tròn xung quang mình và bất kì ai cũng không được phép bước qua cái vòng tròn ấy kể cả mẹ đẻ ra ngài. Chàng quy định mọi người phải đứng cách xa chàng ba mét bất cứ nơi đâu chàng đến khi đội cận vệ chưa thiết lập được hành lang bảo vệ an toàn... Aureliano đích thực trở thành một tên độc tài khốn khiếp. Đỉnh cao của sự băng hoại nhân tính và đồng thời cũng là cú huých nhân phẩm để Aureliano nhận thức được trò hề mà chàng đang theo đuổi bấy lâu ấy là việc chàng ra lệnh tử hình người bạn chí cốt Gerineldo Márquez. Điều đó có nguyên do sâu xa của nó. Aureliano là thủ lĩnh của cuộc chiến, nhưng từ cái “mã” nhân văn khảm sâu trong con người lao động của chính chàng đã khiến chàng luôn hoài nghi những giá trị thực mà cuộc chiến đó mang lại cho nhân dân. Hai kiểu mã trong con người chàng luôn đối thoại nhau. Một con người của lịch sử, gánh vác trách nhiệm cao cả, nhưng lại vướng mắc với những thủ đoạn đê tiện của những kẻ xấu, nhân danh lịch sử để trục lợi. Chàng ý thức được rằng những khái niệm tự do, cải cách dân chủ rốt cuộc cũng chỉ là trò mị dân. Trong lúc chàng đang lăn lưng vào nơi nước sôi lửa bỏng với khát vọng cao đẹp là mang lại lợi ích cho người lao động nghèo, thì có sự câu kết giữa những người tự do giàu có từng ủng hộ chàng với những người bảo hoàng, chỉ vì những cải cách của chàng động chạm đến quyền lợi của họ: “Các tay địa chủ thuộc phái tự do, những người ngay từ lúc đầu ủng hộ cách mạng, đã ngầm liên minh với các tay địa chủ thuộc phái bảo hoàng để chặn đứng cuộc cải cách ruộng đất. Các chính khách từng tài trợ cho cuộc chiến tranh, ngay từ hải ngoại họ 8
- Mã kép trong hình tượng Aureliano của Gabriel Garcia Marquez đã công khai phản đối những quyết định táo bạo của chàng” [1;241]. Aureliano trở thành người bị phế truất quyền lực ngay trên ghế quyền lực. Tồn tại một mâu thuẫn không thể nào giải quyết. Một mặt Aureliano muốn đẩy nhanh cải cách để thực sự mang lại tự do dân chủ và bình đẳng xã hội cho mọi người. Đấy là ý nghĩa chân chính từ hành động chiến tranh do chàng phát động. Mặt khác chàng lại vấp phải sự chống đối ngấm ngầm của những người giàu có hiện đang ủng hộ cuộc cách mạng của chàng với mục đích duy nhất là nắm chính quyền còn mọi thứ vẫn để xảy ra y nguyên như trước. Chàng chán nản mọi thứ. Chàng không ngó ngàng gì đến thơ ca hay đọc lại thơ mình, lúc này đã lên đến năm tập. “Lẩn người trong chiếc áo khoác ngoài mặc dù đang lúc oi bức, chàng lặng lẽ trở về không có lính hộ vệ, mang theo ba ả nhân tình” [1;240]. Chàng để mặc mọi chuyện quốc gia đại sự và giao phó chúng cho đấng toàn năng. Chàng ăn, nằm và ngủ với mấy cô nhân tình. “Lúc ấy, chỉ có chàng mới hiểu rằng trái tim sôi nổi của mình đã vĩnh viễn bị đày vào cõi hỗn mang” [1;241]. Điều đó tạo nên sự ngao ngán tột cùng trong chàng. Tâm trạng đó của Aure- liano được Gerineldo Márquez nhận định: “Anh đang mục ruỗng lúc còn đang sống” [1;242]. Còn đây là những phần tử “cách mạng cốt cán” xung quanh chàng: “Chàng tổ chức hội nghị lần thứ hai các tướng lĩnh khởi nghĩa chủ chốt. Chàng gặp mặt tất cả: các nhà ảo tưởng có, những kẻ nặng hiềm thù cá nhân có, và ngay đến những tên đầu trộm đuôi cướp cũng có. Cũng còn có một quan chức bảo hoàng đã chạy trốn toà án vì biển thủ công quỹ. Rất nhiều người không biết gì, ngay cả vì sao mình chiến đấu họ cũng không biết nữa” [1;242]. Như thế, quân đội được mệnh danh “tự do” này thực chất là đội quân ô hợp, những kẻ nổi dậy không vì những mục tiêu lí tưởng cao cả mà chỉ để thoả mãn những lợi ích tính toán cá nhân. Cái lí tưởng cao cả là thứ họ chỉ trương ra mị dân. Thử hỏi một người giàu tâm huyết như đại tá Aureliano làm sao có thể chấp nhận luận điểm của những kẻ mang danh cố vấn chính trị cho chàng: “Đầu tiên họ đề nghị từ bỏ việc kiểm tra văn tự ruộng đất để lấy lại sự ủng hộ của cánh địa chủ tự do. Sau đó họ đề nghị từ bỏ cuộc đấu tranh chống ảnh hưởng của giáo hội để tranh thủ sự đồng tình của giáo dân. Cuối cùng họ đề nghị từ bỏ lí tưởng bình đẳng quyền lợi giữa con hoang và con đích để bảo vệ tôn ti trật tự trong gia đình. “– Nghĩa là, – đại tá Aureliano Buendía mỉm cười khi các sứ giả ngừng đọc, – chúng ta đang chiến đấu chỉ để giành chính quyền thôi” [1;245]. Ở đây có hai mục đích chiến đấu: vì dân và vì quyền lợi của cá nhân. Đa số những người trong đảng khước từ lí tưởng vì quyền lợi của dân chúng lao khổ mà chỉ vì bản thân họ. Đang trên đà băng hoại nhân tính và ngao ngán tất thảy, Aureliano chấp nhận những luận điệu mang tính cải cách đó bằng một trạng thái tâm lí chán chường “gặp thời thế thế thời phải thế”. Nhưng những người thân cận chàng, đặc biệt là đại tá Gerineldo Márquez, cực lực phản đối. Gerineldo Márquez xem việc 9
- Lê Huy Bắc chấp thuận đó có nghĩa là “một sự phản bội”. Lời khuyên của Gerineldo Márquez được xem như là sự xúc phạm, tính kiêu ngạo của Aureliano được dịp trỗi đậy, chàng quyết định xử bắn Gerineldo Márquez. Nhưng Úrsula đã kịp thời ngăn cản bằng thái độ quyết liệt vốn có của bà: “Ta biết mày sẽ bắn thằng Gerineldo, – cụ dõng dạc nói, – và ta không thể làm gì ngăn chặn vụ hành hình này. Nhưng ta nói cho mày biết ngay sau khi thấy tử thi nó ta thề trước hài cốt của cha mẹ ta, trước vong linh của José Arcadio Buendía, ta thề trước Thượng đế rằng dù mày trốn đi bất kì đâu tao cũng lôi mày ra và tao sẽ tự tay giết mày” [1;247]. Chỉ có tình cảm người mẹ mới đánh thức được nhân tính trong tâm hồn chai sạn của người con vốn bị chiến tranh và những toan tính bỉ ổi của những người cùng đảng gây ra. Aureliano tự tay thả Gerineldo Márquez và quyết định từ bỏ cuộc chiến mình đang theo đuổi, theo cách nói của chính chàng là “kết thúc cuộc chiến bẩn thỉu này”. Hành động đó của Aureliano là hành động tự tìm lại chính bản thân mình. Tác giả đã dùng cả một trường đoạn phân tích tâm lí phức tạp này của nhân vật: “Ngay lúc nói chàng vẫn chưa hình dung nổi rằng khởi sự một cuộc chiến bao giờ cũng dễ dàng hơn nhiều so với việc kết thúc nó. Chàng cần tới một năm chiến đấu đẫm máu để buộc chính phủ phải đưa ra những đề nghị hoà bình có lợi cho quân khởi nghĩa và một năm nữa để thuyết phục phe cánh mình nhất trí chấp nhận những điều kiện đó. Chàng đã bước tới những thái cực không muốn của tội ác để dìm tắt các cuộc khởi nghĩa của chính các sĩ quan dưới quyền mình, những người vẫn ngoan cường chiến đấu chống lại sự bán rẻ thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, để rồi kết thúc bằng việc chính chàng giúp đỡ cho các lực lượng địch hoàn toàn thống trị họ” [1;249]. Từ lúc “ngộ” ra “chân lí” quái gở đó, Aureliano cảm thấy một chân trời mới đang mở ra. Đấy chính là chân lí của cuộc đời. Chân lí của cảm thức hậu hiện đại: “Chưa bao giờ chàng là chiến binh dũng mãnh như lúc ấy. Sự nhận thức sáng rõ rằng cuối cùng mình chiến đấu vì chính sự giải phóng mình chứ không phải vì những tư tưởng trừu tượng, vì những khẩu hiệu do các chính khách phất phải hoặc phất trái tuỳ theo từng hoàn cảnh cụ thể, đã truyền cho chàng một nhiệt tình phấn khích mới” [1;249]. Có sự đối lập trong suy nghĩ này giữa một bên là cái tôi hiện sinh của con người với một bên là những toan tính khôi hài của các chính khách. Là một người lính chân chính, đại tá Aureliano chiến đấu cho lí tưởng của đảng mình tôn thờ. Nhưng những kẻ nhân danh đảng thì luôn muốn lái cuộc chiến và mục tiêu cao cả của nó theo hướng có lợi cho chúng. Đại tá Aureliano giã từ cuộc chiến đó đồng nghĩa với việc giã từ tham vọng của những chính khách lưu manh. Hành động này có giá trị. Song mặt trái của nó chính là việc từ bỏ cuộc chiến ấy sẽ lập tức đẩy phần bất lợi về cho bản thân đại tá Aureliano và những người một lòng một dạ trung thành với lí tưởng cách mạng. Đại tá Aureliano rất day dứt về điều này. Nhưng để 10
- Mã kép trong hình tượng Aureliano của Gabriel Garcia Marquez giải phóng mình ra khỏi những cạm bẫy mà người đời luôn đặt để bắt bản thân ngài phải sống khác đi chính là hành động “khởi nghĩa” thực sự có giá trị nhân văn lớn lao. Những giá trị cộng đồng, đại tá Aureliano nhận thức được rằng thì luôn bị những kẻ khốn kiếp lợi dụng một cách bỉ ổi. Cách tốt nhất là không để cho bọn chúng lợi dụng nữa. Ngài quyết định chọn cái chết. Con đường đi đến quyền lực của đại tá Aureliano không hề bằng phẳng mà trải qua biết bao thăng trầm với nhiều phen cái chết cận kề. Một lần chàng bị đầu độc bằng một li cà phê không đường với một lượng “mã tiền đủ giết chết một con ngựa đực” nhưng may mắn đã mỉm cười với chàng. Sự phục hồi ấy giúp chàng nhận ra sự phi lí của quyền lực và của những cuộc chiến cũng như vinh quang và quyền lực. Trong tâm hồn thi sĩ của chàng, cảm giác hư vô được đánh thức bủa vây khắp nơi: “Đêm nọ, chàng hỏi đại tá Gerineldo Márquez: – Hãy nói với tôi vì sao bạn chiến đấu? – Sao anh lại hỏi tôi thế nhỉ, – đại tá Gerineldo Márquez trả lời. – Vì đảng tự do vĩ đại. – Anh thật hạnh phúc vì biết mục tiêu chiến đấu của mình, – chàng trả lời. – Còn về phần mình, cho đến bây giờ hầu như tôi mới biết rằng mình chiến đấu vì lòng kiêu hãnh. – Thế thì tồi quá, – đại tá Gerineldo Márquez trả lời. Sự cảnh cáo của đại tá Gerineldo Márquez khiến đại tá Aureliano Buendía vui thích. – Dĩ nhiên rồi, – chàng nói. – Nhưng trong mọi trường hợp, tốt hơn hết là chẳng nên biết vì sao mình chiến đấu. – Chàng nhìn vào mắt bạn mỉm cười và nói rõ hơn. – Hoặc là như anh đã chiến đấu vì một cái gì đó chẳng có ý nghĩa gì với ai cả” [1;204]. Trong mắt của không ít người mù quáng theo lí tưởng đã bị trục lợi, Aureliano là hiện thân của một kẻ cướp. Không ai giúp chàng chứng minh sự cao cả cho các hành động của chàng khi chàng khước từ mệnh lệnh thoả hiệp của các chính khách cao cấp trong đảng. Tự chàng phải đi mà giải quyết lấy. Thực tế, không phải Aureliano chiến đấu vì “lòng kiêu hãnh” như chính chàng tự nhận. Chàng biết mình chiến đấu vì lẽ gì, nhưng những toan tính của những người trong đảng và cả ngoài đảng đã khiến chàng ghê tởm. Chàng nhận thức rất rõ những toan tính của bọn họ và cả sự nhân danh lí tưởng cao cả của bọn họ để trục lợi, biện minh cho những hành động thấp hèn. Nhưng không phải Aureliano không tham quyền lực. Ở con người vị đại tá này là cả một khối phức cảm lớn. Một mặt chàng nhận ra sự vô bổ của những cuộc nổi dậy, của cái gọi là cách mạng, song mặt khác chàng lại muốn trở thành người hùng duy nhất của đảng, nắm trong tay quyền lực tối cao. Ban đầu là nhờ số phận run rủi. Sau khi được anh trai cứu thoát và những người tử hình chàng mê tín đi theo 11
- Lê Huy Bắc chàng hòng tìm cách giải cứu vị thủ lĩnh quân cách mạng lúc đó là tướng Victorio Medina, nhưng vị tướng này đã bị quân chính phủ tử hình. “Những người dưới quyền đại tá Aureliano Buendía liền suy tôn chàng là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng miền duyên hải Caribbe với quân hàm cấp tướng. Chàng nhận chức nhưng từ chối quân hàm và tự đặt cho mình một điều kiện là chưa nhận quân hàm chừng nào quân đội của mình chưa đánh đổ được chế độ bảo hoàng” [1;195]. Tại thời điểm này Aureliano là hiện thân của lí tưởng cách mạng. Mục tiêu hành động của chàng được xác định rõ ràng. Chàng biết vì ai mà mình chiến đấu. Nhưng dần dà, những cuộc truy sát được dành cho chàng mà nếu không nhờ khả năng tiên tri và may mắn ngẫu nhiên thì ắt hẳn chàng đã chết cả trăm lần. Cùng với gánh nặng của quyền lực dần dần chàng rơi vào con đường khát khao quyền lực như bất kì một ai có quyền lực. Nhưng chàng khác với những người khao khát quyền lực khác là, nếu dùng âm mưu bỉ ổi để có được quyền lực thì quyền lực đó sẽ luôn khiến chàng day dứt. Việc chàng để mặc cho thuộc hạ của mình thanh trừng vị tướng cùng đảng tự do Teófilo Vargas để một mình nắm quyền lực là minh chứng rõ nhất cho điều này. Có sự gắn kết khôi hài giữa những tướng lĩnh và những chính trị gia trong đảng tự do. Các tướng lĩnh, tiêu biểu là Aureliano muốn làm một cuộc cách mạng triệt để, trong khi đó, cánh chính trị gia thì lợi dụng vào những thắng lợi quân sự của phe mình để thoả hiệp với chính phủ, tìm cho mình một chỗ đứng trong bộ máy thống trị, một chân bộ trưởng bộ nào đó hoặc là mấy ghế ở nghị viện... Aureliano cực lực phản đối điều này. Trong lúc các nhà chính trị và những tướng lĩnh thoả hiệp đưa ra lệnh ngừng bắn, Aureliano cùng nhóm các sĩ quan thân cận đã lặng lẽ rời bỏ quân ngũ, phát động cuộc khởi nghĩa mới. Mục đích của chàng là thực hiện cho bằng được lí tưởng mình theo đuổi. Hành động đó của chàng không chỉ khiến người dân ủng hộ mà các tướng lĩnh bảo hoàng cũng ngả mũ kính phục. Aureliano hành động không vì riêng một quốc gia nào, hành động của chàng mang tính cách mạng liên quốc gia, của cả khu vực Caribbe. Người ta biết rằng lúc ấy Aureliano tôn thờ tư tưởng: “về sự thống nhất các lực lượng liên bang vùng trung Mỹ để quét sạch các chế độ bảo hoàng từ Alasca đến Patagonia” [1;216]. Thế nhưng, khi đã mỏi mệt vì chiến tranh mà mục tiêu phấn đấu ngày một xa vời, bởi trong đảng có quá nhiều kẻ cơ hội khốn kiếp muốn có được cuộc sống bình yên và cao vọng cho bản thân đã tìm cách thoả hiệp và tệ hơn là bắt người khác cũng thoả hiệp như mình, đại tá Aureliano buông xuôi tất cả. Việc kí hoà ước Neerlandia với chính phủ của đại tá Aureliano được xem là sự phản bội trong mắt của những người tự do chân chính. Trái lại, trong mắt của tổng thống, đại tá Aureliano là một công dân mẫu mực, là một vĩ nhân của dân tộc, đáng tôn thờ. “Mã kép” trong đại tá Aureliano vẫn tiếp tục đối thoại, một sự 12
- Mã kép trong hình tượng Aureliano của Gabriel Garcia Marquez đối thoại bi đát, thấm đẫm mỉa mai, hài hước. Không chấp nhận sự tôn vinh của phe bảo hoàng và cũng không chấp nhận sự đầu hàng được trá hình qua hoà ước đó, đại tá Aureliano qua sự cảm nhận những sức ép từ phía bên ngoài, đúng hơn là áp lực từ con người chân chính trong chính bản thân mình đã quyết định tự sát. Đọc được suy nghĩ ấy của đại tá, viên bác sĩ khôn ngoan đã lừa đại tá vị trí quả tim. Rốt cuộc viên đạn đại tá Aureliano muốn bắn xuyên qua tim mình không hề hấn gì đến tính mạng. Đại tá Aureliano xem đấy là một mối nhục và rất căm hận viên bác sĩ. Nhưng chính hành động tự sát này một lần nữa nâng cao uy tín của đại tá. Người ta xem ngài là người “tử vì đạo” và không ngớt lời ngợi ca ngài. Anh hùng và tội đồ, vĩ nhân và mạt hạng,... có khó thể chia tách rạch ròi ở đây. Cuộc sống thời bình của đại tá Aureliano là cả một tấn bi hài kịch. Ngài quay lại với việc sản xuất những con cá vàng để kiếm sống. Với ngài, thời gian như quay vòng. Vầng hào quang chiến tranh ngỡ như là giấc mộng, nhưng nó vẫn đủ sức mạnh ám ảnh khôn nguôi. Những con cá ngài làm ra đó được những người hâm mộ cố săn lùng như một kỉ vật về một vị tổng tư lệnh tài ba một thuở. Một lần nữa nhận thấy sự sùng bái mù quáng ấy, và không muốn để ai lợi dụng mình để đánh bóng tên tuổi, đại tá Aureliano tỉ mẩn làm những con cá theo một chu trình bất diệt của hư vô, của sự sống bình dị, vô cầu bất cứ điều gì trên đời, là để nấu nó lại thành thỏi dùng làm nguyên liệu cho ngày lao động hôm sau. Ý nghĩa sống của đại tá Aureliano, mỉa mai thay, được xác định nằm ngay trong chính hành động lao động vô bổ đó. Sự quá quắt của giới cầm quyền tiếp tục gây sự phẫn nộ ở đại tá. Nhiều lần ngài bày tỏ sự chống đối quyết liệt. Nhưng điều đó càng cho thấy thêm sự bất lực ở ngài. Ngài đã bị giam lỏng trong vầng hào quang mà chính phủ đã vẽ lên cho ngài. Ngài không còn khả năng phát động chiến tranh. Ngài chỉ có thể quát tháo và hăm dọa. Và chính sự hăm dọa đó lại gây tai hoạ cho ngài. Các con đại tá Aureliano lần lượt bị sát hại khi ngài bực bội chính phủ đòi trang bị cho họ đứng lên làm cách mạng. Rất nhiều lần, sau khi giã từ binh nghiệp và chịu nhiều vụ chơi khăm của chính phủ, đại tá Aureliano tỏ ra phẫn uất và tiếc vì không theo đuổi cuộc chiến đến cùng: “Chúi đầu trong xưởng, đại tá Aureliano Buendía nghĩ ngợi về những đổi thay đó và lần đầu tiên trong những năm cô đơn thầm lặng của mình ngài trằn trọc mãi với điều khẳng định dứt khoát rằng không tiếp tục cuộc chiến tranh tới cùng là một sai lầm” [1;336]. Dường như mọi thứ đều chống lại ngài khi ngài không còn quyền lực. Ngài càng phản đối người ta càng giám sát ngài chặt hơn. Đặc biệt vào dịp ngài thượng thọ. Tổng thống nước cộng hoà muốn đem vinh quang đến cho ngài với tư cách là một yếu nhân của lịch sử bằng cách sẽ “đích thân tham gia các hoạt động quần chúng ở Macondo để gắn huân chương Công huân cho đại tá” [1;307]. Phản ứng của đại tá là nhờ người chuyển lại chính xác từng từ cho Tổng thống rằng “mình thật 13
- Lê Huy Bắc lòng khao khát đợi cái dịp tuy muôn mằn nhưng rất quý này để cho ngài Tổng thống một phát súng không phải để ngài chuộc tội vì những bất công và không hợp thời của chế độ mà để ngài chuộc lấy cái tội dám hỗn xược với một cụ già vốn không làm hại ai cả” [1;307]. Trước những lời lẽ đó, đương nhiên vị Tổng thống kia không dám bén mảng đến. Bề ngoài như một ngẫu nhiên nhưng thực chất là có sự tính toán nhằm biêu riếu thanh danh đại tá, lễ thượng thọ được tổ chức dành cho ngài rất long trọng diễn ra cùng lúc với lễ hội carnival. Lời tuyên dương công trạng đại tá Aureliano được đọc oang oang chen trong tiếng la hét, cười đùa náo nhiệt của lễ hội. Thật khôi hài hết chỗ nói. Đương nhiên đại tá Aureliano đủ sáng suốt để khước từ sự vinh danh ấy. Kể từ khi rút lui khỏi chính trường, đại tá Aureliano sống cuộc đời tự do như vốn có của mình. Không một ai trong gia đình có thể thuyết phục hoặc bắt buộc ngài sống theo lề lối nào. Tinh thần tự do trong ngài là bất diệt, bất chấp sự thất bại trên chính trường của ngài. Sinh ra ngang tàng, khí khái, đại tá Aureliano cũng được tác giả chọn cho một tư thế chết cũng rất đỗi vinh quang, nhưng thấm đẫm sự khôi hài và bi đát: cái chết trong tư thế đứng lúc đang đi đái. Cái nhìn giải thiêng và cũng rất đỗi nhân văn của Marquez được gửi trọn trong tư thế chết này. Cái chết đó diễn ra ngay sau thời điểm đại tá Aureliano vừa xem một đoàn xiếc diễu qua. Hình ảnh đoàn xiếc này ẩn dụ cho đoàn xiếc cuộc đời. Trong mắt một người từng trải và về cuối đời miệt mài làm những con cá vàng chỉ để giết thời gian như đại tá Aureliano thì cuộc đời có khác gì một trò diễn do gánh xiếc đảm nhận. Những kẻ giỏi nhào lộn sẽ là nghệ sĩ tài ba của những trò hề rẻ tiền. Kí ức cuối cùng của ngài ghi nhận: “một người đàn bà mặc quần áo màu vàng cưỡi trên bành một con voi. Ngài nhìn thấy một chú lạc đà một bướu buồn bã. Ngài nhìn thấy một chú gấu cầm chiếc muôi gõ vào một cái xoong theo nhịp phách của âm nhạc. Ngài nhìn thấy những anh hề đang làm xiếc leo dây đi sau cùng” [1;372]. Đoàn xiếc đi qua, đại tá Aureliano là hình ảnh trơ trọi khủng khiếp trên cõi đời, nỗi cô đơn của sự chết: “Một lần nữa người ta lại nhìn thấy trên gương mặt ngài nỗi cô đơn đáng thương của ngài khi đoàn xiếc đã đi qua và trên đường cái chỉ còn lại khoảng không rực sáng” [1;372]. Đại tá Aureliano kết thúc cuộc đời oanh liệt của mình như một con người bình thường đúng nghĩa. Tư chất người lao động lành nghề, chiến binh can trường, nhà thơ lãng mạn, vị thủ lĩnh mộng mơ, thợ thủ công bất đắc dĩ, bi đát lúc tuổi già,... được kết tinh độc đáo trong tư thế đứng chết rất đỗi nhân văn này. 14
- Mã kép trong hình tượng Aureliano của Gabriel Garcia Marquez 3. Kết luận Việc sử dụng “mã kép” điêu luyện đã giúp Marquez xây dựng thành công hình tượng nhân vật đại tá Aureliano bất hủ. Con người này mang trong mình gần hết mọi dư âm của thời đại, những biến cố lớn lao của người dân Colombia, những điều đạt được và cả những gì chưa thể đạt được, nhưng trên hết dấy là một tâm hồn nhân văn vô hạn độ, người biết sống cho lí tưởng cao đẹp của cuộc đời. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Gabriel García Marquez, 1986. Trăm năm cô đơn. Nguyễn Trung Đức dịch, Nxb Văn học, Hà Nội. [2] Linda Hutcheon, 1989. The Politics of Postmodernism. Routledge, London and New York. [3] Ihab Hassan, 1998. Toward a Concept of Postmodernism, in Postmodern American Fiction. A Norton Anthology, New York, W. W. Norton & Co., . ABSTRACT Double code in the image of Aureliano by Gabriel Garcia Marquez Double code is one of the basic concepts of Postmodernism. The term was made first by the United States architecture critic Charles Jencks (1939 -). He said the post-modern architecture should be included with double code. It is the mix of many styles, such as scholastic, public, old and new, modern and classical... Colonel Aureliano focuses most “double code” in One Hundred Years of Soli- tude by Gabriel Garcia Marquez. Aureliano occupies a very important position in the plot. It can be said, almost two-thirds of the novel is used to tell stories about him, a man who is sad and lonely since arriving in the womb, talented in prophecy, wisdom, patience and romance... These are the qualities of a genius, a great virtue of the times. However, Colonel Aureliano is the crystallization of all that threw the victim of fate. He embodies the height of his power, but also a very normal per- son who combines the bitterness and the glory in random just like the experience of many people who lived in the world. In Colonel Aureliano there always appears two kinds of people: an important historical figure and a person from ordinary life. Two types of people exist in the trend of the dialogue and implicitly mocking irony together. 15
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn