YOMEDIA
ADSENSE
Mimosa pigra L một lòai cỏ nguy hiểm xâm lấn đến hệ sinh thái nông nghiệp tại Việt Nam
401
lượt xem 71
download
lượt xem 71
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Mimosa pigra (mai dương) đã được báo cáo xuất hiện lần đầu tiên tại huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An, Việt Nam vào năm 1979. Kể từ đó, nó tiếp tục sinh sản, phát tán và lan truyền đến nhiều vùng khác nhau trong cả nước.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Mimosa pigra L một lòai cỏ nguy hiểm xâm lấn đến hệ sinh thái nông nghiệp tại Việt Nam
- Mimosa pigra L. –một lòai cỏ nguy hiểm xâm lấn đến hệ sinh thái nông nghiệp tại Việt Nam Dương Văn Chín Viện lúa đồng bằng sông Cửu long Cờ Đỏ- Cần Thơ- Việt Nam TÓM TẮT Mimosa pigra (mai dương) đã được báo cáo xuất hiện lần đầu tiên tại huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An, Việt Nam vào năm 1979. Kể từ đó, nó tiếp tục sinh sản, phát tán và lan truyền đến nhiều vùng khác nhau trong cả nước. Mimosa pigara là một kẻ xâm lấn hung hãn ở những nơi mà con người mất cảnh giác như ven lề đường, các con đê, bờ ruộng, kênh mương dẫn thóat thủy và đất hoang hoá. Chúng xâm lấn mạnh mẽ dọc theo bờ sông, chung quanh các hồ đập trữ nước, khu bảo tồn hoặc vườn quốc gia ngập nước. Trong một số trường hợp, loài cỏ nguy hiểm này được báo cáo là đã xâm lấn đất nông nghiệp. Có rất nhiều nổ lực được tiến hành để kiểm soát Mimosa pigra nhưng cho đến nay hiệu quả còn rất hạn chế. Sự nổ lực mạnh mẽ để chặn đứng sự xâm lấn của loài cỏ nguy hiểm này là cần thiết trong tương lai. Từ khóa: Mimosa pigra, invasive weed, wet land, Tram Chim National Park. I) ĐẶT VẤN ĐỀ Việt Nam thuộc vùng Đông Nam Á. Nước ta có biên giới chung với Trung quốc ở phía Bắc, Lào và Cambodia ở phía Tây. Phía Đông và Nam là Thái Bình Dương. Khí hậu thống trị bởi hai mùa, mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 và mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 5. Mùa đông ở miền Bắc lạnh trong khi ở miền Nam thì ấm quanh năm. Vĩ độ và độ cao địa hình ảnh hưởng đến qui luật khí hậu từng vùng. Diện tích lãnh thổ Việt nam là 320.000 km2 và bờ biển dài 3.260 km. Ba phần tư lãnh thổ là đồi nuí có độ cao biến thiên từ 100 đến 3.400 m, trong khi hai vùng bằng phẳng bao gồm lưu vực sông Hồng ở miền Bắc và lưu vực sông Cửu long ở miền Nam. Vùng đất thấp rất phì nhiêu và mật độ dân số cao và phần lớn các họat động nông nghiệp và công nghiệp được tập trung tại đây. Việt Nam có kiểu khí hậu nhiệt đới gío mùa, mặc dù có những sự biến động thời tiết theo vùng do đất nước quá dài và cao trình biến động lớn. Nhiệt độ trung bình hàng năm biến thiên từ 18oC đến 29 oC, trong khi nhiệt độ trung bình của những tháng lạnh nhất vùng miền nuí phía Bắc biến thiên từ 13 đến 20 oC trong khi ở vùng nhiệt đới phía Nam là từ 20 đến 28oC. Tại phần lớn các vùng đất của nước ta, vũ lượng trung bình hàng năm biến thiên từ 1.400 mm đến 2.400 mm, nhưng cũng có thể cao đến 5.000 mm hoặc thấp xuống 600mm ở một số vùng. Vũ lượng phân phối không đồng đều trong năm, với khoảng 80-90% tập trung trong mùa mưa, gây ra lụt lội và thường kèm theo lỡ đất. Tổng số ngày có mưa trong năm cũng biến động giữa vùng này và vùng khác và biến thiên vào khoảng 60 đến 200 ngày (Chaudhry và Ruysschaert, 2008) Việt Nam có một hệ thống sông ngòi dày đặc với 9 lưu vực lớn bao gồm: Hồng- Thái Bình (92.246 km trong phần lãnh thổ của Việt Nam), Cửu Long (70.520 km2), Đồng Nai (36.261 km2), Đà (25.500 km2), 2 Cả (21.230 km2), Mã-Chu (17.600 km2), Ba(13.800 km2), Kỳ Cùng- Bằng Giang (11.200 km2), Thu Bồn (10,350 km2) và những lưu vực nhỏ khác. Khởi nguyên từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc, sông Mê Kong có chiều dài 4.800 km và chảy qua 6 quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam trước khi chảy ra Thái Bình Dương. Tổng cộng lưu vực là 795.000 km2. Hồ lớn Tonle Sap ở Cambodia là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Hồ trữ nước vào mùa mưa và phóng thích dần dần xuống hạ nguồn vào mùa nắng. Sự xâm nhiễm Mimosa pigra chung quanh biển Hồ, vùng đầm lầy dọc sông Mê Kong và vùng đồng bằng ngập lụt của nó là rất nghiêm trọng (Chin Samouth, 2002). Hạt của mai dương di chuyển theo nước sông xuống vùng hạ nguồn ở Việt nam
- Trong khỏang thời gian từ 17.000 đến 7.000 năm trước công nguyên, mực nước biển dâng cao 9mm mỗi năm và tổng cộng là 90 m. Một số cộng đồng xã hội bị ảnh hưởng trong đó có vùng Đông Nam Á, nơi mà có khoảng 50% diện tích đất đai bị ngập chìm (Đáp, 1999). Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới chịu ảnh hưởng tệ hại bởi hiện tượng trái đất ấm dần gây nước biển dâng cao. Ở viễn cảnh nước biển dâng cao thêm 1 m, sẽ có 40.000 km2 đất đai sẽ bị ngập chìm trong nước chủ yếu là ở đồng bằng sông Cửu long. Hơn mười ngàn năm trước, vùng đất này đã bị ngập chìm. Trong tương lai, một phần lãnh thổ Việt nam với hệ thống sông ngòi dày đặc sẽ lại ngập chìm trong nước do biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này sẽ hình thành ra những vùng đất ngập nước rộng lớn phù hợp cho sự sinh trưởng và lây lan của loài cỏ rất nguy hiểm – Mimosa pigra. II) SINH HỌC CỦA CÂY Mimosa pigra 1) Mô tả Khi trưởng thành, Mimosa pigra là cây thẳng đứng, dạng bụi có nhiều nhánh, chiều cao khoảng 3-6 m. Thân màu xanh lúc còn nhỏ và dần trở nên thân gỗ với độ dài đến 3 m và phân bố ngẫu nhiên. Lá màu xanh sáng, lá kép dài 20-25cm, gồm 15 cặp lá đơn mọc đối, dài khỏang 5 cm, với phiến lá không cuống, dạng thon hẹp, lá xếp lại khi bị va chạm hoặc vào ban đêm. Hoa nhỏ màu tím hoặc hồng, dạng tia và chụm lại từng nhóm thành một đầu tròn có đường kính 1- 2cm. Phát hoa mọc trên một trục dài 2- 3 cm với hai trong mỗi nách lá, trong khi đó vành có 4 cánh với 8 bao phấn màu hồng. Trái có lông rất dày đặc, có từ 20- 25 hạt, trái mọc thành từng chùm trên nách lá, trái dài 6,5-7,5 cm, và rộng từ 0,7-1cm. Trái chuyển sang màu nâu khi chín, gảy ra thành từng phần nhỏ mang 1 hạt. Hạt có màu nâu hoặc xanh ô liu, dẹp, bầu tròn, dài 4- 6mm và rộng 2 mm (Walden et al., 1999). 2) Chu kỳ sống và tiềm năng xâm lấn Hạt được hình thành trong từng ngăn riêng rẽ của trái và gảy ra từng phần nhỏ khi già. Trong những điều kiện tối hảo, hàng năm mỗi cây có thể tạo ra 220.000 hạt. Kết quả nghiên cứu tại đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) cho thấy, trên tầng đất mặt có khỏang 100 hạt/1 m2. Trái lại, trung bình có 12.000 hạt/m2 đã được báo cáo ở vùng bị xâm nhiễm nặng ở miền bắc nước Úc (Lonsdale, 1992). Cây trưởng thành rất nhanh và có thể tạo hạt ngay trong năm đầu tiên. Hoa có thể trỗ bắt đầu từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8 sau khi hạt nảy mầm. Hoa thụ phấn nhờ côn trùng và có thể nhờ gió. Thực vật này được cho rằng tự hòa hợp Hoa phát triển trong vòng 7 đến 10 ngày và trái hình thành trong vòng 25 ngày. Mimosa pigra ra hoa và tạo trái quanh năm ở ĐBSCL nhưng trái được tạo nhiều nhất trong mùa nắng (tháng 12- tháng 5). Hạt cực kỳ cứng và có thể duy trì miên trạng trong vòng 15 năm tùy thuộc vào môi trường. Thí dụ, phân nửa quần thể hạt sẽ không còn duy trì sự sống sau 99 tuần chôn ở độ sâu 10 cm trên lọai đất sét nhẹ, trong khi đó tỷ lệ giảm sự sống tương tự chỉ xảy ra trong vòng 9 tuần trên đất sét nặng dễ nứt nẻ. Trên đất cát hạt có thể duy trì sự sống lâu hơn. Miên trạng của hạt có thể bị phá vỡ do sự nỡ ra và sự nén chặt lớp vỏ cứng bởi sự thay đổi nhiệt độ từ 25- 70 oC. Thông thường hạt chôn sâu hơn 10 cm khó nảy mầm thành công trừ khi mang chúng lên mặt đất (Walden et al., 1999) 3) Phương thức xâm nhiễm đến địa điểm mới và phương thức phát tán địa phương Cây Mimosa pigra có nguồn gốc từ Trung Mỹ và có thể đã xâm nhập vào lãnh thổ phía Bắc nước Úc trước những năm 1890’s thông qua Vườn thực vật Darwin (Lonsdale et al., 1995). Nó tiếp tục là một lòai cỏ dại địa phương trong vòng hơn 100 năm và chỉ tập trung quanh khu vực Darwin. Tuy nhiên hạt mai dương rõ ràng đã phát tán và đã tìm thấy trên thượng nguồn dọc theo sông Adelaide và khi nó đến được vùng nhiệt đới khô-ẩm ở phía Bắc Darwin, chúng gia tăng mật số đột ngột với sự giúp đỡ của lòai trâu nước hoang dã (Lansdale, 1993 ; Lonsdale et al., 1995). Mai dương tiếp tục lan rộng ở những năm kế tiếp, đặc biệt trong những năm 1970’s và vào năm 1989, chúng đã bao phủ 800 km2 vùng đất ẩm ướt ở vùng giáp ven biển của lãnh thổ phương Bắc. Sự xâm nhiểm tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm, tính trung bình trong vòng 6
- năm. Vào năm 1981, phần lớn vùng đồng bằng ngập lụt của sông Adelaide đã bị bao phủ gần như chỉ một lòai thực vật (Lansdale, 1993 ; Lonsdale et al., 1995). Mai dương thích môi trường nhiệt đới luân phiên giữa ướt và khô, đất trãng, vùng đất ẩm như đồng bằng ngập lụt, đồng bằng ven biển và ven bờ sông. Thí dụ như ở ĐBSCL của Việt Nam, nơi mà nó là lòai cỏ dại nghiêm trọng khi vũ lượng hàng năm đến 2.200 mm. Nó không là vấn đề ở những vùng có vũ lượng dưới 75 mm và trên 2.250 mm/năm. Ở cả hai quốc gia Úc và Việt nam, nó thích xâm lấn vùng đồng cỏ ngập lụt theo mùa. Dường như chúng thích thành lập hội đòan và hiển nhiên trở thành vấn đề rắc rối ở những vùng đất có xáo trộn. Điều này là do khả năng của hạt mai dương xác lập nhanh chóng trên đất trãng trống, ít bị cạnh tranh bởi những cây con của những lòai thực vật khác. Nó rất phổ biến dọc theo bờ của các đập nước, kênh mương, bờ sông, những hố trũng dọc đường lộ, đất nông nghiệp và những đầm lầy chăn thả súc vật thái quá. Ở Vịêt nam, điển hình nó được tìm thấy dọc theo bờ của những kênh mương hồ đập tự nhiên hoặc nhân tạo và dọc đường lộ. Hạt đi qua hệ thống tiêu hóa của súc vật mà không bị tổn thương dẫn đến kết quả là lây lan càng nhanh chóng. Đọan gảy của trái có mang rất nhiều lông cứng giúp chúng có thể dính chặt vào lông súc vật hoặc quần áo. Con người lan truyền hạt qua xe cộ, máy nông nghiệp, vải vóc bao bì. Hạt phát tán qua đất và bùn. Thí dụ, hạt Mimosa pigra có thể được mang đến Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Việt Nam, thông qua những khối lượng cát xây dựng có lẫn tạp hạt mai dương. Trái có thể nổi và có thể phát tán thông qua lũ lụt và dòng chảy của nước trong kênh mương. Dòng nước chảy mạnh có thể là phương tiện quan trọng nhất lan truyền cây mai dương ở ĐBSCL. Dòng nước khích lệ sự lây lan Mimosa pigra tại nước Úc cũng đã được ghi nhận. Những trận lũ lụt lớn kết hợp với việc khai thác chăn thả thái quá đồng cỏ đã khích lệ sự lan truyền của Mimosa pigra ở vùng đồng bằng ngập lũ nước Úc vào những năm 1970’s (Walden et al., 1999). 4) Hiện trạng Mimosa pigra tại Việt nam Nguồn gốc của Mimosa pigra là Trung Mỹ. Nó được mang đến châu Á vào cuối thế kỷ thứ 19. Ở giai đọan đầu chúng xâm nhiễm từ từ và nó được ghi nhận hiện diện lần đầu tiên vào năm 1979 tại huyện Một Hóa, tỉnh Long An, vùng ĐBSCL của Việt Nam (Triet et al., 2004). Hiện nay lòai cỏ dại này đã lây lan ra nhiều địa điểm khắp cả nước. Gần đây, Mimosa pigra được đánh giá là một lòai cỏ dại nguy hiểm ở ĐBSCL của Việt Nam. Mặc dù mai dương mới được du nhập vào Việt nam từ những năm 1970 ‘s, nó tiếp tục lan truyền ra dọc đường lộ, vùng đất hoang hóa trên cao ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Một cuộc điều tra của Viện Bảo vệ Thực vật Quốc gia tại 1.169 xã thuộc 89 huyện của 8 tỉnh vùng ven biển miền Trung và Tây nguyên đã kết luận rằng có 31,3 % số huyện và 18,1% số xã có sự hiện diện của mai dương và tổng diện tích bị xâm nhiễm là 680 ha. Chúng tập trung chủ yếu dọc đường lộ của tỉnh Quảng Nam và trên vùng cao của tỉnh Gia Lai (Cam et al., 1997). Thực trạng tương tự được quan sát ở những tỉnh phía Bắc, nơi mà mai dương tình cờ được ghi nhận tại một ít địa phương. Quan sát cho thấy chúng tập trung chung quanh các hồ như Đồng Mô, Núi Cốc, Ba Bể, Thác Bà, Đại Nải và những nơi khác. Gần đây, mai dương được báo cáo đã xâm nhiễm trên diện rộng ở vùng đất cao bỏ hóa thuộc tỉnh Quảng Bình. Loai này rất phổ biến những chỗ đất công như: các khu vực bảo vệ, dọc đường, bờ sông, nhưng chúng xâm nhiễm rất chậm trên đất tư nhân. Điều này có thể là do những người có quyền sử dụng đất đã cảnh giác chăm sóc mãnh đất của họ. Nó đã trở thành lòai cỏ dại nghiệm trọng tại vùng đất ngập nước thuộc Vườn Quốc gia Tràm chim, Vườn Cát Tiên, Yok Đôn, hồ Biển Lạc, hồ Trị An. Mặc dù lòai cỏ này xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước, nhưng những họat động nghiên cứu đã tập trung nhiều ở đồng bằng sông Cửu long và miền Đông Nam bộ so với những vùng khác. A) Đồng bằng sông Cửu long. Vườn Quốc gia Tràm chim (VQGTC) tọa lạc tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp trong vùng Đồng Tháp Mười. Vườn ở vĩ độ 10o 40’ -10o 47’ Bắc và kinh độ 105o 26’ 105o 36’ Đông. Trước năm 1980, Mimosa pigra được quan sát thấy mọc thành những đốm nhỏ ở huyện Tân Hồng và Hồng Ngự. Sau đó nó xâm lấn các huyện khác trong tỉnh Đồng Tháp như Thanh Bình, Tam Nông và cuối cùng xâm nhập VQGTC. Chúng xâm nhiễm Vườn rất nhanh. Năm 1984-1985, mai dương được ghi nhận hiện diện lần đầu tiên trong
- Vườn. Diện tích bị nhiễm tăng lên 150 ha năm 1999 và 490 ha năm 2000. Nó mở rộng ra 958 ha vào tháng 7 năm 2001 và 1.700 ha vào tháng 6 năm 2004, chiếm 22,7% tổng diện tích tòan Vườn. Như tên gọi, Tràm chim là nơi sinh sống của sếu đầu đỏ, biểu tượng của sức mạnh, sự trường thọ và lòng trung thành. Mai dương trước hết tấn công những vùng đất trống và đất bỏ hóa trong Vườn và sau đó xâm lấn tích cực đến những cánh đồng năn, vùng thực phẩm của sếu đầu đỏ. Sau đó diện tích xâm nhiễm gia tăng gấp đôi mỗi năm. Hạt cỏ bám dính dọc các bờ đê, thiết lập quần thể và xâm lấn đến những đồng cỏ dưới thấp ngập nứơc theo mùa. Nó cũng tồn tại dưới tán rừng tràm nhưng với mật độ thấp. Việc đào những kênh xuyên rừng tràm vào năm 2003 để chống cháy rừng trong mùa khô đã tạo điều kiện thuận lợi cho Mimosa pigra xâm nhiễm ra diện rộng. + Các địa điểm khác vùng đồng bằng sông Cửu long. Ở đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL), hàng ngàn ha mai dương đã xâm nhiễm tại An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An và những tỉnh khác. Nó cũng đe dọa xâm chiếm đất trồng trọt. Có một sự cảnh báo rằng không sớm thì muộn, mai dương sẽ xâm nhiễm đất trồng trọt, đặc biệt là ở các vùng đệm thuộc các vườn quốc gia, và những cánh đồng bằng phẳng ngập lụt trong vùng. Nó đã xâm chiếm một vùng rộng đất canh tác tại huyện Cát Lộc trong vùng đệm thuộc Vườn Quốc gia Nam Cát tiên. Mai dương có chiều hướng nguy hiểm hơn ở những vườn quốc gia ngập nước nơi có sự khiếm khuyết trong quản lý. Mimosa pigra xuất hiện bất cứ nơi nào trong tỉnh An Giang, đặc biệt với mật độ cao ở những mãnh đất hoang dọc theo sông rạch, kênh mương, hồ tự nhiên, đất rừng và xâm lấn đất canh tác như ruộng lúa, vườn tược... Mai dương sinh sản rất nhanh vì chúng trổ hoa bất cứ mùa nào trong năm (Tam, 2008). Dọc bờ kênh Vĩnh Tế từ thị xã Châu Đốc đến huyện Tịnh Biên và dọc bờ của những kênh nhỏ như Tha La, Trà Sư, Số 10, lòai cỏ này đã hình thành một quần thể dày đặc như rừng. Trước đây, những mãnh đất này là nơi sinh sống tự nhiên của Sesbania sp., lòai cây có rất nhiều hoa vàng được sử dụng bởi người dân địa phương như là rau sạch hoặc đem bán ngòai chợ gia tăng thu nhập. Thân Sesbania sp.được dùng làm củi đốt hàng ngày. Người nông dân cảm nhận bị mất mát khi mai dương xâm lấn. Lòai cỏ này rất khó đốn bởi vì chúng có rất nhiều gai nhọn và cứng có thể gây bị thương người định tiêu diệt chúng. Đất bỏ hóa mùa khô cũng bị xâm nhiễm. Vào mùa ngập lũ (tháng 9-11) nước mang nguồn hạt cỏ từ Cambodia về trải trên những cánh đồng vùng Châu Đốc và Tịnh Biên. Khi nước rút, Mimosa pigra nẩy mầm và mọc mầm trên tòan vùng (Tam, 2008). b) Miền Đông Nam bộ. Một cuộc điều tra về sự phân bố của Mimosa pigra ở lưu vực sông Đồng Nai- một trong những con sông lớn và có ý nghĩa kinh tế ở Việt nam – đã được tiến hành. Một bản đồ về các vùng đất bị mai dương xâm chiếm đã được thiết lập bao gồm sông Đồng Nai và và các nhánh của nó như sông Sài Gòn, sông Bé, sông La Ngà và những đập trữ nước lớn như Trị An, Dầu Tiếng. Sự xâm lấn của Mimosa pigra ở vùng đất ngập nước Vườn Quốc gia Cát tiên (VQGCT) – một vườn quốc gia lớn nhất ở lưu vực sông Đồng Nai – đã được đánh giá chi tiết. Nghiên cứu cũng đã kết luận rằng sư di chuyển cát được khai thác từ lòng sông Đồng Nai để san lấp mặt bằng phục vụ các công trình xây dựng là một phương thức quan trọng để lan truyền hạt mai dương. Phương thức này có thể mang hạt cỏ đi rất xa kể cả bên ngòai vùng lưu vực sông. Ở vùng nhiệt đới miền Nam Vịêt Nam, nơi mà lũ lụt xãy ra hàng năm, mai dương lây lan nhanh chóng và phát triển rất mạnh mẽ. Mật số rất dày ở vùng đất ngập ẩm ướt như dọc bờ sông, hồ và các vườn quốc gia. Dọc bờ sông La Ngà, mai dương đã xâm nhiễm khỏang 7.000 ha với mật số từ 2 đến 7 cây/m2. Mimosa pigra chiếm lĩnh hồ Trị An ở phía Nam tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, cỏ này đã xâm chiếm khỏang 2.000 ha ở vùng hồ. Vào mùa mưa mỗi năm, nước lũ đã mang hàng triệu hạt dọc dòng sông Đồng Nai và quần thể cây con tăng nhanh số lượng ở nhiều vùng đất khác nhau. c) Những vùng khác. Mai dương tấn công một số tỉnh và vùng đất trong cả nước như vùng ven biển ở Bình Thuận, vùng trung tâm tỉnh Quảng Trị. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, vùng đất thấp trong tỉnh bị xâm nhiễm nghiêm trọng. Nó chiếm 25 km dọc sông Đa Nhim và lấn sang 150 ha đất canh
- tác của nông dân gần đấy (Phuoc, 2008). Mai dương đe dọa thật sự đến người dân tại Kroong, Sa Bình, Ya Ly, Ia Chim, Sa Thầy, Dak Ha, thị xã Kon Tum thụôc tỉnh Dak Lak. Vùng đất ngập nước bên trong hồ Ya Ly đã bị xâm chiếm bởi mai dương. Tại Kroong, cỏ đã xâm nhiễm 60 ha trong số đó 50 ha đã không còn sử dụng được cho trồng trọt. Nó cũng xâm chiếm các vườn cây đa niên. Chúng cản trở sự di chuyển của nông dân, gia súc và thường làm họ bị thương (Sang, 2008). Ở miền Bắc Việt Nam, lòai cỏ này cũng đã xuất hiện tại Hà Tây, Nội Bài, Sóc Sơn (Hà Nội). III) ẢNH HƯỞNG CỦA Mimosa pigra 1) Ảnh hưởng sinh môi. Sự hiện diện của mai dương làm giảm kích thước và số lòai trong quần xã thực vật và động vật. Tại VQGTC chúng làm giảm mật số các lòai thuộc họ hòa bàn và họ cỏ lác như: cỏ ống (Panicum repens), cỏ mồm (Ischaemum rugosum) và cỏ năn (Eleocharis dulcis), cũng như một số lòai cỏ lá rộng như: bèo tai tượng (Pistia stratiotes), lục bình (Eichhornia crassipes) và rau dừa nước (Ludwigia adscendens). Sự xâm lấn của mai dương vào đồng cỏ năn (Eleocharis dulcis) đe dọa lòai chim qúi hiếm (Grus antigone sharpii), một trong 16 lòai được bảo vệ đặc biệt trên khắp thế giới (Triet and Dung, 2001). Tại VQGCT nhiều lòai chim thường hội đòan lại sau khi di cư trong mùa nước nổi. Chúng sử dụng thân lá và hạt của những lòai cỏ hòa bản, cỏ lác như Panicum repens, Brachiaria mutica, Phragmites karka, Ischaemum rugosum, Eleocharis dulcis và các lòai cỏ lác (Cyperus spp.) cũng như những lòai cỏ lá rộng như là nguồn thực phẩm. Dưới tán quần thể rậm rạp của mai dương, mật số của những lòai cỏ này giảm nhanh chóng dẫn đến sự biến mất của nhiều lòai chim. Ở những nơi bị xâm nhiễm nặng bởi mai dương, rất ít các lòai thực vật bản địa có thể sinh sống dưới tán cây của chúng. Tuy nhiên, quan sát cũng cho thấy rằng mai dương không lọai bỏ hòan tòan các cây bản địa. Mặc dù lác đác, một số thực vật bản địa vẫn sống dưới tán rậm rạp của mai dương. Có 45 lòai thực vật có mạch được tìm thấy trong 30 lô mẫu, trong đó có 26 lòai vẫn tồn tại dưới tán mai dương che phủ 70 đến 100%. Sự suy giảm thảm thực vật bản địa, đặc biệt là các lòai thân thảo, gây ra bởi mai dương đã ảnh hưởng tiêu cực đến quần xã động vật bản địa. Thảm thực vật thân thảo ở VQGTC cung cấp chổ ở và nguồn thức ăn cho một số lòai chim đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sự xâm lấn của mai dương được xem là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm giảm quần thể sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpii) tại VQGTC. Cỏ năn ở vùng lõi là bãi cung cấp thức ăn cho sếu. Vùng này đang bị xâm nhiễm bởi mai dương và bị từ bỏ bởi sếu. 2) Ảnh hưởng kinh tế. Nông dân sống dọc sông La Ngà đang quan ngại về ô nhiễm nguồn nước sinh họat và môi trường nuôi thủy sản do lá mai dương rụng xuống nước. Mai dương xâm nhiễm không những cản trở các họat động nông nghiệp mà còn gia tăng chi phí sản xuất do phải kiểm sóat chúng. Mặc dù nông dân vùng ĐBSCL đã áp dụng nhiều biện pháp lý học hàng năm để kiểm sóat chúng nhưng hàng ngàn ha đất phù sa đang bị xâm chiếm bởi lòai cỏ này. Ở một số khu bảo tồn đất ngập nước như VQGTC, mai dương gây thiệt hại cho các bãi cỏ hòa bản và cỏ lác là thức ăn cho sếu, dẫn đến sự di cư của sếu sang vùng đất khác. Điều này làm giảm giá trị du lịch của vườn và làm giảm giá trị của một khu bảo tồn quốc gia. IV) CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT 1)Phòng ngừa Nhằm đối phó với sự xâm nhiễm, tỉnh Đồng Nai đã chi hàng ngàn USD để cố gắng kiểm sóat chúng nhưng cho đến nay chưa thấy có kết quả. Trong quá khứ, chính quyền địa phương đã cố gắng du nhập những cây cạnh tranh như trà để trồng chung quanh hồ Trị An nhằm khống chế sự sinh trưởng của mai dương. 2)Nhổ bằng tay Những thí nghiệm tại VQGNCT đã chứng minh rằng nhổ bằng tay có thể kiểm sóat hòan tòan mai dương. Tuy nhiên biện pháp này chỉ khả thi khi cây con còn nhỏ. Chi phí nhổ cỏ tay tùy thuộc vào chiều cao
- và độ tuổi của cây. Cây dưới hai tháng tuổi và có chiều cao thấp hơn 100 cm tốn khỏang 150USD/ha để nhổ, trong khi cây già hơn thì chi phí trên 200 USD/ha. Biện pháp này tỏ ra hữu hiệu ở những vùng quan trọng thuộc VQGNCT như tại Bàu Chim. Tuy nhiên biện pháp này phải triển khai liên tục hàng năm vì thế hệ mới mọc lên từ hạt. Khỏang 100 ha đất canh tác tại làng Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng đã phải từ bỏ không canh tác do mai dương chiếm đất. Trong VQGNCT, một số địa điểm bên trong như Bàu Chim, Bàu Cá, Bàu Sấu đã và đang bị rắc rối bởi lòai cỏ này. Mỗi năm vườn đã chi từ 3.300 đến 6.600 USD để kiểm sóat chúng nhưng sự thành công còn rất khiêm tốn. 3) Biện pháp vật lý và cơ học Bởi vì mùa ngập nước rất dài, nông dân chỉ có thể canh tác từ tháng 4 cho đến tháng 7 trên vùng đất phù sa dọc sông La Ngà. Ngay sau khi thu họach cây trồng, mai dương bắt đầu mọc và nhanh chóng gia tăng sinh khối. Để có thể gieo trồng trong vụ tới, nông dân bắt buộc phải đốn mai dương trước khi nước ngập nhằm hy vọng chặn đứng sự phục hồi và cây con mọc. Hệ thống rễ của những cây non khỏang 1 năm tuổi có thể chết trong quá trình ngập nước nhưng hệ thống rễ của những cây già hơn có thể vẫn sống sót. Những gốc cây già này có thể cản trở việc cày xới, hồi phục và có thể tái sinh song song với cây trồng. Sau một vài năm, mai dương có thể cản trở hòan tòan vịêc canh tác trồng trọt. Cần 46 công lao động để nhổ bỏ 1 ha tương đương với khỏang 100 USD. Vào mùa khô, mai dương có thể nhảy tược một tuần sau khi bị đốn. Một hoặc nhiều tược mọc lên từ gốc và có thể dài đến 50 cm trong vòng 3 tuần. Trong trường hợp ngập cạn (dưới 30cm), nó có thể nhảy tược nhưng sự phát triển là chậm hơn nếu so với trường hợp không ngập. Chi phí lao động tùy thuộc vào tuổi của cây và vào mật số cây che phủ. Với mật độ thấp và nơi mới bị xâm nhiễm, chi phí lao động khỏang 30 ngày công. Ngược lại nơi mật số cao, phải cần đến 60 công/ha. Kết quả nghiên cứu cũng như kinh nghiệm nông dân cho thấy biện pháp đốn sát gốc và cho ngập nước chỉ hiệu quả đối với những cây còn nhỏ. Một thí nghiệm với 4 nghiệm thức (đốn, đốt, kết hợp giữa đốn và đốt, kết hợp giữa đốn và cho ngập nước) đã được tiến hành. Kết quả cho thấy rằng đốn, đốt, kết hợp giữa đốn và đốt là không hiệu quả để kiểm sóat mai dương. Mimosa pigra nảy chồi nhanh chóng sau khi đốn. Hai tháng sau khi xử lý, chồi mới từ vết cắt đạt đến trung bình độ cao 60-70 cm và có thể ra hoa, tạo trái. Rất khó đốt cháy cây mai dương tươi và cần một lượng lớn dầu hỏa trước khi đốt (cần 2 lít dầu hỏa/1 m2). Biện pháp đốt được tiến hành dễ dàng nơi mà có những khỏang đất trống giữa những tàn lá cây mai dương bởi vì có nhiều cỏ dại thân thảo dưới mặt đất cung cấp chất khô dễ cháy. Thí nghiệm còn cho thấy đốt lửa kích thích hạt mai dương trong đất nảy mầm. Số cây con ở nghiệm thức đốt lửa là cao hơn các nghiệm thức khác. Do đó ngay cả không hiệu quả trong việc tiêu diệt cây mai dương trưởng thành, đốt lửa có tác dụng kích thích sự nảy mầm của hạt mai dương trong quỹ hạt cỏ dại trong đất. Quan sát thấy rằng cây mai dương còn non rất dễ kiểm sóat bằng các biện pháp như lửa đốt, hóa học và nhổ bằng tay. Sự kết hợp giữa đốn và cho ngập nước là biện pháp hiệu quả nhất trong các biện pháp nghiên cứu. Thân sau khi bị đốn và cho ngập nước sâu sẽ không có thể nảy chồi. Năm tháng sau khi áp dụng nghiệm thức và khi nước rút, có đến 75 đến 90% cây đều bị chết. Những cây còn sống sót phục hồi và nảy chồi. Phần lớn những cây còn sống sót sau khi ngập lũ là những cây mọc trên bờ đê, nơi mà cây có thời gian ngập lũ ngắn. Hiện nay một số tỉnh dựa vào biện pháp thủ công để hạn chế sự phát triển của mai dương bằng cách nhổ bỏ cây con, đào gốc rễ, phơi và đốt tòan cây để giảm lượng hạt. Đốn cây mai dương trưởng thành làm củi đốt không phải là biện pháp phù hợp để kiểm sóat sự lây lan của mai dương bởi vì trái và hạt vẫn tồn tại trên mặt đất, cây con thì mọc rất nhiều chung quanh, gốc cây già vẫn còn và nảy chồi nhanh chóng sau khi bị đốn. 4) Biện pháp hóa học Trong một nghiên cứu, ngọai trừ nghiệm thức paraquat, thuốc diệt cỏ bắt đầu giết chết các nhánh của mai dương từ 15 đến 30 ngày sau khi xử lý (NSXL). Quan sát lúc 90 NSXL cho thấy glyphosate cho hiệu quả cao nhất khi diệt được 90,6%, tiếp theo sau là triclopyr butoxyethyl ester (68,7%). Metsulfuron methyl giết chết 44,7% số nhánh. Ở một nghiên cứu khác, glyphosate giết chết cả cây già và nhánh non, triclopyr
- butoxyethyl ester và metsulfuron methyl chỉ diệt được những nhánh còn non. Sau khi các nhánh bị chết bởi các hóa chất (ngọai trừ paraquat) thuốc tiếp tục giết các phần khác của cây bao gồm thân chính và hệ thống rễ. Tuy nhiên glyphosate giết chết tòan cây ở tất cả các độ tuổi và kích thước và giết chết 89,3% lúc 90 NSXL. Triclopyr butoxyethyl ester và metsulfuron methyl không diệt được gốc thân và cây già và chúng chỉ kiểm sóat được 48% và 15,3% tương ứng. Có thể kết luận rằng thuốc diệt cỏ triệt sinh glyphosate diệt cây mai dương tốt nhất. Mặc dù thuốc diệt cỏ, đặc biệt là các lọai thuốc triệt sinh, không được khuyến khích sử dụng trong các khu bảo tồn như là các vườn quốc gia, chúng là biện pháp kiểm sóat hiệu quả khi mà mai dương đã xâm nhiễm trên diện rộng và các biện pháp khác rất khó áp dụng. Trong một thí nghiệm khác với cùng bốn lọai hóa chất trên nhưng với liều lượng bằng 1,5 lần so với khuyến cáo đã được tiến hành. Kết quả cho thấy sau 7-15 ngày các lá đều rụng. Ở nghiệm thức paraquat, cây khôi phục trở lại lúc 15 NSXL, trong khi đó các hóa chất khác vẫn hiệu quả sau ba tháng. Sau ba tháng sự hồi phục đã quan sát thấy xuất hiện. Metsulfuron rất hiệu quả để diệt cây mới mọc và cây còn non nhưng không hiệu quả đối với mai dương trưởng thành. 5) Biện pháp sinh môi Sự kiểm sóat cây mai dương xâm lấn sẽ không thành công nếu không khôi phục được thảm thực vật bản địa. Khôi phục lại thảm thực vật cũng là bước quan trọng trong chiến lược quản lý mai dương ở VQGTC. Bên cạnh biện pháp khôi phục tự nhiên, việc gieo trồng các lòai thực vật bản địa có thể là một công cụ hữu hiệu để khôi phục thảm thực vật trong giai đọan đầu. Kết quả bước đầu của một số công trình nghiên cứu gần đây cho thấy sau khi lọai bỏ cây mai dương, một số lòai thực vật có thể được sử dụng để trồng lấp chổ trống. Trên những bờ đê có thể trồng các lòai thực vật: Phragmites valtatoria, Saccharum spontaneum và Saccharum arundinaceum. Ở mép nước ven bờ, cây họ đậu Sesbania sesban (điên điển) là phù hợp. Điên điển trổ hoa từ tháng 9 đến tháng 11 và người dân địa phương sử dụng hoa như là một lọai rau. Ở vùng đệm quanh VQGTC, khi mà điên điển được trồng dày đặc để khai thác hoa thì quần thể mai dương rất thưa thớt. Trong một nghiên cứu khác, để quản lý mai dương có 24 lòai được đề nghị xem xét trồng dọc mép nước ven bờ trong đó bao gồm: Commelina diffusa, Hymenachne acutigluma, Polygonum tomentosum và Coix aquatica. Những lòai thực vật được khuyến cáo trồng trên thảm thực vật thân thảo bao gồm: Ischaemum rugosum, Paspalum scrobiculatum, Oryza rufipogon, Eleocharis dulcis, Eragrostis atrovirens, Eleocharis ochrostachy, Eleocharis atropurpurea. Những nghiên cứu kế tiếp là cần thiết để tìm hiểu về điều kiện tối ưu để nảy mầm và khả năng cạnh tranh của những lòai này đối với mai dương. Hai mô hình thành công trong việc kiểm sóat mai dương bằng biện pháp sinh môi được ghi nhận tại Trà Sư, thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang vùng ĐBSCL. Ghi nhận mối đe dọa của mai dương, trạm kiểm lâm Trà Sư đã mở cuộc vận động để kiểm sóat mai dương bằng cách nhổ bỏ cây con, đào gốc những cây trưởng thành và phơi khô. Trước khi lũ đến, cây con được cắt, gốc nảy chồi và thuốc diệt cỏ được phun trên những chồi non. Cuộc vận động được giữ liên tục và kết quả đã kiểm sóat được 99% mai dương. Sau khi diệt được mai dương, đất trống được trồng bạch đàn. Dưới tán của rừng bạch đàn, mai dương không thể phát triển và chết dần. Hạt dưới tán rừng cũng không thể nảy mầm. Sau hai năm, lòai cỏ này được kiểm sóat và 12 km đê dọc kênh Trà Sư được thống trị bởi bạch đàn. Bạch đàn cũng bảo vệ bờ đê khỏi xói mòn do những ngọn sóng mùa lũ. Một điển hình thành công nữa cũng tại địa điểm này. Một cánh đồng rộng 18,4 ha bị xâm nhiễm bởi Mimosa pigra. Vào đầu mùa mưa và trước khi nước lũ tràn về, tất cả cỏ kể cả mai dương được cắt sát mặt đất. Sau khi cỏ nẩy chồi, thuốc diệt cỏ được phun trên thân non. Thân, cành non nhiễm thuốc và chết dần dần đồng thời với mực nước ngày càng gia tăng. Gốc của cỏ dại bị ngập hòan tòan trong nước. Khi nước bắt đầu rút, tràm con với chiều cao khỏang 1 m được trồng với mật độ dày và hình thành một rừng tràm mới. Trong trường hợp đó, những cây mai dương sống sót cũng không thể cạnh tranh với tràm. Nhổ bổ sung tận gốc bằng biện pháp thủ công là cần thiết để đảm bảo rừng tràm thuần khiết. 6) Biện pháp sinh học Trong một dự án hợp tác giữa Viện bảo vệ Thực vật và CSIRO được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Úc (ACIAR) từ 1995-1997, Vịêt Nam đã du nhập hai tác nhân sinh học để
- nhân nuôi và phóng thích. Chúng nó là sâu đục thân mai dương (Carmenta mimosa) và con ăn hạt Acanthoscelides quadridentatus đã được phóng thích và ổn định quần thể tại Úc. Hai lòai côn trùng này đã được khảo nghiệm tính ký chủ đặc thù để đảm bảo an tòan cho các lòai cây họ đậu, cây lương thực và cây ăn trái trước khi được cho phép phóng thích. Chúng không gây thiệt hại cho bất cứ cây kinh tế nào đã nghiên cứu và con Carmenta mimosa đã được phóng thích tại 6 địa điểm ở miền Bắc và 4 địa điểm ở miền Nam Việt Nam. Con Carmenta mimosa đã xác lập quần thể tại các địa điểm phóng thích, nhiễm 50-80% thân mai dương và lan rộng 2 km sau hai năm. Tuy nhiên Carmenta mimosa chỉ giết chết một vài cành non và cây còn nhỏ. Côn trùng này hiện đang được nhân lên với khối lượng lớn để phóng thích kết hợp với các biện pháp khác như chặt đốn và nhổ bằng tay. Con ăn hạt đã được phóng thích năm 1987. Chúng đã thiết lập quần thể nhưng không thể hiện tác động rõ nét đến khả năng tạo hạt của mai dương. Vào năm 1989, trong khuôn khổ một dự án hợp tác với Úc (ACIAR), một dòng nấm từ Úc (Phloeospora mimosae-pigrae) đã được du nhập và đánh giá trong điều kiện Việt nam. Nấm này chứng tỏ rất chuyên biệt đối với mai dương và không tấn công bất cứ lòai nào trong 25 lòai đã được thử nghiệm thuộc các họ Mimosaceae, Fabaceae, Graminae, Cruciferaceae, Rosaceae, Solanaceae, Amaranthaceae, Compositae, Basellaceae, Convolvulaceae, và Rutaceae. Tiềm năng sử dụng nấm này để kiểm sóat mai dương đã được đánh giá trong nhà kính với ẩm độ cao. Tỷ số cây bị bệnh và chỉ số bệnh gia tăng với nhiệt độ cao. Trong những nghiên cứu này, mai dương được chủng một lần vào mùa hè, thời điểm phù hợp nhất cho nấm phát triển. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng nấm Phloeospora mimosae-pigrae và côn trùng Carmenta mimosa có thể được sử dụng để kiểm sóat cây mai dương. Một số nông dân phát hiện ra rằng con dê thích ăn thân mai dương non dẫn đến khuyến cáo rằng có thể sử dụng dê để kiểm sóat lòai cỏ dại này. Một con dê có thể ăn khỏang 100-200 cây/ngày. Một nghiên cứu đã được tiến hành tại Đại học An Giang từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2004 để xác định ảnh hưởng của lá mai dương đối với việc hấp thụ và tiêu hóa dinh dưỡng của dê thịt. Bốn con dê được nuôi với trọng lượng ban đầu mỗi con là 11 kg, được bố trí trong kiểu thí nghiệm bình phương Latin với 4 nghiệm thức và thời gian cho ăn là 15 ngày. Trong mỗi giai đọan, mỗi con dê được cho ăn với chế độ dinh dưỡng khác nhau. Nghiệm thức đối chứng là chỉ đơn thuần cỏ hòa bản Brachiaria mutica. Ở nghiệm thức MP 15 thì 15% của chất khô cỏ Brachiaria mutica được thay thế bằng lá mai dương. Tương tự như vậy nghiệm thức MP 30 có tỷ lệ thay thế là 30% và nghiệm thức MP 45 có tỷ lệ thay thế là 45%. Tổng số chất khô và protein thô hấp thụ gia tăng theo mức gia tăng của lượng mai dương trong khẩu phần. Khả năng tiêu hóa của dưỡng chất biến thiên từ 68 đến 73%. Cảm tạ. Tôi xin cám ơn Trung tâm Kỹ thuật Phân bón và Thực phẩm đã mời tôi trình bày báo cáo này tại hội thảo: “ International Seminar on Management of Major Plant Pests in Agriculture in the Asian and Pacific Region” được tổ chức tại Đài Bắc, Đài Loan từ ngày 10-15 tháng 11 năm 2008. Tài liệu tham khảo Cam,N.V.,P.V. Lam, H.C.Dien, T.H.Huong and N.T.Hien. 1997. Biological of giant sensitive plant Mimosa pigra in Vietnam. Review report of ACIAR-Vietnam project number PN 9319, 16p. Chaudhry P. and Ruysschaert G. (2008). Climate change and human development in Vietnam. www.hdr.undp.org Dap, B. H. (1999). Some issues about rice plant [ In Vietnamese]. Agriculture Publishing House. Hanoi. Lam, P.V., N.H.Son, T.Q. Tan, N.V. Dung and P.H. Khanh. 2001. Surveilance, evaluation of damage and proposals for effective control of Mimosa pigra in Nam Cat Tien and Tram Chim National Park. Annual report of the National Institute of Plant Protection. 19p. Long. C.2004. Tram Chim National Park- An alarming issue named “Mai duong”.[ In Vietnamese] www.vietnamnet.vn
- Lonsdale, W.M. 1992. The biology of Mimosa pigra L. In A guide to the management of Mimosa pigra, ed K.L.S. Harley, CSIRO. Canberra. 8-32. Lonsdale, W.M. 1993. Rates of spread of an invading species: Mimosa pigra in northern Australia. Journal of Ecology 81:513-521 Lonsdale, W.M., I.L. Miller, I.W.Forno. 1995. Mimosa pigra L. In: Biology of Australian Weeds. (Grovers, R.H.; Shepherd, R.C.H.;and Richardson, R.G. eds.) R.G. Richardson, Melbourne.pp.169-188. Phuoc, N.D.2008. Alarming of the widespread of Mimosa pigra. [ In Vietnamese]. www.tnmtthainguyen.gov.vn Samouth, C. 2004. Mimosa pigra infestations and the current threat to wetlands and flood plains in Cambodia.Paper presented at the 3rd International symposium on the management of Mimosa pigra, Darwin, Australia, 22-25 September 2004. Sang,L.2008. Mimosa pigra attacks cultivated land: Hand weeding is the sole method of its control [ In Vietnamese]. www.kontum.gov.vn Son, N.H., P.V. Lam, N.V. Cam, D.V.T.Thanh, N.V. Dung, L.D.Khanh and I.W.Forno. 2004. Preliminary studies on control of Mimosa pigra in Vietnam. Paper presented at the 3rd International symposium on the management of Mimosa pigra, Darwin, Australia, 22-25 September 2004. Tam, C.2008. Threat of Mimosa pigra on cultivated land. [ In Vietnamese]. www.baoag.com.vn Thanh, D.V.T., N.V.Cam, L.T.T. Thuy, N.T.Van, T.X. Hoat and N.H. Nguyen. 1998. Primary result of study on usage of Phloeospora mimosae-pigrae to control giant sensitive plant Mimosa pigra. Annual report of the National Institute of Plant Protection. 7p. Thi, N.T.L., T.P.Hung and T. Triet. 2004.The distribution of the exotic weed Mimosa pigra on the Dong Nai river basin, Vietnam. www.gralib.hcmuns.edu.vn Thi, N.T.L., T.Triet, M.Storrs and M.Ashley. 2004. Determining suitable methods for the control of Mimosa pigra in Tram Chim National Park, Vietnam. Paper presented at the 3rd International symposium on the management of Mimosa pigra, Darwin, Australia, 22-25 September 2004. Thinh, P.T. 1998. Investment plan for Tram Chim National Park, Dong Thap province, for the period 1999-2001. Sub institute of Forest Inventory and Planning. Ministry of Agriculture and Rural Development. Ho Chi Minh City. [ In Vietnamese]. Triet, T. and N.V. Dung. 2001. Finding the best solution for management of giant sensitive plant Mimosa pigra in Tram Chim National Park. pp 21-28. Triet, T., L.K. Kiet, N.T.L.Thi, P.Q.Dan. 2004. The invasion of Mimosa pigra of wetlands of the Mekong Delta, Vietnam. In: Research and management of Mimosa pigra (eds Julien, M., G.Flanagan, T. Heard, B.Hennecke, Q. Paynter and C. Wilson), pp. 45-51. CSIRO Entomology, Canberra, Australia. Triet, T., L.C. Man and N.P. Nga.2004. Impacts of Mimosa pigra on native plants and soil insect communities in Tram Chim Natinal Park, Vietnam. Paper presented at the 3rd International symposium on the management of Mimosa pigra, Darwin, Australia, 22-25 September 2004. Walden, D., C.M.Finlayson, R.Van Dam and M.Storrs.1999. Information for risk assessment and management of Mimosa pigra in Tram Chim National Park, Vietnam. In: Proccedings of the Enviro Tox 99 International Conference: 160-170. (Ghi chú: Bản gốc tiếng Anh của công trình tổng hợp này đã được đăng trong Tuyển tập Hội thảo “ International Seminar on Management of Major Plant Pests in Agriculture in the Asian and Pacific Region” tổ chức tại Đài Bắc, Đài Loan từ ngày 10-15 tháng 11 năm 2008.)
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn