JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0071<br />
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6A, pp. 31-38<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY HỌC<br />
THEO MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI VIỆT NAM (VNEN)<br />
Trương Thị Bích<br />
Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
<br />
Tóm tắt. Trên cơ sở khái quát một số vấn đề chung về bản chất của Mô hình trường học<br />
mới Việt Nam (VNEN), từ những ưu điểm cũng như những hạn chế, khó khăn khi triển<br />
khai thực hiện mô hình này tại các trường Tiểu học Việt Nam, bài viết đề xuất một số biện<br />
pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy học của mô hình, đặc biệt chú trọng biện pháp<br />
khai thác có hiệu quả tài liệu Hướng dẫn học cũng như cách thức tổ chức dạy học trên lớp<br />
của giáo viên. Việc nghiên cứu thực trạng những bất cập cũng như hiệu quả bước đầu của<br />
mô hình trường học này sẽ góp phần vào việc triển khai có chất lượng đổi mới chương<br />
trình, sách giáo khoa sau 2015.<br />
Từ khóa: Mô hình trường học mới, VNEN, tài liệu, hướng dẫn học.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Dạy học hướng vào người học là luận điểm then chốt của lí luận dạy học hiện đại, là bản<br />
chất của đổi mới phương pháp dạy – học. Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) đã quán<br />
triệt quan điểm này với một loạt hoạt động đổi mới: đổi mới về tổ chức lớp học, về tài liệu dạy –<br />
học, về phương pháp dạy – học, về đánh giá HS, về quan hệ với cha mẹ HS và cộng đồng. Được<br />
bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2012, cho đến nay, mô hình trường học mới này đã nhận được<br />
những phản hồi cả tích cực và chưa tích cực. Ưu điểm nổi bật của mô hình dạy học này là rèn luyện<br />
cho học sinh (HS) sự tự tin, tích cực, bản lĩnh chủ động xử lí các tình huống trong cuộc sống. Sau<br />
một thời gian triển khai thử nghiệm, tổng kết, rút kinh nghiệm, rất nhiều tác giả, với những công<br />
trình khoa học của mình, đã công bố những kết luận, những bài học kinh nghiệm về bản chất cũng<br />
như thực trạng của quan điểm dạy học mới này. Đặng Tự Ân trong Mô hình trường học mới Việt<br />
Nam. Hỏi – Đáp [1] đã có những trình bày, kiến giải tường minh, khúc chiết các vấn đề xoay quanh<br />
mô hình dạy học VNEN, rất phù hợp với số đông giáo viên (GV) chưa có điều kiện tiếp cận với<br />
mô hình dạy học này. Bên cạnh đó, để bắt đầu cho quá trình chuẩn bị và song song thực hiện dạy<br />
học mô hình này trên một số địa bàn, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tập hợp lực lượng chuyên gia<br />
xây dựng một bộ tài liệu tập huấn đủ các chủ đề, các môn học bậc Tiểu học [3-8]. Bộ Tài liệu này<br />
bước đầu là những cẩm nang cho GV trong viêc dạy học theo mô hình tại địa phương. Tuy nhiên,<br />
thời gian chuẩn bị biên soạn chưa nhiều nên tài liệu không tránh khỏi những bất cập, hạn chế (về<br />
mức độ khó, dễ của bài tập, về sự dài, ngắn của dung lượng, về sự không phù hợp của phần ngữ<br />
liệu,. . . ). Trên cơ sở thực trạng này, bài viết bước đầu đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao<br />
hiệu quả dạy học của mô hình mới này tại các trường Tiểu học.<br />
<br />
Ngày nhận bài: 15/11/2014 Ngày nhận đăng: 01/4/2015<br />
Liên hệ: Trương Thị Bích, email: bichnxbgd@gmail.com<br />
<br />
<br />
31<br />
Trương Thị Bích<br />
<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Sơ lược về Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN)<br />
2.1.1. Vài nét về Mô hình trường học kiểu mới (EN)<br />
Mô hình trường học kiểu mới (Escuela Nueva) được hình thành và phát triển ở khu vực<br />
Caldas – một trong 32 thực thể hành chính của Colombia (nơi mà mô hình này được Ngân hàng<br />
Thế giới giới thiệu điển hình). Vai trò phát triển giáo dục ở đây có sự tham gia của nhà nước gắn<br />
bó với Hiệp hội Cà phê và các tổ chức xã hội khác.<br />
Hiệp hội các nhà trồng cà phê Caldas (CGC) đã được thành lập vào năm 1927. Để giải<br />
quyết vấn đề nhân lực, vốn chủ sở hữu, tình trạng HS bỏ học và chất lượng giáo dục thấp trong các<br />
trường học nông thôn ở Caldas, các CGC bắt đầu đầu tư vào giáo dục Tiểu học từ năm 1981 thông<br />
qua phương pháp học mới tại các trường học nông thôn [1].<br />
Mục tiêu của sáng kiến trường học mới ở Caldas của CGC năm 1981 là tăng cường giáo<br />
dục nông thôn (từ lớp 1 đến lớp 5) và cung cấp một nền giáo dục năng động hơn. Theo dữ liệu có<br />
sẵn từ CGC, chương trình đạt trực tiếp 1.113 trường học trong khu vực Caldas, phục vụ bình quân<br />
50.000 HS hàng năm, đào tạo được khoảng 3.200 GV để cải thiện cách tiếp cận kiến tạo của họ.<br />
Các nguyên tắc dạy học kiến tạo của mô hình trường học mới: – HS là trung tâm của quá<br />
trình học tập./ – HS thiết lập nhịp điệu và tốc độ của riêng họ cho việc học, với một chương trình<br />
đào tạo đó là tự học và khuyến khích làm việc theo nhóm./ – Phương pháp giảng dạy thúc đẩy tự<br />
học, khuyến khích sáng kiến của HS và sự sáng tạo./ – Mỗi trường thiết lập mối quan hệ chặt chẽ<br />
giữa các cộng đồng và trường học trong đó các thành viên trong gia đình tham gia vào quá trình<br />
giáo dục./ – Hội đồng tự quản HS sử dụng các chiến lược để đảm bảo sự tham gia tích cực của<br />
thành viên trong đời sống dân chủ của trường, trong đó tăng cường các giá trị như hợp tác, tôn<br />
trọng và làm việc nhóm.<br />
Mô hình trường học mới là xương sống của tất cả các chương trình hỗ trợ đổi mới giáo dục<br />
của Hiệp hội Cà phê. Các CGC đã mở rộng mô hình này và tạo ra các chương trình mới sau giáo<br />
dục Tiểu học cho THCS (lớp 6–9) và THPT (lớp 10, 11). Tất cả đều sử dụng phương pháp tiếp cận<br />
kiến tạo.<br />
2.1.2. Vài nét về Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN)<br />
Mô hình trường học mới Việt Nam là dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Quỹ<br />
Hỗ trợ phát triển Giáo dục toàn cầu (GPE – Global Partnership for Education) triển khai ở các<br />
trường Tiểu học trên toàn quốc từ 6/2012 đến 6/2015. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực<br />
của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung<br />
chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học,<br />
cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học.<br />
Mô hình VNEN là một trong những mô hình nhà trường phát triển theo xu hướng hiện đại,<br />
với định hướng tiếp cận là giáo dục năng lực của người học. Dựa trên cơ sở mô hình dạy học truyền<br />
thống, Dự án GPE–VNEN đã tiến hành nghiên cứu, chuyển đổi các thành tố trong Chương trình<br />
dạy học, đặc biệt các nội dung về mặt sư phạm theo định hướng tiếp cận giáo dục của mô hình.<br />
Mô hình VNEN là một quá trình chuyển đổi từ mô hình dạy học chủ yếu truyền thụ kiến<br />
thức sang mô hình dạy học, giáo dục hình thành nhân cách và phát triển năng lực của HS.<br />
Nhìn chung, theo tư tưởng đổi mới của mô hình VNEN, quá trình dạy học và giáo dục, được<br />
<br />
<br />
32<br />
Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN)<br />
<br />
<br />
hiểu là:<br />
• Dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động của HS. Tổ chức các hoạt động học tập của<br />
HS cần phải trở thành trung tâm của quá trình giáo dục.<br />
• Chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, phương pháp tư duy và phương pháp giải quyết<br />
vấn đề. Đây là những phẩm chất và điều kiện tốt nhất để có thể duy trì thói quen học tập thường<br />
xuyên và học tập suốt đời.<br />
• Tăng cường học tập của mỗi cá nhân, phối hợp với học hợp tác và học nhóm. HS là chủ<br />
thể của quá trình học, tự mình chủ động chiếm lĩnh kiến thức. Tạo ra môi trường học tập tương tác,<br />
thày – trò, trò – trò vì thế nó có tác dụng rất tốt để phát huy năng lực của mỗi cá nhân HS.<br />
• Dạy và học chú trọng tới sự quan tâm và hứng thú của HS, nhu cầu và lợi ích của xã hội.<br />
Dạy HS trên những gì các em đã có, tạo hứng thú, óc tò mò, sáng tạo cho HS. HS phải biết cách<br />
làm việc độc lập, sáng tạo, biết tổ chức công việc để giải quyết các đòi hỏi của xã hội và nhu cầu<br />
đa dạng, phức tạp của công việc sau này.<br />
• Dạy và học coi trọng hướng dẫn tìm tòi, học qua trải nghiệm. Giáo viên hướng dẫn mang<br />
tính định hướng mà không có ý áp đặt trong quá trình học của HS.<br />
• Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò, của gia đình, cộng đồng. Ngoài đánh<br />
giá kết quả học (đánh giá kết thúc) rất coi trọng đánh giá bằng nhận xét qua quá trình học của HS<br />
(đánh giá theo tiến trình, đánh giá theo từng phần).<br />
<br />
2.2. Những ưu điểm và hạn chế trong dạy học của Mô hình VNEN<br />
2.2.1. Ưu điểm<br />
Mô hình VNEN là mô hình giáo dục được cải tiến nhằm khắc phục những hạn chế của giáo<br />
dục truyền thống; là quá trình tổ chức cho HS hoạt động để khám phá và chiếm lĩnh các kiến thức<br />
và kĩ thức mới. Bản chất quá trình học tập của VNEN được diễn ra thông qua đối thoại và tương<br />
tác lẫn nhau giữa HS với HS, giữa HS với giáo viên. Trong quá trình triển khai, mô hình này đã<br />
thể hiện rõ những ưu điểm sau:<br />
Thứ nhất, HS được học theo mô hình này chắc chắn sẽ phát triển toàn diện hơn, các em có<br />
năng lực ứng xử với thực tế cuộc sống tốt hơn. HS đã tỏ rõ sự mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp,<br />
kĩ năng sống của các em theo đó được phát triển. Điều này, HS học theo mô hình hiện hành không<br />
có hoặc yếu.<br />
Thứ hai, cán bộ, giáo viên đã có thay đổi sâu sắc quan niệm về nhà trường. Nhà trường<br />
không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là nơi dạy, chăm sóc toàn diện cho HS. Đây thực sự là môi trường<br />
học tập, vui chơi thân thiện, nơi gắn kết các mối quan hệ: quan hệ giữa HS với HS, giữa nhà trường<br />
với HS, giữa nhà trường và cha mẹ HS, giữa giáo viên với HS. Trong môi trường này, các hoạt<br />
động giáo dục được thực hiện rất dân chủ, thân thiện, tạo cảm giác tin cậy, ấm áp đối với HS.<br />
Thứ ba, mô hình dạy học đã làm thay đổi quá trình sư phạm của giáo viên. Giáo viên đã từ<br />
chỗ một mình, tự mình quyết định cung cấp cho HS những kiến thức gì trong môn học với cách<br />
dạy hiện hành thì ở mô hình này, “quyền năng” đó đã được san sẻ cho HS với sự gợi ý của tài liệu<br />
Hướng dẫn học. HS đã thực sự làm chủ cách học, làm chủ kiến thức.<br />
Thứ tư, với mô hình này, HS được phát triển các năng lực (năng lực tự quản, năng lực hợp<br />
tác, năng lực quản lí, năng lực thuyết trình,...), đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện<br />
giáo dục nước nhà, đào tạo con người theo định hướng phát triển năng lực.<br />
Với cách thức tổ chức hoạt động nhóm, HS được phát huy tối đa sự hiểu biết, năng lực của<br />
<br />
33<br />
Trương Thị Bích<br />
<br />
<br />
bản thân; số lần HS được bày tỏ ý kiến nhiều hơn; những HS yếu được giáo viên quan tâm nhiều<br />
hơn và được các bạn trong nhóm giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ. Điểm khác biệt lớn nhất là trước<br />
kia để đánh giá được mức độ hiểu bài của HS sau mỗi tiết học, giáo viên cũng chỉ có thể kiểm<br />
tra một vài HS; nhưng ở mô hình này, tất cả HS đều được các bạn khác trong nhóm kiểm tra nên<br />
không xảy ra tình trạng “bị bỏ rơi”.<br />
Với chất lượng học tập tại các lớp học VNEN, HS phát huy được “5 tự”: tự học, tự sáng tạo,<br />
tự tin, tự giác, tự chủ. Đảm bảo mục tiêu: chuyển giáo dục sang tự giáo dục; việc dạy của giáo viên<br />
sang thành việc học của HS; dạy học theo lớp chuyển thành học theo nhóm và học theo thầy thành<br />
học theo sách. HS phát huy tốt kĩ năng: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng hợp tác, kĩ năng tự đánh giá và<br />
đánh giá lẫn nhau [2].<br />
Thứ năm, thực hiện chương trình VNEN mở ra cơ hội để sự phối hợp nhà trường với các<br />
đoàn thể, giữa giáo viên với phụ huynh và cộng đồng xã hội chặt chẽ hơn. Phụ huynh trực tiếp<br />
tham gia giáo dục con em mình, trực tiếp tham gia dạy con em mình thông qua việc thực hành kĩ<br />
năng của các em. Nhà trường thường xuyên liên lạc và phối hợp với phụ huynh và các tổ chức xã<br />
hội, vấn đề xã hội hóa giáo dục tiến hành rất tốt. Dư luận và phụ huynh đồng tình, ủng hộ và mong<br />
muốn tham gia vào công việc chung của nhà trường, của lớp để thể hiện trách nhiệm. Vì vậy, công<br />
tác xã hội hóa quá trình giáo dục không cần hô hào mà đã trở thành nhu cầu tự thân. Rất nhiều<br />
hiệu ứng tích cực từ các lớp học VNEN đã tạo ra không khí lao động sáng tạo ở mỗi nhà trường,<br />
điều mà trước đây ở mô hình dạy học hiện hành là không thể có được [3].<br />
Điểm mới có tính chất tiên quyết trong mô hình VNEN là cách soạn tài liệu Hướng dẫn học.<br />
Hoạt động đổi mới về tài liệu Hướng dẫn học là khâu quan trọng, quyết định đến việc thực hiện<br />
hiệu quả dạy học “lấy người học làm trung tâm”. Tài liệu học tập “ba trong một” (Tài liệu hướng<br />
dẫn học dùng cho cả ba đối tượng: giáo viên, HS, phụ huynh) đã mang lại những ưu điểm nổi bật:<br />
HS tự học, hiểu và làm được như sách hướng dẫn, giáo viên hiểu để tổ chức tốt cho HS học, cha<br />
mẹ hiểu con học những gì và học như thế nào. Thực sự, đây là bước đột phá cho công cuộc đổi<br />
mới phương pháp dạy học. Có thể chốt lại điểm mạnh của mô hình VNEN:<br />
Mô hình VNEN làm thay đổi nhà trường:<br />
(1) Lấy hoạt động học của HS làm trung tâm.<br />
(2) Đưa ra một chương trình học phong phú và bổ ích.<br />
(3) Thúc đẩy việc học tập của HS. Giúp HS:<br />
– Tự tin, biết cách suy nghĩ;<br />
– Biết cộng tác, hợp tác với mọi người;<br />
– Có kĩ năng làm việc nhóm;<br />
– Biết quan tâm, có trách nhiệm trong các hoạt động;<br />
– Biết phấn đấu, làm chủ quá trình học tập của mình;<br />
– Có nhiều kĩ năng trong giao tiếp và kĩ năng sống.<br />
(4) Thay đổi quy trình sư phạm của giáo viên:<br />
– Nghiệp vụ sư phạm theo hướng đổi mới được nâng cao hơn;<br />
– Có kĩ năng điều hành các hoạt động dạy học;<br />
– Biết cộng tác theo xu hướng tích cực trong giáo dục;<br />
– Biết quan tâm và hỗ trợ đồng nghiệp.<br />
(5) Đối với cha mẹ HS, cộng đồng:<br />
<br />
<br />
34<br />
Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN)<br />
<br />
<br />
– Có trách nhiệm và tham gia với nhà trường nhiều hơn;<br />
– Hỗ trợ các hoạt động cụ thể cho nhà trường;<br />
– Được tiếp nhận, bổ sung tri thức từ nhà trường thông qua HS.<br />
2.2.2. Những hạn chế, bất cập<br />
HS Tiểu học còn nhỏ, một số HS còn hạn chế về kĩ năng sử dụng tiếng Việt nên còn khó<br />
khăn trong việc giải quyết các yêu cầu trong bài.<br />
HS nông thôn giao tiếp còn yếu.<br />
Sĩ số HS trong lớp còn quá đông, rất khó cho việc chia nhóm, kê lại bàn ghế đủ cho HS<br />
trong một lớp thực hiện dạy học theo mô hình mới. Theo quy chuẩn thì mô hình trường học mới<br />
cần phòng học tối thiểu 100 m2 trong khi thực tế phòng học của các lớp chỉ rộng 50 m2 .<br />
Không phát huy được khả năng sáng tạo của giáo viên: những hoạt động ứng dụng cho HS<br />
rất rập khuôn; tài liệu dạy học được hướng dẫn quá tỉ mỉ.<br />
Không sử dụng tới các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.<br />
Tài liệu Hướng dẫn học còn nhiều “hạt sạn”. Cụ thể:<br />
– Tài liệu được biên soạn quá dài. HS ngại đọc. Nhất là với đối tượng HS lớp 1, 2. Một số<br />
em còn chưa đọc thông viết thạo nên quá trình tự đọc và làm bài rất khó khăn.<br />
– Bài tập ứng dụng quá khó. Nếu giáo viên không hướng dẫn sẽ không làm được.<br />
– Nhiều ngữ liệu chưa phù hợp với các vùng, miền.<br />
– Các logo có khi không phù hợp.<br />
– Chưa khai thác được trí thông minh của HS.<br />
– HS rất ồn. Cách bố trí học nhóm tạo điều kiện cho một số em lười học nói chuyện riêng<br />
trong khi cô giáo bận đi hướng dẫn các nhóm khác.<br />
– Có một số tiết của một số môn, HS không thể ghi kịp đề bài vào vở để làm (SGK hiện<br />
hành có vở Bài tập ghi đề bài sẵn, HS chỉ việc điền vào).<br />
– Một số nội dung chưa phù hợp trong tài liệu Hướng dẫn học, ví dụ:<br />
Tài liệu Hướng dẫn học Tiếng Việt 3 [4]:<br />
Bài 28C: Vui chơi có những lợi ích gì?<br />
A. Hoạt động cơ bản<br />
HĐ1: Logo nhóm – cần chỉnh logo hoạt động chung cả lớp. Vì yêu cầu của hoạt động là cả<br />
lớp hát một bài về vui chơi hoặc thể thao.<br />
Tài liệu Hướng dẫn học Toán 3 [5]:<br />
Phần nhiều ở các hoạt động thực hành: Hầu như HS không đủ thời gian làm bài thực hành<br />
trong một tiết, ở lớp giỏi thì HS hoàn thành khoảng 2 tiết, ở lớp trung bình, yếu thì HS hoàn thành<br />
khoảng 3 tiết. Vì vậy, đề nghị các bài toán hoạt động thực hành cần phân bố ra 2–3 tiết để đảm bảo<br />
thời gian làm bài cho HS ở các vùng miền học chậm hơn.<br />
– Chưa chú trọng đến các bài tập dành cho từng đối tượng HS.<br />
Tài liệu Hướng dẫn học Tiếng Việt 2 [6]:<br />
– Tập 1A – Bài 5B: Một người bạn tốt<br />
– Câu B dòng cuối, trò chơi thi tìm từ nhanh có vần en/ eng.<br />
– Cùng nghĩa với xấu hổ (mắc cỡ) câu hỏi này khó, HS tìm không được tiếng thẹn. Phải nhờ<br />
<br />
<br />
35<br />
Trương Thị Bích<br />
<br />
<br />
sự hỗ trợ của giáo viên.<br />
– Bài 5C: Cùng tìm sách để học tốt<br />
– Tìm các tiếng có vần en/ eng.<br />
– Tranh đầu tiên là hình người cầm chiếc khèn nhưng HS không nhìn rõ nên không nêu<br />
được, phải nhờ sự hỗ trợ của giáo viên cung cấp. Chỉ phù hợp với một số vùng miền.<br />
– Tập 1B, bài 15A: Anh em yêu thương nhau<br />
– Bài 4 trang 71. Đọc theo mẫu<br />
a) Đọc từ ngữ, từ rất đỗi, lặp lại 2 lần.<br />
Tài liệu Hướng dẫn học Tự nhiên Xã hội 2 [7]:<br />
– Bài 7: Em cần làm gì khi ở nhà: Các hình chụp quá nhỏ HS không quan sát được.<br />
Những hạn chế trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học VNEN. Rất cần thiết<br />
phải có những điều chỉnh kịp thời (cả Tài liệu Hướng dẫn học và tập huấn cho giáo viên).<br />
<br />
2.3. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học theo Mô hình VNEN<br />
2.3.1. Tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn cho GV về bản chất của mô hình trường học mới VNEN<br />
GV cần hiểu thấu đáo cơ sở khoa học và thực tiễn, ý đồ soạn thảo và vận dụng của tài liệu<br />
Hướng dẫn học.<br />
Bồi dưỡng cho GV ý thức sâu sắc về sự tự học, tự bồi dưỡng, tích cực học hỏi kinh nghiệm<br />
đồng nghiệp.<br />
Chỉ khi hiểu thấu đáo bản chất của mô hình trường học VNEN, GV mới đủ tự tin và bản<br />
lĩnh để linh hoạt triển khai dạy học hiệu quả theo mô hình này.<br />
2.3.2. Điều chỉnh tài liệu Hướng dẫn học phù hợp với hoàn cảnh dạy học và đặc điểm HS<br />
a. Mục tiêu điều chỉnh:<br />
Chất lượng dạy học phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài liệu dạy học. Mặt khác, tài liệu chỉ<br />
có thể nêu ra một phương án cụ thể về kế hoạch bài học cho HS và GV. Vì thế, nó không thể thích<br />
ứng cho mọi vùng miền và mọi đối tượng HS. Tổ chức cho GV điều chỉnh tài liệu VNEN vừa làm<br />
cho chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục tốt lên, vừa nâng cao năng lực nghiên cứu sư phạm, ý<br />
thức chủ động, sáng tạo của mỗi GV – người trực tiếp sử dụng tài liệu.<br />
b. Nguyên tắc điều chỉnh:<br />
Bảo đảm yêu cầu về chuẩn kiến thức và kĩ năng; phù hợp với HS; phù hợp với năng lực của<br />
GV và các điều kiện của địa phương; phù hợp nguyên tắc, cấu trúc tài liệu theo mô hình VNEN.<br />
Cần xây dựng bảng tiêu chí cho việc điều chỉnh tài liệu VNEN. GV nên phân tích tài liệu<br />
theo những tiêu chí này và tạo ra các thay đổi cần thiết trước khi HS được đọc tài liệu Hướng dẫn<br />
học. Như vậy, các hướng dẫn của GV sẽ phù hợp với môi trường và nhu cầu của HS, quá trình giáo<br />
dục sẽ cuốn hút HS tham gia một cách tích cực hơn.<br />
c. Một số điều chỉnh và cách thức triển khai các điều chỉnh:<br />
* Điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học:<br />
– Tăng/giảm thời lượng cho mỗi hoạt động học tập.<br />
– Điều chỉnh yêu cầu (lệnh) của hoạt động.<br />
– Thay đổi, điều chỉnh ngữ liệu.<br />
<br />
<br />
36<br />
Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN)<br />
<br />
<br />
– Thêm mẫu thực hiện, thêm gợi ý.<br />
– Thêm nội dung phân tích mẫu.<br />
– Thay đổi đồ dùng dạy học.<br />
– Điều chỉnh hình thức lưu giữ kết quả hoạt động.<br />
– Điều chỉnh hoạt động để thực hiện phân hóa cao hơn.<br />
– Sáng tạo các bài tập ứng dụng.<br />
Dưới đây là một vài cách thức để giảm độ khó của hoạt động (dành cho HS dưới chuẩn) và<br />
tăng độ thú vị (dành cho HS khá, giỏi).<br />
Giảm độ khó bằng cách:<br />
– Bổ sung phần lệnh để có điều kiện chỉ dẫn thêm cách làm bài.<br />
– Bổ sung vào phần dẫn để giúp HS dễ dàng tìm ý.<br />
– Thay phần ngữ liệu cho gần gũi với HS.<br />
– Thay thế ngữ liệu bằng ngữ liệu tường minh đơn giản hơn.<br />
Tăng độ thú vị bằng cách:<br />
– Tác động vào phần lệnh, thay đổi vai nói, vai tiếp nhận tạo điều kiện cho HS sáng tạo.<br />
– Xây dựng ngữ liệu tạo điều kiện cho HS phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo. Thêm yêu<br />
cầu của phần lệnh hoặc điều chỉnh yêu cẩu của phần lệnh thú vị hơn.<br />
* Điều chỉnh hình thức tổ chức dạy học:<br />
– Điều chỉnh thành viên nhóm, phiên chế lại nhóm.<br />
Các thành viên trong nhóm không phải được tạo ra một lần và không thay đổi. Tùy thuộc<br />
vào trình độ HS, những thuận lợi và khó khăn của mỗi em trong học tập, GV sẽ điều chỉnh thành<br />
viên nhóm, phiên chế lại nhóm.<br />
– Thay đổi tương tác thầy – trò, trò – trò.<br />
Có hoạt động trong tài liệu học làm việc cá nhân nhưng GV tự thấy HS lớp mình còn yếu<br />
về kĩ năng này, làm việc cá nhân sẽ khó kiểm soát và chưa hiệu quả thì có thể thay đổi bằng cặp<br />
đôi hoặc nhóm lớn. GV có thể làm việc với từng nhóm, từng HS nếu thấy cần thiết.<br />
– Thay đổi vai của từng thành viên trong nhóm.<br />
Nhiệm vụ giao cho mỗi thành viên cần được luân phiên thay đổi để mỗi HS có cơ hội trải<br />
nghiệm.<br />
2.3.3. Xây dựng kế hoạch dạy học trên lớp<br />
Tinh thần của dạy học theo mô hình VNEN là GV không phải soạn giáo án, bởi tài liệu<br />
Hướng dẫn học đó chỉ dẫn từng hoạt động rất cụ thể và tường minh. Tuy nhiên, trong điều kiện tài<br />
liệu Hướng dẫn học còn nhiều bất cập và chưa phù hợp với hoàn cảnh, môi trường cũng như đặc<br />
điểm của HS từng vùng miền và sự cần thiết phải điều chỉnh lại nội dung, phương pháp dạy học,<br />
điều chỉnh các hình thức tổ chức dạy học như trên thì việc GV phải bỏ thời gian, công sức nghiên<br />
cứu bài học, đọc thêm tài liệu tham khảo để hiểu thấu đáo nội dung bài học, để hình dung trước<br />
các tình huống có thể xảy ra với HS của mình trong quá trình tiếp nhận kiến thức trên lớp là điều<br />
hết sức cần thiết. GV có thể không phải soạn giáo án một cách công phu, đảm bảo đúng trình tự<br />
quy định như giáo án của cách dạy hiện hành nhưng diễn tiến của tiết dạy, các kiến thức cần ghi<br />
bảng hay HS cần ghi vào vở,. . . GV phải chuẩn bị thật công phu để có thể xử lí linh hoạt trong quá<br />
trình tổ chức dạy học trên lớp.<br />
<br />
<br />
37<br />
Trương Thị Bích<br />
<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Nhìn chung, mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), mặc dù vẫn còn những hạn chế<br />
(quan điểm của xã hội, điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu Hướng dẫn học, nhận thức của phụ huynh,<br />
trình độ của GV,. . . ) nhưng cơ bản đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội so với mô hình dạy<br />
học truyền thống. Cách thức tổ chức tài liệu học “ba trong một” cùng với hình thức dạy học nhóm<br />
triệt để đó tạo nên điểm đổi mới thuyết phục của mô hình dạy học này. Theo đó, người học thực<br />
sự là trung tâm của quá trình giáo dục. GV thực sự trở thành người hướng dẫn, tổ chức cho HS trải<br />
nghiệm, tự rút ra kiến thức mới. Để giảm thiểu những hạn chế, để phát huy những ưu điểm, cần<br />
tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn cho GV bản chất của VNEN; cần điều chỉnh tài liệu Hướng dẫn học;<br />
cần xây dựng kế hoạch dạy – học trên lớp. Các biện pháp này nếu được thực hiện nghiêm túc thì<br />
chắc chắn mô hình VNEN sẽ là mô hình dạy học của tương lai, góp phần đưa giáo dục Việt Nam<br />
hội nhập với khu vực và thế giới.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Đặng Tự Ân, 2014. Mô hình trường học mới Việt Nam. Hỏi – Đáp. Nxb Giáo dục Việt Nam.<br />
[2] Trần Trung Ninh, 2014. Những xu hướng đổi mới đào tạo GV – Bài học từ các nước Mĩ La<br />
tinh và ở Colombia. Tài liệu Hội thảo Đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở Trường Đại học Sư phạm<br />
Hà Nội, 1/2014, tr. 19.<br />
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo – Vụ Giáo dục Tiểu học – Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam,<br />
2013. Hướng dẫn tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại các trường thực hiện mô hình trường học<br />
mới Việt Nam. Nxb Giáo dục Việt Nam.<br />
[4] Mô hình trường học mới – Bước đột phá về cách dạy và cách học. Báo Giáo dục và Thời đại,<br />
8/11/2013.<br />
[5] Bộ Giáo dục và Đào tạo – Vụ Giáo dục Tiểu học – Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam,<br />
2013. Tài liệu Hướng dẫn học Tiếng Việt 3. Nxb Giáo dục Việt Nam.<br />
[6] Bộ Giáo dục và Đào tạo – Vụ Giáo dục Tiểu học – Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam,<br />
2013. Tài liệu Hướng dẫn Toán 3. Nxb Giáo dục Việt Nam.<br />
[7] Giáo dục và Đào tạo – Vụ Giáo dục Tiểu học – Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam,<br />
2013. Tài liệu Hướng dẫn học Tiếng Việt 2. Nxb Giáo dục Việt Nam.<br />
[8] Bộ Giáo dục và Đào tạo – Vụ Giáo dục Tiểu học – Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam,<br />
2013. Tài liệu Hướng dẫn Tự nhiên Xã hội 2. Nxb Giáo dục Việt Nam.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
Some solutions to improve teaching effectiveness<br />
following the new school model in Vietnam (VNEN)<br />
Basing on general issues on the nature of Vietnam’s new school model (VNEN), from<br />
the advantages, difficulties and its limitations on the implementation of this model in Vietnam’s<br />
Primary School, this article will propose some suggestions in order to improve teaching quality<br />
of this model, especially effectively exploiting the Guidelines showing how to organize teaching<br />
activities in the class. The significance of this study will make very first contributions on the<br />
innovative textbook program after 2015.<br />
Keywords: Model, new school, document, tutorials.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
38<br />