JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 65-70<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0085<br />
<br />
MỘT SỐ QUAN NIỆM VỀ ĐẶC TRƯNG VĂN HỌC CỦA THIẾU SƠN<br />
Nguyễn Thị Hải Phương<br />
<br />
Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Có thể nói, việc xác định đặc trưng của văn học có một ý nghĩa vô cùng quan<br />
trọng, đây là vấn đề then chốt của lí luận văn học. Thiếu Sơn, một nhà nghiên cứu phê bình<br />
văn học khá tiêu biểu của giai đoạn 1930-1945, cũng đã có những ý kiến sâu sắc bàn về<br />
vấn đề này. Ông luôn đề cao tính chất nghệ thuật, tính chất thẩm mĩ của văn chương, khẳng<br />
định văn chương phải gắn liền với cái đẹp. . . Ông xem đó chính là phẩm chất đặc thù của<br />
văn chương, là tiêu chí quan trọng mang tính quyết định để phân biệt văn chương với các<br />
hình thái ý thức khác như tôn giáo, chính trị, triết học. . .<br />
Từ khóa: Thiếu Sơn, đặc trưng của văn học, yếu tố thẩm mĩ.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Nói tới đặc trưng của văn học chính là ta đang nói tới những đặc điểm riêng mang tính chất<br />
đặc thù, là tiêu chí để phân biệt văn học với các hình thái ý thức xã hội khác, là lí do quyết định sự<br />
tồn tại không gì thay thế được của văn học trong suốt chiều dài lịch sử. Có thể nói, việc xác định<br />
đặc trưng của văn học có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là vấn đề then chốt của lí luận văn<br />
học. Mọi lí thuyết văn học đều phải làm rõ vấn đề “văn học là gì?”. Và hầu như không một nhà<br />
nghiên cứu nào khi cầm bút lại không suy nghĩ đến đặc trưng của văn học. Thiếu Sơn, một nhà<br />
nghiên cứu phê bình văn học khá tiêu biểu của giai đoạn 1930-1945, cũng đã có những ý kiến sâu<br />
sắc bàn về vấn đề này.<br />
Thiếu Sơn (1908 - 1978) bắt đầu bước vào làng phê bình văn học năm 1931 với khá nhiều<br />
bài viết in trên các tờ báo như Nam Phong tạp chí, Phụ nữ tân văn... Năm 1933, Thiếu Sơn cho ra<br />
đời cuốn sách Phê bình và cảo luận. “Với Phê bình và cảo luận, ông được coi là một trong những<br />
người mở đầu cho phê bình văn học bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam” [5;1681]. Đây là “một cuốn<br />
sách phê bình có tầm cỡ, đánh dấu sự phát triển với tốc độ mau lẹ của phê bình hiện đại Việt Nam<br />
những năm từ 1930 trở đi” [4]. Trong lời giới thiệu Phê bình và cảo luận, Phan Khôi đã bày tỏ sự<br />
trân trọng của mình, ông cho đó là "những bài văn hay" là "hột gạo no nê nguyên vẹn": "Mới ngó<br />
như khí sơ lược một chút, nhưng xem kĩ thì thấy tác giả cốt trọng về đại thể, chứ không cầu toàn<br />
(...) đúng với phương pháp phê bình" [1;15]. Sau Phê bình và cảo luận, Thiếu Sơn tiếp tục viết<br />
một số bài phê bình (được tập hợp trong Câu chuyện văn học) và những bài viết này cũng đã gây<br />
được ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc. Trong các bài phê bình của mình, Thiếu Sơn đã đề cập đến<br />
nhiều vấn đề trong đó đáng chú ý là những quan niệm về đặc trưng văn học.<br />
Ngày nhận bài: 15/5/2016. Ngày nhận đăng: 20/9/2016<br />
Liên hệ: Nguyễn Thị Hải Phương, e-mail: haiphuongdhsp@yahoo.com<br />
<br />
65<br />
<br />
Nguyễn Thị Hải Phương<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Quan niệm văn chương phải gắn liền với cái đẹp<br />
<br />
Đặc trưng tiêu biểu nhất mà Thiếu Sơn nêu ra là văn chương phải gắn liền với cái đẹp. Ông<br />
khẳng định: “Văn chương chỉ cần có một chủ nghĩa là kiếm tìm và phô bày cái đẹp” [1;334]. Với<br />
Thiếu Sơn, cái đẹp chính là tiêu chí, là dấu hiệu cơ bản để phân biệt văn học với các hình thái ý<br />
thức xã hội khác. Chẳng hạn so sánh văn học với triết học, ông khẳng định: “ Một đằng là việc tư<br />
tưởng, một đằng là việc của mĩ thuật, không thể xô bồ làm một mà bình luận hơn kém được. Nhà<br />
triết học quý ở sự phát minh chân lí, nhà văn quý ở sự trau dồi cái đẹp” [1;330]. Và Thiếu Sơn chủ<br />
trương: “Người nào muốn sống với văn chương trước hết phải biết phải giải phóng cho linh hồn,<br />
phải thoát li được hết thảy những thành kiến về luân lí, về xã hội về chính trị, về tôn giáo mà chỉ<br />
biết có nghệ thuật mà thôi” [1;334]. Trong suy nghĩ của ông, nhà văn muốn sáng tác được những<br />
tác phẩm văn chương có giá trị thì phải quên đi tất cả những ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống,<br />
nhà văn chỉ biết đắm mình trong vương quốc của cái đẹp mà thôi: “Đời còn có những bất công, còn<br />
có những điều vô đạo, còn có những cảnh nghèo nàn khốn khổ thì còn có những kẻ không bằng<br />
lòng chứ sao? Song nhà nghệ sĩ đâu có biết đến những cái đó. Nhà nghệ sĩ cũng phải chịu nhiều<br />
nỗi thiệt thòi đau thương của người đời, nhưng vì quá bằng lòng trong thế giới văn chương mĩ thuật<br />
mà đã có một trạng thái linh hồn cao hơn cả đời thực tại” [1;336]. Ông quan niệm cuộc sống của<br />
nhà văn mỗi khi được đắm chìm trong thế giới văn chương mĩ thuật “tự nó đã mãn nguyện rồi”,<br />
“không cần tô điểm”. Cũng theo Thiếu Sơn, tác phẩm văn chương sẽ thực sự góp phần vào công<br />
cuộc cải tạo xã hội, thực sự có công với xã hội loài người “nếu trong thiên hạ còn có nhiều người<br />
còn biết yêu nghệ thuật, nhờ thưởng thức các công trình của chúng tôi mà quên được những nhỏ<br />
nhen, ti tiện ở cõi đời để sống chung vui với chúng tôi trong một thế giới đẹp đẽ hơn, cao thượng<br />
hơn” [1;336].<br />
Như vậy, quan niệm văn chương gắn liền với cái đẹp của Thiếu Sơn có những điểm đúng<br />
đắn, sâu sắc nhưng cũng có những điểm cực đoan cần phải xem xét lại. Việc Thiếu Sơn nhìn thấy<br />
đặc trưng của văn chương là “tìm kiếm và phô diễn cái đẹp” là đúng đắn. Đến với văn chương,<br />
người đọc không chỉ được đắm mình trong vẻ đẹp của mây, gió, trăng hoa; của những tâm hồn<br />
trong sáng, tha thiết với cuộc đời mà còn được đến với vẻ đẹp của sự sáng tạo, vẻ đẹp của ngôn<br />
ngữ, nhạc điệu. Có thể nói, cái đẹp là địa hạt hợp pháp của nghệ thuật nói chung và văn chương<br />
nói riêng. Nếu thiếu chất đẹp thì văn chương không thể nào tồn tại. Biêlinxki đã từng nói: “Cái đẹp<br />
là điều kiện không thể nào thiếu được của nghệ thuật, nếu thiếu cái đẹp thì không có và không thể<br />
có nghệ thuật. Đó là một định lí”. Cái “chân”, cái “thiện” của văn chương chỉ có thể được phát huy<br />
tác dụng khi nó hài hoà với cái “mĩ”, thấm đẫm chất “mĩ”. Quan niệm này của Thiếu Sơn có nét<br />
gần gũi với quan niệm của Hoài Thanh. Suốt cả cuộc đời cầm bút của mình Hoài Thanh luôn tâm<br />
niệm: “Tìm kiếm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật, tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình”<br />
[2;140]. Hoài Thanh cho rằng nhiệm vụ tối cao của nghệ thuật là “tìm những cái hay, cái đẹp, cái<br />
lạ trong cảnh trí thiên nhiên và trong tâm linh người ta rồi mượn câu văn, tiếng hát, tấm đá, bức<br />
tranh làm cho người ta cùng nghe, cùng thấy, cùng cảm” [2;140]. Và sau này, Nguyễn Huy Thiệp<br />
cũng khẳng định: “Vì là một bộ môn nghệ thuật, văn học không thể xem nhẹ giá trị thẩm mĩ” [2].<br />
Ông đã dùng từ “tín ngưỡng” để nói về cái đẹp văn chương: “Ý thức tín ngưỡng hướng thượng<br />
khác với mê tín dị đoan. . . ý thức tín ngưỡng hướng thượng vươn lên sự cao cả. Chân lí cái đẹp, sự<br />
tuyệt đối phải là những hòn than đỏ từ trong tác phẩm của nhà văn” [3].<br />
Một điểm đáng ghi nhận nữa trong quan niệm về cái đẹp văn chương của Thiếu Sơn là ông<br />
đã chỉ ra cái đẹp có khả năng thanh lọc tâm hồn con người. Tiếp xúc với cái đẹp của văn chương,<br />
tâm hồn ta trở nên trong sáng hơn, nhạy cảm hơn; ta yêu hơn, tin ở cuộc đời, ở con người. Nếu nói<br />
66<br />
<br />
Một số quan niệm về đặc trưng văn học của Thiếu Sơn<br />
<br />
bản chất của con người là nghệ sĩ thì bản chất này sẽ được phát triển tối đa khi tiếp xúc với văn<br />
chương. Thông qua việc “phô bày khéo” cái đẹp của cuộc sống, nhà văn làm dấy lên trong từng<br />
người đọc khát vọng tự hoàn hiện mình để vươn lên chân trời của chân - thiện - mĩ. Cái đẹp của<br />
văn chương không những có tác dụng đối với người tiếp nhận mà còn đối với bản thân người sáng<br />
tác. Thiếu Sơn đã chỉ ra trong quá trình “kiếm tìm và phô diễn cái đẹp”, nhà văn đã có “một cái<br />
trạng thái linh hồn cao hơn cảnh đời thực tại”. Đó là giây phút tâm hồn nhà văn được thăng hoa;<br />
nhà văn có thể tạm quên đi những bi kịch, những đau khổ trong cuộc đời thực của mình. Hàn Mạc<br />
Tử sáng tác thơ như là một sự giải thoát khỏi những cơn đau đớn, bấn loạn cả tâm hồn lẫn thể xác.<br />
Những nhà văn như Buzacop, Paxtenac. . . đã vượt qua được những bi kịch của đời sống chỉ vì họ<br />
còn thấy niềm vui trong sáng tạo. Nói như Chế Lan Viên khi sáng tác, nhà văn không còn là người<br />
bình thường nữa mà là người mơ, người say, là yêu, là ma. . . Còn Léptônxtôi lại khẳng định thân<br />
phận nhà thơ cao hơn thận phận của chính bản thân anh ta. Chính vì thế, chúng ta không nên đồng<br />
nhất giữa tư cách nghệ sĩ và tư cách công dân của một nhà văn. Thiếu Sơn cũng đã lấy một số<br />
ví dụ để chứng minh sáng tác văn chương là một hình thức nhà văn muốn thoả nỗi khát khao mà<br />
trong cuộc đời thực anh ta không có được. Chẳng hạn Rousseau gặp nhiều mĩ nhân đáng yêu mà<br />
ông không được yêu nên ông viết ra bộ Nouvelle Holoise. Hay như Balzac, hồi mới lên Paris, còn<br />
nghèo cực phong trần; thấy những cảnh rực rỡ của kinh thành, thấy những vẻ thanh lịch của bạn<br />
gái, ông đã nuốt bao nhiêu sự thèm muốn ước ao. Nhân đó, mà ông sáng tạo ra một nhân vật có<br />
“miếng da lừa” để tận hưởng hết thảy những cái mà đời thực không làm vừa lòng ông. Như vậy, có<br />
thể nói văn chương chính là thế giới thứ hai của con người, do con người sáng tạo ra để thoả mãn<br />
những khao khát của mình.<br />
Tuy nhiên, bên cạnh những nét đúng đắn, quan niệm về cái đẹp trong văn chương của Thiếu<br />
Sơn cũng còn có những chỗ cực đoan. Ông đã tuyệt đối hoá cái đẹp trong văn học, xem “văn<br />
chương chỉ cần có một chủ nghĩa là kiếm tìm và phô diễn cái đẹp” [1;334]. Dẫu biết rằng cái đẹp<br />
là yếu tố quan trọng nhưng nó không phải là tất cả, cuộc sống này còn có biết bao nhiêu điều khác<br />
nhà văn cần phải quan tâm. Từ chỗ tuyệt đối hoá cái đẹp trong văn học, Thiếu Sơn đã đi đến chỗ<br />
cắt đứt mối quan hệ giữa văn chương với mục đích cải tạo cuộc sống, với các lĩnh vực luân lí, xã<br />
hội, chính trị, tôn giáo. Ông đã cho rằng nhà văn khi sáng tác nên khép mình lại trong tháp ngà của<br />
nghệ thuật, nên “bằng lòng trong thế giới văn chương của mĩ thuật, nên quên đi những biến động<br />
của cuộc đời; quên đi những bất công, những điều vô đạo những nỗi nhỏ nhen ti tiện của cõi đời”<br />
[1;336]. Để tăng tính thuyết phục cho ý kiến của mình, Thiếu Sơn đã kể lại câu chuyện về danh<br />
hoạ Côrot. Hồi cách mạng năm 1848, nhà danh hoạ này ngồi vẽ trên bờ sông Seine. Ông mải miết<br />
tới nỗi không nghe tiếng súng bắn đùng đùng, dạn bay qua tai. Ít ngày sau ông hỏi bạn sao không<br />
thấy vua Louis Philippe nữa. Và khi được biết là vừa có cách mạng. Corot đã thốt lên một cách đầy<br />
ngạc nhiên: “Sao vậy ? Cũng còn có kẻ không bằng lòng ư?”.<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Đề cao “tính nghệ thuật” của tác phẩm văn chương<br />
<br />
Thiếu Sơn đặc biệt đề cao “tính nghệ thuật” của tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, “tính<br />
nghệ thuật” trong quan niệm của Thiếu Sơn không phải là hình thức, là câu chữ đơn thuần mà là<br />
chất văn, chất nghệ thuật - cái làm cho tác phẩm văn chương trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.<br />
Ông nói: “Theo như sự hiểu biết của chúng tôi thì hầu hết văn học nước nào cũng đều lấy nghệ<br />
thuật là gốc” [1;329]. Thiếu Sơn đã đặt “tính nghệ thuật” trong mối quan hệ với “tính học”. Ông<br />
không có ý định phủ nhận tính “học” của nhà văn - ông xem việc đó như là một lẽ đương nhiên,<br />
không cần phải bàn cãi: “Những nhà văn phần nhiều đều phải là những nhà tự học, vì chính cái<br />
học của họ đã giúp họ đủ tri thức, đủ thông minh, đủ kinh nghiệm mà sáng tác ra được những công<br />
trình bất hủ trong văn học” [1;330]. Tuy nhiên, Thiếu Sơn khẳng định nếu nhà văn chỉ có “học”<br />
mà không có phẩm chất nghệ sĩ, không có khả năng tạo ra tính “văn chương” cho tác phẩm thì nhà<br />
67<br />
<br />
Nguyễn Thị Hải Phương<br />
<br />
văn đó cũng sẽ không có vị trí xứng đáng trên văn đàn. “Những bậc đại khoa học sĩ như Lanson,<br />
Levsault, Vianey,. . . tuy có trước tác được nhiều sách khảo cứu và giáo khoa có giá trị nhưng cái<br />
địa vị của họ trong văn học cũng chỉ là tầm thường mà thôi” [1;330].<br />
Chính vì lấy tính văn, tính nghệ thuật để làm tiêu chí đánh giá giá trị của tác phẩm văn<br />
chương nên Thiếu Sơn đã bác bỏ quan niệm của Phạm Quỳnh phân biệt văn chương thành hai loại<br />
“văn chương chơi” và “văn chương có ích. Trong bài Nhà viết tiểu thuyết, ông khẳng định: “Chủ ý<br />
của tôi là bác ba chữ “văn chương chơi” và không để người trong nước còn phân biệt văn chương<br />
chơi với văn chương có ích nữa. Vả lại làm sao lại gọi là văn chương chơi. Tại sao những thể thi ca<br />
và viết tiểu thuyết lại là những thể văn chơi. Tôi muốn đánh đổ cái quan niệm sai lầm để nâng cao<br />
giá trị của những nhà thơ và những nhà viết tiểu thuyết vì trong hết thảy văn học sử các nước hạng<br />
văn sĩ này vẫn có địa vị vẻ vang của họ” [1;346]. Thiếu Sơn đánh giá khá cao những tác phẩm<br />
thơ ca, tiểu thuyết bởi theo ông đó là những tác phẩm có sự kết hợp giữa tính có ích và tính văn<br />
chương; những tác phẩm đã phục vụ cuộc sống một cách có nghệ thuật. Thiếu Sơn đánh giá cao<br />
Kép Tư Bền chính vì bởi tài năng kết cấu tác phẩm của Nguyễn Công Hoan: “Cái đặc sắc của ông<br />
Hoan là ở chỗ ông biết quan sát những cái xung quanh mình, biết kiếm ra những chuyện tức cười,<br />
biết vẽ người bằng những cảnh ngộ nghĩnh thần tình, biết vấn đáp bằng những giọng hoạt kê lí thú<br />
và biết kết cấu nên thành những tấn bi hài kịch. . . Văn ông Hoan vừa vui, vừa hoạt, bao giờ cũng<br />
có giọng khôi hài dễ dãi với cách trào phúng sâu cay” [1;343]. Đồng thời, Thiếu Sơn cũng chỉ ra<br />
những tác phẩm văn chương của Nguyễn Bá Học, Phạm Quỳnh nói riêng và của các nhà trứ thuật<br />
lớp trước nói chung thường là thiếu tính chất văn chương: “Cụ Nguyễn viết văn chỉ rặt nói chuyện<br />
luân lí đạo đức và ông Phạm chỉ chuyên khảo cứu những học thuyết Đông Tây” [1;328]. Thiếu<br />
Sơn đã nhận thấy vì quá coi trọng mục đích phục vụ xã hội nên các tác giả này chưa có điều kiện<br />
quan tâm đến tính nghệ thuật, tính văn chương của các sáng tác của mình: “Thấy sự thay đổi của<br />
thời thế, thấy sự hèn kém của quốc gia, mỗi nhà văn đều cảm thấy mình có cái thiên chức phải làm<br />
hướng đạo cho đồng bào, phải giữ việc giáo dục cho quần chúng. Vì cái thiên chức đó mà kẻ thì lo<br />
truyền bá trí thức, người thì lo cổ động dân tâm; nhà ngôn luận lo thức tỉnh đồng bào đã đành mà<br />
khách làng thơ cũng không quên gọi hồn cố quốc. Văn học hồi đó chỉ là thứ văn học thực hành,<br />
và những tác giả hồi đó chỉ dùng văn chương làm việc cho xã hội, chứ không phải là những văn sĩ<br />
như cái quan niệm của Tây Phương” [1;329].<br />
Từ sự phân tích trên ta thấy, quan niệm đề cao tính nghệ thuật của tác phẩm văn chương<br />
của Thiếu Sơn là một quan niệm đúng đắn, sâu sắc. Quan niệm này không phải là biểu hiện của tư<br />
tưởng “hình thức chủ nghĩa” mà là thể hiện khát vọng của Thiếu Sơn muốn hướng người đọc tới<br />
phẩm chất đặc thù của văn chương. Phẩm chất đó là tiêu chí quan trọng để phân biệt văn chương<br />
nghệ thuật với các ngành khoa học khác. Cho dù tư tưởng của nhà văn có sâu sắc đến đâu, cảm<br />
xúc nhà văn có mãnh liệt, nồng nàn đến thế nào chăng nữa nhưng anh không tìm được một lối thể<br />
hiện hấp dẫn, mang tính nghệ thuật thì tác phẩm của anh cũng rất khó trong việc chinh phục người<br />
đọc. Quan điểm này rất gần với quan điểm của Hoài Thanh: “Người ta có thể đứng về phương diện<br />
xã hội để phê bình một văn phẩm, cũng như người ta có thể phê bình về phương diện triết lí, tôn<br />
giáo, đạo đức. . . Nhưng có một điều không nên quên là bao nhiêu phương diện ấy đều là phương<br />
diện phụ. Văn chương muốn gì thì gì, trước hết phải là văn chương đã” [1;142].<br />
<br />
2.3.<br />
<br />
Tính sáng tạo của văn chương trong việc “tả thực”<br />
<br />
Trước hết, ông lí giải thế nào là tả thực: “Tả thực là đem lại những sự mắt thấy tai nghe cho<br />
văn chương sách vở. Nhà cổ điển chỉ tả những cái hiện tượng đại đồng của tâm giới. Nhà lãng mạn<br />
chỉ tả những mối tình cảm mơ màng của thi nhân, còn nhà văn tả thực thì chẳng chịu bỏ sót một<br />
cái gì mà không nói đến tâm giới cũng tả mà ngoại giới cũng tả. Cả những cái mà xưa nay người<br />
ta vẫn chê là tầm thường thô tục không được nói vào văn học mà nay cũng thấy họ đem làm tài<br />
68<br />
<br />
Một số quan niệm về đặc trưng văn học của Thiếu Sơn<br />
<br />
liệu cho văn chương” [1;322]. Và Thiếu Sơn đã thực sự đánh giá cao những nhà văn chịu lặn thật<br />
sâu vào cuộc sống để tái hiện những mảnh đời chân thực, hướng tới cuộc sống của những người<br />
bình dân: “Trong phái tả thực đã có người trà trộn vào những hạng lao động thợ thuyền, luẩn quẩn<br />
ở những nơi đầu đường xó chợ, cốt để tìm tòi học hỏi cho biết cái sinh hoạt của khắp các hạng<br />
người trong xã hội. Hi sinh vì chân lí, khổ công cho văn học - những đức tính đó thật đáng quý,<br />
đáng phục vô cùng [1;322]. Và ông tin tưởng rằng “văn học của ta sẽ được hoàn toàn hơn, đầy đủ<br />
hơn nếu bình dân có địa vị trong văn học” [1;341]. “Một mai nếu có sẽ có nhiều tác giả An Nam<br />
viết được những sách có giá trị nói đến hạng lao động thợ thuyền, hạng nông phu điền dã thì văn<br />
học Việt Nam cũng sẽ bước dài trên đường tiến hoá” [1;341]. Quan niệm về hiện thực của Thiếu<br />
Sơn khá toàn diện: “Như ý tôi thì tả thực nên, nhưng phải tả hết cả sự thực chớ không nên nói cái<br />
này mà bỏ cái kia. Nhân loại không chỉ có những tụi trộm cắp, sát nhân, gian hùm xảo trá, mà còn<br />
có những người lương thiện, có bậc anh hào, có kẻ phong lưu, hảo hán, có đấng nghĩa trượng phu”<br />
[1;323]. Với một cái nhìn sắc sảo, ông đã không đồng tình với việc “những nhà văn tả thực thường<br />
có ý muốn phô trương những cái xấu hơn cái tốt, đem bề trái của xã hội mà vẽ ra hơn là đem bề<br />
mặt của nó mà diễn” [1;322].<br />
Trong khi bàn về đặc trưng phản ánh hiện thực của văn học, Thiếu Sơn đã chỉ ra tính sáng<br />
tạo của nhà văn trong việc miêu tả hiện thực. Ông ý thức được sự không trùng khít, không đồng<br />
nhất giữa sự thực ngoài đời sống và sự thực văn chương. Ông khẳng định: “Từ cái sự thực ở thực tế<br />
đến cái sự thực văn chương vẫn còn nhiều điều khác nhau nữa” [1;351]. Sự thực cuộc sống chỉ có<br />
thể trở thành sự thực nghệ thuật khi nó thấm đẫm cảm xúc tư tưởng của nhà văn: “Tuy đã có núi<br />
non, đã có cây cối, có dòng nước bạc, có chiếc thuyền con, đủ cả những nét vẽ phong cảnh thiên<br />
nhiên nhưng nếu cái cảnh đó không có ảnh hưởng gì đến tâm hồn văn sĩ, hoặc văn sĩ đã quên không<br />
nói đến những cảm tưởng của mình thì cái bức tranh đó nào đã được hoàn toàn? Sự thực nào đã<br />
đầy đủ?” [1;351]. Nhà văn có một vai trò vô cùng quan trọng trong vệc phản ánh hiện thực: “Nhà<br />
văn sĩ tả chân chẳng phải chỉ là một anh thợ vẽ có tài mà còn phải biết tâm lí, biết lịch sử và có một<br />
tâm hồn thi sĩ nữa kia” [1;352]. Nhà văn không chỉ biết bám lấy hiện thực mà phải biết “mộng”<br />
nữa. “Lấy mộng làm thực thì không nên nhưng nếu cái mộng đã gây nên bởi sự thực chính là để<br />
bổ túc vào cho sự thực, như hình với bóng, nhà hoạ sĩ không thể nào vẽ hình mà không bỏ bóng<br />
được” [1;352]. Nhà văn phải có một năng lực tưởng tượng hư cấu diệu kì: “Tưởng tượng những<br />
cái hoang đường phi lí tuy không phù hợp với thời đại bây giờ nhưng nếu biết quan sát sự thực rồi<br />
tưởng tượng đến những cái không thể quan sát được thì ta mới thấu triệt và ý hội được nhiều sự<br />
thực thăng trầm cảm động biết bao nhiêu” [1;352]. Chính vì sự thực trong nghệ thuật là sự thực<br />
mang đậm tính quan niệm nên nó có màu sắc riêng, thời gian riêng, không gian riêng. Theo Thiếu<br />
Sơn “cái sự thực ở văn chương còn bao la rộng rãi hơn cái sự thực ở thực tế nhiều” [1;351]. Bởi vì<br />
“đã có sự thực hữu hình thì cũng phải có sự thực vô hình, có sự thực hiện tại thì có sự thực đã qua,<br />
có sự thực mở mắt mà nhìn thì cũng có sự thực nhắm mắt mà cảm” [1;352].<br />
Điểm qua như vậy để ta thấy quan niệm về văn học phản ánh hiện thực của Thiếu Sơn là<br />
một quan niệm sâu sắc, đúng đắn. Nếu thừa nhận văn học là một hình thái ý thức thì việc phản<br />
ánh hiện thực của văn học là một quy luật, một thuộc tính. Dẫu biết rằng sáng tác văn học trước<br />
hết là một hành động tự giải toả, tự bộc lộ những “phún thạch tình yêu và những trận động đất tâm<br />
hồn” của người nghệ sĩ nhưng sẽ chẳng là gì nếu những tình cảm đó của anh không liên quan gì<br />
đến cuộc sống. Không ai phủ nhận yếu tố thăng hoa, xuất thần trong sáng tạo nghệ thuật nhưng<br />
những trạng thái tinh thần này cũng chỉ có thể có được khi ấn tượng về cuộc sống của anh đạt đến<br />
độ sâu sắc, chín muồi. Có thể khẳng định sự thật cuộc sống chính là nguồn cội để nhà văn xây<br />
dựng nên “sự thật nghệ thuật”. Mà sự thực cuộc sống đúng như quan niệm của Thiếu Sơn là muôn<br />
màu, muôn vẻ, nó đa dạng phong phú vô cùng - nó có trắng có đen; tốt - xấu; thiện - ác. . . Chính<br />
vì thế, nhà văn phải có cái nhìn bao quát toàn diện để có thể đưa vào tác phẩm của mình cái hiện<br />
69<br />
<br />