intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số vấn đề về việc áp dụng khoa học - công nghệ vào giảng dạy triết học Mác - Lênin trong giai đoạn hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Để tạo ra sự chuyển biến về chất trong giảng dạy triết học Mác - Lênin trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cùng những ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi cần có những bước thay đổi của đội ngũ làm công tác giảng dạy lý luận chính trị cả về nội dung và phương pháp theo hướng tích cực, thiết thực và hiệu quả. Bài viết trình bày một số vấn đề về việc áp dụng khoa học - công nghệ vào giảng dạy triết học Mác - Lênin trong giai đoạn hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số vấn đề về việc áp dụng khoa học - công nghệ vào giảng dạy triết học Mác - Lênin trong giai đoạn hiện nay

  1. 258 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VIỆC ÁP DỤNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀO GIẢNG DẠY TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY ThS. Phan Thị An Phú(1) TÓM TẮT: Để tạo ra sự chuyển biến về chất trong giảng dạy triết học Mác - Lênin trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cùng những ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi cần có những bước thay đổi của đội ngũ làm công tác giảng dạy lý luận chính trị cả về nội dung và phương pháp theo hướng tích cực, thiết thực và hiệu quả. Vì vậy, việc áp dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, triết học Mác - Lênin nói riêng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập lý luận trong giai đoạn hiện nay. Từ khóa: Khoa học - công nghệ, giảng dạy triết học Mác - Lênin. ABSTRACT: To create a qualitative change in the teaching of Marxism - Leninism philosophy in the face of the trend of globalization, international integration and strong influences from the Fourth Industrial Revolution, it is necessary to take steps to change. of the teaching staff of political theory in terms of both content and methods in a positive, practical and effective manner. Therefore, the application of science and technology to the teaching of Marxism - Leninism theory in general and Marxism - Leninism in particular contributes to improving the quality of theoretical teaching and learning in the current period. Keywords: Sicience - technology; teaching philosophy of Marxism - Leninism. 1. Đặt vấn đề Thế giới bắt đầu bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ đầu thế kỷ XXI. Khác với những thế kỷ trước, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có sự 1. Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh.
  2. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 259 hợp nhất về mặt công nghệ, từ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực (vật lý, kỹ thuật số và sinh học) với sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã nghiên cứu, ứng dụng, phát triển những thành tựu về khoa học - công nghệ và xem đó là một đặc trưng, xu hướng phát triển hàng đầu nhằm gia tăng trình độ phát triển. Khoa học thế kỷ XXI trở thành động lực quan trọng cho phát triển công nghệ, dẫn đến mối quan hệ khoa học và công nghệ ngày càng khăng khít, thâm nhập vào các lĩnh vực khác nhau ở quy mô, tốc độ nhanh chóng. Với tư cách là môn khoa học gắn liền với thực tiễn, có tính chính trị - xã hội cao nên việc áp dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy triết học Mác - Lênin là tất yếu khách quan. Điều đó đòi hỏi những cán bộ, giảng viên giảng dạy phần học này cần phải chủ động thích ứng để chuyển đổi linh hoạt phù hợp với yêu cầu của tình hình mới nhằm đáp ứng nhu cầu của người học với thực tiễn đã, đang đặt ra ở giai đoạn hiện nay. 1.1. Mối quan hệ biện chứng giữa khoa học - công nghệ và giảng dạy triết học Mác - Lênin Việt Nam tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện khoa học - công nghệ trên thế giới diễn ra ngày càng mạnh mẽ chưa từng có, các nước đang trong xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa. Phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ là một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình phát triển đất nước. Việc ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ tạo nên những bước đột phá trong cả nông nghiệp; công nghiệp; khai thác tốt những tiềm lực vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống người dân. Nền kinh tế của một đất nước chỉ có thể phát triển nhanh, bền vững khi dựa vào khoa học - công nghệ. Đồng thời, muốn chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt các thời cơ, bắt nhịp cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì phải phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Vì thế, việc vận dụng thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói chung và tác động hoạt động giảng dạy triết học Mác - Lênin nói riêng mang tính tất yếu khách quan trong giai đoạn hiện nay. Khoa học - công nghệ và hoạt động giảng dạy triết học Mác - Lênin có mối quan hệ thống nhất, tác động và chuyển hóa lẫn nhau. Ứng dụng các thành tựu mới của khoa học - công nghệ sẽ là điều kiện, cơ sở để thiết lập nền tảng kỹ thuật hiện đại, đa dạng giúp hoạt động giảng dạy diễn ra linh hoạt, năng động. Những yếu tố thuộc về công nghệ sẽ góp phần đem lại cho hoạt động giảng dạy triết học Mác - Lênin mới với tính chất hiện đại, thông minh, tốc độ, hiệu quả hơn và giảm thiểu chi phí hơn so với cách thức truyền thống. Giảng viên với sự hỗ trợ bởi các thiết bị, công cụ giảng dạy thông minh giúp không gian học tập được mở rộng, nguồn tài liệu
  3. 260 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA và thông tin được đa dạng hóa tạo điều kiện thuận tiện cho người học tiếp cận không gian ảo khi tham gia học tập. Big data giúp xây dựng, lưu trữ kho cơ sở dữ liệu đồ sộ có thể cung cấp nhiều tài liệu nghiên cứu trước khi lên lớp để người học tự học, tiếp cận những tài liệu khác nhau mọi lúc mọi nơi để bổ sung, làm rõ những nội dung về bài giảng được giảng viên cung cấp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp. Với tâm thế thoải mái, tiện dụng sẽ giúp người học đón nhận kiến thức tốt hơn, nâng cao chất lượng học tập lý luận. Công nghệ thông tin giúp giảng viên có cơ hội áp dụng những phương pháp giảng dạy mới ở trực tuyến E-learning, dạy học bằng ứng dụng thực tế ảo, lồng ghép, giới thiệu những dẫn chứng trực quan, sinh động cho bài giảng bằng hình ảnh 3D, video, clip,... Hoạt động soạn bài giảng điện tử làm giảm thiểu thời gian cũng như có thể hoàn chỉnh, chỉnh sửa, bổ sung thêm những vấn đề mới sau mỗi bài giảng, đồng thời thiết kế bài giảng dạng các chuyên đề, sát hơn với thực tiễn. Khi ứng dụng tốt kinh tế số vào giảng dạy thì đồng nghĩa cũng sẽ đổi mới các khâu khác từ cách ra đề thi cuối môn học, cách đánh giá kết quả học tập. Khoảng cách thực được rút ngắn nên đội ngũ giảng viên ở các đơn vị, các cơ quan khác nhau có thể chia sẻ, học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm giảng dạy trong bối cảnh mới nhanh chóng, thuận lợi. Bên cạnh những tác động của khoa học - công nghệ đến lĩnh vực giảng dạy triết học Mác - Lênin thì quá trình giảng dạy triết học Mác - Lênin cũng có sự tác động trở lại đối với khoa học - công nghệ. Đây là lĩnh vực trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nên nguồn nhân lực chất lượng cao, vì vậy cần tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. Triết học Mác - Lênin là môn khoa học gắn liền với thực tiễn vì nó xuất phát từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ cho hoạt động thực tiễn. Chính vì thế, với hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới và vai trò của con người trong thế giới đó của triết học, sẽ đem đến cho con người cái nhìn tổng thể, chỉ ra cái bản chất nhất cũng như quy luật vận động, phát triển của nó. Dựa trên thế giới quan duy vật, phương pháp biện chứng của triết học sẽ giúp cho định hướng hoạt động nhận thức, hoạt động thực tiễn của con người có hiệu quả hơn. Để từ đó, góp phần tích cực vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nắm bắt xu thế hội nhập, phát triển của quốc tế hóa, toàn cầu hóa nên hoạt động giảng dạy triết học đã chú trọng đầu tư xây dựng các nền tảng số để thực hiện nội dung lý luận trên nền tảng công nghệ mới. Do đó, đặt ra yêu cầu phải thay đổi tư duy của cán bộ quản lý và nội dung, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Giảng viên cần phải thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang biết chọn lọc và tập hợp kiến thức để xây dựng được chương trình, giáo án; đặc biệt phải làm sao cá thể hóa tới từng học viên. Đội ngũ giảng viên giảng dạy triết học sẽ tập trung vào việc tạo giá trị tăng thêm trên nền tảng công nghệ, để phát huy năng lực, hiệu quả giảng dạy. Điều cốt lõi giảng viên
  4. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 261 cần nắm vững trong quá trình giảng dạy là tạo được sự cân đối, hài hòa giữa nội dung và phương pháp giảng dạy triết học. Đồng thời cần hình thành, xác lập một số hình thức, biện pháp nhằm thúc đẩy người học tự hoạt động một cách năng động, sáng tạo. Thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy phần triết học Mác - Lênin, đã rút ra được một số vấn đề cơ bản của quy luật cơ bản, những định hướng lớn phát triển đất nước trong xu thế hội nhập. Và làm nổi bật được sự vận dụng sáng tạo lý luận triết học Mác - Lênin ở Việt Nam giai đoạn hiện này cũng như những giai đoạn tiếp theo. 1.2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy triết học Mác - Lênin thông qua vận dụng khoa học công nghệ Sự phát triển khoa học - công nghệ bên cạnh những ưu thế, những điểm mạnh thì nó cũng đem lại những mặt trái, tác động không nhỏ đến lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Các thế lực thù địch chống phá đang lợi dụng tính chất mở, đa dạng trong không gian mạng có sự đa dạng để thực hiện mục tiêu chống phá, gây rối chính trị,... hòng chống phá Đảng và Nhà nước ta. Một trong những nội dung mà chúng tập trung chống phá đó là ra sức phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên các ứng dụng như Facebook, Youtube, Zalo,... có nhiều tin, bài viết cho rằng những vấn đề mà các nhà kinh điển đưa ra từ thế kỷ XIX đã không phù hợp với thời đại ngày nay nên cần xóa bỏ, thay thế bằng học thuyết mới. Những vấn đề cốt lõi của triết học Mác - Lênin như chủ nghĩa duy vật lịch sử, lý luận hình thái kinh tế - xã hội đã mất đi tính cách mạng, tính khoa học. Sự đổi thay của thực tiễn đặt ra nhiệm vụ cho cán bộ, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói chung, giảng dạy triết học Mác - Lênin nói riêng cần phải có sự thay đổi để đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển đất nước hiện nay. Việc lồng ghép nội dung đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng vào trong quá trình lên lớp, nghiên cứu khoa học của mỗi giảng viên triết học Mác - Lênin góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Ứng dụng hiệu quả thành tựu công nghệ vào giảng dạy cũng là cách để người thầy tận dụng được những lợi thế từ các phương tiện truyền thông mới, không gian mạng để phản bác lại thủ đoạn của thế lực thù địch chống phá. Thực hiện bài giảng triết học Mác - Lênin hiệu quả, hấp dẫn phải đáp ứng được yêu cầu trình bày một cách có hệ thống những kiến thức cơ bản về triết học Mác - Lênin vừa làm rõ mối quan hệ biện chứng, rút ra được bài học ý nghĩa phương pháp luận nhằm chỉ đạo hoạt động nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn. Mục tiêu giúp học viên nắm được kiến thức lý luận cơ bản nhằm vận dụng vào trong hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ sở một cách hiệu quả nhất và củng cố niềm tin vào sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi người giảng viên trong quá trình giảng dạy triết học Mác - Lênin cần quan tâm một số vấn đề cơ bản sau: Thứ nhất, cần nắm vững đối tượng nghiên cứu của triết học Mác - Lênin Nếu các khoa học khác coi một phương diện nào đó của hiện thực là đối tượng nghiên cứu của mình, thì triết học cố gắng nắm bắt toàn bộ hiện thực trong sự thống nhất
  5. 262 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA của nó. Nét đặc trưng của triết học là quan niệm cho rằng thế giới có sự thống nhất nội tại. Nghĩa là tính thực tại của thế giới với tư cách một chỉnh thể - đó là nội dung đặc trưng của triết học. Triết học Mácxít xác định đối tượng nghiên cứu của mình là tiếp tục giải quyết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức trên lập trường duy vật triệt để và nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Đây là môn khoa học triết học mở, phát triển cùng với sự phát triển của khoa học, thực tiễn xã hội và nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Thông qua việc nghiên cứu thế giới bằng phương pháp đặc thù của triết học khác với những môn khoa học cụ thể khác để xem xét thế giới như một chỉnh thể và tìm cách đưa ra một hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù. Điều đó được triết học Mác - Lênin thực hiện bằng cách tổng kết toàn bộ lịch sử của các môn khoa học, lịch sử của triết học. Triết học là môn khoa học diễn tả thế giới quan bằng lý luận. Triết học Mác - chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử là hình thức. Như vậy, công tác giảng dạy triết học Mác - Lênin vừa phải tuân thủ những vấn đề có tính nguyên tắc về phương pháp luận triết học, dựa vào đối tượng nghiên cứu của môn học để có hướng tiếp cận, lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp truyền đạt phù hợp. Nhiệm vụ trước tiên của giảng viên triết học Mác - Lênin là phải truyền đạt cho học viên những kiến thức cơ bản của những nguyên lý quy luật, phạm trù của triết học Mác - Lênin. Thứ hai, cần nhận thức rõ chức năng, vai trò của triết học Mác - Lênin Vai trò của triết học trong đời sống xã hội được thể hiện qua chức năng của triết học. Triết học có hai chức năng cơ bản là chức năng thế giới quan và phương pháp luận. Thế giới quan có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống con người và xã hội loài người. Những vấn đề được triết học đặt ra, đi tìm câu trả lời trước hết là những vấn đề thuộc về thế giới quan. Thế giới quan là hệ thống quan niệm về thế giới, về bản thân con người và vị trí của con người trong thế giới đó. Thế giới quan triết học có chức năng định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Từ đó, con người sẽ nhìn nhận thế giới, về mình để xác định mục đích, ý nghĩa cuộc sống, lựa chọn cách hoạt động để đạt mục đích. Thế giới quan đúng đắn là tiền đề cho nhân sinh quan tích cực vì vậy, trình độ phát triển của thế giới quan là tiêu chí về sự trưởng thành của cá nhân và cộng đồng. Từ đó, góp phần hình thành lập trường cách mạng, cách nhìn khoa học về thế giới, đủ khả năng nhận biết và giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống. Triết học diễn tả thế giới quan dưới dạng hệ thống các phạm trù, nguyên lý, quy luật; làm cho thế giới quan phát triển như một quá trình tự giác dựa trên sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tri thức do các khoa học đưa lại. Phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là hệ thống quan điểm, nguyên tắc xác định phương pháp, phạm vi ứng dụng phương pháp, v.v.. cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Phương pháp luận của triết học có chức năng đem lại cho
  6. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 263 chủ thể phương pháp xem xét, nhận thức và cải tạo thế giới. Triết học Mácxít có sự thống nhất giữa thế giới quan duy vật và phương pháp biện chứng. Do đó, triết học với hai chức năng thế giới quan và phương pháp luận đã tạo nên cơ sở trí tuệ, thiết lập niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa; cơ sở khoa học cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn đang đặt ra. Triết học Mác - Lênin là một giai đoạn phát triển của tư duy triết học trong lịch sử nhân loại. Vai trò của triết học Mác - Lênin được thể hiện trong hoạt động nhận thức và hoạt động lý luận. Sự thống nhất giữa lý luận và phương pháp trong triết học Mác - Lênin làm cho chủ nghĩa duy vật trở nên triệt để, phép biện chứng trở thành lý luận khoa học và nhờ đó triết học Mácxít có khả năng nhận thức đúng đắn cả tự nhiên, xã hội, tư duy con người. Việc nắm vững kiến thức triết học Mác - Lênin giúp học viên tiếp nhận một thế giới quan khoa học, xác định một phương pháp luận đúng đắn. Ngoài vai trò quan trọng đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn thì triết học Mác - Lênin còn có sự gắn bó với những khoa học khác. Triết học Mác - Lênin và các khoa học khác có mối quan hệ biện chứng với nhau. Các khoa học cụ thể đem lại dẫn chứng, tư liệu để triết học rút ra những kết luận mà những kết luận đó mang lại thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn cho sự phát triển của các môn khoa học cụ thể. Sự gắn bó, tác động qua lại giữa triết học Mác - Lênin và các khoa học khác làm cho lý luận của triết học bớt cứng nhắc, lạc hậu; làm cho sự phát triển của các khoa học không mất phương hướng và đạt được những thành quả nhất định, nhất là ở giai đoạn khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Đồng thời, triết học Mác - Lênin giúp cho con người phát huy tính tự giác trong quá trình trau dồi phẩm chất chính trị, tinh thần và năng lực tư duy sáng tạo để đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế hội nhập hiện nay. Vai trò của người giảng viên trong việc giới thiệu, định hướng cho học viên về chức năng, vai trò của triết học Mác - Lênin rất quan trọng. Khi người học nắm rõ chức năng, vai trò của triết học Mác - Lênin sẽ góp phần hình thành nên thái độ học tập đúng đắn, ý thức của học viên từ đó phát huy được tính chủ động, tích cực, tự giác trong học tập cũng như khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Thứ ba, cần kết hợp linh hoạt phương pháp giảng dạy triết học Mác - Lênin truyền thống kết hợp phương pháp giảng dạy hiện đại Phương pháp giảng dạy trước đây chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình với vai trò chủ đạo là người thầy. Phương pháp thuyết trình là cách truyền đạt một khối lượng kiến thức lớn ở trong thời gian ngắn, tương tác một chiều, ở lớp học có khối lượng học viên đông. Tuy nhiên, phương pháp này khiến cho người học chỉ thụ động tiếp nhận kiến thức, không có sự tương tác với người giảng. Thời gian sau này,
  7. 264 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA đưa phương pháp lấy người học làm trung tâm, một mặt vẫn sử dụng phương pháp thuyết trình mặt khác kết hợp với các thiết bị dạy học hiện đại. Giảng dạy hiện nay thay đổi theo hướng lấy người học làm trung tâm, đã có những thay đổi tích cực khi góp phần phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động trong học tập của người học. Điều đó đặt ra yêu cầu với giảng viên là cần kết hợp một cách khoa học, linh động giữa vai trò định hướng, điều khiển của giảng viên cùng vai trò tự giác, tích cực, chủ động sáng tạo học tập, nghiên cứu của học viên. Giảng viên nêu vấn đề, đặt tình huống liên quan đến nội dung bài học còn học viên trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề, tình huống đã nêu theo hướng tiếp cận của mình. Cuối cùng, người giảng viên cần phải tổng hợp được các ý kiến đã phát biểu, nêu ra nhận xét và tổng kết lại những vấn đề chính của bài học. Điều đó, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải có năng lực tiếp cận, làm chủ công nghệ giảng dạy trực tuyến kết hợp với phương pháp giảng dạy truyền thống. Lựa chọn phương pháp phù hợp nội dung bài giảng, phù hợp dung lượng thời gian và đúng đối tượng học viên là những yếu tố góp phần tạo nên thành công của bài giảng triết học Mác - Lênin. Mỗi lớp học có nhiều đối tượng theo học khác nhau nên đa dạng về độ tuổi, địa vị, chuyên môn khác nhau, giảng viên cần định hướng, chỉ dẫn cho người học nhận thức được động cơ, mục đích, thái độ học tập, nghiên cứu đúng đắn, nghiêm túc. Người học thể hiện được tính tích cực, tự giác, năng động của mình, hình thành thói quen học tập suốt đời. Ngoài việc giới thiệu những nội dung chính, người giảng viên chú ý nắm bắt những đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh gia đình, lĩnh vực công tác của từng học viên trong quá trình học tập; kích thích được sự tự giác, chủ động, sáng tạo của học viên; tạo điều kiện tốt nhất cho học viên có thể tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của mình chính xác, sát thực nhất. Làm được những điều đó thì người thầy mới hỗ trợ người học tự định hình phương pháp tự học, tự nghiên cứu hiệu quả nhất. Thứ tư, có sự kết hợp giảng dạy lý luận với những vấn đề thực tiễn nhằm lý giải đáp những vấn đề thực tiễn cơ sở đang đặt ra Khi đi vào giảng những nguyên lý, quy luật, phạm trù triết học cụ thể thì giảng viên cũng phải lấy được ví dụ cụ thể, có tính chất điển hình, mang dấu ấn thời sự. Từ việc lựa chọn những tình huống, những sự kiện đang diễn ra mang tính cụ thể, thời sự sẽ thu hút sự quan tâm từ người học chú ý lắng nghe và tham gia đóng góp ý kiến. Đây là cách để người giảng viên gợi mở vấn đề, định hướng nội dung và phát huy được tính tích cực của người học. Giảng dạy những nội dung lý luận chính trị đến đâu, giảng viên có thể viện dẫn được minh chứng cụ thể, chính xác đến đó, giúp người học dễ hiểu, dễ ghi nhớ, dễ vận dụng. Đó là cách để người làm công tác giảng dạy đưa kiến thức lý luận gần với cuộc sống, dùng kiến thức lý luận giải đáp những vấn đề thực tiễn đang diễn ra. Điều này đòi hỏi người giảng viên phải có phông kiến thức nhất định, nắm bắt được thực tiễn, biết kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của chủ trương, đường lối của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
  8. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 265 Trong từng bài giảng cụ thể cần dành một thời lượng phù hợp cho việc phân tích kinh nghiệm, bài học, ý nghĩa khoa học và thực tiễn để góp phần làm sáng tỏ những vấn đề có tính quy luật đã, đang diễn ra thường ngày. Những tin tức được đưa ra từ các kênh truyền thông nay được giảng viên lý giải dưới góc nhìn triết học Mác - Lênin sẽ có tính khoa học, tính thuyết phục, hiệu quả cao. Đây cũng là hoạt động nhằm định hướng cho học viên nghiên cứu, xác định lập trường, tư tưởng để có thể chủ động, giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống, công việc dựa trên thế giới quan duy vật và phương pháp biện chứng. Nhận thức là một quá trình phức tạp, lâu dài với sự phản ánh vào ý thức về thế giới xung quanh. Vì thế, dạy và học triết học Mác - Lênin không nên theo lối khép kín mà nên theo cách mở, được lí giải minh họa bằng thực tiễn sinh động và thẩm thấu lý luận một cách hệ thống. Căn cứ vào thực tiễn xã hội hiện đại, bổ sung, phát triển những luận điểm còn nguyên giá trị, phù hợp tình hình mới và chỉ ra những luận điểm đã lạc hậu với điều kiện mới. Thứ năm, mỗi giảng viên giảng dạy triết học phải không ngừng nỗ lực học tập, tự nâng cao trình độ nhận thức của mình Suy cho cùng, vai trò của người giảng viên giảng dạy triết học Mác - Lênin có vai trò quyết định đến chất lượng bài giảng. Giảng viên phải hội tụ đủ các yếu tố từ năng lực, trình độ cho đến phẩm chất của người giảng viên trường chính trị mới có thể nâng cao chất lượng bài giảng, phát huy tốt vai trò của người học. Để thực hiện một bài giảng triết học Mác - Lênin có chất lượng đòi hỏi người giảng viên cần phải nắm vững, nắm chắc kiến thức toàn bộ phần học này. Lâu nay, vẫn có hình thức giảng viên giảng dạy theo sự phân công từng chuyên đề. Điều đó sẽ tạo ra tính chuyên môn hóa cao những cũng có những hạn chế là chỉ chuyên sâu về phần đó nhưng lại hơi yếu về phần khác. Cần lưu ý rằng kiến thức triết học Mác - Lênin có mối quan hệ thống nhất giữa các bài học nên nếu như chỉ chuyên về những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng mà không nắm vững nội dung những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử và ngược lại thì khi giảng dạy sẽ thiếu tính hệ thống về nội dung, bị động về tâm lý, rời rạc về phương pháp giảng dạy. Trong khi đó, đối tượng người học đã tiếp xúc, nghiên cứu triết học khá đầy đủ ở những chương trình khác trước đây. Bởi thế, giảng viên cần có kiến thức cả về chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Kiến thức mỗi phần học có mối quan hệ qua lại, thống nhất và chuyển hóa cho nhau chứ không rời rạc, tách biệt. Đồng thời, khi giảng viên cần thường xuyên tự cập nhật, bổ sung cho mình những kiến thức từ các môn lý luận chủ nghĩa Mác, những kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội,... sẽ giúp cho họ khối kiến thức đa dạng minh họa làm cho bài giảng lôi cuốn hơn. Dựa vào đó, giảng viên sẽ biết đưa ra những minh chứng khác nhau phù hợp với từng đối tượng người học, sẽ làm chủ được những tình huống
  9. 266 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA có thể diễn ra trong buổi học. Bởi vậy, mỗi người giảng viên phải không ngừng học hỏi, rèn luyện, trang bị tri thức nền tảng và cần tăng cường thâm nhập thực tế cơ sở, nghiên cứu khoa học để phục vụ cho công tác giảng dạy. Mặt khác, hoạt động nghiên cứu khoa học như tham gia các đề tài khoa học, viết nội san, tạp chí và bổ sung kiến thức thực tiễn cũng là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng giảng dạy phần học triết học Mác - Lênin. 2. Kết luận Nâng cao chất lượng của việc giảng dạy triết học Mác - Lênin chỉ đạt được khi có sự kết hợp hài hòa cả yếu tố chủ quan và điều kiện khách quan. Vì lẽ đó, cần thường xuyên thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy cũng như quá trình học tập một cách năng động, sáng tạo, tích cực. Việc gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy triết học Mác - Lênin sẽ là động lực quan trọng. Như vậy, chúng ta sẽ dần từng bước tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, toàn diện cả thể chất, đạo đức và tài năng, vững vàng về ý chí, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021. 3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Triết học Mác - Lênin (Dùng cho hệ đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2019. 4. V.I.Lênin: Toàn tập, tập 38, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005. 5. Viện Triết học, Quan điểm duy vật lịch sử trong các tác phẩm của C.Mác - Ph.Ăngghen - V.I.Lênin và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2019.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2