intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nâng cao hiệu quả lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật

Chia sẻ: Nguyen CCC | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:22

144
lượt xem
23
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong những năm qua, chúng ta vừa thực hiện, vừa tìm tòi cách làm mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực tiễn ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy phổ biến, giáo dục pháp luật là công việc chung của toàn xã hội, cần đa dạng về hình thức hoạt động, chủ thể thực hiện, phù hợp với từng giai đoạn, từng đối tượng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nâng cao hiệu quả lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật

  1. Nâng cao hiệu quả lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật Trong những năm qua, chúng ta vừa thực hiện, vừa tìm tòi cách làm mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực tiễn ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy phổ biến, giáo dục pháp luật là công việc chung của toàn xã hội, cần đa dạng về hình thức hoạt động, chủ thể thực hiện, phù hợp với từng giai đoạn, từng đối tượng. Trong đó, hoạt động tư vấn pháp luật là một kênh không thể thiếu để hỗ trợ và lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả. I. Mối quan hệ giữa tư vấn pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật 1. Tư vấn pháp luật 1.1. Phạm vi hoạt động tư vấn pháp luật Hoạt động tư vấn pháp luật hiện nay thường bao gồm các công việc sau đây: - Hướng dẫn, giải đáp pháp luật; - Tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý; - Tư vấn và soạn thảo đơn, hợp đồng và các giấy tờ pháp lý khác; - Cung cấp các văn bản pháp luật, thông tin pháp luật. Ở mức độ đơn giản, tư vấn pháp luật có thể hiểu là việc trả lời các câu hỏi về một vấn đề pháp luật, hướng dẫn áp dụng quy định của một điều luật, một văn bản pháp luật hoặc cung cấp thông tin, văn bản pháp luật có liên quan khi được yêu cầu. Ở mức độ cao hơn, người thực hiện tư vấn pháp luật phải sử dụng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm của mình để đưa ra các phương án, đưa ra lời khuyên giúp khách hàng lựa chọn một hướng giải quyết đúng đắn.
  2. 1.2. Người thực hiện tư vấn pháp luật Tư vấn pháp luật là hoạt động chuyên môn đòi hỏi người thực hiện tư vấn pháp luật phải có đủ các tiêu chuẩn nhất định. Luật sư, tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên pháp luật phải là những người có kiến thức pháp luật, kỹ năng và kinh nghiệm tư vấn, đồng thời phải tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, tận tâm, nhiệt tình và chịu trách nhiệm cá nhân đối với hoạt động tư vấn pháp luật của mình. Hiện có hai mô hình phổ biến, đó là: - Tư vấn pháp luật của luật sư theo quy định của Luật Luật sư năm 2006 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007): hoạt động này mang tính chuyên nghiệp, có thu thù lao hoặc phí dịch vụ. - Tư vấn pháp luật do các tổ chức đoàn thể xã hội thực hiện theo quy định của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật. Hoạt động này được thực hiện thông qua các Trung tâm tư vấn pháp luật, mang tính chất xã hội và không nhằm mục đích thu lợi nhuận, do các tổ chức đoàn thể tự trang trải toàn bộ hoặc được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Khác với hoạt động trợ giúp pháp lý của Nhà nước là giúp đỡ pháp lý miễn phí, mọi chi phí liên quan do nhà nước chi trả. 1.3. Người được tư vấn pháp luật thường rất đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, bao gồm: - Khách hàng của luật sư: từ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đến cơ quan nhà nước đều có thể được luật sư cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật và thông thường phải trả thù lao cho luật sư. - Thành viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (công đoàn viên, người lao động, nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh…) chiếm phần đông dân cư trong xã hội, chủ yếu là được tư vấn pháp luật miễn phí.
  3. - Người nghèo, đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật. - Các doanh nghiệp, tổ chức và đối tượng khác: ngoài đối tượng được hưởng chính sách xã hội nói trên, các Trung tâm tư vấn pháp luật của các tổ chức đoàn thể còn thực hiện tư vấn pháp luật đối với doanh nghiệp, cá nhân khác khi có yêu cầu và thu phí thấp hơn so với các tổ chức hành nghề luật sư. 1.4. Mục đích, ý nghĩa của hoạt động tư vấn pháp luật - Tư vấn pháp luật cung cấp cho cá nhân, tổ chức những hiểu biết pháp luật ở mức cơ bản, phổ thông về một vấn đề nhất định, giúp họ hiểu rõ vị thế, quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong một quan hệ pháp luật cụ thể. Kết quả của hoạt động tư vấn pháp luật là lời khuyên, ý kiến pháp lý bằng miệng hoặc bằng văn bản. Đó là những giải pháp cụ thể, hữu ích giúp đối tượng được tư vấn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. - Tư vấn pháp luật mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Bởi vì, tư vấn pháp luật giúp định hướng hành vi ứng xử của các cá nhân, tổ chức theo khuôn khổ pháp luật và quy tắc đạo đức. Đồng thời, nó còn góp phần hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột liên quan đến quyền, lợi ích, góp phần giảm thiểu các tranh chấp, giảm bớt tình trạng khiếu kiện tràn lan, kéo dài do người dân hiểu pháp luật không đúng hoặc không đầy đủ. - Tư vấn pháp luật còn góp phần giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, của tổ chức và công dân; phát hiện những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, kịp thời hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn. Khi có nhu cầu về giải đáp pháp luật, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, người dân đã tin cậy và thường xuyên tìm đến các tổ chức giúp đỡ pháp lý sau đây: Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước, Trung tâm tư vấn pháp luật, Văn phòng luật sư/Công ty luật. Ngoài các Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước, người dân khá yên tâm khi tìm đến Trung tâm tư vấn pháp luật của các tổ chức đoàn thể. Bởi lẽ, đây là cơ sở tư vấn pháp luật trực thuộc các tổ chức của quần chúng, là nơi họ có thể trình bày tường tận hoàn cảnh,
  4. tâm tư, nguyện vọng của mình, tin tưởng vào chính sách của tổ chức cũng như mong được đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ dù là thành viên hoặc không phải là thành viên của tổ chức. 2. Tư vấn pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật Tư vấn pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thông qua quá trình thực hiện các công việc cụ thể của hoạt động tư vấn pháp luật, thì các mục tiêu[1] và nội dung chính của phổ biến, giáo dục pháp luật đồng thời cũng được triển khai, lồng ghép: - Cung cấp thông tin, văn bản pháp luật, tài liệu pháp lý cho cá nhân, tổ chức: Trước khi đưa ra một lời khuyên hay các giải pháp để khách hàng lựa chọn, người tư vấn thường phải đưa ra những thông tin pháp lý cơ bản, văn bản pháp luật trực tiếp điều chỉnh về vấn đề đó hoặc nội dung chính sách, pháp luật khác có liên quan nhiều nhất. Nhờ vậy, đối tượng đến yêu cầu tư vấn không chỉ hiểu được cụ thể chính sách, quy định pháp luật về chính vấn đề mình cần mà còn có thể tham khảo thông tin liên quan một cách tổng thể, đôi khi rộng hơn hoặc sâu hơn về vấn đề mình cần tìm hiểu. - Giải đáp pháp luật cho cá nhân, tổ chức giúp cho đối tượng được tư vấn hiểu về quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các quan hệ pháp luật trên cơ sở quy định của pháp luật: Việc tư vấn thường đòi hỏi phải đặt ra các câu hỏi và trả lời từng câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề cần giải quyết. Vì vậy, người tư vấn cũng phải đưa ra lời giải thích, giải đáp cặn kẽ, bám sát vào tình huống thực tế để phân tích giúp cho khách hàng hiểu rõ hơn vấn đề của mình trên cơ sở các quy định của pháp luật. - Hướng dẫn cho các đối tượng ứng xử đúng pháp luật trong từng hoàn cảnh cụ thể để thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình: Đây là hoạt động mang lại kết quả trực tiếp, dễ nhận thấy và đánh giá sau một quá trình tư vấn, tuyên truyền pháp luật. Điều quan trọng nhất là giúp đối tượng được tư vấn pháp luật hiểu rõ hoàn cảnh, vị thế của mình, từ đó lựa chọn cách xử sự phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.
  5. - Giúp cho họ nâng cao hiểu biết pháp luật thông qua nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử, hình thành và phát huy ý thức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật: Hệ quả của quá trình tư vấn, tuyên truyền pháp luật là sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của từng cá nhân, hoặc một nhóm người, từ đó hình thành thái độ xử sự tích cực, tôn trọng và tuân thủ pháp luật trong các quan hệ đời sống xã hội hoặc có sự phản kháng, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật. Một cá nhân hoặc tổ chức khi đã được tư vấn, phổ biến pháp luật chắc chắn sẽ có hiểu biết ở mức độ nhất định và hành vi ứng xử khác với trước đó. 3. Ý nghĩa của việc thực hiện lồng ghép - Lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật sẽ góp phần tăng thêm hiệu quả, ý nghĩa xã hội của hoạt động tư vấn pháp luật. Bởi vì, khi đó tư vấn pháp luật không chỉ phục vụ một người mà là phục vụ nhiều người cùng lúc. Kết quả là một lời khuyên đúng đắn không chỉ được áp dụng trong một trường hợp mà được nhân lên nhiều trường hợp, được sử dụng nhiều lần thay vì một lần. - Việc kết hợp tư vấn pháp luật sẽ giúp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào quần chúng không mang tính một chiều, đơn điệu, gắn quy định pháp luật vào các tình huống cụ thể, trả lời các câu hỏi thực tế đặt ra. Như vậy, đây cũng là một cách thức hữu hiệu thúc đẩy phổ biến, giáo dục pháp luật phát triển, đa dạng hóa các kênh tuyên truyền pháp luật. II. Phương thức, kỹ năng lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật 1. Một số kinh nghiệm về thí điểm lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật a) Triển khai thí điểm việc lồng ghép
  6. Từ năm 2005 trở về trước, một số địa phương đã bước đầu thực hiện tư vấn pháp luật kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật song còn có những hạn chế: - Nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về việc lồng ghép hoạt động: coi đây là hai hoạt động hoàn toàn tách biệt nên chưa có sự quan tâm phối hợp giữa các tổ chức, những người thực hiện, hoặc nếu có cũng mang tính ngẫu nhiên, tự phát mà chưa có mục đích, kế hoạch cụ thể và chưa được thực hiện thường xuyên. - Việc triển khai thực hiện cả hai hoạt động nói trên còn trùng lặp về một số nội dung hoạt động, địa bàn, đối tượng được tư vấn và phổ biến pháp luật, dễ dẫn đến tình trạng lãng phí về tài chính và các nguồn lực. - Cán bộ tư vấn pháp luật, kể cả luật sư còn e ngại, chưa nhiệt tình tham gia vào công tác tư vấn pháp luật có lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, do chưa được bồi dưỡng, trang bị về kỹ năng tuyên truyền, thiếu thông tin và tài liệu nghiệp vụ. Trong khuôn khổ Đề án thứ tư[2] của Chương trình 212, từ năm 2006 đến nay, chủ trương thí điểm lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong hoạt động tư vấn pháp luật của các Trung tâm tư vấn pháp và hội đoàn thể đã được triển khai thông qua 20 tổ chức trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố (phân bố ở các khu vực). Những kết quả đạt được ban đầu rất đáng ghi nhận, hoạt động lồng ghép này được người dân và chính quyền ở cơ sở đánh giá rất cao. Hoạt động này được thực hiện chủ yếu thông qua các cuộc tư vấn lưu động đến cơ sở, ví dụ: tại trụ sở doanh nghiệp (khu công nghiệp, khu chế xuất), xã, phường hoặc thôn, làng, buôn… với sự tham dự của vài chục người, có nơi đến vài trăm người. Nội dung pháp luật được phổ biến, tư vấn là những chủ đề rất thiết thực, các văn bản pháp luật có liên quan mật thiết tới đời sống của người dân, cộng đồng và phù hợp với nhu cầu tìm hiểu của từng nhóm đối tượng. VD: đối với công nhân lao động thì phổ biến về pháp luật lao động, công đoàn, an toàn lao động, bảo hiểm; đối với nông dân thì
  7. giới thiệu pháp luật đất đai, khiếu nại tố cáo, dân sự; đối với phụ nữ thì phổ biến về pháp luật hôn nhân và gia đình, quyền tài sản, pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới… Cách thức tổ chức rất phong phú, sinh động: vừa giới thiệu ngắn gọn nội dung các quy định pháp luật cần tìm hiểu, vừa bố trí các tổ tư vấn để giải đáp trực tiếp các câu hỏi và tình huống thực tế mà nhân dân yêu cầu. Thông thường sử dụng loa đài, ti vi tại chỗ; có nơi còn quay phim, chụp hình để ghi lại các hoạt động này. Có nơi còn soạn thảo văn bản trả lời người cần tư vấn theo phiếu yêu cầu, do người lao động không đến được trực tiếp. Có địa phương tổ chức một lần cho rất nhiều người tham dự, có nơi tổ chức thành nhiều đợt và đi đến nhiều địa điểm gần nơi sinh sống của người dân (tại nhà văn hóa thôn, nhà rông …). b) Một số bài học kinh nghiệm - Mô hình lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tư vấn pháp luật được thực tế chứng minh là hết sức cần thiết, phù hợp với nhu cầu hiểu biết pháp luật của người dân. - Ý nghĩa to lớn về mặt xã hội của hoạt động này là sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với người dân ở cơ sở, tìm hiểu nhu cầu tận nơi, giúp tháo gỡ vướng mắc kịp thời, cho dù chưa làm được ở nhiều địa phương, mức độ chuyên môn còn khiêm tốn. - Hình thức tư vấn lưu động kết hợp phổ biến pháp luật tại các thôn, bản, buôn, khu phố… là thiết thực và hữu ích nhất. - Kinh phí cần được hỗ trợ để thực hiện thường xuyên hơn hoạt động lồng ghép này và nhân rộng mô hình này trong phạm vi cả nước.
  8. - Kinh nghiệm của người làm tư vấn, tuyên truyền pháp luật hiệu quả là: “Gõ cửa từng nhà, lắng nghe từng người - Hỏi họ thật nhiều, nhiệt tình giúp đỡ - Chọn lọc nội dung, cách làm phù hợp”. 2. Xây dựng kế hoạch lồng ghép, tổ chức triển khai kế hoạch và cơ chế ph i hợp, hỗ trợ thực hiện a) Lập kế hoạch hàng năm hoặc dài hạn tùy theo điều kiện của từng địa phương và hệ thống tổ chức, trong đó có thể hiện các nội dung chính sau đây: - Các hoạt động cụ thể; - Dự kiến thời gian, địa điểm thực hiện; - Chủ đề pháp luật; - Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện; - Nguồn nhân lực; - Kinh phí; - Tài liệu và các phương tiện cần thiết khác. Khi xác định rõ ràng mục đích và có kế hoạch thực hiện việc lồng ghép cụ thể thì quá trình tư vấn pháp luật kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật mới có tính định hướng, đem lại kết quả như mong muốn. Sở Tư pháp cần phát huy vai trò là cơ quan đầu mối trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương, là cầu nối, liên hệ chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp, đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ khi cần thiết.
  9. b) Có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật đối với các tổ chức thực hiện tư vấn pháp luật trên cơ sở kế hoạch dài hạn hoặc phối hợp theo từng hoạt động (hỗ trợ nhân lực, kinh phí thực hiện, tài liệu …). Ví dụ: Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Phụ nữ tỉnh X có kế hoạch tổ chức một cuộc tư vấn lưu động để giải đáp pháp luật, phổ biến những quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Trung tâm đã mời báo cáo viên pháp luật của Sở Tư pháp, luật sư của Đoàn luật sư tỉnh X, một số cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tham gia tổ tư vấn lưu động; sử dụng tài liệu do Sở Tư pháp biên soạn, đồng thời tự biên soạn các tài liệu bổ sung dành cho những người đến nghe cuộc tư vấn đó. Như vậy, việc huy động được nhiều cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động lồng ghép này sẽ tranh thủ tối đa các nguồn lực ở địa phương, nếu tách riêng mỗi tổ chức đoàn thể thì sẽ hết sức khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ. 3. Lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật trực tiếp của các Trung tâm tư vấn pháp luật, luật sư - Lồng ghép thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật trực tiếp của các Trung tâm tư vấn pháp luật, của Đoàn luật sư, tổ tư vấn pháp luật, cán bộ đoàn thể là cách làm hiệu quả. Đây là lực lượng nòng cốt trong hoạt động tư vấn pháp luật cũng như phổ biến pháp luật. - Tăng cường tổ chức các cuộc tư vấn pháp luật lưu động kết hợp tuyên truyền pháp luật tại nơi làm việc hoặc nơi cư trú của người dân: trụ sở của doanh nghiệp, thôn, xã, trường học…. Hiệu quả của hoạt động tư vấn pháp luật này được thể hiện rõ rệt: người dân được hỏi và được giải đáp về những băn khoăn, vướng mắc pháp lý cụ thể; được lắng nghe và chỉ dẫn các bước đi cụ thể phù hợp với pháp luật. Không khí dân chủ, cởi mở tạo
  10. cho người dân phấn khởi, tin cậy hơn vào chính quyền, hiểu và thực hiện tốt chính sách, pháp luật. Vì vậy, khả năng lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tư vấn pháp luật có thể thực hiện đối với trên 60 Trung tâm tư vấn pháp luật và hàng chục chi nhánh của Trung tâm tại các tỉnh, thành phố, hơn 1000 tổ chức hành nghề luật sư trong cả nước. Ngoài ra, rất nhiều hình thức hoạt động khác có thể lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật như: thông qua Văn phòng tư vấn pháp luật, tổ tư vấn pháp luật của công đoàn, các trung tâm hỗ trợ phụ nữ, nông dân, các câu lạc bộ pháp luật.... 4. Một số gợi ý khi thực hiện nghiệp vụ 4.1. Tìm hiểu đối tượng phục vụ - Tiếp cận và tìm hiểu các thông tin liên quan: Để biết một cá nhân, tổ chức muốn được tư vấn pháp luật về vấn đề gì, cán bộ tư vấn cần tranh thủ các cơ hội có thể để tiếp cận và tìm hiểu đối tượng: qua trao đổi trên điện thoại, qua gặp gỡ trò chuyện tại trụ sở Trung tâm tư vấn pháp luật hoặc tại trụ sở của doanh nghiệp…. Cán bộ tư vấn cần đặt các câu hỏi thích hợp với thái độ của người đến yêu cầu tư vấn, dẫn dắt cuộc trò chuyện, gợi mở từng vấn đề để có những thông tin cơ bản và liên quan trực tiếp đến việc tư vấn. Thông thường, đối với việc tư vấn lưu động, đối tượng phục vụ có thể xác định được từ trước, có thể gồm một nhóm hoặc nhiều nhóm có lợi ích khác nhau. - Xác định rõ mục đích, nhu cầu: Sau khi biết được những thông tin cần thiết, cán bộ tư vấn cần khẳng định lần nữa về mục đích và nhu cầu của đối tượng cần tư vấn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với những công việc tiếp theo của cán bộ tư vấn. Bởi vì, nếu họ hỏi về một vấn đề pháp luật chỉ để biết thì việc tư vấn chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin, giới thiệu về quy định pháp luật, hướng dẫn việc tìm tài liệu pháp luật. Trong trường hợp họ thực sự có vướng mắc pháp luật thì vụ việc phải được nghiên cứu
  11. kỹ lưỡng, chuẩn bị các phương án trả lời trước khi đưa ra ý kiến tư vấn trực tiếp, chính thức cho đối tượng. Thời gian tư vấn lưu động thường không dài (trong khoảng vài giờ, nửa ngày hoặc dài nhất là một ngày). Vì vậy, cán bộ tư vấn cần chủ động đặt các câu hỏi để nắm bắt nhanh nhu cầu của đối tượng cần tư vấn, tránh đợi họ trình bày dài dòng, lan man. Trong trường hợp nhận được yêu cầu tư vấn bằng văn bản, cán bộ tư vấn có thể tìm hiểu thông tin cụ thể bằng cách gửi văn bản hỏi hoặc liên hệ trực tiếp với đối tượng yêu cầu tư vấn qua điện thoại, hẹn gặp trực tiếp. Thông thường việc yêu cầu tư vấn dưới hình thức văn bản cũng thể hiện tương đối rõ mục đích và nhu cầu tư vấn pháp luật. Nhờ đó, cán bộ tư vấn cũng dễ xác định được nội dung pháp luật cần thiết để tập trung trao đổi về vấn đề đó. Tuy nhiên, không phải mọi đơn thư hay văn bản yêu cầu tư vấn pháp luật đều thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu. Cán bộ tư vấn phải biết chọn lọc và tìm ra đúng mục đích, vấn đề chính mà người ta cần tư vấn. 4.2. Công tác chuẩn bị - Về nội dung tư vấn và tuyên truyền: Cần tạo thói quen chuẩn bị cẩn thận, tỉ mỉ về nội dung, tài liệu trước khi thực hiện tư vấn, phổ biến một văn bản pháp luật. Để có thể ứng phó với mọi tình huống, cán bộ tư vấn cần thường xuyên tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để có thể tự tin khi trao đổi thông tin một cách trực tiếp; hoặc hẹn trả lời sớm sau khi đã nghiên cứu hồ sơ, tài liệu. Do vậy, nội dung pháp luật được đưa ra tư vấn hay tuyên truyền sẽ đảm bảo tính chính xác cao, thông qua xử lý thông tin của cán bộ tư vấn hoặc có trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp, chuyên gia. - Về lựa chọn hình thức:
  12. Cán bộ tư vấn có thể ở thế chủ động hoặc bị động trong việc lựa chọn hình thức tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, dù ở hoàn cảnh nào, cán bộ tư vấn cũng cần lựa chọn cho mình một cách giải thích, hướng dẫn càng đơn giản càng tốt, mang tính thuyết phục nhất giúp cho đối tượng dễ nghe, dễ hiểu và dễ thực hiện. Trong trường hợp tổ chức các cuộc tư vấn tại chỗ hoặc lưu động thì cán bộ tư vấn có vai trò chủ động để đưa ra hình thức tư vấn (thuyết trình, hỏi đáp, đóng vai diễn các tình huống pháp luật, v.v…). - Về chuẩn bị phương tiện hỗ trợ: Tại các cuộc tư vấn kết hợp tuyên truyền pháp luật có vài chục hoặc hàng trăm người tham dự, các thiết bị âm thanh, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ là yếu tố không thể thiếu góp phần tăng hiệu quả của cuộc tư vấn đó, ví dụ: loa đài, tivi, máy chiếu, màn hình chiếu, băng, đĩa, sách, tranh ảnh minh họa…. 4.3. Thực hiện việc cung cấp thông tin, hướng dẫn, giải đáp Quá trình phổ biến pháp luật kết hợp tư vấn pháp luật đã giúp cho một người, một nhóm không chỉ biết đến các quy định pháp luật, về một vấn đề cụ thể mà còn được tư vấn để giải quyết một vướng mắc, vụ việc pháp luật cụ thể. Khi đó, họ có dịp hiểu sâu hơn và biết cách vận dụng quy định pháp luật đó đối với hoàn cảnh cụ thể của mình. Để có thể kết hợp việc phổ biến, giáo dục pháp luật qua nội dung tư vấn pháp luật, cán bộ tư vấn cần hết sức linh hoạt, tránh sự gượng ép. Không nên đưa ra những vấn đề quá xa, quá sâu, chẳng có chút liên hệ với nội dung mình đang tư vấn. Đối với một nhóm đối tượng nhất định, ví dụ là người lao động trong khu công nghiệp, thì cán bộ tư vấn pháp luật có thể liên hệ đến một số vấn đề pháp luật thiết thực đối với cuộc sống và công việc hiện tại của họ như: về tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội, hợp đồng thuê nhà... Đối với phụ nữ nông thôn thì giúp họ hiểu biết về quyền lợi khi thực hiện đăng ký kết hôn, nhận biết hành vi nào là bạo lực gia đình, cách phòng tránh và liên hệ với ai, ở đâu khi rơi vào tình huống đó....
  13. III. Biện pháp nâng cao hiệu quả lồng ghép PBGDPL thông qua hoạt động tư vấn pháp luật 1. Nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc lồng ghép - Tuyên truyền để nâng cao nhận thức về mục đích ý nghĩa của việc kết hợp, lồng ghép các hình thức hoạt động này là việc làm hết sức cần thiết trong thời gian tới. Cần có cách hiểu và thực hiện thống nhất từ các cấp trung ương đến địa phương, từ cơ quan, tổ chức triển khai hoạt động đến người tiến hành công việc cụ thể. 2. Mở rộng phạm vi thực hiện lồng ghép - Từ chỗ thí điểm có kết quả, cần có chính sách nhân rộng mô hình lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tư vấn pháp luật ở nhiều địa phương, nhiều tổ chức. Hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện và hỗ trợ kịp thời về tài chính, nhân lực, tài liệu. 3. Bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiệp vụ tư vấn pháp luật - Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ luật sư, cán bộ tư vấn pháp luật: đây là điểm còn thiếu và yếu cần được quan tâm bồi dưỡng, để đội ngũ nói trên tham gia tích cực, tự nguyện và có trách nhiệm đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cán bộ tư vấn pháp luật cần vận dụng kiến thức pháp luật, sự hiểu biết, kỹ năng về phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình thực hiện tư vấn pháp luật để hoạt động này càng thêm ý nghĩa và hiệu quả trên thực tế. Họ không chỉ cần có kiến thức chuyên môn để thực hiện công việc chuyên môn mà cần có vốn sống, hiểu biết xã hội nhất định và kim nghiệm ứng xử phù hợp với đối tượng cần được tư vấn, tuyên truyền pháp luật.
  14. Không thể tư vấn và phổ biến, giáo dục pháp luật một cách hiệu quả nếu thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu hiểu biết về tâm lý của đối tượng mà mình đang phục vụ. Điều này càng quan trọng hơn khi đứng trước một đám đông trong các cuộc tư vấn, tuyên truyền lưu động. Cùng với khả năng thuyết trình thì cán bộ tư vấn cần có sự nhanh nhạy nắm bắt tâm lý của đám đông và điều chỉnh ngôn ngữ kịp thời, phù hợp với sự đón nhận và phản ứng của họ. Thông thường, cán bộ tư vấn càng lâu năm thì càng thu được nhiều kết quả tốt trong công việc. Bởi lẽ, họ không chỉ tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm mà còn có bề dày về vốn sống, biết vận dụng sự am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của các vùng miền, các dân tộc vào phục vụ cho công việc của mình. Đây là điểm rất cần định hướng cho những cán bộ trẻ khi làm công tác xã hội, càng tích lũy vốn sống, tự trau dồi kiến thức về văn hóa sẽ là nền tảng vững chắc giúp họ thành công hơn trong hoạt động nghề nghiệp. 4. Hướng dẫn cách thức biên soạn tài liệu để phổ biến và tư vấn pháp luật Công tác biên soạn tài liệu tưởng chừng chỉ là vấn đề kỹ thuật nhưng trên thực tế lại góp phần không nhỏ vào thành công của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Tài liệu cần được xây dựng đơn giản, ngôn ngữ phổ thông, gần gũi với quần chúng sẽ càng dễ đọc, dễ hiểu; sử dụng nhiều hình ảnh minh họa, bảng biểu càng dễ nhớ. Tài liệu cần thể hiện rõ những thông điệp chính, gửi lấy ý kiến góp ý của các bên liên quan và đối tượng phục vụ trước khi in ấn, phát hành chính thức. 5. Hướng dẫn cách thức lồng ghép cho các tổ chức và người thực hiện tư vấn pháp luật a) Về đối tượng:
  15. Cần tìm hiểu và có thông tin tương đối cụ thể về đối tượng được tư vấn - nhu cầu của họ (cần gì và thiếu cái gì), nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi, trình độ học vấn (nếu có thể). b) Về chủ đề pháp luật: Căn cứ vào nhu cầu của đối tượng cần tư vấn, giải đáp pháp luật để kết hợp phổ biến, tuyên truyền những nội dung chính sách, vấn đề pháp luật có liên quan. Nội dung pháp luật cần cụ thể, không quá rộng, lan man hoặc quá cao siêu đối với mức độ hiểu biết của họ, vì như vậy sẽ ít có tác dụng. c) Về thời gian, không gian, địa điểm, điều kiện kinh tế - xã hội: Đây cũng là các yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lập kế hoạch và thực hiện việc lồng ghép. Ví dụ: khi tư vấn pháp luật trong vài phút qua điện thoại thì rất khó có thể tranh thủ tuyên truyền pháp luật, khác với việc tư vấn hàng giờ tại trụ sở của Trung tâm tư vấn pháp luật; hoặc các cuộc tư vấn cả ngày, cả buổi tại trụ sở doanh nghiệp; tư vấn tại thành phố, thị trấn sẽ không giống các cuộc tư vấn lưu động tại thôn, xã, bản làng ở vùng sâu, vùng xa. d) Lựa chọn hình thức: Có thể thực hiện tư vấn trực tiếp bằng miệng hoặc qua thư trả lời, giải đáp qua báo, đài, tại chỗ (trụ sở của Trung tâm tư vấn pháp luật, Đoàn luật sư, Văn phòng luật sư …) hoặc đi lưu động; xây dựng các diễn đàn trên báo giấy, trên mạng điện tử, chuyên mục trên sóng phát thanh, truyền hình v.v… 6. Phát huy tối đa các nguồn lực hỗ trợ, tăng cường cơ chế phối hợp hoạt động, liên kết thông tin Mặc dù tư vấn pháp luật là một phương thức có khả năng chuyển tải mục đích phổ biến, giáo dục pháp luật, nhưng để có được hiệu quả như mong muốn thì hoạt động tư
  16. vấn pháp luật cần có sự kết hợp, hỗ trợ của một vài phương thức tuyên truyền pháp luật khác, ví dụ: nghiệp vụ, kỹ năng truyên truyền miệng, sử dụng băng tiếng, băng hình, tờ rơi, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền khác, khai thác tiện ích của các phương tiện truyền thông, hệ thống truyền thanh ở cơ sở … Hạn chế về kinh phí hoạt động, thiếu cán bộ, thiếu tài liệu và phương tiện là những khó khăn, trở ngại thường gặp đối với công tác tư vấn pháp luật, phổ biến pháp luật ở nhiều địa phương. Vì vậy, cần có biện pháp tháo gỡ từng bước những khó khăn nêu trên để quá trình thực hiện lồng ghép các hoạt động thực sự thông suốt, tạo nên sự gắn kết giữa các tổ chức chính quyền và đoàn thể cơ sở. Việc chia sẻ, liên kết thông tin và kết quả hoạt động giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác lồng ghép cũng cần được quan tâm, phối hợp chặt chẽ để tránh tình trạng thiếu thông tin, trùng lặp về hoạt động ở cơ sở. 7. Tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm Cần thường xuyên nhìn lại, đánh giá những việc đã làm xem điều gì đạt được, điều gì chưa được và rút kinh nghiệm cho lần sau. Mỗi cán bộ tư vấn có thể tự mình rút ra một số bài học, kinh nghiệm hữu ích từ mỗi hoạt động hoặc chia sẻ thu hoạch của mình với đồng nghiệp tại các cuộc họp sơ kết, tổng kết để có được những bài học, kinh nghiệm chung. “Hiểu biết, tôn trọng và tự nguyện tuân thủ pháp luật cũng như tôn trọng các quyền của người khác – đó là những hình thức thực thi pháp luật hiệu quả nhất nhưng cũng ít tốn kém nhất ...Chính là mục tiêu mà công tác giáo dục, phổ biến pháp luật hướng tới” (Martin R. Taylor, luật sư cao cấp, Cố Chủ tịch Tổ chức Giáo dục Tư pháp Canada)[3]. Với mục đích lớn lao mà chúng ta đang hướng tới, rất nhiều điều có thể học hỏi, chia sẻ và nỗ lực hàng ngày trong công việc phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như tư vấn pháp luật. Để có được chất lượng và hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu
  17. cầu của xã hội, cần huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức có liên quan và sự nhiệt tình, sáng tạo của những người làm công tác phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật nói riêng và công tác đoàn thể nói chung. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng nên là một tình nguyện viên tích cực, chung tay góp sức thực hiện những công việc này./. Hà Phương [1] Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, Dự án VIE/98/001, UNDP, năm 2002 [2] Đề án “Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn” thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ). [3] Tài liệu lớp tập huấn Thiết kế tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền pháp luật - Dự án JUDGE (Canada), Hà nội, 2009. Nguồn: http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Lists/Nghin%20cu%20trao%20i/View_Detail.aspx?ItemID=2 781 (SUNLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
  18. Nâng cao hiệu quả mối quan hệ giữa luật sư và chính quyền: Phụ thuộc vào cách thức tổ chức Trong hơn 01 năm qua, việc phối hợp hài hòa giữa cơ quan quản lý Nhà nước và Đoàn Luật sư (LS) đã giúp cho cả hai cơ quan này thực hiện tốt chức năng quản lý và phát huy vai trò tự quản. Tuy nhiên, để mối quan hệ này đạt hiệu quả thì còn cần đến những yêu cầu phối hợp cao hơn. Vẫn nhiều “lỗi” trong hoạt động LS Ngày 2/10, tại hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động của LS và tổ chức hành nghề LS trên địa bàn Hà Nội”, do Sở Tư pháp và Đoàn LS TP. Hà Nội lần đầu tiên phối hợp tổ chức, bà Trương Thị Nga - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội - đánh giá, chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề LS đang từng bước được nâng lên, hoạt động nghề nghiệp của LS góp phần tích cực trong bảo vệ công lý, quyền lợi hợp pháp của công dân, cải cách tư pháp. Các tổ chức LS cũng đã tích cực tư vấn pháp luật miễn phí, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, tham gia xây dựng luật, cải cách hành chính, phổ biến pháp luật... Tuy nhiên, Trưởng phòng Quản lý LS (Sở Tư pháp TP.Hà Nội) Vương Sĩ Mạnh cho biết, năm 2008, chỉ có 50% tổ chức hành nghề nộp báo cáo và năm 2009, con số này là 70%! Điều đáng buồn đó lại là một trong những sai sót chủ yếu trong hoạt động của các tổ chức hành nghề LS. Bên cạnh đó là các “lỗi” chậm cập nhật sổ sách lưu trữ, mở văn phòng giao dịch, thay đổi trụ sở không thông báo cho cơ quan quản lý,… và không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho dù đã có hai doanh nghiệp bảo hiểm triển khai gói dịch vụ này. Thậm chí, hiện tượng một số cá nhân, tổ chức không phải là LS, không có chức năng tư vấn pháp luật nhưng lại hành nghề tư vấn như LS vẫn đang “nhức nhối” như nhận định của LS.Đào Ngọc Lý. Hiện tượng “tự do hành nghề” của những tổ chức, cá
  19. nhân này cần được đưa vào khuôn khổ quản lý để làm “trong sạch” hoạt động tư vấn pháp luật, tránh ảnh hưởng không tốt đến uy tín của giới LS TP. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này theo bà Nga là do trước đây, khi Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp đăng ký kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp, đã có sự nhầm lẫn về lĩnh vực hành nghề tư vấn. Vì vậy, Sở Tư pháp TP khi phát hiện đã đề nghị rà soát lại nhưng hiện vẫn còn 18 Cty có hiện tượng “làm trái phận sự” như trên. Do đó, về lâu dài, Sở KH&ĐT cần xác định rõ chức năng “tư vấn” như “tư vấn đầu tư” là tư vấn về cái gì, có phải là pháp luật đầu tư hay không, bởi nếu tư vấn pháp luật đầu tư, phải do Sở Tư pháp cấp phép... Có như vậy, “lỗi” hoạt động không đúng chức năng của một bộ phận cá nhân, tổ chức trong tư vấn pháp luật mới được giải quyết dứt điểm. LS muốn gây “ấn tượng” Từ quan điểm, “UBND TP giải quyết đơn thư ngày càng qúa tải, rất cần các LS hỗ trợ. Các LS cũng rất nhiều người sẵn sàng, nhưng cái chính là cách thức tổ chức như thế nào để phối hợp được”, LS.Nguyễn Văn Chiến khẳng định, “nếu UBND TP cần thì Đoàn LS sẽ đáp ứng” vì Luật LS đã qui định trách nhiệm của LS là tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân. Vấn đề gây “khó dễ” cho việc thực hiện nghĩa vụ xã hội này của LS là họ khó tự tổ chức các cuộc tư vấn pháp luật hay trợ giúp pháp lý miễn phí, hơn nữa các LS cũng không có điều kiện khảo sát nhu cầu của người dân. Do đó, “Sở Tư pháp nên làm đầu mối nắm bắt nhu cầu và tổ chức để các LS giúp người dân” - LS.Chiến đề nghị. Riêng với các dự án lớn như phục vụ giải phóng mặt bằng, đền bù, bồi thường... thì UBND TP có thể ký hợp đồng với cá nhân LS hoặc tổ chức hành nghề LS trong việc tư vấn pháp lý cho người dân. Như vậy, vừa bảo vệ quyền lợi cho người dân, vừa tạo điều kiện cho TP hoàn thành các kế hoạch.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2