intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

NÀNG TIÊN ÁO TRẮNG

Chia sẻ: G G | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

122
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Như cuốn phim quay chậm, Em thường đến trong mơ. Bàn tay em rất ấm, Ðôi môi em đợi chờ. Ngày nhỏ nhà hai đứa Cách nhau một cánh đồng. Anh tặng em hoa sữa, Em quẳng đi, nhớ không ? Và lớn lên, có lẽ Ta đã thầm yêu nhau. Mà hình như không thế Cái thuở ấy ban đầu.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: NÀNG TIÊN ÁO TRẮNG

  1. NÀNG TIÊN ÁO TRẮNG Trong tập thơ "Bàn tay hình chiếc lá" của tôi xuất bản năm 1997 có một bài thế này: Nàng tiên áo trắng Như cuốn phim quay chậm, Em thường đến trong mơ. Bàn tay em rất ấm, Ðôi môi em đợi chờ. Ngày nhỏ nhà hai đứa Cách nhau một cánh đồng. Anh tặng em hoa sữa, Em quẳng đi, nhớ không ? Và lớn lên, có lẽ Ta đã thầm yêu nhau. Mà hình như không thế - Cái thuở ấy ban đầu. Một lần, sau buổi học Ta dừng lại đầu thôn, Em nhìn anh trách móc, Hình như chờ được hôn.
  2. Hình như anh nhận thấy, Cũng có thể là không, Nhưng cả hai lúc ấy Ðứng lặng im giữa đồng. Rồi anh đi, đi xa. Còn trẻ con, e thẹn, Hình như hai chúng ta Không nói lời hò hẹn. Và bất ngờ, một hôm, Biết không, anh đã khóc Nghe tin em trúng bom Ở ngã ba Ðồng Lộc. Cũng từ đấy, trong mơ, Như trong phim quay chậm, Với đôi môi đợi chờ, Với bàn tay rất ấm Em thường đến cùng anh, Buồn buồn nhìn, im lặng. Em - nỗi đau của anh. Em - nàng tiên áo trắng. Nếu có thể gọi là tình yêu, thì đó là mối tình đầu của tôi. Thơ mộng và buồn như hầu hết những mối tình đầu khác. Và nếu chỉ để nói về nó, có lẽ với chừng ấy
  3. dòng, bài thơ đã nói đủ. Trong ký ức mọi người, đặc biệt khi về già, những mối tình như thế luôn là một kỷ niệm lãng mạn, không rõ nét và đẹp. Người ta thường chỉ muốn giữ lại và nâng niu những kỷ niệm đẹp. Tuy nhiên, đấy không phải là điều tôi muốn nói ở đây. Câu chuyện này của tôi có ý nghĩa khác hẳn. Suốt nhiều năm qua tôi thường nghĩ, hay đúng hơn, bị ám ảnh bởi hình ảnh "nàng tiên áo trắng" vẫn đêm đêm đến cùng tôi trong giấc ngủ, với "bàn tay rất ấm và đôi môi đợi chờ" như đã viết. Trong thơ, ít hoặc nhiều những sự việc có thật đã được thi vị hóa. "Nàng tiên áo trắng" là Liên, cô bạn gái tuổi học trò của tôi. Nhà hai đứa không cách nhau một cánh đồng, mà cùng thôn, chỉ khác ngõ. Vâng, chúng tôi chơi thân với nhau, rất thân. Có thể gọi yêu nhau cũng được, mặc dù ở lứa tuổi ấy vào thời ấy, chúng tôi chưa hiểu thế nào là tình yêu nên khó có thể làm cái việc gọi là tỏ tình, lại càng không thể nói đến chuyện "thề ước". Ðơn giản thích nhau, "yêu nhau", nhưng chẳng ai nói gì. Có thể lỗi tại tôi vì dẫu sao tôi cũng là con trai, đáng lẽ phải chủ động. Nhưng lúc ấy tôi mới chỉ bước sang tuổi mười bảy. Thời ấy con trai mười bảy tuổi, lại ở nông thôn, ngờ nghệch lắm. Nói chung, hẵng còn là những đứa trẻ. Liên kém tôi một tuổi, học lớp dưới, nhưng là con gái, chắc cô nhạy cảm và phát triển hơn tôi về chuyện này. Ðúng là có một lần tôi tặng cô mấy bông dâm bụt (chứ không phải hoa sữa) hái trộm trong vườn bà Chắt Hoét, nhưng không hiểu sao cô giận dữ vứt đi. Sau đó vì tự ái, tôi chẳng bao giờ tặng hoa cho Liên nữa. Cũng có cả việc một lần cô nhìn tôi với vẻ trách móc, có thể là cái nhìn "đắm đuối" như người ta vẫn nói, và cũng có thể "chờ được hôn" như trong thơ tôi viết. Tôi không biết có đúng thế không, chỉ nhớ lúc ấy tôi đã không hôn Liên. Chưa một lần chúng tôi hôn nhau. Không phải không thích, mà vì ngượng, vì không biết hôn. Thế thôi.
  4. Chuyện này xẩy ra không phải "một lần sau buổi học, ta dừng lại đầu thôn", mà ở trong hầm trú ẩn. Hôm ấy đi học về, gần tới nhà thì bỗng máy bay Mỹ kéo đến ném bom Bến Kiềng. Chúng tôi vội chui xuống một trong những chiếc hầm được đào sẵn cạnh đấy. Nhà chúng tôi cách Bến Kiềng không xa. Bom nổ to lắm, và vì sợ, Liên cứ ôm chặt lấy tôi. Tôi cũng sợ nhưng cố tỏ ra bình tĩnh để thể hiện sự dũng cảm của mình. Tôi không chủ động ôm Liên, tất nhiên cũng không đẩy cô ra. Khi hết máy bay, Liên vẫn ôm chặt tôi. Có thể vì vẫn còn sợ, cũng có thể vì những lý do khác. Tôi không biết. Cô ngước lên nhìn tôi hồi lâu. Ðến nay tôi còn nhớ rất rõ khuôn mặt cô lúc ấy. Một khuôn mặt thật xinh, thật trong trắng, đôi mắt tròn, ươn ướt và xa vời. Ðôi môi mọng hé mở. Cặp vú nhỏ của cô áp chặt ngực tôi nóng ran. Thế mà không hiểu sao tôi lại ngoảnh đi nơi khác. Chắc lúc ấy tôi trông đần độn và buồn cười lắm. Mấy tháng sau, chúng tôi xa nhau, không ngờ chẳng còn bao giờ gặp lại. Ngày 10 tháng Tám năm 1967 tôi lên đường đi học xa (tôi nhớ chính xác ngày ấy vì đã khắc nó lên xà nhà, bây giờ vẫn còn). Liên thì một năm sau tình nguyện đi thanh niên xung phong và hy sinh cuối năm 1971. Có điều không phải ở ngã ba Ðồng Lộc, mà ở một bến phà sông Gianh, Quảng Bình. Lúc ấy tôi đang học ở Mátxcơva, khi nghe tin này, quả thật tôi đã khóc. Hay thầm khóc. Hình như vậy. Tôi không là người ủy mị, nhưng dễ bị xúc động. Hơn nữa, Liên lại là bạn gái duy nhất của tôi thời học sinh, dù phải thú nhận rằng trước đấy tôi không hay nghĩ đến cô. Thậm chí cả thư cũng không viết. Nói bận cũng được, hoặc vô tâm cũng được, nhưng quả đúng như thế. Bây giờ, khi biết Liên hy sinh, tôi khóc vì xúc động. Vì cả mặc cảm về sự thờ ơ, hời hợt của chính mình. Sau đó tôi lại bị cuốn vào cuộc sống sinh viên sôi động, chẳng còn lúc nào rỗi để nghĩ về
  5. Liên. Nếu có, cũng chỉ thoáng qua với nỗi thương tiếc mơ hồ, chung chung như đối với nhiều người bạn cùng tuổi đã hy sinh trong chiến tranh. Suy cho cùng, giữa tôi và Liên mới chỉ là tình bạn tuổi học trò chứ chưa phải gì khác. Ít ra lúc ấy tôi nghĩ thế. Tháng bảy 1974 tôi về nước, tình cờ được bà mẹ Liên cho xem cuốn nhật ký của cô người ta gửi về trong chiếc ba lô cùng một số vật dụng cá nhân khác. Cuốn nhật ký đã làm tôi rất xúc động. Nhờ nó, tôi mới biết rằng Liên vẫn thầm yêu tôi và đã sống cùng tình yêu ấy suốt những năm tháng ngoài mặt trận. Cảm giác day dứt, hối hận ngày càng lớn dần. Sau đó tôi viết một truyện ngắn có tên "Những cô gái áo trắng" về Liên và bốn cô bạn thanh niên xung phong cùng nhóm. Công việc của họ là ban đêm mặc áo trắng đi trước dẫn đường cho ô tô bộ đội vượt qua hố bom và tránh những nơi có bom nổ chậm. Cuối cùng cả nhóm hy sinh, trong đó có Liên. Trong cuốn nhật ký có một số chi tiết rất cảm động. Ðó là việc các cô chỉ mơ ước một điều giản dị và rất con gái, là mong hết chiến tranh để được diện những chiếc áo trắng làm duyên với các chàng trai, chứ không phải những chiếc ô tô mù. Các cô, trong đó có cả Liên, còn âm ỉ một nỗi sợ nữa, là sợ phải chết mà chưa được chàng trai nào hôn. Nghĩa là Liên cũng đã chết với nỗi sợ thơ ngây mà nhức nhối ấy. Giá những năm ở nước ngoài tôi viết thư cho Liên... Giá cái lần cùng ở trong hầm trú ẩn nọ tôi hôn cô... Nhưng tôi đã không làm điều có lẽ Liên rất mong đợi ấy. Bây giờ nó đang day dứt tôi. Tôi bắt đầu nghĩ nhiều về Liên và cái chết của cô. Hình ảnh Liên như thiên thần áo trắng cũng bắt đầu đến với tôi ban đêm. Tôi thương cô nhường nào. Tôi thấy mình gần như là người có tội.
  6. Sau khi các cô chết, đọc nhật ký của Liên với mong ước được mặc áo trắng đi giữa ban ngày ấy, người ta đã cho xây mộ năm cô thành hình bông hoa năm cánh luôn quét vôi màu trắng trên ngọn đồi xanh bên bờ sông Gianh, nơi các cô hy sinh. Năm 1982 tôi đã tới thăm ngôi mộ bông hoa trắng ấy. Sau đó tôi lên Trại sáng tác Ðà Lạt và viết truyện "Những cô giá áo trắng" đã nói. Tôi định thế nào cũng sẽ còn quay lại nơi ấy. Năm tháng cứ lặng lẽ trôi qua. Từ lúc nào không biết, tôi đã trở thành một ông già với những suy nghĩ vẩn vơ, nhiều khi lẩm cẩm, đặc trưng của người già. Ðôi khi đi giữa phố, nhìn những cô gái trẻ hạnh phúc ăn diện tuyệt đẹp, tôi những muốn nói to với họ, rằng một thời đã có những cô gái cũng trẻ trung như họ từng khao khát một điều duy nhất là được mặc áo trắng đi lại giữa ban ngày, những chiếc áo trắng vải phin bình dị bây giờ chẳng ai thèm mặc. Tất nhiên tôi đã không nói, phần vì không thể bỗng dưng nói to như thế với người không quen, phần vì tôi không muốn làm họ mất đi dù chút ít cái hạnh phúc họ đang được hưởng. Chẳng phải Liên và những người như cô đã lặng lẽ chiến đấu và lặng lẽ hy sinh để hôm nay người khác được hạnh phúc đấy sao? Những lúc ấy, tôi lại buồn buồn nghĩ đến Liên, trong đầu vô tình vang lên bài thơ về nàng tiên áo trắng của tôi: Như cuốn phim quay chậm Em thường đến trong mơ. Bàn tay em rất ấm, Ðôi môi em đợi chờ. Ngày nhỏ nhà hai đứa
  7. Cách nhau một cánh đồng. Anh tặng em hoa sữa, Em quẳng đi, nhớ không? Và lớn lên, có lẽ Ta đã thầm yêu nhau, Mà hình như không thế - Cái thuở ấy ban đầu. Một lần sau buổi học Ta dừng lại đầu thôn, Em nhìn anh trách móc, Hình như chờ được hôn. Hình như anh nhận thấy, Cũng có thể là không, Nhưng cả hai lúc ấy Lặng im đi giữa đồng. Rồi anh đi, đi xa. Còn trẻ con, e thẹn, Hình như hai chúng ta Không nói lời hò hẹn. Và bất ngờ một hôm, Biết không, anh đã khóc Nghe tin em trúng bom
  8. Ở ngã ba Ðồng Lộc. Cũng từ đấy, trong mơ, Như trong phim quay chậm, Ðôi môi em đợi chờ, Với bàn tay rất ấm Em thường đến với anh, Buồn buồn nhìn, im lặng. Em - nỗi đau của anh. Em - nàng tiên áo trắng... * Câu chuyện này có thể kết thúc ở đây, nhưng nhân tiện tôi muốn nói thêm đôi điều. Vả lại chuyện này cũng ít nhiều liên quan đến Liên. Trong nhà, tôi được vợ con đặt cho cái tên "ông ngày xưa", vì tôi thường đem chuyện "ngày xưa" để giáo dục con. Một lần, khi tôi đang lặp lại điệp khúc "ngày xưa" ấy, con gái tôi bỗng cắt ngang và hỏi: - Vì sao bố không phải đi bộ đội mà được đi học nước ngoài? - Trước hết thời ấy không có từ "phải" và "được" như con nói. - Tôi đáp. - Ðất nước cần gì, người ấy làm việc đó. Chẳng ai tranh cãi hay trốn tránh. Bố đi học nước ngoài là vì sau chiến tranh đất nước cần người có kiến thức để xây dựng lại.
  9. - Thế bố có viết đơn xung phong ra trận không? - Có. Tất cả học sinh đến tuổi ở trường bố đều viết đơn xung phong ra trận. Ðơn của cả tập thể và từng cá nhân. - Con đọc sách thấy nói nhiều người được đi nước ngoài nhưng cứ nằng nặc viết đơn xin ở lại chiến đấu. Sao bố không làm thế? Vợ tôi lườm con, ra hiệu im để tránh cho tôi khỏi lúng túng, nhưng tôi bảo không cần, cứ để nó nói. - Lúc ấy bố không nghĩ tới việc này. Theo con, bố có nên làm thế không? Con bé không trả lời mà hỏi thêm: - Bố nói thật đi: Có phải lúc ấy bố đã mừng vì không phải ra trận, mà được cử đi học ở Liên Xô không? - Ðúng thế, - tôi đáp sau mấy giây suy nghĩ. Tôi đã nói đúng sự thật vì vốn không quen nói dối. Sau đó không ai nói gì thêm. Bàn ăn được dọn sạch, và mỗi người bắt đầu làm việc của mình như thường ngày. Con bé lên học bài. Hình như mẹ nó đang trách mắng điều gì. Còn tôi thì lại ngồi trước chiếc máy vi tính quen thuộc, nhưng hồi lâu chẳng gõ được chữ nào cả. Tôi cứ vẩn vơ suy nghĩ mãi về câu chuyện vừa rồi với con gái.
  10. Ðúng, tôi kịp ra đi trước khi cuộc chiến tranh ác liệt thực sự bắt đầu, và lúc trở về, nó đã kết thúc, hay chính xác hơn, gần như kết thúc. Cuộc đời tôi diễn ra suôn sẻ, ít ra tôi còn được sống lành lặn chứ không bị thương hoặc phải chết như Liên. Ðành rằng tôi chẳng có lỗi gì trong việc này. Nhưng dẫu sao... Chính cái "dẫu sao" ấy luôn làm tôi mặc cảm, đặc biệt từ sau cái chết của Liên, như thể tôi cố tình trốn tránh cuộc chiến tranh ấy. Quả đúng tôi đã không viết đơn xin được ở lại chiến đấu. Tôi đã thầm mừng thoát khỏi cảnh chiến tranh, lại được học hành tử tế ở một nước châu Âu. Tôi biết mỗi người một việc, không việc nào cao sang hay thấp hèn hơn việc nào, miễn là mỗi người làm tốt việc của mình. Tôi nghĩ tôi đã không bỏ phí những tháng năm lưu học cùng kiến thức tích lũy được. Nếu được phân công ở lại để ra tiền tuyến như bao người khác thời ấy, tôi sẽ chấp nhận việc này một cách tự nhiên, và có lẽ sẽ chẳng là người lính hèn nhát. Tôi cũng sẽ sẵn sàng chấp nhận điều tồi tệ nhất. Tôi biết thế. Tôi biết tôi chẳng có gì phải băn khuăn, và mọi lập luận của tôi đều có lý. Vâng, quả đúng thế, nhưng dẫu sao, dẫu sao... Sau mỗi đêm gặp lại nàng tiên của tôi với đôi môi đợi chờ và ước mơ áo trắng ấy, tôi lại quẩn quanh suy nghĩ rất lâu. Ai đó có thể cho tôi nói thế để tỏ ra này nọ. Không. Tôi chỉ nói thật lòng mình. Tiện đây thì nói thế thôi, chứ không hề có ý thanh minh, bộc lộ. Có chăng, chỉ trong thơ. Thơ giúp ta nói những điều sâu kín nhất mà không sợ bị người đời hiểu lầm. Trong một đêm mất ngủ như thế, tôi đã viết một bài thơ thế này. Tiếc bây giờ ít ai đọc thơ nên không biết:
  11. TỪ CUỘC CHIẾN TRANH KIA Không hiểu sao gần đây Ðêm nào nằm cũng vậy, Tôi mơ toàn máy bay, Bom rơi và lửa cháy. Từ cuộc chiến tranh kia Mà tôi không tham dự, Máy bay mỹ hiện về, Hoàn toàn không hung dữ. Chúng lặng lẽ tìm tôi, Chỉ tìm tôi, thật lạ, Rồi từ từ bom rơi, Nhẹ nhàng như chiếc lá. Bom nổ cũng rất êm. Không bị thương, máu chảy, Tôi nằm chết, trái tim, Chỉ trái tim bốc cháy. Tôi kêu, tôi van nài Hãy cứu tôi, và đợi. Nhưng hình như không ai Muốn nghe và muốn tới.
  12. Từ cuộc chiến tranh kia Mà tôi như lẩn tránh, Nay chiến tranh lại về Ðể làm tôi bất hạnh. Và cứ thế, đêm đêm, Sau một ngày mỏi mệt, Dù không đau, dù êm, Tôi lại nằm - để chết...
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2