JOURNAL OF SCIENCE<br />
Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 52-62<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0027<br />
<br />
NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG KITCHEN CỦA BANANA YOSHIMOTO<br />
<br />
Đào Thị Thu Hằng<br />
Phòng Tạp chí & TTKHCN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Banana Yoshimoto là nữ văn sĩ Nhật bản đương đại có lối kể chuyện điềm đạm và<br />
sâu lắng. Kitchen thật nhẹ nhàng, nhưng qua lối kể của cô, cuộc sống cá nhân với những vấn<br />
đề mang tính thời đại được biểu hiện đầy tinh tế, chạm đến tâm hồn người đọc. Sự cô đơn, đứt<br />
gãy trong tâm hồn, vấn đề giới tính, những nỗ lực vượt thoát với các motip cổ mẫu lần lượt<br />
được tái hiện bằng lối kể tối giản với một chiều sâu đầy ẩn ý. Đọc Kitchen trên hệ quy chiếu<br />
nghệ thuật trần thuật, để thấy đóng góp của Banana cho văn chương đương đại Nhật cũng như<br />
thế giới.<br />
Từ khóa: Banana Yoshimoto, Kitchen, nghệ thuật kể chuyện.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Nữ văn sĩ Nhật Bản Banana Yoshimoto tên thật là Mahoko Yoshimoto. Bút danh “Banana”<br />
xuất phát từ sở thích yêu hoa chuối của Yoshimoto. Cô sinh ngày 24/7/1964 tại Tokyo trong một<br />
gia đình trí thức. Cha cô Yoshimoto Takaaki là một trí thức đa tài. Ông là nhà phê bình và là triết<br />
gia Tân Cánh tả (New Left) có ảnh hưởng lớn tới xã hội Nhật Bản từ thập niên 1960. Xuất thân từ<br />
một gia đình có tinh thần dân chủ và truyền thống nhân ái, Banana mang tư tưởng tự do và đam<br />
mê sáng tạo văn chương.<br />
Cuốn tiểu thuyết được đặt tên là Bếp (Kitchen), được in chung với Bóng trăng trong ấn phẩm<br />
bằng tiếng Anh vào năm 1993, là thành công ngoài sức tưởng tưởng của một người mới bước vào<br />
làng văn. Không nhiều nghệ sĩ có được sự hưởng ứng từ phía độc giả ngay từ lần đầu ra mắt sách<br />
của mình như Banana. Bếp trở thành một hiện tượng văn học với hơn hơn 2,5 triệu bản sách được<br />
tiêu thụ và đã tái bản trên sáu mươi lần tại Nhật Bản.<br />
Thành công của Kitchen là động lực lớn để Banana sáng tác hàng loạt tiểu thuyết tiếp theo và<br />
khẳng định thêm nữa tài năng lẫn vị trí của mình trên văn đàn Nhật Bản đương đại. Tác phẩm của<br />
Banana tập trung vào những vấn đề giới trẻ Nhật phải đối mặt. Đấy là cuộc sống đô thị nhàm chán<br />
của thanh niên, nơi họ như bị nghẽn giữa thế giới tưởng tượng và thực tế. Thế giới nhân vật, biến<br />
tấu cốt truyện, cách bộc lộ cảm xúc của Banana mang phong cách hậu hiện đại và ít nhiều bị Mỹ<br />
hoá. Nhưng dẫu sao, căn tính Nhật vẫn hiện diện diện sâu đậm trong lối viết của cô. Bằng cách<br />
nào đó, Banana kéo độc giả tham dự vào mạch trần thuật, tham dự cuộc hội ngộ trong bếp, một<br />
cuộc bơi trên biển, một chuyến leo núi… thậm chí là chỉ để thưởng thức một mùi vị dễ chịu của<br />
thức ăn.<br />
<br />
Ngày nhận bài: 9/1/2018. Ngày sửa bài: 20/23/2018. Ngày nhận đăng: 5/4/2018.<br />
Tác giả liên hệ: Đào Thị Thu Hằng. Địa chỉ e-mail: thuhangdao17@gmail.com<br />
<br />
52<br />
<br />
Nghệ thuật kể chuyện trong Kitchen của Banana Yoshimoto<br />
<br />
Bếp, thức ăn và mơ là những chủ đề trở đi trở lại trong tiểu thuyết của Banana. Đấy là thế<br />
giới của cảm xúc và ước vọng. Banana muốn sống trong những giấc mơ. Giấc mơ đưa cô và thế<br />
giới nhân vật xâm nhập vào những nẻo khuất của cuộc đời, số phận để nói lên tiếng nói đậm nghĩa<br />
tình và day dứt dai dẳng về những đổi thay của cuộc đời.<br />
Yuji Oniki trong bài viết Kỷ nguyên thương hiệu mới của Banana Yoshimoto, đưa ra nhận xét<br />
thú vị: “Đọc truyện Yoshimoto giống như xem một chương trình quảng cáo truyền hình Nhật Bản.<br />
Sự giản dị hết mực của nó thật tuyệt vời nhưng sau đó bạn nhận ra mình chẳng hiểu gì về nó cả.<br />
Giống như quảng cáo, tất cả đều rất rõ ràng, hầu như tinh khiết. Cảm xúc được đo bằng một cái<br />
thìa lấy mẫu và nếm. Một liều u sầu, hơi cay đắng, khá bất ngờ, nhưng không có gì kéo dài quá<br />
lâu. Nhân vật thậm chí không có vẻ như tất cả những điều đó bị châm ngòi bởi những rối loạn cảm<br />
xúc như nói, mất trí nhớ” [1].<br />
Các nhà nghiên cứu thường so sánh Banana vơi Murakami Haruki bởi phong cách hậu hiện<br />
đại của họ. Murakami Fuminobu cũng có xu hướng tổng kết theo hướng đó. Ông viết: “Những tác<br />
phẩm ban đầu của ông [Murakami Haruki] cố gắng giữ sự tách rời khỏi những người khác, trong<br />
khi những tác phẩm sau này của Murakami thay đổi lập trường từ sự tách ly đến cam kết và trực<br />
tiếp đối mặt với khát vọng nhị phân bằng cách thỏa ước với tình yêu sâu sắc và khát vọng hành<br />
động bạo lực. Ngược lại, tác phẩm của Yoshimoto Banana cố gắng khám phá ra sự khác biệt trong<br />
tổng thể hoặc tính phổ biến trong cá biệt bằng cách thay đổi dạng thức khát vọng” [2;tr.59].<br />
Vốn là “nữ sĩ”, phong cách Banana dung dị, đơn giản và rất nữ tính. Cô chọn “thức ăn” hơn<br />
là “tình dục”, chọn những giấc mơ, nhưng lại không khai thác các yếu tố hoang đường mang tính<br />
tâm linh như ở nhà văn nổi tiếng cùng thời là Murakami Haruki. Với lối kể chuyện chậm rãi<br />
nhưng cuốn hút, những cảm xúc yêu thương, giận dữ, cô đơn, vượt thoát đầy tinh tế và sâu lắng<br />
mà Banana mang lại đã thấm đẫm hàng triệu trái tim người đọc.<br />
<br />
2.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
<br />
2.1. Đứt gãy và “chuyển giới”<br />
Câu chuyện liên quan đến cái bếp, phải, đúng là bếp (kitchen), nhưng đấy không phải là tên<br />
nhân vật theo cách của Tony Morrison - Beloved (Người yêu dấu), mà là cách của riêng Banana.<br />
Vậy bạn đọc hẳn sẽ thắc mắc tại sao sách lại có cái nhan đề ấy?<br />
Người kể “tôi” – Mikage của thiên truyện vào đầu tập tức, “Tôi nghĩ rằng nơi tôi yêu thích<br />
nhất trên thế gian này là bếp” [3;tr.13]. Một sở thích rất nữ tính. Một dấu chỉ gợi sự đầm ấm, hạnh<br />
phúc… Nhưng rồi truyện lại không phát triển theo hướng ấy.<br />
Trong tâm thức của người phương đông, đặc biệt là người Việt, hẳn bếp là nơi chẳng thể thơ<br />
mộng gì lắm để lấy làm nền cho một câu chuyện lãng mạn. Chuyện được kể là lãng mạn, tôi quên<br />
chưa giới thiệu là chuyện của đôi trai gái đang phải lòng nhau hoặc suýt phải lòng nhau. Tóm tại<br />
họ có thể là những kẻ đang yêu hoặc có nguy cơ nảy sinh tình yêu rất cao. Họ cùng yêu bếp,<br />
không chỉ là bếp sạch mà bất cứ bếp nào cho dù không được sạch sẽ cho lắm miễn là nơi ấy có đủ<br />
các chức năng của bếp.<br />
Hai con người cô đơn, gặp nhau trong một cái bếp cô đơn. Ta gọi thế giới đó là cô đơn bởi<br />
đấy dường như là bản thể của người Nhật, một dân tộc mẫu mực về kỉ cương lao động, về thành<br />
tựu khoa học công nghệ,… nhưng đó đồng thời là dân tộc có lẽ sớm rơi vào vòng xoáy của cơn<br />
lốc vật chất mà đến nay, khi đã nhìn thấy được tác hại của nó thì đã có hàng triệu thanh thiếu niên<br />
chìm trong nỗi cô đơn vô bờ, đến mức họ nhìn cuộc sống như là chuỗi hư vô, cố níu kéo e chừng<br />
cũng chỉ là tuyệt vọng?<br />
Tôi gọi Kitchen là khúc bi ca diễm lệ cho nỗi cùng quẫn kiếp người. Quan niệm cái đẹp văn<br />
chương của Banana có nét gần gũi với Kawabata trong sự đúc kết Đẹp và buồn (tên tác phẩm của<br />
Kawabata) qua những dòng văn ngập đầy nữ tính: “Những kỉ niệm đẹp thực sự bao giờ cũng sống<br />
53<br />
<br />
Đào Thị Thu Hằng<br />
<br />
và tỏa sáng một cách bền bỉ. Chúng sẽ cất lên những tiếng thở xót xa sau mỗi lần thời gian trôi<br />
chảy” [3;tr.170]. Tác phẩm được ghép từ hai câu chuyện, Kitchen (Bếp) và Moonlight Shadow<br />
(Bóng trăng). Hai câu chuyện này được viết ở hai thời điểm khác nhau, nội dung chẳng liên quan<br />
gì nhau, nhân vật, không gian, cốt truyện, hệ thống kí hiệu,… là những khuôn hình khác biệt, thế<br />
nhưng việc đặt bên nhau không hề làm giảm đi chút nào giá trị nghệ thuật, mà ngược lại, có lẽ<br />
chúng càng tôn thêm sức hấp dẫn về “nỗi buồn tái tê truyền kiếp” của nhau. Điểm kết nối giữa hai<br />
“kẻ” xa lạ đó chính là cái nhìn triết học về nỗi cô đơn và tuyệt vọng của con người trong một thế<br />
giới đầy ứ vật chất, hoang hoải công việc và shoping. Nơi đó, người người đều làm việc, lăn lưng<br />
ra làm, chỉ để tồn tại một cách phô trương, chỉnh trang sắc đẹp và mua sắm bất cứ thứ gì họ thích.<br />
Banana tái hiện đúng thực chất cuộc sống của con người hậu hiện đại, “tôi shoping, tôi tồn tại”,<br />
một lối nhại René Descartes qua nhân vật “mẹ” Yuichi. Người mẹ này tất bật suốt ngày ngoài cửa<br />
hàng, một cửa hàng dành cho người chuyển giới, kiếm tiền và mua sắm. Ngày qua ngày, năm lại<br />
năm, cuộc sống họ cứ tuân theo vòng quay sản xuất – tiêu dùng đó cho đến ngày cái chết ngẫu<br />
nhiên sẽ lấy đi của họ tất thảy.<br />
Không chỉ cấu trúc cốt truyện ghép mảnh, mà nhân vật cũng là những mảnh ghép. Bếp kể về<br />
một đôi trai gái được đặt “liền kề ngẫu nhiên” theo lối tư duy Siêu thực. Cô gái Sakurai Mikage,<br />
mồ côi sống cùng bà, cái mở đầu chẳng khác gì một thiên cổ tích? Bỗng nhiên, biến cố xảy ra,<br />
người bà qua đời. Mikage còn lại một mình trên đời. Mối thảm họa này, ngày xưa chỉ là cái cớ để<br />
thử thách nhân vật, thì nay hoàn toàn không phải thế. Banana lấy ngay cái khoảnh khắc bất hạnh<br />
đó để kể tiếp những trường đoạn bất hạnh khác mà nhân vật phải trải qua, tịnh chẳng phải là để<br />
thử thách nghị lực hay ý chí hay hướng tới cái kết là sự đổi đời nào đó nơi thực chất cuộc sống<br />
luôn là trò đùa của số phận, hầu như chẳng ai có thể biết cái ngày mai của cuộc đời sẽ ra sao. Cảm<br />
giác về nỗi buồn tê tái ngập giăng khắp truyện: “Tại sao con người lại không thể tự mình lựa chọn<br />
được điều gì cả? Giống hệt loài sâu bọ, bị đánh cho tơi bời, nhưng vẫn phải nấu cơm, vẫn phải ăn,<br />
và vẫn phải ngủ. Những người mình yêu rồi sẽ ra đi hết. Vậy mà vẫn phải sống” [3;tr.138].<br />
Kẻ mồ côi Mikage bơ vơ, không điểm tựa, không mục đích sống. Trong lúc mất phương<br />
hướng với khả năng cái chết cận kề, “hoàng tử” xuất hiện, đó là Yuichi. Câu chuyện có mạch tiếp<br />
diễn gần giống cổ tích. Yuichi quan tâm đến Mikage, hiểu được cảnh ngộ nên đã tìm đến mời<br />
Mikage đến ở nhà mình. Ngôi nhà đó đặc biệt không chỉ vì có “Kitchen” – nơi tác giả lấy làm bối<br />
cảnh chính của truyện mà còn có hàng loạt sự bất thường, gây sốc thực sự cho người đọc. “Mẹ”<br />
Eriko của Yuichi chính là người “bố” (hình như có tên là “Yuji hay sao đó”, theo lời kể của<br />
Yuichi) đã chuyển đổi giới tính. Việc chuyển giới này, đương nhiên người đọc khó biết lý do thực,<br />
tuy qua đối thoại giữa Yuichi và Mikage, ta có thể biết rằng người cha đó vì quá yêu vợ, không<br />
muốn có thêm người phụ nữ nào trong đời hoặc vì muốn đứa con mình được chăm sóc trọn tình<br />
yêu thương của người mẹ, nên ông ta đã tự nguyện biến mình thành phụ nữ. Hoặc giả, người đọc<br />
có thể nghĩ khác đi rằng người đàn ông đó tự thân muốn chuyển giới, muốn được sống cho con<br />
người thực của mình… Có thể có nhiều cách lý giải khác nhau về hành vi chuyển giới của người<br />
cha yêu con đó, nhưng tất cả sẽ có một điểm chung rằng, chuyện chuyển giới hiện nay không còn<br />
là vấn đề xa lạ nữa. Vậy chuyển giới sẽ có ích lợi gì cho cá nhân và cộng đồng?<br />
Văn chương nhân loại từ xưa đã viết về chuyện bất lực của đàn ông như một biểu hiện của sự<br />
nhập nhằng giới tính. Truyện hư cấu đồng tính hiện đại có thể được tính từ Carmilla (1871) cuốn<br />
tiểu thuyết Gothic của Sheridan Le Fanu. Tác phẩm đề cập đến quan hệ đồng tính nữ qua hình<br />
tượng nữ ma cà rồng có hành vi tính dục với người đồng giới. Tiếp theo, cuốn tiểu thuyết Bức<br />
tranh của Dorian Gray (The Picture of Dorian Gray, 1890) của Oscar Wilde cũng từng khiến độc<br />
giả sốc vì nhiều đoạn miêu tả tính dục đồng tính…<br />
Sang những thập niên cuối thế kỉ 20, sự bùng nổ văn chương đồng tính diễn ra với hàng loạt<br />
tiểu thuyết, Cobra (1972) của Severo Sarduy, Stone Butch Blues (1993) của Leslie Feinberg, Đàn<br />
ông đủ để là đàn bà (Man Enough to be a Woman, 1995) của Jayne County, Con nhóc: Nữ<br />
54<br />
<br />
Nghệ thuật kể chuyện trong Kitchen của Banana Yoshimoto<br />
<br />
chuyển giới và tế thần tính nữ (Whipping Girl: A Transsexual Woman on Sexism and the<br />
Scapegoating of Femininity, 2007) của Julia Serano… Các tác phẩm văn học viết về đề tài đồng<br />
tính trên đa phần đứng vào nhóm “bestseller” (bán chạy nhất) theo khảo sát của tờ New York<br />
Times.<br />
Diện mạo văn chương trên phản ánh việc chuyển giới đang là vấn đề nóng trong khoảng vài<br />
thập niên gần đây. Chắc chắn “chuyển giới” có mối quan hệ mật thiết nào đó với phong trào nữ<br />
quyền. Khi các nhà đấu tranh nữ quyền xuất hiện thì cùng lúc việc đấu tranh cho giới thứ ba cũng<br />
song hành. Việc chuyển giới diễn ra hai chiều, nam thành nữ và nữ thành nam. Thực tế thì, đa số,<br />
nếu không nói là tất cả thì luôn là nam thành nữ. Dường như, chỉ đàn ông khao khát thành đàn bà<br />
còn đàn bà thì hiếm khi mang khao khát thành đàn ông. Vậy nên, từ “cha”, Yuji đã chuyển giới<br />
thành “mẹ”. Một “ca” điển hình chứ không là cá biệt. Các tác phẩm văn chương Việt khi viết về<br />
đồng tính cũng thường lấy đàn ông làm tâm điểm. Sông của Nguyễn Ngọc Tư, Một thế giới không<br />
có đàn bà của Bùi Anh Tấn, hay Nháp của Nguyễn Đình Tú,… đều có nhân vật kiểu này.<br />
Việc chuyển giới xét về mặt cá nhân thì có thể có ích, nhưng xét về mặt cộng đồng thì có<br />
phần nguy hại. Thử hình dung, nếu một ngày, toàn nhân loại đều chuyển giới thì liệu có còn con<br />
người trên trái đất này? Chuyển giới gắn với mất khả năng sinh sản, vậy nên chuyển giới cá biệt<br />
thì chẳng sao, nhưng nếu chuyển giới chuyển sang dạng tập thể, thì cộng đồng đó nhất định bị xóa<br />
sổ. Không biết việc chuyển giới này là bột phát mang tính cá nhân hay nhân loại đến một ngày<br />
nào đó, ai ai cũng không chắc về giới tính mình thì cái việc chuyển giới lại trở thành điều nan giải<br />
và tiềm ẩn mối nguy hại khôn cùng.<br />
Kitchen, tuy nói về việc người cha yêu thương con, nhưng thực chất là hướng đến việc cảnh<br />
báo một về nền công nghiệp tiêu dùng, một xã hội lao động, mê vật chất toàn tòng, thì sẽ sinh ra<br />
một thế hệ những người dị dạng, dễ đánh mất đi thiên tính người. Đam mê lao động luôn là phẩm<br />
chất cao đẹp của bất cứ giống người nào, nhưng lao động đến mức chỉ biết cắm đầu lao động để<br />
thỏa mãn nhu cầu vật chất thì thật bất thường. Banana có lẽ là một trong những nhà văn đầu tiên<br />
phát hiện cái sự phi lý trong tính nhân văn cao cả này của nhân loại. Một sự cảnh báo đau đớn, khi<br />
trong mạch truyện, người kể đã để cho mẹ Eriko đón nhận một cái chết bất đắc kỳ tử, vì bị gã trai<br />
cuồng si mình đâm chết. Vậy ra, ngay cả khi con người chuyển giới, với mục đích được sống bình<br />
yên, thì vẫn cứ bị khuấy động bởi người khác. Cái thế giới ấy đích thực là không bình yên, đầy<br />
bóng tối và cô đơn. “Đêm nay, cũng như mọi ngày, bóng tối công bằng đã bao trùm lên tất cả, và<br />
rồi sẽ lại qua đi. Chính vào lúc này đây, dưới đáy sâu của nỗi cô độc mà tôi chưa hề chạm tới, tôi<br />
thực sự chỉ có một mình” [3;tr.155].<br />
Như được tiên báo về sự đơn độc, Mikage và Yuichi, sau cái chết của “mẹ” Eriko bỗng trở<br />
thành hai kẻ côi cút trên đời. Bức thư người mẹ chuyển giới để lại khi linh cảm về cái chết ngẫu<br />
nhiên của mình giúp người đọc hiểu hơn về cuộc hôn nhân bất hạnh của cha mẹ Yuichi trong môi<br />
trường đậm tính Nhật truyền thống. Để lấy được mẹ Yuichi, người cha đó đã dám đương đầu với<br />
đằng nhà vợ để có được người mình yêu dấu. Rồi sau cái chết của người vợ, người cha đó quyết<br />
định chuyển giới triệt để, biến mình thành một phụ nữ xinh đẹp. Việc làm đó khiến nhà ngoại<br />
Yuichi không thể chấp nhận, nên Yuichi không được thừa nhận vì cha mình. Bất hạnh đối với<br />
“mẹ” Eriko chưa dừng ở đó, xuất hiện một gã lập dị, đem lòng yêu cái người đàn ông trong lốt<br />
đàn bà đó, trong phức cảm tuyệt vọng đã dùng dao đâm chết mẹ Yuichi. Theo lời nhắn nhủ của<br />
mẹ Yuichi, thì những bất trắc trên đời đó giống hệt như chúng ta phải nộp thuế hằng ngày, dẫu ai<br />
nào có muốn, nhưng thuế thì vẫn phải nộp, một lối so sánh đậm chất “hài hước đen” của Kafka.<br />
Con người càng nỗ lực khẳng định mình bao nhiêu thì càng đánh mất mình bấy nhiêu.<br />
Thể chất kép mẹ-cha đó đã chết tức tưởi sau khi đã nỗ lực suốt cả đời nuôi dạy con. Yuichi<br />
lớn lên trở thành một người dũng cảm, tình cảm, đầy cá tính. Cậu cảm thông với bà của Mikage.<br />
Một người già có sở thích về hoa đến mức mỗi tuần hai lần đến quầy hoa nơi Yuichi giúp việc để<br />
mua. Yuichi yêu quý và ngưỡng mộ bà. Qua bà, Yuichi mới biết đến Mikage, một cô gái xinh đẹp,<br />
55<br />
<br />
Đào Thị Thu Hằng<br />
<br />
bản lĩnh. Giống Yuichi, họ là những người luôn tự chủ để được đứng lên bằng chính đôi chân của<br />
mình. Tự Yuichi, trong mối quan hệ tình cảm với người bà đã có ý thức chia sẻ trách nhiệm với<br />
Mikage.<br />
Trong cấu trúc bộ bốn nhân vật này, ta thấy mối quan hệ giữa họ thấm đẫm tình cảm nhưng<br />
vẫn có sự lỏng lẻo nào đó. Dường như mỗi người là một thành trì tự thân, rất khó công phá để đi<br />
đến tận nẻo khuất tâm hồn nhau. Nỗi cô đơn như là món nợ truyền kiếp mà tất cả họ đều mang.<br />
Mạch truyện không nối liền và phi mạch lạc đã khiến nó như là dấu chỉ của những chia lìa. Câu<br />
chuyện được bắt đầu từ sau vài ngày Mikage chuyển đến ở nhà Yuichi. Việc chuyển dịch đó đơn<br />
giản là vì lời mời chân thành của mẹ con Yuichi ngay sau khi bà Mikage mất. Cảm xúc của<br />
Mikage lúc đó là vô cùng trỗng rỗng. Cô không thiết và không biết phải làm gì. Ý nghĩ của cô vận<br />
hành theo hướng, thử hình dung, ngày nọ ai đó thức dậy để thấy xung quanh mình chẳng còn có<br />
lấy một người thân nào và đây là định nghĩa đầy cay đắng về hạnh phúc của cô: “Hạnh phúc,<br />
nghĩa là một cuộc đời không bao giờ phải cảm thấy rằng, thực ra ta chỉ có một mình” [3;tr.100].<br />
Thế giới xung quanh Mikage như đã tan loãng hết. Nhưng tại thời khắc gay go đó, một lời mời và<br />
một thái độ chân thành đã dứt Mikage ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Mikage đến nhà Yuichi,<br />
được đón chào như một thành viên không thể thiếu. Cuộc sống ấm áp trong khung cảnh yên bình<br />
đó đã giúp Mikage trụ vững.<br />
Nhưng trước đó, Mikage đã từng yêu và từng hạnh phúc. Chỉ có điều khi bà ốm nặng, cô mới<br />
nói lời từ biệt với người tình hào nhoáng nhưng rỗng tuếch mà cô từng nghĩ đó là người mình yêu.<br />
Dẫu sao thì cuộc tình đó vẫn hằn in những đau khổ nhất định. Tương tự, khi Mikage đến ở nhà<br />
Yuichi, người yêu của Yuichi đã nổi cơn ghen tuông và Yuichi cũng đã chia tay cô gái đó. Không<br />
phải vì Mikage mà chỉ vì cuộc tình đó tự thân đã chấm dứt. Với Mikage cũng vậy, người tình cũ<br />
Sotaro hẹn gặp Mikage, nhắc đến chuyện om sòm về Yuichi với bạn gái chứ không hề mang lại<br />
chút an ủi nào cho trái tim đau đớn, cô đơn của Mikage. Hành động đó càng khoét sâu thêm sự<br />
ngăn cách giữa hai người.<br />
Kitchen gồm hai phần. Phần một, Kitchen hiện diện ba nhân vật, đúng hơn là bốn nhân vật,<br />
tuy người bà đã mất, nhưng vẫn được nhắc đến qua những lời ngưỡng mộ, dấu yêu. Với cách vào<br />
truyện như thế, người kể Mikage cho thấy ngay dấu hiệu thảm họa của bản thân. Đặt biến cố lên<br />
đầu truyện, câu chuyện đã đưa người đọc vào bầu không khí sầu thương, bi kịch. Toàn bộ diễn<br />
biến tiếp theo, gần như là những tai ương nối tiếp, Mikage buộc phải đương đầu để trưởng thành.<br />
Phần hai của Kitchen là Trăng tròn. Phần này cũng xoay quanh chuyện của Yuichi và<br />
Mikage. Mở đầu cũng là một thông báo tai họa, cái chết của cô Eriko. Lúc này, Mikege đã vượt<br />
qua được nỗi đau mất mất, đã rời nhà Yuichi và đang sống một cuộc sống bình thường, thì đến<br />
lượt Yuichi nhận thảm họa. Người cha - mẹ nuôi nấng mình bấy lâu đã bị một gã cuồng tình đâm<br />
chết. Hai phần truyện được khởi đầu bằng hai cái chết. Dường như Banana đã cố tình tạo nên<br />
những tình huống bi kịch mang đậm bản sắc Nhật. Những cái chết bất đắc kỳ tử như là hậu quả<br />
của những trận động đất, sóng thần kinh hoàng, hoặc có khác đi thì lại là thảm họa của hai quả<br />
bom nguyên tử tàn phá tan tành hai thành phố của Nhật.<br />
Từ trong kí ức, các mô hình mẫu về môi sinh kia đã tác động một cách vô thức đến nhãn<br />
quan nghệ thuật của nghệ sĩ. Có thể khi sáng tác, Banana không ý thức về thảm họa kia, nhưng<br />
khi chọn đối tượng viết và cách triển khai, bất giác ngòi bút của nữ văn sĩ lại không thể cưỡng<br />
được sự cuốn hút của cõi chết chóc kia. Trong trường tư duy đó, “cô đơn” và “cái chết bất đắc kỳ<br />
tử” như là cổ mẫu mang đậm bản sắc Nhật. Điều này có thể được kiểm chứng qua sáng tác của<br />
hàng loạt các nhà văn nổi tiếng của xứ sở hoa anh đào. Từ Ryūnosuke Akutagawa, Junichiro<br />
Tanizaki, Abe Kobo đến Mishima Yukio, Yasunary Kawabata, Haruki Murakami,… tất cả đều<br />
viết về thảm họa, những thảm họa bất ngờ, ngẫu nhiên, mà nguyên nhân rất khó nhận biết hoặc<br />
lường trước.<br />
Từ cổ mẫu văn hóa này, người đọc sẽ hiểu được phần nào dụng ý của Banana khi cô đặt hai<br />
56<br />
<br />