intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC:" THIỀN TRONG KINH VĂN NGUYÊN THUỶ CỦA PHẬT GIÁO "

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

116
lượt xem
31
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong bài viết này, tác giả trình bày nội dung và ý nghĩa của Thiền Phật giáo trong một số tác phẩm tiêu biểu của Phật giáo. Qua đó, một mặt, tác giả khẳng định sự hiện diện của Thiền trong kinh điển Phật giáo; mặt khác, tác giả chỉ ra sự khác biệt giữa Thiền Phật giáo và Thiền trong Yoga của Bàlamôn giáo. Cuối cùng, tác giả khẳng định giá trị lịch sử cũng như giá trị hiện đại của Thiền. Từ góc độ lịch sử tư tưởng, bài viết này cố gắng làm rõ rằng, ngay trong...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC:" THIỀN TRONG KINH VĂN NGUYÊN THUỶ CỦA PHẬT GIÁO "

  1. NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC ĐỀ TÀI: “THIỀN TRONG KINH VĂN NGUYÊN THUỶ CỦA PHẬT GIÁO”
  2. THIỀN TRONG KINH VĂN NGUYÊN THUỶ CỦA PHẬT GIÁO HOÀNG THỊ THƠ (*) Trong bài viết này, tác giả trình bày nội dung và ý nghĩa của Thiền Phật giáo trong một số tác phẩm tiêu biểu của Phật giáo. Qua đó, một mặt, tác giả khẳng định sự hiện diện của Thiền trong kinh điển Phật giáo; mặt khác, tác giả chỉ ra sự khác biệt giữa Thiền Phật giáo và Thiền trong Yoga của Bàlamôn giáo. Cuối cùng, tác giả khẳng định giá trị lịch sử cũng như giá trị hiện đại của Thiền. Từ góc độ lịch sử tư tưởng, bài viết này cố gắng làm rõ rằng, ngay trong kinh điển Phật giáo Nguyên thuỷ đã có tư tưởng Thiền, đó chính là tư tưởng và phương pháp tu tập của Đức Phật trên con đường Người tìm đạo. Thiền là một sản phẩm độc đáo của tư duy lý luận tổng hợp của triết học - tôn giáo không tách rời thực tiễn tu tập và đạo đức truyền thống Ấn Độ mà Đức Phật đã kế thừa một cách có chọn lọc từ truyền thống Bàlamôn giáo. Thiền luôn là cơ sở lý luận và thực hành tu tập để triển khai tinh thần triết học tôn giáo từ Phật giáo Nguyên thuỷ cho tới Thiền tông Trung Quốc, đồng thời luôn trong khuynh hướng hiện đại hóa của Đại thừa Phật giáo. 1. Siddhartha Gautama và nguồn gốc của Thiền Phật giáo Nguyên thuỷ Kinh Phật, cả Đại thừa và Tiểu thừa, đều ghi nhận rằng, Đức Phật Thích Ca (khoảng 477 - 397 TCN.)(1), tên là Siddhartha Gautama, pháp danh là Buddha) lúc khởi đầu sự nghiệp tu tập đã theo học Yoga của hai đạo sĩ Bàlamôn là Kalama và Udraka Ramaputra(2). Nhiều sử liệu cũng cho biết rằng, đương thời, Đức Phật thực hành Yoga để tìm kiếm khả năng điều thân và điều tâm bằng luyện khí, đó là một kỹ năng tu luyện phổ biến của hầu hết các tôn giáo Ấn Độ. Bản thân Đức Phật cũng thực hiện phép tu Yoga một cách nghiêm ngặt trong quá trình giác ngộ. Cuộc đời tìm đạo, đắc đạo và truyền đạo của Đức Phật luôn gắn liền với hình ảnh và tinh thần tu luyện điển
  3. hình của Phật giáo là “Thiền”. Thực ra “Thiền” (Dhyana) là một khái niệm, một phép tu quan trọng trong các phép tu luyện của Yoga và nó đã được Đức Phật chọn làm phương pháp đặc trưng tu dưỡng thân - tâm của riêng Phật giáo. Sự lựa chọn “Thiền” của Đức Phật phản ánh sự kế thừa có lựa chọn truyền thống tu dưỡng tâm linh của Ấn Độ cổ theo khuynh hướng coi trọng trí tuệ, đặc biệt là trí tuệ hướng nội. Bởi vì, Thiền của Phật giáo chú trọng mục đích giác ngộ (ngộ) và không hoàn toàn giống Yoga lấy rèn luyện công năng siêu phàm làm trọng. Do vậy, Thiền (Dhyana) của Phật giáo có một nội h àm riêng trong hệ lý luận nhận thức và giải thoát của Phật giáo Nguyên thuỷ. Từ đây, Thiền không còn hoàn toàn giống với Yoga truyền thống của Bàlamôn giáo. Trong các kinh văn cổ về cuộc đời Đức Phật, nhiều đoạn tả tỉ mỉ việc thực hành thiền - định của Người. Chẳng hạn, lúc Phật còn là Thái tử nhỏ đã biết “khoanh tréo hai chân theo lối kết già, trầm ngâm lặng lẽ, chăm chú vào hơi thở, niệm sổ tức quán, định tâm và đắc quả sơ thiền (tầng thiền Jhana thứ nhất, là một trạng thái tâm phát triển khá cao nhờ an trụ)”. Hay khi đi tìm đạo, “… Ngài nhập Nhị Thiền rồi Tam Thiền và Tứ Thiền”(3). Kinh Trung A Hàm (Majjhima Nikaya) quyển I, trang 242 cũng ghi lại công phu luyện hơi thở của Phật khi giác ngộ: “… hãy tham thiền về sự nín thở! Rồi tôi kiểm soát chặt chẽ hơi thở vô và hơi thở ra, từ miệng và mũi… Rồi tôi kiểm soát hơi thở vô, thở ra bằng miệng, mũi và tai. Lúc ngưng thở… Rồi tôi ngưng thở bằng miệng mũi và tai…, tôi vẫn kiên trì tinh tấn...”. Thiền - định của bản thân Đức Phật cũng được tả chi tiết trong kinh văn về quá trình 49 ngày (bảy tuần) thiền - định dưới gốc Bồ đề để suy niệm về lẽ Giải thoát(4). Trong đó, đặc trưng độc đáo của Thiền là cách tiếp cận hướng nội, quay trở vào bên trong để đạt tới giác ngộ: “Ngài phải tự mình suy niệm và quay trở vào bên trong để tìm Chơn lý. Và Ngài đã tìm ra Chơn lý bên trong Ngài”(5). Về căn bản, Đức Phật đã tiếp thu một cách sáng tạo cách tu luyện nội tâm của Yoga. Người đánh giá cao Yoga và chỉ ra rằng, “Yoga là kiềm chế dòng ý
  4. thức (Vrtti) của tâm (Citta)”(6). Khác với Yoga truyền thống, cái mới của Phật giáo là lập trường triết học - tôn giáo giải thoát hướng nội – giải thần quyền(7) – bình đẳng. Sự sáng tạo này được thể hiện trong lối tu luyện Tứ niệm xứ(8) - lối tu luyện để đạt tới giải thoát bình đẳng tự tại, chứ không phải để đạt được công năng dị biệt hay để hòa nhập Tiểu ngã (Atman) với Đại ngã (Brahman) theo tinh thần giải thoát của thần quyền như các tôn giáo khác ở Ấn Độ cổ. Tứ niệm xứ chính là kinh văn Nguyên thuỷ về Thiền định của Phật giáo. Phật giáo Nguyên thuỷ chưa bàn nhiều về Thiền như một đối tượng độc lập, nhưng Thiền luôn gắn liền với con đường thực hành giải thoát và là một phương pháp hành đạo căn bản của Phật giáo. Do vậy, ngay từ thời đó, Thiền đã có một vị trí nhất định trong hệ thống và cấu trúc giáo lý, cũng như trong tu tập của Phật giáo. Kimura Taiken, nhà Phật học Nhật Bản, đã nhận xét vai trò của Thiền trong lịch sử Phật giáo như sau: “... không một giáo lý nào trong Phật giáo được thành lập ngoài Thiền. ... Vì xây dựng trên cái gọi là tự lực chủ nghĩa, nên nếu rời xa Thiền thì tất cả chỉ còn là một loại lý luận suông... nếu rời xa Thiền thì không có Tuệ là lẽ tất nhiên, nhưng đồng thời cũng không có Giới nữa”. Thậm chí, ông còn nhấn mạnh rằng, “... sự phát đạt của giáo lý Phật giáo chẳng qua cũng chỉ là sự phát đạt và biến thiên của Thiền quán”(9). Có thể đây là một trong những lý do khiến Đức Phật chọn Thiền làm phương pháp tu luyện của riêng Phật giáo ở Ấn Độ. 2. Tứ niệm xứ - Kinh văn Nguyên thuỷ về Thiền của Phật giáo Tư tưởng về Thiền trong kinh điển gốc thể hiện cụ thể nhất ở phần Chính niệm và được triển khai thành Đại niệm xứ (còn gọi là Tứ niệm xứ), tức là lý thuyết về kỹ thuật Thiền. Trong các kinh điển khác của Phật giáo, t ư tưởng về Thiền còn được diễn đạt theo nhiều cách khác, như Kinh Tứ niệm xứ (Satipatthanas-suttam), Thân hành niệm (Kayagatasatis-suttam), Kinh Song tầm (Dvedhavitakka-suttam), Thiền minh sát (Vipassana)...
  5. Tứ niệm xứ (Sattipatthana sutra) là kinh văn Nguyên thuỷ về Thiền được dịch sang Hán văn và chuyển sang âm Việt thành An Ban Thủ Ý. Nội dung của Tứ niệm xứ là bốn bài tập quán tưởng, hướng dẫn theo dõi hơi thở ra - vào liên tục để tập trung ý nghĩ vào từng đối tượng cụ thể: 1) Thân niệm xứ - tập trung toàn bộ dòng tâm thức và hơi thở vào quán thân xác của chính mình; 2) Thọ niệm xứ - quán dòng cảm xúc của chính mình; 3) Tâm niệm xứ - quán dòng tâm thức đang chảy trong chính mình; 4) Pháp niệm xứ - buông bỏ hết và dừng cả dòng ý thức. Tất cả các bước của Tứ niệm xứ đều nhằm mục đích “chế ngự tham ưu ở đời” để đạt tới mục đích giải thoát(10). Đức Phật rất coi trọng Tứ niệm xứ và coi “đây là con đường duy nhất…, để làm thanh tịnh chúng sinh, để vượt qua mọi buồn phiền, than khóc, để xoá đi mọi đau đớn và hoảng sợ, để đi đúng lối, để chứng được Niết Bàn, mà ta gọi là Tứ niệm xứ”(11). Khi truyền bá vào Trung Quốc, một phần của Tứ niệm xứ được An Thế Cao dịch âm thành An Ban Thủ Ý(12) (Anapanasati) còn gọi là Nhập tức xuất tức niệm. An Ban Thủ Ý đặc biệt nhấn mạnh việc dùng hơi thở ra hít vào để làm ngừng ý nghĩ, làm tiêu ý niệm mà nhập vào thiền - định. Nội dung An Ban Thủ Ý gồm: 4 hành (đếm hơi thở ra hít vào; thuận theo hơi thở; tâm niệm chuyên nhất vào một niệm (chỉ); quán tưởng hướng vào trong (quán)), trừ 2 ác, 16 thắng. Đây là bộ kinh về Thiền được coi là lưu hành sớm nhất ở Trung Quốc. Tên kinh đã được chuyển rất nghĩa sát và cụ thể “An” là hơi hít vào, “Ban” là hơi thở ra; “Niệm hơi thở chẳng lìa gọi là An Ban thủ Ý”(13). Đại sư Trí Khải (358-597), ông tổ của Thiên Thai tông Trung Hoa, khi nghiên cứu kinh này đã thừa nhận luyện thở là một trong những lối nhập định hay nhất. Trong Lục Diệu Pháp Môn, đại sư đã nhắc lại: “Có hai cách thiền thông thường nhất là: 1 - đếm hơi thở và 2 - đình chỉ hoặc giữ hơi thở lại”(14). Đến giai đoạn Bồ Đề Đạt Ma, trong số bốn pháp môn Thiền ở Trung Quốc lúc đó, An Ban Thủ Ý được đánh giá cao và được xếp làm pháp môn Thiền cơ
  6. sở cho những người mới nhập môn(15). Khi Thiền Đại thừa đạt tới đỉnh cao với nhiều phái thiền như Tào Động, Lâm Tế, Dương Kỳ, Vô Ngôn,… với các pháp môn Thiền như công án, niệm chú, đánh, hét,… thì pháp môn An Ban Thủ Ý vẫn giữ vị trí “là bước thiền đầu tiên trong tiến trình ổn định các cơ năng của thân, làm lắng dịu các tư tưởng biên biệt và tăng cường sức tập trung..., theo rõi hơi thở ra vô bằng con mắt tâm... Như thế, thở trở thành một vận chuyển kinh nghiệm tâm linh, cái trung gian giữa thân và tâm”(16). Kỹ thuật này còn được các đạo gia gọi là phép Sổ tức quán. Nội dung của Tứ niệm xứ với công phu An Ban Thủ Ý (kỹ thuật thở để an tâm) luôn gắn liền với yêu cầu tự nhận thức về sự chuyển biến dòng ý thức của chính thiền giả với mục đích cuối cùng của luyện thở là kiểm soát dòng ý thức tự phát, chứ không thiên về luyện các công năng dị biệt hay để hoà nhập với Đại Thiên (Brahman) như Yoga của Bàlamôn giáo. Tóm lại, Tứ niệm xứ và An Ban Thủ Ý là những kinh văn Nguyên thuỷ có nội dung về Thiền rất rõ ràng. Trong suốt lịch sử phát triển của Phật giáo, cho tới nay, kinh điển Nguyên thuỷ về Thiền vẫn luôn được coi là những bài đầu tiên và cơ bản của mọi thiền gia và thiền phái, kể cả Tiểu thừa (Theravada) và Đại thừa (Mahayana) Phật giáo. 3. Thiền trong Tam Tạng kinh (Tripitaka) Nguyên thuỷ Hệ thống kinh điển của Phật giáo, còn gọi là Tam Tạng kinh (Tripitaka), gồm Kinh tạng (Sutra-Pitaka), Luật tạng (Vinaya-Pitaka) và Luận tạng (Abhidharma-Pitaka). Mỗi tạng (Pitaka) phản ánh một phương diện, một trình độ phát triển của Phật giáo và có niên đại riêng. Kinh tạng chứa nội dung giáo lý do chính Đức Phật truyền giảng. Luật tạng bao gồm các giới luật của giáo đoàn. Luận tạng là phần có nội dung chuyên về luận giải các tư tưởng trong hai tạng trên. Do vậy, Kinh tạng và Luật tạng(17) có tính nguyên thuỷ hơn so với Luận tạng cả về niên đại lẫn khuynh hướng triển khai hay bảo tồn tư tưởng gốc. Do vậy, tư tưởng Thiền triển khai trong các tạng đó vừa
  7. có tính nhất quán, vừa có mức độ và mục đích khác nhau. - Kinh tạng (Sutra-Pitaka) ghi nhận những tổng kết kinh nghiệm tu đạo, chủ yếu là thực hành thiền - định của Đức Phật thành Tứ diệu đế (Ariyasatyani), gồm có Khổ đế (Dukkha), Tập đế (Samudaya), Diệt đế (Nirodha) và Đạo đế (Magga). Trong đó, Thập nhị nhân duyên (Dvadasanga-Pratiyasamutpada) và Bát chính đạo (Astangika-Marga) là luận thuyết cốt lõi của giáo lý Phật giáo. Tinh thần Thiền của Đức Phật cũng được khẳng định rõ ràng trong cấu trúc đó. Khổ đế khẳng định rằng, nếu quán danh sắc và quay ngược trở vào nội tâm để soi xét thì sẽ hiểu rõ được thế nào là khổ. Thực chất cái khổ (có tính phổ quát) của con người chính là tính quy định của tồn tại người. Đó là do bản chất vô thường của pháp hữu vi (trong đó có con người) quy định: “Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi là khổ, ưu não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thụ uẩn là khổ”. Tinh thần hướng nội, nội quán của Thiền đã được xác định ngay từ đây. Tập đế nhất quán tinh thần hướng nội, tiếp tục tìm kiếm và khẳng định rằng, nguyên nhân sâu xa của khổ là sự ngu dốt (vô minh). Vì vô minh nên con người bị dục, ái (Tanha) dẫn dắt. Cho nên, con người không thoát được (về mặt nhận thức) tính quy định của tồn tại tương đối (vô thường) của đời người để nhận thức bản tính “vô ngã” đích thực và do đó, cứ trôi lăn trong vòng khổ lụy. Tiếp đó, Diệt đế chủ trương rằng, để xoá tận gốc nguyên nhân của khổ phải bắt đầu từ bên trong, từ diệt vô minh trong tâm thức về bản ngã(18). Thực chất, nội dung của Diệt đế là thuyết Duyên sinh vô ngã, là sự nhất quán của vũ trụ luận Duyên khởi về bản chất vô thường của tồn tại người. Phật giáo cho rằng, con người có thể nhận thức được, thậm chí “liễu tri” (tuệ) được luật vô thường và luật vô ngã của các pháp hữu vi (bao gồm danh sắc của chúng sinh) để tự diệt được vô minh, tự đạt tới giải thoát. Trên con đường đó, mọi
  8. người đều bình đẳng như nhau về khả năng và cơ hội. Đạo đế là con đường tu đạo được chính Đức Phật thể nghiệm và khái quát thành Bát chính đạo, gồm chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tấn, chính niệm và chính định. Từ góc độ nghiên cứu tư tưởng Thiền, có thể thấy, chính kiến, chính tư duy, chính niệm và chính định cũng đồng thời là hai bước đầu chuẩn bị và hai bước cuối hoàn thiện trong quy trình tu tập thiền - định. Chính kiến và Chính tư duy (tuệ) về thực chất là bước xác định lập trường giải thoát khỏi vô minh. Chính niệm là bước tiếp theo, lấy bản thân ý thức và dòng suy tư của chính mình làm đối tượng quan sát để cuối cùng đạt tới làm chủ một cách đúng đắn dòng ý thức. Chính định (Samyag Samadhi) là làm chủ sự tĩnh lặng ý thức (vô thức, vô niệm) một cách đúng đắn. Đây là bước tu thứ tám và là bước quan trọng nhất trong Bát chính đạo. Định cũng là mắt khâu quyết định trong mô hình Tam học (Giới - Định - Tuệ). Không có Định thì cũng không giữ được Giới và không đạt được Tuệ. Đức Phật đã tiếp thu trực tiếp kỹ thuật thiền “hướng nội” của Yoga, song triển khai theo tinh thần trung đạo để làm phép tu căn bản của Phật giáo. Đây là một trong những định hướng mà sau này Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc đã tiếp tục phát triển thêm tinh thần “vô chấp”, “vô trụ” thành Phật giáo Đại thừa nói chung và Thiền tông Trung Quốc nói riêng. Luật tạng (Vinaya pitaka) là các giới luật để đảm bảo sự tồn tại và phát triển vững mạnh của tăng đoàn Phật giáo. Luật tạng quy định rõ 227 giới cho nam tu sĩ (tăng, Bhikkhu) và 348 giới cho nữ tu sĩ (ni, Bhikkhuni); “thập giới” và “ngũ giới” cho tín đồ tại gia (cư sĩ). Có thể chia nội dung Giới theo nhiều cách, song từ góc độ Thiền, giới luật được chia thành ba loại: Biệt giải thoát giới, tức là những giới luật chung về lối sống đạo đức của tín đồ và tu sĩ trên con đường giải thoát; Định cộng giới, tức là lấy Thiền - Định làm giới để đạt được tâm thanh tịnh; Đạo cộng giới, tức là lấy Tuệ làm giới để đạt được giải
  9. thoát. Về sau, Kinh Bát Nhã, với lập trường triết lý tính Không, đã khái quát tâm thức của người tu đạo thành Giới Ba La Mật, với ý nghĩa đó là sự siêu việt vượt mọi quy định về giới khi đã đạt được Tuệ giải thoát bằng thiền - định. Luật tạng đã kết hợp các mặt đạo đức - thực hành - giải thoát của Phật giáo với nhau thành cấu trúc biện chứng Tam học (Sikssa) của giáo lý gồm ba phần: Giới - Định - Tuệ. Như vậy, rõ ràng, trong Kinh và Luật - phần tối cổ của kinh văn Phật giáo Nguyên thuỷ, Thiền đã có một vị trí quan trọng. Luận tạng (Abhidharma-Pitaka) là tập hợp những luận giải tư tưởng kinh điển, Những luận giải này chỉ hình thành khi bắt đầu có sự tranh luận về các khái niệm có tính triết học - tôn giáo thâm sâu của giáo lý. Trong thực tế, tinh thần của những luận giải đó ngày càng hiện đại hơn. Do vậy, Luận tạng còn có thể được coi là thần học hay tôn giáo học của Phật giáo. Những luận giải đó chính là những tiền đề tư tưởng đầu tiên cho sự hình thành của Đại thừa Phật giáo. Đây cũng chính là tiền đề lý luận đầy đủ cho Phật học và Thiền học về sau. Hội nghị kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba(19) được coi là mốc lịch sử của sự ra đời Luận tạng với sự xuất hiện của các luận giải khác nhau về nội dung tư tưởng của kinh điển gốc. Chúng được gọi là các Abhidharma, dịch âm là A Tỳ Đạt Ma. Đó chính là hình thức nguyên thuỷ của Luận tạng. Trong Luận tạng, Thiền bắt đầu thể hiện rõ dần vai trò và vị thế độc lập và nổi trội, nhất là trong các vấn đề về phương pháp nhận thức và lý luận nhận thức. Do vậy, ngay từ đầu, tuy chưa được khẳng định như một hệ vấn đề độc lập, nhưng Thiền tham dự hầu hết các vấn đề căn bản có tính quyết định xu hướng phát triển của các thời kỳ lịch sử Phật giáo. Kết cấu tổng thể Tam học của giáo lý Phật giáo gồm ba bộ phận thống nhất chỉnh thể không tách rời là Giới - Định - Tuệ. Trong đó, Thiền chính là nội dung của Định hay nói chính xác hơn, Thiền chính là một bộ phận cấu thành quan trọng của Tam học. Bởi vì, “không trì giới thì tâm không tịnh do đó
  10. không định được tâm, mà không định được tâm thì không đạt được Tuệ”. Song đáng chú ý là, kết cấu bộ ba này được nhất quán ở mọi cấp độ lý thuyết và thực hành. Chẳng hạn, nội dung của Thiền Phật giáo cũng tuân thủ nguyên tắc kết hợp ba phương pháp tu tập tổng hợp “Tam đạo” (Marga). Cụ thể, đó là Kiến đạo, Tu đạo và Vô học đạo. Người tu thiền nếu không hiểu “đạo” - con đường độc đáo của Thiền - là con đường “nội quán trực giác” thì không thể tu thiền, không thể vừa tư biện, vừa trực quán. Trên con đường rèn luyện để đạt tới Tuệ, thiền giả phải vượt qua được những cái bẫy của lôgíc thông thường, đó là Vô học đạo. Thiền giả phải tu luyện sao cho đồng thời đạt được cả sự yên tĩnh lẫn vận động tích cực. Đó là sự yên tĩnh gần như tuyệt đối của tâm (chỉ), nhưng không phải là sự trống rỗng, mà trong sự yên tĩnh tuyệt đối đó, tâm thức tập trung cao độ hướng đến Tuệ (quán). Như vậy, trong kinh văn Nguyên thuỷ, ngay trong mỗi tạng của Tam Tạng kinh, Thiền đều có một vị trí không thể thiếu. Ý nghĩa của Thiền luôn đ ược bảo tồn cùng quá trình phát triển của Phật giáo nói chung, cũng như sự phân chia thành các tông phái ngày càng đa dạng của Phật giáo nói riêng. 4. Ý nghĩa của Thiền Phật giáo Nguyên thuỷ Từ góc độ giá trị phương pháp tu luyện nội tâm, Thiền là một trong những giá trị truyền thống hướng nội của phương Đông nói chung và của Ấn Độ nói riêng. Từ xa xưa, Thiền đã được Phật giáo Nguyên thuỷ góp phần bảo tồn và phát triển cho tới tận ngày nay. Tư tưởng Thiền Phật giáo luôn được đánh giá như một cơ sở nội tại tiềm năng cho những phát triển lý luận cũng như thực hành tôn giáo theo hướng triển khai các tư tưởng Đại thừa nói chung và Thiền tông nói riêng. Từ tính Thiền đến Thiền tông là một quá trình phát triển, hoàn thiện trong mối liên hệ có tính lịch sử giống nh ư cấu trúc lý luận và thực hành tôn giáo được triển khai trong lòng Phật giáo liên tục từ Nguyên thuỷ cho tới đỉnh cao là Phật giáo Thiền tông Đại thừa Trung Quốc. Từ góc độ nhận thức luận và giải thoát luận, Thiền luôn là nhân lõi về lý luận
  11. và thực hành tôn giáo để làm mới các vấn đề của giáo lý Phật giáo theo hướng hiện đại hóa, thế tục hóa,… mỗi khi Phật giáo triển khai các phong trào chấn hưng hay phục hưng Phật giáo. Thiền học - một hệ thống lý luận về Thiền của Phật giáo - là sản phẩm của quá trình phát triển tính Thiền thành hệ thống lý luận và tu tập của Phật giáo trong một lịch sử bề thế với sự giao lưu, tiếp biến của không chỉ những nền văn hóa, văn minh hay tôn giáo ở ph ương Đông, mà còn lan sang cả phương Tây. Trong tương lai, giá trị nhân bản hướng nội của phương Đông sẽ được Thiền Phật giáo tiếp tục góp phần bảo tồn và phát triển. Giá trị này là một trong những nguồn nội năng để Thiền Phật giáo ngày càng được phổ cập hóa, đa dạng hóa và hiện đại hóa trong thời đại mới./. (*) Tiến sĩ, Trưởng phòng Triết học phương Đông, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. (1) Có nhiều quan điểm khác nhau về niên đại của Đức Phật, 477 - 397 là kết luận nghiên cứu của Giáo sư K.T.S. Sarao, Trưởng khoa Phật học, Đại học Delhi trong K.T.S.Sarao. The Origin and Nature of Ancient Indian Buddhism , Easten Book Linkers, Indological Publishers & Booksellers, Delhi, India, 1998. (2) Tarthang Tulku. Hành Thiền là phương thức khai tâm. Tạp chí Giác Ngộ, số 12, tr. 19. (3) Krisnam Murti. Thiền đạo yếu pháp (người dịch: Viên Thông). Sách ấn tống của GHP, Sài Gòn, 1974, tr. 26-27,49. (4) Krisnam Murti. Sđd., tr. 42 - 44, 66 - 74. (5) Krisnam Murti. Sđd., tr. 57. (6) Historical Dictionary of Buddhism. Edited by Charles S.Prebish, Sri Atguru Publications, Delhi, India, 1995, p.3. (7) Có nghĩa là giải thiêng Bàlamôn giáo, giải cấu trúc uy quyền thần thánh
  12. của Bàlamôn giáo. (8) Kinh văn Nguyên thủy về Thiền của Phật giáo là Tứ niệm xứ, còn gọi là Đại niệm xứ với công phu thiền - quán hay còn gọi là Thiền minh sát (Viapassana). (9) Kimura Taiken. Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, t.1 (người dịch: Thích Quảng Độ). Tu thư Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1969, tr. 492 - 493, 498. (10) Trí Giả Thiên Thai. Tu tập chỉ quán toạ thiền pháp yếu. Nxb Thiền học, Sài Gòn, 1980. tr. 366. (11) Bhagavad-gita as It Is. Translated by Bhaktivedanta Swami Prabhupada, The Bhaktivedanta Book Trust. New York, Los Angeles – London – Bombay. Send print, 1986. tr. 201 - 202; Henrich Dumoulin. Zen Buddhism: A History, Vol. 1: India and China, Macmillan Publisher, New York and London, 1988, tr. 177 - 178. (12) Hoặc dịch âm hơi khác đi là An Ban Thủ Ý. (13) Ngô Di. Thiền và Lão Trang (người dịch: Đồ Nam). Nhà in Hạnh Phúc, Sài Gòn, 1973, tr. 39. (14) Chang Chen Chi. Thiền đạo tu tập (người dịch: Như Hạnh). Nxb Kinh Thi, Sài Gòn, 1972, tr. 321-325. (15) Ngô Di. Thiền và Lão Trang. Sđd., tr. 59. (16) Philip Kaplaeo. Ba trụ thiền (người dịch: Đỗ Đình Đồng). Giáo hội Phật giáo Huế, 1981, tr. 25-26. (17) Kinh tạng và Luật tạng là kết quả của Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ nhất (100 ngày sau Phật diệt, khoảng 398 TCN.) và kết tập lần thứ hai (khoảng 274 TCN.). Nội dung chính của hai tạng này là các vấn đề giáo lý và giới luật để kiện toàn tăng đoàn Nguyên thuỷ. (18) Thích Chơn Thiện. Phật học khái luận. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 69 - 83. (19) Khoảng năm 283 TCN., tức là 100 năm sau khi Phật nhập diệt.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2