YOMEDIA
ADSENSE
Nghiệp gia truyền hay sự tích “Ông ba bị”
68
lượt xem 3
download
lượt xem 3
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Người đời thường nói “Quả đất tròn”, còn bà dì tôi thì bảo “Hóa ra cái nước mình cũng bé nhỉ!”. Với tôi, sự kiện gặp Tổng thống Mỹ Bill Clinton trên đường Lê Công Kiều, Sài Gòn cũng không bất ngờ bằng việc tôi gặp thằng cu Xo ở Vũng Tàu. Sự kiện ấy làm tôi nhớ lại một dây, một xốc những cái tên không đụng hàng. Thằng Xo là con anh Xò, cháu nội ông Đĩ Xọ.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nghiệp gia truyền hay sự tích “Ông ba bị”
- Nghiệp gia truyền hay sự tích “Ông ba bị” TRUYỆN NGẮN CỦA HOÀNG ĐÌNH QUANG Người đời thường nói “Quả đất tròn”, còn bà dì tôi thì bảo “Hóa ra cái nước mình cũng bé nhỉ!”. Với tôi, sự kiện gặp Tổng thống Mỹ Bill Clinton trên đường Lê Công Kiều, Sài Gòn cũng không bất ngờ bằng việc tôi gặp thằng cu Xo ở Vũng Tàu. Sự kiện ấy làm tôi nhớ lại một dây, một xốc những cái tên không đụng hàng. Thằng Xo là con anh Xò, cháu nội ông Đĩ Xọ. Ông Đĩ Xọ là con trai cụ Ba Xó, hay còn gọi là Ông Ba Bị, người phát tích từ làng Sơn Cốt của tôi. Cái cô chạy bàn ăn mặc nghiêm túc như công chức Vũng Tầu, hỏi nhỏ: - Chú ơi, đằng kia có một anh hỏi chú có phải chú là ông Q., nhà văn, người TN không? - Ơ... ai vậy? Tôi hơi ngỡ ngàng. Mà ai hỏi nhà văn thì cũng là lẽ thường, tôi hơi tự mãn. Tôi đây, đúng rồi! Cô gái phục vụ chạy đi, lát sau có một anh chàng khá bảnh bao, áo sơ mi màu cánh kiến bỏ trong quần ka ki xám, chỉ có khuôn mặt hơi cô hồn, với cái nhìn cúi xuống, đến bàn tôi. Tôi hơi hoảng, nhưng anh ta đã cười, khá tươi, hai tay lại vòng sơ trước ngực: - Ông ạ! Con nghe tiếng ông đã lâu, mà hôm nay mới gặp... - A... Anh là? - Con định hỏi ông mấy lần, mà không dám! Hôm qua con đã thấy ông ngồi nhậu với mấy ông bà... - Ừ. Tôi ra đây gần một tuần rồi. - Con là thằng Xo! Chắc ông chả nhớ ra con đâu nhỉ? Xo con nhà Xò ở Đầu Cầu...
- Tôi reo lên như gặp được tri kỷ, tri âm, chỉ còn thiếu một việc là ôm chằm lấy nó, thằng Xo, con nhà Xo Xọ.... - Ối! Thôi chết rồi! Anh là anh Xo đấy ư? Gặp ngoài đường mà anh không nói, có đánh chết tôi cũng không nhận ra. - Vâng! Cái ngày ông đi bộ đội, con còn bé tí. Nhưng cơ mà con biết ông. Ở nhà người ta hay nhắc đến ông. Bố con cũng hay kể chuyện ông nữa... - Thế à? Ông anh còn khỏe chứ? - Có mà chả khỏe hơn con. Đi suốt, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòn Gia, Cẩm Phả... Tôi gọi thêm một chai bia, cái bát đôi đũa: - Thế vẫn... Xo thản nhiên: - Thì vẫn. Chứ ông bảo nhà con có cái nghiệp ấy rồi. Ngồi một chỗ nó tù cẳng lắm. Với lại, trời sinh cho chúng con đôi mắt chỉ để nhìn những cái ấy thôi. Tôi bảo, gặp nhau đây rồi, người làng người xóm, là quý lắm, thôi từ nay anh cứ gọi tôi bằng anh cho tiện, chứ tuổi anh, người anh thế này nghe gọi bằng “ông ông, con con” nó... ngượng lắm. - Ấy chết! Ông bảo thế sao được! Nhà con tuy hèn, nhưng các cụ vẫn dạy đến nơi đến chốn. Ngày ở nhà, ông chả vẫn gọi bố con là anh Xò đấy thây! Thế thì con gọi ông là anh sao đặng? Thôi thì chịu cái anh Cu Xo này vậy. Mà hình như chúng tôi cũng có chút họ hàng rễ má, dây mơ nào đó, phi nội tắc ngoại ở cái làng nhỏ bé ấy. Tuổi tôi với Xo, gọi nhau bằng chú cháu cũng được, mà anh em cũng phải. Hắn gọi tôi bằng ông là có ý gọi thay cho con. Mà cũng chả biết vợ con nó thế nào. - Xo này, thế bây giờ anh ở đâu? - Con thuê nhà, ông ạ.
- - Có mình anh hay những ai cùng vào đây? Xo đòi trả tiền bàn nhậu: - Có mình con, với... Nói ra ông đừng cười. Biết rồi. - Mà anh cũng vẫn...? * * * Tôi về phòng, chịu chết không viết được chữ nào. Người ta cho tôi ra đây để hy vọng tôi viết được cái gì đó. Cái gì đó là cuốn tiểu thuyết tôi viết về làng quê tôi, có tên là “Cánh đồng Lưu Lạc”, đang dở dang, vừa ngổn ngang bề bộn, vừa bí rì bí rị. Ờ mà sao, chuyện về làng quê mà tôi quên biến cái dòng họ đặt tên một dây Xó – Xọ – Xò – Xo này nhỉ? Họ cũng có một chỗ đứng xứng đáng, họ cũng phải được liệt vào hàng “Sơn Cốt gốc”, tạo cho cái bản sắc làng Sơn Cốt chúng tôi chứ. Ngày còn bé, tôi rất sợ ông cụ Xó. Nhìn thấy bóng ông ở đâu với cái tay nải bên sườn là tôi tìm cách chui ngay vào bụi rậm để trốn. Trong cái tay nải ấy mà tôi cho rằng thế nào cũng có một đứa trẻ con, hoặc đã chết, hoặc còn sống, thở ngắc ngoải. Một con người nửa thần, nửa ma như thế làm sao không sợ được. Sợ là sợ thế, cũng giống như khi ta, dù đã lớn, nghe được chuyện gì, càng hoang tưởng càng dễ ăn vào tâm can, để sợ, hoặc để tin, để ngấm ngầm nuôi dưỡng, dù biết là hoang đường, bánh vẽ. Khi tôi càng lớn, câu chuyện càng có vẻ thật. Vào khoảng lâu lắm rồi, có một con người lạ hoắc, lạ huơ nằm thoi thóp ở góc miếu thờ Thành hoàng. Tuần đinh tóm được. Nói là tóm cho oai cái đội “dân vệ” thế thôi chứ, thật ra là nhặt được cái sinh vật, oặt oẹo, dặt dẹo. Mà tuần đinh khẳng định rằng cái con người ấy không có vú, mà có con chim nho nhỏ, xoăn tít, nên gọi là hắn, là anh, là đàn ông. Không tên họ, quê quán, dựa vào cái chỗ anh ta xuất hiện ở xó miếu, người ta gọi anh là Xó. Đặt cho anh cái họ vô thưởng vô hại là Nguyễn Văn Xó. Xó OK, không thanh minh,
- chối cãi. Được ăn khoai vùi, sắn luộc thì Xó khỏe mạnh lên, không bệnh tật. Xó vẫn ở nhờ Thành Hoàng, và nhận làm nhưng việc lặt vặt trong làng, khi có khi không, còn ất ơ, nghiệp dư hơn cả anh Mõ. Rồi một ngày Xó ra đi... Rồi một ngày Xó trở về. Xó trở về với cái tay nải bên sườn, nhìn thì biết khá là nằng nặng. Có gì trong tay nải thì chỉ có Thành Hoàng biết. Nhưng người mắt thịt trong làng thì đoán mò đấy là của cải. Có thứ Xó đem ra đổi chác cho người hiếu kỳ, chẳng hạn như cái vòng dao, cái xe điếu, con dao, cái kéo... toàn những thứ mà ở Sơn Cốt ít thấy. Xó lấy đâu ra? Có người còn đoan chắc rằng, Xó còn nhiếu thứ quý hơn, đáng giá hơn, như khuyên vàng, nhẫn bạc... mà Xó đã chôn giấu dưới chân miếu Thành hoàng. Xó lại ra đi. Xó lại trở về. Khoan nhặt vô hạn định, nhưng Xó không có ý định rời làng Sơn Cốt, dù người ta đã tống cổ Xó ra khỏi miếu, sợ Xó ăn chặn đồ cúng, mang tiếng Thành Hoàng. Xó đổi cái gì đó cho nhà cụ Bất, xin được dựng cái lều trên thẻo đất của cụ. Thế là Xéo có nhà. Có nhà thì có vợ. Mà có vợ thì có con, ai chả thế, chỉ trừ nhà lão Bếp Sình, đi lính khố đỏ sang mãi Phi Châu, nhiều vợ là thế mà chả có đứa con nào.
- Hay là Xó làm nghề trộm cắp? Đã bắt đầu có người suy diễn ra thế? Nghe rất có lý, thấy logic lắm. Đi đi, về về, sức vóc kém, tài cán không, lại có của, thế thì chỉ có mà đi ăn cắp. Sắp đến lúc người ta truy xét Xó, thì có câu chuyện sau đây, đã cứu Xó trong gang tấc. Thì ra Xó ra đi như người vô định. Nhưng không, chỉ có chân anh vô định thôi, chứ đôi mắt tinh ranh và đảo lia đảo lịa. Cái gì là lạ, là Xó nhặt lên. Trong một trăm cái vô dụng, thì thế nào cũng có một cái hữu ích, do người ta đánh rơi. Ở đâu có con người thì ở đó có đồ rơi! Triết lý là thế. Và còn triết lý thêm: ta không có tài, không có chữ, không có nghề; ta không có gan để ăn cắp ăn trộm; không hạ nhục ăn mày; cũng không có phúc làm quan để ăn hối lộ, ăn chặn, ăn bớt! Vậy thì chỉ có đi ăn nhặt! Một nghề hẳn hoi, đôi chân đưa ta đi mỗi ngày vài chục dặm, đôi mắt ta nhìn hàng ngàn thứ, mồ hôi đổ ra ướt áo trong áo ngoài, mùa đông đến thì rét cắt đến xương, đến thịt! Những thứ ta nhặt được, ai xin chuộc, ta cho nhận lại, gian dối gì đâu. Những thứ vô thừa nhận là của ta! Ấy cứ thế, đi và nghĩ, nghĩ và đúc kết. Xem ra cái nghề viết văn cũng na ná, ấy là sau này tôi nghĩ thế!... Nói chung cái nghề ăn nhặt trong thế giới nghèo nàn cũng không khá. Cái cặp tóc, hòn bi, cái bút, cái kim băng... May mắn là cái khăn mù-xoa, cái bật lửa, cái bút máy. Ấy vậy mà một hôm, lão Xó nhắt được hẳn một cái gói vải bọc điều. Nó nằm nửa kín, nừa hở bên vệ đường, cạnh bụi dứa dại đầy bụi lầm. Cũng không hẳn là người ta làm rơi, có vẻ như người ta muốn bỏ đi, nhưng lại tiếc. Lão Xó nhìn trước, ngó sau, không thấy bóng người, thì lẳng lặng nhặt lên, bỏ vào bị, rồi thoăn thoắt trở về làng. Đi thâu đêm. * * * Lão Xó lấy vợ đẻ con trai. Tính đi tính lại mãi, chả biết đặt tên là gì, tặc lưỡi: “Bố là Xó, thì con là Xọ, chả sợ đụng chạm đến tên ai, mình dân ngụ cư cứ là phải cẩn tắc. Cái tên xâu xấu thế đỡ ốm đau, không lo ma quỷ sờ trán(!)”. Thằng Xọ được năm tuổi, thì lão Xó dắt nó đi theo. Lúc nó khỏe thì chạy thoăn thoắt. Khi mỏi chân thì ông cõng nó. Vất, nhưng có cái vui, là hễ ông nhặt được hòn bi, con ốc thì đưa cho nó chơi ngay. Làm thằng
- bé cũng bớt quấy. Lâu dần, nó tinh mắt nhanh tay hơn ông. Trong lúc chen chân ở cổng chợ bùn đất vảy tứ tung, mà nó vẫn cúi nhặt được những đồng kẽm. Dần dà, mới tí tuổi đầu mà có hôm nó còn kiếm được hơn bố. Lúc đầu, Lão Xó cũng cho con đi học, sau thấy tốn quá, lại giảm thu nhập, nên được nửa năm nhân chi sơ thì bỏ. Bỏ học thì đi tiếp nghiệp của bố. Hơn mười tuổi, bố con chia nhau mỗi người đi một hướng. Ăn ngủ thây kệ. Cũng chẳng hẹn nhau ngày tái ngộ. Cho mãi đến khi vỡ đồn Tây (1945) cả hai cha con cùng hớt hải chạy về, Lão Xó mới thấy thằng con lớn tướng, cao lộc ngộc. Tạm thời ở nhà, vừa nghe ngóng tình hình, vừa hàn huyên chuyện giặc Tây, giặc Nhật hai cha con mục sở thị. Lúc này mà láng cháng ngoài đường, ngoài chợ thì ăn đạn Nhật ngay, không Pháp gian thì cũng Việt gian. Chuyện của họ còn làm cho dân làng để ý, đáo qua đáo lại nhà lão Xó, làm như nhà có đám. Nhật thua, chính quyền rơi vào tay Việt Minh. Pháp quay lại, Việt Minh hô hào đánh Pháp. Anh Xọ được vào bộ đội, lúc mới mười bảy. Lão Xó đưa cho con cái áo len rách lỗ chố dán nhấm, nhưng mà còn tốt. Ấm ra phết. Anh Xọ vào bộ đội đổi ra Nguyễn Quang Xọ, đánh nhau mấy trận ở núi Thằn Lằn, rồi xa nữa, xa nữa... mà không bị thương tí ti nào. Nguyễn Quang Xọ phục viên về làng, có giấy khen hẳn hoi. Anh vác cái giấy khen đi hỏi vợ. Hỏi cái được ngay. Một hôm, anh con trai mới nói với Lão Xó: - Con tính gửi vợ con cho thầy u, để xin đi làm công nhân ở Trái Hút. - Đập đá ạ? Ông bố gườm gườm. Trái Hút thì đập đá chứ làm cái gì? - Đập thì đập. Anh bộ đội phục viên cãi lại bố. Nhưng cơ mà giai cấp công nhân đấy bố ạ... Lão Xó không nói ngay, chờ cho đến tối, hai vợ chồng nhà Xọ chuẩn bị tắt đèn, lão mới nhẩn nha: - Công nhân công nhiếc gì? Ở nhà đây vợ chồng có nhau, hú hí có sướng không? Anh Xọ dừng trước cửa buồng:
- - Rồi lại theo nghiệp bố à? - Thì cứ biết thế. Ai ngờ lời can của ông bố hiệu nghiệm. Sau một đêm hú hí, Nguyễn Quang Xọ rút đơn, không đi Trái Hút nữa. Ít lâu sau, người làng thấy Xọ cũng khoác bị ra đi, đến ngã ba thì hai cha con chia tay. Xọ lương thiện bất ngờ nhặt được một cái túi nhỏ bằng bàn tay, màu nâu xỉn nằm hớ hênh sau chân cột điện. Mở ra, không có tiền, không có gì quý báu mà là một xấp giấy tờ. Xọ đến đồn công an đứng đợi. Đợi mãi, thấy ai ra vào anh cũng hỏi. Hỏi gì? Người ta đang vội, mải miết đi ra, mải miết đi vào, chẳng ai để ý đến anh. Gần trưa, người ta ồn lên, có cái gì đó gay gắt lắm. Xọ sốt ruột, đánh bạo chạy vào cái nhà ngói tay cầm khư khư cái túi nhặt được. Lúc bấy giờ mới có một công an đến nắm cánh tay Xọ, bẻ quặt ra sau. - A... Ăn cắp vặt hử? - Tôi... tôi nhặt... Ấm ớ hội tề nhỉ? Vào đây. Họ ấn Xọ vào một cái ghế, giằng lấy cái túi, rồi bắt đầu tra vấn. Xọ một mực nhận là mình nhặt được, nộp cho công an, trả lại cho người đã mất. Nhưng công an lại có mực khác. - Đồng chí phó bí thư mới bị kẻ gian móc túi, mất hết giấy tờ, tiền bạc. Mà cái túi trong tay mày? Người đời nói “sinh ư nghiệp, tử ư nghiệp”, vậy mà đúng. Thậm chí nó đúng ngay với cả cái nghề ăn nhặt của nhà Xó – Xọ. Thời của lão Xó là thời thực dân, sang thời dân chủ của Nguyễn Quang Xọ, nghề ăn nhặt xem ra khó sống. Người ta sống thanh bình, đêm ngủ không cần đóng cửa, ra đường nhặt được của rơi, trả lại người mất. Ấy thế nhưng, chuyện khẩu hiệu là khẩu hiệu, chịu khó đi, tinh mắt vẫn kiếm được con ốc, cái vít, đồng xu, hào bạc. Bở nhất là sau buổi chiếu bóng ngoài bãi, giữa đám vé xé tung tóe, có lẫn cả
- vé còn lành, chưa xé, có khi còn kiếm được cả những đồng hai xu, năm xu, một hào, hai hào nhàu nhĩ... Xọ bị tống giam ngay tắp lự. Ba tháng trời bặt vô âm tín. Cho đến khi ông trời hé con mắt nhìn vào Xọ. Người phó bí thư bị móc túi may mắn làm sao lại là chính trị viên đại đội Thằn Lằn. Ông bảo bị mất mấy trăm bạc, xót lắm, nó trả lại giấy tờ cũng tốt rồi, nhưng phải làm cho ra nhẽ. Ông hỏi thằng móc túi thế nào? Giữa thanh bình nhã hội thế này mà dám đi ăn cắp? Nguyễn Quang Xọ? Cái tên độc nhất trần ai, làm ông nhớ đến trận đánh năm nào. Ông đòi gặp Xọ. Xọ khóc như trẻ con, hơn trẻ con, vì đàn ông, người lớn mà khóc nó thảm lắm, nó khôi hài lắm. Không biết vì tiếng khóc nức nở của Xọ thấu tâm can, hay tình đồng đội của người mất của với anh chiến sĩ Thằn Lằn, mà Xọ được xác nhận vô tội. Về làng, Xọ cười khơ khớ: - Ba tháng tớ được ăn cơm gạo nhà nước nhá! Thủ trưởng còn hứa sẽ đến thăm vợ chồng tớ, rồi tìm việc nhà nước cho tớ nữa đấy. Đúng là “Tái Ông thất mã”, chả biệt thật hư ra sao mà từ đó về sau không thấy Xọ nhắc lại nữa, dù “anh đĩ Xọ” vẫn lại tay nải gió đưa. Như một nghiệp dĩ. Ông Xọ đẻ con gái đầu lòng, nên được gọi là anh Đĩ Xọ. Chẳng may, được hơn một tuổi đứa con chết vì bệnh ỉa chảy. Vợ chồng Đĩ Xọ còn thằng Xò, tức là bố của thằng Cu Xo bây giờ. * * * Xò hơn tôi vài tuổi, nhưng thói đời, cả làng gọi nó bằng “thằng Xò”, nên tôi cũng gọi là thằng Xò. Y như cha nó, sáu bảy tuổi đã lại con cón chạy trên đường, mắt sáng, chớp nhoáng đảo nhoàng, tinh như cú vọ. Cái gì óng ánh, cái gì thâm thâm, khác màu với xung quanh đều hứa hẹn nó. Xò được đi học hẳn hoi, tuy học rất dốt. Lúc này, ông lão Xó đã già, không giang hồ được nữa, mà ngồi nhà chuyên “phục chế, tân trang” những gì mà cha con Đĩ Xọ đem về. Thằng Xò hay quẩn quanh bên ông nội, để nghe những điều, ông nó thuyết giáo:
- - Ông nói cho mà nghe này. Ở đời có bách nghệ bắt đầu bằng chữ “ăn”, cháu ạ. Có chí làm quan thì “ăn hối lộ, ăn chặn, ăn trên ngồi trốc”. Có gan làm giàu thì “ăn gian, ăn dối, ăn bớt, ăn xén”. Vô phúc vô đạo thì “ăn trộm, ăn cắp”. Mưu mô, chày cối thì “ăn vạ”. Hèn hạ, đui què mẻ sứt thì “ăn mày, ăn xin”... - Thế nhà ta thì ăn gì? Bất ngờ thằng Xò hỏi. - Ấy đấy. Nhà mình không trộm cắp, ăn gian ăn dối được, không có chức có quyền để ăn hối lộ, không muối mặt ăn mày, ăn xin. Thì ta làm nghề “ăn nhặt”. Cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, lương thiện, an lòng... Mà này, đi bộ nhiều là tốt đấy cháu ạ. Nhất là cho tim mạch(!) Xò vào bộ đội, rồi đi B. Đánh đấm ra sao không biết, nhưng khi về làng, trong ba lô của Xò có biết bao nhiêu thứ hắn nhặt được trên mọi nẻo đường đất nước, không chỉ làm mê mẩn trẻ con, mà đến cả người lớn cũng xúm vào ngắm nghía, chắc lưỡi ngợi khen. Khác với Đĩ Xọ, Nguyễn Đức Xò vinh quang trở về và được cử giữ chức kiểm soát viên(1) hợp tác xã. Là cán bộ, được cấp đất làm nhà, được chia ruộng phần trăm, lại ăn công điểm gián tiếp. Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực, câu nói người đời đáng giá lắm, ai chết thì chết, ai lột xác hóa rồng thì đã lột, đã hóa. Từ nay, dòng nhà Xó – Xọ được vinh danh là công dân hạng Một làng Sơn Cốt chúng tôi. Vào năm ấy, người ta “học tập trị an”, nhằm tìm ra kẻ phản động, tham ô, trộm cắp, phá hoại xã hội. Họp, nghe, nói, nói to. Vận động, rỉ tai, nói nhỏ thầm thì. Xò làm cán bộ thật, nhưng anh không tham ô, ăn cắp của công, nên anh yên tâm “phát huy” bản chất, truyền thống, đi đầu bới móc, tố giác những kẻ mà bấy lâu nay anh ấm ức. Những kẻ ấy đổ, mở đột phá khẩu cho anh tiến lên. Xò lơ mơ cảm nhận được chiếc ghế “thường vụ”. Thường vụ thôi, chủ tịch, bí thư dành cho những dòng họ lớn. Đùng một cái, Xò bị quy tội “tham ô”. Nguyễn Đức Xò ngớ người. - Tôi thấy nhiều lần ông Xò lợi dụng chức vụ là kiểm soát viên, vào kho Hợp tác xã. Ông lấy những gì của tập thể, làm sao mà biết được? Muốn biết đề nghị công an đến nhà ông ấy mà kiểm tra.
- Quả nhiên, nhiều thứ “của công” đã tuồn về nhà ông “kiểm soát viên” thật. Quả cân hỏng, diệp cày vỡ, thùng bơm thuốc sâu thủng... nằm trong buồng. Xò cãi, Xò thanh minh nhưng không ăn thua. Xò quăng lại tất cả, về nhà nằm vắt tay lên trán ngẫm lời ông nội. Nhà mình không có chí làm quan... Cái nghiệp “ăn nhặt” đã thấm vào tim gan phèo phổi mất rồi. Ít ngày sau, Xò cõng thằng cu Xo ra đi. - Đi đâu? Vợ hỏi. - Ở nhà đợi đấy. - Mà đi đâu? - Vào Nam. - Lại vào Nam? Xò cục cằn: - Giải phóng miền Nam rồi. Bây giờ là lúc giải phóng... miền Bắc(!). * * * Điện thoại của Nguyễn Tiến Xo: - Ông rảnh, mời ông đi với con. Ông con ta làm vài ve! Khốn khổ. Cứ sắp viết được thì lại có người gọi. Cứ bảo làm sao nhà văn hay cục cằn, khó chịu. Tám mươi thôi ngồi không, chả có ai gọi. Cứ sắp... Nhưng mà Cu Xo nó gọi, thì chắc chắn là phải đi rồi. Trên xe taxi còn có một cô gái trẻ, nom vẻ mặt cũng xinh, lanh lợi. Tôi đoán là người yêu của Xo: - Anh chị đợi tôi có lâu không?
- - Hôm nay chúng con nghỉ. Với lại cũng có chuyện muốn xin ý kiến ông. Xo nói, nhấn mạnh chữ “chúng con”, nên tôi nghĩ mình đoán không nhầm. Từ trong xe bước ra, cô gái váy sa tanh hồng, bó sát mông, để lộ đôi chân dài kiêu ngạo. Vào quán, Xo gọi bát ngát, vẫn cái thói quê tôi, cứ tưởng nhiều là quý. Cô gái tên là My, uống nhấp nháp nhưng đều đặn, mỗi lần tôi với Xo dứt năm mươi phần trăm. - Ông con về ngoài ấy, con chả dại mà theo về, ông ạ. - Ừ. Đã vào đến đây rồi. Mà sao anh chị lại chọn đất Vũng Tàu này để lập nghiệp? - Nghề dạy nghề, ông ạ. Ở đây có nhiều du khách, họ sang trọng, giàu có, người tứ xứ, đã làm rơi cái gì, đố có mà tìm lại. Biết ngay mà. Lại nghiệp gia truyền. Rồi Xo chẳng giấu gì, kể cho tôi nghe cái nghề của hắn. Ở xa lộ, cao tốc thì có món gì, phải có công cụ gì, ở công viên ra sao. Và đặc biệt bãi biển. - Con mới vớ được cái nhẫn hột xoàn. Kim cương đó, ông. - To không? Bảy, tám ly? - Không ông ạ. Cô My lên tiếng. Hột xoàn cỡ đó người ta không đo ly nữa, mà cân, tính bằng ca-ra! Cái anh Xo đang đeo kia là 4 ca-ra! Tôi hiếng mắt nhìn My, ngờ vực. Sao lại có cặp đôi hoàn hảo thế không biết. Mà anh Cu Xo nhà tôi, tài ba gì mà vớ được cô gái vừa xinh, vừa thông minh, hoạt bát thế nhỉ? Như đoán ý tôi, Xo nháy mắt với bồ: - Ấy! Cô này ông bảo mấy chục ca-ra? Con cũng... Dường như thấy lỡ lời, Xo ngập ngừng, nhưng My đã mau miệng: - Anh ấy “lượm” được con đấy ông ạ. - Sao? Cũng trong bọc điều à? Xo cầm ly, giục tôi uống. Hắn chùi ria mép, cười khơ khớ: - Ông cũng còn nhớ chuyện ấy à? Mà không biết có thật không nhỉ?
- Tôi không biết chuyện lão Xó từ xa xưa có thật đến đâu, từ hôm lão nhặt được cái gói bọc vải điều. Lão sợ và giữ kín bưng, nhưng rồi cũng phải nói ra. Không những phải nói ra, mà còn phải bày ra, không thì chết với cái sự suy diễn của người đời làng tôi. Chuyện kể rằng, đêm ấy lão Xó về nhà, thắp đèn vào buồng mở gói bọc điều ra. Lão hý hửng, rồi mặt mày từ từ tái dại. Sau lớp vải là... một hài nhi, đã tím đen. Một đứa bé gái. Lão Xó hết hồn thổi phụt ngọn đèn, ngồi trong bóng tối mà hốt hoảng. Rồi, lão trấn tĩnh lại, đem một đồng bạc trình cho lý trưởng, được đem chôn đứa bé. Lý trưởng bằng lòng, nhưng lão Xó còn bắt lý trưởng phải nhìn tận mắt xác hài nhi. Chuyện lão Xó đi ăn trộm chấm dứt. Nhưng từ đấy trong cái tay nải của lão, dường như lúc nào cũng có một đứa trẻ con. Rồi bỗng đâu có bài vè, người mẹ nào cũng đem ra dọa con mình: Ba Bị chín quai Mười hai con mắt Hay bắt trẻ con! Bài thơ ấy, nhất định là bắt nguồn, xuất xứ và để dành cho lão Xó. - Chuyện bịa đặt ấy mà. Tôi bảo Xo, và thấy hơi ân hận nhắc lại chuyện bốn đời ông cố nhà hắn. Nhưng My không biết, cô cười: - Con sanh ra là bị đem bỏ ở cổng chùa đó, ông. Chuyện đó là thật, Xo xác quyết. Cuộc đời gian nan, bụi bặm đã xui khiến My gặp Xo. Giờ đây họ bên nhau, có nhau. Mãi chẳng thấy Xo nhắc đến chuyện mà hắn định “xin ý kiến” tôi. Tôi phải hỏi: - Ngoài chuyện ăn nhậu ra, hình như anh có chuyện gì muốn nói với tôi? - Vâng! Vắn tắt, Xo báo là tuần sau sẽ làm đám cưới với My. Hắn muốn nhờ tôi làm đại diện đằng trai.
- Thế ra hắn vẫn chưa lấy vợ. Mà biết đâu hắn lại chả vợ con đùm đề ở quê? - Con đã định đi thuê một ông bên Cục thuế. - Thế bố anh? - Ông Khốt nhà con lại cứ muốn con về quê lấy vợ. Nhưng con nói, con đếch muốn về cái “xỉnh” ấy nữa... Tôi phì cười. Cả nhà Xo, mấy đời đều kiêng húy chữ “Xó”, mà gọi chệch đi là “xỉnh”. Quê tôi có lệ đong gạo, thóc tính bằng “nồi”, mỗi nồi độ mười lăm cân. Một phần tư “nồi” gọi là “xó”. Nàng dâu nhà cụ Xó mang gạo giúp nhà có đám, đều nhã nhặn: “Ông con bảo, nhà con chả có gì, con cũng xin có “xỉnh” gạo đem sang hộ ông bà!”. Xo cũng cười, hiểu cái cười của tôi. Giang hồ tứ xứ thế, mà vẫn còn giữ cái lề, cái phép tổ tông. Khen cho hắn. Xo tiếp: - Mà ông là nhà văn, ông phải nói hay vào, nói nhiều vào. Ngập ngừng một lát, hắn hồ hởi. Con đang xúc tiến mở một vựa mua bán phế liệu ông ạ. Chúng con có nghề. Tôi hoan nghênh nhiệt liệt bằng một ly bia cạn đến đáy. Đám cưới Xo diễn ra y như những đám cưới khác. Cũng đông. Đủ thành phần. Tôi phát biểu vài câu, vắn tắt. Đôi trẻ hạnh phúc đi từng bàn chào khách. Tôi đứng lại nhìn theo họ. Bên cạnh cô bé My e lệ mà kiêu hãnh, Xo dường như thấp hơn. Và tôi nhận ra, cái đầu hắn lúc nào cũng cúi gằm xuống, tầm nhìn chắc không quá năm thước, từ mũi chân. Nghiệp gia truyền ăn sâu thế đấy. Tôi mủi lòng. Nguyễn Tiến Xo đích thị là hệ quả của một chặng dài lịch sử, của nhiều thế hệ và của một kiếp nhân gian. Tháng 9.2012 ________________
- (1) Ban kiểm soát của hợp tác xã nông nghiệp, không phải kiểm sát của ngành tư pháp. NGHỆ THUẬT MỚI SỐ 10/2012
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn