YOMEDIA
ADSENSE
Ngôi nhà ẩm mốc
95
lượt xem 4
download
lượt xem 4
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
1. Hai lần tôi về quê để xin gã Tùng người hàng xóm, cho chuộc lại ngôi nhà và mảnh vườn, mà trước đây tôi đã bán. Bán để có tiền cho con mua nhà thành phố. Bán như sự ruồng bỏ đầy bản năng với quá khứ nhọc nhằn, để đến với nơi văn minh tiến bộ hơn. Nhưng thật ngậm ngùi, cả hai chuyến đi ấy đều không thành công, bởi gã hàng xóm của tôi rất lạ. Không như người khác, mua để đầu cơ, mở rộng thổ cư, mua để làm của hồi môn cho con....
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Ngôi nhà ẩm mốc
- Ngôi nhà ẩm mốc TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THÁI SƠN 1. Hai lần tôi về quê để xin gã Tùng người hàng xóm, cho chuộc lại ngôi nhà và mảnh vườn, mà trước đây tôi đã bán. Bán để có tiền cho con mua nhà thành phố. Bán như sự ruồng bỏ đầy bản năng với quá khứ nhọc nhằn, để đến với nơi văn minh tiến bộ hơn. Nhưng thật ngậm ngùi, cả hai chuyến đi ấy đều không thành công, bởi gã hàng xóm của tôi rất lạ. Không như người khác, mua để đầu cơ, mở rộng thổ cư, mua để làm của hồi môn cho con. Gã Tùng mua nhà, đất của tôi rồi để đấy. Dăm bữa, nửa tháng, mới tới thăm căn nhà cấp bốn lợp ngói Sông Cầu cũ kỹ, như thăm cái miếu hoang, cỏ tốt ngập vườn. Chiếc ao hai sào màu mỡ, trước kia mỗi vụ đã cho tôi hàng tạ cá, vậy mà bây giờ để bèo phủ kín. Lần thứ nhất, tôi đặt vấn đề: “Mua nhà đất mà chẳng để làm gì, ông cho tôi chuộc lại, lời lãi bao nhiêu tôi xin chịu”. Tùng cười khà khà, chỉ xuống ao: “Ông nhìn xem có đẹp không”? Tôi nhìn theo tay gã. Mặt ao lung linh tím ngát một màu hoa, đàn chuồn chuồn ớt bay lượn dập dờn, có chú bói cá màu lông sặc sỡ như sắc cầu vồng, xòe đôi cánh bay vút lên cao. Đúng, đẹp thật. Tôi thành thực gật đầu. Gương mặt gã giãn ra, đầy vẻ tự mãn: “Tôi để vì thế đấy, nên không có chuyện mua đi, bán lại đâu”. Như người bước hụt, mặt tôi tái đi. Có lẽ câu nói còn hai từ “về đi”, mà gã hàng xóm giữ lại trong đầu không muốn nói ra. Lần thứ hai, Tùng dẫn tôi đi dọc đường làng. Gã làm như tôi đã quên hết, không nhớ gì đến cái làng Rạch. Gã chỉ: “Nhà thằng Giản. Ông thấy hoành tráng không? Bốn tầng, có sân thượng lợp tôn lạnh, làm bằng tiền bán ruộng đấy. Tiền nhiều, vàng lắm, đổi lại hai thằng con đều nghiện”. Gã đánh tay sang nhà bên cạnh. “Còn đây là nhà bà Cư, có độc một cô con gái lại lấy chồng Tây. Cô làm nhà to vật vã, để cho mẹ già ở cứ như cún giữ
- nhà. Đợi hai năm một lần, thằng rể xứ người về thăm”. Tùng cứ nói vanh vách như hướng dẫn viên du lịch, không cần biết tôi có nghe hay không. Đi đúng một vòng về lại cái ao bèo, gã hỏi: “Ông thấy làng ta bây giờ ra sao? Còn chỗ nào như chỗ này không”? Tôi bảo: “Như phố. Không còn chỗ nào như chỗ này cả”. Gã vỗ tay khoái trá: “Đúng thế. Khu này là một bảo tàng vô cùng quý hiếm”. Tôi nhận ra trong đáy mắt gã hàng xóm, ngời lên sự mãn nguyện. Lúc ấy không phải thời cơ cho tôi nói đến chuyện chuộc lại ngôi nhà. Buổi trưa gã mời tôi ở lại ăn cơm, thực đơn có món ốc nhồi nấu chuối xanh ngon đến lân rân cả mình mẩy. Định hết chén rượu khai vị, tôi sẽ nói khó với gã về mục đích chuyến đi của mình. Nhưng như biết tâm trạng tôi, gã đứng phắt dậy cánh mũi phập phồng: “ốc tôi vớt từ cái ao bèo ấy lên đấy. Rất cảm ơn ông”. Gã Tùng nói thế khác gì bịt miệng đối tác. Tôi đành im lặng, ngẫm ngợi lời cảm ơn nhạt thếch. 2. Tôi chuyển đến thành phố ở với con trai, sau ngày cô con gái cả theo chồng về Huế. Sáng ấy sương giăng, có tiếng vạc vọng tao tác trên bầu trời mà không nhìn thấy. Tôi đứng dưới sân ngước lên, mường tượng ra những chú vạc có cái cổ dài, chân duỗi thẳng, đang miết mải vỗ đôi cánh rộng. Có lẽ, lúc đó lũ vạc mới kết thúc bữa ăn đêm đang bay về tổ. Liên tưởng đến sự ra đi của mình, như ngược với hành trình của vạc, lòng tôi bỗng nhiên trĩu nặng. Dũng con trai tôi giục, cậu lái xe bấm còi. Giật mình thoát khỏi tâm trạng như mộng du, tôi bắt tay chào từ biệt gã hàng xóm, người chủ mới của ngôi nhà. Xe chuyển bánh, bờ tre, cánh đồng nơi có nấm mộ vợ tôi mờ dần, rồi khuất hẳn trong màn sương trắng đục. Nhà của con tôi, giống hệt mấy nhà cùng phố. Tầng một có phòng khách, phòng ăn và công trình phụ. Tầng hai có ba phòng khép kín, vừa đủ cho gia đình bốn người. Phòng của vợ chồng, phòng riêng của hai cô con gái.
- Hết mấy ngày háo hức với phố phường. Con trai tôi nói như đùa: “Ông chơi là chính, thấy tiện thì cắm cho cái Huế nồi cơm, còn mọi việc cứ mặc vợ chồng con”. Huế là tên đứa con gái lớn của nó. Một ngày, hai ngày, rồi một tháng trôi đi. Y lời con trai, ngày tôi làm mỗi việc cắm nồi cơm điện, sau đó thì ngồi, thấy đau mình mẩy thì nằm xem phim dã sử Trung Quốc. Đợi con cháu về. Người tôi cứ u uất, rấm rứt như kẻ bị cầm tù. Nhớ ngôi nhà cũ, nhớ mùi bùn đất của ruộng vườn, tôi không sao ngủ được. Gần sáng thức dậy đợi nghe một tiếng gà gáy, mà chỉ thấy âm thanh tàu xe đinh tai, nhức óc. Biết tâm trạng tôi, một tối con trai bảo: “ở quê ai cũng gần gặn thân tình, ở đây thì khác, nhà nào biết nhà nấy, nhưng bù lại có nhiều sân chơi. Tao nhã, thanh cao có câu lạc bộ thơ. Văn minh, lịch sự có câu lạc bộ khiêu vũ. Khỏe khoắn, trường thọ có câu lạc bộ dưỡng sinh. Bố thích vào câu lạc bộ nào, thì đăng ký tham gia cho vui vẻ, hòa đồng”. Tôi bật cười: “Cả đời bố bám đít con trâu quên cả mặt chữ, bây giờ anh lại khuyên bố làm thơ, nhảy nhót, khoa chân múa tay, thì khác gì giễu bố cho thiên hạ cười. Khu này phố mới lên phường, vẫn còn lác đác những thửa ruộng hoang, vợ chồng anh thuê lấy một mảnh để bố trồng rau. Khi không còn sức nữa, bố vào câu lạc bộ sáu tấm”. Nghe tôi nói chúng biết sáu tấm là cái quan tài, nên đứa nào cũng rân rấn nước mắt. Con trai tôi lắc đầu: “Ruộng ấy bây giờ đều là thổ cư, người ta chuẩn bị làm nhà, hoặc đợi lên giá rồi bán, không ai cho thuê đâu bố ạ”. Cô con dâu đột ngột hoan hỉ: “Hay bố đi câu”? Con trai tôi mừng quớ: “Đúng, thế mà không nghĩ ra. Hôm nào con cũng thấy bác Hoạt nhà cuối phố xách cái xô toòng teng, đạp xe đi câu. Mai con dẫn bố sang làm quen, để bố đi câu cùng bác ấy nhé”. Nhớ đến cái ao, có những con rô phi háu đói tranh nhau miếng mồi, tôi gật đầu. Hoạt bằng tuổi tôi, là dân bản xứ, tính tình khôi hài, bỗ bã. Gã tự trào: “Trước kia tôi là gã nông/ Nay nhờ bán đất hóa dân thị thành/ Không còn cuốc, không còn cầy/ Đi câu cho đỡ nhớ đồng, nhớ sông”. Hôm đầu tiên theo gã hàng phố đi câu, tôi cứ chắc mẩm sẽ ngồi dưới tán cây, rồi thả câu ở cái hồ, hoặc khúc sông nào đó, có gió nồm mơn man. Không ngờ đang đi giữa phố, gã phanh xe ken két: “Dừng lại, hôm nay ta câu ở đây thôi”. Tôi bóp phanh xe đạp, chống chân xuống đất nhìn dọc, nhìn ngang, chỉ thấy nhà cửa san sát, chẳng thấy dòng sông hay
- cái hồ nào. Ngạc nhiên, tôi hỏi: “ở đây thì câu cái gì”? Gã Hoạt đến bên đường cạy cái nắp cống, đặt sang một bên. Mùi hôi phả ra nồng nặc. Gã khua tay: “Bịt mũi lại, mùi khó ngửi hết ngay thôi. Dưới đó bộn cá đấy”. Lạnh cả người, muốn bỏ cuộc nhưng lại tò mò, tôi mắc mồi câu thử. Gã Hoạt nói đúng, dưới đó rất nhiều cá, hai chúng tôi thi nhau giật câu nhoanh nhoắch quên cả thời gian. Gần trưa được đầy một xô rô đồng và trê ta đen trũi. Tôi bảo: “Cá này thì vất đi chứ ăn sao được?” Gã hàng phố nhăn mặt: “Ông vất đi thì cho tôi. Mình không ăn có người khác ăn, tôi mang ra chợ bao nhiêu cũng hết, mà giá còn bằng cá quả đấy”. Tôi lắc đầu: “Nếu không biết nguồn gốc ở đâu, rô này mà nấu canh cải, trê này mà om mẻ thì còn gì bằng”. Hoạt gật: “Đúng thế, nhưng báo để ông biết: “Mẻ bán ở chợ đầy dòi, chứ không phải sâu mẻ như con mụ bán hàng khô nói đâu”. “Thế mai ta câu ở đâu?” Tôi hỏi nhanh cho quên đi, hình ảnh xác súc vật thối rữa có dòi chợt hiện trong đầu. Gã Hoạt đắc chí: “Cũng chỗ thế này, nhưng ở trong công viên mát lắm. Mấy ngày nữa mới quay lại đây, chứ cá rất khôn cứ câu liên tục, chúng không bắt mồi đâu”. Tôi theo gã hàng phố đi câu đúng một hôm ấy. 3. Không như đã nói với con, cuối cùng thì tôi vẫn phải chọn câu lạc bộ dưỡng sinh, để tham gia như một nhu cầu không thể thiếu. Thời gian trôi đi, tôi đã quen với cuộc sống phố thị. Không đi câu với gã Hoạt, nhưng gã lại là người bạn gần gũi và thân thiết nhất, luôn làm tôi phải kinh ngạc vỡ òa về phố xá. Mới có hơn chục ngày, khu phố có đến ba con nghiện ma túy chết. Trên xe tang đều cài những vòng hoa trắng. Lời điếu giống hệt nhau, có lẽ ông trưởng khu chỉ thay một vài chi tiết cho râu ông nọ khỏi cắm cằm bà kia, vì đời ba con nghiện ngắn quá chưa kịp tạo dựng gì, ngoài dòng trích ngang tên tuổi của mình. Đám thứ ba, tôi đi đưa tang thì gặp Hoạt. Gã đội chiếc mũ vải rộng vành, phởn phơ như đi hội. Tôi trách: - Đám tang chứ có phải đám cưới đâu, mà ông hớn hở thế?
- Gã lột cái mũ ra lau mồ hôi: - Thằng này gọi tôi bằng bác, cả họ đã đợi ngày hôm nay sáu năm rồi. Mong cho nó chết bây giờ lại khóc, thì là nước mắt cá sấu, đúng không ông? Tôi không biết nói thế nào với gã hàng phố, đành phải gật đầu. Nắng chang chang con đường ra nghĩa địa zích zắc, ngoằn ngoèo chạy giữa hai dãy nhà cao tầng, có chỗ chỉ rộng đủ cái xe tang, đoàn người đi chen chúc như trong chiến hào, nóng hầm hập. Phải đến hơn một giờ, xe tang mới đến được nghĩa địa ở sườn quả đồi thấp, thoáng đãng và lồng lộng gió. Đám tang dừng lại nghỉ trước khi hạ huyệt. - Ông lên đây tôi bảo. - Gã Hoạt ghé vào tai tôi. Tôi theo gã ngược lên đỉnh đồi, len lỏi qua những ngôi mộ xây với đủ kích cỡ, kiểu dáng, chật như nêm. Tới khoảng đất vuông có tường bao quanh hai ngôi mộ xây chưa hoàn thiện, Hoạt ngồi xuống luồn tay vào khe hở, kéo ra tấm bia đá: - Ông xem này. Tôi nhìn xuống tấm bia màu đen có ảnh của Hoạt và những hàng chữ khắc chìm, bủn rủn cả người. Tôi hỏi: - Ông đã chết đâu mà phải thế này? Hoạt cười: - Vài năm nữa ở đây chỗ chôn đứng cũng chẳng còn, tôi mua đất này quy hoạch cho hai vợ chồng, tầm nhìn đến 2020 đấy. - Chả bù cho quê. Vợ tôi đang nằm một mình một cánh đồng. - Tôi so sánh. Gã Hoạt giấu lại cái bia vào khe mộ: - Nhà quê thì nói làm gì? 4.
- Mấy ngày mưa khu phố như cái rốn, nước dồn đến đường hóa thành sông. Tôi đang ngồi một mình thay lô gô trên những chai, lọ mà con dâu mang từ cửa hàng mỹ phẩm của nó về, thì gã Hoạt bì bũm lội sang. Dựa cái ô vào tường, gã nói mát: - Thì ra có công ăn việc làm, thảo nào kín tiếng thế? Tôi thành thật: - Con nó mang về toàn kem với phấn, nói công ty thay lô gô nên nhờ bố lột cũ dán mới, chứ công ăn việc làm gì đâu. Gã Hoạt cúi xuống nhặt cái tem tôi vừa bóc ra, săm soi, cười mỉm: - Đúng là gã thợ cày, nó thay tem nhãn khác để bán hàng tồn kho, quá hạn đấy. Ông xem, cái này hết hạn cách đây gần một năm rồi. Mặt tôi nóng rần rật chắc đã đỏ lên, như tên ăn trộm bị bắt quả tang. Nhưng Hoạt tỉnh bơ: - Đã buôn bán thì phải thế, áy náy làm gì. - Rồi gã chuyển giọng. - Nghe nói ông đang tính chuyện về quê? Tôi ngỡ ngàng: - Ai bảo ông thế? - Sau hôm cháu tôi mất, thằng Dũng sang tôi nhờ quy hoạch cho ông một chỗ trên đồi nghĩa địa, bảo rằng cho tiện hương khói, nhưng cách đây khoảng ba tháng nó đến xin lại tiền, nói bố cháu không có nhu cầu nữa, thì tôi suy ra thế. Tôi định nói với gã Hoạt lý do mơ hồ, như đã nói với con trai: “Cáo chết ba năm quay về núi”, nhưng tâm trạng lúc đó lại đang muốn chia sẻ, vả lại gã Hoạt lại rất quái, khó có thể giấu. Nên tôi đành thú nhận: - Đúng, đang có ý định thế thật. - Ông chê ở đây cá ô nhiễm, mẻ có dòi chứ gì? - Đấy không phải là nguyên nhân chính. - Thế sao đang vui vẻ với con cháu mà lại về? - Gã hàng phố truy đến cùng.
- Tôi rót rượu, nâng chén với gã: - Tại cái giường kê ở chỗ kia đấy. - Tôi chỉ. Gã Hoạt uống gọn chén rượu, chạy lại chỗ chân cầu thang ngó nghiêng: - Cái giường đẹp lại chắc chắn, thế mà có ma sao? - Không. Nhưng ông nằm lên thì khắc biết. Gã Hoạt nằm lên giường, hết xoay dọc rồi lại xoay ngang, nhận xét: - Nằm quay đầu vào thì cái trần cầu thang như đè lên mặt, tức tối khó chịu lắm. Còn nằm quay đầu ra thì thoải mái, chẳng làm sao cả. Không thể diễn đạt bằng lời cho gã hàng phố hiểu được. Ra hiệu cho gã cứ nằm đấy tôi vào nhà tắm cởi hết y phục, quấn cái khăn quanh thắt lưng rồi leo lên cầu thang. Gã hàng phố nhìn lên cười lăn lóc, nước mắt, nước mũi trào ra: - Hiểu rồi, hiểu rồi. Tôi đã nhìn thấy hết chim cò của ông. Mà nhà ông lại có đến ba người mặc váy. Nhưng thiếu gì chỗ kê? Tôi không cầm lòng được, giãi bày: - Khi mới lên, tôi ở cùng phòng với con Huệ, đứa con gái út của vợ chồng thằng Dũng. Nhưng khi cháu thành thiếu nữ, thì không thể ở thế được nữa. Hôm mua thêm cái giường, vợ chồng nó tính đi tính lại, chúng bảo: Nhà, khách ra vào nhiều. Kê ở phòng khách, hoặc phòng ăn sẽ làm đảo lộn kiến trúc, khác gì ngầm đuổi người ta về. Chỉ có kê ở chân cầu thang là tốt nhất. Nên tôi đành chịu. Gã Hoạt tự rót rượu cho mình: - Ừ. Đúng là bí thật. Nhà này có tiền của ông, nhưng lại không có chỗ cho ông. Vô lý nhỉ. 5. Cô con gái trong Huế lại điện ra “Bố đừng ngại gì về tiền nong, vợ chồng con sẽ lo. Theo con bố nên về lần nữa, người ta chẳng nói quá tam ba bận đấy sao”. Nghe con, tôi quyết
- định về quê lần nữa, với hy vọng sẽ chuộc lại được ngôi nhà. Nắng ong ong, có tiếng sấm ầm ì phía chân trời, báo hiệu cơn mưa sắp đến. Chiếc xe ca lao vun vút, không đầy ba tiếng đồng hồ tôi đã có mặt ở con đường rẽ về làng. Lúa đang thì con gái tỏa hương ngầy ngậy. Sông Đáy hao gầy trơ ra những doi cát mịn màng, lấp lánh. Làng Rạch đổi khác từng ngày, các ngõ nhỏ đều đã bê tông hóa. Tôi ngỡ ngàng trước cái ao ngày xưa của mình, nó không còn lung linh tím ngát sắc hoa như hôm nào. Nước đã ngầu đen, lều bều xác bèo thối nhủn, trên bờ ngập đầy rác thải. - Chú đã về đấy à? Không biết ông trưởng họ đứng sau lưng từ lúc nào, tôi giật mình quay lại. Ông ghé vào tai tôi: - Con gã Tùng thua bạc gần tỷ đồng. Chắc chắn gã phải bán đất này, để trả nợ cho nó. Đây là thời cơ chú chuộc lại, nhưng đừng có dại mà vồ vập, để gã có cớ nâng giá. Nghe tôi, chú cứ phớt lờ, không nói gì đến việc chuộc lại nhà đất nữa. Gã Tùng khắc phải tìm đến chú. Ông trưởng họ kéo tôi về nhà. Trong tôi trào lên hy vọng, thậm chí còn cả những dự định cho những ngày sẽ về lại ngôi nhà cũ của mình. Tôi chờ một ngày, hai ngày, cố ý đánh tiếng cho gã hàng xóm biết tôi đã về. Nhưng không như ông trưởng họ nói. Gã Tùng không đến. Cùng lúc đó có tin, gã đã gán nhà, đất cũ của tôi cho chủ nợ. Như đứng trên tổ kiến lửa, tôi vội sang nhà gã. Không như mọi lần, gã hàng xóm mặt buồn rười rượi. Tôi đinh ninh tất cả những lời đồn đoán về gia đình gã là đúng, nên nôn nóng hỏi ngay: - Đã hai lần tôi về xin ông cho chuộc lại nhà, đất, sao bây giờ ông lại bán cho người khác? Gã Tùng nhìn tôi, đầy vẻ bực bội, móc chùm chìa khóa đặt trước mặt tôi: - Chìa khóa đây, ông cứ đến đấy ở thử mấy ngày. Nếu thích, ngôi nhà ấy sẽ về lại với ông, chứ chưa muộn đâu. Tôi sững sờ, không sao hiểu được hành động của gã hàng xóm, mà cũng chẳng dám hỏi. Như người bị thôi miên chỉ còn biết đưa tay với chùm chìa khóa.
- 6. Không có từ ngữ nào diễn tả đúng được tâm trạng tôi lúc đó. Mừng mà lại lo, háo hức nhưng ăm ắp hồi hộp, tò mò. Tôi đi như chạy đến ngôi nhà cũ của mình run run mở khóa. Sau tiếng k…ẹ…t… kéo dài cánh cửa mở tung, mùi ẩm mốc, hôi hám phả ra như vừa sả bình ga. Điện đã bị cắt, tôi bước vào nhà mở nốt các cánh cửa còn lại. Trước mắt tôi hiện ra, không phải cái nền nhà, mà là một mảnh đất hoang ngổn ngang xương động vật, lõi ngô, vỏ hoa quả thối mà lũ chuột lôi về. Không chần chừ, tôi bắt tay ngay vào quét dọn, chuẩn bị chỗ ở cho mình. Tối nhập nhoạng công việc cơ bản hoàn tất, tôi sang nhà ông trưởng họ nuốt vội bát cơm, mượn chăn màn và chiếc đèn ắc quy, rồi về lại căn nhà cũ của mình. Đêm đầu tiên có lẽ vì lao động mệt mỏi, nên tôi chìm vào giấc ngủ rất nhanh không hề mộng mị. Đêm thứ hai, khi ở nhà ông trưởng họ về thì trời đã khuya, vậy mà tôi không sao ngủ được bởi tiếng chuột chạy rình rịch trong nhà. Gần sáng vừa thiếp đi, bỗng có tiếng động làm tôi thức dậy. ánh trăng chiếu qua cửa sổ mờ mờ, tôi xoay người nhìn về phía có tiếng kẽo kẹt như đưa võng. Người tôi tự nhiên lạnh toát cứng đơ, bởi ngay trước mắt hiện ra một bà già tóc bạc trắng tã tượi, đang oằn mình, giãy giụa với sợi dây thừng treo trên xà nhà. Tôi muốn kêu lên mà miệng cứ cứng lại, muốn với cái đèn ắc quy mà tay nặng như đá. Không biết ở trong trạng thái ấy bao lâu, tôi tỉnh lại mồ hôi vã ra, bóng ma biến mất. Thì ra, chỉ là cơn ác mộng. Đêm thứ ba trăng non, gió mơm man hàng cây vườn nhà xào xạc. Tôi đi ngủ sớm, mong bù lại đêm trước gần như thức trắng. Nhưng ngôi nhà cũ của tôi ban đêm mới thể hiện hết vẻ sôi động, náo nhiệt của nó. Muỗi nhiều như trấu đốt cả qua màn, chuột chạy hàng đàn nô đùa, cắn nhau chí chóe, rồi bất ngờ hàng nghìn, hàng vạn con mối không biết ở đâu chui ra, làm tôi phát hoảng. Canh hai có tiếng gà gáy, lúc ấy tôi đang mơ màng nửa thức, nửa ngủ thì lại có tiếng kẽo kẹt. Căn nhà rung lên, cảnh tượng y hệt đêm qua tái hiện. Rợn cả tóc gáy, không còn hồn vía nào nằm lại, tôi vùng dậy lao ra vội ra sân, bên tai vẫn
- nghe thấy tiếng ằng ặc của bóng ma treo cổ trên xà nhà. Tôi chạy đến nhà gã hàng xóm, gấp gáp đập cửa. Gã hàng xóm ra mở cửa: - Thấy ma phải không? Mặt tôi chắc vẫn còn tái mét: - Sao ông biết? - Cả chục đêm tôi ngủ ở đấy, rồi cũng ù té về lúc trời gần sáng thế này. Bây giờ thì ông hiểu, tại sao tôi lại bỏ mặc khu nhà cho người ta đổ rác và chuột mối đến làm tổ rồi chứ? Tôi gật đầu. - Thế ông còn muốn chuộc lại nữa không? Tôi lắc đầu. Gã hàng xóm kéo tôi vào nhà, lý giải: - Cả làng đã bê tông hóa, chỉ còn ngôi nhà cũ của ông không giống ai lại hợp với chuột, mối, nên chúng tìm đến là lẽ thường thôi. - Thế còn bóng ma thì ông giải thích thế nào? Thời tôi ở có thế đâu? - Tôi hỏi. Gã hàng xóm đặt chén nước xuống bàn: - Sau cái hôm hai anh em mình uống rượu ốc rồi ông đi, khoảng ba bốn ngày, thì có bà cụ bên xóm Đông đến xin thuê cái nhà ấy. Cụ nói: ở tạm mấy tháng trong khi con sửa nhà. Biết bà cụ là mẹ tay Huy, hiện đang là giám đốc sở, nên tôi đồng ý cho bà ở nhờ, mà không phải tiền nong gì cả. Vào thời điểm, cụ đến ở được mươi lăm, mười sáu ngày gì đó, hôm ấy mưa rất to tôi nóng ruột chạy sang. Gọi không thấy cụ thưa, tôi đẩy cửa bước vào. Trước mắt tôi hiện ra cảnh tượng rất rùng rợn. Bà cụ treo cổ thõng thượt trên cái xà nhà, thân xác đã cứng đơ. Người tôi run lên bần bật, loay hoay đến mười lăm phút mới đưa được cụ xuống giường. Khi kéo tấm chăn đắp cho thi thể, tình cờ tôi thấy thư tuyệt mệnh. Trong thư cụ nói, cụ chết để chứng minh, cụ không lấy trộm tiền của vợ chồng Huy cho cô con gái, như vợ Huy nói với dân làng. Tình huống bỗng đổi khác, tôi nghĩ không thể báo công an, mà phải báo cho Huy trước. Tôi khép cửa rồi vội vã chạy sang nhà anh ta. Tôi nói bà đang ốm. Cả nhà Huy ngỡ ngàng, bởi ai cũng nghĩ, bà sang nhà
- con gái lấy chồng ở xã bên chơi như mọi lần. Tôi đi ô tô về nhà cùng Huy, trên xe chỉ có tôi, lái xe và Huy, tôi thông báo tình trạng thật của bà cụ, nhưng chưa nói đến việc cụ treo cổ. Huy khóc nấc lên. Xe đến cổng không dám đưa Huy vào ngôi nhà ấy, tôi dẫn anh ta về nhà tôi đang ở. Lúc chỉ còn hai người, tôi nói qua đầu đuôi sự việc, và đưa cái thư tuyệt mệnh của bà cụ cho Huy. Huy ngất đi, phải mất khoảng nửa giờ anh ta mới tỉnh. Tôi hỏi: “Bây giờ phải làm thế nào”? Không ngờ lúc ấy Huy lại tỉnh táo đến thế, anh ta bảo: “Hết nhiệm kỳ này tôi lên phó chủ tịch tỉnh, chuyện này mà lộ ra thì hỏng hết, ông hiểu chứ? Bây giờ ông phải giúp tôi: hủy mọi dấu vết treo cổ, tắm rửa sạch sẽ cho cụ rồi đưa ra xe. Ai hỏi thì bảo cụ ốm, người nhà sang đón về, còn mọi việc sau đó là của tôi, không liên quan gì đến ông nữa”. Gã hàng xóm dừng lại, mở ngăn tủ lấy ra cái phong bì: - Tôi làm đúng theo ý của Huy. Và đây là số tiền mà anh ta mua sự im lặng của tôi, với câu nói “cảm ơn ông đã giúp đỡ tận tình”. Hôm nay tôi chia cho ông một nửa, để tôi và ông cùng im lặng. Ông phải im lặng không những cho Huy, mà cả cho tôi, vì tôi đang cần gán khu nhà đất ấy cho thằng chủ đề, để trả nợ cho con. Gã đưa cho tôi cái phong bì, tôi đẩy tay gã ra: - Với tôi ông không cần phải làm thế. Biết ở lại sẽ rất khó xử, tôi đẩy cửa ra về. 7. Gió lành lạnh. Trời vẫn chưa sáng, đường làng vắng lặng, chỉ có ánh trăng hắt cái bóng của tôi xuống mặt đường mờ nhạt, thấp thoáng. Tôi băn khoăn đứng trước lối rẽ mà không biết về đâu? Nhà cũ, thì đang như địa ngục, không đủ cam đảm bước vào. Nhà ông trưởng họ thì cửa đóng then cài và trời còn quá sớm, không dám gây phiền phức? Tôi đành đi lang thang chờ trời sáng, trong đầu đinh ninh ý định. Mai sẽ mang trả gã hàng xóm chùm chìa khóa, rồi về thành phố. Dù có thế nào, nơi ấy vẫn là nơi bình yên nhất của tôi.
ADSENSE
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn