Người khách phòng 514
lượt xem 4
download
Chiều ngày 23 tháng 10 năm 1964, một chiếc taxi lướt êm trên đường phố thẳng hướng về nhà hát Tây (còn gọi là Hạ viện Sài Gòn, nay là Nhà hát Thành phố). Trên xe ngồi phía băng sau là một cô gái xinh đẹp ăn diện mốt thời trang, vẻ kiêu sa với đôi mắt đưa tình. Tài xế là một thanh niên dáng tầm thước, da hơi ngăm đen, nom dáng khá lịch sự, đầu chải láng mướt, chân đi giày đen, quần đen, áo sơ mi trắng bỏ thùng, bên ngoài khoác áo veston. Chiếc xe...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Người khách phòng 514
- Người khách phòng 514 TRUYỆN NGẮN CỦA LAM GIANG Chiều ngày 23 tháng 10 năm 1964, một chiếc taxi lướt êm trên đường phố thẳng hướng về nhà hát Tây (còn gọi là Hạ viện Sài Gòn, nay là Nhà hát Thành phố). Trên xe ngồi phía băng sau là một cô gái xinh đẹp ăn diện mốt thời trang, vẻ kiêu sa với đôi mắt đưa tình. Tài xế là một thanh niên dáng tầm thước, da hơi ngăm đen, nom dáng khá lịch sự, đầu chải láng mướt, chân đi giày đen, quần đen, áo sơ mi trắng bỏ thùng, bên ngoài khoác áo veston. Chiếc xe dừng lại trước khách sạn Caravelle. Bọn gác cửa đưa mắt dò xét, thấy toàn người Việt, một tên xẵng giọng: - Xe nào đấy? Anh tài xế thò đầu ra ngoài cửa xe: - Người của đại tá William. Tôi đưa bà về đây trước để nhận phòng. Đại tá còn bận việc ở cao nguyên, tối nay sẽ về Sài Gòn. Bọn gác cửa tỏ ra nhã nhặn khi nghe nói đến đại tá Mỹ. Tên bảo vệ gật đầu rồi quay lại phía tên gác gian: - Mèo của ngài cố vấn, cho vô, mày! Cánh cửa kính dầy mười ly có tay nắm bằng đồng choáng lộn mở ra. Lúc này, trời lất phất mưa, chúng bung dù che cho cô gái, đi vào khách sạn, đồng thời phụ người tài xế đưa hai va ly vào theo. Hai gã bồi phòng xách va ly méo mặt, ý chừng muốn nói ma quỷ gì bên trong mà nặng dữ vậy. Tài xế chẳng ai xa lạ, đó chính là Bảy Bê, một chiến sĩ quân báo biệt động gan dạ, mưu trí và rất bản lĩnh, là tác giả của những trận đánh kinh thiên động địa trong nội đô Sài Gòn, nơi trung tâm đầu não của bọn xâm lược Mỹ và tay sai. Anh thủ vai tài xế kiêm
- gardeco cho đại tá Mỹ. Cô gái y trang lộng lẫy với chiếc áo dài màu hoàng yến kia là Minh Nguyệt, chiến sĩ giao liên của đơn vị F21, trong vai tình nhân đại tá Mỹ William. Cả hai đang thực hiện kế hoạch để lọt vào khách sạn Caravelle. Nói đến biệt động Sài Gòn, không thể không nhắc tới những cái tên từng là nỗi kinh hoàng của Mỹ - Ngụy, như Ba Đen, Đồng Đen, Tư Tăng, Bảy Bê, Lâm Sơn Náo, Phi Long, Triệu Tử Long… trong đó Bảy Bê đội trưởng Đội 5 biệt động F100 như một “siêu nhân” xuất quỷ nhập thần giữa Sài Gòn khiến bọn chóp bu đêm ngày mất ăn mất ngủ. Bảy Bê tên thật là Nguyễn Thanh Xuân, từ Phan Thiết vào Sài Gòn nhập cuộc cùng đồng bào đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước và bị chính quyền phát xít họ Ngô cầm tù. Sau khi ra khỏi nhà tù của Mỹ - Diệm, anh móc ráp với tổ chức hoạt động trong thành phố… Năm 1961, Bảy Bê chính thức trở thành chiến sĩ biệt động, dưới sự chỉ huy của Trưởng ban Quân báo Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu). Sự có mặt của người Mỹ với vai trò cố vấn cho chính phủ bù nhìn tay sai “Việt Nam cộng hòa”, dẫn đầu kéo theo cả đạo quân viễn chinh hùng hậu vào miền Nam, thiết lập bộ máy chiến tranh xâm lược, là điều không thể chấp nhận. F100 biệt động ra đời nhằm giáng những đòn sấm sét vào các vị trí trung ương đầu não của địch tại thủ đô ngụy Sài Gòn, nơi được chúng coi là “bất khả xâm phạm”. Bảy Bê xuất hiện trong trận này với vai trò đội trưởng F21 thuộc biệt động F100. Bảy Bê và Minh Nguyệt cùng hai chiếc va ly chứa 37 kg thuốc nổ TNT đã “chiếm lĩnh” phòng tiếp tân. Trong chiếc áo vét Bảy Bê thủ khẩu K54, đề phòng bất trắc anh sẽ đấu súng với chúng. Tuy đã qua được “cửa ải” đầu tiên, nhưng đây là những phút căng thẳng nhất đối với hai chiến sĩ biệt động. Khách sạn Caravelle thuộc loại sang trọng nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Tòa nhà cao 10 tầng, với trên 700 phòng và có thang máy. Tầng 9 là nơi ăn uống và sàn nhảy. Khách sạn nằm ở đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi) và phố công trường Lam Sơn, đối diện với tòa Nghị viện Sài Gòn.
- Khách sạn Caravelle do người Pháp quản lý, nhưng thường có sĩ quan, viên chức cao cấp Mỹ- ngụy và “đồng minh” như Úc Đại Lợi, Đại Hàn, Niudilân… đến ăn nghỉ, hội họp. Tại cửa ra vào thường xuyên có hai lính bảo vệ. Trong và ngoài khách sạn có công an mật vụ chìm, nổi theo dõi, phát hiện những hành động chúng khả nghi. Đặc biệt sau vụ Nguyễn Văn Trỗi gài mìn dưới cầu Công Lý giết hụt Bộ trưởng Mỹ Macnamara và một số trận đánh của ta ở nội thành, địch tăng cường nhiều biện pháp an ninh để bảo vệ các cơ quan đầu não, nhất là những khu vực có quân Mỹ trú đóng, như Cư xá Brink ở đường Hai Bà Trưng cách đó không xa. Vừa vào phòng lễ tân của Caravelle, Bảy Bê trông thấy cô “tiếp viên” khách sạn và nhận ra ngay đó là Phượng, một cơ sở của ta gài vào “mục tiêu” này để hỗ trợ cho tổ biệt động tấn công khách sạn. Trông vẻ hơi vụng về quê mùa anh chàng tài xế học làm sang, Phượng hơi cảm thấy lo sợ khi Bảy Bê xuất trình giấy tờ làm thủ tục thuê phòng nói tiếng Pháp có vẻ không trôi. Còn tình nhân đại tá Mỹ nhìn anh bằng cặp mắt khích lệ, như muốn nói: Hãy hành động chính xác theo phương án, không còn thời gian để do dự. Bình tĩnh nghe anh Bảy! Quả thế, đã vào mục tiêu rồi thì chỉ có đánh. Bảy Bê nhớ rất rõ khi trưởng ban Tư Chu giao nhiệm vụ, cả anh và Nguyệt đều cảm nhận hết tầm quan trọng của trận đánh: Cần chọn vị trí thuận lợi nhất để phá hủy, tiêu diệt thật nhiều dịch trong khách sạn, đồng thời phải bảo toàn lực lượng cho những trận đánh tiếp theo. Lực lượng biệt động vốn “quý hiếm” không thể phung phí. Trong quá trình điều nghiên, được cơ sở cung cấp thông tin và sơ đồ khách sạn khá tỉ mỉ, Bảy Bê dự định thuê phòng sang nhất ở lầu 7 với giá 3.000 đồng, để tiếp cận địch. Gần vị trí này có văn phòng đại diện Úc, một trong những đồng minh của Mỹ tại Việt Nam. Anh sẽ lên đúng phòng đó. Bảy Bê nhìn lướt sơ đồ và chỉ vào ô 714, lầu 7: - Thưa bà, tôi xin thuê phòng này cho đại tá. Bà quản lý chậm rãi giở sổ xem, ngẩng nhìn khách: - Rất tiếc, lầu 7 không còn phòng trống nào!
- - Vậy lầu 6? Cũng không còn! Bảy Bê cố giấu sự lo ngại đằng sau những cái chớp mắt không bình thường. Như vậy là không khớp với dự kiến. Phải tìm phòng ở lầu khác, nhưng cùng vị trí với phòng 714. Anh soát lại sơ đồ và chỉ vào ô trống ở lầu 5, giọng khẩn khoản: - Thưa bà, phòng này được chứ ạ? Bà quản lý ngoáy bút, giây lát đưa hóa đơn và chìa khóa cho Bảy Bê rồi nhấc ống nói: - A lô, có khách lên phòng 514… có hai va ly của ngài đại tá và phu nhân… không anh ta là gardeco, còn trẻ… Bảy Bê nghe có tiếng con gái cười trong điện thoại. Anh vừa rảo bước đến chân cầu thang điện thì hai tên bồi phòng đuổi theo rầm rập sau lưng, đứa nào da cũng đen trắm, tóc xoăn. Anh hiểu ngay đó là những thanh niên Mỹ thất nghiệp, được bọn tướng tá Mỹ đưa sang Việt Nam để phục dịch cho chúng. Bảy Bê chột dạ, tìm cách đối phó vì sợ chúng làm lộ hai va ly thuốc nổ, nhưng bỗng có tiếng người con gái gọi vọng lại: - Mấy anh da đen tới cất hành lý cho đại tá đó. Chắc va ly ngài nặng, ông thuê họ vác giùm cho! Bảy Bê quay lại nhận ra Phượng – cơ sở nội ứng của Biệt động. Anh kín đáo nhìn cô gái trẻ gật đầu và chớp mắt mấy lần. Cô gái đưa tay vuốt tóc. Bảy Bê hiểu ý, mở bóp lấy ra một ít tiền đưa cho chúng và phất tay ra hiệu đem hành lý lên. Chắc là được món tiền hậu, hai đứa khệ nệ vác va ly lên lầu. Bảy bê quay lại phía Minh Nguyệt: - Thưa bà, mời bà lên phòng nghỉ trước ạ. Cô gái buông giọng đài các: - Ông lên trước sửa soạn cho chu đáo, tôi ra ngoài đi dạo một lát, chồn chân quá!
- Đôi mắt cô “tiếp viên” đứng kế đó như giục anh. Bảy Bê dạ một tiếng rồi đi lẹ đến thang điện, bước vào ấn nút. Anh biết mình sẽ lên trước hai gã bồi đang ì ạch với gần 40 kg thuốc TNT và thuốc mồi C4. Trước khi đưa chúng lên đây, số thuốc nổ này được thiết bị ở một cơ sở đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Quận 3, chính là nhà của mẹ chiến sĩ Trần Thị Minh Nguyệt. Mìn được cấu tạo thành 3 thớt lõm, lót chèn dăm bào trong hai chiếc va ly. Bảy Bê mở cửa phòng 514 bước vào. Một lát sau, hai tên bồi phòng xách va ly tới. Anh rút tiền thưởng thêm cho chúng. Hai gã vừa ra khỏi, Bảy Bê bấm chốt khóa chặt cửa phòng. Lúc này thành phố đã lên đèn. Chữ Caravelle như dây lửa đỏ rực tập trung sự chú ý của người đi đường. Các ô cửa hắt ra ánh sáng nhiều màu. Trên lầu 9, tiếng nhạc trỗi ầm ĩ kéo đám khách ăn chơi lũ lượt vào khách sạn. Trong đó có nhiều sĩ quan Mỹ và Úc… Bảy Bê cởi áo khoác treo lên móc. Anh nhìn đồng hồ, quan sát căn phòng rồi quyết định thao tác kỹ thuật khối nổ theo đúng giờ quy định. Đề phòng địch cài máy ghi âm và máy chụp hình tự động, anh tắt bớt đèn và xả cho vòi nước chảy thật mạnh, lòng cảm thấy yên ổn vì chắc giờ này Nguyệt đã về tới cơ sở an toàn. Anh mở va ly lấy các thớt thuốc nổ ra… Chợt ngẩng lên thấy trước mặt có một người đang cầm khối thuốc nổ, anh hoảng hồn vội rút súng ra… nhưng xem kỹ thì đó chính là hình của mình phản chiếu trong gương. Anh bỏ súng xuống thao tác tiếp và tự cười sự bất thần của mình. Đến 21 giờ, Bảy Bê hoàn tất thiết bị khối nổ. Anh thận trọng xoay kim đồng hồ hẹn giờ mìn nổ đúng 21 giờ 30 phút. Kiểm ra lại lần nữa, thấy yên tâm, anh gập va ly lại, bóp khóa để dưới gầm giường. Trước khi ra khỏi phòng, anh không quên việc thu dọn dăm bào sạch sẽ trong căn phòng. Bảy Bê đi xuống khách sạn gọi taxi, thoáng chốc đã bỏ xa Caravelle lại phía sau. Với kỹ thuật thao tác chuẩn xác, anh chắc mẩm trận đánh sẽ thành công. Chỉ ít phút nữa thôi thành phố sẽ rung lên trong tiếng nổ long trời. Tổ chiến đấu của F21 hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ đánh vào sào huyệt quân thù. Anh nhớ khi từ cầu thang đi qua phòng tiếp tân,
- thoáng thấy rất nhiều sĩ quan và quan chức địch đi vào khách sạn. Cũng nhờ thế mà mấy tên mật vụ không để ý tới anh. Về tới nhà trọ tại Phú Nhuận do Nguyệt thuê sẵn, cả hai im lặng hồi hộp chờ kết quả trận đánh. Chiếc kim phút đồng hồ chậm chạp nhích tới con số 6… Nhưng kìa, Bảy Bê và Minh Nguyệt như ngẩn người ra khi chiếc kim nhỏ xíu thản nhiên đi qua con số 6. Bảy Bê nghe tim mình thắt lại như ngừng đập. Sự im lặng đè nặng lên hai chiến sĩ biệt động. Chờ thêm 10 phút, 15 phút, rồi 20 phút… Bảy Bê toát mồ hôi vì thất vọng, bao nhiêu công sức đổ sông đổ biển rồi chăng? Một đêm dài trôi qua trong sự trằn trọc lo âu của đội trưởng Bảy Bê. Không có một tiếng nổ nào vang lên, cũng không có một tin tức gì về khách sạn Caravelle. Anh tự bảo: chắc chắn có “sự cố”, không ngoài sự “trục trặc kỹ thuật”. Bảy Bê xác nhận lại lần nữa và quyết định trở lại khách sạn xem sự thể ra sao, để khắc phục cho mìn nổ vào giờ khác, nhất định không bỏ dở trận đánh. Minh Nguyệt liền ngăn lại: - Không được đâu anh Bảy, nguy hiểm lắm, lỡ khi mình trở lại, bất ngờ trái mìn nổ thì sao! Thứ nữa, biết đâu bọn chúng đã vô phòng 514 và phát hiện được mìn. Anh Bảy trở vô, chúng phục sẵn chộp ngay. Người đội trưởng suy nghĩ giây lát rồi nói với vẻ kiên quyết: - Dĩ nhiên trở lại mục tiêu là chấp nhận hi sinh. Vô được Caravelle một lần là một lần khó, nếu mình không trở lại kiểm tra để đánh cho được, thì sự việc bể bạc, địch đề phòng cảnh giác cao, làm sao ta có cơ hội đột nhập Caravelle lần nữa! Như vậy F21 không hoàn thành nhiệm vụ đối với cấp trên. Nhưng bằng cách nào đây? “Gardeco đại tá Mỹ” sửa lại “bộ vó”, cho tay vào túi quần đi đi lại lại. Anh rút tờ hóa đơn thuê phòng trong túi ra: “Thế này mà không nghĩ ra!” Anh nói với Minh Nguyệt: - Em yên tâm, anh đã có cách! Bảy Bê lên taxi trở lại khách sạn Caravelle lúc 7 giờ sáng ngày 24. Đến trạm điện thoại công cộng bên đường anh cho dừng xe lại, vào gọi:
- - A lô nhà hàng Caravelle phải không? Tôi cần gặp bác sĩ Thành ở phòng 514… thế nào? Không có bác sĩ Thành hả… à…à… chỉ có cần vụ của đại tá, nhưng ông ấy đi ra ngoài chưa về. Kiểm tra phòng biết không có ai. Như vậy là chưa bị lộ, phải nhanh chóng trở lại tiếp cận mục tiêu! Bảy Bê gác ống nghe, tức tốc ra khỏi trạm điện thoại, lên xe chạy thẳng tới khách sạn. Anh búng mấy điếu Ruby chìa cho bọn gác cửa rồi đi tới cầu thang điện bấm nút lên lầu. Tra chìa vào ổ khóa phòng sau khi đã quan sát xung quanh không có hiện tường gì lạ, Bảy Bê bình tĩnh vào phòng, cánh cửa tự động khóa lại. Tuy đã có kinh nghiệm đánh mìn hẹn giờ, nhưng anh vẫn thấy hồi hộp. Anh cố kìm giữ cảm xúc, nhẹ nhàng mở hai va ly, thận trọng kiểm tra từng chi tiết. Tiếng nổ có thể bất thần vang lên… Nhưng không, Bảy Bê không quan tâm đến nó nhiều. Ánh mắt người chiến sĩ dừng lại nơi chiếc đồng hồ: “Thôi chết, đồng hồ đứng kim!”. Anh suýt thốt lên và giật ngay đồng hồ ra khỏi khối thuốc nổ. Mồ hôi tháo ra, anh cởi phăng áo ngoài mắc lên giá, đem đồng hồ ra ngoài, lên cứng dây thiều cho máy chạy trở lại, đồng thời tắt máy lạnh căn phòng, vì anh cho rằng có thể máy chạy liên lục, nhiệt độ quá lạnh đã làm cho đồng hồ ngưng hoạt động. Chi tiết này quả là anh chưa lường tới. Bảy Bê vặn đồng hồ cho kim chỉ 10 giờ 45 phút là lúc anh đã rút khỏi mục tiêu an toàn, cũng là lúc bọn địch tụ tập về khách sạn ăn trưa, nghỉ ngơi. Thiết bị xong xuôi đồng hồ vào khối nổ, Bảy Bê nhanh chóng ra khỏi phòng. Khi thang máy vừa tụt xuống tầng trệt, anh lại bấm cho nó chạy ngược lên lầu 5 vì quên chiếc áo khoác, trong túi có khẩu súng ngắn. Lúc này còn khoảng hơn 5 phút nữa thì mìn nổ. Sau này khi được Nguyệt hỏi sao anh liều thế, bỏ quách cái áo trong đó có sao đâu, đằng nào mìn cũng nổ mất dấu. Bảy Bê bảo đâu được, đi ra không khoác áo, bọn mật vụ phát hiện khi qua phòng tiếp tân, chúng bắt ngay. Bảy Bê lấy áo khoác mặc đàng hoàng, đồng thời vặn đồng hồ chạy chậm lại ít phút cho an toàn. Với kinh nghiệm dày dặn và một tâm lý ổn định, anh bình tĩnh đi ra cửa khách sạn. Bây giờ thì anh có thể “ăn thua” với chúng nếu bị lộ tung tích. Một tên đeo kính đen bỗng gọi giật:
- - Ông đi đâu mà gấp vậy? - Tôi về đằng Tổng nha có việc ngay. Bảy Bê vừa trả lời vừa bước nhanh ra chiếc taxi đậu sẵn đón anh. Mấy tên gác gian tưởng cận vệ của ngài đại tá là người của Tổng nha cảnh sát nên cũng ngán, không hạch hỏi mè nheo gì thêm. Bảy Bê vọt xe ra đường Nguyễn Huệ nhanh chóng tấp vào dòng xe cộ đôn đáo trên đường. Một tiếng nổ chuyển rung phố xá. Mặt đường như chao đi. Nấm khói cuộn lên mờ mịt trong tấm gương chiếu hậu. Tiếng còi xe cảnh sát rú rít inh ỏi. Mấy chiếc xe cứu hỏa hộc tốc chạy về phía Caravelle. Các ngả đường vào khu nhà hát Tây bị chặn lại. Bọn quân cảnh lôi sồng sộc những cự mã thép gai ra chắn đường… Tuy thế xe của Bảy Bê đã thoát ra khỏi vòng phong tỏa của chúng một cách nhanh chóng. Anh dừng xe sát mép đường mua thuốc hút, đón Nguyệt ở đường Lê Lợi, xong rú ga vọt qua chợ Bến Thành lên thẳng ngã tư Bảy Hiền. Từ đây, Bảy Bê và Nguyệt đón xe đò về Củ Chi. Tại căn cứ “bàn đạp” ở Củ Chi, anh em mở đài bán dẫn theo dõi tin trên đài phát thanh. Đài của ta và địch đưa tin khác nhau về trận đánh khách sạn Caravelle. Mọi người hiểu địch đang cố bưng bít thất bại. Hai hôm sau, cơ sở trong thành ra báo kết quả: mìn nổ sập và hư hòng 43 phòng, nặng nhất là lầu 5 cùng dãy với phòng 514. Nhiều tên tại văn phòng đại diện Úc bị thương vong. Trận đánh đạt ý nghĩa lớn trong thời điểm đế quốc Mỹ chuẩn bị can thiệp quân sự vào miền Nam để cứu vãn chế độ “Việt Nam cộng hòa”: đánh trúng sào huyệt nằm sâu trong hang ổ của địch, làm cho thủ đô ngụy thêm mất ổn định. Trong niềm vui thắng lợi, “tình nhân” đại tá William nhìn Bảy Bê mỉm cười nhắc lại hình ảnh chàng “gardeco” ăn mặc bảnh bao nhưng nói tiếng Pháp không rành, khiến cô và Phượng lên ruột. Điều làm cho mọi người lo lắng là Phượng, cơ sở duy nhất của đội biệt động “giúp việc” trong khách sạn bị địch bắt. Nhưng trong cái rủi, có cái may. Toàn bộ số nhân viên trong khách sạn Caravelle bị bắt ngay sau khi xảy ra “sự cố tệ hại”, mấy tháng trời địch ra công xét hỏi cố tìm ra thủ phạm tiếp tay cho Việt cộng, nhưng tuyệt nhiên không có mầm mống hi vọng nào. Bà quản lý khách sạn người Pháp lên Tổng giám mục Sài Gòn xin can thiệp rằng: người Pháp ở Việt Nam không làm chính trị, chỉ lo việc
- kinh doanh. Khách sạn của bà không liên quan gì đến vụ nổ chấn động trưa 24 tháng 10. Do bất lực trong quá trình điều tra và áp lực từ phía Pháp, bọn Tổng nha phải thả hết nhân viên của nhà hàng Caravelle trong đó có Phượng. Sau ngày giải phóng Sài Gòn, Đội trưởng Bảy Bê, người từng gây bao nỗi kinh khiếp cho bọn xâm lược và tay sai ở Caravelle, Brink, Metropol, Tổng nha cảnh sát, Đại sứ quán Mỹ… trở lại thăm khách sạn Caravelle. Phòng 514 trở thành Phòng truyền thống Biệt động, trưng bày hình ảnh Bảy Bê cùng Minh Nguyệt vào đánh khách sạn (ảnh bố trí chụp lại) và các bài báo nói về trận tấn công khách sạn Caravelle. Người nữ “tiếp viên” năm nào giờ đây trở thành “bà quản lý” khách sạn Độc Lập (tên mới của khách sạn Caravelle)(1[1]). Cô Phượng nay đã đứng tuổi, chững chạc trong bộ áo dài trông rất duyên dáng, sang trọng. Trong bữa tiệc nhẹ chiêu đãi đoàn nhà văn tham quan Caravelle tại lầu 9, cô “giới thiệu” Bảy Bê bằng một giọng vui đùa: “Ngày ấy, thấy anh Bảy vào thuê phòng mà lóng nga lóng ngóng làm tôi muốn xỉu. May mà người ta cả nể ngài đại tá…”. Mọi người cười ầm lên, còn Bảy Bê thì lúng túng thanh minh: “Đúng là lúc đó tôi sắp phát run vì có nhiều tình huống xảy ra cùng một lúc, nhưng sắm vai được như thế là khá lắm rồi…”. Trong tiếng cười chộn rộn, bảy Bê cảm thấy những điều kỳ diệu đi qua đời anh như một giấc mơ. _____________ 1 Ngày nay khách sạn Độc Lập trở lại tên cũ Caravelle như trước và được mở rộng xây dựng thành 25 tầng, cũng do người Pháp liên doanh với ta.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn