YOMEDIA
ADSENSE
Nhà giáo Đặng Thai Mai (1902 - 1984)
115
lượt xem 7
download
lượt xem 7
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Đặng Thai Mai (25 tháng 12, 1902 – 1984) là một nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam. Tiểu sử Ông sinh năm 1902 tại làng Lương Điền (nay là Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nho học. Thân phụ ông là Đặng Nguyên Cẩn, đỗ phó bảng, tham gia phong trào Duy Tân cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nhà giáo Đặng Thai Mai (1902 - 1984)
- Đặng Thai Mai (1902 - 1984) Đặng Thai Mai (25 tháng 12, 1902 – 1984) là một nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam. Tiểu sử Ông sinh năm 1902 tại làng Lương Điền (nay là Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nho học. Thân phụ ông là Đặng Nguyên Cẩn, đỗ phó bảng, tham gia phong trào Duy Tân cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Sau khi thân phụ bị bắt, ông về sống tại quê nội từ năm 6 tuổi, và được bà nội nuôi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, học chữ Hán và chữ Quốc ngữ theo chương trình Đông kinh nghĩa thục. Năm 1925, khi đang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương - Hà Nội, ông tham gia phong trào đòi "ân xá" Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh, đồng thời gia nhập đảng Tân Việt. Năm 1928, ông trở thành giáo sư Trường Quốc học Huế. Năm 1929, khi đảng Tân Việt tan vỡ, ông bị xử một năm tù treo, sau đó lại trở về dạy học ở Huế. Ông lại bị bắt năm 1930 và bị xử 3 năm vì tham gia phong trào Cứu tế đỏ. Sau khi ra tù, Đặng Thai Mai ra Hà Nội sống và dạy học tại trường tư Gia Long (1932). Đến năm 1935, Đặng Thai Mai cùng với các bạn là Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp... lập ra Trường tư thục Thăng Long. Năm 1936, ông cùng Nguyễn Văn Tố, Vương Kiêm Toàn, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp... thành lập ra Hội truyền bá chữ Quốc ngữ. Ông bắt đầu hoạt động văn hóa thời kì Mặt trận Dân chủ (1936-1939), viết báo và sáng tác một số truyện ngắn bằng tiếng Pháp nêu gương các chiến sĩ cách mạng buổi đầu (Cô câm đã lên tiếng, Người đàn bà điên, Chú bé...). Năm 1939, ông ứng cử Viện dân biểu Trung Kỳ. Năm 1944, ông cho ra đời tác phẩm Văn học khái luận - cuốn sách đầu tiên trình bày có hệ thống nhiều vấn đề lí luận văn học theo quan điểm tiến bộ, như điển hình và cá tính, nội dung và hình thức, truyền thống và hiện đại. Đặng Thai Mai cũng là người có công giới thiệu văn học hiện đại Trung Quốc qua các công trình Lỗ Tấn (1944), Tạp văn Trung Quốc (1944), các bản dịch kịch Lôi Vũ, Nhật xuất của Tào Ngu, Lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại, tập 1 (viết năm 1958).
- Sau Cách mạng tháng Tám, ông giảng dạy ở bậc đại học và nghiên cứu phê bình văn học. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I, Ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là Bộ trưởng Bộ giáo dục trong Chính phủ liên hiệp. Cũng trong năm này, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong các giai đoạn về sau, ông lần lượt giữ các chức vụ về văn hoá và giáo dục như Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa, Hội trưởng Hội văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trường dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV, Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện văn học, Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông cũng cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị như Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20 (1960), Trên đường học tập và nghiên cứu (tập 1, 1959, tập 2, 1965 và tập 3, 1973). Đặng Thai Mai có vốn nho học uyên thâm và am hiểu văn học cổ điển Pháp, văn học hiện đại Trung Quốc, văn học cận đại Việt Nam. Đặng Thai Mai là nhà lí luận phê bình sắc sảo. Năm 1982, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 1996, ông lại được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) về các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới. Ông lập gia đình với bà Hồ Thị Toan, người con gái đầu là Đặng Bích Hà sau gả cho bạn ông là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông còn có một người con trai và bốn người con gái khác, trong đó hai người cũng là vợ của các tướng lĩnh trong Quân đội là bà Đặng Thị Hạnh - vợ của Trung tướng Phạm Hồng Cư (tên thật là Lê Đỗ Nguyên) và bà Đặng Anh Đào - vợ của Trung tướng Phạm Hồng Sơn. Con trai ông là Đặng Thanh Lê cũng là một Giáo sư văn học, giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Đặng Thai Mai mất năm 1984. Các tác phẩm chính: Tác phẩm đã xuất bản: Văn học khái luận (nghiên cứu, 1944); Lỗ Tấn (nghiên cứu, 1944); Tạp văn trong văn học Trung Quốc ngày nay (nghiên cứu, 1945); Triết học phổ thông (nghiên cứu, 1949); Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kì văn hóa phục hưng (nghiên cứu, 1949); Giảng văn Chinh phụ ngâm (chú giải, bình giảng, 1950, 1992); Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc (biên khảo, tập I, 1958); Văn thơ Phan Bội Châu (nghiên cứu, 1958); Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX (nghiên cứu, 1961); Trên đường học tập và nghiên cứu (nghiên cứu, phê bình, 3 tập, 1959, 1969, 1970); Đặng Thai Mai tác phẩm (2 tập, 1978 - 1984); Hồi kí (1985. Dịch, giới thiệu: Thế giới hiện đại (dịch chung, 1946); Lịch sử triết học phương Tây (tập I, 1949, tập II, 1957); Lôi Vũ (của Tào Ngu, 1945, 1958); Ả Sim (1957); Nhật xuất (của Tào Ngu, 1958)…
- Tặng thưởng giải A của Hội Nhà văn Việt Nam (1986); giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – nghệ thuật (1996). Tuy số lượng trước tác không nhiều, Đặng Thai Mai là một nhà bác học về khoa học văn học, khoa học nhân văn có uy tín cao. Ông là một học giả có công lớn trong việc truyền bá một cách hiệu quả lý luận văn nghệ mác xít vào Việt Nam ngay trong nửa đầu thế kỷ XX, qua công trình Văn học khái luận. Về phương diện nghiên cứu văn học, trong khi đi sâu khảo luận các áng văn thơ tiêu biểu của các tác giả văn học cổ điển, hiện đại của Việt Nam, ông chú trọng khám phá các phương diện tư duy nghệ thuật độc đáo cùng tài năng sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, những tìm tòi về bút pháp, phong cách của mỗi tác giả. Ông để lại những công trình nghiên cứu đặc sắc về việc vận dụng phương pháp nghiên cứu xã hội học mác xít (Văn thơ Phan Bội Châu, Văn thơ Cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX) hoặc tiếp cận với thi pháp học hiện đại (Giảng văn Chinh phụ ngâm). Ông cũng được xem là một trong những học giả thấu hiểu sự cần thiết của việc nghiên cứu văn học liên ngành, đặt văn học trong tương quan gắn bó chặt chẽ văn hoá dân tộc, với văn hoá khu vực châu lục và trên toàn cầu. Văn nghiên cứu, phê bình của Đặng Thai Mai mang dấu ấn phong cách của một cây bút uyên bác, thâm hậu, sắc sảo, xen vào một chút u mua lịch lãm và tinh tế. Không chỉ là nhà nghiên cứu văn học có uy tín, Đặng Thai Mai còn là một dịch giả tài ba, ông dịch văn học hiện đại Trung Quốc, nghiên cứu về văn học Trung Quốc hiện đại; văn học một số nước Đông Âu (Pháp, Anh, Tây Ban Nha), văn hoá – văn học thời kỳ phục hưng Châu Âu. Những hoạt động đó cho thấy ông đã góp phần truyền bá tinh hoa, các giá trị học thuật nhân văn và nghệ thuật bậc thầy từ trong các kiệt tác văn học nhân loại.
- Đặng Thai Mai (1902-1984) với văn hóa dân gian xứ Nghệ ... Đọc “Văn thơ Phan Bội Châu” chương II và “Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX”, chúng ta đã thấy chất nhuần nhuyễn của văn học dân gian xứ Nghệ trong các trang viết của Giáo sư Đặng Thai Mai như thế nào. Thầy đã sử dụng những câu ca dao, những mẩu chuyện kể, những đoạn vè... rất đắt chỗ. Để làm bật lên đời sống tinh thần của người xứ Nghệ, thầy đã cho ta hay nào Truyện ông Đùng, Truyện Cố Bợ rồi Quỷ ngô Bát Ngạo. Nói về Truyện Cố Bợ,thầy đã có cái nhìn khá ưu ái: “Thần tích của Bợ không phải chỉ là một chuyện ngẫu nhiên mà còn cả một triết lý, biết đâu từ ngày xửa ngày xưa nhân dân đã nhìn thấy trong nhân vật chú Bợ hoàn cảnh con người sống vất vả mà vẫn xuề xòa, nhẹ dạ, xem cuộc đời như một trò đùa và cũng có khá nhiều chính nghĩa cảm” (Văn thơ Phan Bội Châu). Từ những vị thần trong thần thoại, huyền thoại, thầy đã đề cập đến những vị thần có công với nước với dân “Thần xứ Nghệ phần lớn là những nhân vật lịch sử. Lịch sử Nghệ Tĩnh luôn luôn gắn chặt với lịch sử nước nhà trong các thời kỳ khủng hoảng, bi đát của dân tộc”. Điều thầy tâm đắc không chỉ công việc của các vị thần mà là những huyền thoại, giai thoại xung quanh các thần làm cho hào quang của các thần luôn luôn sáng chói và mãi mãi lung linh trong tâm não con người xứ Nghệ. Đó là các đức thánh đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng, bốn đền thiêng nhất ở xứ Nghệ. Rồi những nhân vật lịch sử đều là những phúc thần như Lê Lợi, Mai Hắc Đế, Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Xí, Phạm Vĩ Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Hoàng Phan Thái... và bao nhiêu các vị thần khác (Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần). Chữ “Thần” ở đây không phải là bầy tôi mà thần là những ông thần linh thiêng ngự trị tại các ngôi đền. Cả thần và đền đều có dấu vết lịch sử, các thần này đều được nhân dân xứ Nghệ hâm mộ thờ phụng, ngợi ca nên thầy viết “sự thực thì đằng sau khói hương nghi ngút của các linh từ xứ Nghệ, bên cạnh màu sắc mê tín, bấy nhiêu di tích đều là những kỷ niệm thiêng liêng có một ý nghĩa giáo dục khá hùng hậu”. Thầy viết tiếp: “Lịch sử của các anh hùng (những người được nhân dân thờ phụng - N. V. G) người thành công cũng như người thất bại, chỉ có thể hun đúc cho con người một thứ lạc quan chủ nghĩa lành mạnh, chết vì chính nghĩa là thoát khỏi cái chết của hình hài để chống chọi với sự đào thải của thời gian” (Văn thơ Phan Bội Châu). Người các địa phương khác thường cho người xứ Nghệ gan góc đến khô khan nhưng theo thầy: “Nói trạng là một đặc điểm của xứ Nghệ. Ai biết nói trạng? Chú lái lợn, bác hàng
- chè lá, cậu đồ nghèo, và phường phong lưu”. Câu chuyện thường được kể lại với ít nhiều ý vị khôi hài, hóm hỉnh. “Thế là cười như pháo nổ, cười vang dậy cả một dãy phố, cười tràn trề trên các nẻo đường quan”. Rõ ràng từ trong tâm trạng của mình, thầy đã thấy hai mặt thống nhất hữu cơ trong tính cách một con người xứ Nghệ và cũng chính thầy đã phát hiện ra ý nghĩa văn hóa của con đò xuôi ngược trên sông Lam. Biết bao người chỉ thấy đó là những con đò chở hàng hóa với những tay sào vất vả và những người buôn bán tất bật, tính toán lỗ lãi, nhưng thầy lại thấy: “đò là chú liên lạc đắt duyên từ chợ nọ đến chợ kia cho làng quê với thành thị. Đò là một cửa hàng bách hóa lưu động, đó cũng là một địa điểm “nói trạng” của các chú lãi, các cô hàng xén”. Đó là con đò văn hóa lưu động trên sông nước vẳng đưa tiếng hát đò đưa man mác trong đêm khuya thanh vắng và vọng lại điệu ví phường vải, ví phường nón, ví phường vàng... từ những làng mạc hai bên bờ sông Lam, sông La vọng ra làm cho đất trời sông núi xứ Nghệ vốn uy nghi hùng tráng quyện với vẻ đằm thắm trữ tình. Thầy đã kể ra một số giai thoại của những nhà nho đi hát phường vải làm “Thầy gà”, “Thầy bày” cho thanh niên nam nữ trong các cuộc hát phường vải. Và từ những cuộc hát ví, hát giặm có nhà nho tham gia ấy thầy viết: “Điều dễ dàng nhận thấy là trong kho tàng học thuật của chế độ phong kiến không hề để ý đến việc bồi dưỡng cho nghệ thuật tiếng nói của dân tộc thì những buổi tiêu khiển trong lối hát đó cũng là những dịp để cho đầu óc cậu đồ nho đang khô khan trong lối học từ chương uyên bác có thể tắm gội ít nhiều vào trong ngọn nguồn mát mẻ của dân ca” (Văn thơ Phan Bội Châu). Chính thầy đã tắm gội vào trong ngọn nguồn mát mẻ của dân ca và nói rộng hơn của cả ngọn nguồn văn hóa bản địa xứ Nghệ nên trong văn chương của thầy, trong cách viết của thầy, trong cách ứng xử của thầy, trong tấm lòng, thái độ đối với cuộc sống, đối với tự nhiên, đối với con người, đối với cái đẹp của cuộc sống, của tự nhiên của con người, thầy đã mang một tình yêu đằm thắm thiết tha. Thầy ra làm cách mạng vì lẽ đó và cống hiến cả đời cho sự nghiệp văn hóa giáo dục của quê hương của Tổ quốc, dân tộc cũng vì lẽ đó. *** Vốn là học trò của thầy, ba năm ròng được ngồi dưới mái trường Đại học sư phạm Văn khoa Hà Nội để nghe thầy bày dạy, nhiều lần đến nhà thầy chúng tôi đã được nghe thầy đọc từng tràng bài vè, hát giặm, ca dao, dân ca, được nghe thầy kể hàng chục mẩu chuyện dân gian, lúc đó chỉ biết mở mắt ra nghe và thán phục thầy. Tại sao thầy nhớ giỏi thế! Nhất là những bài vè mà văn chương chẳng lấy gì làm mượt mà, nội dung chẳng lấy gì làm lô - gích, từ vè nói về thời tiết về cảnh đi ở, về hạn hán, về các anh hùng thảo dã... Nào là hôm, thầy đi xuống Liễu Nha qua cầu Kho sang Bích Triều, gặp một ông đi bán bò về, đọc cho thầy nghe một bài vè nói về cuộc khởi nghĩa của cố Bang. Nghe xong thầy đọc luôn một bài vè khác tương tự. Nào là hôm đi tới cầu Giát qua Nhân Sơn để xuống Quỳnh Đôi, gặp bác nông dân đi cày về, bác nông dân ấy đã đọc cho thầy nghe bài vè nói
- về hạn hán năm Đinh Mão. Nghe xong thầy cũng đọc luôn một bài vè nói về nạn đói năm Canh Ngọ, v.v... và v.v... Trời ơi! Thầy thuộc làu làu. Rồi sau này khi tiếp tục đi vào con đường sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, những lúc đến nhà thầy để học hỏi trao đổi, khi gợi ra một câu ca dao, đọc sai một chữ thầy chữa ngay rồi thầy đọc cho nghe một dị bản khác và đôi khi kể cho nghe xuất xứ cả câu dân ca đó nữa. Nhất là khi đọc một bài vè, tôi mới đọc dăm câu thì thầy đọc tiếp luôn cả bài, đọc một cách say sưa, nồng nhiệt rồi chỉ bảo cho nghe cái hay của nó, những địa danh, nhân danh trong đó, những sự việc trong đó, lúc ấy và cả bây giờ nữa tôi mới thấy cái kém cỏi của mình. Thì ra thầy viết khái luận văn học, dịch Lôi Vũ, Nhật Xuất, viết Triết học phổ thông... trong con người thầy cũng là một kho văn học dân gian mà chủ yếu là văn học dân gian xứ Nghệ. Thầy chưa viết một sách nào về văn hóa hoặc văn học dân gian song trong các trang viết của thầy về hai cuốn sách mà tôi đã nói trên chỗ nào cũng đằm thắm cũng hòa quyện chất bác học với chất dân gian. Thầy không viết nhưng thầy đã truyền cái ham thích, cái nồng nhiệt, cái hiểu biết của thầy về văn học, văn hóa dân gian xứ Nghệ sang lớp học trò của mình. Mà có lẽ những người học trò như chúng tôi đã làm và đang làm cái điều thầy mong muốn, cái điều thầy yêu thích và sưu tập, nghiên cứu, giới thiệu về văn học, vă hóa dân gian xứ Nghệ. Điều mà tôi học tập được vô cùng sâu sắc của thầy ngoài những bài học trên lớp, là muốn làm một người sưu tầm nghiên cứu văn học ở một địa phương hay toàn quốc, muốn đi dài, đi sâu, đi xa, trước hay sau phải có vốn hiểu biết về bề rộng rồi mới có thể đi vào một bề sâu. Cho nên chỉ sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian xứ Nghệ không được mà trước hết phải hiểu biết về địa phương xứ Nghệ, rồi từ đó cần hiểu biết tất cả các ngành khoa học có liên quan. Muốn thế tấm gương của thầy là khiêm tốn tự học, tự học âm thầm, tự học mãi mãi, tự học suốt đời. Do tự học mà thầy có một kiến thức uyên bác cả văn học viết và văn học dân gian, cả Việt Nam và thế giới, nên các bài viết của thầy, các tác phẩm của thầy đều có bề sâu và có sức lan tỏa. Biết thế, nhưng có một kiến thức như thầy là vô cùng khó. Phải theo gương của thầy là tiếp tục học tập, dù tuổi đã ngoài lục tuần rồi. Cho đến bây giờ thầy vẫn là thầy giáo của tôi hay nói như Giáo sư Nguyễn Đình Chú thầy là một sư phụ, một vị sư biểu. PGS. Ninh Viết Giao
- Nhân vật Xô Viết Nghệ Tĩnh Đặng Thai Mai(1902-1984) Đặng Thai Mai (bút hiệu Thanh Tuyền) sinh ngày 25/12/1902 tại làng Lương Điền, tổng Bích Triều (nay là xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Lương Điền, Thanh Chương là một miền quê nghèo khổ nhưng lại rất thơ mộng bởi sự giao hoà của dòng sông Lam, dãy Thiên Nhẫn có ngọn Thái Sơn, thuận tiện cho việc giao lưu kinh tế- văn hoá. Lưong Điền, Thanh Chương là địa phương có truyền thống văn hoá yêu nước và cách mạng. Qua các thời kỳ lịch sử, nơi này đã xuất hiện nhiều người học rộng tài cao, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn và có nhữung đóng góp xuất sắc cho sự tồn tại, phát triển của quê hương đất nước. Ông nội của Đặng Thai Mai là cụ Đặng Thai Hài(có tài liệu ghi tên khác là Đặng Thài Giai) thi đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 31(1878) được bổ làm Huấn đạo Quảng Trị, rồi làm tri huyện ở tỉnh Thah Hoá. Sau khi thực dân Pháp chiếm Thanh Hoá, cụ xin từ quan rồi tham gia phong trào yêu nước và dạy học tại quê nhà. Thân sinh của Đặng Thai Mai là Đặng Thai Sơn (Đặng Nguyên Cẩn) thi đỗ cử nhân khoa Mậu Tý, đậu Phó bảng khoa Ất Mùi(1895) và được bổ làm Trước tác ở Quốc sử quán triều Nguyễn, Giáo thụ phủ Hưng Yên, Nghệ An, Đốc học tỉnh Hà Tĩnh, Đốc học tỉnh Bình Thuận. Tuy là quan nhưng ông vẫn hăng hái tham gia phong trào Đông Du, Duy Tân thuộc nhóm “Minh xã” ở Nghệ An, nên bị thực dân Pháp và phong kiến Nam triều phạt tù 13 năm đày đi Côn Đảo. Chú ruột của Đặng Thai Mai là Đặng Thúc Hứa (hiệu Ngọ Sinh) đỗ tú tài Hán học nên thường gọi là Tú Ngọ Sinh hay Tú Hứa. Ông xuất dươngsang Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan tổ chức các hoạt động yêu nước. Từ những năm đầu thế kỷ XX, phong trào xuất dương tìm đường cứu nước phát triển mạnh mẽ ở Nghệ An. Sau khi con đường Đông Du sang Nhật bị thất bại, các nhà yêu nước chuyển hướng hoạt động sang Xiêm, từ đó qua Trung Hoa tìm đường cứu nước. Và, Người có công lớn trong việc lập Trại Cày ở Xiêm để đón nhận thanh niên Việt Nam xuất dương là Đặng Thúc Hứa. Khoảng giữa năm 1930, tại Bản Đông, huyện Phì- chịt tỉnh Pi- na- xu - lốc, Vương quốc Xiêm, Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên của Việt kiều được thành lập trong đó có đồng chí Đặng Thúc Hứa- người đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta, khi đã bước vào tuổi 60. Chú ba của Đặng Thai Mai là Đặng Thái Xương(tục gọi là chú Ba Hối), tuy ssống ở quê nhà những là một yếu nhân của Việt nam Quang phục hội vùng Thanh Cương, bị địch
- bắt đày đi Lao Bảo. Bà Đặng Qùnh Anh đã cùng với anh ruột là Đặng Thúc Hứa sang Xiêm lập Trại Cày, tổ chức các hoạt động yêu nước. Năm 1934 bà được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, hoạt động ở Xiêm. Sinh ra và lớn lên ở một miền quê giàu truyền thống, một đại gia đình khoa bảng, tận mắt chứng kiến cảnh kẻ thù bắt bới giam cầm người thân trong gia đình, quê hương, cũng như sự khủng bố, đàn áp phong trào đấu tranh do các sỹ phu lãnh đạo, đã sớm khơi dậy trong Đặng Thai Mai tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc. Sự thiếu vắng của cha mẹ từ nhỏ lại luôn nơm nớp lo âu vì bọn thực dân phong kiến liệt vào hàng “Cừu gia, tử đệ”, thường xuyên bị theo dõi nòm ngó, nhưung nhờ có bà nội, một phụ nữ nông thôn giàu nghị lực và vốn liếng văn hoá dân gian bù đắp, dạy dỗ chu đáo Đặng Thai Mai ngay từ thuở thiếu thời. Với “Lớp học tại gia” và thư viện gia đình - “Lam Thái Sơn phòng tùng thư”, đã góp phần quan trọng để Đặng Thai Mai tích luỹ kiến thức ban đầu. Nơi đây Đặng Thai Mai được học tập với nhiều thầy có kiến thức, có nhân cách và có tư tưởng tiến bộ. Trong những người thầy đó có cử nhân Hồ Phi Thống( Hồ Phi Huyền) người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Thầy cử Hồ, ngoài học vấn Hán học uyên thâm còn có tầm hiểu biết nhiều lĩnh vực khác. Trước khi đến dạy “Lớp học tại gia”, thầy cử Hồ đã bị thực dân Pháp bắt giam một thời gian vì hoạt động yêu nước. Bên cạnh sự dạy dỗ của gia đình và các thầy, Đặng Thai Mai còn đọc được nhiều loại sách kinh điển nho gia, Tứ thư ngũ kinh, thơ, truyện cổ, đồng thời có điều kiện tiếp xúc với sách báo tiến bộ đương thời. Đó là sách của Đông Kinh nghĩa thục và đặc biệt là “Tân thư” của Trung Quốc với những tư tưởng nổi tiếng Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng...giúp cho Đặng Thai Mai sớm hình thành tư tưởng tiến bộ. Lớn lên Đặng Thai Mai rời khỏi gia đình và quê hương, năm 1915 đến 1924 học trường tiểu học Pháp - Việt rồi trường Cao đẳng tiểu học Vinh sau đó trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (1925-1928). Thời gian học ở trường Cao đẳng đã đem đến những biến đổi rất lớn trong cuộc sống tinh thần của Đặng Thai Mai. Một mặt ông sống trong không khí sục sôi cách mạng bởi các phong trào đấu tranh do các tổ chức và cá nhân khởi xướng đã bùng lên trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức và thợ thuyền. Những tin tức về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, về những khoá huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng ở Quảng Châu, Trung Quốc, về sự ra đời tổ chức Việt Nam cách mạng Thanh niên, tổ chức “Cộng sản đoàn” và nhữung tác phẩm nổi tiếng của Người như “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), và “Đường Kách mệnh” (1927)... Tất cả đã khơi dậy trong tư tưởng, tình cảm của Đặng Thai Mai khát vọng tìm đến một học thuyết mới mẻ, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, phá vỡ những bế tắc, mở lối thoát cho dân tộc Việt Nam. Mặt khác, đây là những năm Đặng Thai Mai được học tập một cách có hệ thống những kiến thức Đông – Tây, kim - cổ, đặc biệt là nhữung trào lưu tư tưởng phương Tây từ cổ đại Hy lạp qua Trung cổ, đến Phục Hưng, cách mạng Tư sản với phong trào Ánh sáng...đã đưa đến cho ông những tri thức mới, bổ sung vào hiểu biết của ông làm cho vốn kiến thức của ông vừa phong phú vừa đầy đặn để khi bước vào đời có điều kiện
- thực hiện những ước mơ và hoài bão lớn. Từ khi học ở Cao đẳng Sư phạm Đông Dương Hà Nội, ông đã tích cực tham gia phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh và gia nhập Đảng Tân Việt. Tốt nghiệp khoá học Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Đặng Thai Mai được bổ làm Giáo sự trường Quốc học Huế. Năm 1929, Đảng Tân Việt bị vỡ, ông bị kẻ thù kết án treo 1 năm. Sau đó ở Huế ông còn bị bắt và kết án 1 năm vì tội tham gia phong trào “Cứu tế Đỏ”. Ra tù năm 1932 ông trở ra Hà Nội dạy tại trường Gia Long, rồi sau đó cùng với Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp ...lập trường tư thục Thăng Long. Nơi đây Đặng Thai Mai gặp và làm việc với nhiều giáo sư nổi tiếng về sự uyên bác cũng như tinh thần yêu nước và cách mạng, những học sinh xuất sắc về học vấn và sâu nặng tinh thần dân tộc, thật sự là môi trường tốt để Đặng Thai Mai trưởng thành nhanh chóng cả về nhận thức, năng lực cũng như được bồi đắp thêm tình cảm cách mạng và hoài bão cống hiến sức lực cho cuộc đấu tranh cứu nước, cứu dân. Trong quá trình tích cực vận động thành lập Đảng ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc triệu tập “Hội nghị hợp nhất” để thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong “Hội nghị hợp nhất”, Người vạch rõ đường lối cách mạng của nước ta là trước làm cách mạng dân tộc dân chủ sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sự kiện Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đã mở ra bước ngoặt trong lịch sử cách mạng nước ta. Nhưng về phương diện cá nhân Đặng Thai Mai, sự ra đời của Đảng thực sự là ánh dương soi rọi làm biến đổi sâu sắc trong tư tưởng và tình cảm của ông để ông vững bước trên con đường cống hiến tâm lực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1936, Đặng Thai Mai tích cực tham gia phong trào Mặt trận BÌnh dân và có những đóng góp lớn. Rồi ông tham gia biên tập các báo tiếng Pháp và Đảng Cộng sản Đông Dương: Le travail, Envant, Ra semblement, Notre voix và báo tiếng Việt: Tin tức; cùng với Nguyễn Văn Tố, Vương Kiêm Toàn thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ. Năm 1936, Đặng Thai Mai được Đảng Cộng sản Đông Dương giới thiệu ra ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, đồng thời vẫn tiếp tục dạy học ở trường Thăng Long, tham gia viết sách báo, cộng tác với các nhóm tiến bộ để hoạt động tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về những tư tưởng văn hoá mới nhằm xây dựng một nền văn hoá cách mạng cho nước nhà. Vì thế mà trong thời gian trước Cách mạng tháng Tám, Đặng Thai Mai đã nghiên cứu kỹ “Đề cương Văn hoá” của Đảng Cộng sản Đông Dương, viết cuốn “Văn hoá học khái luận” (1944), dịch Lỗ Tấn(in 1944)... Cách mạng tháng Tám thành công, trước những yêu cầu của cách mạng, Đặng Thai Mai đã đảm trách các cương vị: Đại biểu Quốc hội khoá I, Uỷ viên ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, với công việc rất quan trọng là tập trung chỉ đạo tốt việc thực hiện chủ trương diệt giặc dốt, xây dựng chương trình giảng dạy, định hướng cho nền giáo dục mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những năm
- tiếp theo, Đặng Thai Mai được phân công vào những nhiệm vụ mà phần lớn mang tính chất khai phá như: Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hoá, Chủ trì tạp chí Sáng tạo của văn nghệ sĩ Liên khu IV(1947-1948), Giám đốc trường Đại học văn khoa Liên khu IV(1950), Giám đốc Sở giáo dục Liên khu IV(1950-1951), Giám đốc trường Dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV(1952). Hoà bình lập lại, năm 1954, Đặng Thai Mai được giao nhiệm vụ: Chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường đại học Sư phạm Hà Nội; Viện trưởng Viện văn học; Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam; Chủ nhiệm lớp Đạo học Hán học... Trong cuộc đời hoạt động của Đặng Thai Mai thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945 với tư cách là nhà báo, ông đã thử nghiệm ngòi bút trên nhiều lĩnh vực. Khi văn nghệ sĩ đang lúng túng và đặt câu hỏi đi về đâu và làm gì thì Đặng Thai Mai đã có những đóng góp lớn trong việc giới thiệu và lý giải những khái niệm mới mẻ trong hệ thống lý luận Mác - xít, quan điểm cơ bản của Đảng về văn nghệ mà Đề cương Văn hoá đã nói rõ, nhằm đưa văn nghệ sĩ trở về với đại chúng, với đời sống cách mạng sôi động. Cách mạng tháng Tám thành công và sau đó cả dân tộc lại phải dốc toàn lực cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trường kỳ gian khổ. Đặng Thai Mai ngoài công việc quản lý, ông đã đi vào hai mảng vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống văn hoá và tinh thần của nhân dân. Bằng sự định hướng về lãnh đạo cũng như các bài viết ông đã giải quyết vấn đề lý luận giúp người sáng tác tháo gỡ những vướng mắc đề thông suốt đường lối van hoá văn nghệ của Đảng và nhà nước cách mạng, tích cực tham gia công cuộc “Kiến thiết văn hoá mới’; Đồng thời, Đặng Thai Mai đã có những đóng góp tích cực vào vệc tổng kết văn hoá Việt Nam quá khứ nhằm xác định điểm xuất phát, ý thức xây dựng nền văn hoá độc lập và mang bản sắc dân tộc sâu sắc. Những tác phẩm tiêu biểu của ông như: Chủ nghĩa nhân văn dưới thời Văn hoá Phục hưng(1949), giảng văn “Chinh phụ ngâm”(1950), Triết học khái luận, Lược sử văn hoá hiện đại Trung Quốc(1958), Văn thơ Phan Bội Châu(1958), Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX(1961).. Ngoài ra ông còn có những công trình nghiên cứu ngắn và vừa, nhưng cũng rất tâm huyết và được người đọc ưa tích như: Ngục trung nhật ký, Thơ văn Lý Trần, Nguyễn Trãi...Các công trình ấy của ông đều có những đóng góp quan trọng đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà. Với hơn 50 năm phục vụ đất nước, trong đó gần nửa thế kỷ là người cầm bút, cuộc đời và tác phẩm của Đặng Thai Mai luôn luôn gắn bó với công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam. Là một trí thức yêu nước, một chiến sỹ cách mạng, Đặng Thai Mai luôn nhận trách nhiệm đi những bước đầu tiên và đã thu được những kết quả đáng trân trọng. Tuy nhiên còn nhiều điều mà Đặng Thai Mai nghiên cứu, gợi mở, đòi hỏ chúng ta tiếp tục nghiên cứu để những mong muốn của ông ngày một được bồi đắp hoàn thiện hơn, như chính Giáo sư Đặng Thai Mai từng nói: “Tôi sẽ không lấy làm mừng nếu kết quả nghiên cứu của mình đặt dấu chấm hết cho một vấn đề
- khoa học nào đó”. Cùng với những cống hiến trên nhiều lĩnh vực mà đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, văn học nghệ thuật, quan điểm đúng đắn đó đã góp phần hoàn thiện hơn cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Đặng Thai Mai. Ông đã từ trần ngày 25/9/1984 tại Hà Nội, hưởng thọ 82 tuổi. Trong bài điếu văn do đồng chí Cù Huy Cận, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học- Nghệ thuật đọc trong buổi lễ tang Đặng Thai Mai đã viết: “Anh mất đi sau một cuộc đời trọn vẹn cống hiến cho cách mạng, cho nền văn nghệ của nước nhà, giữa lòng thương tiếc vô hạn của Đảng, của giới văn học nghệ thuật cả nước, của tất cả chúng ta, những bạn hữu, đồng chí, đồng nghiệp của anh mà anh đã từng gần gũi với một tấm lòng ưu ái được san sẻ đều như tình anh em, như tình bè bạn...Anh Mai của chúng ta đã sống một cuộc đời rất đúng và rất đẹp, một cuộc đời luôn luôn ý thức gắn bó với Đảng với nhân dân, một cuộc đời đầy đặn...” Do có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đâ trao tặng Giáo sư Đặng Thai Mai những huân chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì và Huân chương Hồ Chí Minh Hoàng Minh Truyền. Ban NCLSĐ Nghệ An
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn