intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nhìn lại các cách hành chức của "cũng" và "vẫn"

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:15

46
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Nhìn lại các cách hành chức của "cũng" và "vẫn" được nghiên cứu dưới quan điểm của ngôn ngữ học phát ngôn. Trong đó, các từ "cũng" và  "vẫn" có chức năng ngữ nghĩa, ngữ dụng, lập luận riêng biệt khác hẳn với quan điểm cho rằng chúng chỉ là những từ đi kèm. Mời các bạn cùng tham khảo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nhìn lại các cách hành chức của "cũng" và "vẫn"

  1. NGÔN NGỮ SỐ 12 2016 NHÌN LẠI CÁC CÁCH HÀNH CHỨC CỦA CŨNG VÀ VẪN BÙI THỊ HOÀNG ANH* Abstract: This paper offers an analysis of the uses of cũng, vẫn from an enunciative linguistics point of view. Following this approach, a semantic hypothesis and typical examples will be used to analyze the functions of these two units . The semantic similarities and differences of these two wordsd in combination with cũng vẫn will also be hightlighted. The paper attempts to demonstrate that each language has its own basic semantics which is (always) maintained (totally or partially) in diverse contexts and this semantics plays an important rule in interpreting the utterances. Key words: cũng, vẫn, discursive semantics, enunciative linguistics, modality. 1. Dẫn nhập Trong không ít các nghiên cứu đề cập đến cũng (xem 2.1), hầu hết các tác giả đều có xem xét cũng trong mối tương quan với vẫn và cho rằng hai từ này đều là những từ kèm, từ phụ không có chức năng quan yếu trong phát ngôn (Nguyễn Kim Thản (1997), [6], Đinh Văn Đức [4], Diệp Quang Ban [1], v.v…). Nhìn chung, các nghiên cứu mới chỉ quan tâm đến chức năng ngữ pháp của từ, chưa có tác giả nào đi sâu phân tích giá trị ngữ nghĩa, ngữ dụng và nghĩa lập luận của hai đơn vị từ vựng này cũng như chưa nêu lên một cách hệ thống sự khác biệt giữa cũng và vẫn, và chưa giải thích vì sao trong tiếng Việt, tổ hợp cũng vẫn lại chiếm ưu thế tuyệt đối trong khi vẫn cũng dường như rất hiếm được sử dụng. Dưới quan điểm ngôn ngữ học phát ngôn1 (linguistique énonciative), bài viết này đề xuất một hướng phân tích khác về hai đơn vị từ vựng này. Chúng tôi * Trường Đại học Paris 7. 1 Ngôn ngữ học phát ngôn (linguistique énonciative) do Antoine Culioli khởi xướng. Đường hướng này cho rằng phát ngôn không phải là hành động của chủ thể phát ngôn sản xuất ra lời nói mà là quá trình được tạo lập từ sự sắp đặt các hình thái (bao gồm cả vần luật) cấu tạo lên lời nói. Theo đó, phát ngôn là sự tổng hoà của các yếu tố xác định mà các hình thái tạo lời là các dấu vết. Không phải chủ thể phát ngôn, cũng không phải thế giới khách quan được đặt lên đầu tiên: chúng chỉ được biểu hiện thông qua cái mà lời nói biểu đạt. "L’énonciation n’est pas l’acte d’un sujet qui projet l’énoncé mais un processus qui peut être reconstitué à partir de l’agencement des formes (y compris prosodiques) qui composent un énoncé. L’énonciation est donc l’ensemble des déterminations dont les formes qui constituent l’énoncé sont la trace. Ni le(s) sujet(s) ni le monde ne sont posés comme premiers : ils ne sont pris en compte qu’à travers ce qu’en dit l’énoncé" [10].
  2. Nhìn lại... 47 sẽ lần lượt trình bày giả thuyết ngữ nghĩa về cũng, vẫn thông qua các ví dụ đã được kiểm chứng bởi người bản ngữ. Tiếp đến, chúng tôi đưa ra so sánh về sự khác biệt nghĩa lập luận của cũng, vẫn và xem xét sự tồn tại của tổ hợp cũng vẫn trong sự đối lập với tổ hợp *vẫn cũng trong tiếng Việt trên khía cạnh ngữ nghĩa và cú pháp. Qua việc phân tích các ví dụ trong bài viết, chúng tôi sẽ chỉ ra cũng và vẫn có chức năng ngữ nghĩa, ngữ dụng, lập luận riêng biệt khác hẳn với quan điểm cho rằng chúng chỉ là những từ kèm. Thậm chí, những chức năng này giữ vai trò chủ chốt trong phát ngôn vì nó ảnh hưởng tới việc thuyết minh, biện luận cho các phát ngôn. 2. Cũng 2.1. Về cũng trong các nghiên cứu trước đây Cũng được đề cập qua các cách tiếp cận khác nhau trong một số nghiên cứu của các tác giả như Nguyễn Phú Phong [13], Nguyễn Kim Thản (1997), [6], Nguyễn Đức Dương [3], Cao Xuân Hạo [5], Đinh Văn Đức [4], Diệp Quang Ban [1], Daniel Hole [11], Trần Thuận [14], v.v… Nguyễn Phú Phong đồng hoá chức năng của cũng với đều và cho rằng cả hai được chuyển dịch sang tiếng Pháp hoặc bằng aussi hoặc bằng tous tuỳ theo ngữ cảnh [13, 45]. Cũng theo tác giả, tổ hợp thế nào… cũng có giá trị tương ứng với tổ hợp de toute façon trong tiếng Pháp [9, 86]. Theo Nguyễn Đức Dương [3, 17], cũng có thể biểu thị sự tương đồng giữa các sự kiện, thực thể và nó được dùng thường xuyên sau các đại từ nghi vấn ai, ở đâu, khi nào, nào. Trong nghiên cứu của mình, tác giả bác bỏ giả thiết về cũng và vẫn do Nguyễn Kim Thản (1997) đề xuất và cho rằng hai từ này hành chức như một dấu hiệu ngôn ngữ dùng để tình thái hoá các tổ hợp thuyết trong phát ngôn. Về điểm này, tác giả hoàn toàn đồng quan điểm với Cao Xuân Hạo [5] khi ông cho rằng cũng và vẫn là hai từ hiệu tiêu biểu của thuyết hoá trong tiếng Việt. Cũng trong công trình này, Nguyễn Đức Dương bảo vệ giả thuyết rằng cũng đánh dấu quan hệ tương đồng hoặc gần như tương đồng giữa các khung đề. Tác giả phân định các giá trị ngữ nghĩa của cũng dựa theo cấu trúc cú pháp của nó trong phát ngôn. Nguyễn Kim Thản cho rằng cũng giống như vẫn “chuyên làm dấu hiệu về sự đồng nhất” [6, 64] và chỉ có giá trị như một “từ kèm, có thể phụ vào thực từ nói chung” [6, 113]. Ông đề xuất bốn giá trị ngữ nghĩa của cũng như sau: "(a) Chỉ sự giống nhau về hành động, trạng thái của một số sự vật: (Tôi cũng nghĩ như anh). (b) Chỉ hoạt động tiến hành một cách không có điều kiện hoặc trái với lệ thường: (Chết cũng không hàng). 47
  3. 48 Ngôn ngữ số 12 năm 2016 (c) Chỉ tương đối: (Bài hát ấy cũng hay đấy chứ?) (d) Chỉ ý “đồng thời”: (Quyền lợi của tập thể cũng là quyền lợi của cá nhân). [6, 113-114] Khái niệm "đồng nhất" mà Nguyễn Kim Thản gán cho ngữ nghĩa của cũng (và vẫn) còn khá mơ hồ và chưa cho phép chúng tôi có những lí giải xác đáng trong tất cả các ngữ cảnh mà từ này được sử dụng. Đinh Văn Đức [4, 144] xếp cũng (và vẫn) vào nhóm các từ kèm dùng để chỉ khả năng thực hiện một sự kiện trong mối quan hệ với người nói. Tác giả cho rằng sự có mặt của cũng trong phát ngôn đánh dấu tính chủ quan của người nói đối với hiện thực khách quan. Theo đó, với tác giả, cũng là một tình thái từ nhưng giá trị tình thái lại không xuất hiện trong mọi ngữ cảnh. Diệp Quang Ban [1, 38] coi cũng là một kết từ biểu đạt mối quan hệ bình đẳng giữa các mệnh đề. Tác giả không đi sâu phân tích các ngữ cảnh sử dụng khác nhau của cũng. Trên góc nhìn cú pháp học, cũng được định nghĩa như một định từ phổ quát - universal quantification [9], focus-sensitive expression [11], [14] hay một tiểu từ diễn ngôn tương ứng với also ([11], [14]) trong tiếng Anh. Nguyễn Chiểu [9] xem xét cũng trong mối quan hệ với tiểu từ tương phản mới mà tác giả cho rằng có cùng cách hành chức như cũng. Ngoài việc cho rằng cũng tương ứng với also/ even trong tiếng Anh, tác giả cho rằng cũng có giá trị ngang hàng với doù trong tiếng Hán. Cũng theo tác giả, cũng biểu đạt ý nghĩa ‘thêm vào’ nhưng đó không phải là ý nghĩa đặc trưng của nó và tác giả đề xuất đồng hoá ý nghĩa này vào chức năng định từ phổ quát mà ông muốn gán cho cũng. Chúng tôi không đồng quan điểm với tác giả trong việc dẫn chứng và phân tích cơ sở dữ liệu. Daniel Hole [11] và Trần Thuận [14] chỉ ra rằng, cũng nằm ở vị trí cao nhất trên cây cú pháp và bổ ngữ của nó chính là động ngữ. Trần Thuận nhấn mạnh rằng song song với vai trò như một kết từ, cũng hành chức như một toán tử của sự cấu trúc diễn ngôn. Rõ ràng qua các nghiên cứu trên, ngoài ba nghiên cứu thuần tuý về mặt cú pháp, các tác giả dường như ít nhiều đều cho rằng giá trị tình thái là giá trị cơ bản của cũng. Tuy nhiên chưa có tác giả nào đi sâu phân tích ngữ nghĩa của cũng trong các phát ngôn khác nhau, trong mối quan hệ với vẫn hay đưa ra một giả thuyết ngữ nghĩa tổng quát có giá trị trong mọi văn cảnh cho cũng. Dưới góc độ ngữ nghĩa học, chúng tôi cho rằng giả thiết về cũng do Nguyễn Đức Dương [3] đề xuất có lẽ là hợp lí nhất. 48
  4. Nhìn lại... 49 2.2. Ngữ nghĩa của cũng theo ngôn ngữ học phát ngôn (linguistique énonciative) Nhằm đem lại một góc nhìn mới trong việc phân tích cũng, chúng tôi mạnh dạn đề xuất giả thiết ngữ nghĩa cho đơn vị từ vựng này dưới góc nhìn của ngôn ngữ học phát ngôn. Chúng tôi sẽ kiểm chứng giả thuyết nghiên cứu thông qua các loạt ví dụ điển hình trong đó cũng xuất hiện. Giả thuyết ngữ nghĩa: Giả sử tồn tại A trong mối quan hệ với X, sự dẫn nhập "cũng Y" vào phát ngôn biểu thị rằng A tiếp nhận thêm Y trong mối quan hệ của mình. : A  X Cũng Y:  A  X và A  Y Sơ đồ này biểu thị sự tồn tại của X trước Y và X được coi là khung khởi điểm cho Y. Ý nghĩa ‘thêm vào’ này của cũng được biểu hiện trên nhiều thang bậc khác nhau dựa theo bản chất của A. Hai trường hợp điển hình có thể nêu ra là: - A tương ứng với một hành động p: trong trường hợp này, X và Y tương ứng với hai chủ thể của hành động đó. - A tương ứng với một thực thể: X và Y tương ứng với điều mà người nói muốn nói về A. 2.2.1. X và Y là chủ thể của hành động p Cũng trao cho chủ thể thứ hai Y hai cương vị so với hành động p: - p không chỉ liên quan đến chủ thể đầu tiên X - p nằm trong mối quan hệ với chủ thể thứ hai Y trong khi chủ thể này đáng lẽ phải nằm trong mối quan hệ với hành động (p’)2. 2.2.1.1. Cũng biểu thị rằng p không chỉ liên quan đến chủ thể đầu tiên X Trong trường hợp này, không có điểm nào nói lên mối quan hệ của chủ thể thứ hai với hành động p. Hay nói cách khác, ở đây không có sự xung đột liên chủ thể (altérité intersubjective) mà đơn thuần chỉ là một sự ‘thêm’ vào. Xét ví dụ (1): (1) Bình: Tớ nghĩ chúng mình cần phải nói việc này với giám đốc. (p) Nam: Tớ cũng nghĩ như cậu. 2 p’ có thể được hiểu là "không p, khác p, ngược lại với p…" 49
  5. 50 Ngôn ngữ số 12 năm 2016 Với cũng, việc phải nói việc này với giám đốc không còn chỉ là ý kiến riêng của Bình mà còn được sự đồng thuận của Nam. Cũng vậy, ví dụ (2) chỉ ra rằng việc đi Prague liên quan đến cả Tuấn: (2) Lan: Tuần sau chị sẽ đi Prague đấy! (p) Tuấn: Em cũng muốn đi! Ví dụ (3) - (4) minh chứng thêm cho ý nghĩa này của cũng: (3) Anh: Tôi không thích cách làm việc của Nam một chút nào! (p) Bình: Tôi cũng vậy. Trong ví dụ (3), không thích cách làm việc của Nam chút nào đáng lẽ chỉ liên quan tới Anh. Trước khi phát ngôn này được nói ra, Anh không đặt giả định liệu Bình có cùng quan điểm với mình hay không. Cũng biểu đạt rằng điều mà Anh nói cũng chính là điều Bình muốn nói. Trong văn cảnh này, không thể thay thế hay xoá bỏ cũng. (4) Nam: Cậu có nghĩ là tớ sẽ được trúng tuyển không? Bình: Tớ cũng không biết. (p) Trong ví dụ (4), cũng biểu thị rằng không chỉ Nam không biết kết quả thi tuyển mà cả Bình nữa, ngay cả khi Bình không trực tiếp liên quan đến vấn đề này. Nếu chúng ta xoá cũng trong phát ngôn, (p) chỉ được hiểu như câu trả lời của Bình trước câu hỏi của Nam. 2.2.1.2. Cũng biểu thị rằng p nằm trong mối quan hệ với chủ thể thứ hai Y trong khi chủ thể này đáng lẽ phải nằm trong mối quan hệ với hành động (p’) Đáng lẽ: p  X ; p’  Y Cũng: p  Y Giá trị ý nghĩa này của cũng gần giống với giá trị được nêu trong 2.2.1.1. Sự khác nhau ở đây nằm ở chỗ: trong 2.2.1.2, cũng biểu thị một sự ‘khác biệt liên nhân’ tiềm ẩn giữa hai chủ thể X và Y: p - X ; p’ - Y. Trong ví dụ (5), sự ‘khác biệt’ biểu hiện ở hai chủ thể Bình và Nam. Cũng ngụ ý rằng việc của Bình cũng chính là việc của Nam. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với ý nghĩ của Bình khi a priori anh cho rằng việc này chỉ liên quan đến anh, không liên quan đến ai khác: (5) Nhận thấy Bình không muốn nhận sự giúp đỡ của mình (p), Nam nói: - Việc của anh cũng là việc của tôi, tôi không thể bỏ mặc anh trong lúc khó khăn được. Trong ví dụ (6) dưới đây, nếu như cũng vắng mặt trong tình huống này, câu hỏi chỉ nhằm mục đích xác lập tính đúng/ sai của việc Lan “học ở trường 7”. 50
  6. Nhìn lại... 51 Với cũng, sự ngạc nhiên được thể hiện qua câu hỏi của Bình biểu thị rằng với Bình, việc “học ở trường 7”, a priori, chỉ liên quan đến Bình còn Lan được cho là “không học ở trường 7”. Cũng biểu đạt: việc p “học ở trường 7” được hợp thức bởi cả Bình và Lan: (6) Bình là sinh viên ở trường đại học Paris 7 (p). Hôm nay khi vừa tan học, tình cờ gặp Lan trong thang máy, Bình ngạc nhiên hỏi: - Ơ, Lan cũng học ở trường 7 à? Cũng vậy, trong ví dụ (7), cũng làm nổi bật sự ‘khác biệt liên nhân’ giữa Tuấn và Lan. Cũng chỉ ra rằng đối với Lan, không chỉ Tuấn mới có thể ‘giúp’ bản thân mình mà cả Lan nữa. Phát ngôn không chứa cũng chỉ nêu lên khả năng của Lan trong việc giúp Tuấn chứ không có giá trị về mặt tình thái và biện luận: (7) Tuấn rơi vào tình trạng khó khăn về mặt tài chính nhưng anh từ chối sự giúp đỡ của Lan, người yêu anh: - Cám ơn em nhưng chỉ anh mới có thể giúp anh được (p) - Nhưng em cũng có thể giúp anh! Trong các tình huống thường gặp với cũng, hai phát ngôn (p) và (q) có quan hệ đồng hướng lập luận. (p) và (q) có thể ở dạng câu khẳng định hoặc câu phủ định như trong ví dụ (8), (9) dưới đây. Dù ở dạng câu nào, sự có mặt của cũng luôn biểu thị ý ‘thêm’ vào điều đã được nói trước đó: (8) Bàn về nữ diễn viên A, Hùng nói: Hùng: Tớ chẳng thích cô diễn viên này chút nào! (p) Lan: Tớ cũng không thích! Cô ta diễn không có hồn mặc dù nhan sắc cũng không đến nỗi tệ. (9) Hai anh em Bình và Mai nói chuyện với mẹ về quà sinh nhật sắp tới cho bố: Bình: Con sẽ không mua áo cho bố đâu vì bố nhiều áo quá rồi mẹ ạ. Mai: Em cũng thế, em cũng không mua áo. Em tính sẽ mua cho bố một chiếc điện thoại. Mẹ: Các con mua gì cũng được nhưng đừng mua quà đắt tiền, bố sẽ không thích đâu. 2.2.2. X và Y là điều mà người nói muốn nói về thực thể A Cũng cũng trao cho Y hai cương vị khác nhau: - Để nói về A, có hai cách thức nói là X và Y - Giả sử thực thể A đã tồn tại sẵn, Y được coi như không thuộc địa hạt những điều mà người ta có thể nói về A. 51
  7. 52 Ngôn ngữ số 12 năm 2016 2.2.2.1. Cũng biểu thị X và Y là hai cách thức để nói về A Ở đây, cũng giống như trong 2.2.1.1, a priori, không có điểm gì thiết lập mối quan hệ giữa Y và thực thể A. Trong ví dụ (10), về bài hát A của nhạc sĩ X được nêu lên trong tình huống, cũng biểu thị rằng “được” là một bình luận được ‘thêm vào’ bình luận “hay thật” của Nam về bài hát này: (10) Sau khi nghe sáng tác mới của một nhạc sĩ X, Bình và Nam nhận xét: Nam: Bài hát hay thật. (p) Bình: Tớ thấy bài này nghe cũng được. (q) Với ví dụ (10), cũng có thể được thay thế bằng trạng từ mức độ rất nhưng không thể bị xoá khỏi phát ngôn vì nếu không phát ngôn sẽ mất tính tự nhiên. Ở (11), trước tiền giả định của Lan về khoảng cách xa từ nhà đến chỗ làm, cũng biểu đạt “không xa lắm” như một cách định nghĩa khác về khoảng cách xa này: (11) Lan: Từ nhà anh đi làm có xa không? Tuấn: Cũng không xa lắm. Ví dụ (12) sau đây cũng có cùng cách thuyết minh: so với sự thiếu kiên nhẫn của Bình trong việc chờ đợi thủ tục hành chính, cũng dẫn nhập một quan điểm khác liên quan đến thời hạn chờ đợi hồ sơ: dù hành chính có tăng tốc độ làm việc hay giữ nguyên tốc độ làm việc chậm chạp như hiện nay, nhanh hay chậm cũng đều phải chờ đợi lâu như nhau: (12) Bình hỏi Nam về thời hạn hoàn thành các thủ tục hành chính để có thể bắt đầu việc sửa nhà: - Theo cậu, bao lâu thì hồ sơ này được giải quyết xong? - Nhanh thì cũng phải hai tuần nữa mới xong. 2.2.2.2. Cũng biểu thị rằng lúc đầu - a priori, Y được coi như không thuộc địa hạt những điều mà người ta có thể nói về A. Nói cách khác, về thực thể A, a priori, X có quan hệ với A còn Y không có quan hệ với A. Cũng gán cho Y mối quan hệ với A ngang hàng với X. Trong ví dụ (13), cũng đặt vấn đề về sự khác nhau giữa những việc X mà Bình có thể làm và những việc Y mà Bình không thể làm (thực thể A tương ứng với ‘việc’). Cũng biểu thị: những việc Y được thêm vào địa hạt những việc mà Bình có thể thực hiện được. Phát ngôn (p) có thể diễn xuôi như sau: đối với những việc mà mọi người nhờ vả, bất kể là việc gì (X hay Y), Bình đều có thể làm được: (13) Bình dễ thương và rất tốt bụng. Ai nhờ việc gì anh cũng làm. 52
  8. Nhìn lại... 53 Cũng thế, trong ví dụ (14), lúc đầu tồn tại giả thuyết liên quan đến khả năng giúp đỡ Mai: một khoản tiền lớn được cho là có giá trị, một số tiền nhỏ được cho là không có nhiều giá trị. Tuy nhiên, sự có mặt của cũng phá vỡ sự phân biệt này: cũng biểu thị ‘ít’ cũng được đánh giá ngang hang với ‘nhiều’. (14) có thể diễn xuôi như sau: đã gọi là tiền giúp đỡ trong lúc khó khoăn, khoản nhỏ cũng là một khoản giúp đỡ quan trọng. (14) Mai gặp khó khăn về tài chính và rất cần đến sự giúp đỡ của bạn bè. Bình cho cô mượn một khoản tiền nhỏ và nói: - Tớ chỉ có thế này thôi, hi vọng giúp được cậu trong lúc khó khăn này. - Thế này cũng là quý lắm rồi! Cám ơn cậu rất nhiều! Còn ở ví dụ (15), so với một vài giả thuyết (hàm ẩn) liên quan đến tuổi của giáo viên, cũng đưa thêm một giả thuyết: thầy giáo không thể lớn hơn 50 tuổi. (15) Mai và Bình đoán tuổi của thầy giáo: Bình: Theo cậu thì thầy bao nhiêu tuổi? Mai: Tớ đoán thầy nhiều lắm cũng chỉ 50. Tiểu kết 1: Qua phân tích 15 ví dụ đã dẫn, có thể thấy rằng cũng biểu đạt ý nghĩa ‘thêm vào’: giả sử X nằm trong mối quan hệ với A, cũng thêm Y như một cá thể (cũng) nằm trong mối quan hệ với A (song song với X). Trước các quan điểm về ngữ pháp hoá (grammaticalisation) hay phi ngữ nghĩa hoá/ mất nghĩa (désémantisation) ([8], Mai et al (1997)) đối với các đơn vị từ vựng, chúng tôi bảo vệ quan điểm: cũng, dù tham gia vào bất kì các tổ hợp từ nào, giá trị ngữ nghĩa biểu đạt ý ‘thêm vào’ của nó không bị mất đi, giá trị này chỉ giảm đi hoặc tăng lên trong mối tương tác ngữ nghĩa với các đơn vị khác của tổ hợp từ liên quan. Điều này đã được chúng tôi chứng minh trong tổ hợp từ biện luận dù sao… cũng và dù sao… cũng vẫn [7]. 3. Vẫn 3.1. Về vẫn trong các nghiên cứu trước đây Trong nghiên cứu về cũng, Nguyễn Đức Dương [3] đã đề cập đến vẫn và bảo vệ quan điểm: giống như cũng, vẫn là một tình thái từ biểu thị mối quan hệ tương đồng hoặc gần như tương đồng giữa hai khung đề. Theo tác giả, sự khác biệt giữa cũng và vẫn nằm ở chỗ vẫn có thể biểu đạt ý nghĩa về mặt thời gian và quy chiếu đến hai mốc thời gian khác nhau: thời điểm phát ngôn (t0) và thời điểm trước phát ngôn (ti). Điều này loại bỏ hoàn toàn quan điểm cho rằng cũng và vẫn là hai từ đồng nghĩa. Tác giả cũng đưa thêm một ví dụ chỉ ra rằng vẫn có thể xuất hiện ngay cả trong các phát ngôn mà nó biểu thị khung thời gian chung và không cần đến ti trong khi cũng không thể xuất hiện trong ngữ cảnh đó: (16) Trái đất vẫn quay *cũng 53
  9. 54 Ngôn ngữ số 12 năm 2016 Rõ ràng trong ví dụ (16), với vẫn, việc chỉ rõ mốc thời gian chính xác là không cần thiết vì phát ngôn này được nêu lên như một chân lí: người nghe đều hiểu rằng ngay cả trước khi phát ngôn này được nêu ra, trái đất (đã luôn) quay. Nguyễn Kim Thản [6] định nghĩa vẫn như một từ kèm của động từ, tính từ và diễn đạt sự kéo dài, sự lặp lại hoặc sự đối lập. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi không có tham vọng đi sâu phân tích vẫn trong tất cả các ngữ cảnh vì đơn vị này có cách hành chức khá phức tạp và xứng đáng một chuyên luận chuyên sâu. 3.2. Ngữ nghĩa của vẫn theo ngôn ngữ học diễn ngôn Chúng tôi xin đưa ra giả thuyết ban đầu như sau: Giả thuyết ngữ nghĩa: Giả sử tồn tại (q) (sự kiện, hành động…), vẫn biểu thị rằng mọi X có khả năng cản trở sự hợp thức hoá (q) đều bị loại trừ. Nói cách khác, vẫn biểu thị ý nghĩa “tiếp diễn”. Đáng lẽ: (X) vẫn: (X) (q) (q’) (q) (q) Trong sơ đồ trên, đường kẻ đứng biểu thị sự can thiệp của X tiềm tàng khả năng lật lại vấn đề (q). Sự có mặt của (q) ở hai bên của đường kẻ biểu thị X không ảnh hưởng tới sự tiếp diễn của (q). Ý nghĩa “tiếp diễn” này biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau dựa theo bản chất của X: - X tương ứng với một mốc thời gian ti - X tương ứng với sự kiện p: + p tiềm tàng khả năng kìm hãm sự hợp thức hoá q, + p có thể đảm bảo sự hợp thức hoá q (trong tổ hợp mỗi…vẫn) 3.2.1. Khi X tương ứng với mốc thời gian ti Khi X tương ứng với một mốc thời gian, vẫn biểu thị rằng mốc thời gian này không có giá trị với q. Mốc thời gian X có thể hiển ngôn hoặc hàm ẩn tuỳ theo ngữ cảnh. 54
  10. Nhìn lại... 55 3.2.1.1. Mốc thời gian X hiển ngôn Trong ví dụ (17), mốc thời gian X “mười năm” có thể được coi như khoảng thời gian đánh dấu nhiều sự thay đổi. Sự có mặt của vẫn trong phát ngôn biểu thị một sự tương phản: đáng lẽ tất cả cảnh vật phải thay đổi sau chừng ấy thời gian nhưng thực tế, trái ngược với những gì Lan đã hình dung, cảnh vật của ngày xưa không có một sự thay đổi nào: (17) Trở lại quê nhà sau mười năm xa xứ, Mai lâng lâng một cảm giác khó tả khi đứng trước ngôi nhà tuổi thơ: vẫn ô cửa sổ màu xanh, vẫn hàng lan can với giàn hoa trắng muốt, vẫn cây phượng đầu hè... tất cả dường như vẫn nguyên vẹn như xưa. Trong ví dụ (18), vẫn chỉ ra rằng “tháng 4” không cản trở việc không khí lạnh hoạt động ở Đông Nam Á (cho dù điều này là bất thường so với những năm trước đó). (18) sẽ thiếu tính tự nhiên khi thay thế vẫn bằng cũng hoặc loại bỏ nó khỏi phát ngôn: (18) Dù đã là tháng 4 nhưng không khí lạnh vẫn hoạt động tại Đông Nam Á. 3.2.1.2. Mốc thời gian X hàm ngôn Trong trường hợp này, nếu có hai chủ thế phát ngôn, vẫn đánh dấu sự ‘khác biệt liên nhân’ giữa hai đối tượng. (19) Sau bao năm sống chung và có hai đứa trẻ xinh đẹp, hôm nay bất chợt người vợ hỏi chồng: - Anh còn nhớ buổi hẹn hò đầu tiên của chúng mình không? - Anh vẫn nhớ chứ em yêu. (q) Ở (19), người vợ giả định chồng đã quên ngày đầu tiên hẹn hò vì tính đến thời điểm hiện tại, mốc thời gian đó đã diễn ra rất lâu rồi. Câu trả lời của người chồng với sự xuất hiện của vẫn biểu thị rằng khoảng thời gian dài đã qua không ảnh hưởng tới kí ức vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn trong anh. Phát ngôn không có vẫn sẽ chỉ được hiểu như một lời đáp đơn thuần của chồng trước câu hỏi của vợ. Cũng không thể xuất hiện trong tình huống này. 3.2.2. Khi X tương ứng với sự kiện p Hai giá trị biểu đạt của vẫn được kiểm chứng trong trường hợp này: 3.2.2.1. p tiềm tàng khả năng kìm hãm sự hợp thức hoá q Khi vẫn xuất hiện trong hội thoại, người nói cho rằng sự kiện p có thể ảnh hưởng tới việc hợp thức hoá q mà người nghe đã nêu ra (tường minh hoặc hàm ẩn trong ngữ cảnh). 55
  11. 56 Ngôn ngữ số 12 năm 2016 (20) Thấy Bình vẫn chưa xong việc (p), Lan hỏi: - Cậu vẫn đến buổi khiêu vũ tối nay chứ? (q) Ở ví dụ (20), với vẫn, Lan cho rằng Bình vẫn chưa xong việc có thể sẽ là yếu tố khiến Bình không thể đi đến buổi khiêu vũ như đã định trước. Việc thay thế vẫn bằng cũng hoặc sẽ không hợp ngữ cảnh hoặc sẽ thay đổi cách thuyết minh phát ngôn q của Lan: Lan giả định Bình sẽ đến buổi khiêu vũ như cô và muốn kiểm chứng giả định đó; việc Bình chưa xong việc chỉ được cho là ngoài lề. Khi vẫn xuất hiện trong văn kể, sự khác biệt liên nhân biểu hiện trên hai quan điểm khác nhau về một chủ đề X. Vẫn đánh dấu quan điểm của người này không là vấn đề đối với người kia. Cũng thế, trong ví dụ (21), nhưng đánh dấu sự tương phản giữa hai mệnh đề. Vẫn biểu đạt Bình tiếp tục giữ quyết định của mình bất chấp sự phản đối của mẹ: (21) Mẹ không muốn Bình thi vào trường X nhưng anh vẫn đăng kí dự thi vào trường này. Ví dụ (22), (23) minh chứng thêm cho ý nghĩa “tiếp tục” của vẫn: Ở (21), vẫn biểu thị tình yêu Bình dành cho Lan không hề thay đổi mặc dù sự chia tay của họ (p) đã có thể được coi như dấu chấm hết của tình yêu. Còn trong ví dụ (23), việc phẫu thuật thành công không đồng nghĩa với sự chuyển biến thể trạng còn đang rất yếu của mẹ Lan: (22) Dù đã chia tay nhau nhưng tình yêu của Bình dành cho Lan vẫn còn nguyên vẹn. (23) Bình hỏi thăm Lan về sức khoẻ của mẹ cô sau ca phẫu thuật: - Mẹ cậu thế nào rồi? - Cám ơn cậu đã quan tâm, bà vẫn yếu lắm cậu ạ. 3.2.2.2. p đảm bảo sự hợp thức hoá q (trong tổ hợp mỗi…vẫn) Trong trường hợp này, sự kiện p luôn luôn được dẫn nhập bằng tác tử mỗi. Mỗi thiết lập một lớp các tình huống pi, pj bằng hình thức phân phối và lặp lại nhiều lần. Vẫn biểu thị rằng: với mỗi biểu hiện của sự kiện p (occurrence) thì có một sự hợp thức hoá q. Đối với q, không có sự đồng nhất giữa các biểu hiện của sự kiện p trong lớp các tình huống pi, pj. Hay nói cách khác, vẫn đánh dấu sự hợp thức hoá q khi và chỉ khi có p. Cùng xem xét các ví dụ (24), (25) dưới đây : (24) Mỗi dịp Bình về công tác tại quê nhà (p) anh vẫn tới thăm cô giáo cũ. (q). (25) Mỗi khi đi chợ (p) mẹ vẫn mua kẹo vừng cho Lan. (q) 56
  12. Nhìn lại... 57 Trong (24), vẫn biểu thị rằng: với mỗi biểu hiện của p3 “về công tác tại quê nhà”, việc “Bình đến thăm cô giáo cũ” được hợp thức hoá. Cũng thế ở (25), vẫn đánh dấu sự tương đẳng giữa q “mua kẹo vừng” và q “đi chợ” (p). Việc nghiên cứu giá trị biểu đạt của vẫn trong tổ hợp từ mỗi…vẫn cần phải được xem xét tỉ mỉ, thấu đáo hơn và đặt trong mối quan hệ với các tổ hợp từ có ý nghĩa tương cận như: mỗi...đều, lần nào…cũng. Chúng tôi xin phép được bàn đến các vấn đề này trong một nghiên cứu khác. Tiểu kết 2: Qua phân tích một số trường hợp điển hình như trên, có thể thấy vẫn biểu thị ý nghĩa “tiếp diễn”: ý nghĩa này đánh dấu sự tồn tại trước của q trong mối quan hệ với X-p và mọi X-p tiềm tàng khả năng xem xét lại tính hợp thức của q đều bị loại trừ. Theo quan điểm này, vẫn đánh dấu tính ‘khác biệt’ (altérité) lớn giữa p và q: a priori, sự có mặt của p đáng lẽ phải kéo theo q’ được thuyết minh như "không phải q" hoặc "đối lập với q". Chính bản chất của X đã dẫn đến các giá trị ngữ nghĩa khác nhau của vẫn: - Khi X là một mốc thời gian, vẫn biểu thị rằng mốc thời gian vốn tiềm tàng khả năng kìm hãm sự hợp thức hoá q này bị loại trừ. - Khi X là một sự kiện p: vẫn đánh dấu mọi kìm hãm sự hợp thức hoá q đều không có giá trị. 4. So sánh cũng - vẫn và tổ hợp cũng vẫn Như đã chỉ ra trong mục 2 và mục 3, cũng biểu thị ý nghĩa “ thêm vào” còn vẫn biểu thị ý nghĩa “tiếp diễn”. Dựa theo hai giá trị ngữ nghĩa này, chúng tôi đề xuất gán cho cũng và vẫn một ý nghĩa chung trừu tượng hơn: ý nghĩa “mở rộng”. Cụ thể: - Với cũng, ý nghĩa "thêm vào" được thuyết minh như “mở rộng” cho Y một đặc trưng X vốn dĩ lúc đầu chỉ gắn với A. - Với vẫn, ý nghĩa “tiếp diễn” của hành động, trạng thái q được hiểu như sự “mở rộng” miền giới hạn của khả năng hợp thức hoá hành động, trái thái đó. Như vậy, nét nghĩa chung này một mặt nêu bật được sự giống nhau về phương diện ngữ nghĩa giữa cũng và vẫn nhưng đồng thời cũng làm rõ sự khác nhau trong cách hành nghĩa của chúng. Điểm này được thể hiện ít nhất về mặt hính thái ở chỗ cũng và vẫn hầu như khó có thể thay thế cho nhau trong đa số các trường hợp. 3 p = mỗi lần về công tác tại quê nhà. 57
  13. 58 Ngôn ngữ số 12 năm 2016 Việc thiết lập một ý nghĩa chung giữa cũng và vẫn cho phép chúng tôi giải thích sự kết hợp thường xuyên của hai đơn vị này trong ngôn ngữ và cặp từ này thường xuất hiện trong cấu trúc biểu thị ý nhượng bộ: dù/ dù sao... cũng vẫn; thế nào…cũng vẫn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: Tại sao chỉ mình tổ hợp cũng vẫn được xác minh trong tiếng Việt? Điều gì khiến sự kết hợp *vẫn cũng bị cản trở? Trước khi thử đem lại lời giải đáp cho câu hỏi này, cùng xét các ví dụ (26), (27) dưới đây: (26) Bình thật không may mắn. Trong lúc khó khăn, bạn bè đều quay lưng lại với anh và anh đã nghĩ Lan, người yêu anh, cũng sẽ bỏ anh đi (p’). Lan nói: - Dù thế nào thì em cũng vẫn ở bên anh (p) *vẫn cũng (27) Lan muốn mua lại chiếc xe cổ. Bình nói chiếc xe đó quá đắt. Nhưng Lan trả lời: - Đắt thế nào em cũng vẫn mua! *vẫn cũng Giá trị 2.2.1.24 của cũng được biểu hiện trong (26): trái ngược với điều mà anh đã nghĩ đến, Bình không phải chỉ có một mình mà có cả người yêu anh nữa: Đáng lẽ: khó khăn   p’ ‘quay lưng’; không khó khăn   p ‘ở bên’ Cũng: khó khăn  p ‘ở bên’ Vẫn biểu thị rằng: hoàn cảnh khó khăn của Bình sẽ không phải là lí do ảnh hưởng tới mối quan hệ của anh và Lan. Ở (27), hai định mức giá mua ô tô của Lan được thiết lập: giá phải chăng phù hợp với ngân quỹ của cô và giá quá đắt Lan không thể mua được. cũng biểu đạt rằng với Lan, mức giá quá đắt được coi như mức giá phù hợp để mua xe (xem 2.2.1.2): A = xe: quá đắt (Y)  không mua A Cũng: quá đắt (Y)  mua A. Vẫn biểu thị rằng mức giá cao không phải là vấn đề ảnh hưởng đến quyết định mua xe của Lan. (27) có thể được diễn xuôi như sau: dù giá chiếc ô tô này có cao đến mấy, em giữ quyết định mua nó. 4 Cũng biểu thị rằng p nằm trong mối quan hệ với chủ thể thứ hai Y trong khi chủ thể này đáng lẽ phải nằm trong mối quan hệ với hành động (p’) 58
  14. Nhìn lại... 59 Chúng tôi cho rằng, kết hợp *vẫn cũng không được kiểm chứng trong tiếng Việt bởi hai lí do: - Về phương diện ngữ nghĩa, sự “tiếp diễn” không thể được xem xét như ý nghĩa “thêm vào” bởi bản chất của sự “thêm vào” đã phá bỏ hoàn toàn tính “tiếp diễn”. Nhưng ngược lại, sự “thêm vào” lại có thể được thuyết minh như một sự “tiếp diễn” được duy trì. (thêm vào , *tiếp diễn ). - Về phương diện cú pháp: việc quan sát các dữ liệu chỉ rõ phạm vi hoạt động của hai từ này: cũng có thể ảnh hưởng lên ngữ cảnh bên phải và bên trái của nó trong khi vẫn chỉ có phạm vi hoạt động ở bên phải của nó. Hơn nữa, vị trí trên cây cú pháp chỉ ra cũng ở vị trí cao hơn vẫn. Nói cách khác, tầm phủ nghĩa của vẫn hẹp hơn cũng, chính điều này làm cản trở trật tự *vẫn cũng trong tiếng Việt. 5. Kết luận Qua các phân tích trên, cũng và vẫn định nghĩa khác nhau về mối quan hệ giữa p và q. Trong những trường hợp xuất hiện cũng, tính ‘gây tranh cãi’ của tình huống diễn đạt bởi p được đánh giá ở mức độ nhẹ hơn so với trường hợp của vẫn: - Cũng chỉ ra rằng so với p, q là một sự “thêm vào” để nói về tình huống. Sự “thêm vào” này được coi là quan trọng trong việc diễn đạt tình huống. - Vẫn biểu thị rằng điều mà p muốn nói tại thời điểm t0 trong tình huống đáng lẽ sẽ cản trở sự hợp thức hoá q đã tồn tại từ trước trong ngữ cảnh. Thế nhưng q được duy trì tiếp diễn như khi nó bắt đầu từ t
  15. 60 Ngôn ngữ số 12 năm 2016 3. Nguyễn Đức Dương, Nghĩa của "đều, cũng" và "vẫn", T/c Ngôn ngữ, Số 2, 2000. 4. Đinh Văn Đức, 2010, Ngữ pháp tiếng Việt - Từ loại, Nxb ĐHQG Hà Nội. 5. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng, Nxb GD, H., 1991. 6. Nguyễn Kim Thản, Cơ sở ngữ pháp tiếng Việt, Nxb KHXH, 2008. Tiếng nước ngoài 7. Bui Thi Hoang Anh, Etude des marqueurs discursifs du vietnamien dans une perspective comparative des marqueurs discurisfs en français, Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ, Khoa Ngôn ngữ, Trường ĐH Paris 7, 2015. 8. Hein Bernd, Kuteva Tania, Word lexicon grammaticalization, Cambrigde Press University, 2002. 9. Nguyen Chieu, Fusion and scattering in particle collisions: when universal quantification and contrastive focus interact with themselves and each other in Vietnamese, online: http://faculty.human.mie-u.ac.jp/~glow_mie/IX_ Proceedings_ Oral/14Nguyen.pdf, 2012. 10. A. Culioli, Pour une linguistique de l’énonciation, I, Ophrys, Gap Paris, 1990. 11. Hole Daniel, EVEN, ALSO and ONLY in Vietnamese, Linguistics of Vietnamese, De Gruter Mouton, Allemagne, 2013. 12. D. Paillard, Prise en charge, commitment ou scène énonciative, Langue française, 162, p. 109 - 128, 2009. 13. Nguyen Phu Phong, Le vietnamien fondamental - premier livre, Editions Klincksieck, 1975. 14. Tran Thuan, Focus sensitive particles are not only sensitive to focus: Evidence from Vietnamese, 9th International Workshop on Theoretical East Asian Linguistics (TEAL-9), Université de Nantes, 25-26 septembre 2014, Nantes, 2014. 60
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2