Những mùa Xuân năm cũ_2008
lượt xem 9
download
Cách đây vài năm, nhân một buổi trà dư tửu hậu, một người bạn góp ý rằng bây giờ xi-nê sao bắt đầu nhàm chán quá, họ cứ đem mấy phim xưa ra quay đi quay lại hoài. Một người bạn khác, chuyên viên về IT, cho biết ở thời đại kỹ thuật dùng số, thế nào rồi cũng có ngày Hollywood sẽ phát minh ra thứ xi-nê có hai ba lối kết cục khác nhau, lăng xê ra trình chiếu tại những rạp “chớp bóng” khác nhau, hay cho thuê trên hai loại dĩa DVD trình bày bìa khác nhau....
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Những mùa Xuân năm cũ_2008
- Những mùa Xuân năm cũ – 2008 Nguyên Nguyên Một đề tựa, hai bài viết hơi khác với nhau Cách đây vài năm, nhân một buổi trà dư tửu hậu, một người bạn góp ý rằng bây giờ xi-nê sao bắt đầu nhàm chán quá, họ cứ đem mấy phim xưa ra quay đi quay lại hoài. Một người bạn khác, chuyên viên về IT, cho biết ở thời đại kỹ thuật dùng số, thế nào rồi cũng có ngày Hollywood sẽ phát minh ra thứ xi-nê có hai ba lối kết cục khác nhau, lăng xê ra trình chiếu tại những rạp “chớp bóng” khác nhau, hay cho thuê trên hai loại dĩa DVD trình bày bìa khác nhau. Ý tưởng một thứ phim xi-nê có hai đoạn kết cục khác nhau cứ nằm đâu đó trong đầu tôi cho mãi đến tuần rồi, nhân dịp đi shopping, thấy một vài phim nổi tiếng gần đây trình bán trong một tiệm lớn bán phim đĩa DVD. Để ý thấy có một phim quảng cáo ở bìa sau: phim có thêm vài đoạn hay đã bị cắt xén, và đặc biệt có đoạn kết cục khác với phim bản đã trình chiếu ở rạp hát trước đây. Hay quá! Như vậy là ý của ông bạn chuyên viên IT lại đi trước thời đại mất rồi. Vốn không phải một nhà văn hay một nhà báo chuyên nghiệp, nhưng cũng có đến 5-6 năm nay, mỗi năm cứ vào cuối tháng 10 tôi nhận được chừng 3 lá thư gởi bằng bưu cục “cổ điển” có tem thư đàng hoàng, mời mọc viết bài đăng báo Xuân. Vừa vui lại vừa lo. Vui là có vài tờ báo có lẽ đọc các bài viết cũ của mình không kỹ, nên có thể nghĩ có người chịu khó đọc các bài đó nên mới viết thư mời mọc. Lo thì đủ thứ chuyện. Nếu cứ tiếp tục viết thế nào cũng có ngày bật mí, người đọc sẽ thấy bài quá dở. Năm sau sẽ không còn báo nào nhắc nhở nữa thì lại buồn. Còn một mối lo khác là lấy đề tài gì mà viết đây, nếu không phải lập lại những gì mọi người cũng đều biết qua báo chí, ti-vi, và internet. Một đề tài cũng đã khó rồi, còn sức đâu mà viết ra hai bài khác nhau cho hai tờ báo quen biết trong cùng một thành phố, hay một Bang hay một tỉnh. Chợt nhớ đến quảng cáo ở bìa sau của phim đĩa DVD rằng bản gốc phim này có sự chọn lựa cho hai kết cục hoàn toàn khác nhau, người viết chợt nảy ra một ý kiến tương đối khá “đột phá”. Đó là, thử viết một bài dưới một đề tựa, nhưng trong đó thử đan xen vào một vài đoạn khác với nhau để có thể gửi đăng cho 1 mùa báo Xuân nhưng những tờ báo khác nhau trong cùng 1 thành phố. Tuy vậy nhìn kỹ lối viết một đề tài ra thành nhiều bài khác nhau, từ lâu được thường xuyên xử dụng trong giới hàn lâm khoa bảng. Các nhà nghiên cứu hoặc giáo sư đại học vẫn thường làm công chuyện này. Sửa đổi thân bài một chút, hay sửa tựa bài, thường có thể gửi dự đăng ở một tờ báo hàn lâm chuyên nghiệp khác hay một hội nghị quốc tế về một chủ đề thích hợp. Sự thật trong lĩnh vực khoa
- học “cứng”, rất dễ biến 1 đề tài thành hai ba bài khác nhau, bởi chỉ cần thêm 1 số dữ kiện, hay thêm một dẫn chứng, hoặc thay đổi cách lý-luận là bài đã trở nên khác rồi. Trong giới xi-nê, tương đương với remake, tức phim cũ được quay lại. Thường thường, không thứ remake nào giống thứ ban đầu hết. Nhiều phim remake lại do cùng một nhà đạo diễn làm lại chính phim mà ông đã làm nhiều năm trước. Như phim “Người biết quá nhiều” (The Man who knew too much) của Alfred Hitchcock. Phim này làm năm 1956 với James Stewart và Doris Day lại là phim quay lại một phim cũ (năm 1934) cũng của Hitchcock. Chuyện viết bài thành nhiều dạng khác nhau, xin tạm gọi: lối viết bài dùng kỹ thuật số, cũng giúp giải tỏa được một “vấn nạn” lâu năm của người viết. Đó là rất nhiều tờ báo trên thế giới, Tây cũng như Ta, ưa đưa ra một giới hạn cho bài dự đăng, bởi nếu không có giới hạn, sẽ có tác giả viết một hơi 20-30 trang cho báo, rồi chiếm trọn tờ báo, biến tờ báo thành nhà xuất bản cho người viết một quyển tiểu thuyết dài, hay một tập thơ sưu tập nhiều bài thơ lãng mạn ướt át. Nhưng thật ra cũng có nhiều người viết lâu ngày ít viết nên đến khi viết, họ cứ bút mực tuôn trào, can ngăn không được. Và nếu viết bài theo kiểu kỹ thuật dùng số, chắc sẽ giải quyết được hiện tượng khó khăn trên. Và bài này chính là bài viết đầu tiên được viết dưới dạng…kỹ thuật dùng số đó. Vào bài Như đã viết trong bài báo năm trước, những người ở thế hệ đi vào tuổi lão thường hay than phiền thời bây giờ sao khác với ngày xưa quá. Nhưng nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy rõ rệt thời nào cũng vậy. Xã hội loài người vào tuổi họ mới lớn và còn thanh niên luôn luôn khác với xã hội chung quanh vào lúc họ bước vào tuổi lão. Có lẽ lý do đơn giản nhất có thể giải thích được việc này là ở chỗ nhân số trên quả đất lúc nào cũng gia tăng. Và cơ thể con người chậm lại, người cùng thời, kẻ còn ở lại, người thì đã ra đi. Người còn trẻ lúc nào cũng ở trong tư thế chuẩn bị tích cực tham gia, và đóng góp cho xã hội, trong khi người lớn tuổi, thường đã trả xong nợ đời, cũng chuẩn bị, nhưng chuẩn bị buông thả, chuẩn bị hưu trí nghỉ ngơi. Bởi xã hội lúc nào cũng có việc gia tăng dân số, cho nên tổ chức xã hội và lối sống, cũng phải trải qua chuyện đổi thay. Đáng để ý nhất, tầm thường nhất, nhưng ảnh hưởng đến nhiều người nhất, chính là những tập tục, thói quen trong nhịp sống hằng ngày của con người. Xin tiếp tục xem qua những tập tục, thú vui, và thói quen sau đây, ngày trước hết sức phổ biến đối với thế hệ sinh-sung, thế hệ hiện đang đi vào tuổi lão. Trước hết, xin để ý đến việc “sưu tầm tem thư”. Ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới trong thế kỷ trước, việc chơi tem hay sưu tầm tem thư, là một thú vui khó tả, phổ thông, nếu không nói tới đam mê, từ giới trẻ con cho đến người lớn. Thành phố nào cũng có một tiệm nhỏ đủ sống, chuyên bán tem thư sưu tầm, thường thường là tem quốc tế. Ở Sàigòn thời xa xưa, trong thương xá
- Eden, được coi là “sang” nhất thời đó, cũng có một gian hàng nhỏ chiếm một vị thế nổi bật trong thương xá, chuyên buôn bán tem thư quốc tế. Ngoài ra còn nhiều tiệm bán tem sưu tầm ở dọc các đường Nguyễn Huệ hay Tự Do. Ở xóm Bàn Cờ, trong ngõ hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật, cũng có một ông cụ, trong suốt mấy mươi năm, cho đến khi ông qua đời vào khoảng giữa thập kỷ 90, luôn sinh sống bằng nghề buôn bán tem thư sưu tầm. Hằng tháng vẫn thấy ông xách cặp-táp to chứa tem đi bổ hàng tại các tỉnh. Nhiều khi thấy ông ra tận Nha Trang, Qui Nhơn, cũng để buôn bán tem. Ở các thành phố Tây Phương như Wellington (Tân Tây Lan) hay Sydney (Úc) cũng vậy. Trước thập kỷ 80 người ta vẫn thấy nhiều cửa hàng nho nhỏ bán tem sưu tầm - thường pha trộn với tiền coins bằng đồng, hay tiền giấy xưa. Tóm tắt chơi tem có nhiều cấp. Cấp sơ đẳng nhất thường bao gồm việc bóc con tem ra khỏi phong bì thư bằng việc ngâm phong bì trong nước ấm cho tan bớt đi keo dán tem. Xong rồi phơi khô trong phòng, rồi đem kẹp vào tập album đặc biệt dành cho tem sưu tầm. Rồi trao đổi tem với nhau giữa các “đồng nghiệp” có chung sở thích về tem thư. Trên một cấp nữa phải sưu tầm cho đủ bộ, đủ loại giá tiền cho một thứ tem phát hành cùng một lúc. Thông thường bằng cách trao đổi tem với bạn bè hay đồng nghiệp cùng mang một sở thích. Việc này thường được làm gọn hơn bằng cách ra nhà bưu điện mua trọn bộ tem vừa mới phát hành, bán tự do trong ngày phát hành đầu tiên, với triện dấu bưu chính, đề: “Ngày phát hành đầu tiên. Ngày ấy tháng ấy năm đó”. Thỉnh thoảng triện này cũng có câu tiếng Anh: First Day of Issue, v.v. Cao cấp nhất người ta thường chú tâm đến những con tem hiếm và quý. Đôi khi con tem chỉ cần in sai hoặc bị thu hồi lại sau khi phát hành vài trăm vài chục con tem. Những con tem hiếm loại này đều có thư mục đàng hoàng cho giới sành điệu tra cứu và giá cả có thể lên đến bạc nghìn. Chơi tem, có thể nói tóm tắt, chỉ có bao nhiêu đó thôi, nhưng nó đã gợi được và lôi cuốn bao nhiêu đam mê của tuổi trẻ và người lớn, tại khắp nơi trên thế giới, trong nhiều năm. Đến ngày nay, thú vui “chơi tem” này có vẻ như bắt đầu đi khắp nơi để chào tạm biệt chốn hồng trần. Với hai lí do chính. Thứ nhất, cũng như thú chơi cá lia thia, đá cá, đá gà, v.v., tự nhiên bị giòng đời đào thải, khi có nhiều thú chơi khác nảy sinh ra vào cuối thế kỷ 20, song song với khuynh hướng đổ xô về sinh sống ở thành thị được mọi người ưa chuộng tại khắp nơi trên thế giới. Bởi ở thành thị có nhiều cơ hội việc làm, học hành và đời sống vui nhộn, đa dạng hơn chốn thôn quê. Đời sống thành thị cũng đi đôi với kỹ thuật tân tiến, và những thứ do kỹ thuật mang đến, như Karaoke, bia ôm, hay đi ăn uống ở ngoài chẳng hạn, đã chiếm phần lớn thì giờ, ngày trước con người dành cho những thú vui xưa như chơi tem và trao đổi tem. Thứ hai, với cách mạng internet trong đó có email, việc xử dụng tem thư kéo theo sưu tầm tem, tự nhiên bị xuống cấp, rồi
- từ từ đào thải với thời gian. Ngay cho đến việc mua tem cho bưu thiếp vào dịp Giáng Sinh hay Tết Tây Tết Ta, mỗi năm mỗi xuống dốc rõ rệt. Dần dà thiên hạ mang khuynh hướng gởi bưu thiếp điện tử (e-Card) cho nhau. Nó nhanh hơn, viết được nhiều hơn, tránh được xao nhãng, quên lãng, như việc ra shop tìm bưu thiếp cho vừa ý rồi sắp hàng ở bưu điện chờ mua đúng tem để gởi cho người thân hay bạn bè. Như thế, tem do bưu cục nhà nước ở khắp nơi in ra mỗi ngày một ít đi, và sức tiêu dùng của nó luôn bị những kỹ thuật mới cạnh tranh, và đưa vào quên lãng. Những kỹ thuật này phải kể: Vận chuyển hàng hoá tư nhân, như Fed Ex chằng hạn, Điện thoại đường dây đất; Điện thoại di động, nhắn tin SMS; Máy fax; Điện thư I-meo; Điện thoại gọi xa dùng internet; Gặp nhau tận mặt (Vé máy bay rẻ); v.v. Thứ kỹ thuật nào kiểu mới cũng không cần đến tem thư. Nhưng phổ biến nhất hiện nay có lẻ là I-meo (email). Trên nguyên tắc, nó không tốn hơn tiền nối internet, và gởi có đến hằng triệu bức thư chào hàng, mua hàng hay thư tình, tranh luận thời cuộc, đi nữa thì chẳng tốn thêm một đồng xu nào. Dấu vết của việc chuẩn bị “tuyệt tích giang hồ” của việc chơi tem ra sao? Trước hết nhiều tiệm chuyên bán tem và tiền đồng sưu tầm ở cả Sàigòn và Sydney đều bắt đầu biến mất. Trong khoảng mười năm cuối thế kỷ trước nếu ai ra khu “downtown” Saigon, khu vực đường Nguyễn Huệ hay Lê Lợi chẳng hạn, thế nào cũng gặp những người ăn mặc khá tươm tất đem theo vài quyển tem sưu tầm hay đồng tiền cũ, chào hàng mời mua. Với giá khá rẻ. Bây giờ không thấy họ đâu. Ở Sydney, tại khu vực Bankstown, có một toà nhà có lẻ thuộc chính quyền địa phương dành cho cộng đồng (cuối đường Restwell), mỗi sáng chủ nhật đầu tháng họ có vài gian hàng bán tem sưu tầm và tiền đồng cũ. Mười mấy năm trước khá đông người vào xem mua. Bây giờ chỉ lưa thưa một vài cụ lớn tuổi tham gia. Đa số là di dân, trong đó có vài người gốc Trung Hoa. Cũng ở tuổi trung niên trở lên. Cảm tưởng của người từng chơi tem khi đứng giữa căn phòng vắng lạnh của câu lạc bộ chơi tem ở Bankstown chắc không khác với cảm xúc của người ở giữa thế kỷ trước đối với ông đồ già, như Vũ Đình Liên đã ghi lại: Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bày mực tàu giấy đỏ Bên phố đông người qua ... Nhưng mỗi năm một vắng Người thuê viết nay đâu? Giấy đỏ buồn không thắm Mực đọng trong nghiên sầu ... Năm nay hoa đào nở Không thấy ông đồ xưa
- Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ? Chuyện kế tiếp cũng là thứ chuyện ảo thuật tàng hình biến mất kiểu Houdini. Đó là các thứ tiệm cho thuê băng video phim ảnh theo dạng VHS. Các tiệm thứ này đang bắt chước các tiệm bán tem thư sưu tầm lần lượt đóng cửa, tại nhiều khu phố, mặc dù trải qua một thời gian chuyển hệ sang việc cho thuê DVD, thay thế cho băng nhựa video. Những ai từng sinh sống ở xã hội Tây Phương trong nhiều thập niên qua đều có thể nhớ, các tiệm cho mướn phim ghi trên băng nhựa, bắt đầu ào ạt mở cửa khai trương vào đầu thập kỷ 1980. Lúc đó, còn tranh tối tranh sáng, giữa hai thứ hệ băng video. Thứ ra trước gọi là Beta-Max do hãng Sony của Nhật lăng xê. Thật ra kỹ thuật Betamax lại dựa vào một kỹ thuật tiền bối khác thường dùng trong các phim trường hay đài truyền hình mang tên U-Matic. Cực nhọc nhất cho giới tiêu thụ là trong khoảng những năm đầu thập niên 80’s. Người ta không biết nên mua đầu máy chạy băng Betamax hay VHS, một thứ băng do hãng JVC tung ra để cạnh tranh với Betamax. Băng VHS sau cùng thắng cuộc và chính là thứ băng hiện nay đang bị dĩa DVD lật đổ. Thật ra tại các nước Á Châu, như Thái Lan, Hongkong và Singapore, khác với các nước Âu Mỹ, trước khi đến dạng DVD, họ cũng trải qua chừng 10 năm chơi thứ dĩa rẻ tiền hơn gọi là VCD, tức Video Compact Disk. VCD chứa ít bộ nhớ, và thu ít hình hơn dĩa loại DVD. Thí dụ một phim thường dài khoảng 1 giờ rưỡi ngày trước cần đến 2 đĩa VCD, thì ngày nay chỉ chiếm có 1 dĩa DVD, mà còn thêm rất nhiều thứ “phụ trương” khác. Chuyện băng nhựa VHS làm bá chủ thị trường chỉ trong vòng 25 năm tức một phần tư thế kỷ, cũng khá giống với cái máy TELEX ngày xưa ưa dùng để gởi điện tín. Máy Telex thật ra chỉ là “hậu thân” của một số phát minh kỹ thuật chung quanh việc gửi tín hiệu đi xa bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Và việc xử dụng máy kiểu Telex để gởi điện tín telegrams hay cablegrams thật sự chỉ xảy ra vào thập niên 1950. Khác biệt lớn giữa máy Telex và máy fax gồm có: (a) Telex thật ra không có viết bằng dấu. Tiếng Việt không thể chuyển nguyên vẹn bằng điện tín nên nhiều khi dễ bị hiểu lầm, hoặc nếu theo một phương pháp đánh dấu nào đó, như kiểu biến dấu thành một chữ cái a-b-c đặt sau từ như kiểu tiếng người Hmong viết theo mẫu tự Latinh, người nhận lại phải học đầy đủ phương pháp đánh dấu đó mới có thể giải mã thư nhận qua Telex. (Thí dụ về đánh dấu kiểu Telex: “ối” viết theo kiểu điện tín telex thành ra [oosi], với: ô= [oo] / dấu sắc: [s]. (b) Telex tốn kém hơn máy fax rất nhiều và thường phải thuê riêng một “chuyên gia” xử dụng máy. Tuy nhiên văn kiện gởi nhận cho nhau bằng Telex thường có hiệu quả pháp lý tại chỗ, bởi mỗi một đơn vị Telex đều có mã số riêng và có dấu hiệu ghi lại khi nhận được thư gửi. Điện tín dùng telex ngày xưa rất phổ biến tại các nhà bưu chính, nhưng đến khoảng đầu thập kỷ 1990 nó được thay thế bằng máy Fax, và cho đến đầu thế kỷ 21 – có thể nói rất ít ai còn
- cần tới nhà bưu điện khi phải gởi gấp một cuộc nhắn tin, mà hồi xưa người ta cần đến điện tín. Họ đã có sẵn email hay gởi SMS qua các điện thoại di động. Để ý, tiến triển khoa học kỹ thuật có vẻ tăng theo cấp số nhân. Cuộc đời của máy Telex kéo dài gần nửa thế kỷ, trong khi băng nhựa ghi phim VHS (cho mướn) chỉ kéo dài trên dưới 1/4 thế kỷ. Ứng viên kế tiếp, theo đuôi băng nhựa VHS, đi vào con đường đào thải, chính là dĩa DVD dưới dạng phim cho thuê. Lý do chính: Có sự cạnh tranh từ các cao thủ với tuổi đời còn xanh hơn DVD là: Tivi “văng” tức Cable TV, phim tải từ mạng xuống, các thứ truyền hình quốc tế xem từ internet, hay bằng ăng-ten móc trên mái nhà, và ở tương lai gần: xem Tivi bằng điện thoại di-động, v.v.. Câu chuyện xin mạn đàm kế tiếp là câu chuyện về quyển album chứa hình ảnh photo của gia đình. Nó cũng đang có triệu chứng bệnh trầm kha, nếu không nói nan y và đang chuyển đến thời kỳ kết thúc terminal. Xin được nhắc lại, trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước Tây Phương, thế hệ sinh ra sau thế chiến thứ hai, thường gọi thế hệ sinh-sung tức baby-boom, lần lượt đi vào tuổi hưu trí. Tương lai và trách nhiệm xã hội hiện đang được chuyền sang thế hệ X, ra đời trong khoảng 1964 cho đến 1979. Điểm đặc trưng nổi bật nhất của thời đại thế hệ X chính là mạng điện tử toàn cầu internet và điện thoại di động cá nhân. Song song với việc xử dụng Anh ngữ thường xuyên ở khắp nơi, cũng như thay đổi khí hậu, và toàn cầu hoá về mậu dịch thương mại. Nếu thế hệ sinh-sung mang nhiều đặc điểm “nhớ đời”, nhất là trong khoảng thập niên 1960 đến khoảng đầu thập niên 1970, như: cao trào nhạc Rock với nhiều tài năng như Elvis Presley, The Beatles, the Rolling Stones, v.v.; giới Hippies tóc dài – đi chân không; bắt đầu phong trào người mẫu thời trang (Twiggy), điển hình bằng chiếc váy ngắn mini-skirt; vai trò quan trọng trong xã hội của phim ảnh và Tivi; chiến tranh lạnh; tranh đấu dân quyền tại Mỹ; v.v., thì thế hệ X, nối tiếp bằng thế hệ Y (sinh ra đời vào khoảng những năm 1976- 1991), đã đóng góp, và sẽ được nhớ đến qua, những thứ như: máy điện toán cá nhân (tên gọi lúc ban đầu), điện thoại di động, và nhất là internet và điện thư email. Còn phải kể luôn cả: VCD (đặc biệt Hongkong / Singapore), DVD, iPod, trang mạng Blogs, máy chụp ảnh dùng kỹ thuật số, Màn hình phẳng cho Tivi và máy điện toán, thế hệ vươn lên của hàng hiệu, phong trào ăn mặc đẹp và người mẫu thời trang, v.v. Nói chung toàn là những thứ phải tiêu tiền hằng giây hằng phút, theo sát với câu châm ngôn ngày trước: “Thì giờ là tiền bạc”. Cũng như những thứ dễ đưa con người vào thế giới ảo, và tránh chuyện đối diện, mặt giáp mặt với nhau. Thế hệ X cũng còn được biết đến như một thế hệ mang nợ nần nhiều hạng nhì, chỉ đứng sau lưng thế hệ đàn em là thế hệ Y, với tuổi đời vào năm 2008, từ khoảng 18-32. Điểm đặc trưng chính giữa của thời đại hiện giờ là đời sống càng ngày càng dựa vào kỹ thuật điện tử. Bất cứ một thứ shop nào, nhất là nếu do một công ty
- làm chủ, thì khi bị cúp điện hay máy điện toán bị hỏng, lập tức shop phải tạm ngừng hoạt động. Thí dụ: trạm bán xăng – hay siêu thị, hoặc các thứ tiệm bán tạp hoá nhỏ - thường đều phải tạm đóng cửa, khi máy tính tiền không chạy, hoặc đường nối mạch điện toán bị hỏng hay ngưng hoạt động. Điểm khác nữa là kiểu dáng hàng luôn thay đổi, từ cái Tivi, iPod, cho đến điện thoại lưu động, hộp ghi trí nhớ, máy in điện toán, máy ảnh dùng số, v.v.. Nếu mua một loại điện thoại di động kiểu mới nhất vào đầu năm, đến cuối năm kiểu đó trở thành kiểu cũ. So sánh một cái máy thu hình và âm thanh theo dạng DVD thì rõ. Vào khoảng đầu thập kỷ 1990, một cái máy như vậy (copy dĩa DVD) mang giá trên dưới $10000.00. Ngày nay giới tiêu thụ có thể copy trên bất cứ 1 máy điện toán nào, hoặc nếu muốn mua riêng một máy ghi thẳng từ chương trình Tivi, người ta chỉ tốn chừng $180 là có thể mua được một “đầu máy” ghi DVD mới tinh. Thử xem qua ảnh hưởng của máy ảnh dùng số. Lợi điểm thấy rõ của máy ảnh dùng số là nó thay thế ngay cho loại máy Polaroid ngày xưa, và hay hơn rất nhiều. Chụp ảnh có ngay. Nhanh hơn Polaroid và có thể chép ra nhiều bản, mệt nghỉ. Thông thường nối kết với một máy điện toán. Ngày nay máy ảnh dùng số cũng thường được gắn vào chiếc điện thoại di động, và như vậy thì người ta lúc nào cũng có máy chụp ảnh trong tay. Cũng giống như nhiều thứ dùng kỹ thuật tân tiến, máy ảnh dùng số luôn thay đổi kiểu dáng và bình quân một kiểu dáng mới chỉ tồn tại không quá 12 tháng. Tuy nhiên, từ lúc máy ảnh dùng số ra đời cho đến khi nó trở thành phổ biến toàn cầu, đó lại là lúc các tiệm rửa hình (tráng ảnh) chuẩn bị … dẹp tiệm, hoặc sang nhượng shop để buôn bán thứ khác, hay để người khác khai thác thành một hiệu in ảnh photo theo kỹ thuật số. Đối với đời sống gia đình, quyển album sưu tập hình ảnh dần dần bị bụi đóng lớp bởi ít khi người ta có hình ảnh mới gắn thêm vào. Nhiều photo mới trong vài ba năm gần đây đã bắt đầu được lưu trữ gọn gàng trong máy điện toán. Nhiều khi trong máy để ở sở làm hay trong máy điện toán laptop mang đi. Thay vào quyển sưu tập photo ngày xưa, giới kỹ thuật đã “phát minh” ra khung ảnh dùng kỹ thuật số. Theo đó, một khung ảnh, thường dưới khổ một trang giấy, có thể chứa đầy hình ảnh photo gia đình, liên tiếp thay photo này sang qua photo kia, điều khiển bằng dòng điện từ lỗ cắm trong nhà. Để khung ảnh dùng số ở phòng khách, mỗi ngày ai đi qua đi lại đều có thể thấy đầy đủ hình ảnh photo của mình từ nhỏ đến lớn, từ lúc mới biết đi, biết yêu, cho tới hiện nay đang chống gậy tìm cặp mắt kính để xem quyển “album” tự động dùng kỹ thuật số. Thật gọn gàng. Nhưng nó làm … sao ấy. Và rủi ro có ăn trộm vào nhà, hay máy điện toán bị hỏng, hoặc album tự động dùng số bị trục trặc kỹ thuật, tất cả di ảnh đều tự động biến mất, chạy tuốt vào thế giới ảo mà không hẹn ngày trở lại. Nên nhớ, hình như kẻ cắp ngày xưa không để ý gì đến quyển album, nhưng ăn trộm thời bây giờ có vẻ rất thích album dùng kỹ thuật số. Đó chính là phản ánh và ảo ảnh của kỹ thuật trên đời sống con người, trong thời đại mới.
- Nhắc tới kỹ thuật dùng số mà không nói đến chuyện biến đổi trong ngành điện ảnh xi-nê thì cũng là điều thiếu sót. Tóm tắt, có thể ghi nhận một số biến đổi đặc trưng như sau: (a) Thời 1950-1970, toàn thế giới chỉ có 1 tài tử Mỹ da đen là Sidney Poitier – nổi tiếng với các phim The Defiant Ones (dây xiềng), To Sir with Love (Gửi cho Thầy mến yêu), In the Heat of the Night (Dưới cơn nóng đêm), v.v. và đã đoạt giải Oscar với phim Lilies of the Field (Bông huệ ngoài đồng). Đến cuối thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, tài tử, nhà thể thao, người mẫu và siêu sao, gốc da đen đếm ra không hết. Nào là Denzel Washington, Morgan Freeman, Cuba Gooding Jnr, Wesley Snipes, Oprah Winfrey, Halle Berry, v.v. (b) Tài tử đi thẳng vào chính trị: Cuối thập niên 1960 có một nhóm tài tử / ca sĩ, ra mặt ủng hộ ứng cử viên tổng thống Kennedy, thường gọi là nhóm Rat Pack, bao gồm Dean Martin, Frank Sinatra, Sammy Davis Jr, Peter Lawford, v.v. Đến thập kỷ 1980, nước Mỹ bắt đầu có tổng thống Ronald Reagan - một cựu tài tử hạng B ở Hollywood, nhưng đã thành công rất lớn trong sự nghiệp chính trị làm tổng thống của ông. Theo gương ông, ở Phi Luật Tân có tài tử Joseph Estrada cũng trở thành tổng thống, nhưng không lâu sau đó bị “đàn hặc” vì lem nhem tham nhũng sao đó, và tiếp tục làm tròn nhiệm vụ công dân trong khám. Nhưng ở Mỹ, một tài tử phim hoạt động nổi tiếng là Arnold Schwarzenegger gốc Áo, trở thành thống đốc thứ 38 của Bang California ở Mỹ. Trước khi thành tài tử xi-nê, ông Schwarzenegger đã từng là lực sĩ đẹp đoạt giải Mr Olympia nhiều lần. (c) Xảo thuật phim ảnh càng ngày càng tân kỳ và rùng rợn, đa số dựa vào kỹ thuật dùng số. Ngày xưa, những phim vĩ đại như The Ten Commandments, Ben Hur, Cleopatra, El Cid, v.v. thường đòi hỏi hàng ngàn diễn viên phụ đóng vai lính tráng hoặc dân chúng, cũng như hằng triệu bạc để dàn dựng phong cảnh lâu đài thời xưa. Ngày nay nhiều xen phim đều có thể dựa vào kỹ thuật số. Tiêu biểu bằng các phim Gladiator, 300 Spartans, Titanic, Transformers. Kỹ thuật số cũng có thể đem những người quá cố trở lại phim ảnh hiện đại, đối tác với các tài tử hiện còn sinh thời, như Forrest Gump (Tom Hanks), Novocaine (Steve Martin). Cũng như biến tất cả những tài tử ốm yếu thành những anh hùng với võ công tuyệt đỉnh, dễ dàng tiếp chiến với Bruce Lee, Jet Li, hay Jackie Chan, như Kill Bill và một phim Việt hay nhất về các xen Kung Fu là The Rebel (Giòng máu anh hùng). Để ý trong Forrest Gump, lúc anh chàng Forrest vào gặp tổng thống Kennedy, Johnson hay Nixon, phim trở nên đen trắng cho giống phim thời sự hồi xưa ưa chiếu ở các rạp xi- nê, vào thời Ti-Vi chưa mấy phổ biến. Thật ra, còn thêm một lí do kín phía trong cho chuyện đổi sang phim đen trắng. Đó là kỹ thuật dùng số lúc làm phim Forrest Gump chưa toàn mỹ được ở việc cho màu trên nét da người, cũng như vết phất của tà áo theo cử động cơ thể chưa được hoàn toàn tự nhiên.
- (d) Điểm nhắc nhở sau cùng của phim ảnh thời nay là Hollywood đang bắt đầu bị khủng hoảng về đề tài. Rất nhiều phim cũ từ thời 1950, 1960 trở đi thường được quay lại: 300 Spartans, The Poseidon Adventure, Superman, Rambo, Rocky, Planet of the Apes. Trong đó có nhiều phim dựa trên chương trình phim tập TiVi hằng tuần: The Avengers, Charlie’s Angels, Bewitched. Nhiều phim lại “cóp” và bắt chước phim nước ngoài, đặc biệt phim Hàn, phim Hongkong, phim Pháp và Âu Châu: The Lakehouse, Infernal Affairs (The Departed), Nikita (The Assassin), La Totale (True Lies), Insommia (bắt chước phim cùng tựa của Norway) . Biến đổi xã hội trong mấy mươi năm qua cũng đã chia sẻ ảnh hưởng không ít đối với chuyện học vấn, huấn nghiệp và giáo dục nói chung. Sự thật trái với suy tưởng thường có của một số ít người là xã hội Âu Mỹ đã đi đến hoàn hảo trong tổ chức, rất nhiều chính phủ các nước tiên tiến vẫn thường xuyên gặp khó khăn, hoặc đôi khi phải bó tay trước những biến đổi thường xuyên của xã hội. Thông thường nhất có lẽ là những vấn đề liên quan đến y tế, huấn nghiệp và giáo dục. Nhất là huấn nghiệp và giáo dục, bởi nó ảnh hưởng đến nhiều thế hệ mai sau. Nhiều người còn nhớ ở đầu thế kỷ 20 có rất ít ngành dạy nghề và ít thứ bằng cấp đại học khác nhau. Dạy nghề chỉ có nghề điện, đông lạnh, máy tàu, hàn xì, cơ khí, thợ nề, thợ mộc, v.v. Ở các trường đại học thì có các phân khoa như: Y, Dược, Nha, Khoa Học, Luật, Sư Phạm, Văn Khoa, Kiến Trúc và Kỹ Sư. Ở nhiều nước Tây Phương, vào đầu thế kỷ 20 người ta chỉ có 2 loại kỹ sư: kỹ sư dân chính, và kỹ sư quân sự. Đến cuối thế kỷ 20, mọi việc liên hệ đến giáo dục hay huấn nghiệp đều phân chia ra nhiều nhánh, nhiều ngành khác nhau, và xáo trộn qua lại giữa chuyện huấn nghiệp thuần túy và giáo dục khoa bảng, dựa trên nhu cầu thời đại và một phần ở thị hiếu giới trẻ. Huấn nghiệp và giáo dục đi đôi với việc làm và nhu cầu nhân dụng, và trên cùng là nền kinh tế quốc gia. Ở cấp huấn nghiệp, nảy sinh ra nhiều khoá huấn nghiệp cho những “nghề” tạm gọi khá mới: nấu ăn và đầu bếp, vẽ kiểu thời trang, trang điểm, sửa sắc đẹp, làm “nail”, huấn luyện thể thao, thể dục thẩm mỹ, chăm sóc ăn kiêng, quay phim ảnh video, kỹ thuật âm thanh, xử dụng điện toán, sửa chữa máy điện toán, thảo chương điện toán, kế toán, tham vấn di trú, thông dịch, địa ốc, tài chánh, thiết kế đầu tư, v.v. Đại học cũng bắt đầu dao động và trải qua nhiều biến đổi quan trọng trong nhiều thập niên qua, và cho đến nay thì đã lâm vào tình trạng thường xuyên thay đổi, không có cơ ổn định lâu dài. Nhiều nước, tuy mang tiếng văn minh tiến bộ, như Nhật chẳng hạn, lại luôn bị khó khăn trầm kha về vấn đề giáo dục. Ở một nước từ xưa vẫn nổi tiếng về nạn tự tử (bình quân cứ mỗi 15 phút là có 1 người Nhật tự tử - và nước Nhật có gấp hai lần số người tự tử so với Mĩ nhưng dân số chỉ bằng phân nửa nước Mĩ) - tại Nhật ngày nay, chuyện tự tử đã bắt đầu lan rộng vào giới trẻ còn đang đi học trung học hay cao đẳng. Đa số liên quan
- đến việc chán đời bởi đường học có nhiều chông gai, và tương lai còn mù mịt. Một con số thống kê trong năm 2003 cho biết số học sinh trung học tự kết liễu cuộc đời lên gần 30% so với năm trước với tổng số là 225 em học sinh. Tuy nhiên Nhật là nước không được xếp vào hạng 1 tới 10 về số tự tử cao. Các giải quán quân này dành cho nhiều nước ở Đông Âu, như Lithuania hạng 1 (42/100000) và Nga, hạng 2 (37/100000). Và cũng giống như cấp cao đẳng hay kỹ thuật, giáo dục tại đại học thường xuyên biến đổi trong mấy mươi năm qua và không còn như những thập niên đầu của thế kỷ 20, phân khoa các ngành học tại đại học đã lên đến mức hằng trăm, đếm không xiết. Phân khoa nào cũng phân tán ra, chia thành nhiều bộ môn khác nhau. Điện ban đầu sinh ra điện-tử, rồi đến điện toán. Điện toán tách ra hai ngành riêng: kỹ sư và khoa học. Hoặc chia theo kiểu phần mềm, phần cứng, v.v. Tương tự, phân khoa Văn Khoa, từ khoảng những thập niên cuối thế kỷ 20, nảy sinh, và tách ra thành nhiều khoa học mới: Xã Hội học, Ngôn ngữ học, Chính trị học, Chính quyền và chính sách học, Bang giao quốc tế học, … Nhiều bộ môn “tương đối mới mẻ” hay thoát thai từ những ngành khác cũng len chân vào cấp đại học. Xin kể sơ sơ: tài chánh, thị trường chứng khoán, quản lý thương vụ (mang tên hấp dẫn một thời là MBA), thiết kế đầu tư, làm bánh mì thịt nướng hamburger (ở Mĩ có một đại học riêng cho McDonald’s), tính toán cho ngành bảo hiểm, nhãn khoa (ở đây có chút ít lấn cấn về danh xưng: Việt Nam gọi Bác sĩ Nhãn Khoa, ở Úc gọi Optometrist, và có thể giáo trình, hay môn học lại khác nhau), phim ảnh, kí giả, quảng cáo, xây dựng, thông dịch, kịch nghệ, âm nhạc, thư viện, địa ốc, v.v. Cũng khác với lối suy nghĩ của một số phụ huynh, việc mang nhiều ngành nghề mới lên cấp đại học thật ra cũng chẳng giải quyết được gì ở nhu cầu nhân dụng và việc làm. Bởi môi trường đại học mang truyền thống lâu đời nặng phần lí thuyết nhiều hơn thực hành, mà rất nhiều ngành nghề “mới” lại đòi hỏi thực hành hơn lí thuyết. Điển hình là những ngành mới liên hệ đến thời trang, quảng cáo, hay kỹ nghệ giải trí, kịch nghệ và phim ảnh. Những sinh viên theo đuổi các ngành học này tại đại học sau khi tốt nghiệp thường phải qua một hai khoá học chuyên về thực hành tại những trường cao đẳng “dân lập” khác nữa, mới hy vọng tìm được việc làm. Thế, về phương diện suy nghĩ và tư tưởng, có gì nổi bật nhất, khác biệt nhất giữa những thập niên 60-70 ở thế kỷ trước, với cuối thế kỷ 20, chuyển sang thế kỷ 21 như hiện nay? Thật ra có rất nhiều, và cũng nhiều như cách mạng internet và điện thoại di động, hay kỹ thuật dùng số, v.v. Nhưng khó nhận diện và xác định hơn, bởi ngay cả những nhà khoa học về xã hội cũng đều bị cơn gió lốc của tiến bộ khoa học, kỹ thuật lôi cuốn, để có thể bình tâm đứng vững mà phân tích. Đó là không kể đến việc đầu óc họ luôn bị phân tán bởi những đề tài mới mẻ và cấp bách cần phải chú tâm như: Việc di cư của những chủng dân khác nhau đến với các nước tân tiến nhưng tương đối an bình mỗi khi có giặc
- giã loạn lạc ở địa phương; Toàn cầu hoá giao thương mậu dịch; Mâu thuẫn giữa khối Ki-Tô (Âu Mỹ) và Muslim càng ngày càng gay gắt, khó khăn hơn thời chiến tranh lạnh rất nhiều; Thay đổi khí hậu thời tiết do việc ô nhiễm ở thời kì quá độ của công nghệ hoá toàn cầu; v.v.. Xin điểm sơ qua một vài điểm đáng chú ý. • Huyền thoại nước Nhật là nước Á Châu duy nhất canh tân bị xụp đổ: Ở thế kỷ trước, nhất là trong hai thập niên 60 và 70, người Tây Phương thấy nước Nhật canh tân nhanh chóng và theo kịp sát với phương Tây, nên việc đầu tiên là họ tìm xem những gì nước Nhật có, khác với các nước Á Châu chung quanh. Từ đó một thứ huyền thoại về nước Nhật number one nhanh chóng được tạo dựng, chung quanh những truyền thống văn hoá rất hay của người Nhật, hoặc một nước Nhật “thuần chủng”, mà nhiều nước Á Đông khác không có hoặc còn nấp kín dưới một số hình thái khác. Đến cuối thập kỷ 1980, lần lượt xuất hiện năm sáu con rồng Á Châu tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, như: Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore, Taiwan, Thái Lan, Mã Lai Á, Inđônêxia, v.v. Lúc đó người Tây Phương chưa kịp đưa ra lí giải mới để dung hoà với lí giải có sẵn từ trước dựa trên mô-hình nước Nhật, (ngoài hai lí lẽ thường có là: ổn định chính trị, và đầu tư nước ngoài), thì đùng một cái, Trung Quốc chạy ào ra đằng trước và hiện nay đã trở nên nền kinh tế lớn bậc thứ tư, chỉ sau lưng Hoa Kỳ, Nhật và Đức. Và nhiều nhà bình luận cho rằng Trung Hoa sẽ qua mặt Đức trong vòng vài tháng tới, tức khoảng đầu năm 2008. Trung quốc hiện còn là chủ nợ cho vay lãi thấp đối với nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kì, để những nước này bắt buộc phải tiếp tục nhập khẩu và tiêu thụ hàng hoá Trung Quốc. • Nhiều quan-niệm mới được lăng xê theo với “toàn cầu hoá”: Rất nhiều quan niệm mới (thật ra cũng không phải hoàn toàn mới, hay theo kiểu bình mới rượu cũ), càng ngày càng ăn sâu vào tâm khảm của mọi người trên thế giới. Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến “Hiện đại”, thường xem như bao hàm các thứ như: Khoa Học, Học thuật và Học hỏi, Dân Chủ, Toàn Cầu hoá. Và cũng quan trọng không kém với “hiện đại” là những vấn đề thiết thực khác như “Thay đổi khí hậu”, “Cạn nguồn Tài nguyên”, và một vấn đề rất xa xưa, xưa từ lúc bắt đầu có loài người. Đó là “Tôn giáo”. Mỗi một đề tài này đòi hỏi ít lắm là trọn một số báo với nhiều người tham gia thảo luận mới có thể “bắt mạch” hay “khơi mạch” được. NN
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn