YOMEDIA
ADSENSE
Những “nút thắt” trong hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam hiện nay
5
lượt xem 2
download
lượt xem 2
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bài viết "Những “nút thắt” trong hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam hiện nay" bàn về việc thực hành quản lý theo kiểu thuận tiện, thiếu vắng các yếu tố của quản trị công ty làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế, doanh nghiệp lúng túng và chậm phản ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Mời các bạn cùng tham khảo!
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Những “nút thắt” trong hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam hiện nay
- NHỮNG “NÚT THẮT” TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ CÔNG TY TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY ThS. Lê Thị Kim Huệ Học viện Ngân hàng, Phân viện Phú Yên Tóm tắt Sau hơn 20 năm đổi mới thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, hệ thống doanh nghiệp ở Việt Nam đã hình thành và phát triển rộng khắp trên cả nước ở tất cả các ngành kinh tế. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về số lượng, cũng như sự xuất hiện của các công ty lớn đã làm cho vấn đề quản trị công ty ngày càng trở nên vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp và các nhà xây dựng pháp luật về doanh nghiệp. Cùng với quá trình hoàn thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp, khung quản lý về công ty cũng đã từng bước xây dựng, bổ sung và hoàn thiện. Cho đến nay, khung quản trị công ty ở Việt Nam được đánh giá là phù hợp với các yêu cầu và nguyên tắc quản trị phổ biến được thừa nhận trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động quản trị công ty ở Việt Nam vẫn còn nhiều điểm hạn chế và yếu kém đặc biệt là liên quan đến hiệu quả hoạt động của hội đồng quản trị và công bố thông tin. Việc thực hành quản lý theo kiểu thuận tiện, thiếu vắng các yếu tố của quản trị công ty làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế, doanh nghiệp lúng túng và chậm phản ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Từ khóa: quản trị công ty Abstract After more than 20 years of innovation with implementing multi-sectored economic policy, Vietnamese interprises have formed and developed over the country and in all economic sectors. Along with the rapid development in terms of quantity as well as the emergence of major companies had made corporate governance issues become more important for enterprises and law builders. In addition, the perfect business environment for enterprises and company management framework have gradually built. So far, the corporate governance framework is consistent with the requirements and common governance principles recognized around the world. However, in Viet Nam, corporate governance activities are still weak, especially relating to the performance of the board and disclosure. The practice of convenient governance without corporate governance has caused the disadvantages for the competitiveness of enterprises and adaptability with economic environment, especially in the context of the financial crisis. Key word: corporate governance 473
- 1. Nội dung của quản trị công ty 1.1. Quan niệm về quản trị công ty Quan niệm và nội dung của quản trị công ty ở các quốc gia khác nhau là rất khác nhau. Điều này do sự khác nhau về nguồn gốc thể chế luật pháp, đặc tính quốc gia, văn hóa và trình độ phát triển của thị trường tài chính ở mỗi nước….từ đó ảnh hưởng đến quyền của cổ đông, quyền của chủ nợ, và thực thi quyền tư hữu. Tuy nhiên có thể đưa ra một định nghĩa chung, dung hòa được sự khác nhau trong các quan niệm về quản trị công ty như sau: Quản trị công ty là một hệ thống các cơ chế và các quy định, thông qua đó, công ty được định hướng điều hành và kiểm soát nhằm đáp ứng quyền lợi của nhà đầu tư, người lao động và những người điều hành công ty. Giữa quản trị công ty và quản trị kinh doanh là khác nhau. Quản trị kinh doanh là điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do Ban giám đốc thực hiện. Còn quản trị công ty là một quá trình giám sát và kiểm soát được thực hiện để đảm bảo cho việc thực thi quản trị kinh doanh phù hợp với lợi ích của các cổ đông. Quản trị công ty nghĩa rộng còn hướng đến đảm bảo quyền lợi của những người liên quan, không chỉ là cổ đông mà còn bao gồm cả nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, môi trường và các cơ quan nhà nước. Quản trị công ty được đặt trên cơ sở sự tách biệt giữa quản lý và sở hữu doanh nghiệp. Công ty là của chủ sở hữu (nhà đầu tư, cổ đông…), nhưng để công ty tồn tại và phát triển thì phải có sự dẫn dắt của Hội đồng quản trị, sự điều hành của Ban giám đốc và sự đóng góp của người lao động, những người này không phải lúc nào cũng có chung ý chí và quyền lợi. Điều này dẫn đến cần phải có cơ chế để nhà đầu tư, cổ đông có thể kiểm soát việc điều hành công ty nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Quản trị công ty tập trung xử lý các vấn đề thường phát sinh trong mối quan hệ ủy quyền trong công ty, ngăn ngừa và hạn chế những người quản lý lạm dụng quyền và nhiệm vụ được giao sử dụng tài sản và cơ hội kinh doanh của công ty phục vụ cho lợi ích riêng của bản thân hoặc của người khác, hoặc làm thất thoát nguồn lực do công ty kiểm soát. Tóm lại, quản trị công ty là mô hình cân bằng và kiềm chế quyền lực giữa các bên liên quan của công ty, nhằm đảm bảo sự phát triển dài hạn và bền vững của công ty. 1.2. Nội dung của quản trị công ty Quản trị công ty xác định quyền hạn và trách nhiệm giữa các nhóm lợi ích, các thành viên khác nhau trong công ty, bao gồm các cổ đông, hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát và những người liên quan khác của công ty như người lao động, nhà cung cấp. Đồng thời, quản trị công ty cũng lập ra các nguyên tắc và quy trình, thủ tục ra quyết định trong công ty, qua đó ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực và chức vụ, giảm thiểu những rủi ro liên quan đến hoặc có nguồn gốc từ những giao dịch với các 474
- bên có liên quan, những xung đột lợi ích tiềm năng và từ việc không có tiêu chuẩn rõ ràng hoặc không tuân thủ các quy định về công bố thông tin và không minh bạch. Tóm lại, các nội dung chính trong quản trị công ty gồm có: công khai và minh bạch thông tin; xử lý mâu thuẫn quyền lợi giữa người quản lý doanh nghiệp, hội đồng quản trị và cổ đông khác; xử lý mâu thuẫn giữa cổ đông lớn và cổ đông thiểu số; vai trò của quản trị viên độc lập, các tổ chức kiểm toán độc lập; chính sách đãi ngộ với các nhà quản lý; thủ tục phá sản doanh nghiệp; quyền tư hữu; việc thực thi các điều khoản luật và hợp đồng. Quản trị công ty tốt có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lành mạnh, tạo nên sự hài hòa của một loạt các mối quan hệ giữa ban giám đốc công ty, hội đồng quản trị, các cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan, từ đó tạo nên định hướng và sự kiểm soát công ty. Quản trị công ty tốt sẽ thúc đẩy hoạt động và tăng cường khả năng tiếp cận của công ty với các nguồn vốn bên ngoài, góp phần tích cực vào việc tăng cường giá trị công ty, giảm thiểu rủi ro, tăng cường đầu tư và phát triển bền vững cho doanh nghiệp và nền kinh tế. 2. Những “nút thắt” trong hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam hiện nay Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Chứng khoán 2006, Quy chế quản trị công ty do Bộ Tài chính ban hành năm 2007, Thông tư quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, Thông tư hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán vào năm 2012, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán năm 2013 (Nghị định số 108/2013/NĐ-CP) là các bước tiến bộ trong khuôn khổ pháp lý quản trị công ty ở Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn thiếu sự thống nhất trong các văn bản pháp luật, thiếu những hướng dẫn thực hành cụ thể công tác quản trị công ty. Năm 2015 là năm thứ tư Việt Nam tham gia Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN (ASEAN Corporate Governance Scorecard). Đây chính là công cụ giúp đẩy mạnh chất lượng quản trị công ty trong doanh nghiệp niêm yết tại các quốc gia ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời giúp doanh nghiệp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh và quảng bá hình ảnh đối với nhà đầu tư cũng như tăng khả năng thu hút nguồn vốn trên thị trường. Theo báo cáo năm thứ hai về Thẻ điểm quản trị công ty các nước khu vực ASEAN 2013 - 2014, điểm trung bình quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam là 64,02 điểm, tăng 19% so với năm 2012 (53,66 điểm). Các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam cũng đã có các nỗ lực tích cực trong năm 2013 và đã có cải thiện điểm số trong tất cả các khía cạnh đánh giá. Báo cáo cho biết, cải thiện đáng kể này phần nhiều là nhờ nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện 475
- khung luật pháp về quản trị công ty, bao gồm việc ban hành Thông tư 121/2012/TT- BTC về Quy định quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng và Thông tư 52/2012/TT-BTC về Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, mức điểm của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là thấp nhất trong khu vực ASEAN gồm Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Việt Nam. Các doanh nghiệp từ Thái Lan đạt điểm cao nhất, kế đến là các doanh nghiệp từ Malaysia và Singapore. Nguồn: Báo cáo năm 2013-2014 về thẻ điểm quản trị công ty các nước khu vực ASEAN Từ báo cáo năm 2013-2014 về thẻ điểm quản trị công ty các nước khu vực ASEAN cho thấy thực trạng quản trị công ty tại Việt Nam còn nhiều vấn đề nhức nhối. Trước hết là về quyền của cổ đông tại các doanh nghiệp. Theo Các nguyên tắc về quản trị công ty của OECD hướng dẫn về quyền cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản, thì cổ đông phải có cơ hội tham gia một cách hiệu quả và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông, và phải được thông tin về quy định họp đại hội đồng cổ đông… Cổ đông cần được thông tin đầy đủ và kịp thời về thời gian, địa điểm và chương trình của các đại hội đồng cổ đông cũng như thông tin đầy đủ và kịp thời về các vấn đề phải được thông qua tại các đại hội này. Nhưng thực tế cho thấy, các công ty mới chỉ tuân thủ nguyên tắc về quyền cổ đông trên hình thức nhiều hơn là nội dung, nhất là vấn đề cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Tình trạng cổ đông không được tiếp cận đầy đủ các tài liệu họp là phổ biến. Thậm chí, thông báo mời họp chỉ bao gồm các chỉ dẫn về địa điểm, thời gian mà không đính kèm các tài liệu khác như: báo cáo thường niên, trình tự, thủ tục triệu tập và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông. Bên cạnh đó, còn một số vấn đề liên quan đến quyền được tham gia, bỏ phiếu tại các đại hội đồng cổ đông: Các cổ đông ở xa, nhất là cổ đông nhỏ thường không có điều kiện tham gia họp đại hội cổ đông, phải ủy quyền cho các cán bộ của công ty bỏ phiếu mà không kiểm soát được việc bỏ phiếu đó…. Một vấn đề còn tồn tại trong hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam hiện nay là về vấn đề đối xử giữa các cổ đông, đặc biệt là cổ đông ở nước ngoài hay các cổ đông nhỏ. Nếu như Các nguyên tắc quản trị công ty của OECD đã hướng dẫn là cần loại bỏ 476
- những trở ngại đối với biểu quyết từ nước ngoài thì nhiều công ty tại Việt Nam chưa thực sự tạo điều kiện để cổ đông thực hiện biểu quyết ở nước ngoài, như việc thông báo mời họp của công ty thường được gửi trong thời gian rất ngắn khiến cổ đông có rất ít thời gian để chuẩn bị cho cuộc họp và hạn chế khả năng trong việc đưa ra các quyết định đúng đắn, một số công ty còn không công nhận quyền biểu quyết vắng mặt… Ngoài ra, các công ty chưa có biện pháp khuyến khích, nâng cao năng lực đối với các cổ đông nhỏ, nhất là trong việc tham gia đóng góp nội dung cho chương trình nghị sự của đại hội đồng cổ đông. Mặc dù cổ đông được biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông thường niên về việc lựa chọn kiểm toán nhưng các công ty thường đưa ra một danh sách các ứng viên kiểm toán để cổ đông chấp thuận, sau đó công ty được ủy quyền chọn từ danh sách này. Về thực chất cho thấy, Hội đồng quản trị mới là người chọn đơn vị thực hiện kiểm toán độc lập chứ không phải cổ đông. “Thẻ điểm quản trị công ty” năm 2012 của Tổng công ty Tài chính Quốc tế (IFC) chấm cho 100 công ty hàng đầu Việt Nam được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về vấn đề đối xử công bằng với các cổ đông với điểm trung bình 42,5% với 57,5 và 17,40 là điểm cao nhất và thấp nhất. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Philippines và Thái Lan đạt 72% và 77%. Mối quan hệ giữa công ty và các cổ đông chưa thật sự hiệu quả cũng chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam. Một tín hiệu đáng mừng cho hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam đó là hoạt động công bố và minh bạch thông tin đã có sự cải thiện đáng kể. Các công ty nhận ra tầm quan trọng của báo cáo thường niên và sử dụng nó như một kênh thông tin liên lạc chủ yếu với các bên liên quan. Thông tin về cổ đông lớn, các bên liên quan được công bố rõ ràng hơn. Website của công ty có nhiều thông tin cập nhật…Tuy nhiên, khoảng cách giữa thực hành công bố thông tin của doanh nghiệp Việt Nam so với yêu cầu trong các quy định pháp luật mới và các tiêu chuẩn quản trị công ty của ASEAN vẫn là một thử thách lớn. Theo nghiên cứu của ASEAN Corporate Governance Scorecard năm 2013, các công ty niêm yết Việt Nam chỉ đạt 37,2 điểm quản trị về tính minh bạch và công bố thông tin theo nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Hầu hết các điểm yếu là do thiếu cơ chế quản trị tốt được xây dựng bởi Hội đồng quản trị. Các công ty không báo cáo về mức độ hoàn thành quy chế quản trị mà họ đã đạt được; thiếu các chính sách thẩm định và phê duyệt giao dịch của các bên liên quan; không có chính sách bảo vệ người khiếu kiện và thiếu chính sách rõ ràng về chi trả cổ tức. Bên cạnh đó, việc công bố về sở hữu cổ phiếu của người bên trong công ty (đặc biệt là sở hữu gián tiếp) và các bên liên quan còn hạn chế. Ở các công ty có phần vốn nhà nước lớn, Hội đồng quản trị thường bị hạn chế về 477
- năng lực hoạt động do các thành viên được ủy quyền đại diện phần vốn nhà nước với tỷ lệ bỏ phiếu lớn, nhưng lại không thể quyết định hoặc thực hiện kịp thời các chiến lược, chính sách do phải xin ý kiến của cơ quan chủ quản phần vốn đó. Bên cạnh đó, vai trò của Ban kiểm soát chưa thực sự được chú trọng và phát huy hiệu quả bắt nguồn từ khâu lựa chọn thành viên Ban kiểm soát. Đa phần các công ty không có báo cáo riêng của Ban kiểm soát về hoạt động của mình. Theo khảo sát của ADB năm 2013, hầu hết các công ty không có bộ phận kiểm toán nội bộ hoặc hoạt động của kiểm toán nội bộ chưa thực sự phát huy chất lượng như mong muốn. Đây là một hạn chế lớn trong hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam hiện nay, bởi nguyên tắc “đảm bảo các hệ thống kiểm soát phù hợp luôn hoạt động, đặc biệt là hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát tài chính và hoạt động, tuân thủ theo pháp luật và các tiêu chuẩn liên quan” là nguyên tắc quan trọng được đề cập trong bộ nguyên tắc quản trị công ty của OECD để đảm bảo tính trung thực của hệ thống báo cáo kế toán và tài chính của công ty. Ngoài ra, các quy tắc hoạt động của Hội đồng quản trị còn mang nặng tính hình thức hơn là thực chất. Đồng thời cũng chưa có một hệ thống quy tắc đạo đức hoặc quy trình tương tự trong quản trị công ty để củng cố hệ thống giá trị của Hội đồng quản trị. Theo báo cáo của ADB năm 2013, các công ty thường ít chú trọng tới việc xây dựng các bộ Quy tắc ứng xử nhằm hướng dẫn hoạt động cho các nhà quản trị, các nhân viên và tạo nên văn hóa doanh nghiệp mạnh. Bên cạnh đó, tại nhiều doanh nghiệp, còn lẫn lộn giữa vai trò của Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Ở Việt Nam, chưa có quy định bắt buộc phải thành lập các tiểu ban của Hội đồng quản trị, và trong mọi trường hợp, mọi trách nhiệm về hoạt động của các tiểu ban này vẫn thuộc Hội đồng quản trị. Do đó, kết quả là các nhận định, quyết định của Hội đồng quản trị đôi khi thiếu tính khách quan, độc lập và hoạt động thiếu hiệu quả do năng lực chuyên môn, hiểu biết để phục vụ công việc chỉ trong một số lượng thành viên hạn chế. Với những phân tích của tác giả ở trên, có thể rút ra kết luận về những “nút thắt” lớn và nguyên nhân của tình hình quản trị công ty tại Việt Nam hiện nay như sau: Thứ nhất, Vấn đề đảm bảo quyền lợi của cổ đông, nhất là những cổ đông có cổ phần nhỏ và cổ đông ở nước ngoài. Trong đó vấn đề nổi lên là họ chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông, hoặc chưa được tham gia biểu quyết các vấn đề lớn. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là các cơ quan chức năng chưa có quy định về đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư nhỏ, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Mối quan hệ giữa công ty và cổ đông chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, hơn ai hết các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ và cổ đông nước ngoài chưa thực sự nắm rõ các nguyên tắc và tầm quan trọng của hoạt động quản trị công ty. Thứ hai, về trách nhiệm của Hội đồng quản trị. Tại Việt Nam, đã có hướng dẫn và quy tắc hoạt động của Hội đồng quản trị 478
- nhưng đó thường là quy trình tĩnh, mang nặng tính hình thức hơn là thực chất, đồng thời, chưa có một hệ thống quy tắc đạo đức hoặc quy trình tương tự trong quản trị công ty để củng cố hệ thống giá trị của Hội đồng quản trị. Bên cạnh đó, vẫn còn chưa phân biệt rạch ròi quyền và nghĩa vụ của các bộ phận cấu thành như: Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát và nhân viên…Nguyên nhân của vấn đề này có lẽ xuất phát từ việc các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng việc xây dựng hệ thống quản trị và làm cho hệ thống đó thực sự vận hành trong đời sống doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng chưa thực sự quan tâm đến việc giám sát, kiểm tra, đánh giá, cải tiến liên tục hệ thống cho phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp. 3. Giải pháp nhằm hoàn thiện quản trị công ty tại Việt Nam Để tăng cường quản trị công ty tại Việt Nam hiện nay, cần phải giải quyết nhiều vấn đề trên cả bình diện quản lý vĩ mô của Nhà nước và trong phạm vi của từng doanh nghiệp. Cụ thể là: Một là, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy quá trình thực thi hiệu quả và nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan chức năng có thẩm quyền Thông tư số 121/2012/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 26/7/2012 đã khẳng định một bước tiến dài của hệ thống pháp luật trong việc hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam, rút ngắn khoảng cách so với thế giới. Tuy vậy, khuôn khổ pháp lý vẫn còn những thiếu sót nhất định cần phải được tiếp tục bổ sung, điều chỉnh. Cụ thể, Thông tư chưa có phần quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các bên liên quan, nhất là đối với cộng đồng, xã hội và môi trường trong khi các bên liên quan đang ngày càng có vị trí quan trọng trong giám sát hoạt động quản trị công ty tại doanh nghiệp. Để cải tiến khuôn khổ pháp lý trong hoạt động quản trị công ty, trước hết, cần nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài bởi thực tế đã cho thấy những công ty có vốn đầu tư nước ngoài lớn hơn sẽ có hệ thống quản trị công ty hiệu quả hơn. Ngoài ra, Nhà nước cần quy định chi tiết về vai trò với các bên liên quan và quy định về công bố thông tin, nhất là những thông tin bắt buộc công bố về thành viên Hội đồng quản trị như giao dịch cổ phiếu, tỷ lệ cổ phần sở hữu... Các cơ quan chức năng cũng cần ban hành các quy định về đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư nhỏ, giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó cần phải nâng cao trách nhiệm, vai trò, thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan tới lĩnh vực quản trị công ty, nhất là vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán. Hai là, minh bạch thông tin Tính minh bạch thấp chính là rào cản doanh nghiệp khi tiếp cận vốn trên thị 479
- trường chứng khoán cũng như vốn từ các ngân hàng thương mại. Việc không minh bạch thông tin cũng chính là nguyên nhân khiến cho điểm quản trị của doanh nghiệp Việt Nam bị đánh giá thấp. Để giải quyết bài toán này, tác giả khuyến nghị các doanh nghiệp nên tách Ban kiểm soát ra khỏi sự chi phối của Hội đồng quản trị, đồng thời gia tăng thêm quyền lợi và trách nhiệm cho bộ phận này. Đối với góc độ quản lý, các công cụ quản lý chiến lược với điều kiện của doanh nghiệp như Hệ thống thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard - BSC) cũng là một giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin được thể hiện cụ thể, rõ ràng qua hệ thống các báo cáo. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các kênh công bố thông tin về doanh nghiệp và đảm bảo thông tin đầy đủ, chi tiết, xuất bản cả bản tiếng Việt và tiếng Anh để mọi nhà đầu tư quan tâm có thể dễ dàng truy cập mà không gặp phải trở ngại nào. Điều này vô cùng quan trọng trong bối cảnh Việt Nam thực hiện tiến trình toàn cầu hóa mọi mặt để thu hút đầu tư nước ngoài. Mức độ công bố thông tin kém về các hoạt động quản trị công ty là nguyên nhân chính làm cho các doanh nghiệp Việt Nam bị đánh giá kém trong Thẻ điểm quản trị công ty. Vì vậy, đưa thẻ điểm quản trị công ty đến gần hơn với doanh nghiệp qua nhiều cách khác nhau, như trực tiếp thông qua các đợt tập huấn cho doanh nghiệp và gián tiếp như thông qua việc cho doanh nghiệp sử dụng thẻ điểm để tự đánh giá sơ bộ các thực hành hiện tại của mình là các cách hữu dụng để giúp doanh nghiệp sớm áp dụng được các chuẩn mực quản trị tốt. Các cách làm này đã và đang được thực hiện tại các nước trong khu vực và tỏ ra hiệu quả giúp điểm số có sự cải thiện đáng kể trong năm 2013. Như một bước khởi đầu tốt, cơ quan quản lý cần tổ chức các sự kiện, các chương trình tuyên dương doanh nghiệp có hoạt động quản trị tốt. Ba là, nâng cao ý thức về vai trò của quản trị công ty Cần phải nhấn mạnh rằng, cải tiến quản trị công ty phải đến từ tinh thần và cam kết “thép” từ lãnh đạo, Hội đồng quản trị công ty. Mỗi doanh nghiệp có một văn hóa và cách thức riêng, do vậy cần có lịch trình cải tiến quản trị cụ thể. Cải tiến quản trị cần được hỗ trợ bởi cơ quan quản lý và tất cả các bên có liên quan, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư tổ chức, các tổ chức trung gian tài chính, công ty tư vấn quản trị và các kênh truyền thông. Cần có các hoạt động tập huấn cho thành viên Hội đồng quản trị, các cán bộ chủ chốt và nhà đầu tư, có thể được thực hiện bởi một viện đào tạo chuyên nghiệp về quản trị công ty, hoặc bởi các tổ chức đào tạo, các trường đại học bằng cách đưa nội dung này vào chương trình đào tạo ở bậc đại học hoặc sau đại học. Để thực thi hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước cần khuyến khích các trường đại học, viện đào tạo có các chương trình nâng cao ý thức, kiến thức về quản trị công ty. Điều này không chỉ quan trọng đối với doanh nghiệp, mà còn quan trọng đối với quốc gia trong việc nâng cao quản trị công ty nhằm chuẩn bị cho quá trình hội nhập vào các 480
- thị trường tài chính quốc tế, trước mắt là tham gia Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, dự định được thành lập vào cuối năm 2015. Bốn là, nâng cao năng lực và vai trò của thành viên Hội đồng quản trị Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và vai trò của thành viên Hội đồng quản trị, cụ thể như đảm bảo các thành viên Hội đồng quản trị hiểu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của mình; hàng năm xem xét lại sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu của công ty, các chính sách liên quan tới quản trị công ty. Doanh nghiệp nên xây dựng, ban hành hệ thống quản trị, các bộ quy tắc ứng xử, bộ quy tắc hướng dẫn công tác quản trị công ty tại doanh nghiệp; tăng cường tính độc lập của các thành viên; thành lập các Ủy ban chuyên môn để hỗ trợ hoạt động của Hội đồng quản trị. Tài liệu tham khảo 1. ADB, 2013, ASEAN Corporate Governance Scorecard - Country Reports and Assessment 2012-2013. Philippines: Asian Development Bank. 2. IFC, 2011, Cẩm nang quản trị công ty, International Finance Corporation. 3. IFC, 2012, Báo cáo Thẻ điểm quản trị công ty 2012, International Finance Corporation. 4. IMF, 2011, Cẩm nang quản trị công ty, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. 5. IFC, 2004, Các nguyên tắc quản trị công ty của OECD, International Finance Corporation. 6.http://www.adb.org/search?keyword=ASEAN+Corporate+Governance+Scorecard+20 13-2014&sa. 481
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn