YOMEDIA
ADSENSE
Nước Mắt Chảy Xuôi
66
lượt xem 3
download
lượt xem 3
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Tôi trở về nhà với mẹ. Đây là nơi để tôi ẩn nấp mỗi khi buồn phiền, thất vọng, chán chường… Mẹ tôi đã già, sống một mình trong ngôi từ đường thênh thang vắng lạnh. Và bao giờ cũng vậy, mẹ đón tôi với vẻ mặt bình thản lạ lùng: - Tắm rửa rồi nghỉ đi con! Chỉ có vậy, mẹ không tỏ vẻ mừng rỡ và cũng không hỏi lý do vì sao tôi về, dù đã thấy mắt tôi sưng húp lên vì khóc nhiều. Đó cũng là điều tôi mong muốn, thật sự tôi cũng không...
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nước Mắt Chảy Xuôi
- Nước Mắt Chảy Xuôi Tôi trở về nhà với mẹ. Đây là nơi để tôi ẩn nấp mỗi khi buồn phiền, thất vọng, chán chường… Mẹ tôi đã già, sống một mình trong ngôi từ đường thênh thang vắng lạnh. Và bao giờ cũng vậy, mẹ đón tôi với vẻ mặt bình thản lạ lùng: - Tắm rửa rồi nghỉ đi con! Chỉ có vậy, mẹ không tỏ vẻ mừng rỡ và cũng không hỏi lý do vì sao tôi về, dù đã thấy mắt tôi sưng húp lên vì khóc nhiều. Đó cũng là điều tôi mong muốn, thật sự tôi cũng không muốn kể lể và cũng không muốn mẹ nhìn thấy tôi khóc. Tôi chỉ muốn ngủ một giấc thật dài. Thức dậy khi trời đã nhá nhem tối, nghe tiếng mưa rơi đều đặn trên mái ngói, trên lá cây trong vườn một dòng âm thanh đơn điệu, tẻ nhạt. Mẹ lặng lẽ ngồi ở cuối giường nhìn tôi, chẳng biết mẹ đã ngồi đấy tự bao giờ: - Dậy ăn cơm đi con! Có bông bí luộc với cá rô chấm nước mắm gừng con thích đó. Tôi uể oải ngồi dậy và xích lại gần mẹ: - Chưa bao giờ con ngủ ngon như vậy. Mẹ cười thật hiền. Tôi nhớ ngày trước, mỗi khi mẹ cười, hai lúm đồng tiền in sâu trên má thật duyên. Tôi vẫn thường vòi vĩnh “Sao mẹ không cho bớt con một đồng tiền”, mẹ nói: “Thì mẹ cho hết các con chứ mẹ giữ lại làm gì”. Và bây giờ, hai lúm đồng tiền đó đã đi về đâu, để lại trên má mẹ tôi những dấu chấm phẩy thật buồn. - Mệt mỏi quá hở con? Bỗng dưng nước mắt tôi vỡ òa, tôi không nén được nữa rồi, tôi phải khóc, tôi thèm được khóc với mẹ, nước mắt sẽ cuốn trôi muộn phiền, uất ức… Những vất vả, lo toan đời thường, những giờ lên lớp căng thẳng với hồ sơ, giáo án, học trò nghịch ngợm, về nhà với việc cơm nước, quần quật suốt ngày… Rồi những thất bại trong công việc làm ăn… Chồng tôi hiền lành, ít nói nhưng chẳng bao giờ chia sẻ với tôi những buồn vui của anh
- và cũng chẳng bao giờ lắng nghe những ưu phiền của tôi. Cứ thế mỗi ngày một ít, tôi gắng gượng vượt qua, cho đến ngày tôi kiệt sức, lúc nào cũng thèm ngủ, lúc nào cũng thấy mình nhuốm bệnh, muốn thở than… Lời nói thật vô tình của con gái tôi “Sao lúc nào cũng thấy mẹ than ngắn thở dài, mỗi ngày mẹ đau một bệnh” cũng là giọt nước tràn ly… Thế là tôi bỏ tất cả, về với mẹ. Tiếng mẹ tôi thật nhẹ trong bóng đêm: - Con cứ khóc đi cho nhẹ lòng. Những gì con đang phải chịu thì ngày xưa mẹ đã trải qua. Có những lúc quá sức chịu đựng mẹ muốn buông xuôi tất cả nhưng rồi thương các con nheo nhóc, mẹ lại tiếp tục đứng dậy đi tiếp. Nước mắt chảy xuôi con à... Chẳng lẽ mẹ mong con giận chồng con để về với mẹ, chớ ở một mình thế này mẹ thấy trống trải lắm! Có lúc nghĩ thật buồn cười, ước các con nhỏ lại để quanh quẩn bên mẹ như ngày xưa… Nước mắt trong tôi đã khô đi tự bao giờ. Ôi mẹ tôi! Sao tôi chẳng bao giờ nghĩ đến nỗi buồn phiền, cô đơn của mẹ? Tôi chỉ nghĩ đến mình. Tôi đem nỗi buồn về để trút lên mẹ cho nhẹ lòng. Tôi cầm bàn tay của mẹ, bàn tay búp măng xinh đẹp của cô gái hát hay múa dẻo nổi tiếng ở làng Thanh Thủy ngày xưa mà ba tôi - chàng trai học giỏi, tài hoa, con cưng của ông thầy đồ đem lòng si mê. Tám anh em tôi đều có bàn tay giống mẹ, chúng tôi hay đùa: “Chỉ cần nhìn bàn tay là biết con mẹ”. Vậy mà giờ đây bàn tay mẹ chai sần, thô ráp. Chúng tôi chỉ về nhà vào dịp lễ tết, giỗ chạp cho phải đạo chứ có đứa nào chịu về với mẹ trong đêm mưa lạnh giá thế này đâu. Mẹ lại giục: - Ăn cơm đi con, chắc con đói lắm rồi phải không? Tôi lò dò đi theo mẹ. Điện cúp, mẹ thắp một ngọn đèn hột vịt mờ mờ. Tôi bật cười: - Mẹ ơi! Sao con có cảm giác giống như ngày xưa quá, phải chi có ba và các anh mẹ nhỉ? - Ừ. Mẹ xới cơm từ trong cái nồi đồng của nội ngày xưa, tất cả những vật gì của nội để lại mẹ đều giữ khư khư. Anh tôi cứ đùa là mẹ thích sưu tầm đồ cổ nhưng tôi hiểu, mẹ rất thương và quý nội. Những câu chuyện của mẹ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần mà các anh tôi không đủ kiên trì để nghe vì “Phim này mẹ chiếu nhiều lần quá”. Mẹ về làm dâu khi mới 17 tuổi;
- ông bà ngoại nghèo, thấy con mình được nương tựa vào gia đình khá giả cũng mừng nhưng bà con bên chồng cứ tiếng ra tiếng vào dè bỉu. May mắn cho mẹ là bà nội rất hiền hậu, nhân từ. Nội bày dạy, che chở cho mẹ như con gái của mình. Tôi còn nhớ ngày tôi đi lấy chồng mẹ rưng rưng nước mắt: “Con gái dòng họ Trần ai cũng khổ, nhưng mẹ tin là con sẽ hạnh phúc vì bà nội con ăn ở có đức, cháu gái được hưởng phúc bà nội”. Tôi có hạnh phúc hay không? Câu hỏi đó đã ám ảnh tôi suốt cả thời con gái cho đến khi làm vợ, làm mẹ… Mẹ gắp thức ăn bỏ vào chén giục tôi ăn, bông bí ngọt bùi, cá rô béo ngậy, thơm lừng, cơm của mẹ sao mà ngon đến vậy! - Mẹ ơi con về ở luôn với mẹ, mẹ nghe? Mẹ cười: - Được ba bảy hăm mốt ngày rồi lại nhớ chồng nhớ con bỏ mẹ chạy đi thôi. Làm thân đàn bà là vậy đó con, phải biết chịu thương chịu khó thì mới giữ ấm cho gia đình của mình được. Thôi ăn xong con nghỉ đi, mẹ nấu cho con nồi bồ kết lá bưởi để sáng mai con gội đầu. - Bồ kết lá bưởi hở mẹ? Tuyệt quá! Ngày xưa mẹ cho con gội đầu với bồ kết nên tóc con mướt ghê, bây giờ toàn gội với đủ thứ dầu gội nên tóc khô queo. Mẹ cười: - Chứ mẹ có gội đầu bằng dầu gội đâu mà tóc cũng khô? - Chịu mẹ. Mẹ bao giờ cũng đúng, không lý sự nổi với mẹ đâu. Thôi con ngủ nhiều rồi, ngồi chơi rồi cùng đi ngủ với mẹ. Mẹ lắc đầu: - Mẹ đau nhức trằn trọc cả đêm, con không ngủ được đâu. Con cứ ngủ trên giường, mẹ nằm trên phản được rồi. Tôi sửng sốt, mẹ tôi đã có thói quen thức với bệnh tật tự bao giờ, sao bây giờ tôi mới biết?
- - Mẹ… mẹ cứ đau cả đêm vậy sao? - Thì… cũng có khi chuyển trời vậy mà. Ối chà! Bệnh già mà con! Tôi xót xa ôm cái lưng gầy của mẹ chập chờn trong giấc ngủ. Tôi mơ giấc mơ về thời thơ ấu… Mẹ tôi ngồi bên bếp làm rim dừa, má mẹ đỏ hồng, tóc mẹ đen mướt, mẹ cười má lúm đồng tiền duyên dáng. Tám anh em tôi ngồi quanh mẹ để chờ xin vét những hạt đường cháy dưới đáy chảo. Ngoài vườn bầy chim sẻ trở về trong nắng ấm ríu rít trên vòm hoa bưởi trắng tinh khôi. Và tôi thức dậy cùng với tiếng chim chào đón bình minh. Mẹ đã dậy và đi đâu mất. Tôi bước ra vườn tìm mẹ. Đêm qua mưa nên sáng nay vườn cây xanh mướt, lóng lánh trong nắng mai. Mẹ tôi đang lúi cúi bên luống rau: - Mẹ ăn có bao nhiêu đâu mà làm cho vất vả hở mẹ? - Thì mẹ cũng làm cho vui, có cái rau trong vườn cũng tiện, lâu lâu có đứa nào về có làm quà cho con cháu cũng vui con à. Rau vườn ăn bao giờ cũng yên tâm hơn, rau ngoài chợ người ta phun thuốc trừ sâu độc lắm. - Mẹ cắt làm gì nhiều vậy? - Thì con đem về để dành ăn! Tôi bật cười: - Vậy là mẹ đuổi con rồi phải không? - Thôi đi về cơm nước cho cha con nó, để cha con nó ăn cơm bờ cơm bụi mẹ không yên lòng. Hơn nữa con phải về để ngày mai còn lên lớp nữa chứ, bỏ học trò cũng tội lắm con à. - Con biết rồi, mẹ cho con ăn một bữa cơm trưa có canh cá nấu khế nữa thôi rồi chiều con về được chưa? Đúng ý mẹ rồi phải không? Mẹ phì cười, lắc đầu: - Cứ như đứa con nít. Thôi vào nhà nghỉ đi, để mẹ đi chợ mua cho con ít cá đồng, mùa này cá đồng ngon lắm.
- Mẹ tất tả đội nón đi, tôi một mình lang thang trong khu vườn yên tịnh. Từng bờ cỏ đất, từng gốc cây, từng ngóc ngách của khu vườn dường như đều in dấu chân của anh em tôi thời thơ dại. Bất giác tôi nhìn thấy chiếc chõng nằm chơ vơ dưới gốc thầu đâu, hoa thầu đâu nở tím ngát một khoảng vườn. Có cái gì nghèn nghẹn dâng lên. Những ngày xa xưa ấy, tôi vẫn nhớ như in. Khi ban mai vừa ló dạng, nội tôi đã dậy lò mò nấu nước chè xanh với gừng rồi xách ấm nước chè nóng hổi ra ngồi trên chiếc chõng này chờ những người đi làm đồng sớm ngang qua để đon đả mời: “Uống chén chè cho ấm bụng rồi hãy đi làm”. Chờ cho họ uống xong, nội tôi nói tiếp: “Mai mốt tau chết nhớ khiêng tau một vai nghe”. Ai cũng phì cười, họ đùa lại với nội: “Khi nào bà chết? Bà mà chết cả làng này khiêng bà, bà yên tâm đi”. Chao ơi! Nội tôi đã chuẩn bị cho mình một cái chết thật đẹp. Tôi làm sao mà sống được như nội, như mẹ… Buổi chiều nhạt nắng, mẹ đưa tôi đi qua con đường làng đầy bóng râm của tre xanh để ra đường cái đón xe về thành phố. Mẹ đẩy tôi lên xe cùng với chiếc làn tre đầy rau vườn với cá đồng, vội vàng như sợ tôi ở lại. “Đi đi con, khi nào mệt mỏi quá thì về với mẹ”. Xe chạy mà tôi cứ ngoái đầu nhìn lại, dáng mẹ gầy gò đứng chơ vơ bên cánh đồng vừa gặt xong. Người ta đang đốt những gốc rạ để chuẩn bị cho mùa gặt sau. Những sợi khói lam chiều bay lên như quấn quýt quanh bóng mẹ. Nước mắt trong tôi lại dâng đầy. Mẹ ơi! Con sẽ để cho nước mắt chảy xuôi như mẹ đã từng dạy con… Trúc Hạ
ADSENSE
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn