YOMEDIA
ADSENSE
Phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao toàn dân phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
4
lượt xem 1
download
lượt xem 1
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bài viết "Phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao toàn dân phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" tập trung phân tích quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò tập luyện thể dục thể thao, đánh giá kết quả thực hiện và những định hướng của Đảng trong thời gian tới để phong trào rèn luyện sức khỏe toàn dân được củng cố, phát triển theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh “dân cường thì nước thịnh”. Mời các bạn cùng tham khảo!
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao toàn dân phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO TẬP LUYỆN THỂ DỤC THỂ THAO TOÀN DÂN PHỤC VỤ CÔNG CUỘC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM Trần Thị Hương Giang Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao thành phố Hồ Chí Minh Tác giả liên hệ: Trần Thị Hương Giang, email: gianghtt@upes.edu.vn Tóm tắt: Sức khoẻ của nhân dân là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển đất nước giàu mạnh. Chăm lo nguồn lực con người về thể lực thông qua phong trào rèn luyện thể dục thể thao luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phong trào thể dục thể thao quần chúng đang trở thành nếp văn hóa của toàn dân song vẫn còn nhiều bất cập cần được nghiên cứu. Bài viết tập trung phân tích quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò tập luyện thể dục thể thao, đánh giá kết quả thực hiện và những định hướng của Đảng trong thời gian tới để phong trào rèn luyện sức khỏe toàn dân được củng cố, phát triển theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh “dân cường thì nước thịnh”. Từ khóa: thể dục thể thao; phong trào thể dục thể thao quần chúng; sức khỏe toàn dân; Hồ Chí Minh; chủ nghĩa xã hội Việt Nam. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong bài “Sức khỏe và thể dục”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 199, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Mỗi một người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe” (Hồ, 2011a, 241). Từ vị trí của sức khỏe đối với mỗi một con người và sự liên quan của nó đến vận mệnh đất nước, mỗi người phải có bổn phận tự chăm lo rèn luyện sức khỏe của mình. Ngày nay, trong quá trình đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, công tác chăm lo nguồn lực con người về thể lực thông qua phong trào rèn luyện thể dục thể thao càng phải được xem là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân. Bởi lẽ, ở bất kỳ ngành nghề nào người lao động cũng cần có sức khỏe, thể chất tốt để duy trì và phát triển trí tuệ, đưa tri thức mình tích lũy ứng dụng vào thực tiễn tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Hơn nữa, có sức khỏe con người sẽ đủ tỉnh táo để chống lại mọi cám dỗ của cuộc sống, tránh xa các tệ nạn xã hội. Dưới 35
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, đang trở thành nếp văn hóa của toàn dân. 2. QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN MỘT NỀN THỂ DỤC THỂ THAO MANG TÍNH ĐẠI CHÚNG Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn chủ nghĩa xã hội từ sự tìm tòi khảo nghiệm các mô hình xã hội trong lịch sử nhân loại, dựa trên nền tảng lý luận Mác - Lênin. Theo Người, đó là một xã hội tốt đẹp, nằm ở nấc thang phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản để “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”, để “ai cũng được làm việc, được ăn no mặc ấm, được học hành, người già yếu được giúp đỡ, các cháu bé thì được chăm sóc” (Hồ, 2011e, 5). Người cũng chỉ rõ: “Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta nhất định có những khó khăn. Biến đổi một xã hội cũ thành một xã hội mới, không phải là một chuyện dễ” (Hồ, 2011e, 376). Bởi lẽ, muốn có chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất hiện thực thì phải xây dựng được nền tảng, vật chất của chủ nghĩa xã hội. Mà muốn xây dựng được nền tảng, vật chất cho chủ nghĩa xã hội, “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” (Hồ, 2011e, 66). Con người đó phải phát triển toàn diện, quy lại trong bốn giá trị cốt lõi là Trí - Đức - Thể - Mỹ. Có tri thức để tiếp thu, lĩnh hội các văn minh, tiến bộ của nhân loại. Có đức mới giúp ích cho xã hội, đất nước, mới không bị đồng tiền, uy quyền cám dỗ, tránh được những biểu hiện uy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa gây hại cho Tổ quốc. Có sức khỏe, thể lực tốt để duy trì và phát triển trí tuệ, đủ tỉnh táo để chống lại mọi cám dỗ của cuộc sống, tránh xa các tệ nạn xã hội. Phải biết yêu chuộng cái đẹp, có lối sống văn hóa. Xây dựng con người với bốn giá trị cốt lõi Trí - Đức - Thể - Mỹ, trong đó chăm lo cho thể lực con người là quan trọng vì nó là tiền đề đầu tiên để phát triển trí tuệ, đạo đức và thẩm mỹ. Thể dục thể thao (TDTT) quyết định sự phát triển đất nước giàu mạnh như quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết ngày 27/3/1946 "Dân cường thì quốc thịnh". Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy sự cần thiết của việc tập luyện TDTT để có sức khỏe tốt. Khi đang là giáo viên dạy thể dục trong trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã luôn nhắc nhở học sinh của mình: “Cái quý nhất của con người là sức khỏe. Các em chịu khó tập thể dục là giữ gìn cái quý báu nhất của con người” (Học viện Chính trị Quốc gia 36
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” Hồ Chí Minh, 1992, 44). Đến năm 1941, trong chương trình Việt Minh, Hồ Chí Minh đã nêu ra chủ trương phải gây dựng nền thể thao nước nhà mới có lực lượng mạnh để phục vụ cho cách mạng thắng lợi. Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền nước nhà non trẻ phải đối phó với tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài, giặc dốt, giặc đói... là người đứng đầu Chính phủ, dù phải bận trăm công ngàn việc để khắc phục tình trạng đó, nhưng Người vẫn ký Sắc lệnh số 38 ngày 27/3/1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, đưa Thể thao và Thể dục phải trở thành hoạt động chung của quần chúng, với mục đích người người đều luyện tập thể dục, nâng cao sức khoẻ. Người coi thể dục thể thao là bộ phận vô cùng quan trọng để giúp con người phát triển toàn diện. Đặc biệt là với giáo dục trong nhà trường, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền giáo dục toàn diện, với bốn nội dung chính: “- Thể dục: Để làm cho thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung. - Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới. - Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp. - Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công (5 cái yêu)” (Hồ, 2011c, 175). Thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục là bốn mặt của giáo dục cơ bản có quan hệ mật thiết với nhau trong một chỉnh thể thống nhất đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện. Thể dục là tiền đề đầu tiên đem lại cho tuổi trẻ sức khỏe, đảm bảo giáo dục trí, mỹ, đức đạt hiệu quả cao nhất. Sức khỏe là cơ sở để phát triển các năng lực vốn có của con người. Điều này sau đó, trong báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi ngày 18/12/1959, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục được Người khẳng định. Quan tâm đến sức khỏe của thanh niên, ngày 10/11/1946, nhân dự Lễ khai mạc Thanh niên thể thao quốc tế tổ chức tại Quảng trường Nhà Hát lớn Hà Nội Phát biểu tại buổi lễ, Người căn dặn: “Trong thanh niên còn nhiều người rất yếu ớt, cán bộ, học sinh của Trường Thể dục phải làm cho toàn thể đồng bào càng khỏe, phải phổ thông hóa, đại chúng hóa, dân chủ hóa thể dục… Hiện thời, ở nông thôn cũng như thành thị còn rất nhiều đồng bào yếu ớt. Mang danh cán bộ thể dục thể thao, 37
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG các học sinh có bổn phận tổ chức cho đồng bào cùng tập luyện” (“Tất cả các Đoàn thể Thanh niên Thủ Đô đã tham gia ngày Thanh niên Quốc tế”, 1946). Năm 1960 Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị cán bộ thể dục, thể thao toàn miền Bắc, Người viết: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên tập thể dục, thể thao. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào thể dục, thể thao cho rộng khắp” (Hồ, 2011d, 542) . Vậy làm gì để có sức khỏe? Việc rèn luyện sức khỏe, luyện tập thể dục thể thao theo Người không tốn kém, khó khăn gì, ai cũng làm được và nên thực hiện kể cả già trẻ, gái trai. Người khuyên “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe…" (Hồ, 2011b, 241). Người còn nhấn mạnh đấy chính là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam “luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước”. Người mong “ai cũng gắng tập thể dục” và để tăng thêm sức lan tỏa, chính Người là một tấm gương rèn luyện thể dục “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập” (Hồ, 2011d, 241). Với Người, việc tập luyện đã trở thành nếp sống. Từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp trong rừng sâu, núi cao gian khổ, dù trời mưa cũng như ngày lạnh Bác vẫn tập luyện rất đều đặn. Bác thường xuyên dậy sớm và không quên kêu gọi mọi người cùng tập thể dục. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh môn thể thao như đi bộ, leo núi, tập tạ, nhảy dây, luyện khí công, hay bóng chuyền... đều hợp với luyện sức khỏe ,với tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Lúc về sau, khi tuổi càng lớn, sức khỏe không được như trước, Bác thường tập Thái cực quyền và đi bộ trong vườn Phủ Chủ tịch vào mỗi buổi sáng. Qua lời kêu gọi và các văn bản chính sách mà Hồ Chí Minh ban hành, sâu sắc hơn nữa chính từ tấm gương rèn luyện thể dục của Người; có thể rút ra những vấn đề trong tư tưởng của Người đối với thể dục thể thao nói chung và phong trào thể dục thể thao quần chúng nói riêng như sau: Một là, sức khỏe luôn quan trọng với mỗi con người, với dân tộc, đặc biệt là trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy mỗi người đều phải tự ý thức về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, rèn luyện sức khỏe. Hai là, quan tâm đầu tư để thể dục thể thao phát triển rộng khắp trên các địa bàn dân cư, tạo thành phong trào thể thao nâng cao thể lực, phòng chữa bệnh tật, đồng thời góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. 38
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” Ba là, chú trọng công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân từ già đến trẻ, gái hay trai, ở mọi ngành nghề hiểu về tầm quan trọng của việc rèn luyện, giữ gìn sức khỏe. Quan tâm đến nội dung tuyên truyền, khẩu hiệu cần đơn giản, dễ đi vào lòng người, không cần những bài diễn thuyết dài dòng, khô khan, cứng nhắc. Và quan trọng hơn cả là cần duy trì phong trào toàn dân rèn luyện sức khỏe thường xuyên “Phong trào thi đua phải liên tục, bền bỉ, thiết thực. Phải tránh cái lối “đầu năm đủng đỉnh la đà, cuối năm dốc kiệt sức ra làm bù” (Hồ, 2011d, 478). Hưởng ứng Lời kêu gọi và noi gương theo Hồ Chí Minh, trong suốt những năm tháng kháng chiến, tại chiến khu Việt Bắc, từ các anh bộ đội, cán bộ, đến lực lượng dân công, dân quân, du kích… đều xây dựng một thói quen tập thể dục rèn sức khỏe. Các môn thể thao như võ thuật, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, xe đạp… được rất nhiều người tham gia. Bước sang giai đoạn 1954 - 1975, sức sống của các phong trào thể dục thể thao tiếp tục được nhân rộng với các khẩu hiệu như trong học sinh có phong trào “Thể dục vệ sinh”, “Chạy nối liền Bắc Nam”, trong thanh thiếu niên có phong trào “Luyện vai trăm cân, luyện chân ngàn dặm”; công nhân viên chức, dân quân tự vệ, lực lượng vũ trang thực hiện phong trào “Chạy, nhảy, bơi, bắn, võ”; hay “Rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn”, “Toàn xã biết bơi”, “Câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời”… Song song với đó, trong mỗi cơ quan, hợp tác xã, xí nghiệp, nhà máy, phong trào luyện tập thể dục cũng được lan rộng thông qua các giải thể thao, ngày hội văn hóa được tổ chức định kỳ, cùng với phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang”… Thông qua phong trào luyện tập thể dục thể thao mà sức khỏe của toàn dân ít nhiều đã được nâng lên. Phong trào thi đua thể dục thể thao làm đời sống tinh thần của nhân dân được khỏe mạnh thêm, góp phần không nhỏ trong những thắng lợi, đã góp sức dân vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giúp đỡ nhân dân miền Nam kháng chiến chống Mỹ. 3. VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH ĐỂ PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO THỂ DỤC THỂ THAO QUẦN CHÚNG HIỆN NAY Nghiên cứu, học tập và vận dụng những quan điểm của Người về phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về TDTT gắn với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của từng giai đoạn. Các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đều dành sự quan tâm cho việc phát triển nền thể dục thể thao toàn dân, xác định 39
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG đây là một nội dung quan trọng. Điển hình như Chỉ thị số 17-CT/TW về “phát triển TDTT đến năm 2010” ban hành ngày 23/10/2002; Quyết định số 2198/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 ban hành ngày 3/12/2010; Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 1/12/2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Và gần đây nhất là Quyết định 1157/QĐ- BVHTTDL ngày 02/4/2021 về ban hành Kế hoạch thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 2796/KHBVHTTDL ngày 06/8/2021 về hướng dẫn toàn dân tập thể luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, phòng chống bệnh tật giai đoạn 2021 - 2025. Trong văn kiện Đại hội X và các Đại hội tiếp theo đều nhấn mạnh đến việc coi trọng, cần khuyến khích và tạo điều kiện để mọi người dân đều tham gia hoạt động TDTT rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực. Nhiệm vụ nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, thúc đẩy hoạt động TDTT cả về quy mô và chất lượng là trách nhiệm trước hết của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và cũng là trách nhiệm của mỗi người dân. Ngày nay, ở Đại hội XIII Đảng xây dựng “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030”; phấn đấu sớm đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có đủ trí tuệ và thể lực, đồng thời góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần, tạo dựng nhân cách và lối sống lành mạnh cho người dân Việt Nam. Quán triệt các Nghị quyết của Đảng, sự quan tâm của các Bộ, ngành, các cấp kết hợp với nhận thức của người dân về tầm quan trọng của thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe, phong trào thể dục thể thao quần chúng ở nước ta đã phát triển khá rộng khắp mọi miền. Phong trào thể dục thể thao quần chúng bước đầu đạt được những thành tựu nhất định, đang dần dần trở thành nếp văn hóa trong nhân dân. Điển hình là số người dân khắp mọi miền tham gia tập luyện TDTT trong năm 2020 đạt khoảng 34,4%, vượt so với quy hoạch là 1,4% (năm 2010, tỉ lệ này là 23,6%); có 25,6% số hộ gia đình luyện tập TDTT thường xuyên, (năm 2010, tỉ lệ này là 15,8%). Công trình phục vụ nhu cầu luyện tập, giải trí thể thao của nhân dân được nhà nước ta quan tâm đầu tư xây dựng. Đến năm 2020, đã có khoảng 115.693 công trình TDTT; 40
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” trong đó sân vận động là 8.281; nhà tập luyện và thi đấu là 9.380; gần 5.000 bể các loại; sân bóng đá mini, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, quần vợt là 79.539; các sân thể thao khác 14.034 đủ tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của nhân dân. Nhiều xã, phường, thị trấn đã dành quỹ đất cho thể dục, thể thao, trong đó khoảng 30% xã, phường có sân bóng, hồ bơi, nhà tập. Khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhiều giải thể thao được địa phương tổ chức từ nền tảng phong trào tập luyện thể dục thể thao quần chúng đã được tổ chức thành công. Hằng năm, các đơn vị, cơ sở tổ chức khoảng 50.000 giải thể thao từ các môn truyền thống như chạy ma- ra-tông, đua xe đạp, đi bộ, cầu lông, bóng chuyền hơi... đến các môn thể thao dân tộc như võ cổ truyền, vật dân tộc, kéo co, đẩy gậy... và cả 1 số môn thể thao giải trí mới triển như: ô tô địa hình, câu cá, dù lượn... (Xuân Nhi, 2021). Trong các trường học, phong trào thiếu nhi, học sinh tập luyện môn bơi phòng chống đuối nước được tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả, đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng. Năm 2021 trong hoàn cảnh nhân dân cả nước phải chịu nhiều thách thức vì đại dịch Covid-19, những đợt giãn cách xã hội, những ngày phong tỏa không thể tập luyện tại khu thể thao công cộng thì ở Đà Nẵng đã diễn ra giải chạy ảo “Brave Đà Nẵng”. Đây là một sự đổi mới về hình thức tổ chức phong trào TDTT quần chúng - rất sáng tạo và đáng hoan nghênh. Trên nền tảng ứng dụng strava để kết nối với V-Race nhằm ghi lại kết quả chạy hàng ngày của mình thu hút hơn 32.000 người đủ mọi lứa tuổi trên khắp cả nước tham dự là minh chứng cho tinh thần thể thao rèn luyện sức khỏe của người dân trong mọi hoàn cảnh. Như vậy, với kết quả đạt được nêu trên chứng tỏ phong trào tập luyện thể dục, thể thao toàn dân ta đã có bước phát triển mới cả về bề rộng và chiều sâu, song vẫn còn nhiều mặt còn tồn tại, gặp khó khăn cần tháo gỡ như: Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển tuy mạnh nhưng phát triển chưa sâu rộng, nhất là ở các khu vực còn nhiều khó khăn như nông thôn, miền núi và các khu công nghiệp. Ý thức của một số người dân về rèn luyện sức khỏe thông qua luyện tập TDTT chưa cao. Cơ sở vật chất như sân bãi, dụng cụ tập luyện TDTT trong trường học, ở khu dân cư nhất là vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT, hướng dẫn viên thể dục thể thao còn thiếu. Các nguồn lực đầu tư cho TDTT còn hạn chế, không gian luyện tập thể dục thể thao cho người dân chưa được bố trí 41
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG đúng mức… Do vậy ở một số nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng cao và nông thôn hoạt động TDTT quần chúng diễn ra lẻ tẻ, mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất (Mạnh Hà, 2021). Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nhằm đẩy mạnh công tác thể dục thể thao quần chúng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, cần tập trung một số giải pháp chủ yếu sau: Một là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe. Tiếp tục phổ biến, quán triệt và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phát triển thể dục, thể thao; trong đó, tập trung thực hiện tốt Kế hoạch số 2796/KHBVHTTDL ngày 06/8/2021 về hướng dẫn toàn dân tập thể luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, phòng chống bệnh tật giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 5214/KH-BVHTTDL ngày 26/12/2019 về việc tổ chức tháng hoạt động TDTT cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân giai đoạn 2020 - 2030 gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tuyên truyền về cuộc vận động thông qua biểu ngữ, băng rôn, qua kênh truyền thông… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, gia đình, nhà trường và cộng đồng về vai trò, tác dụng của tập luyện TDTT. Kết hợp công tác tuyên truyền với tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, kết thúc mỗi phong trào, cần làm tốt công tác biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các hoạt động thể dục thể thao và trong công tác tổ chức Đại hội Thể dục thể thao. Hai là, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn tập luyện TDTT khoa học, tăng cường phổ biến rộng rãi để mọi người dân được tiếp cận với môn thể thao mình yêu thích tốt nhất. Từ năm 2020, Tổng cục Thể dục thể thao quần chúng phối hợp các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao, Trường Đại học TDTT xây dựng, phổ biến tài liệu, tranh ảnh, video clip về chuyên môn, kỹ thuật các môn thể thao, các bài tập phù hợp lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, vùng miền, đặc điểm ngành nghề, điều kiện thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh việc số hóa tài liệu, Tổng cục Thể 42
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN” dục thể thao xây dựng Chuyên trang “Hướng dẫn tập luyện thể dục thể thao” trên Cổng thông tin điện tử, tạo đầu mối lưu trữ, cung cấp thông tin, tài liệu tới các bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo tính thống nhất, kịp thời, hiệu quả về hướng dẫn luyện tập TDTT đúng cách; khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng phần mềm các thiết bị điện tử trong việc tuyên truyền, phổ biến tài liệu, tổ chức tập luyện, thi đấu TDTT trực tuyến giúp nhân dân được tiếp cận đa dạng các loại hình tập luyện, thi đấu TDTT một cách dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả. Ba là, nguồn nhân lực phụ trách công tác thể dục, thể thao ở nước ta còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, nhất là ở vùng sâu, vùng cao và nông thôn. Vậy nên cần chú trọng đến đào tạo lực lượng này, cả về giáo dục chính trị tư tưởng đạo đức lẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Hằng năm có thể tổ chức các hội thi về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hướng dẫn tập luyện TDTT để nâng cao năng lực cho đội ngũ phụ trách chuyên môn về TDTT ở các đơn vị, cơ sở. Quan tâm công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá kinh nghiệm, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Biểu dương những cá nhân thi đấu tốt, tập thể điển hình có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phong trào TDTT ở đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm kết hợp đào tạo cán bộ TDTT đồng thời là cán bộ đoàn, hội phụ nữ, là người cao tuổi, tạo thuận lợi cho việc nhân rộng câu lạc bộ TDTT trong quần chúng nhân dân. Bốn là, sự phát triển phong trào TDTT quần chúng cần đi đôi với việc đầu tư về cơ sở vật chất, sân bãi. Do vậy tất yếu Nhà nước cần tính đến kinh phí đầu tư, mua sắm, nâng cấp sửa chữa các thiết bị thể dục thể thao. Ngành văn hóa thể thao và du lịch các địa phương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sự nghiệp TDTT, gắn với phong trào văn hóa, phát triển du lịch của địa phương. Nghiên cứu để ban hành các quy chuẩn về đất đai, tăng cường đầu tư xây dựng các sân chơi, bãi tập, công trình thể thao tại Trung tâm văn hóa, thể thao ở mọi cấp xã, phường, thị trấn… Trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn chế, thì điều cần thiết là cần có sự kết hợp giữa ngân sách Nhà nước với việc thu hút các nguồn lực xã hội, phát triển thể thao, giải trí, kinh doanh dịch vụ TDTT. Mời chào các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình thể thao công cộng, các khu vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân. Động viên người dân tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ, các tổ, nhóm thể thao. 43
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG 4. KẾT LUẬN Ở mọi giai đoạn, dù Việt Nam thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc hay đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, dù ở bất cứ điều kiện nào thì hoạt động TDTT nói chung và thể dục thể thao quần chúng nói riêng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khoẻ, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng của đất nước. Thể dục thể thao làm đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân phong phú thêm. Thể dục thể thao gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần mở rộng giao lưu quốc tế. Chính vì vậy, đầu tư về nguồn nhân lực TDTT, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở, vật chất, tiếp tục công tác tuyên truyền, động viên để tất cả người dân tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe thường xuyên, chính là chúng ta đang vận dụng và thực hiện và làm theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Hồ, C. M. (2011a). Hồ Chí Minh: Toàn tập (Vol. 1). Chính trị quốc gia. [2]. Hồ, C. M. (2011b). Hồ Chí Minh: Toàn tập (Vol. 4). Chính trị quốc gia. [3]. Hồ, C. M. (2011c). Hồ Chí Minh: Toàn tập (Vol. 10). Chính trị quốc gia. [4]. Hồ, C. M. (2011d). Hồ Chí Minh: Toàn tập (Vol. 12). Chính trị quốc gia. [5]. Hồ, C. M. (2011e). Hồ Chí Minh: Toàn tập (Vol. 13). Chính trị quốc gia. [6]. (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (1992). Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (Vol. 1). Thông tin lý luận. [7]. Mạnh Hà. (2021, March 24). Ðẩy mạnh vận động toàn dân rèn luyện thân thể. Báo Nhân dân. https://nhandan.vn/thethao/ay-manh-van-dong-toan-dan-ren- luyen-than-the-639518/ [8]. Tất cả các đoàn thể thanh niên thủ đô đã tham gia ngày thanh niên quốc tế. (1946). Báo Cứu Quốc, số 402. http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi- bin/baochi?a=d&d=WNyf19461111.2.9&e=-------vi-20--1--img-txIN------# [9]. Xuân Nhi. (2021). 75 năm đẩy mạnh vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Trang tin điện tử thể dục thể thao Việt Nam. https://tdtt.gov.vn/chuyen-nganh/the-thao-quan-chung/75-nam-day-manh- van-dong-toan-dan-ren-luyen-than-the-theo-guong-bac-ho-vi-dai 44
ADSENSE
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn