intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quan niệm về ăn chay trong Phật giáo với việc bảo vệ môi trường hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Phật giáo là một tôn giáo lớn, ra đời vào thế kỷ VI trước Công nguyên, có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng rãi trên thế giới. Bài viết tập trung làm rõ 2 nội dung: Một là, trình bày các quan điểm về ăn chay của Phật giáo; Hai là, phân tích làm rõ tác dụng của việc ăn chay đối với con người và môi trường sinh thái.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quan niệm về ăn chay trong Phật giáo với việc bảo vệ môi trường hiện nay

  1. QUAN NIỆM VỀ ĂN CHAY TRONG PHẬT GIÁO VỚI VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG HIỆN NAY TS. CAO THỊ SÍNH1* ThS. PHẠM THÀNH LUÂN2** Tóm tắt: Phật giáo là một tôn giáo lớn, ra đời vào thế kỷ VI trước Công nguyên, có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng rãi trên thế giới. Tuy không trực tiếp nhằm xây dựng một lý thuyết bảo vệ môi trường, song quan niệm về ăn chay trong triết lý nhân sinh của Phật giáo không chỉ có ý nghĩa to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng lối sống thân thiện, hài hòa, cân bằng giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên mà còn là những chỉ giáo quan trọng giúp con người nhận thức và hành động để bảo vệ môi trường - ngôi nhà chung của nhân loại. Bài viết tập trung làm rõ 2 nội dung: Một là, trình bày các quan điểm về ăn chay của Phật giáo; Hai là, phân tích làm rõ tác dụng của việc ăn chay đối với con người và môi trường sinh thái. Từ khóa: Ăn chay, bảo vệ môi trường, môi trường sinh thái, Phật giáo, tài nguyên. Đặt vấn đề Hiện nay, nhân loại đang đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chủ yếu là do con người khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên thiên nhiên để thỏa mãn nhu cầu vật chất của mình. Sự tác động làm thay đổi môi trường tự nhiên một cách mạnh mẽ của con người đã đe dọa trực tiếp đến tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến sự sống, sự tồn vong của toàn nhân loại. Do đó, việc bảo vệ môi trường không còn là nhiệm vụ của một quốc gia, dân tộc mà đã trở thành vấn đề mang tính cấp thiết toàn cầu. Phật giáo là một tôn giáo lớn, ra đời vào thế kỷ VI trước Công nguyên, có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng rãi trên thế giới. Đạo Phật đã để lại những di sản tư tưởng * Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. ** Trường Đại học Tây Bắc.
  2. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 539 có ý nghĩa vô cùng lớn lao, trong đó nổi bật là triết lý nhân sinh vẫn giữ nguyên giá trị. Các học thuyết căn bản của Phật giáo như: thuyết Duyên khởi, thuyết Nhân quả, các tư tưởng luân hồi, nghiệp báo, tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên, ngũ giới và thập thiện… là nền tảng cho mối quan hệ biện chứng giữa môi trường tự nhiên và con người. Với phương châm từ bi, bất sát, đức hiếu sinh, “thiểu dục tri túc”, Phật giáo đã có những quan niệm tích cực, khuyên con người hãy sống từ, bi, hỷ, xả, yêu thương muôn loài chúng sinh, thân thiện với môi trường tự nhiên. Vì vậy, Phật giáo đã đem đến cho nhân loại phương pháp sống đẹp, sống thiện, lối sống hài hòa, cân bằng giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên. Đặc biệt, quan niệm về ăn chay của Phật giáo là một giải pháp thiết thực giúp con người nhận thức và hành động để bảo vệ sự sống, nâng cao sức khỏe, làm cho tâm hồn con người được thanh tịnh hơn, cuộc sống an yên, ổn định, góp phần trực tiếp vào việc bảo vệ môi trường. Tuy không phải là một nội dung chính yếu, nhưng quan niệm về ăn chay của Phật giáo là những chỉ giáo quan trọng giúp con người nhận thức và hành động để bảo vệ môi trường - ngôi nhà chung của nhân loại. Với ý nghĩa đó, ở bài viết này chúng tôi làm rõ: Quan điểm về ăn chay của Phật giáo với việc bảo vệ môi trường hiện nay. Phương pháp nghiên cứu Để làm rõ quan điểm về ăn chay của Phật giáo với việc bảo vệ môi trường hiện nay, chúng tôi dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, cùng với việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản như: phương pháp phân tích - tổng hợp, phương pháp logic - lịch sử, phương pháp diễn dịch - quy nạp, phương pháp so sánh, đối chiếu, phương pháp thống kê… cũng như kế thừa các số liệu từ các công trình đã được công bố của các nhà khoa học. 1. Các quan điểm về ăn chay 1.1. Quan điểm ăn chay theo Phật giáo nguyên thuỷ Trong Phật giáo có hai trường phái lớn là Đại thừa và Phật giáo Nguyên thuỷ hay Phật giáo Nam tông. Mỗi trường phái này có quan niệm khác nhau về ăn chay. Theo quan điểm Phật giáo Nam Tông, người xuất gia được phép thọ dụng các thức ăn thịt, cá... do thí chủ cúng dường gọi là “tam tịnh nhục”, nhưng theo quan điểm Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc, người xuất gia không được ăn mặn cho dù những loại thịt đó là “tam tịnh nhục “. Vì sao có sự dị biệt này, trước tiên chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của việc ăn chay qua các kinh điển Phật giáo Nam tông.
  3. 540 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Quan niệm về ăn chay theo Phật giáo Nam tông được thể hiện rõ trong “Kinh Jivaka “(Jivaka sutta): “Này Jivaka, những ai nói như sau: “Vì Sa môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa môn Gatoma tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình được làm cho mình”, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi vì mình mà giết. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi vì mình mà giết. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng”.1 Đức Thế Tôn phủ nhận lời xuyên tạc cho rằng: Ngài biết người khác vì mình mà giết hại sinh vật, nhưng Ngài vẫn thọ dụng các loại thịt ấy. Mặt trái của lời phủ nhận này, lại xác định Thế Tôn là người được thọ dụng các loại thịt cúng dường, nhưng Ngài hoàn toàn không hay biết gì về sự giết hại đó. Thật ra đức Phật còn tại thế và Tăng đoàn đều ăn chay theo nguyên tắc này. Ai cúng thức ăn gì, Ngài thọ dụng thức ăn ấy, không đòi hỏi, tuyệt đối không khuyến khích người khác vì mình mà giết hại sinh vật, chính mình cũng không thấy người khác giết hại hay thấy người khác giết mà đồng lòng. Qua đó, Ngài xác định có ba loại thịt không được thọ dụng và ba loại thịt được thọ dụng. Ba loại thịt không được thọ dụng là thấy, nghe và nghi, có nghĩa là: khi thấy người khác giết hại sinh vật mà không ngăn cản, lại thọ dụng loại thịt đó, như thế là vi phạm; khi nghe tiếng kêu la của các loài sinh vật bị giết mà không tìm cách ngăn cản hành vi giết hại, lại thọ dụng loại thịt này, như thế là vi phạm; thứ ba là hoài nghi người nào đó có ý định giết hại sinh vật, nhưng lại không tìm cách ngăn cản, thịt đó không được thọ dụng. Ngoài ra, còn một trường hợp nữa, thịt không được thọ dụng là tự mình giết hại. Ngược lại, ba loại thịt được thọ dụng là không thấy, không nghe và không nghi. Không thấy có nghĩa là không thấy người khác giết hại sinh vật; không nghe là không nghe thấy tiếng kêu la của loài cầm thú bị giết hại; không nghi là không nghi ngờ ai đó giết hại sinh vật. Thịt được cúng dường trong trường hợp này Tỷ kheo được thọ dụng, không phạm giới sát sinh. Nói cách khác, những loại thịt nào không cố ý giết, không bảo người khác giết, không thấy người khác giết tỏ ý đồng thuận vui theo, những loại thịt đó Tỷ kheo được phép thọ dụng. Có nghĩa là Tỷ kheo đi khất thực, được thí chủ cúng dường bất cứ loại thực vật gì, ngay cả thịt, cá... Tỷ kheo thọ nhận và ăn vật ấy. Tỷ kheo không được quyền lựa chọn, không được bảo thí chủ nên cúng dường vật này, không nên cúng vật kia. Thí chủ cúng dường thịt ăn thịt, cúng dường rau đậu ăn rau đậu..., không được khen chê. 1 Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ kinh, Tập 2, Số 55,https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung55.htm
  4. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 541 Khi đức Phật còn tại thế, Ngài và Tăng đoàn cũng sống theo hình thức khất thực này, sống bằng những vật thực do thí chủ cúng dường, là các loại thức ăn của người dân sống hằng ngày, họ lấy ra một phần nhỏ trong phần ăn của mình để cúng dường Tăng sĩ, bao gồm những vị Tăng sĩ của những tôn giáo khác. Có thể nói, đây là bài kinh cơ bản để hình thành quan điểm ăn chay theo Phật giáo Nam tông, cho đến ngày nay Phật giáo Nam Tông vẫn còn giữ hình thức ăn chay này. Khái niệm ăn chay đây mang ý nghĩa “sống bằng đời sống khất thực, không cố ý sát sinh”, nhưng nó không đồng nghĩa với cách ăn chay theo Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc, hay những nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo này. Theo tinh thần giới luật của Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông đều quy định: Tỷ kheo vi phạm giới sát sinh thì phạm giới Ba la di, là một trong bốn giới trọng của Phật giáo. Trong bốn tội Ba la di, tội thứ ba là cấm Tỷ kheo không được “sát sinh”. Nội dung và ý nghĩa của tội này quy định: “Nghiêm cấm Tỷ kheo không được cố ý giết hại sinh mạng cho dù dưới hình thức nào”. Với ý nghĩa này, Phật giáo Nam Tông ăn chay theo quan điểm “tam tịnh nhục” tức không thấy, không nghe và không nghi thì nó không trái với tinh thần giới luật, vì cố ý giết hại. Trong cuộc sống của con người không thể tránh khỏi sự sát hai vô tình, cho nên đức Phật chỉ khuyên con người không nên cố ý giết hại sinh vật. Đó là nguyên do tại sao Phật giáo đề cao vai trò ý nghiệp trong ba nghiệp, lấy ý nghiệp làm tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức, thiện ác... 1.2. Quan điểm ăn chay theo Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc Nếu như ở Ấn Độ, người dân xem văn hóa khất thực là hình ảnh cao quý, người khất thực là người có đạo đức trong xã hội, do vậy, người dân rất tôn kính những người hành khất thực thì ngược lại, người Trung Quốc có quan niệm cho rằng, người hành khất thực là người ăn xin (cái bang); người ăn xin không thể là người thanh cao, có tài, có đức trong xã hội. Do vậy, truyền thống khất thực của Phật giáo không thể phát huy tại đất nước Trung Quốc. Nếu như kinh điển Nguyên thủy ca ngợi hành khất thực thì kinh điển Đại thừa ca ngợi sự bố thí - cúng dường. Mặc dù, tư tưởng Phật giáo Đại thừa hình thành tại Ấn Độ nhưng phát triển ở Trung Quốc. Bố thí là một trong sáu Ba la mật được Phật giáo Đại thừa triển khai triệt để. Bố thí là một phương tiện tu tập của Bồ Tát đại thừa, nhưng mặt khác, nó là phương pháp giải quyết vấn đề kinh tế cho giới Tăng lữ, vì giới tăng lữ càng ngày càng đông, có những tự viện lên đến hàng vạn người xuất gia; mặt khác, vì để cầu phước, cho nên các địa chủ, quan lại đem ruộng nương điền thổ cúng dường nhà chùa, do vậy nhà chùa trở thành người có nhiều ruộng đất nhất. Bên cạnh đó, chế độ cúng dường bị
  5. 542 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... phê phán, cho nên chế độ tự cung, tự cấp phải được thực hiện. Chế độ này được ngài Bách Trượng gọi là “nhất nhựt bất tác, nhất nhựt bất thực”, có nghĩa là một ngày không làm, một ngày không ăn. Quy định này nhằm vào thành phần xuất gia, xuất gia cũng phải làm việc để sống, không thể dựa vào tín đồ. Đây là hoàn cảnh và nhu cầu thực tế của xã hội Phật giáo Trung Quốc lúc bây giờ, cũng là nét đặc thù của Phật giáo nước này. Xuất phát từ phong tục, tập quán, văn hóa dân tộc, nên người Trung Quốc không tiếp thu hệ tư tưởng kinh điển Nguyên thủy mà chỉ chấp nhận quan điểm của Phật giáo Đại thừa, vì tư tưởng Phật giáo Đại thừa và tư tưởng Lão Trang có những điểm tương đồng. Trong tác phẩm Trung Quốc Phật giáo sứ của nhà sử học Quách Bằng đã trình bày chuyên đề thảo luận về vua Lương Võ Đế (502-536) và vấn đề ăn chay. Nhà vua này vốn rất thuần thành tín ngưỡng Phật giáo, là người có công kiến tạo nhiều ngôi chùa đồ sộ ở Trung Quốc; lập đàn tràng trai tăng chẩn tế, còn thay mặt Tăng già giảng kinh nói pháp, chú giải kinh điển. Đặc biệt, ông có ảnh hưởng sâu sắc đến hậu thế là đề xướng vấn đề ăn chay (hoàn toàn không ăn thịt cá). Vì muốn toàn thể tăng ni triệt để thực thi, cho nên nhà vua đã ban ra tổng cộng 4 sắc lệnh với nội dung bắt tăng ni phải triệt để ăn chay. Trong đó có đoạn ông viết: “Nay, các tăng ni, các vị trụ trì cần phải cảnh giác, nghiêm dạy chúng tăng không được ăn mặn; nếu giải đãi, không tuân lệnh … sẽ trị tội” hay “Nếu Tăng chúng không tuân lệnh… vẫn còn ăn mặn đệ tử (Lương Võ Đế) sẽ căn cứ theo pháp luật trị tội”. Từ đó Tăng ni Phật giáo Trung Quốc bắt đầu ăn chay theo kiểu này. Có lẽ, đây là lý do chính để lý giải tại sao Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc lại ăn chay, không ăn mặn. Nó khác với một số nước Phật giáo Đại thừa như ở Tây Tạng, Mông Cổ... Còn một số nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc (Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản…) đều ăn chay, không ăn mặn. Sự hình thành cách ăn chay này có nhiều lý do, nhưng trước tiên là xuất phát từ yếu tố cơ bản là tâm từ bi của Phật giáo, trong đó có cả yếu tố lòng nhiệt thành của nhà vua đối với Phật pháp. Xét thấy, nó không những không trái với lòng từ bi của Phật giáo, mà còn phù hợp với bản sắc văn hóa của Trung Quốc, cho nên việc ăn chay hình thành. 2. Các hình thức ăn chay trong Phật giáo Mặc dù việc ăn chay của Phật tử là một điều cần thiết, một phương pháp tu hành, nhưng muốn được lợi ích thiết thực, cần phải có phương pháp và áp dụng
  6. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 543 một cách tuần tự theo căn cơ và sở nguyện của mình. Trước tiên không phải người Phật tử nào cũng có thể bỏ được ngay tập quán ăn mặn của mình để ăn chay. Vì thế, tâm đạo chia ra làm hai loại: ăn chay kỳ và ăn chay trường. Thứ nhất là, ăn chay kỳ Ăn chay kỳ là ăn có kỳ hạn nhất định trong mỗi tháng hay mỗi năm: Nhị trai: Ăn hai ngày chay trong mỗi tháng: mùng một và rằm âm lịch. Tứ trai: Ăn bốn ngày chay trong tháng: mùng một, mùng tám, rằm và ngày hai ba. Lục trai: Ăn sáu ngày chay trong tháng là: mùng một, mùng tám, mười bốn, rằm, hai ba, hai chín, ba mươi (tùy tháng thiếu hay đủ). Thập trai: Ăn mười ngày chay trong một tháng là: mồng một, mồng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hai ba, hai bốn, hai tám, hai chín và ba mươi (nếu tháng thiếu thì hai bảy, hai tám, hai chín). Nhất nguyệt trai: Là ăn một tháng chay vào tháng giêng hay tháng bảy. Tam nguyệt trai: Là ăn ba tháng chay: tháng giêng, tháng bảy và tháng chín (hay tháng mười), hoặc liên tiếp trong vòng ba tháng. Nếu tập ăn chay kỳ trong một thời gian mà không gặp một phản ứng nào về thân, tâm và nhận thấy có lợi ích thì nên thực hiện ăn chay trường. Thứ hai là, ăn chay trường Ăn chay trường hay trường trai là toàn ăn chay liên tục trong mỗi ngày, không gián đoạn cho đến hết đời. Nếu mỗi ngày phát tâm không ăn sau 12 giờ trưa thì gọi là ngọ trai. Cả hai loại ăn chay kỳ và ăn chay trường đều cần có phương pháp thực hành, trong đó trước hết cần chú ý đến việc chế biến các món ăn. Để ăn cho được lâu dài và không ngán, chúng ta nên chọn những món ăn có nhiều sinh tố, bổ dưỡng như: cà chua, rau muống, đậu nành, nấm rơm, cải bắp, khoai tây, nếp lức… và những món ăn cũng phải thường xuyên thay đổi. Mặt khác, khi ăn chay, cần tránh những điều như: không kiêu mạn, không nên háo danh, không nên ép xác, không nên giả mặn, không được quên ngày chay… Như vậy, có thể khẳng định rằng ăn chay xuất phát từ nhà Phật, từ này có nghĩa là ăn những thứ càng tịnh, thanh nhẹ và sạch thì càng tốt cho sức khỏe, trí não được cân bằng sáng suốt.
  7. 544 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Có những quan điểm khác nhau về ăn chay. Theo Phật giáo nguyên thủy thì người xuất gia được phép thọ dụng các thức ăn thịt, cá... do thí chủ cúng dường gọi là “tam tịnh nhục”. Nhưng, theo truyền thống Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc, người xuất gia không được ăn mặn, cho dù những loại thịt đó là “tam tịnh nhục”. Việc ăn chay muốn thực hành được thì cần phải có phương pháp và áp dụng một cách tuần tự. Phật giáo chia ra làm hai loại ăn chay, đó là chay kỳ và chay trường. Ăn chay cần phải áp dụng phương pháp thực hành phù hợp hoặc khi ăn chay cần tránh một số điều như: không kiêu mạn, không nên háo danh, không nên ép xác, không nên giả mặn, không được quên ngày chay... 3. Tác dụng của việc ăn chay đối với con người và môi trường sinh thái 3.1. Tác dụng của việc ăn chay đối với con người Ăn chay có tác dụng quan trọng đối với sức khỏe con người. Nhà bác học Albert Einstein khẳng định: “Không có thứ gì mang lại lợi ích cho sức khỏe con người và làm tăng cơ hội sống còn trên thế gian này bằng phương pháp phát triển một chế độ ăn chay”.1 Trong xã hội hiện đại, con người thường ăn nhiều thịt và dẫn tới nhiều căn bệnh như: tiểu đường, sạn thận, huyết áp cao, đau tim, tắc nghẽn mạch máu, xung huyết não, các bệnh về ngũ tạng, đồng thời xuất hiện nhiều chứng bệnh ung thư... Các loại rau, các loại đậu, trái cây và rong biển có nhiều dinh dưỡng, rất phong phú và không chứa độc tố. Các loài thực vật này là những chất giúp lọc sạch máu, giúp máu huyết trong cơ thể con người được bảo trì, thông suốt. Thịt được coi là thực phẩm có tính chua, nên ăn thịt sẽ khiến máu huyết có tính chua, làm cho máu bị vẩn đục. Những người ăn chay thì máu huyết luôn trong sạch, tuần hoàn rất nhanh nên thân thể được thanh thản, đầy đủ tinh lực, sức nhẫn nại phong phú, trí tuệ nhanh nhẹn nên có sức khỏe tốt. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, thịt là một loại thực phẩm có chất độc mãn tính. Khi gia súc, gia cầm bị giết mổ thì cơ thể chúng sản sinh ra, xuất tiết một độc tố truyền đi khắp toàn thân, truyền vào các huyết quản, các tế bào và ngấm hoàn toàn vào các mô của con vật; thân thể, khí quản của chúng sẽ đình chỉ hoạt động, loại độc chất này không thải ra ngoài được mà tích tụ trong thịt. Khi chúng ta ăn thịt đó, tức là dẫn độc tố vào cơ thể, cho nên sẽ có tác hại đối với sức khỏe của con người. Đồng thời, các nhà khoa học đã làm thí nghiệm cho thấy các 1 Báo Giác ngộ Online, https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=764003
  8. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 545 loại rau cải, đậu hũ có thể hóa giải được các độc tố trong thịt. Nếu nấu canh thịt với các loại rau cải hay gừng, tỏi thì chất độc trong thịt sẽ được giảm bớt. Theo sự phân tích giải phẫu về hệ tiêu hóa của con người thì con người phù hợp với việc ăn chay chứ không phải ăn thịt, vì động vật ăn thịt thì ruột non ngắn, ruột già thẳng và trơn tru bằng phẳng, còn động vật ăn chay thì ruột non và ruột già dài. Ruột của con người rất dài, gấp 6 lần chiều dài cơ thể,1 không bằng phẳng mà còn chồng chất lên nhau, thức ăn đi qua mất từ 18 - 24 giờ; đường ruột như vậy là thích hợp với việc ăn chay. Hơn nữa, thịt có rất ít chất xơ, sau khi được tiêu hóa, nhiều cặn bã từ thịt nằm lại trong ruột của con người, lâu ngày sẽ sinh ra độc tố làm ảnh hưởng đến ngũ tạng, lá gan sẽ phải chịu áp lực vô cùng nặng nề, dễ dẫn tới bệnh xơ gan, ung thư gan. Thịt còn có nhiều chất acid và ure, nếu ăn nhiều sẽ làm gia tăng hoạt động của thận, dễ dẫn tới những bệnh về thận. Một bác sĩ người Mỹ đã phân tích nước tiểu của người ăn thịt và người ăn chay và nhận thấy rằng so với thận của người ăn chay, thận của người ăn thịt phải làm việc vất vả gấp 3 lần để loại bỏ những độc chất phức hợp trong thịt.2 Hơn nữa, khi ăn thịt, ruột của con người phải trải qua sự hấp thụ một cách quá độ, trong các loại thịt lại thiếu chất xơ, dễ gây táo bón, dẫn đến bệnh trĩ và ung thư trực tràng. Ăn nhiều thịt khi tiêu hóa cơ thể sẽ tạo ra chất homocystein, làm cho thành mạch dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho cholesterol hình thành xơ mỡ động mạch. Khi lượng homocystein càng cao càng dễ bị bệnh mạch vành gây nhồi máu cơ tim và hẹp động mạch càng dễ gây thiếu máu não, hoặc tai biến mạch máu não… Những người tuổi trung niên trở lên, cơ thể và các chức năng dần suy yếu nên cần phải ăn kiêng, tránh ăn thực phẩm nhiều Cholesterol để duy trì sức khỏe và ăn chay là biện pháp rất hữu ích. Từ những phân tích trên cho thấy rằng, việc ăn chay là phù hợp với cấu tạo của bộ phận đường ruột của con người, ngược lại ăn thịt không phù hợp, không mang lại kết quả cao cho sức khỏe của con người. Mặt khác, từ các bản báo cáo khoa học cho thấy: Thịt khi nướng sẽ sinh ra một chất hóa học gây ung thư nghiêm trọng. Một miếng thịt bò Beep Steak tương đương với lọai hóa học vật chất từ 600 điếu thuốc thải ra. Nếu gia súc, gia cầm bị ung thư, mà con người ăn phải thịt của chúng cũng sẽ bị truyền nhiễm những bệnh ung thư. Uống rượu gây ung thư phổi, xoang miệng, thực đạo và ung thư bao tử, gián tiếp 1 BS. Vũ Hướng Văn, Báo Giác ngộ Online, https://giacngo.vn/PrintView.aspx?La guage=vi&ID =764003. 2 BS. Vũ Hướng Văn, Báo Giác ngộ Online, https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID =764003
  9. 546 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... dẫn tới ung thư gan và xơ gan. Còn uống bia liên quan tuyệt đối đến ung thư trực tràng và kết tràng. Nếu con người vừa thích ăn thịt, cá lại vừa ham uống rượu bia thì dễ dẫn đến nhiều bệnh tật, có hại cho sức khỏe. Các thực phẩm có thể ngăn ngừa ung thư là các thức ăn chứa nhiều Vitamin A, Vitamin C như: bông cải, bắp cải, dưa gang, khoai tây, cà chua, hành tử, trái đào, bí, bầu, bông cải xanh, cải bẹ xanh, bưởi, ớt xanh, chanh, lê, cam, dứa, dâu, các loại đậu, cà rốt, các loại sữa bột ít chất béo... Nếu như thịt và các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật có rất ít Vitamin B, Vitamin E thì trong các loại ngũ cốc, các loại đậu, lúa mì lại có rất nhiều. Vì thế, ăn chay rất có lợi cho sức khỏe, trí tuệ của con người. Như vậy, việc ăn chay đem lại sức khỏe và nhiều lợi ích to lớn cho con người, kiện khương trường thọ, thanh xuân vững bền, tăng trưởng lòng từ bi, thần trí thanh, não lực nhanh nhẹn, đề cao trí tuệ và sức phán đoán. Đặc biệt, việc ăn chay có ý nghĩa thiết thực trong bảo vệ môi trường sinh thái. 3.2. Tác dụng của việc ăn chay đối với bảo vệ môi trường sinh thái Trước hết, việc ăn chay góp phần bảo tồn nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ... Theo các công trình nghiên cứu, để sản xuất một calorie protein thịt bò thì mất khoảng 78 calorie năng lượng nhiên liệu hóa thạch; sản xuất một calorie thịt heo mất khoảng 35 calorie năng lượng nhiên liệu hóa thạch, nhưng để sản xuất một calorie đậu nành thì chỉ với 1 calorie năng lượng nhiên liệu. Hai là, ăn chay tiết kiệm nguồn nước, hạn chế ô nhiễm môi trường nước Nếu con người sản xuất đạm thực vật sẽ tiết kiệm từ 3 đến 15 lần lượng nước so với sản xuất đạm động vật. GS John Robbin đã tính được, “để sản xuất 1kg khoai tây, lúa mỳ, ngô và gạo cần tương ứng 120, 216, 336 và 450 lít nước. Tuy nhiên, để sản xuất được 1kg thịt bò, cần có tới trên 18 ngàn lít nước. Để có 1 lít sữa bò cần 1.000 lít nước ngọt. Thực tế, ngành chăn nuôi gia súc hiện sử dụng tới 70% dữ trữ nước ngọt dành cho con người”.1 Nhu cầu tiêu thụ thịt gia tăng cũng có nghĩa là nước ngọt sử dụng cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ngày càng sẽ cạn kiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người và sự sinh tồn của mọi sinh vật trong thế giới. Hiện giờ, hàng tỷ người không có nước uống tinh khiết và an toàn, cứ 6 người thì có 1 người rơi vào tình trạng này, “hàng triệu trẻ sơ sinh và trẻ em đáng lẽ không 1 Dẫn theo: Thích Thiên Huy, Phật giáo Việt Nam: Các vấn đề về tôn giáo sinh thái và bảo vệ môi trường, in trong: Quan điểm Phật giáo về cách mạng công nghiệp 4.0 và môi trường bền vững, Đại lễ Phật Đản Vesak Liên hợp quốc 2019, Thích Nhật Từ (Chủ biên), Nxb Tôn giáo, 2019, trang 230.
  10. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 547 bị tử vong mỗi năm chỉ vì không được tiếp cận với nước, vệ sinh, dinh dưỡng hợp lý hoặc dịch vụ y tế cơ bản”.1 Bên cạnh đó, nguồn nước để phục vụ việc giết mổ gia súc, gia cầm, phục vụ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm… dẫn đến hao phí nguồn nước, làm ô nhiễm môi trường do nước thải. Trái đất ngày càng nóng lên do có nhiều nhà máy, máy móc phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Hơn nữa, ngành này lại dùng nhiên liệu chủ yếu là than đá, xăng dầu nên đã thải ra nhiều khói bụi gây hiệu ứng nhà kính, làm băng tan, mưa bão, thiên tai tàn phá môi trường v.v.. Do vậy, việc ăn chay sẽ tránh được lượng nước lớn ô nhiễm môi sinh và giảm thiểu khối lượng khí. Con người nhận thức được những tác động tiêu cực của ngành chăn nuôi đối với môi trường, để từ đó thấy được rằng ăn chay sẽ giúp giảm được lượng thịt tiêu thụ trong các bữa ăn cũng là một cách bảo vệ cân bằng môi trường sinh thái. Ba là, ăn chay góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đất hiệu quả Đất là một nguồn tài nguyên quý giá. Môi trường đất là nơi trú ngụ của con người và hầu hết các sinh vật sống trên cạn, là nền móng của các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và văn hóa của con người. Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, con người không thể không sử dụng tài nguyên đất để tạo ra lương thực, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con người. Nhưng hiện nay, với nhịp độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã dẫn đến diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp, chất lượng đất ngày càng suy thoái… Hiện tượng suy thoái tài nguyên đất, ô nhiễm môi trường đất là rất đáng lo ngại. Cho nên, bảo vệ môi trường sống của con người, trước hết và cần thiết là bảo vệ nguồn tài nguyên đất, bởi vì, mọi hoạt động của con người, đặc biệt là hoạt động sản xuất của họ đều diễn ra và gắn liền với một môi trường nhất định. Mặt khác, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khi canh tác lúa thóc, và rau đậu, lớp đất mặn được sử dụng một cách hiệu quả hơn nhờ vào đặc tính cố định đạm của chúng. Như vậy, chúng ta đã sử dụng nguồn tài nguyên nông nghiệp ít hơn nhưng lại đạt được hiệu quả cao hơn, Bốn là, ăn chay góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, hạn chế việc sử dụng quá mức các nguồn sản vật từ rừng. Do sự biến đổi, tăng trưởng nhanh về kinh tế, dân số, nhu cầu tiêu dùng của con người ngày càng tăng cao dẫn đến việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên rừng. Chẳng hạn như, ở Việt Nam trong thời 1 Unicef fo every Child (Tiếng Việt), Thông cáo báo chí, ngày 18/9/2018.
  11. 548 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... gian qua, tình trạng khai thác gỗ trầm, săn bắt động vật quý hiếm, khai thác sâm Ngọc Linh… đang là vấn đề đáng lo ngại, tới mức báo động. Báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF, 2016) cho rằng: “tác động của con người đã đẩy tốc độ tuyệt chủng của các loài hoang dã trên thế giới hiện nay nhanh gấp khoảng 4.000 lần so với thời kỳ Đại tuyệt chủng của các loài khủng long”, đồng thời cũng cảnh báo rằng, “nếu không có các hành động khẩn cấp thì trong vòng khoảng ba thập kỷ tới thế giới sẽ phải chứng kiến cuộc đại tuyệt chủng các loài hoang dã lần thứ 6”.1 Hiện nay, thế giới có khoảng 7, 7 tỷ người,2 nếu tất cả mọi người đều ăn chay thì chỉ cần 3 tỷ sào đất là đủ, không cần phá rừng hay hủy hoại môi trường thêm nữa. Còn nếu con người vẫn sử dụng thịt trong các bữa ăn thì cần phải có 18 tỷ sào đất, dẫn đến việc phá rừng để trồng cỏ nuôi gia súc, mở thêm nông trại, phá rừng phòng hộ ven biển để nuôi tôm, cá. Không còn rừng để chắn gió bão dẫn đến đất đai bị xói mòn, thiên tai nhiều hơn và nhiều động vật bị tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái... Năm là, ăn chay góp phần sử dụng nguồn lương thực một cách hiệu quả, hợp lý, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Để sản xuất ra 0,45kg thịt bò; 1,4 kg thịt cừu, và 2,7 kg trứng thì phải dùng khoảng 7,264 kg đậu nành và lúa thóc. Bằng việc tiêu thụ thực phẩm từ trực tiếp lúa thóc, chúng ta sẽ tiêu thụ thực phẩm một cách hiệu quả hơn và góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Năm 2018, “có khoảng 821 triệu người nằm trong diện thiếu ăn trầm trọng, tăng khoảng 11 triệu người so với năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, số người trong diện thiếu ăn trầm trọng đã tăng lên”, “số lượng các vụ thiên tai trên thế giới đã tăng hơn gấp đôi so với những năm 90 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đã khiến rất nhiều người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn - một trong nguyên nhân chính gây nên nạn đói” .3 Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) thông báo “số người sống trong cảnh đói nghèo trên thế giới đã tăng liên tục trong 3 năm qua, đặc biệt tại các nước châu Phi và khu vực Nam Mỹ, nơi xảy ra các cuộc xung đột triền miên và thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu. Theo tính toán của tổ chức này, cứ 9 người trên thế 1 Xem: Bùi Đăng Phong, Hiện trạng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, Bản tin chính sách, Trung tâm con người và thiên nhiên, ISSN 0866 - 7810, Số 29 - 30, quý I, II, Năm 2018, Trang 4 -11. 2 Nguồn danso.org/dan -so-the-gio 3 Thời báo Tài chính Việt Nam Online, Cơ quan của Bộ Tài chính, ngày 8/12/2019
  12. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 549 giới thì có 1 người đang sống trong cảnh đói nghèo”.1 Trong khi đó, người ta tính rằng, “hiện nay trên thế giới 1/3 ngũ cốc được dùng làm thức ăn trong chăn nuôi cũng như 90% sản lượng đậu nành. Để có được 1kg thịt bò người ta cần 10 kg ngũ cốc làm thức ăn cho chăn nuôi, 1kg thịt heo cần từ 4,0 - 5,5 kg ngũ cốc, 1 kg thịt gia cầm cần 2,1 - 3,0 kg ngũ cốc”.2 Mặt khác, xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của con người ngày càng tăng nhanh nên ngành chăn nuôi phát triển. Song, tác hại của ngành này làm cho môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề, vì chăn nuôi gia súc tạo ra lượng thán khí nhiều hơn 40% lượng thán khí của tất cả phương tiện giao thông toàn cầu. Hiện nay có khoảng: “13.000 - 20.000 km2 diện tích mặt biển và cửa sông Mississppi đã bị coi là “vùng chết” vì phân động vật, các nguyên tố nito, phân hóa học và những thứ độc hại khác thải ra từ các trang trại chăn nuôi. Các chất ô nhiễm đã lấy hết nguồn oxy của cơ thể sống khác”.3 Như vậy, muốn bảo vệ, giữ gìn môi trường sống, hạn chế những hiện tượng, thảm họa như: động đất, sóng thần, thiên tai, khí độc, hiệu ứng nhà kính... con người cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Song, trước tiên con người cần thực hiện lối sinh hoạt giản dị, ăn uống thanh tịnh bằng việc ăn chay... Ăn chay là một trong những phương pháp thiết thực, dễ thực hiện, chi phí thấp nhất, nhưng lại mang lại hiệu quả cao trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng sống của con người. Ăn chay không chỉ giúp cho con người phòng chống bệnh tật, kéo dài tuổi thọ, tâm hồn được thanh tịnh, bình an, giữ gìn sức khỏe mà còn bảo vệ sự sinh tồn của các loài chúng sinh, sự sống của con người và bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên. 4. Kết luận và khuyến nghị Phật giáo là một tôn giáo lớn, ra đời vào thế kỷ VI trước Công nguyên, có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng rãi trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, Phật giáo được nhân loại tôn vinh là một trong những tôn giáo có một triết lý sống nhân văn, hòa đồng, gần gũi với tự nhiên và thiết thực nhất. Đạo Phật là một tôn 1 Thời báo Tài chính Việt Nam Online, Cơ quan của Bộ Tài chính, ngày 8/12/2019. 2 Xem: Thích Thiên Huy, Phật giáo Việt Nam: Các vấn đề về tôn giáo sinh thái và bảo vệ môi trường, in trong: Quan điểm Phật giáo về cách mạng công nghiệp 4.0 và môi trường bền vững, Đại lễ Phật Đản Vesak Liên hợp quốc 2019, Thích Nhật Từ (Chủ biên), Nxb Tôn giáo, 2019, trang 229. 3 Xem: Thích Thiên Huy, Phật giáo Việt Nam: Các vấn đề về tôn giáo sinh thái và bảo vệ môi trường, in trong: Quan điểm Phật giáo về cách mạng công nghiệp 4.0 và môi trường bền vững, Đại lễ Phật Đản Vesak Liên hợp quốc 2019, Thích Nhật Từ (Chủ biên), Nxb Tôn giáo, 2019, trang 230.
  13. 550 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... giáo xuất phát từ hiện thực con người và vì con người, nhằm hướng đến cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, an lạc cho con người. Tuy không trực tiếp nhằm xây dựng một lý thuyết bảo vệ môi trường, song quan niệm về ăn chay trong triết lý nhân sinh của Phật giáo không chỉ có ý nghĩa to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng lối sống thân thiện, hài hòa, cân bằng giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên mà còn là những chỉ giáo quan trọng giúp con người nhận thức và hành động để bảo vệ môi trường - ngôi nhà chung của nhân loại. Do đó, để thực sự phát huy vai trò, tác dụng tích cực của quan niệm về ăn chay trong Phật giáo đối với việc bảo vệ mội trường hiện nay, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị sau: Một là, cần nâng cao nhân thức của người dân về vai trò, tác dụng to lớn của ăn chay đối với việc bảo vệ, giữ gìn sức khỏe của con người góp phần vào vấn đề bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần giáo dục người dân nhận thức đúng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế với việc bảo vệ môi trường sống của con người nói riêng, bảo vệ sự sống nói chung. Hai là, lan tỏa trong nhân dân hành động ăn chay hợp lý, khoa học nhằm bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững an ninh lương thực. Ba là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có những định hướng, chương trình tổ chức triển khai nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề: Vai trò của việc ăn chay đối với bảo vệ môi trường hiện nay. T ÀI L I ỆU T H A M K H ẢO 1. Báo Giác ngộ Online, https://giacngo.vn/printView.aspx? Languuage=vi&ID =764003. 2. Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ kinh, Tập 2, Số 55, https://www.budsas.org/ uni/u-kinh-trungbo/trung55.htm. 3. Danso.org/dan -so-the-gio. 4. Thích Thiên Huy (2019), “Phật giáo Việt Nam: Các vấn đề về tôn giáo sinh thái và bảo vệ môi trường”, in trong: Quan điểm Phật giáo về cách mạng công nghiệp 4.0 và môi trường bền vững, Đại lễ Phật Đản Vesak Liên hợp quốc, Thích Nhật Từ (Chủ biên), Nxb. Tôn giáo. 5. Bùi Đăng Phong (2018), Hiện trạng buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, Bản tin chính sách, Trung tâm con người và thiên nhiên, ISSN 0866 - 7810, Số 29 - 30, quý I, II, Trang 4 -11.
  14. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 551 6. Thời báo Tài chính Việt Nam Online, Cơ quan của Bộ Tài chính, ngày 8/12/2019. 7. Thích Nhật Từ (Biên tập) (2019), Quan điểm Phật giáo về cách mạng công nghiệp 4.0 và môi trường bền vững, Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc, Nxb Tôn giáo. 8. Unicef fo every Child (Tiếng Việt), Thông cáo báo chí, ngày 18/9/2018. 9. BS. Vũ Hướng Văn, Báo Giác ngộ Online, https://giacngo.vn/printView. aspx? Languuage=vi&ID=764003
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2