intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quan niệm về đồng phạm khi chủ thể của tội phạm là thể nhân và pháp nhân - Phí Thành Chung

Chia sẻ: Phithanh Chung | Ngày: | Loại File: DOCX | Số trang:12

74
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Quan niệm về đồng phạm phải có sự thay đổi cùng với việc mở rộng chủ thể phạm tội (thể nhân và pháp nhân) của Bộ luật hình sự. Bài viết đặt vấn đề và nghiên cứu chế định đồng phạm dưới các khía cạnh xã hội pháp lý, khẳng định pháp nhân có đồng phạm và đưa ra định nghĩa khoa học mới về đồng phạm. Mời các bạn cùng tham khảo bài viết.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quan niệm về đồng phạm khi chủ thể của tội phạm là thể nhân và pháp nhân - Phí Thành Chung

  1. QUAN NIỆM VỀ ĐỒNG PHẠM KHI CHỦ THỂ CỦA TỘI PHẠM LÀ THỂ NHÂN VÀ PHÁP NHÂN Phí Thành Chung Tóm tắt:  Quan niệm về  đồng phạm phải có sự  thay đổi cùng với việc mở  rộng chủ thể phạm tội (thể nhân và pháp nhân) của Bộ luật hình sự. Bài viết đặt vấn  đề và nghiên cứu chế định đồng phạm dưới các khía cạnh xã hội pháp lý, khẳng định   pháp nhân có đồng phạm và đưa ra định nghĩa khoa học mới về đồng phạm. Từ  khóa: Đồng phạm, pháp nhân, chủ  thể  tội phạm, trách nhiệm hình sự   trong đồng phạm, quan hệ nhân quả trong đồng phạm, dấu hiệu của đồng phạm. Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ  ngày 01/7/2016 đã chính thức quy định chủ thể của tội phạm không chỉ là thể nhân mà   còn cả pháp nhân. Việc mở rộng chủ thể của tội phạm, đã, đang và sẽ làm thay đổi   nhiều quan niệm truyền thống của pháp luật hình sự, trong có có chế  định đồng  phạm. Một loạt các câu hỏi được đặt ra: i) Đồng phạm phải được hiểu lại ở những  khía cạnh xã hội pháp lý nào (?); ii) Pháp nhân có đồng phạm không (?); Định nghĩa  mới về đồng phạm (?). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ lần lượt lý giải các vấn đề nêu trên  dưới góc độ khoa học pháp lý hình sự. Trong khoa học pháp lý hình sự, hình thành và tồn tại khái niệm đồng phạm ,  có nhiều quan điểm khác nhau về đồng phạm. Tuy nhiên, khái niệm đồng phạm có   thể xem xét dưới các khía cạnh xã hội pháp lý sau: a) Về  nội dung chính trị  ­ xã hội, đồng phạm là trường hợp phạm tội do  nhiều người cùng tham gia thực hiện, có tính nguy hiểm cao cho xã hội, được thực   hiện với hình thức lỗi cố ý, trái quy định của PLHS, là thể thống nhất giữa sự phủ  định khách quan (phủ  định đòi hỏi của xã hội trên thực tế) và phủ  định chủ  quan  (phủ định đòi hỏi của xã hội trong ý thức chủ quan). 1
  2. Những hậu quả do hành vi phạm tội của nhiều người gây ra chỉ là vụ đồng  phạm khi xét về mặt khách quan, việc phạm tội là do hoạt động chung của nhiều  người cùng gây ra và về  mặt chủ  quan là khi họ  cùng cố  ý thực hiện. Những   người đồng phạm thông đồng thực hiện một tội phạm cố  ý hoặc tham gia vào  những nhóm tội phạm, liên kết tội phạm. b) Về cách thức quy định trong BLHS, đồng phạm được quy định với mục  đích xác định là một hình thức phạm tội hoặc xác định là các hành vi phạm tội phải  chịu TNHS. Nếu là một hình thức phạm tội, nội dung chế  định đồng phạm gồm  các quy định về  dấu hiệu đồng phạm; người đồng phạm: thực hành, tổ  chức, xúi  giục, giúp sức. Nếu quy định về đồng phạm là xác định TNHS của cá nhân thì nội   dung chế  định đồng phạm quy định trực tiếp về  hành vi thực hiện hoặc tham gia   tội phạm; đồng phạm chỉ  được coi là nội dung thứ  hai có liên quan đến vấn đề  TNHS trong trường hợp đồng phạm đặc biệt ­ đồng phạm có tổ chức. c) Về các dấu hiệu hợp thành, đồng phạm đòi hỏi phải có những dấu hiệu   phản ánh mối liên hệ về mặt khách quan và chủ quan của những người cùng tham   gia thực hiện tội phạm: Thứ  nhất, mặt khách quan, trước hết, đồng phạm đòi hỏi sự tham gia của  hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện chủ thể của tội phạm. Hành   vi của những người tham gia vào việc phạm tội không tách biệt nhau mà cùng  chung hành động. Người đồng phạm tham gia thực hiện tội phạm với một trong   bốn hành vi, cụ thể là: hành vi thực hiện tội phạm; hành vi tổ chức thực hiện tội   phạm; hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm; và hành vi giúp sức người  khác thực hiện tội phạm. Trong đó, hành vi trực tiếp thực hiện tội phạm là hành vi  trung tâm và kết nối với các hành vi đồng phạm khác.  Tội  phạm   được thực hiện bằng hình thức   đồng phạm phải là một tội  phạm cụ  thể, độc lập với các tội phạm khác, không phải tội phạm nói chung.  Tham gia thực hiện một tội phạm bằng ít nhất một trong bốn hành vi, mỗi người   đồng phạm đều có hành vi nguy hiểm cho xã hội trong mối liên kết thống nhất với   nhau. Hành vi của người này hỗ trợ, bổ sung và là điều kiện cho hành vi của người   khác, ảnh hưởng đến hành vi đó làm cho thay đổi và hiệu quả hơn. Nói cách khác,  2
  3. giữa những người đồng phạm đã cùng chung hành động hay liên hiệp hành động  trong việc cùng thực hiện một tội phạm. Hành vi của mỗi người  là một khâu cần  thiết cho hoạt động phạm tội chung của cả  bọn, "nhằm thực hiện một  tội phạm  nhất định và để đạt được một kết quả phạm tội thống nhất1".  Hậu quả  của tội phạm được thực hiện bằng hình thức đồng phạm là kết  quả  chung do hoạt động của tất cả  những người tham gia vào việc thực hiện tội  phạm đưa lại. Những hành vi không góp phần vào việc đưa lại hậu quả phạm tội   thì không coi là đồng phạm. Hành vi phạm tội riêng biệt của mỗi người đồng  phạm có mối quan hệ nhân quả, với mức độ  ảnh hưởng có thể khác nhau đối với   hậu quả của tội phạm. Trong đó, hành vi của người thực hành là trung tâm, nguyên  nhân trực tiếp làm phát sinh hậu quả của tội phạm, hành vi của những người đồng   phạm khác trong mối liên hệ với hành vi của người thực hành và thông qua hành vi   của người thực hành đưa phần đóng góp của mình vào cơ chế chung của việc thực   hiện tội phạm, từ đó phát sinh hậu quả của tội phạm. "Hành vi của những người   đồng phạm khác chỉ tạo ra khả năng phát sinh hậu quả, muốn chuyển khả năng ấy   thành hiện thực phải có hành vi của người thực hành2". Vì vậy, hành vi của những  người đồng phạm khác thường xảy ra trước hành vi của người thực hành. Xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả tội phạm nói chung  và trong đồng phạm nói riêng là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến vấn đề xác định  tội phạm và quyết định hình phạt. Trong luật hình sự, nguyên nhân chỉ  có thể  là  hành vi trái pháp luật và kết quả chỉ có thể là hậu quả nguy hiểm cho xã hội (thiệt   hại hoặc những biến đổi khác nguy hiểm cho xã hội). "Muốn hiểu thực chất các   nguyên nhân cần nhận thức sâu sắc những biểu hiện bên ngoài đến các thực thể3".  Khi những người đồng phạm đều là người thực hành ­ đồng phạm giản đơn ­ thì  hành vi của mỗi người đồng phạm đều là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả  chung của tội phạm ­ quan hệ nhân quả kép trực tiếp. Khi có sự phân công vai trò  giữa những người cùng thực hiện tội phạm ­ đồng phạm phức tạp ­ thì chỉ hành vi  của người thực hành là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hậu quả  chung, còn   hành vi của những người đồng phạm khác thông qua người thực hành, là nguyên  nhân gián tiếp đưa đến hậu quả chung của tội phạm ­ quan hệ nhân quả gián tiếp.  Do vậy, việc xác định quan hệ  nhân quả  giữa hành vi tổ  chức, xúi giục, giúp sức  3
  4. với hậu quả  chung phải được xem xét trong mối quan hệ  giữa những hành vi đó  với hành vi thực hành. Đối với những tội phạm có cấu thành vật chất, hành vi của  mỗi người đồng phạm nằm trong mối quan hệ  nhân quả  với hậu quả  của tội   phạm (hoặc trực tiếp hoặc thông qua hành vi của người thực hành). Trong những   cấu thành hình thức của tội phạm, hậu quả không phải là yếu tố  bắt buộc nên chỉ  cần có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người phạm tội và việc thực hiện tội   phạm là có đồng phạm.  Thứ  hai,  mặt chủ  quan,  đồng phạm  đòi hỏi những những người  đồng  phạm có cùng nhận thức (knowledge) và chung ý định (intent) thực hiện tội phạm  ­ cùng cố  ý của những người tham gia thực hiện tội phạm. Nếu thi ếu d ấu hi ệu   này sẽ  không có đồng phạm mà chỉ  có trường hợp nhiều người cùng phạm một   tội. "Sự  cùng cố   ý này thể  hiện sự  liên kết thống nhất về   ý chí  của những   người đồng phạm  được thống nhất với nhau và hành động phạm tội của mỗi   người đều thống nhất trong sự chi phối chung c ủa s ự cùng cố ý phạm tội 4". Khi  thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mỗi người đồng phạm không chỉ  cố  ý   với hành vi của mình mà còn biết, mong muốn hoặc để mặc sự cố ý tham gia của   những  người   đồng  phạm   khác.  Sự   cùng  cố   ý   này  được  thể   hiện  trên  cả  hai   phương diện lý trí và ý chí. ­ Về lý trí, sự cùng cố ý đòi hỏi mỗi người đồng phạm phải nhận thức hay   thấy trước những vấn đề  cơ  bản (cốt yếu) ­ (essential matters) bao gồm: i) Tính  nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình; ii) Có người khác (ít nhất một người)   cùng thực hiện tội phạm với mình và hành vi của những người đó cũng nguy hiểm   cho xã hội; iii) Tính chất hành vi phạm tội chung ­ được thể hiện trong hành vi của  người thực hành; iv) Hậu quả  nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng  như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện.  Nếu mỗi người đồng phạm chỉ biết mình có hành vi nguy hiểm cho xã hội  mà không biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình thì  chưa thỏa mãn dấu hiệu lỗi cố ý trong đồng phạm nên không thể  có đồng phạm.   Do đó, hành vi xúi giục (ngụy trang), giúp sức bí mật không thỏa mãn dấu hiệu  chủ  quan của đồng phạm. Người xúi giục, người giúp sức một chiều phải chịu   TNHS độc lập về  hành vi xúi giục phạm tội hoặc giúp sức phạm tội của mình5.  4
  5. PLHS cũng chỉ đòi hỏi mỗi người đồng phạm nhận thức được hành vi nguy hiểm  cho xã hội của người khác nhưng chỉ   ở  mức độ  những nét cơ  bản của hành vi  phạm tội chứ  không phải từng hoạt động cụ  thể  vì phạm tội là hoạt động phức  tạp, mỗi người phạm tội sẽ  rất khó để  nhận thức tường tận hành vi của những  người khác. Tuy nhiên, mối liên hệ về mặt chủ quan giữa những đồng phạm được   giới hạn  ở  mối liên hệ  hai chiều giữa người thực hành với những đồng phạm   khác. Vì vậy, điều kiện để  xác định đồng phạm không đòi hỏi phải tồn tại mối   liên hệ  chủ  quan giữa người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức. Việc có  hay không có sự  hiểu biết qua lại giữa những người tổ  chức, người xúi giục và  người giúp sức về hành vi của mỗi người tham gia thực hiện tội phạm không ảnh  hưởng đến nội dung của đồng phạm. Theo một số  quan điểm khoa học khác thì yêu cầu về  lý chí cho sự  cố  ý  trong đồng phạm chỉ đòi hỏi mỗi người đồng phạm phải thấy trước dự định thực   hiện tội phạm (và thực chất việc phạm tội) của người thực hành hoặc biết bất cứ  loại hành vi phạm tội thực chất được thực hiện 6. Đây là những quan điểm mở quá  rộng phạm vi đồng phạm. ­ Về ý chí, những người đồng phạm cùng mong muốn có hoạt động phạm  tội chung và cùng mong muốn hoặc có ý thức bỏ mặc (chấp nhận hoặc thừa nhận)   cho hậu quả xảy ra. Với sự  cùng cố  ý thực hiện tội phạm của những người đồng phạm thì  những người tham gia thực hiện tội phạm chỉ  được coi là đồng phạm của nhau  nếu tội phạm mà họ cùng thực hiện có lỗi trong mặt chủ quan là lỗi cố ý. Trong vụ án có đồng phạm, tiếp nhận ý chí là một biểu hiện của sự cùng  cố  ý tham gia thực hiện tội phạm. Trong đó, người đồng phạm tiếp nhận ý chí  không trực tiếp bàn bạc, thống nhất ý chí phạm tội với những người đồng phạm   khác (bằng hành động) ngay từ khi bắt đầu vụ phạm tội, nhưng trong khi tội phạm   đang diễn ra (chưa hoàn thành), người đồng phạm tiếp nhận ý chí nhận thức (biết)  được vấn đề  cốt yếu của vụ  phạm tội, thỏa mãn dấu hiệu về  mặt lý trí trong   đồng phạm và đã quyết định lựa chọn cùng tham gia bằng hành động hoặc không  hành động vào vụ  việc phạm tội. Trường hợp được coi là tiếp nhận ý chí phân   biệt với trường hợp phạm tội riêng lẻ  mà người phạm tội nhận thức được vụ  5
  6. việc phạm tội nhưng thiếu sự  cùng "chia sẻ" mục đích phạm tội chung. Đây có  thể là trường hợp tổ chức, xúi giục, giúp sức, thực hiện ngầm của người phạm tội   riêng lẻ  hoặc trường hợp người phạm tội (có thể  là không tố  giác tội phạm) đã   không lựa chọn xử sự phạm tội (cố ý tham gia vào vụ việc đồng phạm). Bên cạnh dấu hiệu lỗi cùng cố  ý tham gia vào việc thực hiện một tội   phạm, đồng phạm đòi hỏi có sự  thống nhất về  động cơ  và mục đích phạm tội  trong trường hợp đồng phạm những tội mà luật quy định mục đích và động cơ  phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của CTTP. Được coi là thống nhất về  động cơ,   mục đích nếu những người cùng tham gia thực hiện tội phạm đều có chung mục  đích, động cơ được phản ánh trong CTTP của tội phạm cụ thể hoặc biết rõ và tiếp  nhận mục đích đó. Đối với những tội phạm, mục đích và động cơ  không phải là  dấu hiệu bắt buộc của CTTP, thì khi tham gia thực hiện tội phạm, mỗi người  đồng phạm có thể  có động cơ, mục đích phạm tội khác nhau. Trong trường hợp  này, việc cùng mong muốn tham gia thực hiện tội phạm, mong mu ốn h ậu qu ả t ội   phạm chung là yếu tố liên kết những người đồng phạm. Một khi đã thỏa mãn đủ  các dấu hiệu của đồng phạm, thì những người  tham gia, dù với vai trò cụ  thể  như  thế  nào đều phải chịu trách nhiệm chung về  toàn bộ  tội phạm đã gây ra, vì tội phạm bản thân là một thể  thống nhất và trong   đồng phạm nó là kết quả chung của sự cùng thực hiện về khách quan và cùng cố ý   về chủ quan của tất cả những người đồng phạm7. Bên cạnh nhận thức chung, thống nhất về đồng phạm nêu trên, theo một số  học thuyết về đồng phạm thì yếu tố tinh thần (chủ quan) của đồng phạm chỉ  đòi  hỏi người đồng phạm phải nhận thức (biết) được việc thực hiện tội phạm chung,   thông thường có chung ý định phạm tội8 hoặc phải có cùng chung mục đích phạm  tội với người thực hành9. Trong trường hợp có chung mục đích phạm tội thì được  xác định là đã nhận thức việc thực hiện tội phạm chung. Yêu cầu về sự nhận thức   đối với những người đồng phạm khác cũng được xác định dựa trên các cấp độ  khác nhau: i) Đương nhiên nhận thức được tội phạm chung (trong bối cảnh diễn ra   hành vi phạm tội của người thực hành); ii) Đối với một số tội phạm (nguy hiểm   đặc biệt) thì chỉ yêu cầu nhận thức được tính trái pháp luật của hành vi của người   thực hành... Do đó, đồng phạm có thể được thực hiện không chỉ với các hình thức   6
  7. lỗi cố ý (trực tiếp, gián tiếp) mà còn có thể được thực hiện với lỗi vô ý (do quá tự  tin). Chúng tôi cho rằng, đồng phạm không thể  tồn tại dưới hình thức lỗi vô ý  bởi trong hình thức lỗi vô ý, mỗi người có thể tồn tại mối liên hệ giữa các hành vi  về mặt thời gian, không gian nhưng lại hoàn toàn độc lập với nhau về ý thức đối  với hậu quả. Ngoài ra, người phạm tội với lỗi vô ý đã không lựa chọn xử sự phạm   tội, giữa những người phạm tội không có mối liên hệ  về  mặt chủ  quan. Những   điều này khác hoàn toàn về chất so với trường hợp đồng phạm đã được đề cập: là  hình thức phạm tội mà trong đó, tổng thể  các hành vi có mối quan hệ hữu cơ  với   nhau, tác động qua lại trong sự vận động đan xen với nhau, tạo điều kiện, tiền đề  cho nhau để gây ra hậu quả phạm tội chung; giữa những người phạm tội có mối   liên hệ cùng cố ý, không chỉ cố ý với hành vi của mình mà còn nhận thức và mong  muốn sự cố ý của những người đồng phạm khác. Giữa những người đồng phạm   tồn tại mối liên hệ tác động tương hỗ và ảnh hưởng lẫn nhau về mặt tâm lý10.  Ngoài ra, theo các quan điểm này thì cũng chỉ cần sự thỏa mãn tiêu chuẩn nhận   thức hoặc mục đích của những người đồng phạm khác trong mối quan hệ với người   thực hiện tội phạm mà không yêu cầu người thực hiện phải biết được tính đồng   phạm  của những người  cùng tham gia thực hiện. Bởi vì, học thuyết xác định  TNHS của mỗi người đồng phạm một cách riêng rẽ, người đồng phạm chịu trách   nhiệm độc lập, được xem xét trên cơ sở quan hệ liên kết một chiều, là "học thuyết   về  phạm tội khiến một người chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi cư xử của một   người khác11". Như vậy, nếu chuẩn mực nhận thức là quá khắc nghiệt thì tính mục  đích lại quá khoan dung trong việc xác định các trường hợp đồng phạm12. Đối với trường hợp chủ  thể  của tội phạm là pháp nhân, tổ  chức, "con   người pháp lý", được hình thành nên bởi sự kết hợp của nhiều thể nhân và hành vi   phạm tội của pháp nhân được thực hiện thông qua một hoặc nhiều thể  nhân cụ  thể.  Giữa pháp nhân và thể  nhân tồn tại mối quan hệ  ràng buộc nhất định, tuy   nhiên, không phải mọi trường hợp pháp nhân đều phải chịu trách nhiệm về hành vi   phạm tội của thể nhân. Để  quy kết hành vi phạm tội của thể  nhân là hành vi phạm tội của pháp  nhân, khoa học luật hình sự  ghi nhận ba học thuyết cơ  bản: thuyết trách nhiệm  7
  8. thay thế, thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm và thuyết văn hóa13. Theo học thuyết  trách nhiệm thay thế, bất cứ điều gì mà người lao động, người đại diện cho pháp   nhân thực hiện trên cơ sở  mối quan hệ giữa tổ chức với người lao động theo quy   định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận đều được coi là của chính tổ  chức thực   hiện. Nếu người lao động đã tuân thủ nội quy, quy định mà pháp nhân đề ra thì khi   có sai phạm của người lao động, người đại diện thì pháp nhân phải chịu trách   nhiệm thay thế. Thuyết văn hóa yêu cầu việc truy cứu TNHS của pháp nhân cần  phải có ba điều kiên: i) Có hành vi phạm tội của nhân viên pháp nhân; ii) Nhân viên   đó thực hiện trong phạm vi chức năng, thẩm quyền được giao hoặc ủy quyền; iii)  Thông qua văn hóa pháp nhân có chứng cứ  cho thấy nhân viên thực hiện hành vi   phạm tội đó nhận thức được rằng pháp nhân đã chỉ  đạo, ủng hộ  hay không phản  đố hành vi mà họ thực hiện hoặc có lỗi là đã không tạo ra và duy trì một kiểu văn  hóa đòi hỏi sự tuân thủ pháp luật trong phạm vi pháp nhân14. Nếu học thuyết trách  nhiệm thay thế không được chấp nhận vì có phạm vi quá rộng khi quy định pháp  nhân phải chịu TNHS trong trường hợp bất kỳ ng ười lao động, người đại diện có   hành vi phạm tội vì lợi ích của tổ chức, đồng thời vi phạm nguyên tắc trách nhiệm  trên cơ sở lỗi cá nhân, học thuyết văn hóa có hạn chế   ở chỗ  chứng minh văn hóa  của pháp nhân là việc làm phức tạp và khó khăn trong thực tiễn thì đa số  các nhà  khoa học  ủng hộ  việc thiết  lập TNHS của pháp nhân  trong luật hình sự   đều   nghiêng về học thuyết đồng hóa trách nhiệm15, đồng nhất hóa sự mong muốn của  tập thể  với ý muốn cá nhân, coi hành vi và lỗi của người quản lý pháp nhân như  chính hành vi của cá nhân. Học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm xác định ba điều  kiện để  quy kết tội phạm cho pháp nhân: i) Hành vi phạm tội do người chỉ  huy,   quản lý, chỉ  đạo, điều hành pháp nhân thực hiện; ii) Người chỉ  huy, quản lý, chỉ  đạo, điều hành thực hiện hành vi phạm tội nhân danh, thay mặt hoặc đại diện cho   pháp nhân; iii) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân16. Áp dụng học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm, hành vi, lỗi của thể  nhân  lãnh đạo, chỉ huy, đại diện (thể nhân đại diện) thực hiện vì lợi ích và trong khuôn  khổ hoạt động của pháp nhân cũng được coi là hành vi, lỗi của pháp nhân. Nếu thể  nhân đại diện thực hiện hành vi không vì lợi ích pháp nhân hoặc thực hiện không  có sự  chỉ  đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân (hành vi vượt quá) thì   8
  9. hành vi phạm tội của thể nhân đại diện chỉ mang tính cá nhân, không phải là hành  vi phạm tội của pháp nhân. Theo lý thuyết về  đồng phạm và lý thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm nêu  trên, nếu hai pháp nhân hoặc pháp nhân và thể  nhân (không đại diện pháp nhân)  cùng cố ý tham gia thực hiện một tội phạm, tức là giữa các thể nhân đại diện cho  các pháp nhân hoặc thể  nhân đại diện và thể  nhân khác có cùng chung ý chí,  chung hành động thì hai pháp nhân hoặc pháp nhân và thể nhân là đồng phạm của  nhau. Bởi vì, về  nguyên tắc, những quy định pháp luật cho thể  nhân thì cũng  được quy định tương  ứng cho pháp nhân và ngoài những quy định đặc thù cho  pháp nhân thì các quy định khác của thể nhân được áp dụng cho pháp nhân. Trong   đó, vấn đề đồng phạm không có quy định đặc thù của pháp nhân nên các quy định  về đồng phạm của thể nhân được áp dụng đối với pháp nhân. Nếu pháp nhân và thể  nhân là đồng phạm thì tồn tại hai quan hệ  đồng   phạm (pháp nhân – thể nhân; thể nhân đại diện – thể nhân) có chung hành vi phạm   tội (của thể nhân đại diện và thể  nhân) với ba chủ thể  phạm tội (pháp nhân, thể  nhân đại diện, thể nhân). Nếu pháp nhân và pháp nhân là đồng phạm thì ngoài quan  hệ đồng phạm giữa pháp nhân và pháp nhân thì hai thể nhân đại diện của hai pháp  nhân đó cũng có quan hệ đồng phạm với nhau. Cả pháp nhân và thể nhân đại diện   cùng phải chịu TNHS về  tội phạm do thể  nhân đại diện đã cố  ý tham gia thực  hiện. Hay nói cách khác, thể nhân đại diện là người đồng phạm thì pháp nhân cũng   là người đồng phạm nhưng trong các quan hệ đồng phạm khác nhau, thể nhân đại   diện tham gia với vai trò gì thì pháp nhân tham gia với vai trò đó. Như vậy, vấn đề đồng phạm của pháp nhân được xác định thông qua đồng  phạm của thể nhân, giải quyết đồng phạm của thể nhân là giải quyết đồng phạm   của pháp nhân. Do đó, những nghiên cứu sau đây về giải quyết vấn đề đồng phạm  của thể nhân (bao gồm thể nhân đại diện và thể nhân không đại diện) là đồng thời  giải quyết vấn đề đồng phạm của pháp nhân. Từ  kết quả  nghiên cứu trên, có thể  đưa ra định nghĩa khoa học khái niệm  đồng phạm như sau: Đồng phạm là hình thức phạm tội có hai người (bao gồm thể   nhân và pháp nhân) trở  lên cố  ý cùng tham gia thực hiện tội phạm với vai trò là   người thực hiện, người xúi giục, người giúp sức hoặc người tổ chức./. 9
  10. 10
  11. 11 Kiều Đình Thụ (1998), Tìm hiểu Luật hình sự Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh,  tr. 196 2 Viện Luật học (1986), Những vấn đề cơ bản về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà  Nội, tr. 148 3 V.I. Lênin (1977), Toàn tập, tập 29, Nxb Tiến bộ, Matxơcơva, tr. 142­143 4 Lê Cảm (Chủ biên) (2003), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà  Nội, tr. 255 5 Trần Quang Tiệp (2007), Đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr. 42­43 6 Simester and Sulivan (2010), Criminal law: Theory and Doctrine, Oxford and Portland, Oregon, tr. 230 7 Nguyễn Ngọc Hòa (1991), Tội phạm trong Luật hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 151  8 Candace Courteau (1998), "The metal element required for Accomplice liability: A topic note", Louisiana Law  review, (59). (http://digitalcommons.law.lsu.edu/lalrev/vol59/iss1/11). 9 Sherif Girgis, "The Mens Rea of Accomplice Liability: Supporting Intentions",  http://www.yalelawjournal.org/note/the­mens­rea­of­accomplice­liability­supporting­intentions. 10 Trần Quang Tiệp (2007), Đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr. 22­23 11 Sherif Girgis, "The Mens Rea of Accomplice Liability: Supporting Intentions",  http://www.yalelawjournal.org/note/the­mens­rea­of­accomplice­liability­supporting­intentions. 12 Sherif Girgis, "The Mens Rea of Accomplice Liability: Supporting Intentions",  http://www.yalelawjournal.org/note/the­mens­rea­of­accomplice­liability­supporting­intentions. 13 Cao Thị Oanh (Chủ nhiệm đề tài) (2011), Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc áp dụng trách nhiệm  hình sự đối với tổ chức, §Ò tµi khoa häc cÊp Bé, Bộ Tư pháp, Hà Nội.  14 Cao Thị Oanh (Chủ nhiệm đề tài) (2011), Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc áp dụng trách nhiệm  hình sự đối với tổ chức, §Ò tµi khoa häc cÊp Bé, Bộ Tư pháp, Hà Nội. 15 Trịnh Quốc Toản (2011), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật hình sự, Nxb Chính trị quốc gia, Hà  Nội, tr. 232]
  12. 16 Cao Thị Oanh (Chủ nhiệm đề tài) (2011), Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc áp dụng trách nhiệm  hình sự đối với tổ chức, §Ò tµi khoa häc cÊp Bé, Bộ Tư pháp, Hà Nội, tr. 25
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
7=>1