intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quy định pháp luật về ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh với mục tiêu phát triển bền vững - thực trạng và kiến nghị

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

36
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết phân tích vai trò của doanh nghiệp phát triển bền vững; thực trạng các quy định pháp luật về ưu đãi hiện nay; từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn các chính sách của nhà nước để góp phần động viên và thúc đẩy nhiều doanh nghiệp lựa chọn định hướng này trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quy định pháp luật về ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh với mục tiêu phát triển bền vững - thực trạng và kiến nghị

  1. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ƢU ĐÃI CHO DOANH NGHIỆP KINH DOANH VỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG - THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ ThS. Võ Thị Hoài Trường Đại học Sài Gòn TÓM TẮT Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn sản xuất các sản phẩm hàng hóa, cung ứng các dịch vụ với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sống và thực hiện các trách nhiệm xã hội của mình. Lựa chọn con đường này sẽ gặp nhiều trở ngại vì những chi phí gia tăng và sản phẩm mới lạ. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có sự chia sẻ của Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi hợp lý cho doanh nghiệp. Bài viết phân tích vai trò của doanh nghiệp phát triển bền vững; thực trạng các quy định pháp luật về ưu đãi hiện nay; từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn các chính sách của nhà nước để góp phần động viên và thúc đẩy nhiều doanh nghiệp lựa chọn định hướng này trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Từ khóa: chính sách ưu đãi phát triển bền vững, pháp luật về ưu đãi doanh nghiệp ABSTRACT Currently, many businesses are choosing to produce goods, provide services with the goal of sustainable development, protection of the living environment and implementation of their social responsibilities. Choosing this route will face many obstacles because of the increased costs and novel products. That raises the need for the State's sharing through reasonable preferential policies for businesses. The article analyzes the role of sustainable development businesses; Current status of legal provisions on incentives; from there, proposing a number of recommendations to better improve the State's policies to contribute to encouraging and motivating many businesses to choose this direction in the process of implementing their business activities. Keywords: preferential policies for sustainable development, law on business incentives 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Xác định phát triển bền vững là tất yếu khách quan và xu thế lựa chọn của nhân loại, Việt Nam đã xây dựng chiến lược, có những kế hoạch tổng thể và chi tiết để áp dụng cho từng địa phương trên cơ sở phát triển kinh tế nhưng kết hợp hài hòa với việc cân bằng môi trường sống, xóa đói giảm nghèo, xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường sống, môi trường đất, tàn phá rừng… Tuy nhiên, để thực sự thúc đẩy các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững sẽ rất cần có những giải pháp nhằm tạo những ưu đãi nhằm khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có được sự cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp thông thường khác. Trên cơ sở đánh giá vai trò của các doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững, bài viết nêu lên thực trạng của hệ thống pháp luật hiện nay trong việc quy định những ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó đề xuất một số giải pháp cần thiết và khả thi cho các doanh nghiệp về thuế, về quyền sử dụng đất, về xúc tiến thương mại, về đầu ra của sản phẩm để các doanh nghiệp có thể đứng vững và kiên định với mục tiêu lợi nhuận tỷ lệ thuận với việc bảo vệ môi trường và khai thác nguồn lực tự nhiên một cách bền vững. 201
  2. 2. NỘI DUNG 2.1. Định h ớng phát triển bền vững và vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với mục tiêu phát triển bền vững Xác định phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội, Việt Nam đã tham gia các hội nghị của thế giới về môi trường và phát triển đồng thời cũng cam kết thực hiện các nguyên tắc đã được nhiều nước trên thế giới thông qua. Để thực hiện có hiệu quả các nguyên tắc đó, Việt Nam đã ban hành các Quyết định số 187/CT ngày 12/06/1991, Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/06/1998; Xây dựng Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam. Đặc biệt, gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường. Định hướng chiến lược phát triển bền vững là chương trình khung làm cơ sở để cụ thể hóa vào các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, cũng là là cơ sở để xây dựng các chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển của các ngành, các địa phương… Xác định phát triển bền vững là trách nhiệm của toàn xã hội, của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó, cộng đồng các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Để nâng cao ý thức và tăng cường sự hiểu biết cho mọi chủ thể, Chính phủ đã ban hành Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Với quan điểm phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, Chính phủ chủ trương huy động mọi nguồn lực; tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội được tham gia, được tiếp cận, được đóng góp và hưởng lợi trong việc tạo ra nền tảng vật chất, tri thức, văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Trong một thời gian dài chúng ta luôn tự hào về nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”, nhưng quá trình thực hiện công nghiệp hóa đã đẩy mạnh tình trạng ô nhiễm môi trường sống ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều khu công nghiệp đầu tư chưa đúng cách dẫn tới tình trạng xả thải vào không khí, vào nguồn nước, gây ô nhiễm đất. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng hạn chế về quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam để tuồn công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng và lao động nhằm tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận trong công nghiệp. Nông nghiệp lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, phun lượng lớn hóa chất gây ô nhiễm đất và ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Tình trạng khai thác rừng ồ ạt mà không có kế hoạch tái trồng rừng dẫn tới tình trạng rửa trôi, xói mòn, hoang hóa, lũ quét, xói lở đất, ô nhiễm không khí. Các chất thải rắn trong sinh hoạt, công nghiệp, y tế, xây dựng gia tăng do không có biện pháp tái sử dụng hoặc sử dụng vật liệu không thể tái sử dụng. Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 60.000 người chết mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí, nhiều thành phố lớn trên thế giới vượt quá năm lần mức khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí (WHO, 2018). Nguyên nhân chủ yếu do các hạt mịn trong không khí được thải ra chủ yếu từ các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và nhà máy nhiệt điện chạy than cùng với việc sử dụng nhiên liệu rắn. Theo thống kê, tính đến tháng 12/2019 trên phạm vi cả nước còn 171 cơ sở gây ô nhiễm 202
  3. môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Trong nông nghiệp mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn rác thải rắn nguy hại, phát sinh 11.000 tấn bao gói thực vật. Tính đến tháng 11/2019, số lượng container phế liệu được lưu giữ tại cảng biển Việt Nam là 8748 container… (Yên Thi, 2020). Một vài con số đó để cho thấy mức độ ô nhiễm môi trường ở nước ta rất đáng báo động và sự phát triển theo định hướng bền vững là một tất yếu khách quan mà Việt Nam phải triển khai và có giải pháp để thúc đẩy. Trong đó, vai trò chủ yếu để giải quyết được triệt để vấn đề là thái độ, ý thức của doanh nghiệp đối với vấn đề khai thác, sử dụng, tái tạo các nguồn lực tự nhiên. Để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp phải thực hiện hai nhiệm vụ: Hoạt động kinh doanh không gây ô nhiễm môi trường và phát triển kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững. Nếu nhiệm vụ thứ nhất là trách nhiệm thì nhiệm vụ thứ hai vào thời điểm này đang là khuyến khích nhưng về lâu về dài cần phải xác định đó cũng là một trách nhiệm. Hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững như áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn theo hướng sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả tài nguyên đã sử dụng. Mô hình này không chỉ giúp giảm chất thải mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải, gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế. Không sử dụng đồ nhựa mà chuyển sang sản xuất vật liệu hộp giấy, ống hút giấy; khi sử dụng nguồn nguyên liệu giấy thì chỉ sử dụng nguyên liệu khai thác từ nguồn rừng tái sinh và được kiểm soát chặt chẽ. Nuôi trồng hữu cơ và xử lý các phế thải của quá trình trồng trọt ngoài mô hình như rơm rạ, cỏ dại, bèo... vào việc xử lý để làm thức ăn cho giun quế và phân bón hữu cơ… Đầu tư khai thác điện năng từ sức gió, điện mặt trời; lắp đặt hệ thống mạng lưới pin ở các cánh đồng để vừa khai thác điện vừa kết hợp trồng trọt các loại cây trồng thích hợp nhằm tiết kiệm diện tích sử dụng đất… là những sáng kiến m à các doanh nghiệp đang áp dụng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động tiêu cực vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Như vậy, việc doanh nghiệp tham gia vào định hướng phát triển sẽ giải quyết được những vấn đề như: - Dung hòa được mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển theo chiều hướng chấp nhận phát triển, nhưng giữ sao cho phát triển không tác động một cách tiêu cực tới môi trường. Phát triển có thể sẽ làm biến đổi môi trường, đó là điều khó tránh khỏi nhưng làm sao cho môi trường vẫn thực hiện được đầy đủ các chức năng như đảm bảo không gian sống với chất lượng tốt cho con người, cung cấp cho con người các loại tài nguyên cần thiết, tái xử lý các phế thải của hoạt động của con người, giảm nhẹ tác động bất lợi của thiên tai, duy trì các giá trị lịch sử văn hóa, khoa học của loài người; - Sử dụng đúng, tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không làm tổn hại hệ sinh thái và môi trường; khai thác kết hợp hài hòa với tái tạo; - Ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ phù hợp với hoàn cảnh địa phương nhằm hạn chế thấp nhất việc thải ra các chất độc hại vào môi trường sống; - Tăng sản lượng lương thực, thực phẩm nhằm xóa đói giảm nghèo từ việc nghiên cứu để ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất; - Tạo ra các nguồn vật liệu và năng lượng mới, sạch từ việc khai thác nguồn lực từ tự nhiên mà không gây những tác dụng phụ; 203
  4. - Cấu trúc và tổ chức lại các vùng sinh thái nhân văn nhằm nâng cao chất lượng sống về tinh thần, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống kết hợp với hiện đại…; - Góp phần chung tay cùng Chính phủ tập trung nhiều nguồn lực tài chính vào việc bảo đảm môi trường sống. Tuy nhiên, các khó khăn mà các doanh nghiệp áp dụng mô hình bền vững đang gặp phải thường là mức đầu tư lớn, rủi ro cao, sản phẩm mới thường có mức chi phí cao hơn so với sản phẩm cùng loại theo cách sản xuất truyền thống nên không dễ dàng được đón nhận do thu nhập của người dân còn thấp; tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp còn yếu…Vì vậy, rất cần những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp mạnh dạn lựa chọn những con đường mới và sáng tạo này. 2.2. Quy định pháp luật về chính sách u đãi dành cho doanh nghiệp phát triển theo định h ớng bền vững Các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp phát triển bền vững được quy định cơ bản tại Luật Đầu tư. Các chính sách ưu đãi sẽ được áp dụng cho ngành nghề đầu tư và địa bàn đầu tư. Rất nhiều ngành nghề đầu tư phát triển bền vững, bảo vệ môi trường nằm trong danh mục các ngành nghề được ưu đãi đầu tư như: - Hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; - Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng; - Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học; - Thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải… Kinh doanh trong các lĩnh vực này các doanh nghiệp sẽ nhận được các hình thức hỗ trợ đầu tư bao gồm: - Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư; - Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; - Hỗ trợ tín dụng (thuế, vốn...); - Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời theo quyết định của cơ quan nhà nước; - Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; - Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin; - Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. Các chính sách ưu đãi cụ thể cho từng lĩnh vực sẽ được quy định tại các văn bản hướng dẫn thông qua các Nghị định, Thông tư. Chẳng hạn như đối với lĩnh vực đầu tư vào công nghệ cao, lĩnh 204
  5. vực thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý các chính sách ưu đãi được quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019, theo đó, tùy từng trường hợp, doanh nghiệp sẽ được nhận các ưu đãi như: - Về thuế thu nhập doanh nghiệp có thể được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% áp dụng trong thời hạn 15 năm đối với một số lĩnh vực theo quy định; - Tiền thuê đất có thể được miễn trong cả thời gian thuê đất đối với đất xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học nếu đáp ứng được các yêu cầu có liên quan đối với hoạt động khoa học công nghệ; - Áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 5% đối với dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử…; - Vay vốn tín dụng của nhà nước; bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ vốn; - Không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ… Đối với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng nhận được những ưu đãi lớn về thuế như: áp dụng mức thuế 10% từ 15 năm đến 30 năm. Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với phần thu nhập từ thực hiện hoạt động xã hội hóa. Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện một số dự án đầu tư mới có thể được miễn thuế 04 năm, được giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo… Các chính sách cụ thể được quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư số 212/2015/TT-BTC hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp chất lượng cao, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thể hiện sự quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp như: Nghị định 116/2018/NĐ-CP tiếp tục mở rộng phạm vi đối tượng được vay vốn và hạn mức cấp tín dụng đối với nông nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng ưu đãi cho tất cả các dự án ứng dụng công nghệ cao có thể được cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm đến 70% giá trị của dự án. Thêm vào đó, dự án còn có thể sử dụng chính tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm. Đây là những quy định hết sức cởi mở cho việc cấp tín dụng đầu tư vào nông nghiệp chất lượng cao. Quyết định 19/2018/QĐ-TTg với nhiều sửa đổi theo hướng có lợi cho doanh nghiệp như thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng hơn. Ngoài các chính sách ưu đãi thuế và vốn, nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ cũng được ban hành như: 205
  6. - Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; - Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại); - Hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ; - Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN. Ngoài ra ở các địa phương còn tùy tình hình cụ thể để xây dựng các chính sách ưu đãi đối với địa phương mình trên cơ sở chủ trương, đường lối chỉ đạo chung. Điều đó cho thấy Nhà nước đã thực sự có sự quan tâm thích hợp cho những doanh nghiệp phát triển theo định hướng bền vững. Các ưu đãi này đã tạo động lực và hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp trong những bước đầu kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn về vốn, khoa học công nghệ, thuê đất. 2.3. Một số vấn đề bất cập còn tồn tại trong các chính sách u đãi dành cho các doanh nghiệp phát triển theo định h ớng phát triển bền vững Những chính sách hỗ trợ hợp lý và khả thi đã phát huy tác dụng to lớn cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số quy định pháp luật vẫn còn bị đánh giá là nhiều nhưng còn chung chung, chưa xây dựng trên cơ sở đặc thù của các lĩnh vực; trình tự, thủ tục để nhận ưu đãi còn rườm rà, phức tạp, khả năng tiếp cận với các chính sách ưu đãi khó khăn. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã chưa thể tiếp cận được các ưu đãi này. Ví dụ như nhiều doanh nghiệp phát triển về lĩnh vực khoa học công nghệ là lĩnh vực được ưu đãi vẫn cho rằng chính sách ưu đãi trong Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 20/03/2019 còn thiếu tính khả thi. Quy định doanh nghiệp khoa học công nghệ phải có doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp mới được miễn giảm thuế thu nhập là khó đạt được, đặc biệt với doanh nghiệp mới hoạt động. Nhiều doanh nghiệp có rất nhiều sản phẩm nhưng số sản phẩm khoa học và công nghệ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số nhiều sản phẩm của công ty nên dẫn tới tỷ lệ doanh thu để được ưu đãi trong tổng tỷ lệ doanh thu thấp nên cũng không thể đạt được mức tỷ lệ luật định để được hưởng ưu đãi. Quy định về thủ tục, quy trình, hồ sơ trong lĩnh vực này cũng chung chung nên địa phương lúng túng trong quá trình áp dụng trong khi văn bản hướng dẫn lại chậm ban hành. Hay như đối với doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập với cam kết mục tiêu nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, vì lợi ích cộng đồng; ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm phải dùng để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký đã được chính thức ghi nhận sự tồn tại vào năm 2014 tại Luật Doanh nghiệp 2014 nhưng đến thời điểm này vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn ưu đãi. Tại Khoản 3 Điều 10 Luật Doanh nghiệp quy định: “Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội” và giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, Nghị định số 96/2015 cũng chỉ quy định mang tính định hướng “Doanh nghiệp xã hội được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật” mà chưa có quy định cụ thể các chính sách ưu đãi là gì. Ưu đãi về thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội chỉ được quy định mang tính nguyên tắc mà không có hướng dẫn chi tiết về nội dung ưu đãi ở khâu nào, quy trình, thủ tục hỗ trợ ra sao. Đối với các ưu đãi khác về huy động vốn, thuế, hiện doanh nghiệp xã hội 206
  7. cũng phải tiếp cận dưới các hình thức khác chứ không phải vì bản thân nó là doanh nghiệp xã hội nên xứng đáng được nhận các ưu đãi. Trong khi, doanh nghiệp xã hội có những đặc thù riêng biệt của nó và nếu nó phát triển ở mức khác biệt so với các ưu đãi mà nó đang dựa vào thì sẽ không còn được hưởng các ưu đãi này nữa. Cụ thể như quy định tại Thông tư 78/2014 thì hầu hết các ưu đãi miễn giảm thuế thường áp dụng cho dự án đầu tư mới gắn với các địa bàn đặc biệt. Tuy nhiên có nhiều doanh nghiệp xã hội hiện nay lại thành lập và giải quyết vấn đề xã hội cho những nhóm đối tượng yếu thế, bị cô lập ở các thành phố lớn vậy liệu họ có thể được hưởng các ưu đãi này hay không. Hay doanh nghiệp xã hội chỉ có thể tiếp cận một số nguồn vốn vay từ các quỹ việc làm dưới hình thức doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, tiêu chí đánh giá doanh nghiệp vừa và nhỏ lại dựa vào mức vốn và số lượng lao động. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nếu sử dụng lao động quá số lượng 200, 300 lao động thì cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đó sẽ không còn nữa. Trong khi đó, chủ trương của Nhà nước lại khuyến khích sự nhân rộng của mô hình này với nhiệm vụ hỗ trợ việc làm cho đông đảo lao động yếu thế và dễ tổn thương trong xã hội. Những vấn đề này cho thấy quy định pháp luật chưa được xây dựng dựa trên đặc thù của từng lĩnh vực nên gặp nhiều bất cập trong thực tiễn áp dụng. Đối với nông nghiệp và nông nghiệp cao là lĩnh vực đang được nhận rất nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư hiện nay cũng gặp một số bất cập. Rất nhiều doanh nghiệp quan tâm và mong muốn đầu tư vào mô hình sản xuất nông sản sạch bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều chính sách ưu đãi có nhưng được xem chỉ trên giấy còn khả năng thực thi lại rất khó. Ví dụ như ưu đãi về thuê đất là một ví dụ. Làm nông nghiệp thì cần phải quỹ đất rộng, cơ sở hạ tầng thuận tiện cho việc chuyên chở hàng ra thị trường. Do hàng hóa sạch sẽ không sử dụng các chất bảo quản nên thời gian chuyên chở làm sao phải nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương hiện nay quỹ đất công lớn gần cơ sở hạ tầng thuận tiện rất hiếm, nên khả năng được tiếp cận với chính sách ưu đãi về thuê đất là khó khả thi. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đi thuê lại đất của nhiều tư nhân với giá đắt, điều đó làm giá cả chi phí đội lên và hàng hóa khó có khả năng cạnh tranh được trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục hồ sơ phức tạp, mức lãi suất ưu đãi vay lại không chênh lệch quá lớn với mức vay thông thường; khi định giá tài sản để vay vốn thì các ngân hàng định giá tài sản trên đất như nhà kính, nhà lưới, máy móc sản xuất phân bón… rất thấp nên nhiều doanh nghiệp phải bỏ cuộc trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện có quy định về tài trợ toàn bộ chi phí cho các dự án nghiên cứu công nghệ cao nhưng mức hỗ trợ đầu tư cho quá nhiều khoản và mục dẫn đến áp lực về nguồn vốn để giải ngân cộng với khó khăn về đăng ký sở hữu trí tuệ: thủ tục bắt buộc thông báo chi tiết về công nghệ, sáng chế khiến nguy cơ mất thông tin, bí quyết, quy trình công nghệ khiến nhiều doanh nghiệp ngại ngần khi làm thủ tục. Hay như trong chính sách về hưởng ưu đãi về giá bán điện mặt trời các nhà đầu tư cũng kiến nghị về việc Nhà nước nên có chính sách mang tính lâu dài, ổn định, thời hạn hưởng ưu đãi và mức ưu đãi nên rõ ràng; các văn bản thay thế cần được ban hành kịp thời. Dẫn chứng như Quyết định số11/2017/QĐ-TT ngày 11/04/2017 của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời đã hết hiệu lực từ ngày 30/06/2019 nhưng đến ngày 06/04/2020 mới ký Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 22/05/2020 gây nên cuộc chạy đua để được hưởng ưu đãi và tâm lý không an tâm cho các nhà đầu tư. 207
  8. Ngoài ra, việc tiếp cận được với các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp vẫn còn là điều khó khăn. Theo số liệu báo cáo của các sở khoa học và công nghệ, thời gian qua, trong số 386 doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong cả nước, mới có 53 doanh nghiệp được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, 13 doanh nghiệp được miễn, giảm tiền thuê đất, 09 doanh nghiệp được vay vốn tín dụng ưu đãi (Hà Linh, 2019). Nguyên nhân do chính sách chậm thực thi và thiếu thông tin về chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nguồn lực mà doanh nghiệp cần nhất là đất đai thì có tới hơn 60% doanh nghiệp cho rằng tiếp cận đất đai là rào cản lớn nhất trong việc đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Kinh tế đô thị, 2019). 2.4. Một số đề xuất bổ sung quy định pháp luật về các chính sách u đãi hợp lý cho các doanh nghiệp lựa chọn định h ớng phát triển bền vững trong kinh doanh Lựa chọn định hướng phát triển bền vững trong kinh doanh bao giờ cũng là một hướng đi khó khăn, vất vả và đầu tư tốn kém hơn hình thức kinh doanh truyền thống. Vì vậy, những chính sách ưu đãi nhằm tạo cho các doanh nghiệp có những điều kiện thuận lợi để có thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, mang lại lợi nhuận mà bảo vệ được môi trường và duy trì, phát triển các nguồn lực từ tự nhiên là điều rất cần thiết. Hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển bền vững đã cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn rất cần nhiều chính sách mới được ban hành hoặc được bổ sung để các doanh nghiệp này thực sự nhận được sự ưu đãi của Chính phủ và các ban ngành. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh các hoạt động sau đây: - Rà soát lại các văn bản quy định về ưu đãi cho phát triển bền vững, trên cơ sở đó sớm bổ sung các chính sách ưu đãi cụ thể và chi tiết. Các văn bản hướng dẫn nên xuất phát từ thực tế của từng địa phương và từng lĩnh vực ngành nghề đầu tư để có chính sách khả thi cho các doanh nghiệp; - Sớm ban hành nghị định hướng dẫn các ưu đãi cho doanh nghiệp xã hội là các doanh nghiệp đang trực tiếp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, kinh doanh mà không đặt lợi nhuận để chia cho các chủ sở hữu lên hàng đầu nhằm khuyến khích và mở rộng quy mô hoạt động cũng như số lượng doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu này; - Xây dựng lộ trình rõ ràng và chính sách minh bạch hơn nữa về các lĩnh vực phát triển bền vững để các nhà đầu tư thấy rõ quy hoạch tổng thể cũng như các chính sách minh bạch để yên tâm thực hiện dự án; tránh việc các nhà đầu tư bắt tay vào thực hiện dự án mà không có cơ chế hướng dẫn dẫn đến khó khăn, cản trở trong việc thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước; - Các chính sách ưu đãi nên xây dựng nhất quán và mang tính tổng thể, làm sao để suốt quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể tiếp cận với các chính sách ưu đãi khác nhau phù hợp với vòng đời của sản phẩm, tránh trường hợp “bắt con bỏ chợ”; - Cần xây dựng và duy trì mối quan hệ tương tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt và hiểu biết rõ ràng về những nhu cầu trợ giúp cũng như những khó khăn của doanh nghiệp trong thực hiện các hoạt động đổi mới, sáng tạo; vì hầu hết các sáng kiến khởi nghiệp này đều là những lĩnh vực mới, nhiều nhà đầu tư đang dò dẫm tìm đường theo kiểu “làm đến đâu mới biết đến đó” nên rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan, ban ngành địa 208
  9. phương và Trung ương nên cần có sự kết nối tốt giữa doanh nghiệp và chính quyền để có sự hỗ trợ kịp thời góp phần nhân rộng mô hình hoạt động; - Thiết lập và vận hành một số quỹ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đặc thù để họ có thể tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay ưu đãi; hình thành các khu quy hoạch trọng điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao để thuận tiện cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển quỹ đất còn chưa sử dụng; - Học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để xây dựng các chính sách ưu đãi đa dạng về thuế như khấu trừ bổ sung chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh sạch với tỷ lệ cao; giảm các khoản thuế thu nhập cá nhân và khoản đóng góp an sinh xã hội đối với cá nhân làm trong lĩnh vực công nghệ sinh học; - Tích cực hỗ trợ về nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ; thí điểm phát triển một số loại hình chợ công nghệ, chợ điện tử cho riêng các doanh nghiệp nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ ưu tiên, công nghệ mũi nhọn; - Khuyến khích và có các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng xanh trong dân chúng để sử dụng các sản phẩm xanh của doanh nghiệp, đó cũng là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu đầu ra của sản phẩm. 3. KẾT LUẬN Tăng trưởng thịnh vượng đi đôi với bền vững về môi trường, hòa nhập xã hội là những trụ cột chính của các quốc gia phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Quản trị doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững rồi sẽ là lựa chọn mang tính tất yếu khách quan. Nhưng vào thời điểm này, để tạo điều kiện cho các mô hình doanh nghiệp kinh doanh bền vững có xuất phát điểm tốt để phát triển sẽ rất cần những chính sách pháp luật ưu đãi hợp lý, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực ngành nghề. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật phù hợp trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư là nhiệm vụ cần thiết của các cơ quan lập pháp, có như vậy mới có thể đạt được các mục tiêu mà chính phủ đã đề ra cho kế hoạch phát triển bền vững từ nay đến năm 2035. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Luật Đầu tư 2020. 2. Luật Doanh nghiệp 2014. 3. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam. 4. Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. 5. Nguyễn Văn Huyên (2010), Phát triển bền vững: Một lý thuyết phát triển trong thế giới đương đại. Truy xuất từ nguồn https://hcma.vn/tintuc/Pages/dien-dan-chinh-tri-tu-tuong.aspx?CateID= 201&ItemID=21054 6. Hà Linh (2019), Khó khăn trong tiếp cận chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Truy xuất từ nguồn https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/kho-khan-trong-tiep-can- chinh-sach-uu-dai-danh-cho-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe-354885 209
  10. 7. Yên Thi (2020), Báo cáo hiện trạng Môi trường quốc gia 2019: Nhận diện ngu n gây ô nhiễm. 8. Thanh Ngân (2020), Đến thời của phát triển bền vững. Truy xuất từ nguồn http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/den-thoi-phat-trien-doanh-nghiep-ben-vung- 317372.html 9. Kinh tế đô thị (2019), Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao: Khó tiếp cận ngu n lực. Truy xuất từ nguồn http://kinhtedothi.vn/dau-tu-vao-nong-nghiep-cong-nghe-cao-kho-tiep-can-nguon- luc-341365.html 10. http://kinhtedothi.vn/dau-tu-vao-nong-nghiep-cong-nghe-cao-kho-tiep-can-nguon-luc-3 210
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2