YOMEDIA
ADSENSE
Rào cản trong tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông của trẻ em gia đình nhập cư tại Bình Dương
10
lượt xem 1
download
lượt xem 1
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Trong bài viết này tác giả sẽ phân tích để chỉ ra những rào cản mà các gia đình nhập cư đang phải đối mặt trong tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông tại tỉnh Bình Dương. Phương pháp nghiên cứu sử dụng trong bài viết này là nghiên cứu tài liệu và nghiên cứu định lượng, dữ liệu định lượng do nhóm chúng tôi thực hiện khảo sát vào tháng 9 và 10 năm 2018 với 348 hộ gia đình tại phường Thuận Giao (Thuận An) và phường Mỹ Phước (Bến Cát) tỉnh Bình Dương.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Rào cản trong tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông của trẻ em gia đình nhập cư tại Bình Dương
- RÀO CẢN TRONG TIẾP CẬN DỊCH VỤ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CỦA TRẺ EM GIA ĐÌNH NHẬP CƯ TẠI BÌNH DƯƠNG Đỗ Mạnh Tuấn 1 1. Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Quá trình phát triển theo định hướng công nghiệp hóa trong hơn 20 năm qua tại Bình Dương đã thu hút một lượng lớn dân cư từ các tỉnh thành khác chuyển đến sinh sống và làm việc. Bên cạnh những mặt tích cực do dân số nhập cư mang lại, Bình Dương cũng đang phải đương đầu với những thách thức trong việc đảm bảo cung cấp dịch vụ xã hội do dân số nhập cư tăng nhanh, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ giáo dục phổ thông dành cho trẻ em. Trong bài viết này chúng tôi sẽ phân tích để chỉ ra những rào cản mà các gia đình nhập cư đang phải đối mặt trong tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông tại tỉnh Bình Dương. Phương pháp nghiên cứu chúng tôi sử dụng trong bài viết này là nghiên cứu tài liệu và nghiên cứu định lượng, dữ liệu định lượng do nhóm chúng tôi thực hiện khảo sát vào tháng 9 và 10 năm 2018 với 348 hộ gia đình tại phường Thuận Giao (Thuận An) và phường Mỹ Phước (Bến Cát) tỉnh Bình Dương. Kết quả nghiên cứu cho thấy vấn đề tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông của trẻ em gia đình nhập cư tại Bình Dương vẫn đang có những diễn biến tiêu cực. Trẻ em và gia đình nhập cư đang gặp phải các rào cản xuất phát từ nhiều phía, trong đó bao gồm cả những yếu tố thuộc về hệ thống dịch vụ giáo dục phổ thông, chính sách hỗ trợ giáo dục và cùng với đó là rào cản bên trong của gia đình nhập cư đến từ nhận thức, thái độ của cha mẹ về giáo dục còn thấp, kinh tế gia đình khó khăn, nền tảng văn hóa gia đình không coi trọng giá trị giáo dục. Từ khóa: Tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông, Rào cản, Trẻ em gia đình nhập cư. 1. DẪN NHẬP Từ sau khi tái lập tỉnh (01/01/1997) bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ từ một tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành một tỉnh có ngành công nghiệp cơ bản hiện đại. Đi cùng với quá trình phát triển đó, Bình Dương còn được biết đến là nơi thu hút nguồn nhân lực từ nhiều tỉnh thành khác trong cả nước đến sinh sống và làm việc. Kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy Bình Dương có đến 53.5% là người nhập cư, với khoảng 1,2 triệu người (Huy Thịnh, 2019). Có thể nói chính lực lượng lao động nhập cư đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển của tỉnh Bình Dương (UBND tỉnh Bình Dương, 2016; Vũ Duy Định, 2018, tr.3), họ đã tạo ra những cơ hội cho Bình Dương phát triển như ngày nay. Bên cạnh những mặt tích cực do sự phát triển mang lại thì Bình Dương đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững. Một trong những thách thức có thể kể đến là khó khăn nảy sinh trong việc tổ chức và cung cấp các dịch vụ xã hội thiết yếu cho người dân, trong đó đặc biệt nổi lên là vấn đề cung cấp dịch vụ giáo dục cho trẻ em ở gia đình nhập cư. Nhiều gia đình nhập cư đang gặp phải các thách thức đa chiều trong việc tiếp cận với dịch vụ giáo dục phổ thông. Mặc dù là một tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhưng tại Bình Dương kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 vẫn cho thấy tình hình trẻ em ngoài nhà trường vẫn còn chiếm một tỷ lệ cao, lên đến 17.3%, tỷ lệ này là cao nhất vùng Đông Nam bộ và tương đương nhiều tỉnh thành ở vùng ĐBCSL (Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, 2019, tr.107). Thông qua bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào phân tích để chỉ ra những rào cản đang ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông của trẻ em gia đình nhập cư. Từ các phát hiện này, bài viết cũng đưa ra một số gợi ý để góp phần vào việc hỗ trợ trẻ em gia đình nhập cư tiếp cận hiệu quả hơn với dịch vụ giáo dục phổ thông. 126
- 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Cách tiếp cận năng lực Tiếp cận năng lực được đề xuất bởi Amatya Sen từ những năm 1980. Khi đánh giá con người, sự thịnh vượng của con người, Sen lập luận rằng, điều quan trọng nhất là biết được người đó có năng lực thực sự hay không và có thể làm gì. Cách tiếp cận năng lực của Sen (1981) tập trung trực tiếp vào chất lượng cuộc sống hay những gì mà một người thực sự có thể đạt được. Người ta thường đánh giá chất lượng cuộc sống như vậy dựa trên những khái niệm cơ bản về “chức năng” (functionings) và “năng lực” (capability). Theo Sen, chức năng là những gì con người ta thực sự làm được, trong khi năng lực là khả năng đạt được những thứ nhất định (Nguyễn Trung Thành, 2016). Để con người thực hiện được các chức năng trong cuộc sống của họ, con người phải có năng lực. Năng lực là tổ hợp khả năng thực hiện các chức năng hay đạt được các chức năng. Nói cách khác, theo Sen (1999) năng lực là sự tự do hiện thực mà con người được thụ hưởng để cuộc sống có ý nghĩa (Phạm Thành Nghị, 2008). Đối với cách tiếp cận năng lực cho phát triển của Sen, giá trị của mỗi cá nhân là năng lực thực hiện chức năng của mỗi người trong việc sử dụng các tài vật sẵn có để đạt được một cuộc sống chất lượng bao gồm thịnh vượng, hạnh phúc, và ý nghĩa của cuộc sống (Hà Hữu Nga, 2015). Điều này cho thấy năng lực là yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng phúc lợi của một cá nhân, một gia đình. Vận dụng Tiếp cận năng lực trong bài viết này chúng tôi sẽ đánh giá sự ảnh hưởng của một số yếu tố thuộc về năng lực hộ gia đình nhập cư (GĐNC) có ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục phổ thông của trẻ em trong mẫu nghiên cứu này. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu tài liệu Trong bài viết này, để làm rõ hơn về bối cảnh của vấn đề nghiên cứu chúng tôi có sử dụng một số kết quả nghiên cứu liên quan đến tình hình nhập cư và vấn đề giáo dục của người nhập cư tại Bình Dương đã được công bố trong những năm gần đây, bao gồm số liệu của Tổng cục thống kê và kết quả nghiên cứu của một số tác giả. Ngoài ra, một số bài báo viết về chủ đề giáo dục của trẻ em nhập cư trên địa bàn tỉnh Bình Dương được đăng tải trên các trang báo điện tử cũng được chúng tôi sử dụng để trích dẫn lại một số trả lời phỏng vấn báo chí của đại diện ngành giáo dục, chính quyền địa phương tại Bình Dương về vấn đề cung cấp dịch vụ giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu định lượng Kết quả nghiên cứu của bài viết được phân tích dựa trên bộ dữ liệu định lượng đề tài nghiên cứu “Nhu cầu của gia đình nhập cư về dịch vụ giáo dục đối với trẻ em tại tỉnh Bình Dương” do nhóm chúng tôi tiến hành trong năm 2018 và 2019 (Đỗ Mạnh Tuấn, 2018). Thông tin định lượng được tiến hành bằng phương pháp điều tra bảng hỏi vào tháng 9 và 10 năm 2018 tại 04 khu phố thuộc 02 phường của thị xã Thuận An (đại diện khu vực phía nam của tỉnh) và thị xã Bến Cát (đại diện khu vực phía bắc của tỉnh). Tại thị xã Thuận An chúng tôi khảo sát tại khu phố Bình Thuận 2 và Hòa Lân 2, phường Thuận Giao; và tại thị xã Bến Cát là khu phố 3 và 4, phường Mỹ Phước. Những gia đình được chọn là hộ gia đình có trẻ em từ 6 tuổi đến 17 tuổi sống chung trong hộ gia đình, đây là các trường hợp chuyển cư từ tỉnh thành khác đến sinh sống tại Bình Dương. Thực tế việc liên hệ địa bàn cho thấy ngay cả phía địa phương cũng không có khung mẫu theo tiêu chí chọn mẫu mà chúng tôi đặt ra. Do đó, việc chọn mẫu phải thực hiện theo cách chọn phi xác suất dựa trên sự giới thiệu và dẫn đường trực tiếp của các cộng tác viên là tổ trưởng tổ dân phố và chủ nhiệm câu lạc bộ chủ nhà trọ trên địa bàn để tìm đến các mẫu nghiên cứu mà chúng tôi cần2. Trong xác định cỡ mẫu do không thể biết được tổng thể của mẫu nghiên cứu, chúng tôi sử dụng công thức tính cỡ mẫu theo ước tính một tỷ lệ (Estimating a Proportion) với yếu tố quan tâm là tỷ lệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong độ học phổ thông nhưng không đi học. Theo số liệu của Tổng điều tra dân số nhà ở năm 2009, cho thấy tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng 2 Do hạn chế của kỹ thuật chọn mẫu phi xác suất vì vậy các kết quả phân tích trong bài viết này là sự phản ánh thực trạng vấn đề nghiên cứu từ chính mẫu nghiên cứu được lựa chọn, các kết quả phân tích không được suy rộng cho tổng thể toàn bộ các hộ GĐNC tại Bình Dương tại thời điểm khảo sát. 127
- không đi học của tỉnh Bình Dương là 30.8% (Tổng cục Thống kê, 2011, tr.40). Với độ chính xác tuyệt đối là 5% và độ tin cậy là 95%, cỡ mẫu được tính như sau: z2( p.q ) 1,962 x (0,31 x 0,69 ) n= = = 329 e2 0,052 Kết quả khảo sát chúng tôi đã thu được thông tin của 348 hộ gia đình (bao gồm cả 5% mẫu dự trữ). Các phân tích trong bài viết này chúng tôi sẽ dựa trên thông tin thu được từ 348 hộ GĐNC. 3. TÌNH HÌNH THAM GIA HỌC TẬP Ở CÁC LOẠI HÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CỦA TRẺ EM GIA ĐÌNH NHẬP CƯ TẠI BÌNH DƯƠNG Đánh giá về tình hình tham gia học tập giáo dục phổ thông của trẻ em GĐNC (có độ tuổi 6 – 17 tuổi), kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn trẻ em đang theo học bậc tiểu học với 55.4%, học trung học cơ sở (THCS) là 18.3%, trung học phổ thông (THPT) là 3.1%, số trẻ em đang không đi học là 21%. Tỷ lệ trẻ em theo học trường công lập là 75.2%, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (2.1%) trẻ em đang theo học trường dân lập/tư thục, mẫu nghiên cứu cũng cho thấy có 8 trẻ (1.7%) đang theo học lớp học tình thương. Kết quả này cho thấy tình hình nghỉ học ở trẻ em GĐNC trong mẫu nghiên cứu này là cao so với mặt bằng chung khi so sánh với kết quả của Tổng điều tra dân số, nhà ở năm 2019 được công bố gần đây, 21% của mẫu nghiên cứu so với 17.3% của tỉnh Bình Dương (Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, 2019, tr.107). Tỷ lệ trẻ em theo học dân lập/tư thục chiếm một tỷ lệ nhỏ khi so sánh với nghiên cứu gần đây về Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam được tiến hành vào năm 2015 (WB và VASS, 2016, tr.28). Về mặt độ tuổi của trẻ em đang không đi học, kết quả nghiên cứu cho thấy ở lứa tuổi tiểu học chỉ có 3.6%, nhưng lên độ tuổi càng cao thì tỷ lệ này cũng tăng lên tương ứng, ở lứa tuổi THCS tỷ lệ này là 28.5% và nhiều nhất là ở lứa tuổi THPT với 67.1% trẻ em đang không đi học. Tình hình trẻ em nghỉ học quá sớm cũng là một vấn đề cần quan tâm, khi mà có đến 36% số trẻ em đang không đi học (37/103 trẻ) chưa hoàn thành được bậc giáo dục tiểu học (bậc học bắt buộc) và trong số 103 em này cũng chỉ có 6.4% trẻ là hoàn thành được bậc THCS (bậc giáo dục phổ cập), không có em nào bỏ học một khi đã vào học ở bậc THPT. Điều này cho thấy lứa tuổi mà các em bỏ học phổ biến nhất diễn ra khi đang học THCS và phần lớn trong số đó (93.6%) là chưa hoàn thành được bậc THCS. Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra trẻ em trong nhóm các em đang không đi học có nguồn gốc gia đình xuất cư từ chủ yếu từ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), chiếm tỷ lệ lên đến 91.3% tổng số trẻ em đang không đi học trong mẫu nghiên cứu (94/103 em). Xét về tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em đang không đi học thì tỷ lệ này ở các hộ gia đình có nguồn gốc xuất cư từ vùng ĐBSCL cũng lên đến 31.3% (79/252 hộ gia đình xuất cư từ vùng ĐBSCL). 4. CÁC RÀO CẢN TỪ HỆ THỐNG CUNG CẤP DỊCH VỤ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC TIẾP CẬN DỊCH VỤ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CỦA TRẺ EM GIA ĐÌNH NHẬP CƯ TẠI BÌNH DƯƠNG Sự quá tải trường lớp đang gây ra các tác động tiêu cực đến việc tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông của trẻ em gia đình nhập cư Quá trình công nghiệp hóa trong hơn 20 năm qua tại Bình Dương đã kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của số người nhập cư từ tỉnh thành khác đến để sinh sống và làm việc. Các số liệu thống kê từ những năm 2000 đến nay đều cho thấy Bình Dương là địa phương luôn nằm trong nhóm có tỷ suất nhập cư thuần cao nhất cả nước, gần đây nhất, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy Bình Dương là tỉnh duy nhất trong cả nước có dân số nhập cư lớn hơn dân số sở tại, nhóm dân số này đã chiếm đến 53.5% dân số của tỉnh, với 1,2 triệu người (Huy Thịnh, 2019). Dân số nhập cư tăng nhanh đã tác động trực tiếp gây ra tình trạng quá tải trường học phổ thông trên địa bàn trong 128
- các năm qua do số học sinh tăng nhanh, trong khi số chỗ học có giới hạn, không mở rộng kịp thời. Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, “số lượng học sinh tăng cao chủ yếu là nhóm con em lao động từ ngoài tỉnh. Địa bàn tăng học sinh nhiều nhất là những nơi phát triển mạnh công nghiệp với nhiều khu công nghiệp ở các thị xã: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên và Tp.Thủ Dầu Một” (Trịnh Bình, Trọng Minh, 2017). Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện phổ biến tình trạng các “siêu trường”, “siêu lớp”, với sĩ số trên 50 em/lớp (Lê Tuyết, Trung Thành, 2015) (trong khi quy định hiện nay đối với quy mô lớp là 35 em/lớp đối với tiểu học và 45 em/lớp đối với trung học). Kết quả khảo sát từ các hộ GĐNC của chúng tôi cũng cho thấy có đến 58.1% số người được hỏi cho biết có tình trạng quá tải trường học đang diễn ra ngay trên địa bàn sinh sống, và 62.4% cho biết tình trạng quá tải trường học này là do tình trạng nhập cư tăng nhanh trên địa bàn. Sự quá tải trường học một mặt gây tác động tiêu cực lên chất lượng dạy và học của ngành giáo dục và việc học tập của học sinh. Đồng thời với đó, có một thực tế khác mà chúng tôi nhận thấy do sự quá tải này mà các trường tiểu học trên địa bàn tập trung các khu công nghiệp chỉ có thể tổ chức dạy học một buổi, đây là giải pháp tình thế trong tình trạng trường học quá tải. Nhưng cũng chính việc này lại tạo ra thêm một khoản chi phí khác mà các GĐNC phải chi trả, đó là khoản tiền đưa đón, chăm sóc ngoài giờ đối với trẻ em trong thời gian cha mẹ phải đi làm ở công ty, nhà máy. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về các khoản chi phí giáo dục cho trẻ em của hộ gia đình thì đây chính là khoản chi lớn nhất mà họ phải chi trả cho sử dụng dịch vụ giáo dục của trẻ em, mặc dù chỉ có 68 hộ (19.5%) sử dụng dịch vụ này, trung bình mỗi hộ phải chi hơn 17.5 triệu đồng/năm học. Điều này cho thấy sự quá tải trường lớp một mặt tác động tiêu cực đến chất lượng dạy học, một mặt tác động ngược tạo ra thêm gánh nặng chi phí giáo dục lên GĐNC. Một tác động khác gây ra bởi tình trạng quá tải trường học mà chúng tôi tìm thấy trong nghiên cứu này là tình trạng học sinh phải học trái tuyến (ở một phường khác) do trường học trên địa bàn cư trú không còn khả năng tiếp nhận. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy có 41 hộ gia đình cho biết trường học ở xa so với nơi ở, mặc dù địa bàn khảo sát là ở đô thị (phường Thuận Giao và phường Mỹ Phước). Chính sách tuyển sinh và hỗ trợ giáo dục đang tạo ra các khoảng trống trong cung cấp dịch vụ giáo dục phổ thông dành cho trẻ em gia đình nhập cư Liên quan đến chính sách trong tuyển sinh vào học trường công lập tại Bình Dương, theo tìm hiểu của chúng tôi hiện nay hoạt động tuyển sinh các trường học công lập vẫn còn quy định thứ tự ưu tiên trong tuyển sinh liên quan đến tình trạng hộ khẩu và các trường hợp này cũng phải đáp ứng được các điều kiện về tuyển sinh, đặc biệt học sinh phải đăng ký học từ đầu cấp và có thời gian tạm trú tại địa phương ít nhất từ 6 tháng trở lên. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng trẻ em GĐNC bị phân biệt đối xử trong tuyển sinh và việc này cũng dẫn đến hệ lụy các em mới chuyển cư tới địa bàn không thể đăng ký đi học nếu chưa đủ 6 tháng tạm trú theo quy định. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra trong thực tế đã có những trường hợp GĐNC mới chuyển đến chưa đủ thời gian tạm trú 6 tháng nên cũng không thể đăng ký nhập học cho trẻ em và hệ quả là các em này đã phải nghỉ học. Hiện nay theo quy định của Luật cư trú (sửa đổi bổ sung năm 2013), tại khoản 2, Điều 8 đã quy định nghiêm cấm lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân (Văn phòng Quốc hội, 2013). Nhưng thực tế các quy định trong chính sách tuyển sinh vào trường học phổ thông công lập tại Bình Dương vẫn đang căn cứ vào tình trạng hộ khẩu, điều này đang tạo ra rào cản nhất định ảnh hưởng đến quyền được học tập của trẻ em, nhất là các em mới chuyển cư đến cùng với cha mẹ. Hộp 1: “Nan giải trẻ "nhập cư" bỏ học tại các khu công nghiệp Bình Dương” (Dương Chí Tưởng, 2015) Hàng loạt trẻ em “nhập cư” do không đủ điều kiện đến trường đã bỏ học đang gia tăng đột biến tại địa bàn công nghiệp ở thị xã Thuận An và thị xã Dĩ An. Theo ghi nhận tại các phường Thuận Giao, Bình Hòa…của thị xã Thuận An, hàng loạt trẻ em đang trong độ tuổi vào lớp 1 và lớp 2 nhưng không đến trường. Các em bỏ học chủ yếu tạm trú ở khu trọ có quê ở các tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng…đi theo cha mẹ “nhập cư” vào địa bàn Bình Dương lao động và hầu hết các em thuộc diện mới tạm trú nên không đủ điều kiện để nhận vào các trường học. Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Thuận An, có hai vấn đề dẫn đến việc trẻ em ở các khu nhà trọ không đi học là do chưa đủ thời gian tạm trú 6 tháng trở lên nên các trường không thể nhận vào học và hiện các trường cũng đã quá tải học sinh. Nguyên nhân thứ hai là các em được cha mẹ dẫn lên Bình Dương lao động nhưng không chuyển hồ sơ 129
- học bạ và một số có hồ sơ nhưng không đáp ứng đủ giấy tờ cần thiết. Bên cạnh đó, có một bộ phận các em đã học qua lớp 1, lớp 2 ở dưới quê nhưng do cả gia đình ông bà, cha mẹ đều chuyển lên Bình Dương làm ăn, nên các em bỏ học đi theo lên ở trọ. Trong khi các cha mẹ bận việc suốt ngày, ít quan tâm nên cho con bỏ học ở nhà... Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, quy định học sinh có tạm trú ít nhất là 6 tháng trở lên mới được nhận vào lớp. Trong khi số học sinh mới tạm trú thuộc diện “vỡ quy hoạch.” Khoảng trống chính sách khác mà chúng tôi tìm thấy là trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục dành cho trẻ em GĐNC liên quan đến chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập gắn với chính sách giảm nghèo tại Bình Dương. Để được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trong trường hợp này học sinh phải có xác nhận hộ nghèo tại địa bàn cư trú. Trong khi đó về mặt chính sách giảm nghèo hiện hành tại Bình Dương lại không đưa các hộ gia đình tạm trú vào trong bình xét hộ nghèo, điều này dẫn đến tình trạng nhiều hộ gia đình mặc dù là hộ nghèo trong thực tế nhưng không được bình xét và con cái họ cũng không nhận được các hỗ trợ từ chính sách dành cho hộ nghèo về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. 5. CÁC RÀO CẢN BÊN TRONG GIA ĐÌNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC TIẾP CẬN DỊCH VỤ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CỦA TRẺ EM GIA ĐÌNH NHẬP CƯ TẠI BÌNH DƯƠNG Ngoài các rào cản bên ngoài liên quan đến hệ thống dịch vụ giáo dục phổ thông, chính sách giáo dục, quản lý hộ khẩu đang có ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông của trẻ em GĐNC. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy các rào cản bên trong thuộc về hộ GĐNC cũng đang góp phần gia tăng tính dễ tổn thương của trẻ em trong tiếp cận giáo dục phổ thông. Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến có nhiều trẻ em đang không đi học, kết quả khảo sát từ ý kiến của hộ gia đình cho thấy những khó khăn kinh tế của hộ gia đình là lý do chính, trong đó do nghèo đói là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc trẻ em không được đến trường đầy đủ (ở hộ gia đình có trẻ chưa bao giờ đi học là 75% và ở hộ gia đình có trẻ bỏ học sớm là 59,2%). Bên cạnh lý do kinh tế, nguyên nhân xuất phát từ phía chính trẻ em cũng được đề cập đến, tuy nhiên đây không phải là lý do chính khi có chưa đến 1/3 ý kiến cho biết là con không thích đi học (28.9%), học kém (9.2%), bị buộc thôi học (2,6%). Tuy nhiên, kết quả đánh giá này chỉ mới xuất phát từ sự đánh giá chủ quan của hộ gia đình, để làm rõ hơn sự ảnh hưởng của các rào cản bên trong đến cơ hội đi học của trẻ em chúng tôi sẽ sử dụng kiểm định Chi-Square để đánh giá một số khía cạnh thuộc về năng lực của hộ GĐNC đặt trong mối quan hệ tương quan với cơ hội đi học của trẻ em. Các khía cạnh thuộc về năng lực của gia đình nhập cư có thể bao gồm: nhận thức và thái độ của cha mẹ về giáo dục đối với trẻ em, điều kiện kinh tế hộ gia đình và vốn văn hóa của hộ gia đình. Bảng 1: Mô hình tác động của một số yếu tố thuộc về năng lực của hộ gia đình nhập cư đến tình hình đi học của trẻ em Yếu tố nhận thức, thái độ của cha mẹ về giáo dục đối với trẻ Điều kiện Vốn văn hóa em kinh tế hộ của gia đình gia đình Mục đích Hiểu biết Học vấn Ứng xử giả định của cha Thu nhập hộ Nơi xuất cư của cho con đi về quyền cao nhất mẹ khi trẻ em đối diện gia đình phân hộ gia đình học học tập của nguy cơ nghỉ học do hoàn theo 5 nhóm của trẻ em cha/mẹ cảnh gia đình khó khăn Tình hình đi học của .000* trẻ em trong gia .000* đình (6-17 tuổi) .000* 1. Gia đình có trẻ em đang không đi .000* học .001* 2. Gia đình có tất cả .000* trẻ em đang đi học * : Có ý nghĩa thống kê Sig. < 0,05 Nguồn: Đỗ Mạnh Tuấn (2018). Dữ liệu nghiên cứu định lượng của đề tài NCKH trường ĐH Thủ Dầu Một: Nhu cầu của gia đình nhập cư về dịch vụ giáo dục đối với trẻ em tại tỉnh Bình Dương, tháng 9- 10/2018 tại Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương và Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương. 130
- Ảnh hưởng yếu tố nhận thức, thái độ của cha mẹ về giáo dục đến cơ hội đi học của trẻ em Đánh giá về mục đích đầu tư vào việc học tập của trẻ em, kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn các bậc cha mẹ đều đặt ra mục đích tích cực đối với việc đầu tư cho con cái đi học (76.2%). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra có hơn 1/5 hộ gia đình (78/348 hộ, chiếm 22.4%) có mục đích chỉ cần con học biết chữ là đủ. Kết quả kiểm định mối liên hệ giữa hai biến ‘Mục đích cho con đi học’ và ‘Tình hình tham gia học tập của trẻ em trong gia đình’ (Xem bảng 1) cho thấy giữa hai biến này có mối liên hệ với nhau. Việc cha mẹ đặt ra mục đích học tập cho con cái chỉ cần dừng lại ở mức độ ‘biết chữ’ thì cũng dễ dẫn đến tình trạng trẻ em bỏ học sớm, có đến 65% số gia đình có con đang không đi học đã cho biết chỉ cần con học biết chữ, trong khi đó chỉ có 35% số gia đình có tất cả các con còn đang đi học đưa ra ý kiến này. Đánh giá về mức độ hiểu biết của cha mẹ về quyền được học tập, giáo dục của trẻ em, kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn cha mẹ cho biết học tập, giáo dục là một quyền cơ bản của trẻ em. Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có 1/5 số cha mẹ (66/348 hộ) không rõ về quyền này của trẻ em. Kết quả kiểm định mối liên hệ giữa hai biến ‘Hiểu biết về quyền trẻ em được tham gia học tập, giáo dục’ và ‘Tình hình tham gia học tập của trẻ em trong gia đình’ (Xem bảng 1) cho thấy giữa hai biến có mối liên hệ với nhau. Có đến 37/84 hộ gia đình (chiếm 44%) có con đang không đi học chưa có được nhận thức đầy đủ về quyền học tập, giáo dục của trẻ em, trong khi ở nhóm gia đình không có con nghỉ học thì chỉ có 29/264 hộ gia đình (chiếm 11%) là rơi vào tình trạng này. Một trong những khía cạnh có đóng góp quan trọng vào trong yếu tố nhận thức của cha mẹ về giáo dục là trình độ học vấn của cha mẹ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra trong mẫu nghiên cứu này trình độ học vấn của cha mẹ là tương đối thấp, có đến ¾ (76.1%) các hộ gia đình có cha/mẹ học vấn cao nhất từ lớp 9 trở xuống, chỉ có 1.7% hộ gia đình có cha/mẹ có trình độ học vấn là trung cấp, cao đẳng, đại học. Phổ biến nhất trong mẫu nghiên cứu này học vấn từ lớp 8 – 9, chiếm 30.7% của mẫu. Điều này cho thấy mặt bằng học vấn cao nhất của cha/mẹ tương đối thấp. Kiểm định mối liên hệ giữa hai biến ‘Học vấn cao nhất của cha/mẹ trong gia đình’ và ‘Tình hình tham gia học tập của trẻ em trong gia đình’ (Xem bảng 1) cho thấy giữa hai biến này có mối liên hệ với nhau. Cha/mẹ có học vấn càng cao thì tỷ lệ gia đình có trẻ đang không đi học càng giảm, ở chiều ngược lại cha mẹ có học vấn càng thấp thì tỷ lệ gia đình có trẻ đang không đi học càng tăng lên. Việc cha mẹ có học vấn tốt hơn có thể tác động tích cực đến tỷ lệ đi học của trẻ. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy trong mẫu nghiên cứu này học vấn của cha mẹ tương đối thấp và theo chúng tôi đây là một yếu tố thuộc về rào cản quan trọng ảnh hưởng đến cơ hội đi học của trẻ em. Để đánh giá thái độ của cha mẹ với việc học của trẻ em, chúng tôi đưa ra một trường hợp giả định là ‘gia đình gặp khó khăn, trẻ em phải đối diện nguy cơ nghỉ học, ứng xử của cha mẹ sẽ như thế nào?’, kết quả nghiên cứu chỉ ra phần lớn các bậc cha mẹ sẽ không để trẻ em nghỉ học với 75.6% lựa chọn (Sẽ cố gắng sắp xếp để con không phải nghỉ học; Không bao giờ cho con nghỉ học), tiếp theo là nhóm ý kiến trong đó cha mẹ chưa quyết định, nhưng trẻ em có nguy cơ nghỉ học (Có thể phải xem xét đến nhu cầu đi học của con rồi quyết định; Tùy con quyết định; Chưa biết sẽ ứng xử ra sao) với 17.5%, thấp nhất là nhóm chọn cho trẻ nghỉ học (Cho con nghỉ học; Khuyên con chuyển sang đi học nghề) với 6.8% các lựa chọn. Điều này cho thấy có khoảng ¼ hộ gia đình (24.4%) trẻ em sẽ có nguy cơ phải nghỉ học nếu xảy ra trường hợp gia đình gặp khó khăn, dữ liệu này khá tương đồng với tỷ lệ 24.1% số hộ gia đình trong mẫu khảo sát có trẻ em đang không đi học. Kiểm định mối liên hệ giữa hai biến ‘Ứng xử giả định của cha mẹ khi trẻ em đối diện nguy cơ nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn’ và ‘Tình hình tham gia học tập của trẻ em trong gia đình’ (Xem bảng 1) cho thấy giữa hai biến này có mối liên hệ với nhau. Cha mẹ có thái độ ứng xử theo hướng ‘cho con nghỉ học’ thì có một thực tế số trẻ em nghỉ học trong các hộ này cũng chiếm tỷ lệ cao nhất (61.9%), số hộ có tỷ lệ trẻ em bỏ học cao thứ hai là những trường hợp cha mẹ có thái độ ứng xử chưa quyết định, nhưng trẻ em có nguy cơ nghỉ học (25.9%) và số hộ có con nghỉ học ít nhất thuộc về nhóm hộ có thái độ xử sẽ không để trẻ em nghỉ học (7.3%). Điều này cho thấy thái độ thiếu tích cực của cha mẹ đối với việc học tập của trẻ em có thể là một rào cản ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông của trẻ em GĐNC. 131
- Ảnh hưởng của điều kiện kinh tế hộ gia đình đến cơ hội đi học của trẻ em Điều kiện kinh tế hộ gia đình là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả cho giáo dục trẻ em của hộ GĐNC. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy bình quân mỗi hộ GĐNC trong mẫu nghiên cứu này có thu nhập trung bình là 135,5 triệu đồng/hộ/năm, trong đó hộ có thu nhập thấp nhất là 18 triệu đồng/năm, hộ có thu nhập cao nhất là 360 triệu đồng/năm, chênh lệch giữa hộ cao nhất và thấp nhất lên đến 20 lần. Với độ lệch chuẩn là 50,4 triệu đồng thì trung bình các hộ ở ngưỡng dưới trung bình sẽ có tổng thu nhập bình quân là 85,2 triệu đồng/hộ/năm, trong khi đó các hộ ở ngưỡng trên trung bình sẽ có tổng thu nhập bình quân là 185,9 triệu đồng/hộ/năm, chênh lệch thu nhập giữa ngưỡng trên và ngưỡng dưới trung bình là 2.18 lần. Kiểm định mối liên hệ giữa hai biến ‘Tổng thu nhập hộ gia đình’ và ‘Tình hình tham gia học tập của trẻ em trong gia đình’ (Xem bảng 1) cho thấy giữa hai biến có mối liên hệ với nhau. Tỷ lệ gia đình có con đang không đi học có xu hướng giảm dần khi có sự gia tăng về tổng thu nhập hộ gia đình. Điều này cho thấy điều kiện kinh tế hộ gia đình có ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ đi học của trẻ em, thu nhập càng cao thì số trẻ em bỏ học càng giảm. Tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em từ 6 - 17 tuổi đang không đi học ở nhóm thu nhập thấp nhất lên đến 40%, cao gấp 4 lần so với tỷ lệ này ở các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao nhất (10%). Ảnh hưởng của vốn văn hóa của gia đình đến cơ hội đi học của trẻ em Đánh giá về tỷ lệ gia đình có trẻ em đang không đi học phân chia theo vùng miền xuất cư, kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm hộ gia đình xuất cư từ vùng ĐBSCL có số lượng gia đình có trẻ em đang không đi học chiếm tỷ lệ lớn nhất, lên đến 31.3%, tiếp theo là vùng Nam Trung bộ với 18.2%, Tây Nguyên là 14.3%, Đồng Nam bộ là 7.1% và các vùng thuộc miền Bắc thì không có gia đình nào có trẻ em đang không đi học. Kết quả này khá tương đồng với kết quả nghiên cứu gần đây nhất tại Việt Nam về nhóm trẻ em đang trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng đang không đi học phân theo vùng miền (Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, 2019, tr.105). Một trong những yếu tố quan trọng mà chúng tôi nhìn thấy ở đây có thể là sự khác biệt trong văn hóa đề cao các giá trị giáo dục giữa các vùng miền3 đã ảnh hưởng đến tình trạng trẻ em bỏ học, trong khi ở miền Bắc và miền Trung giá trị giáo dục được đề cao thì tỷ lệ bỏ học cũng thấp hơn, trong khi đó ở miền Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL giá trị giáo dục ít được đề cao hơn4&5 cũng đã góp phần vào làm tăng cao số trẻ em bỏ học sớm ở vùng này. Kiểm định mối liên hệ giữa hai biến ‘Nơi xuất cư của gia đình’ và ‘Tình hình tham gia học tập của trẻ em trong gia đình’ (Xem bảng 1) cho thấy giữa hai biến này có mối liên hệ với nhau. Ở những vùng miền mà giá trị giáo dục ít được đề cao thì tỷ lệ gia đình có trẻ em đang không đi học cũng tăng cao tương ứng (ở miền Nam tỷ lệ này là 30.1%, miền Trung và Tây Nguyên là 7.3% và miền Bắc là 0%). Điều này cho thấy vốn văn hóa đề cao giáo dục của các gia đình có ảnh hưởng đến tình hình đi học của trẻ em. 6. KẾT LUẬN Kết quả nghiên cứu cho thấy tình hình tham gia học tập của trẻ em gia đình nhập cư trong mẫu nghiên cứu này về cơ bản đang được đáp ứng khá tốt bởi hệ thống giáo dục tại Bình Dương. Chủ yếu trẻ em các gia đình nhập cư đang theo học tại hệ thống trường học công lập trên địa bàn, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ trẻ em theo học loại hình giáo dục dân lập/tư thục. Ngoài ra việc duy trì hoạt động của các lớp học tình thương cũng góp phần vào việc duy trì việc học hành cho một bộ phận nhỏ trẻ em gia đình nhập cư có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù vậy, tình hình trẻ em bỏ học sớm trong các hộ gia 3 Lý do chúng tôi chọn yếu tố văn hóa vùng miền chứ không phải yếu tố kinh tế - xã hội mang đặc thù của vùng miền là do mẫu khảo sát này chúng tôi thực hiện với các gia đình đang sinh sống tại Bình Dương, điều đó cũng đồng nghĩa là không có sự khác biệt trong các yếu tố kinh tế - xã hội trong mẫu nghiên cứu này. 4 Tại Hội nghị giao ban lần thứ 2 các Sở GD&ĐT vùng ĐBSCL được tổ chức tại Hậu Giang ngày 27/6/2014 đã chỉ ra một trong những nguyên nhân trẻ em bỏ học tăng cao ở vùng ĐBSCL là do “Một số Phụ huynh không coi trọng học hành của con cái” (Nguyễn Hữu Nguyên, 2015). 5 Nguyễn Thị Vân (2014) đã chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến trình độ học vấn thấp của người dân vùng ĐBSCL: “ĐBSCL chưa tạo cho mình một môi trường học tập cần thiết, hay nói một cách cụ thể hơn là tâm lý và nhận thức của người dân nơi đây chưa đánh giá đúng mức giá trị của học vấn và giáo dục” (Nguyễn Thị Vân, 2014). 132
- đình nhập cư vẫn đang là một vấn đề cần quan tâm, trợ giúp khi mà phần nhiều trẻ em chưa hoàn thành được các bậc học bắt buộc và phổ cập, đặc biệt là đối với nhóm trẻ em có nguồn gốc xuất cư từ vùng ĐBSCL. Nghiên cứu về thực trạng tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông của trẻ em gia đình nhập cư tại Bình Dương trong mẫu nghiên cứu cũng cho thấy họ đang phải đối mặt với những thách thức đa chiều đến từ cả hệ thống cung cấp dịch vụ giáo dục phổ thông và bên trong gia đình. Phân tích về các rào cản xuất phát từ hệ thống cung cấp giáo dục phổ thông cho thấy sự quá tải trong cung cấp dịch vụ đang ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tạo ra tác động ngược lên chi phí giáo dục và tạo ra khó khăn về khoảng cách đến trường của học sinh. Chính sách tuyển sinh, hỗ trợ giáo dục đang tạo ra khoảng trống trong cung cấp dịch vụ giáo dục phổ thông cho trẻ em. Trong khi các chính sách tuyển sinh hiện hành có thể dẫn đến sự phân biệt, đối xử trong sử dụng dịch vụ, thì chính sách hỗ trợ giáo dục không bao phủ được các đối tượng gia đình nhập cư nghèo, khó khăn cần được trợ giúp. Phân tích về các rào cản bên trong gia đình ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông của trẻ em cho thấy cơ hội đi học của trẻ em có mối liên hệ với một số yếu tố thuộc về năng lực của hộ gia đình. Trẻ em ở các gia đình mà cha mẹ có nhận thức tốt, thái độ tích cực với việc học tập của con cái, điều kiện kinh tế tốt, có nền tảng văn hóa đề cao giá trị giáo dục sẽ hạn chế được nguy cơ trẻ bỏ học sớm. Ngược lại, nhận thức của cha mẹ thấp, thái độ thiếu tích cực với việc học tập của con cái, điều kiện kinh tế khó khăn và nền tảng văn hóa gia đình không đề cao giá trị giáo dục sẽ làm gia tăng nguy cơ trẻ em bỏ học. Từ các kết quả phân tích trong bài viết này, chúng tôi cho rằng để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông của trẻ em gia đình nhập cư về phía hệ thống giáo dục cần quan tâm đến việc cải thiện về mặt chính sách trong tuyển sinh, hỗ trợ giáo dục dành cho trẻ em gia đình nhập cư. Về phía các dịch vụ trợ giúp xã hội cho gia đình nhập cư tại cộng đồng cần quan tâm đến việc cải thiện các điều kiện, hoàn cảnh sống của các hộ gia đình nhập cư gặp khó khăn, tập trung vào các hộ gia đình có năng lực thấp như cha mẹ có học vấn thấp, gia đình nghèo và ít coi trọng giá trị giáo dục, đặc biệt là nhóm gia đình nhập cư đến từ vùng ĐBSCL đang rất cần được quan tâm trợ giúp về mặt giáo dục./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019). Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019 - Tổ chức thực hiện và kết quả sơ bộ. Nxb Thống kê. Hà Nội. 2. Trịnh Bình, Trọng Minh (2017). “Áp lực về trường, lớp ở Bình Dương”. Báo Nhân dân Online. URL: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/34561402-ap-luc-ve-truong-lop-o-binh-duong.html. Truy cập ngày 14/8/2018. 3. Vũ Duy Định (2018). Sự biến đổi cơ cấu xã hội của nông dân tỉnh Bình Dương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Tóm tắt Luận án tiến sĩ Chủ nghĩa xã hội khoa học). Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội. Hà Nội. 4. Hà Hữu Nga (2015). Cách tiếp cận năng lực trong phát triển. Đã đọc 20/6/2018, từ kattigara- echo.blogspot.com: http://kattigara-echo.blogspot.com/2015/11/cach-tiep-can-nang-luc-trong-nghien- cuu_2.html. 5. Phạm Thành Nghị (2008). Tiếp cận năng lực trong phát triển con người. Nghiên cứu con người, Số 6 (39)/2008. 6. Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (VASS) (2016). Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam. Nxb Hồng Đức. Hà Nội. 7. Nguyễn Hữu Nguyên (2015). “Tìm hiểu vì sao đồng bằng sông Cửu Long là “vùng trũng” về giáo dục?”. Hội thảo "Phát triển bền vững giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long". ngày 15/01/2015 tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Tp.HCM. 8. Nguyễn Trung Thành (2016). Cách tiếp cận năng lực và cách tiếp cận “phát triển là quyền tự do” của Amartya Sen. Nghiên cứu con người, Số 2(83)/2016, tr 51 - 58. 133
- 9. Huy Thịnh (2019). “Người nhập cư ở Bình Dương đông hơn dân địa phương”. Báo Tiền Phong Online, URL: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nguoi-nhap-cu-o-binh-duong-dong-hon-dan-dia-phuong- 1443460.tpo. Truy cập ngày 15/8/2018. 10. Tổng cục Thống kê (2011). Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2009 – Giáo dục ở Việt Nam: Phân tích các chỉ số chủ yếu. Tổng cục Thống kê. Hà Nội. 11. Đỗ Mạnh Tuấn (2018). Dữ liệu nghiên cứu định lượng của đề tài NCKH trường ĐH Thủ Dầu Một: Nhu cầu của gia đình nhập cư về dịch vụ giáo dục đối với trẻ em tại tỉnh Bình Dương, tháng 9-10/2018 tại Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương và Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương. 12. Lê Tuyết, Trung Thành (2015). “Thất học vì… không tìm được trường”. Báo Lao động Online. URL: http://www3.laodong.com.vn/phong-su/that-hoc-vi-khong-tim-duoc-truong-373852.bld. Truy cập ngày 19/8/2018. 13. Dương Chí Tưởng (2015). “Nan giải trẻ "nhập cư" bỏ học tại các khu công nghiệp Bình Dương”. VietnamPlus, TTXVN online. URL: https://www.vietnamplus.vn/nan-giai-tre-nhap-cu-bo-hoc-tai-cac- khu-cong-nghiep-binh-duong/344097.vnp. Truy cập ngày 15/8/2018. 14. UBND tỉnh Bình Dương (2016). Quyết định số 2542/QĐ-UBND ngày 28/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020. 15. UBND tỉnh Bình Dương (2016). “Bình Dương 20 năm phát triển: Kỳ 10 - Chăm lo tốt đời sống cho người lao động”. Truy cập tại Website UBND tỉnh Bình Dương. URL: https://www.binhduong.gov.vn/thong-tin- tuyen-truyen/2016/12/330-binh-duong-20-nam-phat-trien-ky-10-cham-lo-tot-doi-song-cong-nhan-lao- dong. Truy cập ngày 2/10/2018. 16. Văn phòng Quốc hội (2013). Văn bản hợp nhất Luật cư trú 2006 và sửa đổi bổ sung 2013. Văn phòng Quốc hội. Hà Nội. 17. Nguyễn Thị Vân (2014). “Nguyên nhân, thực trạng và giải pháp nâng cao trình độ học vấn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Chính sách quốc gia - Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM (http://css.hcmussh.edu.vn). URL: http://css.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=354f89b8-d50c-45c8-bc3c-a4e05c6bcef5, Truy cập ngày 15/7/2019. 134
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn