PHẦN I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Lý do chọn đề tài
Từ trước đến nay, sinh hoạt dưới cờ đã trở thành một nội dung không thể
thiếu đối với tất cả các trường học từ bậc Tiểu học đến THPT. Đây là tiết học khởi
đầu cho một tuần làm việc mới, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo và rèn luyện cho
tất cả học sinh và giáo viên của toàn trường nên hầu hết trường học nào cũng chú
trọng cả về nội dung và hình thức tiết học. Đặc biệt từ năm học 2022-2023, sinh
hoạt dưới cờ là nội dung của hoạt động giáo dục bắt buộc nằm trong Chương trình
giáo dục phổ thông 2018 quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày
26/12/2018 của Bộ GD&ĐT với tên gọi là hoạt động trải nghiệm (ở THCS và
THPT có tên gọi là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) và sẽ thực hiện xuyên
suốt từ lớp 1 đến lớp 12, nó hoàn toàn khác với sinh hoạt đầu tuần.
Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt
động tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực,
khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của
các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề
của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua
đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ
năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc
sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai, đồng thời góp phần hình thành, phát
triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù cho học sinh;
nội dung hoạt động được xây dựng dựa trên các mối quan hệ của cá nhân học sinh
với bản thân, với xã hội, với tự nhiên và với nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế cách thức tổ chức SHDC ở mỗi trường trên toàn
quốc lại không giống nhau. Có những trường rất chú trọng, quan tâm đầu tư để nội
dung SHDC trở nên bổ ích và hiệu quả để khởi động cho một tuần học mới giàu
năng lượng hơn. Nhưng bên cạnh đó, trong những năm qua vẫn còn không ít
những trường học coi nhẹ nội dung, hình thức chào cờ đầu tuần, tổ chức một cách
qua loa, không đảm bảo thời gian và các yêu cầu của đổi mới giáo dục toàn diện
cho học sinh, làm cho mục đích, ý nghĩa của tiết chào cờ không còn được trân
trọng; giáo viên và học sinh không còn thiết tha với tiết chào cờ. Thậm chí có
trường học còn biến tiết SHDC trở thành nội dung kiểm điểm học sinh vi phạm
trong tuần của các lớp, điều đó tạo nên một không khí căng thẳng, áp lực không chỉ
đối với HS mà còn cả đối với giáo viên chủ nhiệm.
Nhận thức được vai trò và ý nghĩa to lớn của SHDC đối với học sinh trong
chương trình GDPT 2018, lãnh đạo trường THPT Yên Thành 3 đã chỉ đạo, hướng
dẫn sát sao đối với tổ giáo viên hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp luôn phải
đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức sinh hoạt để mỗi tiết chào cờ là một trải
nghiệm bổ ích, mang tính giáo dục cao cho học sinh và giáo viên toàn trường.