YOMEDIA
ADSENSE
SKKN: Biện pháp quản lý ôn tập thi tốt nghiệp ở trường THPT số 1 huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
546
lượt xem 60
download
lượt xem 60
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Nghiên cứu biện pháp quản lý ôn tập thi tốt nghiệp ở trường THPT số 1 huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thi tốt nghiệp THPT góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Mời quý thầy cô tham khảo sáng kiến “ Biện pháp quản lý ôn tập thi tốt nghiệp ở trường THPT số 1 huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai”.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: SKKN: Biện pháp quản lý ôn tập thi tốt nghiệp ở trường THPT số 1 huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
- SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM BIỆN PHÁP QUẢN LÝ ÔN TẬP THI TỐT NGHIỆP Ở TRƯỜNG THPT SỐ 1 HUYỆN VĂN BÀN, TỈNH LÀO CAI
- MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Ngày nay, khi nhân loại bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ của khoa học và công nghệ, thế kỷ của trí tuệ và cạnh tranh thị trường, thế kỷ của sự bùng nổ thông tin và xu thế toàn cầu hóa đã đặt ra những yêu cầu to lớn, cấp bách về nguồn lực, đặc biệt là chất lượng nguồn lực con người. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định: “Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Trên cơ sở khẳng định tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”. Giáo dục phổ thông là nền tảng cơ bản của hệ thống giáo dục quốc dân mà trong đó giáo dục Trung học phổ thông (THPT) sẽ là cơ sở đem đến chất lượng cho cả hệ thống giáo dục. Mục tiêu của giáo dục THPT là nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của Giáo dục trung học cơ sở, hoàn thành học vấn phổ thông để học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia vào cuộc sống lao động, hoặc để tiếp tục học lên Cao đẳng - Đại học. Đó là mục tiêu rất thiết thực mà mỗi học sinh đều mong muốn đạt được sau những năm dài học tập bằng cuộc thử sức qua kỳ thi tốt nghiệp lớp 12. Kết quả của kì thi tốt nghiệp THPT là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng của một nhà trường. Vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả của kì thi tốt nghiệp THPT luôn được các cấp quản lý giáo dục quan tâm và tìm giải pháp để nâng cao tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp. Trường THPT số 1 huyện Văn bàn, tỉnh Lào Cai trong những năm qua có kết quả thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi tương đối
- ổn định và có chiều hướng đi lên, nhà trường đã khẳng định được vị thế so với các trường THPT trong tỉnh. Bản thân được Hiệu trưởng phân công phụ trách công tác quản lý ôn tập thi tốt nghiệp, do vậy tôi chọn đề tài: “Biện pháp quản lý ôn tập thi tốt nghiệp ở trường THPT số 1 huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai” làm đề tài sáng kiến kinh nghiệm. 2. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu biện pháp quản lý ôn tập thi tốt nghiệp ở trường THPT số 1 huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thi tốt nghiệp THPT góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. 3. Đối tượng nghiên cứu Biện pháp quản lý ôn tập thi tốt nghiệp ở trường THPT số 1 huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. 4. Phạm vi và kế hoạch nghiên cứu - Phạm vi nghiên cứu: Công tác quản lý ôn tập thi tốt nghiệp của lãnh đạo trường THPT huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. - Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 8/2011 đến tháng 5/2012. 5. Nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài có nhiệm vụ chỉ ra cách làm trong công tác quản lý ôn thi tốt nghiệp ở trường THPT số 1 huyện Văn Bàn. 6. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp nghiên cứu lý luận. - Phương pháp tổng kết kinh nghiệm. - Phương pháp quan sát.
- PHẦN NỘI DUNG 1. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường là một trong những lĩnh vực khoa học được nhiều nhà quản lý giáo dục quan tâm nghiên cứu và đặc biệt là những cán bộ quản lý giáo dục ở các nhà trường với những góc độ quan sát khác nhau. Trong mỗi cách tiếp cận thì những biện pháp của nhà quản lý đưa ra có sự khác biệt để phù hợp với đặc điểm, đối tượng nghiên cứu. Việc tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường THPT, công tác này luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lý các nhà trường. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị về việc tổ chức, thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp THPT. Qua nghiên cứu cho thấy các báo cáo, tham luận của lãnh đạo các trường trong những năm học vừa qua tập trung cơ bản vào các vấn đề sau: - Xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 ngay từ đầu năm học và tổ chức bồi dưỡng thường xuyên trong cả năm học. - Khảo sát, phân loại đối tượng học sinh để có biện pháp giảng dạy và ôn tập phù hợp. - Phân công giáo viên có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn trực tiếp giảng dạy và ôn tập thi tốt nghiệp. - Chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng nội dung ôn tập theo hướng đối tượng học sinh đã phân hóa.
- - Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm trong công tác hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp. - Nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong công tác quản lý học sinh. - Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong công tác quản lý, giáo dục học sinh chấp hành tốt nội quy của nhà trường và tự học ở nhà. - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các lực lượng có trách nhiệm trong nhà trường,… Mặc dù các biện pháp đưa ra là rất nhiều, nhưng cách thức để thực hiện mỗi biện pháp của từng trường là khác nhau và trong mỗi biện pháp đưa ra cũng có những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. Do vậy có những biện pháp được thực hiện triệt để nhưng cũng có những biện pháp mới thể hiện trên báo cáo, tham luận. Thực tế cho thấy nhiều trường rất khó khăn trong việc dạy phân hóa theo đối tượng học sinh vào buổi chiều, tổ chức học theo hướng phân hóa một thời gian ngắn thì lại quay trở lại học theo đơn vị lớp do không nhận được sự ủng hộ từ phía học sinh, sự đồng tình từ giáo viên trực tiếp giảng dạy chính khóa. Việc phân công giáo viên có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn trực tiếp giảng dạy và ôn thi tốt nghiệp cũng không phải là việc làm dễ với các trường có lực lượng giáo viên cốt cán mỏng, thường đội ngũ này đảm nhận các công việc ôn thi học sinh giỏi và ôn thi chuyên nghiệp nhiều hơn so với dạy ôn thi tốt nghiệp. Ở góc độ quản lý ôn tập thi tốt nghiệp thì có nhiều báo cáo, tham luận của lãnh đạo các trường THPT trong tỉnh Lào Cai thực hiện thường niên trong các năm học, nhưng thể hiện qua một sáng kiến kinh nghiệm thì có rất ít người nghiên cứu về vấn đề này. 2. Những thuận lợi, khó khăn trong quản lý ôn tập thi tốt nghiệp tại trường Trung học phổ thông số 1 huyện Văn Bàn 2.1. Thuận lợi
- Công tác ôn tập thi tốt nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục. Đủ giáo viên các môn học theo quy định, đội ngũ giáo viên cơ bản là trẻ, nhiệt tình, năng động song còn thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như quản lý học sinh. Có giáo viên cốt cán ở hầu hết các môn văn hóa cơ bản. Nền nếp nhà trường tốt, học sinh ngoan tuy nhiên khả năng nhận thức của một bộ phận học sinh còn hạn chế. Cơ sở vật chất của nhà trường cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường. Môi trường xã hội tốt. Cấp ủy và Chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, các ban ngành địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh luôn quan tâm, ủng hộ các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đội ngũ cán bộ quản lý của nhà trưởng trẻ, năng động, sáng tạo, tâm huyết với nghề. Công tác quản lý điều hành từ lãnh đạo nhà trường đến các tổ trưởng chuyên môn, đầu mối của các tổ chức đoàn thể luôn đảm bảo tính kế hoạch, hiệu quả. 2. Khó khăn Đội ngũ giáo viên cốt cán ở các môn rất mỏng do thuyên chuyển công tác nhiều trong những năm gần đây. Một số giáo viên ở các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh mặc dù đã giảng dạy nhiều năm nhưng không thể bố trí dạy lớp 12 do phương pháp cũng như kiến thức bộ môn còn nhiều hạn chế. Khó khăn của đội ngũ giảng dạy 8 môn văn hóa cơ bản thể hiện qua các số liệu sau: - Môn Toán: 10 giáo viên trong đó có 1 giáo viên cốt cán làm quản lý; 1 giáo viên mới nhận công tác năm học 2010-2011; 1 giáo viên trình độ đại học Trung học cơ sở rất yếu về chuyên môn nên nhiều năm chỉ bố trí dạy ở lớp 10; 1 giáo viên điều kiện sức khỏe yếu nghỉ nhiều; 2 giáo viên đã công tác nhiều năm nhưng do phương pháp cũng như năng lực chuyên môn còn hạn chế nên chưa thể bố trí dạy lớp 12.
- - Môn Vật lý: 5 giáo viên, không có giáo viên cốt cán; chất lượng thi tốt nghiệp môn Vật lý trong nhiều năm qua rất thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. - Môn Hóa học: 4 giáo viên, có 1 giáo viên cốt cán đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2011-2012; 2 giáo viên mới chuyển về trường công tác từ học kì II của năm học 2010-2011. - Môn Ngữ văn: 8 giáo viên, đây là tổ chuyên môn có lực lượng giáo viên tương đối đều tay, nhiều giáo viên có năng lực chuyên môn tốt. Tuy nhiên còn 1 giáo viên đã giảng dạy nhiều năm nhưng không bố trí dạy được ở lớp 12. - Môn Tiếng Anh: 5 giáo viên trong đó có 4 giáo viên trình độ tại chức, khó khăn trong việc dạy Tiếng Anh hệ 7 năm cho học sinh. Có 1 giáo viên cốt cán đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. - Môn Sinh: 4 giáo viên, trong đó 3 giáo viên mới ra trường được 3 năm; 1 giáo viên có kinh nghiệm nhất đã bổ nhiệm làm quản lý từ tháng 2/2011. - Môn Sử: 3 giáo viên, cả 3 giáo viên này đều rất yếu về phương pháp, năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế. - Môn Địa lý: 3 giáo viên trong đó có 1 cán bộ quản lý; 2 giáo viên mới ra trường được 3 năm. Đa số học sinh nhận thức yếu về các môn tự nhiên và môn Tiếng Anh, tuyển sinh đầu vào thấp, học sinh rỗng kiến thức từ các lớp dưới do đó việc bù lập kiến thức và dạy kiến thức mới gặp rất nhiều khó khăn. Học sinh ở các xã chiếm 72,6%, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn do đó cha mẹ học sinh còn mải lo làm ăn kinh tế, làm nương, làm rẫy ít quan tâm đến việc học hành của con em mình. Những thuận lợi và khó khăn trên là một trong những cơ sở đề đưa ra các biện pháp quản lý ôn tập thi tốt nghiệp tại trường THPT số 1 huyện Văn Bàn góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thi tốt nghiệp của học sinh.
- 3. Biện pháp quản lý ôn tập thi tốt nghiệp tại trường Trung học phổ thông số 1 huyện Văn Bàn 3.1. Phân công nhiệm vụ đảm bảo yêu cầu dạy phân hóa theo đối tượng học sinh ôn tập thi tốt nghiệp 3.1.1. Mục đích của biện pháp Nâng cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên bộ môn với chất lượng môn học ở các lớp giáo viên được phân công giảng dạy. Tạo sự thống nhất trong giảng dạy chính khóa cũng như ôn thi tốt nghiệp khi phân loại đối tượng học sinh. 3.1.2. Nội dung và cách thức thực hiện Trong phân công nhiệm vụ cho giáo viên hiện nay, nhiều trường sử dụng cách thức giao cho các tổ chuyên môn dự kiến phân công rồi trình lên Hiệu trưởng xem xét, cân nhắc, phê duyệt. Đây là cách làm dựa trên tính dân chủ của tập thể cán bộ, giáo viên trong trường và tạo được sự đồng thuận cao giữa giáo viên với lãnh đạo nhà trường. Tuy nhiên, cách phân công nhiệm vụ này chính là điều gây khó khăn trong khi phân công giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp theo đối tượng đã phân hóa bởi vì khi học chính khóa học sinh được học giáo viên A nhưng khi ôn thi buổi chiều lại là giáo viên B. Chúng ta vẫn nói là giao cho giáo viên có kinh nghiệm dạy lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp theo đối tượng học sinh đã phân loại, do vậy nếu chúng ta phân công giáo viên A vừa dạy chính khóa vừa dạy ôn thi tốt nghiệp thì chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn so với việc phân công giáo viên này dạy chính khóa, giáo viên kia dạy ôn thi tốt nghiệp. Chỉ riêng với đối tượng học sinh ôn thi chuyên nghiệp thì hãy dành đội ngũ giáo viên tốt nhất để đảm nhiệm công việc này, vì lẽ đây là đối tượng học sinh có nhận thức tốt gặp được các thầy cô giáo có năng lực chuyên môn tốt các em sẽ phát huy được nhiều hơn khả năng học tập của bản thân và nếu không phân công như thế, tự các em cũng sẽ tìm đến những giáo viên có năng lực chuyên môn tốt nhất để học. Với trường THPT số 1 huyện Văn Bàn, công
- tác ôn tập thi tốt nghiệp, ôn thi chuyên nghiệp được nhà trường tổ chức và duy trì tốt bởi trong phân công nhiệm vụ nhà trường luôn quan tâm đến việc đảm bảo dạy phân hóa đối tượng học sinh trong quá trình ôn thi. Cách phân công giảng dạy như sau: - Phân công dạy chính khóa theo cặp giáo viên của tất cả các môn văn hóa cơ bản. - Phân công giáo viên có năng lực về chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, có kinh nghiệm dạy lớp 12 và tạo điều kiện cho những giáo viên trẻ có triển vọng về chuyên môn cùng tham gia giảng dạy. Trong đó riêng với lớp chọn của lớp 12 được ưu tiên nhất về đội ngũ giáo viên. Trong những năm học gần đây trường THPT số 1 huyện Văn Bàn ổn định ở 21 lớp và có 7 lớp 12, có 1 lớp chọn là 12A1, chúng tôi thực hiện như sau: - Phân công dạy theo cặp: 12A2 với 12A7, 12A3 với 12A5, 12A4 với 12A6. - Phân công giáo viên cốt cán dạy lớp chọn 12A1. - Trong ôn tập thi tốt nghiệp, phụ đạo chia tách đối tượng học sinh từ các lớp 12A2 đến 12A7 thành 3 đối tượng: + Đối tượng 1: gồm những học sinh khá, giỏi, giáo viên dạy ôn thi ở lớp này theo nhu cầu học tập của học sinh. + Đối tượng 2: gồm những học sinh ở mức trung bình khá được ghép theo các cặp lớp 12A2,7; 12A3,5; 12A4,6. + Đối tượng 3: gồm những học sinh trung yếu và học sinh yếu được ghép theo các cặp lớp 12A2,7; 12A3,5; 12A4,6. Như vậy, với cách phân công trên thì sẽ đáp ứng được việc giáo viên dạy chính khóa trực tiếp ôn tập thi tốt nghiệp, phụ đạo. Trong quá trình học tập học sinh dễ nắm bắt kiến thức hơn, giáo viên có điều kiện thuận lợi hơn trong việc
- kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của học sinh và để làm được việc này thì lãnh đạo nhà trường phải là người trực tiếp phân công nhiệm vụ. 3.2. Phân loại học sinh đúng đối tượng và có kế hoạch ôn tập phù hợp theo từng giai đoạn trong năm học 3.2.1. Mục đích của biện pháp Phân loại học sinh đúng đối tượng giúp giáo viên có phương pháp, cách thức ôn tập phù hợp, từ đó nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Xây dựng kế hoạch ôn tập theo từng giai đoạn giúp học sinh chủ động trong ôn tập, tránh học nhồi nhét kiến thức vào thời điểm cuối năm học và tăng cường khả năng tự học, tự ôn tập của học sinh đặc biệt là với đối tượng học sinh có học lực trung bình yếu và học lực yếu. 3.2.2. Nội dung và cách thức thực hiện Nếu phân loại đối tượng học sinh theo từng môn học thì việc biên chế lớp học buổi chiều và xếp lịch học vô cùng khó khăn và có lẽ không thực hiện được. Trên thực tế cho thấy nếu học sinh học được các môn tự nhiên thì chắc chắn sẽ học được các môn xã hội, trường hợp học sinh học được môn tự nhiên mà không học được môn xã hội chỉ là những trường hợp đặc biệt và đối tượng này nếu có thì rất ít. Dựa trên thực tế này chúng tôi lấy tiêu chí để phân chia đối tượng học sinh cơ bản dựa vào môn Toán, giao cho giáo viên dạy môn Toán kết hợp với giáo viên chủ nhiệm phân chia học sinh thành 3 đối tượng như ở biện pháp 1 đã nêu. Nhiều năm nhà trường đã áp dụng cách phân chia đối tượng dựa trên tiêu chí này và đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ từ phía đội ngũ giáo viên và học sinh, không có học sinh phản ảnh về việc phân chia đối tượng hay phân công giáo viên giảng dạy không phù hợp và đặc biệt không có hiện tượng học sinh phải học thêm ở ngoài trường. Kế hoạch ôn tập được nhà trường tổ chức thành 4 giai đoạn: - Giai đoạn 1: Từ đầu năm học đến kết học kì I, tổ chức ôn thi tốt nghiệp với các môn Toán (3 tiết/tuần), Ngữ văn (2 tiết/tuần), Tiếng Anh hệ 7 năm (3
- tiết/tuần) và hệ 3 năm (2 tiết/tuần). Phụ đạo môn Vật lý, Hóa học mỗi môn 2 tiết/môn/tuần theo đối tượng học sinh đã phân theo đối tượng từ lớp 12A2 đến 12A7. Thời lượng học 3 buổi/tuần. Riêng lớp 12A1 chỉ ôn thi tốt nghiệp với môn Tiếng Anh. - Giai đoạn 2: Từ đầu học kì I đến thời điểm thông báo môn thi tốt nghiệp tổ chức học phụ đạo thêm các môn Lịch sử, Địa lý, Sinh học và bố trí 1,5 tiết/môn/tuần. Thời lượng học 4 buổi/tuần. Riêng lớp 12A1 vẫn duy trì ôn thi tốt nghiệp với môn Tiếng Anh. - Giai đoạn 3: Từ thời điểm thông báo môn thi tốt nghiệp đến khi kết thúc chương trình học chính khóa ôn 6 môn thi tốt nghiệp theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời điểm này nhà trường tiếp tục phân chia học sinh thuộc đối tượng 2 và 3 kỹ hơn thông qua việc biên chế thêm 1 lớp gồm những đối tượng học sinh yếu nhất nếu không có sự cố gắng nỗ lực sẽ trượt tốt nghiệp và phân công đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm nhất trong công tác ôn thi tốt nghiệp giảng dạy lớp này, đồng thời điều chuyển học sinh giữa các lớp thuộc đối tượng 2 và đối tượng 3 còn lại cho phù hợp nhưng vẫn đảm bảo theo từng cặp lớp để giáo viên dạy chính khóa sẽ ôn thi tốt nghiệp, làm như thế giáo viên sẽ sâu sát hơn với từng học sinh. - Giai đoạn 4: Từ thời điểm hoàn thành chương trình chính khóa đến hết năm học (thường kết thúc quá trình ôn thi vào khoảng 22 đến 25/5). Thời điểm này nhà trường bố trí ôn tập vào buổi sáng, các buổi chiều học sinh yếu và trung bình yếu đến trường tự học dưới sự quản lý, hướng dẫn của giáo viên. Cách thức tổ chức của giai đoạn 4 như sau: + Với đối tượng học sinh trung bình khá, học sinh khá và giỏi bản thân các em có tinh thần tự giác trong học tập và có khả năng sắp xếp thời gian hợp lý để tự học, tự ôn tập trên cơ sở nền kiến thức đã được trang bị trong suốt quá trình tổ chức ôn tập do đó không nên học theo kiểu nhồi nhét mà để các em có thời gian tự ôn tập ở nhà vào các buổi chiều.
- + Với đối tượng học sinh yếu, trung bình yếu đến trường tự học vào tất cả các buổi chiều trong tuần, nhà trường biên chế thành 5 lớp, mỗi lớp không quá 25 học sinh và phân công giáo viên trực giám sát, giáo viên hướng dẫn học sinh tự học trong từng buổi, quy định rõ nội dung tự học trong từng buổi và mỗi môn phân công 1 giáo viên chuẩn bị nội dung tự học cho đối tượng này, mỗi buổi chỉ bố trí 1 môn và yêu cầu giáo viên hướng dẫn phải sâu sát đến từng học sinh, việc tổ chức ôn tập, truy bài theo nhóm được tổ chức khá tốt. Qua quá trình thực hiện, việc duy trì số lượng của các lớp học này tại nhà trường rất tốt, học sinh tích cực và hào hứng trong quá trình ôn tập và với cách thức tổ chức như vậy nhiều học sinh không thuộc đối tượng này cũng tự nguyện xin đi học cùng vào các buổi chiều. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp đều đánh giá cao việc tổ chức hoạt động tự học với đối tượng học sinh trung bình yếu và học sinh yếu của nhà trường. 3.3. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh với công tác ôn tập thi tốt nghiệp 3.3.1. Mục đích của biện pháp Làm cho mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh thấy rõ nhiệm vụ của mình cần phải thực hiện trong công tác ôn tập thi tốt nghiệp. Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý trong việc quản lý ôn thi tốt nghiệp; trách nhiệm của giáo viên với chất lượng, hiệu quả của môn học, trách nhiệm với từng học sinh và kết quả thi tốt nghiệp của nhà trường; Học sinh xác định đúng mục đích, động cơ học tập; Cha mẹ học sinh có trách nhiệm trong việc quản lý con em mình đi học, nghỉ học và tự học ở nhà. 3.3.2. Nội dung và cách thức thực hiện Đối với cán bộ quản lý Nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp: Trên cơ sở phân tích thực trạng, căn cứ vào đặc điểm của nhà trường, căn cứ vào các văn bản hướng dẫn về công tác ôn tập thi tốt nghiệp của các cấp quản lý giáo dục
- cần xác định rõ và lựa chọn chính xác mục tiêu của công tác ôn tập thi tốt nghiệp. Từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu một cách cụ thể, chi tiết hóa (phân định rõ về thời gian, tổ chức, người thực hiện, nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện) và triển khai thành kế hoạch gắn với từng bộ phận, cá nhân cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của nhà trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Đổi mới trong công tác tổ chức biên chế lớp ôn tập thi tốt nghiệp theo hướng phân hóa đối tượng học sinh và phân công giáo viên giảng dạy hợp lý, khoa học để giáo viên thể hiện hết khả năng của bản thân và trách nhiệm nghề nghiệp với học sinh, tránh đùn đẩy trách nhiệm về hiệu quả giảng dạy bộ môn giữa giáo viên dạy chính khóa với giáo viên dạy phụ đạo, ôn tập thi tốt nghiệp. Chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên, các tổ chức đoàn thể thực hiện kế hoạch đề ra một cách cụ thể. Quan tâm đến triển khai, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch của tổ chuyên môn, giáo viên, các tổ chức đoàn thể thường xuyên, kịp thời và có những điều chỉnh thích hợp. Chú trọng việc lấy thông tin phản hồi từ phía học sinh trong công tác này. Đối với tổ chuyên môn Xây dựng nội dung ôn tập cụ thể, chi tiết theo từng đối tượng học sinh đã được phân loại trên cơ sở kế hoạch của nhà trường, đảm bảo chuẩn kiến thức kĩ năng của từng môn học. Với những môn nhà trường chưa tổ chức ôn tập từ đầu năm cần xác định rõ kiến thức cơ bản, tối thiểu cần đạt của từng bài và hướng dẫn học sinh làm đề cương ôn tập sau mỗi bài dạy. Nhà trường đã xây dựng được bộ đề cương ôn tốt nghiệp dùng chung cho từng môn học theo từng đối tượng học sinh trong quá trình ôn thi tốt nghiệp và đã được sử dụng qua nhiều năm học. Do vậy, những giáo viên mới dạy lớp 12 căn cứ vào đó sẽ có hướng đi đúng trong quá trình giảng dạy và ôn thi.
- Cam kết chất lượng bộ môn của tổ chuyên môn và của từng giáo viên căn cứ vào năng lực của từng giáo viên, đối tượng từng lớp dạy, kết quả thi tốt nghiệp hàng năm của nhà trường, kết quả thi tốt nghiệp của tỉnh và lấy đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân xếp loại và xét danh hiệu thi đua với giáo viên. Tăng cường công tác bồi dưỡng, giúp đỡ giáo viên về kiến thức, phương pháp, cách thức tổ chức giờ dạy qua dự giờ thăm lớp, sinh hoạt chuyên môn, kiểm tra hồ sơ, trao đổi kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy cũng như học tập bộ môn, và đặc biệt là công tác tự học, tự bồi dưỡng của từng giáo viên. Chỉ đạo sâu sát việc dạy phân hóa đối tượng học sinh kể cả chính khóa và ôn tập một cách chi tiết đến từng nội dung, từng đơn vị kiến thức. Đối với giáo viên bộ môn Thực hiện nghiêm túc kế hoạch ôn tập của nhà trường, của tổ chuyên môn. Đẩy mạnh công tác tự học, tự bồi dưỡng và giúp đỡ đồng nghiệp với công tác ôn tập thi tốt nghiệp dưới nhiều hình thức. Nắm bắt sâu sát từng học sinh của lớp dạy, yêu cầu thuộc tên học sinh và khả năng nhận thức của từng em ngay trong tháng đầu với môn có từ 1 đến 2 tiết/tuần và trong 2 tuần đầu năm học với môn có từ 3 tiết/tuần trở lên để có cách thức hướng dẫn, giúp đỡ các em trong học tập. Kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của học sinh qua từng tuần và giao ban vào thứ 7 hàng tuần với Ban giám hiệu, Đoàn thanh niên. Phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. Đối với giáo viên chủ nhiệm Kết hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn trong việc quản lý học sinh nhằm kịp thời uốn nắn, điều chỉnh hành vi hoặc thái độ chưa đúng của học sinh. Việc
- làm này phải được tiến hành hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được tình hình học tập của học sinh qua từng buổi học. Hiểu hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, phối hợp chặt chẽ chẽ với cha mẹ học sinh để nắm được việc tự học và ôn tập ở nhà của các em để định hướng cho các em thực hiện tốt việc học, ôn tập. Thông báo kịp thời tình hình học tập, tu dưỡng của học sinh qua từng tháng, từng học kì, từng đợt thi khảo sát chất lượng. Tổ chức các nhóm học tập để các em có thể hỗ trợ nhau trong quá trình học tập và ôn tập. Phân công học sinh khá kèm học sinh yếu và gắn trách nhiệm cụ thể với cả học sinh khá và yếu. Động viên, khuyến khích kịp thời khi các em có sự tiến bộ trong học tập. Xây dựng đội ngũ cán sự bộ môn ở tất cả các môn học và có cơ chế thực hiện cụ thể với đội ngũ cán sự này. Hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch học và ôn tập phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng học sinh, đặc biệt là với đối tượng học sinh yếu. Có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tự ôn tập của các em ở lớp, ở nhà để kịp thời nhắc nhở, động viên, điều chỉnh các em thực hiện tốt nhiệm vụ học tập của mình. Tăng cường dự giờ lớp chủ nhiệm cả chính khóa và ôn tập để nắm bắt tình hình học tập của học sinh. Đối với Đoàn thanh niên Phối kết hợp với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm động viên kịp thời sự tiến bộ của học sinh. Nhắc nhở, xử lý những vi phạm của học sinh trong quá trình ôn tập. Tham gia vào công tác quản lý học sinh. Phân công mỗi đoàn viên trong chi đoàn giáo viên giúp đỡ 2 đến 3 học sinh yếu, đánh giá sự tiến bộ của học sinh qua từng tháng, từng học kì và qua các đợt khảo sát chất lượng ôn tập, lấy đó là một trong những tiêu chí để phân xếp loại đoàn viên. Đối với học sinh
- Xác định động cơ, thái độ học tập đúng đắn, tự giác trong học tập. Thực hiện nghiêm túc nội quy của nhà trường. Phải nắm vững đặc trưng của từng môn học và đánh giá đúng khả năng nhận thức của mình để có phương pháp học và ôn tập phù hợp cho từng môn cụ thể. Thiết lập hệ thống kiến thức cơ bản cho từng môn học theo mô hình sơ đồ - bảng biểu để dễ nhớ, dễ nắm kiến thức. Tăng cường khả năng tự học, tự luyện tập ở nhà để củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài. Cần ôn tập theo các nội dung của sách giáo khoa, kết hợp sử dụng sách bài tập cùng vở ghi. Thực hiện việc tự học, tự ôn tập với ôn tập theo nhóm và ôn tập trung cả lớp. Kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của học sinh với kiểm tra, đánh gía trong nhóm học tập và kiểm tra của giáo viên bộ môn. Từ đó, học sinh phát hiện những phần kiến thức còn thiếu hụt để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời và trao đổi với nhau cách ôn tập hay.Có thời khóa biểu cho việc tự học ôn ở nhà. Đối với cha mẹ học sinh Nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của kì thi tốt nghiệp THPT để qua đó giáo dục đạo đức, ý thức tự giác học tập và thi cử của học sinh. Tham gia đủ các buổi họp cha mẹ học sinh do nhà trường tổ chức để nắm bắt kịp thời kế hoạch của nhà trường. Phối kết hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm trong việc nắm bắt tình hình học tập của học sinh ở trường và quản lý việc học bài, làm bài ở nhà. Động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em ôn tập đạt kết quả tốt nhất. Trên đây là các biện pháp quản lý ôn tập thi tốt nghiệp cơ bản nhất trong nhiều biện pháp quản lý khác nhau đã được thực hiện ở trường THPT số 1 huyện Văn Bàn, tỉnh lào Cai. Mỗi biện pháp đưa ra đều có những ưu điểm nhất định và phù hợp với một nhiệm vụ cụ thể của công tác quản lý ôn thi tốt nghiệp
- song chúng không phải là những biện pháp riêng lẻ tách rời nhau mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau tạo thành một hệ thống. Do đó, nếu sử dụng phối hợp đồng bộ, mềm dẻo, linh hoạt thì sẽ phát huy được sức mạnh tối ưu của các biện pháp, góp phần nâng cao chất lượng ôn tập thi tốt nghiệp trong nhà trường. KẾT LUẬN Công tác ôn tập thi tốt nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi trường THPT, góp phần cụ thể hóa mục tiêu đào tạo của nhà trường và đánh giá sự trưởng thành của mỗi học sinh qua kì thi tốt nghiệp THPT. Để có được kết quả tốt thì mỗi học sinh phải được chuẩn bị tốt về mặt tâm thế và kiến thức trước kì thi, đó chính là điều băn khoăn, trăn trở của mỗi cán bộ quản lý ở các nhà trường và đặc biệt là những cán bộ quản lý được phân công phụ trách mảng chuyên môn phải tìm ra được những biện pháp quản lý phù hợp nhất với điều kiện thực tế của nhà trường để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này. Trong quá trình quản lý ôn tập thi tốt nghiệp tại trường THPT số 1 huyện Văn Bàn, qua nhiều năm đã thực hiện xin được trao đổi về kinh nghiệm quản lý của nhà trường với những đồng nghiệp đang công tác tại những trường có cùng điều kiện như trường THPT số 1 huyện Văn Bàn hoặc các trường có điều kiện khó khăn hơn có thể nghiên cứu và áp dụng. Trên đây là những kinh nghiệm của chúng tôi trong quá trình quản lý ôn tập thi tốt nghiệp tại trường THPT số 1 huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Rất mong nhận được sự góp ý, điều chỉnh. Chúng tôi xin tiếp thu và tiếp tục học hỏi để hiệu quả của hoạt động này ngày một tốt hơn!
- TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, (2011), Chỉ thị và hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2011-2012, NXB Giáo dục, Hà Nội 2. Nguyễn Phúc Châu, (2006), Quản lý nhà trường, Tài liệu bài giảng dành cho học viên lớp cao học. 3. Tài liệu tập huấn công tác chỉ đạo, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng ôn tập thi tốt nghiệp THPT, BT THPT năm 2010, Lào Cai. 4. Tài liệu tập huấn công tác chỉ đạo, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng ôn tập thi tốt nghiệp THPT, BT THPT năm 2011, Lào Cai 5. Luật giáo dục, (2005), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 6. Phạm Viết Vượng, (2001), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB ĐHQG, Hà Nội.
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn