intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

SKNN: Đổi mới công tác ra đề kiểm tra đánh giá dạng đề tự luận theo hướng mở môn Ngữ Văn bậc THPT

Chia sẻ: Nguyễn Lê Huy | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

261
lượt xem
75
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đây là sáng kiến kinh nghiệm đổi mới công tác ra đề kiểm tra đánh giá dạng đề tự luận theo hướng mở môn Ngữ Văn bậc THPT giúp các thầy cô hiểu thêm cách ra đề Văn mở cũng như trau dồi kinh nghiệm ra đề thi.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: SKNN: Đổi mới công tác ra đề kiểm tra đánh giá dạng đề tự luận theo hướng mở môn Ngữ Văn bậc THPT

  1. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HOÁ TRƯỜNG THPT BA ĐÌNH – NGA SƠN ---------------**********--------------- ĐỀ TÀI: ĐỔI MỚI CÔNG TÁC RA ĐỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ DẠNG ĐỀ TỰ LUẬN THEO HƯỚNG MỞ MÔN NGỮ VĂN BẬC THPT Người thực hiện: Phạm Thị Ngọc Diệp Chức vụ: Giáo viên Đơn vị công tác: Trường THPT BA ĐÌNH - NGA SƠN SKKN môn: Ngữ văn NĂM HỌC: 2010 – 2011 1
  2. PHẦN: ĐẶT VẤN ĐỀ I. Dạng đề mở trong kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn hiện nay Đề mở không còn là dạng đề mới mẻ, xa lạ trong những năm gần đây. Thời gian qua, dạng đề “mở” đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các tiết kiểm tra môn Ngữ văn ở bậc THCS và THPT. Đặc biệt, đề thi “mở” đã góp mặt trong những kỳ thi quan trọng như: Thi tuyển vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, 2010 vừa qua, câu 2 phần đề chung cho tất cả thí sinh được ra theo hướng “mở”: Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách (2009), Suy nghĩ về tình thương … (2010). Ngay từ chương trình Ngữ văn THCS, học sinh đã được tiếp cận với các dạng đề mở. Ví dụ như những dạng đề: “Kỉ niệm ngày thơ ấu”, “Một nhân vật văn học có ảnh hưởng tới cuộc sống của em”… Hiện nay, tạp chí “Văn học và Tuổi trẻ” của Nhà xuất bản Giáo dục cũng đang tổ chức cuộc thi Ra đề thi mở trong môn Ngữ văn. Điều đó chứng tỏ mức độ phổ biến và tính thực tiễn của dạng đề mở trong bộ môn Ngữ văn ở trường phổ thông ngày càng rộng rãi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều thái độ khác nhau đối với dạng đề mở. Có người thì thích thú, người thì băn khoăn, ngỡ ngàng, thậm chí có người cho rằng những đề văn mở là những “đề thi lạ”, “đề thi có vấn đề” hoặc “quá khó”. Những người còn lưu luyến với dạng đề truyền thống sẽ cho đề mở là quá mới lạ. Chính vì còn nhiều ý kiến chưa thật thống nhất về đề mở như vậy nên nhiều giáo viên chọn dạng đề truyền thống như là một “giải pháp lựa chọn an toàn”. Như thế vô tình đã khiến việc đổi mới phương pháp dạy - học diễn ra không đồng bộ: dạy theo phương pháp mới mà đánh giá, kiểm tra lại theo phương pháp cũ. 2
  3. II. Vai trò, ý nghĩa của việc đổi mới công tác ra đề kiểm tra theo hướng mở Ra dạng đề tự luận theo hướng mở có vai trò quan trọng và rất thiết thực đối với việc đổi mới phương pháp dạy - học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. 1. Đề thi môn nào cũng phải có yêu cầu sáng tạo nhưng đề thi môn văn yêu cầu sáng tạo càng phải được chú ý. Vì đây là sáng tạo trong thưởng thức nghệ thuật. Việc cải tiến, đổi mới trong đề thi, kiểm tra sẽ có tác động đáng kể tới phương pháp dạy - học của giáo viên và học sinh, nhất là môn Ngữ văn. Việc ra đề văn theo hướng mở sẽ khơi dậy trong học sinh hứng thú làm bài, tạo ra một không gian mở cho các em được bay bổng, sáng tạo và bày tỏ chính kiến riêng. Đề nghị luận xã hội mở tạo cho học sinh cơ hội bày tỏ nhận thức, suy nghĩ riêng của mình với những vấn đề khác nhau của xã hội, từ đó góp phần hình thành kĩ năng sống, kĩ năng ứng xử phù hợp đối với những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ vậy mà kéo văn chương lại gần với cuộc sống hơn. 2. Ra đề thi mở góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo, chủ động của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. 3. Một ưu điểm khác cần được nói đến của dạng đề “mở” là có thể phân hoá được học lực của học sinh. Để lựa chọn chính xác học sinh có tố chất, năng khiếu văn chương thì dạng đề mở sẽ là biện pháp kiểm chứng đạt hiệu quả cao. Dạng đề mở đánh giá đúng học sinh ở các phương diện: khả năng nhận thức đề, khả năng sáng tạo, khả năng lựa chọn phương pháp làm bài, thao tác lập luận… 4. Ra đề ngữ văn theo “dạng mở” là một biện pháp nâng cao tính suy luận, chống học vẹt, học tủ, buộc học sinh và cả thầy giáo phải đổi mới cách học cũng như cách dạy. Đấy cũng là biện pháp nâng cao chất lượng môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông và đánh giá đúng thực chất kết quả học tập cũng như qúa trình tự học của học sinh. 3
  4. PHẦN: NỘI DUNG I. Xác định cách hiểu đề mở trong môn Ngữ văn 1. Ở đây người viết chưa mạnh dạn đề xuất một khái niệm mang tính mô phạm, bác học về “đề mở” mà chỉ cố gắng xác định cách hiểu, đưa ra quan niệm của mình về khái niệm đề mở trong môn Ngữ văn. Khác với dạng đề truyền thống thường nêu rõ những mệnh lệnh, có gợi dẫn về thao tác lập luận như “hãy phân tích”, “hãy chứng minh”, “hãy giải thích” hay “hãy bình luận”… , dạng đề mở là loại đề chỉ nêu vấn đề cần bàn luận hoặc chỉ nêu đề tài để viết mà không gò ép một thao tác lập luận cụ thể nào. Như vậy, tùy thuộc vào nội dung vấn đề, đề tài được nêu ra trong đề bài mà người viết lựa chọn và quyết định thao tác nghị luận phù hợp. Một thực tế là, trong quá trình làm bài, ngay cả ở những dạng đề truyền thống có gợi dẫn thao tác nghị luận như “hãy phân tích”, “hãy chứng minh”… thì người viết sẽ không chỉ dùng một thao tác như đề bài yêu cầu mà luôn có sự kết hợp hài hòa giữa các thao tác. Vì thế, việc gợi dẫn thao tác vừa gò bó lại vừa không thật cần thiết. 2. Đề mở thường có hai dạng: Mở có định hướng và mở không có định hướng. a. Đề mở có định hướng: Là trong đề bài có gợi ý nội dung, luận điểm mà không gợi ý thao tác lập luận. Ví dụ: - Vẻ đẹp hào hùng và hào hoa của người lính Tây Tiến trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. - Chất cổ điển và hiện đại trong bài thơ “Mộ” (Ngục trung nhật kí) của Hồ Chí Minh. b. Đề mở không có định hướng: Là trong đề bài, nội dung và luận điểm, cả thao tác nghị luận cũng không xác định rõ mà người viết phải tự xác định nội dung, phạm vi, thao tác nghị luận. 4
  5. Ví dụ: - Ngày xuân đối thoại với những ngôi mộ liệt sĩ vô danh. - Âm vang thơ Đường trong thơ trung đại Việt Nam. II. Yêu cầu của dạng đề mở trong môn ngữ văn 1. Cần có một quan niệm đúng đắn về những đề văn mở: mở như thế nào? Mở đến đâu? Với hai dạng của đề mở (Mở có định hướng và mở không có định hướng) như vậy, thì tùy vào mức độ năng lực của học sinh, tùy khối học sinh cũng như tính chất của kì kiểm tra mà giáo viên lựa chọn dạng đề mở nào cho phù hợp. Đề mở nhưng cũng không được quá xa vời, mông lung khiến học sinh mơ hồ trong nhận thức đề, mà giáo viên cũng khó chấm và đánh giá. Ví dụ có thể ra một số dạng đề như sau cho từng khối và từng đối tượng học sinh: a. Khối 10: * Với học sinh đại trà: - Hào khí Đông A trong bài thơ “Tỏ lòng” (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão. - Từ những chương trình “Thắp sáng ước mơ”, “Trái tim cho em”, “Vì người nghèo”..., anh (chị) hãy viết bài văn với chủ đề: Sẻ chia và hạnh phúc. * Với học sinh giỏi: - Âm vang thơ Đường trong thơ trung đại Việt Nam. - Ngày xuân đối thoại với những ngôi mộ liệt sĩ vô danh. b. Khối 11: * Với học sinh đại trà: - Đọc văn bản sau: “Cái nhiệt kế và máy điều hòa nhiệt độ Bạn có biết sự khác biệt giữa cái nhiệt kế và máy điều hòa nhiệt độ không? Cái nhiệt kế đơn thuần chỉ cho chúng ta biết nhiệt độ của từng vùng riêng biệt. Ví dụ cái nhiệt kế của bạn đang chỉ 35 độ C và bạn đem nó vào trong phòng lạnh có nhiệt độ là 28 độ C thì nó sẽ thay đổi chỉ số của mình để phù hợp với nhiệt độ trong 5
  6. phòng là 28 độ C. Cái nhiệt kế luôn điều chỉnh để hòa hợp với môi trường xung quanh. Còn máy điều hòa nhiệt độ thì ngược lại, nó điều chỉnh nhiệt độ trong phòng. Nếu trong phòng đang có nhiệt độ là 28 độ C và máy điều hòa được cài ở 20 độ C thì chẳng bao lâu, nhiệt độ trong phòng sẽ là 20 độ C, phù hợp với chỉ số của máy điều hòa” (Dẫn theo “Bài học làm người” - NXB Trẻ - 2006) Đời sống của bạn sẽ là cái nhiệt kế hay sẽ là máy điều hòa nhiệt độ? - Những thông điệp mới mẻ, tha thiết mà thi sĩ Xuân Diệu gửi gắm qua bài thơ “Vội vàng” của mình. * Với học sinh giỏi: - Bàn về kết thúc truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao. - “Chí Phèo” (Nam Cao) - Tiếng kêu bàng hoàng nhân thế. - Viết bài văn với chủ đề: Tôi muốn tựa vào vai bạn. c. Khối 12: * Với học sinh đại trà: - Vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. - Do nhìn nhận nhân vật ở những góc độ khác nhau mà người đọc có những cách gọi tên khác nhau (cũng là cách đánh giá) về người vợ nhặt trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, như: người đàn bà vô sỉ, người đàn bà liều lĩnh, người đàn bà mực thước... Theo anh (chị), người vợ nhặt trong tác phẩm trên là ai trong số những người đàn bà nêu trên? - Vẻ đẹp hào hùng và hào hoa của người lính “Tây Tiến” trong bài thơ cùng tên của Quang Dũng. 6
  7. * Với học sinh giỏi: - Sự logic trong hành động cuối cùng của nhân vật hồn Trương Ba và quan niệm sống “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ. - Vẻ đẹp thiên tính nữ của sông Hương trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường 2. Cơ cấu số lượng câu theo đề mở và đề truyền thống cần cân xứng, hài hoà. Trong một đề gồm nhiều câu thì cũng cần phải cân đối giữa các câu theo dạng đề mở và truyền thống (ví dụ: đề bài gồm 3 câu thì chỉ cần 1 câu ra theo hướng mở), không nên hoàn toàn chỉ sử dụng dạng đề mở. 3. Dù là đề mở thì vẫn là đề của bộ môn văn, học sinh phải dùng kiến thức văn học để luận giải các vấn đề đặt ra trong đề bài. Những đề mở mà vẫn xuất phát từ kiến thức văn học đã được tích lũy của học sinh để mở ra không gian lớn cho các em suy nghĩ, sáng tạo. Các đề văn mở phải gắn bó với kiến thức văn học như thế nào chứ không thể thoát li hoặc tách rời với những điều đã học trong chương trình. 4. Đổi mới đề thi phải được tiến hành song song, đồng bộ với việc đổi mới phương pháp dạy học văn trong nhà trường. Phải xem việc đổi mới cách dạy, cách học văn là gốc để tạo ra cái nền vững chắc cho việc đổi mới đề thi. Đề thi đổi mới thì nó lại có tác dụng củng cố cách dạy, học. 5. Đáp án cần được soạn theo hướng mở, không nên ràng buộc người viết vào một số ý có sẵn mà chỉ cần định hướng về cách giải quyết, không câu nệ ngắn - dài. Chỉ cần yêu cầu học sinh xác định đúng trọng tâm, giải quyết vấn đề một cách thuyết phục. Ví dụ đề bài : - Đọc văn bản sau: “Cái nhiệt kế và máy điều hòa nhiệt độ Bạn có biết sự khác biệt giữa cái nhiệt kế và máy điều hòa nhiệt độ không? Cái nhiệt kế đơn thuần chỉ cho chúng ta biết nhiệt độ của từng vùng riêng biệt. Ví dụ cái nhiệt kế của bạn đang chỉ 35 độ C và bạn đem nó vào trong phòng lạnh có 7
  8. nhiệt độ là 28 độ C thì nó sẽ thay đổi chỉ số của mình để phù hợp với nhiệt độ trong phòng là 28 độ C. Cái nhiệt kế luôn điều chỉnh để hòa hợp với môi trường xung quanh. Còn máy điều hòa nhiệt độ thì ngược lại, nó điều chỉnh nhiệt độ trong phòng. Nếu trong phòng đang có nhiệt độ là 28 độ C và máy điều hòa được cài ở 20 độ C thì chẳng bao lâu, nhiệt độ trong phòng sẽ là 20 độ C, phù hợp với chỉ số của máy điều hòa” (Dẫn theo “Bài học làm người” - NXB Trẻ - 2006) Đời sống của bạn sẽ là cái nhiệt kế hay sẽ là máy điều hòa nhiệt độ? Với đề bài này, giáo viên không nên đưa ra một đáp án gò ép rằng đời sống của ta nên là cái nhiệt kế hoặc nhất thiết phải là máy điều hòa nhiệt độ. Nên để học sinh được tự do lựa chọn là cái nhiệt kế hay máy điều hòa nhiệt độ hoặc là sự kết hợp cả hai tùy vào cá tính của từng em, chỉ yêu cầu học sinh lí giải thuyết phục sự lựa chọn của mình (chỉ ra ưu điểm, nhược điểm của từng lối sống, cách khắc phục… một cách hợp lý). III. Hướng dẫn học sinh làm dạng đề mở trong môn Ngữ văn Với mỗi đề bài, học sinh sẽ có những thao tác và định hướng làm bài khác nhau. Nhất là với dạng đề mở, việc khái quát thành một mô hình, cấu trúc cho cách làm bài dạng đề mở là rất khó khăn. Bằng những kinh nghiệm của bản thân, tôi chỉ xin gợi ý một số thao tác hướng dẫn học sinh làm dạng bài này mà tôi đã áp dụng như sau: 1. Hướng dẫn học sinh xác định nội dung, yêu cầu Với dạng đề nào cũng vậy, việc đầu tiên khi tiếp xúc với một đề văn là xác định nội dung yêu cầu của đề. Điều này lại càng đặc biệt quan trong với dạng đề mở không có định hướng. Vậy nên, việc đầu tiên mà giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh khi làm các dạng đề mở là tìm hiểu đề thật kĩ, xác định đúng trọng tâm vấn đề. Để xác định được yêu cầu trọng tâm của đề, HS cần dựa vào những từ gợi dẫn nội dung, hiểu và giải mã đúng nghĩa của nó. Ví dụ với đề bài “Âm vang thơ Đường trong thơ trung đại Việt Nam”, học sinh phải chú ý tới từ “Âm vang” và hiểu “âm vang” trong trường hợp này có nghĩa là “ảnh hưởng”. Khi đã xác định được như vậy, việc giải quyết vấn đề sẽ không còn là khó khăn nữa. 8
  9. Hay với đề bài “ Bàn về kết thúc truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao.” học sinh chú ý tới cụm từ “cách kết thúc” để bày tỏ quan điểm, đánh giá của mình về nội dung kết thúc của tác phẩm và nghệ thuật kết thúc của tác giả (kết thúc ấy so với nội dung của tác phẩm hợp lý, logic hay không? Kết thúc đó thể hiện nghệ thuật viết truyện của tác giả như thế nào? Từ đó nhận xét về nhãn quan nhân sinh của nhà văn) chứ không phải là kể lại tác phẩm hay tóm tắt lại cuộc đời nhân vật. 2. Hướng dẫn học sinh tìm ý và lập dàn ý. Đây là một khâu rất khó với học sinh khi làm những đề văn mở. Giáo viên nên hướng dẫn học sinh, khi đi tìm ý cho những đề văn mở chính là đi trả lời những câu hỏi. Mỗi đề văn mở đặt ra những câu hỏi cụ thể khác nhau, song tựu trung có thể khái quát thành một số dạng câu hỏi như: Vấn đề đó nghĩa là gì? Biểu hiện của nó như thế nào? Tác dụng, vai trò, ý nghĩa của vấn đề này?Vì sao lại nảy sinh vấn đề đó? Áp dụng việc trả lời những câu hỏi trên cho đề bài “Âm vang thơ Đường trong thơ trung đại Việt Nam”, học sinh sẽ tìm ra một số ý cơ bản như: Ảnh hưởng của thơ Đường trong thơ trung đại Việt Nam thể hiện ở cả nội dung (đề tài, cảm hứng, quan niệm về chức năng của thơ...) và nghệ thuật biểu hiện (thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, các biện pháp nghệ thuật...). Tuy nhiên, thơ trung đại Việt Nam vẫn giữ được nhiều nét đặc sắc rất riêng của dân tộc (ngôn ngữ, hình ảnh thơ...). Việc ảnh hưởng thơ Đường góp phần thúc đẩy sự phát triển cũng như làm phong phú hơn cho nền thơ ca trung đại của dân tộc ta, đồng thời nó khẳng định bản lĩnh của dân tộc Việt trong cuộc giao lưu, ảnh hưởng này. Nguyên nhân của hiện tượng trên chính là do hoàn cảnh đặc thù của lịch sử dân tộc nghìn năm bị Bắc thuộc, mặt khác hiện tượng giao lưu, tiếp thu và ảnh hưởng diễn ra khá phổ biến, trở thành quy luật của văn học. Từ đó, học sinh sắp xếp để hoàn thiện dàn ý cho bài viết. 3. Một trong những yêu cầu khi làm dạng đề mở là học sinh cần có quan điểm, chính kiến cá nhân. Ở dạng đề truyền thống thường đã có gợi dẫn và định hướng khá rõ quan điểm cho người viết (thông thường, người viết đi phân tích và chứng minh sự đúng đắn của vấn đề được nêu ra). Còn dạng đề mở, nhất là trong kiểu bài nghị luận xã hội, 9
  10. việc định hướng không rõ, thậm chí là không có, hơn nữa vấn đề nêu ra không phải lúc nào cũng là vấn đề đúng hoặc đúng hoàn toàn. Vì thế yêu cầu học sinh phải có ý kiến, thái độ của cá nhân. Học sinh cần xác định được rõ ràng quan điểm của mình ngay từ đầu, từ đó mới xác định được mục tiêu nghị luận để tìm lí lẽ, xây dựng lập luận và lựa chọn dẫn chứng thuyết phục người đọc. IV. Tình hình thực hiện đổi mới cách ra đề ở tổ Ngữ văn trường THPT Ba Đình hiện nay. 1.Tình hình đổi mới cách ra đề theo hướng mở ở tổ Ngữ văn trường THPT Ba Đình. Trong những năm gần đây, xu hướng chung việc đổi mới cách ra đề, kiểm tra đánh giá của ngành giáo dục, tổ Ngữ văn - THPT Ba Đình đã kịp thời có những điều chỉnh để bắt kịp với xu hướng chung việc đổi mới cách ra đề, kiểm tra đánh giá của ngành giáo dục. Dạng đề mở đã được tiến hành trong quá trình kiểm tra đánh giá học sinh. Tuy nhiên, dạng đề mở vẫn chưa thực sự được sử dụng một cách đại trà mà mới chỉ áp dụng cho những lần thi kiểm tra chất lượng đội tuyển học sinh giỏi hoặc kiểm tra chất lượng môn thi Đại học. Bản thân tôi rất có hứng thú với dạng đề mở, và đã áp dụng kiểm tra đối với học sinh. Tất cả những đề bài trong các ví dụ trên, tôi đều đã tiến hành sử dụng cho các lớp mình trực tiếp giảng dạy hoặc khi được phân công ra đề trong các cuộc thi của nhà trường.. 2. Kết quả và bài học a. Kết quả Tôi đã tiến hành ra dạng đề mở trong kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở cả ba khối học sinh. Sau khi ra dạng đề mở cho học sinh, tôi nhận thấy học sinh có những phản ứng và kết quả như sau: 10
  11. - Khối 10: Học sinh vẫn thấy bỡ ngỡ và coi dạng đề mở là khó. Thực tế là nhiều em không xác định đúng trọng tâm yêu cầu của đề, kể cả đối với học sinh khá. Vì vậy chất lượng bài làm không thật cao. - Khối 11, 12: Học sinh đã dần quen với dạng đề mở và nhiều học sinh hứng thú với dạng đề này; Khả năng xác định trọng tâm của đề bài cũng nâng cao hơn; có học sinh đã làm khá tốt. Tuy nhiên đó chưa phải là phổ biến. b. Bài học: - Khi kiểm tra đại trà, tôi thường ra các dạng đề mở có định hướng; đề mở không có định hướng tôi áp dụng trong các kì thi kiểm tra chất lượng đội tuyển. - Kết hợp đan xen giữa dạng đề mở và đề truyền thống để vừa đảm bảo học sinh nắm vững được những yêu cầu, kiến thức cơ bản vừa phát huy được năng lực sáng tạo vừa rèn luyện tính tự giác và khơi gợi năng khiếu của các em. 11
  12. PHẦN: KẾT LUẬN Một lần nữa cần khẳng định rằng: ra đề mở đang ngày càng trở thành một xu hướng phổ biến trong công tác kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường THPT. Và thực tế đã chứng minh tính ưu việt cũng như hiệu quả thiết thực của nó là khó có thể phủ nhận được. Học sinh cũng dần thích ứng và tỏ ra có hứng thú đối với dạng đề này. Từ những vấn đề trình bày trên, tôi thiết nghĩ, việc ra đề theo hướng mở trong dạng đề tự luận môn Ngữ văn ở trường THPT nên được phổ biến rộng rãi, thường xuyên hơn nữa. Sở GD & ĐT Thanh Hoá nên mạnh dạn đổi mới cách ra đề thi, áp dụng dạng đề mở trong kiểm tra đánh giá, đặc biệt là kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh hàng năm. 12
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2