intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

So sánh chương trình đào tạo điều dưỡng theo năng lực của Việt Nam: Nhận định của chuyên gia điều dưỡng

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

19
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Thăm dò ý kiến các chuyên gia điều dưỡng về kết quả so sánh một khung chương trình đào tạo (CTĐT) điều dưỡng tại Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á và về bản dự thảo một khung CTĐT cử nhân điều dưỡng của Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: So sánh chương trình đào tạo điều dưỡng theo năng lực của Việt Nam: Nhận định của chuyên gia điều dưỡng

  1. SO SÁNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐIỀU DƯỠNG THEO NĂNG LỰC CỦA VIỆT NAM: NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA ĐIỀU DƯỠNG COMPARISION OF A COMPETENCY BASED NURSING CURRICULUM IN VIETNAM: OPINIONS FROM NURSING EXPERTS ĐỖ MINH PHƯỢNG1, TRẦN THỤY KHÁNH LINH2 TÓM TẮT Mục tiêu: Thăm dò ý kiến các chuyên gia điều dưỡng về kết quả so sánh một khung chương trình đào tạo (CTĐT) điều dưỡng tại Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á và về bản dự thảo một khung CTĐT cử nhân điều dưỡng của Việt Nam. Phương pháp: Thiết kế nghiên cứu định tính với kỹ thuật phân tích số liệu theo nội dung từ nguồn số liệu thu thâp từ phỏng vấn nhóm các chuyên gia trong lĩnh vực điều dưỡng dựa trên bảng câu hỏi gợi ý. Kết quả: Nhận định của các chuyên gia điều dưỡng được tổng hợp thành 5 chủ đề: (1) Cấu trúc của khung chương trình cũ được đối sánh có tính tương đồng về mặt nội dung nhưng cách sắp xếp có một số khác biệt ; (2) Khung chương trình cũ cần được bổ sung các học phần liên quan đến khoa học xã hội và kỹ năng mềm; (3) Thời lượng thực tập của khung chương trình cũ là phù hợp và cần chú trọng thêm phương pháp giảng dạy lâm sàng dựa trên vấn đề, tư duy tích cực, ra quyết định, giải quyết vấn đề và can thiệp điều dưỡng từ cơ bản đến chuyên sâu; (4) Chương trình mới thiết kế tích hợp khoa học; và (5) Khả năng hội nhập của sinh viên là sự phối hợp của nhiều yếu tố như chương trình thiết kế tốt, năng lực giảng viên, sinh viên, hệ thống preceptor và cơ sở hạ tầng thực tập. Kết quả nghiên cứu có thể được xem xét như một tài liệu tham khảo trong quy trình phát triển và hoàn thiện chương trình cử nhân điều dưỡng theo năng lực tại Việt Nam. ABSTRACT Objective: To explore the opinion of nursing experts in terms of similarity and limitation on the results of a comparation of a Vietnamese Bachelor of Science in Nursing (BSN) curriculum with those of other Southeast Asian countries and on the draft of a new Vietnamese BSN curriculum. Method: qualitative research design with content analysis was used to analyze the data collected by focus group interview technique with nursing experts based on the interview questionnaire. Results: Nursing experts’ comments were summarized into 5 topics: (1) The structure of the old curriculum framework has similarity in content but the arrangement has some differences; (2) Old curriculum framework needs to include modules related to social sciences and soft skills; (3) The internship duration of the old curriculum framework is appropriate and there should be more emphasis on problem-based clinical teaching, critical thinking, decision-making, problem solving and basic- to- intensive nursing intervention; (4) New curriculum has a logical integrated module design; and (5) The integration is a combination of factors such as well-designed curriculum, faculty competency, students, preceptor systems and internship infrastructure. The research results can be considered as a reference in the process of developing and modifying a competency- based nursing program in Vietnam. Keywords: nursing expert, BSN curriculum, Vietnam. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hội nhập, toàn cầu hóa, khu vực hóa là xu hướng chung của thế giới hiện đại. Lĩnh vực y tế, đặc biệt là điều dưỡng đang đứng trước cơ hội hội nhập với các nước trong khu vực Đông Nam Á từ khi Việt Nam ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong khối các nước Đông Nam Á (MRA) năm 2006 [4].Nhằm đáp ứng được các yêu cầu của hiệp định công nhận dịch vụ lẫn nhau, chương trình đào tạo (CTĐT) điều dưỡng nhất thiết phải đáp ứng
  2. tiêu chuẩn khu vực và quốc tế đã quy định. Điều này cho thấy sự cấp thiết của việc phát triển và đổi mới CTĐT điều dưỡng. Cơ sở đào tạo Điều dưỡng tại Việt Nam đã và đang đẩy mạnh nhiều hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu qua các dự án trong và ngoài nước để xây dựng CTĐT cử nhân điều dưỡng dựa theo năng lực. Quy trình xây dựng CTĐT căn cứ theo thông tư 07/2015/TT-BGDĐT chỉ rõ hoạt động khảo sát ý kiến của các chuyên gia giáo dục điều dưỡng về CTĐT cần được tiến hành để thực hiện việc đổi mới chương trình [1]. Do đó, sau khi đã thực hiện bước 4 đối sánh giữa một khung CTĐT cử nhân điều dưỡng của Việt Nam và chương trình cử nhân điều dưỡng của Thái Lan, Philippines để thiết kế dự thảo khung chương trình các học phần theo CTĐT đã xác định, nghiên cứu này được tiến hành nhằm tìm hiểu ý kiến của các chuyên gia điều dưỡng về sự tương đồng và bất cập của CTĐT Việt Nam với một số CTĐT trong khu vực và về bản dự thảo khung chương trình mới. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP Nghiên cứu phân tích nội dung (content analysis) theo phương pháp định tính sử dụng kỹ thuật phỏng vấn nhóm tập trung để lấy thông tin từ các chuyên gia trong lĩnh vực điều dưỡng. Tiêu chuẩn chọn chuyên gia tham gia phỏng vấn gồm các thạc sỹ điều dưỡng Việt Nam có kinh nghiệm về đào tạo và lâm sàng ít nhất 10 năm, đã từng tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến trong hội đồng thẩm định chương trình đào tạo cử nhân điều dưỡng tại Việt Nam. Các chuyên gia được gửi trước những tài liệu sau: - Bản so sánh khung chương trình điều dưỡng đã áp dụng với chương trình của Đại học Mahidol - Thái Lan và Philippines [5]. - Bản dự thảo khung chương trình đổi mới được gửi ngay trước khi phỏng vấn về khung này. Nghiên cứu viên hẹn nhóm gồm 5 chuyên gia để phỏng vấn nhóm, có ghi âm. Dữ liệu định tính đảm bảo là ý kiến của cá nhân các chuyên gia, người phỏng vấn sử dụng bảng hướng dẫn. Phỏng vấn nhóm tập trung sử dụng bốn câu hỏi gợi ý như sau: (1) Tỷ lệ khối lượng kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và phát triển kỹ năng mềm. (2) Thời lượng và sự phân bổ của các học phần, đặc biệt là học phần thực hành. (3) Sự lồng ghép, tích hợp trong khung chương trình mới. (4) Khả năng hội nhập của sinh viên Việt Nam trong khu vực sau khi hoàn thành chương trình mới. Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2019. Dữ liệu định tính được xử lí theo phương pháp phân tích nội dung. Dữ liệu ghi âm được gỡ băng dưới dạng dữ liệu bằng chữ, mã hóa thành các chủ đề (gán nhãn). Kết quả định tính được phân tích và chọn lọc bởi nhóm nghiên cứu viên. Nghiên cứu tuân thủ các quy định về tính tự nguyện, bảo mật thông tin và không có rủi ro cho đối tượng tham gia. 3. KẾT QUẢ Ý kiến của năm chuyên gia giáo dục điều dưỡng được chia thành các 5 chủ đề là: Cấu trúc chương trình, các học phần cần bổ sung, thời lượng thực hành thực tập và phương pháp giảng dạy lâm sàng, tính tích hợp của khung chương trình mới và các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hội nhập của khung chương trình mới. 3.1. Cấu trúc của khung chương trình cũ Cấu trúc khung chương trình cũ được các chuyên gia đối sánh và kết luận là có tính tương đồng về mặt nội dung nhưng cách sắp xếp có một số khác biệt so với chương trình của nước ngoài:... các học phần của mình và Philippines, Thái Lan khá tương đương, mình cũng có đầy đủ các nội dung, chỉ là sắp trước hay sắp sau... 3.2. Khung chương trình cũ cần được bổ sung các học phần liên quan đến khoa học xã hội và kỹ năng mềm Theo ý kiến của các chuyên gia, chương trình cũ chưa thể hiện được các nội dung về khoa học xã hội và kỹ năng mềm mặc dù những nội dung rất quan trọng và cần thiết đối với năng lực hành nghề của điều dưỡng. Các
  3. nội dung được khuyến nghị bổ sung trên cơ sở bảng đối sánh là tư duy tích cực, kinh tế y tế, kỹ năng mềm; trong khi đó một chuyên gia nêu ý kiến về việc giảm nội dung phần Đường lối cách mạng. Học phần tư duy mình cũng thiếu, đây là phần rất quan trọng, cần phải hướng dẫn cho các em để khi ra trường các em có cái đầu tư duy tích cực để đưa ra được kế hoạch chăm sóc; hoặc là về kinh tế y tế để các em hiểu biết rằng khi chăm sóc bệnh nhân thì sẽ có lợi ích như thế nào khi truyền thông giáo dục cho bệnh nhân, lợi ích cho xã hội... Phần chính trị có thể giảm phần Đường lối cách mạng không? Các chuyên gia đều đồng thuận về tầm quan trọng của các kỹ năng này. Họ còn cho rằng chúng quan trọng vì “ảnh hưởng nhiều đến kỹ năng giải quyết vấn đề” và “việc ra quyết định rất quan trọng cho việc chăm sóc người bệnh cũng như là thăng tiến”. Một chuyên gia cho rằng kỹ năng mềm có ý nghĩa tích cực trong công tác chăm sóc người bệnh: Nghệ thuật và phát triển con người giúp cho điều dưỡng hiểu được về tâm lí con người nhiều hơn trong quá trình chăm sóc. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng các học phần như Ngoại ngữ, Chăm sóc cấp cứu và hồi sức tích cực, Chăm sóc cấp cứu ban đầu và thảm họa nên được tăng thời lượng. Chuyên gia cho rằng điều này nhằm đáp ứng được nhu cầu hành nghề, phát triển nghề nghiệp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Về giao tiếp, nó rất quan trọng và liên quan đến giáo dục sức khỏe. Đối tượng cử nhân cần phát triển về nghiên cứu, không đọc được sách, tài liệu thì khó làm nghiên cứu. Phải có tiếng Anh thì mới phát triển được. Tiếng anh là phương tiện để phát triển nghề nghiệp, nghiên cứu. Xã hội Việt Nam cũng đang xuất hiện những thảm họa do con người tạo ra và các kỹ năng cấp cứu là cần thiết. Thời lượng quá ít khiến sinh viên ra trường về ICU không còn nhớ các kỹ năng hồi sức cấp cứu. 3.3. Thời lượng thực tập của khung chương trình cũ Thời lượng thực tập là phù hợp và cần chú trọng thêm phương pháp giảng dạy lâm sàng dựa trên vấn đề, tư duy tích cực, ra quyết định, giải quyết vấn đề và can thiệp điều dưỡng từ cơ bản đến chuyên sâu. Thực tập tại cơ sở y tế và cộng đồng là thiết yếu đối với đào tạo ngành nghề điều dưỡng. Do đó, các chuyên gia đề nghị nhiều kỹ năng cần được rèn luyện để đạt được hiệu quả tối ưu. Nên huấn luyện cho sinh viên cách giải quyết vấn đề với những can thiệp điều dưỡng cụ thể từ nguyên tắc cơ bản cho đến chuyên sâu hơn như trong các bệnh lí khác nhau, kết hợp các bệnh lí việc ra quyết định rất quan trọng cho việc chăm sóc người bệnh các em có cái đầu tư duy tích cực để đưa ra được kế hoạch chăm sóc. Yếu tố quan trọng khi thực tập còn liên quan đến người giảng viên và hiện trạng cơ sở thực tập: “Giảng viên cần theo sát sinh viên trong thời gian thực hành tại lâm sàng. Tôi không nghĩ nên để cho sinh viên theo thực hành với điều dưỡng lâm sàng, vì họ không có thời gian để theo sát sinh viên do hệ thống preceptor ở Việt Nam chưa tốt và số lượng bệnh nhân quá tải ở các bệnh viện thực hành”. 3.4. Chương trình mới thiết kế tích hợp khoa học Chương trình mới thể hiện tính tích hợp dọc rõ tại các môn học chuyên ngành, đặc biệt là học phần chăm sóc người bệnh Nội -Ngoại khoa theo các hệ cơ quan. Tất cả các chuyên gia đều ủng hộ thiết kế này. Các học phần chuyên ngành tích hợp cùng với các phần kiến thức chăm sóc chuyên ngành rất hay, vì vừa học xong phần sinh lí, giải phẫu thì áp dụng ngay vào chăm sóc. Tôi thấy nó rất khoa học và rất muốn được đi học chương trình này. 3.5. Khả năng hội nhập của sinh viên là sự phối hợp của nhiều yếu tố
  4. Những yếu tố giúp tạo khả năng hội nhập của sinh viên được để cập bao gồm: chương trình thiết kế tốt, năng lực giảng viên, sinh viên, hệ thống preceptor và cơ sở hạ tầng thực tập. Không chỉ dựa trên khung chương trình đơn lẻ, các yếu tố về nhân lực và nguồn lực để chương trình hoạt động hiệu quả cần sự đóng góp của nhiều bên liên quan. Nếu sinh viên được đào tạo đúng như chương trình này (Năm 1: môn định hướng ngành, môn đại cương; Năm 2: Nghiên cứu điều dưỡng, chuyên ngành chăm sóc; Năm 3: Chuyên ngành chăm sóc; Năm 4: Chuyên khoa tự chọn) và giảng viên có đủ năng lực thì tôi nghĩ khả năng hội nhập là cao. Khung chương trình lồng ghép rất hay nhưng còn tùy sinh viên có chịu học hay không... ngoài khung chương trình tốt thì nâng cao năng lực của giảng viên, và tìm hiểu thêm nhu cầu của nhà tuyển dụng thì mới đủ để đào tạo sinh viên. Giảng viên tận tâm, có năng lực chuyên môn sẽ là nhân tố quan trọng giúp cho chương trình được tiến hành trong thực tế đạt thành công. 4. BÀN LUẬN Kết quả phỏng vấn ý kiến của chuyên gia khẳng định sự tương đồng và khác biệt của CTĐT điều dưỡng Việt Nam so với các nước trong khu vực. Nghiên cứu định tính bổ trợ cho kết quả định lượng với lời dẫn chi tiết cụ thể của chuyên gia giúp cho người xây dựng CTĐT điều dưỡng xem xét để đổi mới phù hợp. Cách thực hiện này cũng được sử dụng trong nghiên cứu khảo sát tính hiệu quả của CTĐT điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của các trường đại học sức khỏe ở Iran [13]. Theo ý kiến của chuyên gia, CTĐT điều dưỡng cần bổ sung, trang bị cho sinh viên khả năng tư duy tích cực và giải quyết vấn đề là điều tất yếu vì điều dưỡng công tác trong môi trường phức tạp luôn biến động. Các kỹ năng này là yêu cầu trong chuẩn năng lực điều dưỡng Việt Nam cũng như chuẩn đầu ra của chương trình. Hiện nay các kỹ năng này đang được chú trọng đưa vào CTĐT của nhiều ngành chứ không riêng gì cho điều dưỡng. Năng lực tư duy tích cực cần trang bị sớm cho sinh viên vì rất khó rèn luyện để đạt được trong thời gian ngắn. Kết quả nghiên cứu của Stewart (2005) đã chỉ ra rằng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về điểm tư duy khi sinh viên ở giai đoạn trưởng thành [13]. Thời lượng học phần chính trị chiếm khá lớn trong giáo dục đại cương nhưng không thể cắt giảm. Đây là nội dung giáo dục công dân xã hội chủ nghĩa bắt buộc tại tất cả các trường đại học Việt Nam. Chính vì vậy, nhà trường có thể lồng ghép nội dung lý luận chính trị vào triết lý sống, ứng dụng thực tiễn trong thực hành nghề nghiệp để sinh viên có ý chí và phát triển bản thân theo định hướng chung của chính phủ nước nhà. CTĐT điều dưỡng Việt Nam cần xem xét các nội dung về bản chất con người lồng ghép vào các học phần lý luận chính trị. Điểm quan trọng là cần cho người học nhìn nhận sự ảnh hưởng của chính trị đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân như thế nào như Hội các trường đào tạo điều dưỡng của Hoa Kỳ (AACN) nhấn mạnh trong bài viết Tác động của Giáo dục trong Thực hành Điều dưỡng [6]. Chuyên gia cho rằng nội dung kinh tế y tế rất cần thiết nhưng chưa thể hiện trong CTĐT của Việt Nam. Tuy nhiên, nội dung này có thể lồng ghép vào học phần Quản lý điều dưỡng. Thực hành chăm sóc cấp cứu và hồi sức tích cực của CTĐT cũ có thời lượng ít hơn so với các nước. Kết quả này là cơ sở để tăng thời lượng hoặc sắp xếp các học phần thực hành nói chung và điều dưỡng hồi sức cấp cứu nói riêng phù hợp với đặc điểm tình hình bệnh tật của địa phương và nhu cầu của xã hội [10]. Ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh được sử dụng phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực chuyên ngành, giao tiếp và cơ hội nghề nghiệp. Sinh viên điều dưỡng với yêu cầu phát triển nghề nghiệp thì cần học tiếng Anh nhằm tăng cường khả năng đọc hiểu tài liệu để cập nhật các chứng cứ trong thực hành điều dưỡng và giao tiếp với khách hàng quốc tế. Như vậy, sinh viên học ngoại ngữ như là phương tiện để có khả năng học tập suốt đời. Khi nhắc đến năng lực học tập suốt đời, điều chuyên gia nhấn mạnh là phát triển đội ngũ giảng dạy và các nguồn lực khác bên cạnh việc xây dựng chương trình logic. Ý kiến này hoàn toàn hợp lý và được ủng hộ trong y văn thể hiện qua bài tổng quan hệ thống của Qalehsari năm 2017 [8]. Nhóm nghiên cứu này đã tìm ra rằng kỹ năng học tập suốt đời cải thiện được chất lượng chăm sóc điều dưỡng nhưng rất ít giảng viên chú trọng đến kỹ năng học tập này cho sinh viên. Ủy Ban liên kết điều dưỡng các nước Đông Nam Á (ASEAN Joint Coordinating Committee on Nursing -AJCCN) đã được thiết lập để tìm ra hướng đi cho điều dưỡng và
  5. cũng xác định rào cản chính của sự lưu thông lao động của các nước chính là ngôn ngữ, chứng chỉ hành nghề quốc gia, và chương trình đào tạo. Trong khi điều dưỡng Singapore, Philipines và Malaysia đã nâng cao việc sử dụng Tiếng Anh và sử dụng khá trôi chảy trong khi các nước còn lại thì vấn đề này còn là rào cản lớn khi ra nước ngoài làm việc. Philipines là nước có sự cải cách mạnh mẽ về chương trình theo mô hình của Mỹ giúp điều dưỡng có thể làm việc tại Mỹ dễ dàng hơn [7]. Điều này cho thấy tầm nhìn của các chuyên gia là hoàn toàn có cơ sở và nắm bắt đúng thực trạng của hoạt động nghề nghiệp và đào tạo điều dưỡng Việt Nam trong cơ hội hội nhập. Các chuyên gia ủng hộ CTĐT mới với sự tích hợp của các nội dung sinh lí, giải phẫu, dược lâm sàng và chăm sóc điều dưỡng trong cùng một học phần. Nghị quyết số 29/NQ-TW đã vạch ra “Nội dung giáo dục nghề nghiệp được xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học” [3]. Năm 2012, Điều dưỡng đã được ban hành chuẩn năng lực nghề nghiệp [2]; do đó, việc CTĐT được thiết kế theo hướng tích hợp để sinh viên điều dưỡng đạt được năng lực thực hành nghề nghiệp là tất yếu. Quan điểm tích hợp giúp cho sinh viên nhận ra điểm then chốt và mối liên hệ giữa các nội dung kiến thức và kỹ năng từ các lĩnh vực khác nhau trong quá trình chăm sóc những đối tượng người bệnh cụ thể. Chương trình của Philippines thể hiện sự tích hợp bằng cách tiếp cận chăm sóc người bệnh dựa trên vấn đề [5]. Đây là một hướng tiếp cận hiện đại và thực tế đang áp dụng tại một số trường đào tạo điều dưỡng hàng đầu Hoa Kỳ, tuy nhiên cách tích hợp chăm sóc người bệnh theo hệ cơ quan của chương trình đổi mới của Việt Nam cũng là xu hướng của một số trường đào tạo điều dưỡng tại châu Âu. Tóm lại, nghiên cứu định tính đã hỗ trợ việc phân tích so sánh CTĐT các nước và là cơ sở để người thiết kế xem xét đổi mới CTĐT Việt Nam tương đồng với các nước trong khu vực và theo xu hướng hội nhập của thế giới. Mặc dù vậy, nghiên cứu có hạn chế như sau: (1) bảng đối sánh chưa thể tiếp cận với đề cương chi tiết của Thái Lan và Philippines; và (2) phỏng vấn chưa đào sâu hơn về kinh nghiệm cá nhân của các chuyên gia về việc xây dựng khung chương trình hay sự Việt hóa khung của nước ngoài áp dụng trong hoàn cảnh của Việt Nam. Các hạn chế này cần được khắc phục trong các nghiên cứu sau. 5. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ Chương trình đào tạo theo năng lực của Việt Nam khá tương đồng với các CTĐT của Philippines và Thái Lan. Bên cạnh các học phần khoa học xã hội, kỹ năng mềm cần được bổ sung thì Ngoại ngữ, Chăm sóc cấp cứu và hồi sức tích cực cũng cần được xem xét tăng thời lượng. Ngoài ra, thực tập tại cơ sở y tế và cộng đồng cần chú trọng phương pháp dạy và học giúp sinh viên giải quyết vấn đề từ cơ bản đến chuyên sâu. Các chuyên gia cũng đồng thuận sự kết hợp của chương trình, giảng viên, sinh viên, preceptor, cơ sở thực tập là yếu tố quan trọng giúp sinh viên hội nhập khu vực. Nhóm nghiên cứu đề xuất nhà trường xem xét đến nhận định của các chuyên gia điều dưỡng trong việc phát triển và hoàn thiện chương trình Cử nhân điều dưỡng theo nhân lực mới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Giáo dục và đào tạo. Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. 2015. 2. Bộ Y tế. Chuẩn năng lực cơ bản của điều dưỡng, ban hành kèm theo Quyết định số 1352/QĐ-BYT. 2012. 3. Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/doi-moi-can-ban-toan-dien-gd-va-dt.aspx?ItemID = 3928. 4. Cộng đồng chung ASEAN (2006). Thỏa thuận ASEAN thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ điều dưỡng, 2006. https://trungtamwto.vn/upload/files/fta/174-da-ky-ket/191-asean---aec/207-noi-dung-hiep-dinh.
  6. 5. Trần Thụy Khánh Linh, Trần Thị Thuân, Phạm Đức Mục. Sự khác biệt của chương trình khung đào tạo cử nhân điều dưỡng giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực ASEAN, Tạp chí Điều dưỡng Việt Nam, Phụ bản tập 19, 2017, 56 - 62. 6. American Association of Colleges of Nursing-AACN (2019), The Impact of Education on Nursing Practice, 2019. https://www.aacnnursing.org/Portals/42/News/Factsheets/Education-Impact-Fact-Sheet.pdf. 7. Matsuno, A. Nurse Migration (2009), The Asian Perspective, ILO/EU Asian Programme on the Governance of Labour Migration Technical Note, 2009. https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/--- ro-bangkok/documents/publication/wcms_160629.pdf. 8. Qalehsari, M.Q., Khaghanizadeh, M, Ebadi, A. Lifelong learning strategies in nursing: A systematic review. Electron Physician, 9(10), 2017, 5541-5550. doi: 10.19082/5541. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/29238496. 9. Rambur, B. (2015), Section I: The context of health care and health care reform. Health Care Finance, Economics, and Policy for Nurses: A Foundational Guide, Springer Publishing Company: New York, 2015,4. 10. Ramasubramaniam, S., Grace, A. Curriculum Development in Nursing Education. Where is The Pathway?, IOSR Journal of Nursing and Health Science (IOSR-JNHS), 4(5), 2015, 76-81. DOI: 10.9790/1959- 04537681. https://www.researchgate.net/publication/284601462_Curriculum_Development_in_Nursing_Education_Where _is_The_Pathway 11. South East Asian Ministers of Education Organization (SEAMEO). Harmonization in nursing education in South East Asian countries, 2016. 12. Stewart, s., Dempsey, l. A (2005), Longitudinal Study of Baccalaureate Nursing Students’ Critical Thinking Dispositions. Journal of Nursing Education; Thorofare, 2005, 81-4. https://search.proquest.com/openview/9307e62d78c1bcb1efffa45b9c94e37e/1?pq-origsite = gscholar&cbl = 47628. 13. Zanali, S., Mozafari, M., Shouhani, M. (2019), An investigation into the efficacy of nursing curriculum on elderly health problems via Delphi’s method, J Family Med Prim Care, 8(7), 2019, 2300-2305. doi: 10.4103/jfmpc.jfmpc_393_19.
  7. HỘI ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc QUY ĐỊNH VỀ BÀI GỬI ĐĂNG TẠP CHÍ ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM Nội dung bài viết: Những bài viết của các tác giả gửi đăng Tạp chí điều dưỡng về ngành Điều dưỡng có nội dung tốt, đem lại những kiến thức khoa học, thực hành góp phần cho sự phát triển của ngành Điều dưỡng Việt Nam. Bài đăng gửi về: Ban biên tập Tạp chí Điều dưỡng Việt Nam Địa chỉ: Tầng 3 Nhà D - 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. ĐT/Fax: (024) 37260041 Email: vanphongvna@hoidieuduong.org.vn hoặc hoidieuduong@gmail.com 1. Yêu cầu: Tác giả gửi 01 bản thảo theo file điện tử về hộp thư theo địa chỉ trên. 1.1 Tên bài: Chữ in hoa (Tiếng Việt và tiếng Anh), 1.2. Tên (các) tác giả: Ghi rõ họ tên, học hàm, học vị, chức danh, nơi công tác. Ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, Email của tác giả hoặc đại diện các tác giả để Ban biên tập tiện liên lạc, 1.3. Nơi tiến hành công trình nghiên cứu, nơi công trình nghiên cứu đã được trình bày, báo cáo (nếu có), 1.4. Cấu trúc bài cần ngắn gọn, cỡ chữ 14, sử dụng font Time New Roman (hệ Unicode), không quá 7 trang khổ A4, cách dòng đơn, lề trên 2cm, lề dưới 2cm, lề trái 2,5cm, lề phải 1,5cm. 2. Trình tự bài viết: 2.1. Tóm tắt bài viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh (bắt buộc). Có từ khóa (Keywords:), 2.2. Đại cương: Giới thiệu ngắn gọn công trình nghiên cứu, mục đích nghiên cứu, 2.3. Phương pháp nghiên cứu, 2.4. Kết quả nghiên cứu: Các bảng, hình vẽ cần rõ ràng, có đánh số thứ tự, có chú thích, 2.5. Bàn luận, 2.6. Kết luận, 2.7. Kiến nghị (nếu có), 2.8. Tài liệu tham khảo: Đánh số thứ tự tài liệu tiếng Việt (vần ABC theo tên tác giả) sau đó đến tài liệu tiếng nước ngoài (vần ABC theo họ tác giả). Tài liệu tham khảo là bài báo ghi như sau: tên tác giả, năm xuất bản, tên bài, tên tạp chí, số tạp chí, số trang. Tài liệu tham khảo là sách ghi như sau: Tên tác giả, tên nhà xuất bản, năm xuất bản, tên sách, số trang (tối thiểu 5 tài liệu tham khảo). 3. Lưu ý: Các tác giả cần gửi kèm một thư xác định bài báo là của mình, thêm dòng “ (Chúng) Tôi cam đoan chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự xác thực của các thí nghiệm, các tin tức, các tư liệu thu thập được và sự phân tích các dữ kiện. Bài viết này chưa được gửi đăng ở báo nào khác”. Tác giả sẽ chịu trách nhiệm trước công luận và độc giả về quyền tác giả và nội dung bài gửi đăng. 4. Tiêu chí chọn bài đăng: - Ưu tiên đăng những bài có nội dung tốt, đã được báo cáo ở các hội nghị, sinh hoạt khoa học lớn của các hội chuyên khoa, các bệnh viện, trường đại học, cao đẳng. - Bài không được đăng không trả lại bản thảo.
  8. - Các bài gửi không hợp lệ không được xét đăng. BAN BIÊN TẬP TẠP CHÍ ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2