intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sự tương tác giữa trẻ mầm non với văn học trong bối cảnh cách mạng 4.0

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

15
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này sẽ hướng đến đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả tương tác giữa trẻ mầm non và văn học, nhằm hướng đến đào tạo, giáo dục thế hệ mới cho tương lai vừa hiện đại vừa giữ được cội gốc văn hóa dân tộc.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sự tương tác giữa trẻ mầm non với văn học trong bối cảnh cách mạng 4.0

  1. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA SỰ TƯƠNG TÁC GIỮA TRẺ MẦM NON VỚI VĂN HỌC TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG 4.0 Nguyễn Thanh Tâm Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế nguyenthanhtam@dhsphue.edu.vn Tóm tắt: Xuất phát từ chức năng của văn học và những thách thức của cuộc cách mạng 4.0, hoạt động tương tác giữa trẻ mầm non và văn học càng trở nên cần thiết. Có những mô hình tương tác mang tính chất truyền thống và cũng có những mô hình mang đậm tinh thần của thời đại công nghệ số. Bài viết này sẽ hướng đến đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả tương tác giữa trẻ mầm non và văn học, nhằm hướng đến đào tạo, giáo dục thế hệ mới cho tương lai vừa hiện đại vừa giữ được cội gốc văn hóa dân tộc. Từ khóa: Trẻ mầm non, văn học, cách mạng 4.0, mô hình tương tác. 1. MỞ ĐẦU Là một loại hình nghệ thuật có tính phi vật thể, văn học “hướng tới phản ánh mọi phương diện của đời sống, từ những chi tiết rất cụ thể đến những cái rất trừu tượng, từ những chi tiết hữu hình đến những cái vô hình, hư ảo, mơ hồ, mong manh nhưng lại có thật trong cảm xúc của con người về thế giới” (Lê Văn Dương và cs.; 2003, tr.192). Với những ưu thế ấy, văn học luôn đóng vai trò quan trọng đối với đời sống, ngay cả khi cuộc cách mạng 4.0 đã làm cho vị thế của văn hóa đọc bị giảm thiểu so với trước đây. Dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, người nào không mang theo bên mình những cuốn sách văn học thì đấy là người nghèo (Phạm Xuân Nguyên, 2019 (dẫn theo Mỹ Hà, 2019). Trẻ mầm non hôm nay nếu thiếu đi hoạt động tương tác với văn học sẽ là điều đáng tiếc. Không gian diễn ra sự tương tác giữa trẻ với tác phẩm văn học có thể là gia đình, trường học hay các địa điểm có tính xã hội khác. Tuy nhiên, dù ở nơi đâu thì hoạt động tương tác này cũng phải đứng trên thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng 4.0. Điều đó khẳng định sự tiến bộ, sáng tạo và bản lĩnh của những người làm công tác giáo dục chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp. 2. KHÁCH THỂ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết này tập trung nghiên cứu sự tương tác giữa trẻ mầm non và văn học. Đặt hoạt động tương tác này vào đời sống lý luận văn học và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay ở Việt Nam để nhận thức đầy đủ ý nghĩa của sự tương tác, trên cơ sở đó tác giả sẽ phân tích các mô hình tương tác và đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả tương tác. Các phương pháp nghiên cứu lý luận sẽ được tác giả sử dụng để giải quyết những nội dung này. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Sự cần thiết của hoạt động tương tác với văn học của trẻ mầm non trong thời đại 4.0 3.1.1. Văn học - loại hình nghệ thuật đa chức năng Một trong những lý do để duy trì, phát huy sự tương tác giữa trẻ mầm non với văn học chính là ý nghĩa của văn học với cuộc sống nói chung, trẻ mầm non nói riêng, với tư cách là một loại hình nghệ thuật đa chức năng. Giá trị tự thân của văn học khẳng định ý nghĩa vượt thời gian, vượt bối cảnh của mối quan hệ tương tác giữa trẻ mầm non và văn học. Ở vị trí sáng tác, các nhà văn đã tìm cách tạo chỗ đứng cho sản phẩm tinh thần của mình như một sự bảo chứng 196
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 cho vị thế, thương hiệu của bản thân. Cũng nhờ đó, từ chỗ là tiếng nói riêng tư mang dấu ấn tư tưởng, quan niệm thẩm mỹ và tài năng của một cá thể, văn bản văn học đã “di cư” vào các kiểu, các thế hệ người đọc. Sau những tri âm và đối thoại, người tiếp nhận thừa nhận sự tác động không nhỏ của văn học đến cuộc sống. “Cho đến nay, một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn giữ ý kiến xem nghệ thuật chỉ có ba chức năng là nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Song, xu thế chung đều cho rằng số lượng các chức năng còn nhiều hơn thế. Nhiều hơn là bao nhiêu thì ý kiến còn chưa thống nhất” (Phương Lựu; 2004, tr 166). Là một loại hình nghệ thuật ngôn từ, văn học trẻ em đi vào đời sống tâm hồn trẻ không chỉ với tư cách là một phương tiện giải trí. Những tri thức về tự nhiên, lịch sử, địa lý, con người với số phận và thế giới xúc cảm của họ,… trong văn học đã thực sự khai trí cho độc giả nhỏ tuổi. Tác phẩm văn học đã mở ra các cuộc giao tiếp vượt không gian và thời gian để trẻ hiểu hơn dù ở chỉ mức độ giản đơn về tác giả, về những người, những cảnh, những vùng đất, những sự kiện lịch sử, những phong tục tập quán,… được nhắc đến trong tác phẩm. Người viết cho trẻ em có sự lưỡng hóa về vai trò. “Văn học cho thiếu nhi còn đặt ra vấn đề chính yếu thứ hai, đó là vấn đề giáo dục: Giáo dục cái hay cái đẹp cho thiếu nhi. Người viết cho thiếu nhi là một nhà văn nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo muốn các em trở nên tốt đẹp. Quan điểm sư phạm và văn học thiếu nhi là hai anh em sinh đôi” (Võ Quảng, 2004 (Dẫn theo Lã Thị Bắc Lý, 2005, tr.38). Đấy là một sự kết hợp đặc biệt, khẳng định sự song hành tồn tại hai giá trị: giá trị thẩm mỹ và giá trị giáo dục. Sự trau chuốt về ngôn từ, hình ảnh; những tìm tòi về kết cấu; nghệ thuật xây dựng nhân vật trên những toạ độ không thời gian riêng biệt,… đã làm mềm hóa thông điệp giáo dục. Mỗi một tác phẩm sẽ mở ra không chỉ duy nhất một ước mơ, một sự trở trăn, một niềm xúc động, một sự phẫn nộ… Đi qua những trạng thái xúc cảm có thể không bền vững ấy, trái tim trẻ sẽ nhạy cảm hơn và chân thành hơn trước cuộc đời. Có thể khẳng định, vượt lên ý nghĩa giải trí đơn thuần, tác phẩm văn học đã mang đến cho trẻ những khoảng lặng để khai mở nhận thức, bồi đắp xúc cảm, phát huy năng lực sáng tạo thẩm mỹ… 3.1.2. Những thách thức của thời đại 4.0 Sự vận động của giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng để phù hợp với tinh thần của cách mạng 4.0 không phải là vấn đề tầm nhìn chiến lược nữa mà là nhiệm vụ tất yếu của hiện tại, bởi trong thực tế, khi mà làn sóng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 chưa lan tỏa sâu rộng đến mọi lĩnh vực, mọi nếp nghĩ của người Việt Nam thì vào năm 2016, người Nhật đã tiên phong khởi xướng xây dựng một xã hội 5.0. Đánh giá một cách khách quan, những năm qua, cách mạng 4.0 đã mang đến cho con người nhiều cơ hội từ trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và nguồn dữ liệu khổng lồ… Trẻ mầm non vì thế đã và đang lớn lên trong một môi trường khác biệt so với thế hệ cha ông và được thụ hưởng những giá trị mới. Tuy nhiên, thời đại 4.0 cũng đồng thời đặt ra nhiều quan ngại với những người làm văn hóa, giáo dục. Các phương thức giải trí hiện đại đã đẩy trẻ ra xa các trò chơi dân gian, những sinh hoạt tập thể. Việc trẻ “chúi đầu” vào điện thoại, màn hình ti vi hay vi tính cũng đi liền với những vấn đề sức khỏe và tâm lý. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã dự báo về cuộc xâm lăng văn hóa đến từ các nước có nền công nghiệp giải trí phát triển. Theo Nguyễn Văn Thanh (2018), “Văn hóa có tính bản địa, tính dân tộc rất sâu sắc thì hiện nay có nguy cơ bị phai nhạt rất lớn… Các nước lớn sử dụng thành tựu cách mạng 4.0 như một công cụ hữu hiệu quảng bá văn hóa của mình phục vụ cho mục đích chính trị”. Sự du nhập ồ ạt các ấn phẩm văn hóa ngoại trong thế giới thật và thế giới ảo cũng làm phai nhạt mối quan hệ tương tác giữa trẻ với văn học. Điều đáng lo ngại hơn cả là tâm hồn trẻ trở nên xơ cứng, nghèo nàn. Bài toán cơ bản của giáo dục mầm non hiện nay là trên nền tảng khoa học kỹ thuật hiện đại để đào tạo, giáo dục thế hệ mới sao cho vừa hiện đại vừa giữ được cội gốc văn hóa dân tộc. Ở một bối cảnh như thế, chúng ta cần đến sự “can dự” của văn học - phương tiện có thể đem đến cho trẻ sự cân bằng về tâm lý và làm nảy nở những xúc cảm đẹp 197
  3. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA đẽ, hướng thiện. Hơn thế, nhiều tác phẩm văn học còn có khả năng khơi dậy lòng yêu nước, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, thậm chí là hình thành kỹ năng sống của công dân thời đại mới. Có thể khẳng định rằng, thế giới có phát triển đến mức độ nào về công nghệ thì vẫn luôn cần một “la bàn” văn hóa và đạo đức. Các môn khoa học xã hội, trong đó có văn học, sẽ luôn đồng hành cùng với cuộc sống hiện đại để bồi đắp, di dưỡng những xúc cảm, phẩm chất tốt đẹp - cơ sở để con người khai thác công nghệ một cách nhân văn. 3.2. Các mô hình tương tác giữa trẻ mầm non với văn học trong bối cảnh 4.0 3.2.1. Tương tác gián tiếp Xét theo quan niệm của Mỹ học tiếp nhận thì trẻ em chưa thể là bạn đọc đích thực, chưa có khả năng làm tròn vai công chúng thưởng thức. Điều này có căn cơ từ hình thức tiếp nhận văn học gián tiếp của trẻ. Có thể mô hình hóa hình thức tương tác này như sau: NGƯỜI ĐỌC, KỂ THÂN QUEN (1) Văn bản văn học Trẻ (Học tập, sinh hoạt hàng ngày) NGƯỜI ĐỌC, KỂ XA LẠ (2) Văn bản văn học Trẻ (Chương trình đọc thơ, kể chuyện trên sóng phát thanh, truyền hình) (Kênh kể chuyện, đọc thơ trực tuyến trên mạng xã hội) (Tiết mục đọc thơ, kể chuyện trong các cuộc thi văn nghệ, hội diễn sân khấu…) KỊCH, PHIM, BÀI HÁT… (3) Văn bản văn học Trẻ (Tác phẩm văn học được chuyển thể sang các loại hình nghệ thuật khác) Trong ba hình thức này, hình thức (1) mang tính truyền thống, vốn dĩ đã tồn tại gần như đồng hành cùng lịch sử loài người. Vì trẻ chưa thể tri giác toàn diện về tác phẩm thông qua con đường thị giác nên phải nhờ vai trò kết nối của một chủ thể khác có nhiều ràng buộc với trẻ về quan hệ tình cảm huyết thống hoặc trách nhiệm tất yếu của nghề nghiệp. Ở trường hợp này, đối tượng kết nối thường là ông bà, bố mẹ, thầy cô của trẻ và tác phẩm văn học được truyền đến trẻ theo hình thức mặt đối mặt. Hình thức (2) và (3) chủ yếu là kết quả của sự phát triển văn minh công nghiệp, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. Chủ thể đọc thơ, kể chuyện cho trẻ nghe nếu như không có sự trùng hợp ngẫu nhiên (xác suất rất ít) thì hầu hết là những người không có sự ràng buộc về quan hệ huyết thống hay là trách nhiệm pháp lý với trẻ. Chủ thể diễn xướng này có thể lộ diện hoặc không nhưng đều có sự gián cách về không gian với trẻ. Mức độ biểu cảm hô ứng của ngôn ngữ hình thể người đọc, kể với nội dung tác phẩm đến hoặc không đến được với trẻ dựa 198
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 vào kênh phát sóng (phát thanh/truyền hình), hay dựa vào ý tưởng của chương trình (đọc, kể trực tiếp/đọc, kể theo hình thức minh họa cho tranh…). Tuy nhiên, chủ thể đọc, kể ở hình thức này thường chuyên nghiệp hơn hình thức (1). Mặt khác, trong cùng một thời gian đọc, kể nhất định, nội dung diễn xướng của chủ thể này sẽ đến được với rất nhiều công chúng. Riêng với hình thức thứ (3), tính gián tiếp của quá trình tiếp nhận văn học được hiểu theo nét nghĩa khác. Là kết quả của quá trình chuyển thể nên khi xuất hiện trong các sản phẩm nghệ thuật thuộc loại hình Âm nhạc, Điện ảnh…; tác phẩm văn học tất yếu sẽ có những “biến động” nhất định về nội dung. Điều quan trọng hơn là văn học sẽ được sống bằng ngôn ngữ của các loại hình khác chứ không bằng ngôn từ như đặc trưng vốn có. Tuy nhiên, nếu quá trình sân khấu hóa thành công, sẽ có những tác phẩm văn học được kéo dài sự sống. Có thể thấy, ở cả ba hình thức này, tính chủ động của trẻ trong quá trình tiếp nhận không cao. Việc trẻ không tự mình tham gia vào quá trình giải bộ mã chữ - nghĩa sẽ làm cho vai trò của trực cảm, liên tưởng giảm trừ đáng kể. Trong trường hợp này, ấn tượng ban đầu của trẻ về tác phẩm phụ thuộc rất nhiều đến mức độ biểu cảm của chủ thể truyền phát văn bản. Ở hướng thuận lợi, “trung gian” này sẽ giúp trẻ “nhìn được” thế giới nghệ thuật của thơ truyện và bắt đầu nhen nhóm những xúc cảm thẩm mỹ đúng đắn. Tuy nhiên, nếu “trung gian” này chưa thực hiện tốt kỹ năng đọc, kể diễn cảm thì sẽ tạo ra rào cản giữa trẻ với văn bản. Con đường thâm nhập vào thế giới phi vật thể vì thế sẽ dài hơn, xa hơn. Nói như Hà Nguyễn Kim Giang (2007), “do không có sự tiếp xúc trực tiếp mà mới chỉ là sự tiếp cận, do mối liên hệ giữa chủ thể với đối tượng diễn ra không trực tiếp vì thế trẻ dễ bị “lai tạp” bởi sức hút của sự tiếp nhận khác”. Lại có những vở kịch, bộ phim rất hay được chuyển thể từ tác phẩm văn học nhưng không đến được với trẻ em. Điều này có thể vì bản thân những tác phẩm này chưa đủ sức cạnh tranh của các loại hình giải trí khác hoặc vì trẻ không nhận được những định hướng thẩm mỹ đúng đắn, tích cực từ phía người lớn. Nhìn chung, ở hình thức tương tác gián tiếp, trẻ không tồn tại ở dạng thức người tiếp nhận văn học lý tưởng khi mà một chủ thể trung gian khác sẽ đóng vai trò dẫn dắt trẻ đến với thế giới nghệ thuật. 3.2.2. Tương tác trực tiếp Trẻ mẫu giáo, trừ những trường hợp đặc biệt, thì hầu hết đều chưa có năng lực tự giải mã “hệ thống ký hiệu” của văn bản, xét ở cả bộ mã chữ lẫn bộ mã nghĩa. Kiểu tương tác trực tiếp chỉ diễn ra khi trẻ tiếp xúc với những tác phẩm được thiết kế đồng thời bằng kênh hình lẫn kênh chữ, trong đó kênh hình chiếm phần lớn. Từ sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà văn và họa sĩ, tác phẩm văn học đồng thời tồn tại ở hai dạng thức nghệ thuật, với hai dạng ngôn ngữ khác biệt. Mỗi dạng thức đều có thể tự tách mình ra để tồn tại độc lập, mà không sợ ảnh hưởng đến tính lô gic của nội dung. Tuy nhiên, khi cả hai cùng cộng tác để cấu thành một chỉnh thể sinh động thì khả năng biểu đạt của tác phẩm sẽ nhân lên. Trên thế giới, văn học thiếu nhi Nhật Bản đặc biệt thành công với thể loại truyện tranh hay còn gọi là truyện manga, trong đó có truyện Ehon vốn được xem là “thực phẩm tâm hồn” của trẻ em Nhật từ mẫu giáo đến tiểu học. Tiếp nhận các truyện kiểu như truyện Ehon, việc trẻ không biết chữ không phải là vấn đề đáng quan ngại. Ehon có khả năng đánh thức năng lực tưởng tượng trong mỗi đứa trẻ. Nói cách khác, trẻ sẽ đọc văn học thông qua kênh hình. Năng lực đọc truyện tranh của trẻ không đồng đều ở những độ tuổi và thậm chí là cá thể khác nhau. Trẻ nhỏ thường chỉ đọc được một hoặc một vài yếu tố của tranh nên tính chỉnh thể của câu chuyện không được bảo đảm. Nhưng với trẻ 5-6 tuổi, chúng có thể phát hiện ra ý nghĩa khái quát của tập hợp các hình ảnh riêng lẻ. Cùng với sự phát triển ngôn ngữ mạch lạc, ở thời điểm này, trẻ có thể đọc được ngữ pháp của hình ảnh, do đó lượng thông tin về truyện kể phong phú hơn các giai đoạn 199
  5. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA trước. Tuy nhiên, dù có độ chênh về năng lực đọc như thế nhưng hầu hết trẻ đều có khả năng đọc truyện tranh thông qua năng lực tưởng tượng. “Thông thường, con người sinh ra, ai cũng có ít nhiều đầu óc tưởng tượng, giống như ai cũng có lúc nằm mơ. Khác nhau là ở chỗ giấc mơ hiện ra khi người ra ngủ, còn tưởng tượng có mặt lúc con người hoạt động. Xét về phương diện nào đó, giấc mơ hay tưởng tượng cũng đều là đặc tính của hoạt động thần kinh và vì vậy có thể xem đây như đặc điểm của con người, ít nhiều mọi người đều có. Nhưng khác giấc mơ, tưởng tượng không chỉ là một đặc tính mà còn là một “năng lực”, đánh dấu quá trình tiến hóa của con người so với con vật. Và một khi tưởng tượng không còn là bản năng mà đã trở thành năng lực, trình độ, thì lúc ấy tưởng tượng có thể được xem như một phạm trù “văn hóa”, bởi vì văn hóa chính là trình độ, là năng lực sống của con người” (Lê Ngọc Trà; 2007, tr. 482). Chẳng hạn, bằng mắt nhìn và bằng những trải nghiệm đã có ở trường mầm non, trẻ có thể “đọc” trang truyện sau: Thực tế thì không phải lúc nào tưởng tượng của trẻ cũng hợp lý, cũng trùng khít với câu chuyện kể bằng kênh chữ của nhà văn. Tuy nhiên, đấy vẫn là những đề án tiếp nhận thú vị, hồn nhiên, giàu có, trong vô vàn các đề án tiếp nhận của cùng một văn bản văn học. Với trẻ em, trí tưởng tượng là một kho báu mà người lớn không thể cạnh tranh về sự giàu có. Không phải là vì trí tuệ của trẻ tuyệt vời hơn mà vì nói như Lê Ngọc Trà (2007), chúng “chưa biết đến những luật lệ của người lớn”. Sau khi lắng nghe câu chuyện kể mà trẻ đã tưởng tượng dựa trên kênh hình, người lớn nên cung cấp câu chuyện kể bằng kênh lời của nhà văn. 3.3. Nâng cao hiệu quả tương tác giữa trẻ mầm non và văn học Xét thấy dù tương tác giữa trẻ mầm non và văn học là trực tiếp hay gián tiếp thì vai trò của người lớn như một sự đảm bảo cho hiệu quả của quá trình tương tác là điều cần thiết. Người lớn hoặc giữ vai trò là người đọc, kể; hoặc là người cùng đọc, kể; hoặc nữa là người hướng dẫn, tư vấn, định hướng để trẻ có những lựa chọn đọc và cách đọc văn học đúng đắn. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi đề xuất những biện pháp để nâng cao hiệu quả tương tác giữa trẻ mầm non với văn học trong bối cảnh cách mạng 4.0 như sau: 3.3.1. Định hướng lại mục đích tương tác Chương trình giáo dục mầm non hiện hành hướng đến phát triển toàn diện trẻ ở các lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm xã hội. Trong đó, nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ được gắn với hai hoạt động: cho trẻ làm quen chữ cái, cho trẻ làm quen tác phẩm văn học. Đành rằng ranh giới giữa các lĩnh vực chỉ là tương đối, và hơn thế, bản thân tác phẩm văn học sẽ có những lợi thế trong việc phát triển ngôn ngữ nghệ thuật cho trẻ, nhưng sự xác 200
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 định này không thực sự hợp lý. Là một loại hình nghệ thuật đa chức năng, văn học có thể đứng được ở nhiều lĩnh vực, tương ứng với nhiều vai trò, tuy nhiên vai trò đặc thù nhất là phát triển thẩm mỹ và vai trò ý nghĩa nhất là phát triển tình cảm. “Sức mạnh đặc thù của nghệ thuật là ở chỗ nghệ thuật thức tỉnh ở ta mọi tình cảm, làm cho tâm hồn chúng ta tràn ngập những nội dung khác nhau của cuộc sống” (Hegel, 1835 (Dẫn theo Phan Ngọc, 2005, tr.83). Dạy Văn là hướng đến “tạo ra sự rung động của tâm hồn”. Nói cách khác, giáo viên dạy Văn là một người khai mở tâm hồn bằng văn học và thông qua văn học. Ở bậc học mầm non, vai trò ấy cần được nhấn mạnh, coi trọng. Cũng cần xem cách đặt tên hoạt động “cho trẻ làm quen tác phẩm văn học”. Với từ “làm quen”, lâu nay hoạt động này giới hạn ở mục đích cho trẻ “tiếp xúc”, “gặp gỡ” ban đầu với tác phẩm. Thông thường, những tiếp xúc ban đầu đó không đủ để tạo ra “rung động của tâm hồn”. Từ “làm quen” những tưởng là giới hạn cần thiết thể hiện sự am hiểu về năng lực nhận thức của trẻ nhưng kỳ thực lại làm giảm thiểu các giá trị khác của quá trình tương tác giữa trẻ với văn học. “Làm quen” hướng về mục đích nhận biết đối tượng ở mức độ đơn giản. Nhưng trong thực tế, rất nhiều trẻ không thực sự hiểu về đối tượng xuất hiện trong hoạt động đọc, kể diễn cảm của cô (chẳng hạn, trẻ không thể trả lời đúng những câu hỏi liên quan đến tác phẩm mà giáo viên đưa ra), nhưng chúng lại dễ dàng khóc cười, lo âu, hồi hộp dõi theo diễn biến tác phẩm. Trong trường hợp này, mục tiêu “làm quen” bị phá sản nhưng thay vào đó lại có sự hiện diện của ý nghĩa mới, thậm chí ý nghĩa này còn quan trọng hơn cả ý nghĩa nhận biết. 3.3.2. Lựa chọn tác phẩm văn học cho quá trình tương tác Dù tồn tại theo hình thức nào thì tương tác giữa trẻ mầm non với văn học đều mang tính chất của các tương tác đồng quy. Trong đó, trẻ là đối tượng chính tiếp nhận tác phẩm văn học và cũng là đích đến của mọi tương tác. Vì vậy, tiêu chí hàng đầu của mọi lựa chọn tác phẩm phải là sự phù hợp giữa văn bản văn học với trẻ em. Nói cách khác, người lớn cần lựa chọn, dự trữ một kho dữ liệu về văn học trẻ em để đáp ứng “tầm đón đợi” của độc giả nhỏ (từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi) về cả nội dung lẫn hình thức biểu đạt. Điều này vừa dễ, vừa khó. Sự đa dạng của các nguồn tài liệu, đặc biệt là từ các trang mạng vừa mở rộng cơ hội lựa chọn tác phẩm vừa đặt người tìm kiếm vào trạng thái hoang mang, phân vân. Ở một số trang web, thông tin về tác giả và tác phẩm không được kiểm duyệt nghiêm túc nên dẫn đến có nhiều sai lệch. Giáo dục ngoài nhà trường trong chừng mực nào đó có thể dựa vào dữ liệu trích xuất trên internet. Riêng với giáo viên mầm non, những tác phẩm được lựa chọn cho hoạt động làm quen tác phẩm văn học phải rõ ràng về xuất xứ, cụ thể là phải được in ấn và phát hành bởi các nhà xuất bản có uy tín như: Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Trẻ… Một lý do nữa cũng gây khó khăn không nhỏ cho quá trình lựa chọn tác phẩm là đến thời điểm này quan niệm về thuật ngữ văn học thiếu nhi vẫn chưa có sự thống nhất. “Văn học thiếu nhi là một loại sách mà sự tồn tại của nó phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ được cho là với một đối tượng đọc cụ thể: trẻ em” (Peter Hunt; 1999); “Văn học thiếu nhi là tập hợp những cuốn sách đọc cho trẻ em và đọc bởi trẻ em,... từ sơ sinh đến 15 tuổi” (Temple và cs; 2003); “Văn học thiếu nhi bao gồm những văn bản được viết riêng cho trẻ em và những văn bản được trẻ em lựa chọn” (Jan susina; 2004). Những định nghĩa như thế là sự gợi dẫn cần thiết đối với những người có trách nhiệm “can dự” vào quá trình tương tác giữa trẻ với văn học, để họ không bị rối khi đối diện với kho dữ liệu văn học khổng lồ trên internet. Đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, có một số vấn đề khác đặt ra đối với khâu lựa chọn tác phẩm cho trẻ làm quen. Cuộc sống hiện đại đã làm giảm thiểu cơ hội tương tác gián tiếp theo hình thức (1). Ở trường học, thời lượng để tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với tác 201
  7. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA phẩm văn học không thực sự dồi dào. Ở gia đình, mô hình sinh hoạt văn hóa thông qua văn học cũng đang dần vắng bóng. Vì sự “xung đột” giữa nhu cầu muốn lắng nghe đọc thơ, kể chuyện của trẻ với khả năng đáp ứng của phụ huynh, giáo viên nên cần quan tâm lựa chọn truyện tranh cho trẻ mầm non. Trao cho trẻ truyện tranh - một hình thức sáng tạo có sự kết hợp giữa văn học và nghệ thuật tạo hình, là để trẻ tự đọc tác phẩm thông qua lô gic hình ảnh, màu sắc, bố cục và tìm kiếm trong thế giới hình ảnh ấy những hứng thú và rung cảm. Từ đó, trẻ sẽ tự hình thành những câu chuyện mang tính cá nhân, xuất phát từ những quan sát, liên tưởng và trải nghiệm của bản thân. Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, cần cho trẻ tương tác với những tác phẩm văn học có khả năng giáo dục cho trẻ những phẩm tính con người thời đại mới. Với những hình tượng trẻ em có kỹ năng tự học, có tư duy sáng tạo,… tác phẩm văn học sẽ khơi dậy cho trẻ lý tưởng thẩm mỹ vươn đến những mẫu hình đẹp - điều kiện cần để hình thành những thế hệ có “tư duy khác biệt”. Đồng thời, cũng nên ưu tiên lựa chọn những tác phẩm văn học có khả năng phản ánh hơi thở của cuộc sống đương đại như: hiện trạng của sinh thái, tâm bệnh của trẻ em hiện đại, vấn đề bạo lực, lối sống hưởng thụ… Chúng ta không thiếu những tác phẩm văn học văn học đã khai thác thành công những nội dung này mà không đánh mất không khí cơ bản của văn học trẻ em. Cũng cần chú ý đến dung lượng của tác phẩm. Ngắn gọn, đấy không chỉ là để phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ mà còn phản ánh đúng tinh thần giao tiếp kiểu “điện tín” của con người hiện đại. Hơn nữa, đó cũng sẽ là một tiêu chí để tác phẩm văn học lọt vào tầm nhìn của những người lớn và trẻ em vốn có quá nhiều lựa chọn giải trí trong khoảng thời gian nhàn rỗi hạn hẹp. Một số tác phẩm được viết bằng kiểu “diễn ngôn thời @” kiểu như thơ của Đỗ Nhật Nam hẳn cũng sẽ tạo hứng thú cho trẻ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc thức tỉnh ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc và giáo dục tình yêu nguồn cội thông qua văn học. Cùng với việc làm sống lại thể loại đồng dao, truyện cổ dân gian; đọc kể cho trẻ nghe các tác phẩm như Người làm đồ chơi (Xuân Quỳnh), Dắt bà đi chợ tết (Cao Xuân Sơn), Cổ tích ấm sứt vòi (Trần Đức Tiến), Về quê (Nguyễn Lãm Thắng),… sẽ nhắc trẻ gợi nhớ đến những hình thức nghệ thuật, những đồ vật, không gian, nghề nghiệp, sinh hoạt,… mang đậm bản sắc dân tộc. 3.3.3. Xây dựng môi trường văn học Thiết kế môi trường để thông qua đó văn học có thể đồng thời đến với trẻ qua nhiều giác quan là việc cần thiết. Việc thiết kế và làm phong phú góc thư viện ở các nhóm lớp hay xây dựng không gian đọc sách trong khuôn viên trường học để phụ huynh cùng trẻ đọc sách trong các giờ đưa đón trẻ sẽ là những “lời mời gọi bền bỉ” để lôi cuốn trẻ đến với văn học. Ở gia đình hay trường học đều có thể áp dụng các biện pháp: sử dụng các hình ảnh, chi tiết của các tác phẩm văn học để trang trí phòng đọc sách, các mảng tường; đa dạng hóa cách thức giải trí bằng cách cho trẻ chơi các trò chơi trên máy tính liên quan đến văn học, xem các chương trình kể chuyện, đọc thơ trực tuyến hay các bộ phim, các vở kịch được chuyển thể từ tác phẩm văn học… Nếu biết tận dụng tiềm năng của công nghệ 4.0 thì những hoạt động này sẽ thực hiện thuận lợi và hiệu quả. Chẳng hạn, thay vì mất thời gian, chi phí cho vẽ tranh, chúng ta có thể sao in các tranh 3D trên các trang mạng. Phần mềm Photoshop sẽ hỗ trợ để điều chỉnh độ sáng tối, màu sắc của hình ảnh, thậm chí là tư thế của nhân vật. Và hơn thế, người lớn phải “tự trình bày những ví dụ” về đọc sách. Cho trẻ biết “sách vở là ngọt ngào” là kinh nghiệm đến từ người Do Thái. “Trong cộng đồng người Do Thái, không riêng gì giáo viên dạy trẻ sách vở là ngọt ngào, thậm chí trong gia đình Do Thái, khi trẻ bắt đầu hiểu chuyện, cha mẹ sẽ chọn dịp mở cuốn Kinh Thánh ra, mỗi trang sách nhỏ một giọt mật ong, sau đó bảo trẻ thơm lên đó… Người Do Thái dùng cách thức đặc biệt này để nói với 202
  8. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 trẻ rằng: sách vở luôn ngọt ngào” (Trần Hân; 2017, tr. 21). Tiếp nhận tinh thần này, người lớn cần xây dựng thói quen đọc sách và quan tâm đến vị trí đặt sách bởi đấy là biểu hiện của sự trân trọng và tôn kính. Tư thế đọc sách, các dạng sách đọc mà người lớn lựa chọn là một sự gợi ý không lời để trẻ tự động bắt chước. Xúc cảm của người lớn khi đọc sách cũng sẽ đặt ra những dấu hỏi lớn có khả năng kích thích sự tò mò và hứng thú đọc sách của trẻ. Đấy là tiền đề để hướng đến sự thành công của mô hình “Câu lạc bộ đọc sách cùng con” mà Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện thời gian qua. 3.3.4. Đổi mới cách thức tương tác Cùng với việc định hướng lại mục đích tương tác, tất yếu cần quan tâm đến các biện pháp nâng cao hiệu quả tương tác giữa trẻ mầm non và tác phẩm văn học. Những người làm công tác giáo dục phải đứng trên những thời cơ lẫn thách thức của cuộc cách mạng 4.0 để có những cách thức tổ chức hoạt động tương tác hiệu quả, ý nghĩa. Trong bối cảnh văn hóa nghe nhìn “đe dọa” văn hóa đọc, cần tạo cơ hội cho tác phẩm văn chương tồn tại ở loại hình văn hóa nghe nhìn, nghĩa là cần phát huy hình thức tương tác (2) và (3). Ở cấp độ vĩ mô, chúng ta cần nhiều hơn sự bắt tay giữa các đạo diễn, biên kịch, biên đạo,... với nhà văn để tác phẩm văn học được hiện diện sinh động trong hình hài của các bộ phim hoạt hình, phim điện ảnh, các vở kịch, các tiết mục múa... Trách nhiệm của người lớn là mang trẻ đến với nhà hát, rạp chiếu để tiếp nhận văn học thông qua các loại hình nghệ thuật khác và biết rằng những tác phẩm văn học có giá trị thì không bao giờ nằm yên tĩnh trên những trang giấy. Tình yêu văn chương của trẻ sẽ được nhen lên từ đấy. Và giáo viên mầm non hiện nay cũng cần phải học tập, trau dồi thêm khả năng chuyển thể tác phẩm văn học để chủ động thực hiện hoạt động sân khấu hóa văn học ngay trong không gian trường học. Ở mức độ đơn giản hơn, phụ huynh và giáo viên có thể sử dụng các tài nguyên sẵn có trên các phương tiện thông tin đại chúng để hấp dẫn hóa, sinh động hóa quá trình tương tác giữa trẻ với tác phẩm văn học. Những hiểu biết về công nghệ và ngoại ngữ sẽ mang đến nhiều cơ hội thu thập thông tin về tác giả, tác phẩm; hình ảnh, âm thanh hỗ trợ cho quá trình đọc kể và phân tích tác phẩm; những video clip đọc thơ, kể chuyện diễn cảm… Không sai khi nói rằng, “thế giới phẳng” có khả năng “lan tỏa văn minh” trên diện rộng, khi mà chỉ cần ngồi trong phòng kín con người vẫn có thể chạm đến nhiều nền văn minh qua vô số tài nguyên. Quá trình tìm kiếm gắn liền với sự thông thái sẽ nhanh chóng tìm ra những chương trình đọc thơ, kể chuyện có sự kết hợp sống động giữa ngữ điệu đọc kể và hệ thống hình ảnh, âm thanh hỗ trợ. Sau mọi tìm kiếm, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đọc thơ, kể chuyện ở trường mầm non với sự hỗ trợ của các phần mềm PowerPoint, Violet, Movie maker,… cũng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên cần xác định rõ là hiệu ứng kỹ thuật chỉ mang tính chất hỗ trợ hoạt động. Cái chính vẫn là biểu cảm của giáo viên thông qua ngữ điệu và ngôn ngữ hình thể. Thời đại 4.0 không đi liền với việc xóa bỏ vai trò của giáo viên mà chỉ là sự chuyển hóa sang một tinh thần khác. Ở tinh thần mới này, giáo viên cần thể hiện thái độ tôn trọng sự khác biệt của trẻ về hứng thú lẫn năng lực. Mục đích của giáo dục nhân văn không phải là tạo ra những thế hệ mặc “đồng phục”, vì thế trong hoạt động tương tác với văn học, giáo viên không nên áp đặt nhận thức về tác phẩm lên trẻ mà luôn khích lệ trẻ chia sẻ cảm nhận về tác phẩm, dõi theo bước chuyển tâm lý của từng trẻ trong quá trình tương tác với văn học. Montessori cho rằng, giáo dục là một quá trình tự nhiên được thực hiện bởi trẻ nhỏ và không đạt được nhờ lắng nghe mà nhờ trải nghiệm trong môi trường. Cho đến nay, phương pháp này vẫn còn nguyên giá trị. Vì thế, giáo viên cần tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm nghệ thuật thông qua cách thức: đọc diễn cảm thơ, kể chuyện theo hình thức phân vai, đóng kịch. Những hình thức này không chỉ giúp trẻ tự cảm nhận, đánh giá về tác phẩm mà còn dạy cho trẻ sự đồng cảm với nhân vật và những tình huống trong tác phẩm - điều 203
  9. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA mà con người thời đại 4.0 đang khuyết thiếu. Giáo viên có thể sử dụng máy quay phim, điện thoại, máy ảnh để ghi lại những trải nghiệm nghệ thuật của trẻ và cho trẻ xem lại ở những thời điểm thích hợp. Đấy chính là lúc trẻ quan sát khách quan khả năng, cảm xúc hoạt động nghệ thuật của mình và có những điều chỉnh hợp lý về sau. 4. KẾT LUẬN Sự hỗ trợ của văn học đối với quá trình lớn lên của một đứa trẻ luôn luôn cần thiết, bất kể là ở thời đại nào. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, bối cảnh gắn với sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo và phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật,… trẻ rất cần những giây phút được sống trong không khí của những câu chuyện, những bài thơ. Được tựa đầu trên gối mẹ để nghe chuyện cổ tích, được quây quần bên bè bạn nghe cô đọc thơ, được hóa thân thành một phần của tác phẩm, được phát biểu hồn nhiên những cảm nhận trong trẻo của mình về nhân vật,… đấy là “đặc quyền” của tuổi ấu thơ. Những tương tác buổi đầu đời với văn học sẽ để lại những ấn tượng, giá trị dài lâu và lặng lẽ hình thành văn hóa đọc cho mỗi cá thể trẻ. Đó cũng là cơ sở để hình thành thế hệ mới vừa hiện đại, vừa giữ được cội gốc văn hóa dân tộc. Hiểu rõ những giá trị ấy để người lớn có ý thức đa dạng hóa không gian và mô hình cho trẻ tương tác với văn học trước khi tính toán đến những biện pháp nâng cao hiệu quả tương tác. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Văn Dương, Lê Đình Lục, Lê Hồng Vân (2003). Mỹ học đại cương, NXB Giáo dục. [2] Hà Nguyễn Kim Giang (2007). Phương pháp đọc diễn cảm, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội. [3] Mỹ Hà (2018). Môn Văn giúp tạo ra sự rung động của tâm hồn, http://www.dantri.com.vn. [4] Trần Hân (Thanh Nhã dịch) (2017). Phương pháp giáo dục con của người Do Thái, NXB Phụ nữ, Hà Nội. [5] Peter Hunt (1999). Understanding Children's Literature, London. [6] Heghen (Phan Ngọc giới thiệu và dịch) (2005). Mỹ học, NXB Văn học, Hà Nội. [7] Phương Lựu (Chủ biên) (2004). Lý luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. [8] Lã Thị Bắc Lý (2005). Giáo trình Văn học trẻ em, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội. [9] Lê Ngọc Trà (2007). Văn chương, thẩm mỹ và văn hóa, NXB Giáo dục, Hà Nội. [10] Nguyễn Văn Thanh (2018). Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/49080/Xay-dung-nen-van- hoa-Viet-Nam-truoc-tac-dong-cua-cuoc.aspx. [11] Temple, Martinez, Yokota and Naylor (2003). Children’s book in children’s hands: An introduction to their literature, Allyn and Bacon, Boston. Title: THE INTERACTION OF PRESCHOOLERS WITH LITERATURE IN THE CONTEXT OF THE FOURTH INDUSTRIAL REVOLUTION Nguyen Thanh Tam University of Education, Hue University nguyenthanhtam@dhsphue.edu.vn Abstract: Stemming from the function of literature and the challenges of the fourth industrial revolution, the interaction between preschool children and literature becomes increasingly necessary. There are interactive models containing traditional nature and also models containing the spirit of the digital age. This paper will aim at proposing measures to improve the effectiveness of interaction between preschool children and literature, with a view to training and educating the new generation of modern knowledge while preserving the original culture. Keywords: Preschoolers, literature, the fourth industrial revolution, interactive models. 204
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2