Tản mạn về vai trò của cái gu
lượt xem 8
download
Trong nghệ thuật, đặc biệt là trong hội hoạ, có hai khâu hoạt động tưởng như xa lạ với nhau, thậm chí khác nhau trên nhiều khía cạnh, đó là khâu sáng tác và khâu thưởng thức. Sáng tác là lãnh vực hoạt động của các hoạ sĩ, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, những người vẽ tranh với mục đích sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Còn thưởng thức là lãnh vực của các nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật, và quần chúng yêu thích nghệ thuật, nói chung. Chức năng của nó là cảm...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tản mạn về vai trò của cái gu
- Tản mạn về vai trò của cái gu * Văn Ngọc Trong nghệ thuật, đặc biệt là trong hội hoạ, có hai khâu hoạt động tưởng như xa lạ với nhau, thậm chí khác nhau trên nhiều khía cạnh, đó là khâu sáng tác và khâu thưởng thức. Sáng tác là lãnh vực hoạt động của các hoạ sĩ, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, những người vẽ tranh với mục đích sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Còn thưởng thức là lãnh vực của các nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật, và quần chúng yêu thích nghệ thuật, nói chung. Chức năng của nó là cảm thụ, là thẩm định tác phẩm nghệ thuật. Khâu thưởng thức trong nghệ thuật, thoạt nhìn tưởng như chỉ có tính chất thụ động , bởi vì vai trò của người thưởng thức chỉ là cảm thụ, phán xét tác phẩm của người khác, mặc dầu muốn làm việc đó cũng phải có khá nhiều hiểu biết về nghệ thuật, lại còn phải nhạy cảm với cái hay, cái đẹp, nắm bắt được một cách tinh tế những ý tưởng của tác giả. Ngược lại, khâu sáng tác, tuy cũng có phần tự phán xét, tự kiểm tra, song công việc chính vẫn luôn luôn là phải vận dụng trí tưởng tượng để tìm ra cái đẹp, cái mới. Ngoài ra, người sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật
- còn cần có những hiểu biết cụ thể về mặt kỹ thuật thực hiện, và nhất là cần có tay nghề. Song, nếu nhìn một cách tổng quát toàn bộ hoạt động nghệ thuật, thì ta thấy hai khâu này luôn luôn gắn bó mật thiết với nhau, đôi khi còn hỗ trợ cho nhau. Trong nghệ thuật, sự chủ quan của ta cộng với sự chủ quan của người khác đôi khi dẫn đến một sự đồng thuận về một số giá trị, mà các nhà triết học, đặc biệt là Kant, coi như là những giá trị phổ biến, mặc dầu chưa phải là những giá trị khách quan phổ biến như trong khoa học. Sự đồng thuận trong nghệ thuật thực ra cũng không khác gì sự đồng thuận ở ngoài đời : người ta thường phải thoả hiệp với nhau trên những quy ước để sống chung, và để cùng chấp nhận một số giá trị phổ biến để làm chuẩn mực. Suy cho cùng, sự nhất quán giữa hoạt động sáng tạo và hoạt động thưởng thức chỉ là một điều lô gích, vì sáng tạo ra cái đẹp, hay thưởng thức cái đẹp, chung quy cũng chỉ nhằm cùng một mục đích, xuất phát từ cùng một nhu cầu trí tuệ của con người : nhu cầu thẩm mỹ. [ Ở đây, chúng ta sẽ không bàn đến những khía cạnh « thực dụng » của nghệ thuật, mà chỉ bàn về khía cạnh thẩm mỹ. Bởi vì bàn đến những vấn đề như : giá trị hàng hoá của tác phẩm, khía cạnh đầu cơ nghệ thuật, sự lèo lái cái gu của quần chúng vì mục đích quyền lực, hay lợi nhuận, thì khó có thể nói đến những giá trị thẩm mỹ đích thực được. ]
- Giao thoa giữa sáng tác và thưởng thức nghệ thuật Một trong những biểu hiện nổi bật ở nơi một hoạ sĩ khiến cho chúng ta nhận biết được mối quan hệ mật thiêt giữa hai khâu sáng tạo và thưởng thức, là : người hoạ sĩ, trước khi sáng tạo ra những tác phẩm của mình, không thể nào không biết thưởng thức những tác phẩm của người khác, đặc biệt là của tiền nhân, hoặc của những hoạ sĩ cùng thời. Có như vậy, người hoạ sĩ đó mới có thể học hỏi được những cái hay, cũng như tránh được những cái dở của người khác, để tìm cho mình một hướng đi riêng biệt, độc đáo, tránh giẫm chân lên những lối mòn. Cũng vậy, người thưởng thức tranh, hay quần chúng yêu thích nghệ thuật, nói chung, cũng cần có một vốn hiểu biết về những tiêu chuẩn, quy ước của sự sáng tạo trong nghệ thuật, về những tác giả, tác phẩm cụ thể, và về lịch sử nghệ thuật, để có thể thưởng thức một cách đầy đủ và sâu sắc các tác phẩm ở mỗi thời kỳ nghệ thuật. Phương tiện để cho họ có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm nghệ thuật là : các phòng triển lãm, các viện bảo tàng, sách, báo, phim, ảnh, và các phương tiện truyền thông. Những phương tiện này cung cấp cho họ những thông tin cần thiết về tác phẩm và tác giả, về vị trí của chúng trong lịch sử nghệ thuật, cho phép họ có những phản ứng đối với tác phẩm, từ đó đi đến một sự đồng thuận về cái đẹp, cái xấu trong nghệ thuật. Ý kiến của các nhà phê bình nghệ thuật, cũng như của quần chúng yêu thích nghệ thuật, trong việc đánh giá tác phẩm đôi khi cũng có ảnh
- hưởng nhất định lên quan niệm nghệ thuật của các tác giả. Người hoạ sĩ, nói chung, cần có quần chúng xem tranh của mình, để có được con mắt của kẻ khác đối với tác phẩm của mình. Xem như vậy, sự biết thưởng thức một tác phẩm đòi hỏi phải có một số hiểu biết về nghệ thuật. Đó chính là một trong những mẫu số chung của cả hai khâu sáng tạo và thưởng thức. Trong một vài nền văn hoá ở phương Đông, đặc biệt ở Trung Quốc và Nhật Bản, vào những thời kỳ huy hoàng của nghệ thuật cổ điển, việc thưởng thức tranh đôi khi là cả một nghi lễ. Tác phẩm được thực hiện trên những cuộn giấy quý, hoặc lụa, được cuộn lại và cất gọn trong tủ. Đến khi có khách quý, chủ nhân mới trân trọng lấy ra cho khách xem. Cách xem tranh như vậy cũng được làm trong cùng một tinh thần với cách vẽ tranh trên những cuộn giấy quý, nâng hoạt động thưởng thức lên ngang tầm với hoạt động sáng tạo, tương tự như trong tục trà đạo của người Nhật Bản. Ngoài ra, mối quan hệ qua lại giữa người sáng tạo và người thưởng thức còn được thể hiện trên nhiều mặt khác, qua đó người ta có thể thấy được vai trò không chỉ là thụ động của người thưởng thức, tức chủ yếu là quần chúng yêu nghệ thuật. Ta hãy lấy thí dụ, một người nhìn ngắm một bức tranh, cảm thụ bức tranh đó theo khả năng thẩm mỹ và theo cái gu riêng của mình. Trong đầu óc của người đó, tác phẩm xuất hiện dưới một dạng nào đó, và đây cũng chính là một hình thức tái tạo lại tác phẩm theo ý riêng của mình.
- Đôi khi, cái ý riêng chủ quan đó khác với ý của tác giả, cũng như khác với sự thẩm định của những người khác. Có thể nói, bao nhiêu người xem tranh là bấy nhiêu lần tác phẩm được cảm thụ, diễn dịch, một cách khác nhau. Thậm chí, tác phẩm như được sống lại mỗi lần trong trí óc của người thưởng thức, dưới những hình thức và ý nghĩa khác nhau. Cũng vì vậy mà một tác phẩm có thể vượt thời gian, sống những đời sống khác nhau, trong con mắt và sự cảm nhận của nhiều thế hệ người nối tiếp nhau. Mẫu số chung của khả năng thưởng thức và hoạt động sáng tạo Người hoạ sĩ đối mặt với chính mình, không có cách nào khác hơn là vừa là người sáng tác, vừa là người thưởng thức. Nhưng bản thân sự thẩm định nghệ thuật, là một cái gì rất chủ quan. Vậy nên, cái công việc « vừa đã bóng, vừa thổi còi » (vừa làm trọng tài) đó, đôi khi cũng không phải là dễ dàng, bởi vì ở đây thiếu con mắt và phản ứng của « kẻ khác ». Có lẽ cũng vì thế, mà các hoạ sĩ, nhất là vào thời kỳ hội hoạ hiện đại vừa mới xuất hiện ở đầu thế kỷ XX, đã hay sống quây quần với nhau thành từng " làng ", từng " xóm ", để có thể gặp gỡ nhau dễ dàng, chia sẻ với nhau ít ra là những kinh nghiệm, những ý tưởng, như ở « Le Bateau Lavoir » (Montmartre) ; hoặc ở các xưởng vẽ xung quanh Montparnasse ; hoặc rủ nhau đi vẽ ở ngoài trời ở cùng một địa điểm,
- như nhóm các hoạ sĩ Picasso, Braque, Dufy, v.v. ở Estaque, miền Nam nước Pháp ; hoặc như trường hợp Van Gogh rủ Gauguin xuống Aix-en- Provence để cùng vẽ và cùng tranh cãi về nghệ thuật... Một hoạ sĩ có thể tình cờ bắt gặp cái đẹp ở tác phẩm của một người khác, mà chính tác giả của nó không nhìn thấy. Một trong những thí dụ điển hình nhất, là truờng hợp của Kandinsky, nhìn bức hoạ « Đống rơm » để ngược của Monet , mà khám phá ra cái đẹp của hội hoạ trừu tượng. Hiện tượng này cho ta thấy tác phẩm, đối tượng của sự sáng tạo, đôi khi không có nguồn gốc xuất xứ từ một sự "thôi thúc nội tâm" nào cả, và cái đẹp không nhất thiết là đã có sẵn ở trong trí tưởng tượng của ta. Sự thực, nếu có, thì đó mới chỉ là một cái đẹp ảo, ta chưa thể kiểm tra, chưa biết được nó sẽ như thế nào trên mặt vải. Chỉ khi nào ta vẽ được nó lên mặt vải, mắt ta nhìn thấy nó, như một ngoại vật ở ngoài ta, thì ta mới có thể khẳng định được rằng nó có hoàn mỹ hay không. Đôi khi ngược lại, ta không có một ý tưởng thẩm mỹ có sẵn nào ở trong đầu, nhưng một ngoại vật, như thiên nhiên, hoặc một tác phẩm nghệ thuật của người khác, có thể bất chợt đem đến cho ta một cảm hứng, gợi lên cho ta một ý tưởng thẩm mỹ, một cái đẹp thẩm mỹ. Cái đẹp đó, do con mắt biết thưởng thức của ta nắm bắt được, cung cấp cho ta một ý tưởng để sáng tạo ra một tác phẩm độc đáo khác, của riêng ta. Vai trò quyết định của cái gu thẩm mỹ
- Con mắt biết thưởng thức không là gì khác hơn là cái gu thẩm mỹ, là cái ý niệm của ta về cái đẹp. Đó là cái lăng kính qua đó ta nhìn nhận được cái đẹp ở ngoại vật, dù cho ngoại vật đó là thiên nhiên, là một tác phẩm của người khác, hay là chính bức hoạ mà ta đang vẽ. Cơ sở của nó là những tiêu chuẩn, quy ước đã được một số đông người làm nghệ thuật và quần chúng nghệ thuật công nhận như là những giá trị phổ biến. Nói tóm lại, cái gu thẩm mỹ chính là cái mẫu số chung của cả hai khâu sáng tạo nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật, và đó cũng chính là yếu tố quyết định nhất để nắm bắt cái đẹp, cái mới. Không phải tình cờ mà cái nhìn cuối cùng cho phép một hoạ sĩ kết thúc một tác phẩm nghệ thuật, chính là một cái nhìn vừa có tính chất thẩm định, lại vừa có tính chất sáng tạo. Ở đây, khó mà có thể khẳng định được khía cạnh nào quan trọng hơn khía cạnh nào. Chỉ biết rằng, trong khi một tác phẩm hội hoạ đã được định hình vĩnh viễn trên khung vải, thì cái nhìn thẩm định sẽ còn có thể tiếp tục theo dõi nó mãi mãi, để tiếp tục tái tạo nó, và cho nó sống những đời sống khác, trong những tác phẩm khác. Văn Ngọc * Gu : tiếng Pháp Goût, có nghĩa là khả năng cảm nhận, và thưởng thức cái đẹp.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn