YOMEDIA
![](images/graphics/blank.gif)
ADSENSE
Tăng cường liên kết chuỗi trong xuất khẩu vải thiều theo định hướng phát triển bền vững - Nghiên cứu điển hình tại tỉnh Bắc Giang
80
lượt xem 7
download
lượt xem 7
download
![](https://tailieu.vn/static/b2013az/templates/version1/default/images/down16x21.png)
Mục đích của đề tài là tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị là một giải pháp quan trọng để gắn kết các chủ thể trong chuỗi giá trị và hướng tới lợi ích tổng thể của chuỗi giá trị. Nghiên cứu đã chỉ rõ, sự liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị vải thiều xuất khẩu còn khá lỏng lẻo và thiếu tính chủ động, đặc biệt từ phía người sản xuất. Mời các bạn cùng tham khảo!
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tăng cường liên kết chuỗi trong xuất khẩu vải thiều theo định hướng phát triển bền vững - Nghiên cứu điển hình tại tỉnh Bắc Giang
- TĂNG CƢỜNG LIÊN KẾT CHUỖI TRONG XUẤT KHẨU VẢI THIỀU THEO ĐỊNH HƢỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG - NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH TẠI TỈNH BẮC GIANG TS. Trần Thị Hoàng Hà Trường Đại học Thương mại TÓM TẮT Vải thiều là sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bắc Giang, là một loại nông sản mang lại nhiều giá trị kinh tế cho người nông dân Bắc Giang cũng như có những đóng góp tích cực cho kinh tế của tỉnh. Nhiều năm trước, trái vải thiều đã được xuất khẩu sang thị trường như Trung Quốc với sản lượng lớn. Và gần đây, vải thiều bắt đầu được xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Úc, Canada, Mỹ. Hoạt động xuất khẩu vải thiều đã có một bước chuyển đáng kể khi xâm nhập vào thị trường các nước có tiêu chuẩn cao trong nhập khẩu nông sản. Để tiếp tục duy trì và đạt sự tăng trưởng trên các thị trường này cần phải có định hướng phát triển bền vững trong xuất khẩu vải thiều. Mỗi chủ thể trong chuỗi giá trị xuất khẩu vải thiều có vai trò nhất định trong thúc đẩy xuất khẩu theo định hướng bền vững. Tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị là một giải pháp quan trọng để gắn kết các chủ thể trong chuỗi giá trị và hướng tới lợi ích tổng thể của chuỗi giá trị. Nghiên cứu đã chỉ rõ, sự liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị vải thiều xuất khẩu còn khá lỏng lẻo và thiếu tính chủ động, đặc biệt từ phía người sản xuất. Từ khóa: xuất khẩu nông sản, chuỗi giá trị, phát triển bền vững ABSTRACT Litchi is a typical product of Bac Giang province, is an agricultural product that brings many economic values for farmers as well as positively contributes to the Bac Giang province's economy. Many years ago, lychee was exported to markets such as China with large production. And recently, lychee has started to be exported to markets such as Japan, Australia, Canada and America. The lychee export activity has made a significant move when it penetrates the markets of countries with high standards in agricultural imports. To continue maintaining and achieving growth in these markets, it is necessary to have a sustainable development orientation in lychee export. Keywords: agricultural products export, value chain, sustainable development 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Xuất khẩu nông sản là một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong nhiều năm qua. Hoạt động xuất khẩu nông sản đã và đang đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu không còn là mục tiêu hàng đầu của xuất khẩu nông sản. Hoạt động xuất khẩu nông sản nước ta bắt đầu bước vào giai đoạn mới. Theo đó, xuất khẩu nông sản phải đảm bảo sự hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Hay nói cách khác, xuất khẩu nông sản trong giai đoạn tới phải hướng tới định hướng phát triển bền vững. Vải thiều là một trong những loại nông sản đang có những thành công nhất định khi xuất khẩu sang thị trường của các quốc gia như Nhật Bản, Úc, Mỹ, Canada. Để thúc đẩy xuất khẩu vải thiều theo định hướng phát triển bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ của các chủ thể trong chuỗi giá trị xuất khẩu. 49
- 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT 2.1. Xuất khẩu nông sản Hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã xuất hiện từ rất lâu thông qua hoạt động giao thương giữa các quốc gia. Hiện nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về xuất khẩu hàng hóa. Theo Luật Thương mại Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa là hoạt động bán hàng của thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài theo hợp đồng mua bán hàng hóa, bao gồm cả hoạt động tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu hàng hóa. Theo Nguyễn Văn Tuấn và Trần Hòe, xuất khẩu là hoạt động kinh doanh với phạm vi vượt ra khỏi biên giới quốc gia hoặc là hoạt động buôn bán của một nước với nước khác trên phạm vi quốc tế. Đây không phải là hành vi mua bán đơn lẻ mà là cả hệ thống các quan hệ mua bán phức tạp có tổ chức cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm thúc đẩy hàng hóa phát triển ổn định đem lại lợi ích cho quốc gia. Xuất khẩu hàng hóa là hoạt động đưa hàng hóa ra khỏi một nước để bán cho một nước khác trên cơ sở dùng tiền làm phương tiện thanh toán hoặc trao đổi lấy một hàng hóa khác có giá trị tương đương. Theo WTO, nông sản được hiểu là tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp. Theo quan điểm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), hàng nông sản là tập hợp của nhiều nhóm hàng hóa khác nhau bao gồm: nhóm hàng các sản phẩm nhiệt đới (chè, ca cao, cà phê, tiêu…), nhóm hàng ngũ cốc (mỳ, lúa gạo, kê, ngô, sắn,…), nhóm hàng thịt và các sản phẩm từ thịt (thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm,…), nhóm hàng dầu mỡ và các sản phẩm từ dầu (các loại hạt có dầu như đậu tương, hướng dương,… và các loại dầu thực vật), nhóm hàng sữa và các sản phẩm từ sữa (bơ, pho mát và các sản phẩm làm từ sữa), nhóm hàng nông sản nguyên liệu (bông, đay, sợi, cao su thiên nhiên,…), nhóm hàng rau quả (các loại rau, củ, quả) (FAO, 2016). Do vậy, xuất khẩu nông sản có thể hiểu là hoạt động kinh doanh vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trong đó đối tượng của hoạt động kinh doanh là các nông sản. Xuất khẩu nông sản là hoạt động mua bán nông sản giữa các thương nhân ở các quốc gia khác nhau trên thị trường thế giới. 2.2. Chuỗi giá trị nông sản Chuỗi giá trị (value chain) bao gồm một tập hợp các chuỗi hoạt động theo liên kết chiều dọc nhằm tạo lập và gia tăng giá trị cho khách hàng. Về cấu trúc, chuỗi giá trị gồm hai nhóm. Thứ nhất, các hoạt động chính gồm các hoạt động mang tính vật chất, liên quan đến việc tạo ra sản phẩm, bán và chuyển giao đến khách hàng cũng như các hoạt động hỗ trợ sau bán. Thứ hai, là các hoạt động hỗ trợ, sẽ bổ sung cho các hoạt động chính và tự hỗ trợ lẫn nhau thông qua việc cung ứng đầu vào, công nghệ, nguồn nhân lực và các chức năng khác trong doanh nghiệp (Porter, 1985). Chuỗi giá trị đề cập đến hệ thống các hoạt động cần thiết để đưa một sản phẩm/dịch vụ từ khái niệm, thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau, đến khi phân phối đến người tiêu dùng và vứt bỏ sau khi sử dụng. Tiếp theo, một chuỗi giá trị tồn tại khi tất cả những người tham gia trong chuỗi hoạt động để tạo ra tối đa giá trị trong chuỗi (Kaplinsky và Morris, 2001). Chuỗi giá trị nông sản là một phức hợp những hoạt động do nhiều người tham gia khác nhau thực hiện (người nuôi trồng, người thu mua, người chế biến…) để cung cấp nông sản. Quy trình nuôi trồng, chế biến nông sản theo trật tự đầy đủ các hoạt động tạo giá trị gia tăng cần thiết để đưa sản phẩm chuyển từ khái niệm đến nuôi trồng, thu mua, chế biến, sản xuất, khai thác thị trường và tiếp thị, phân phối và hỗ trợ cho người tiêu dùng cuối cùng để tạo ra chuỗi giá trị. Cách tiếp cận này không xem xét các hoạt động do một doanh nghiệp duy nhất thực hiện mà xem xét cả mối liên kết ngược và xuôi cho đến khi một sản phẩm được sản xuất và kết nối đến người tiêu dùng cuối cùng. 50
- Hoạt động của các chủ thể trong chuỗi giá trị không thể phát triển độc lập mà phải phát triển trong mối tương quan với sự phát triển của các chủ thể khác. Sự liên kết trong chuỗi giá trị bao gồm một số khía cạnh như: các thỏa thuận hợp tác giữa các chủ thể trong thu mua nông sản; các hỗ trợ về tài chính từ phía các doanh nghiệp đối với người sản xuất; các hỗ trợ kỹ thuật của doanh nghiệp đối với người sản xuất. 2.3. Phát triển bền vững xuất khẩu nông sản Phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản được hiểu là sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô, tốc độ của xuất khẩu gắn với sự dịch chuyển về cơ cấu và nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Phát triển xuất khẩu hàng nông sản đảm bảo kết hợp hài hòa, hợp lý giữa các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Như vậy, phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản là sự phát triển kết hợp hai nội dung: Thứ nhất, duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao và ổn định, đảm bảo nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu; Thứ hai, phát triển xuất khẩu hàng nông sản cần dựa trên cơ sở khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên đảm bảo cho việc sử dụng nguồn lực cho phát triển xuất khẩu hiện tại không cản trở hay ảnh hưởng gì đến việc sử dụng các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu của các thế hệ tương lai. Phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản là duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu. Phát triển xuất khẩu hàng nông sản đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ tăng trưởng theo chiều rộng (dựa vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô) sang chiều sâu (dựa vào năng suất, hiệu quả các yếu tố đầu vào thông qua việc áp dụng khoa học - công nghệ, xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao). Phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản cần dựa trên khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nhằm bảo tồn và phát triển tài nguyên. Xuất khẩu nông sản thường tiềm ẩn nguy cơ không bền vững về môi trường bởi tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng như: cà phê, hạt điều, cao su, chè... kéo theo sự suy giảm diện tích rừng và đa dạng sinh học; khai thác thủy sản quá mức, theo lối hủy diệt, làm suy giảm sinh quyển biển; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản đi liền với thu hẹp diện tích rừng ngập mặn, phá vỡ hệ sinh thái ven biển,… Khai thác tài nguyên quá mức sẽ dẫn tới nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và mất cân bằng sinh thái. Phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản phải bảo đảm đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại, tạo lập điều kiện để các cá nhân trong xã hội có cơ hội bình đẳng để tiếp cận những nguồn lực chung và được phân phối công bằng lợi ích do xuất khẩu mang lại. Phát triển xuất khẩu đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nhất là đối với khu vực nông thôn; tuy nhiên, đây cũng là nơi nảy sinh những nguyên nhân dẫn đến kém bền vững về mặt xã hội. Do xuất khẩu nông sản chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, chất lượng lao động không cao và thu nhập của người lao động không ổn định nên sự biến động của thị trường thế giới làm cho người lao động dễ bị tổn thương, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong thu nhập giữa các vùng, các tầng lớp dân cư. Do vậy, phát triển bền vững xuất khẩu nông sản có tác dụng tích cực trong việc nâng cao trình độ lao động, hạn chế gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, đem lại lợi ích cho đa số người dân. Như vậy, phát triển bền vững xuất khẩu nông sản là sự đồng bộ hóa nỗ lực của Chính phủ và các chủ thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản. Chính phủ xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách nhằm phát triển bền vững xuất khẩu. Các chủ thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu thúc đẩy phát triển bền vững thông qua chính hoạt động của họ trong chuỗi giá trị xuất khẩu. 51
- 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính là chủ yếu. Trong đó, bài viết thu thập các dữ liệu thứ cấp về xuất khẩu vải thiều sang các thị trường xuất khẩu. Dữ liệu được cung cấp bởi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó, để làm rõ hơn các vấn đề trong xuất khẩu vải thiều, tác giả đã sử dụng phương pháp phỏng vấn một số chuyên gia tại Cục Xúc tiến thương mại và Khuyến nông thuộc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang (05 chuyên gia), chuyên gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang (01 chuyên gia), các nhà quản lý doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu vải thiều (03 cá nhân), ban chủ nhiệm các hợp tác xã tại huyện Luc Ngạn - tỉnh Bắc Giang (03 cá nhân), các hộ gia đình trồng vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn - tỉnh Bắc Giang (03 cá nhân) trong lý giải nguyên nhân của các vấn đề liên quan đến xuất khẩu vải thiều. Khi phỏng vấn, tác giả sử dụng phương tiện ghi âm và ghi chép nhanh các câu trả lời. Ngoài ra, nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp quan sát tại địa bàn. 4. THỰC TRẠNG LIÊN KẾT CHUỖI TRONG XUẤT KHẨU VẢI THIỀU THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG 4.1. Thực trạng phát triển bền vững xuất khẩu vải thiều Để đánh giá phát triển bền vững xuất khẩu một nông sản bất kỳ phải dựa trên ba khía cạnh: kinh tế, môi trường và xã hội. Về khía cạnh kinh tế + Sản lượng vải thiều xuất khẩu trong những năm gần đây đã có sự gia tăng đáng kể. Nếu như năm 2017 tỷ trọng sản lượng vải thiều xuất khẩu mới chiếm 29,44% trong tổng sản lượng vải thiều thu hoạch thì đến năm 2019 tỷ trọng sản lượng vải thiều xuất khẩu đã tăng lên tới 54,16%. Sản lượng vải thiều xuất khẩu tăng có tác dụng điều tiết cung cầu thị trường nội địa. Cụ thể, lượng cung và cầu vải thiều ở thời điểm chính vụ cân bằng hơn nên giảm được tình trạng “được mùa mất giá” như nhiều năm trước. Nhìn lại những vụ mùa vải thiều những năm trước có thể nhận thấy tình trạng mất giá trên thị trường trong nước khi vải thiều chín rộ rất trầm trọng. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới động lực trồng vải thiều của người nông dân. Ở một số địa bàn trồng vải thiều đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng người nông dân không đầu tư chăm sóc phát triển năng suất cây vải thiều do giá bán quá thấp, thậm chí đến mùa thu hoạch người nông dân còn bỏ thu hoạch vì giá bán cho thương lái quá thấp. Bảng 1. Sản l ợng vải thiều xuất khẩu giai đoạn 2017 - 2019 Chỉ tiêu Đơn vị 2017 2018 2019 T ng sản ư ng Tấn 124.300 215.800 147.000 Sản ư ng xuất kh u Tấn 36.600 86.200 79.618 Ngu n: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang + Thị trường xuất khẩu đa dạng, đến nay vải thiều của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bắc Giang nói riêng đã được xuất khẩu hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Đông, Nga, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Canada, Nhật Bản,… Bước đầu, vải thiều đã tiếp cận được thị trường cao cấp như Úc, Nhật Bản, Mỹ, Canada nhưng giá trị xuất khẩu tới các thị trường này còn nhỏ so với tổng giá trị xuất khẩu. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là động lực cho người sản xuất tiếp tục theo đuổi định hướng phát triển bền vững xuất khẩu vải thiều. Qua phỏng vấn một số chủ nhiệm hợp tác xã và nhà quản trị của một số doanh nghiệp chuyên thu mua và xuất khẩu vải thiều cho thấy, cho đến nay thị trường xuất khẩu chính của vải 52
- thiều vẫn là thị trường Trung Quốc. Mặc dù giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thấp hơn nhiều so với thị trường các nước phát triển nhưng số lượng nhập khẩu của thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tới 90% tổng sản lượng xuất khẩu vải thiều của Bắc Giang. Từ góc nhìn của các hợp tác xã và doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang cho rằng: Việc xuất khẩu sang các thị trường mới như Nhật Bản, Úc, Mỹ… chỉ được coi là hoạt động xây dựng hình ảnh trái vải thiều trên thị trường thế giới chứ chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp xuất khẩu. + Lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu vải thiều ổn định nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Đối với các thị trường mới như Nhật Bản, Úc, Mỹ, lợi nhuận từ tiêu thụ vải thiều nội địa và xuất bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều không có chênh lệch đáng kể. Đánh giá về kết quả phỏng vấn này, nhóm nghiên cứu cho rằng cách nhìn nhận của người sản xuất hoàn toàn đúng, thực tế hoạt động xuất khẩu vải thiều của Việt Nam đang ở giai đoạn gây dựng hình ảnh trên thị trường thế giới, giá trị gia tăng của chuỗi giá trị xuất khẩu vải thiều rất thấp. Truyền thông trong nước đã đưa thông tin về việc trái vải thiều Việt Nam được bán với giá rất cao tại thị trường Nhật Bản trong vụ mùa năm 2020 nhưng thực tế giá xuất bán của Việt Nam chỉ khoảng 9 - 10 USD/1kg vải thiều. Giá bán lẻ vải thiều trên thị trường Nhật Bản lên tới 22 - 25 USD/1kg. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu vải thiều phải chịu chi phí rất lớn để xuất khẩu được trái vải sang đến thị trường Nhật Bản. Chính vì vậy, người trồng trái vải chưa thực sự tạo ra giá trị gia tăng cao từ hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu. Đối với thị trường Trung Quốc, những năm gần đây thương lái Trung Quốc làm việc trực tiếp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thu mua vải thiều cho họ. Trong trường hợp này, giá bán của các doanh nghiệp thu mua vải thiều khá thấp, lợi nhuận thấp, hiệu quả kinh doanh không cao, lợi nhuận chủ yếu dựa trên sản lượng lớn. + Người sản xuất đã tiếp cận các tiêu chuẩn của Vietgap, Globalgap trong sản xuất nên hiện tượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện đã hạn chế rất nhiều. Định hướng phát triển bền vững xuất khẩu vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã tạo ra sự thay đổi lớn trong việc trồng và chăm sóc cây vải thiều. Nhiều năm trước, khi vải thiều chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, người sản xuất sử dụng vật tư nông nghiệp khá tùy tiện. Điều này gây ảnh hưởng xấu cho môi trường tại các vùng trồng vải thiều. Trong những năm gần đây, khi có định hướng xuất khẩu vải thiều sang thị trường các nước có yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm đã buộc người sản xuất ở các vùng trồng vải thiều phải tìm hiểu và tuân thủ các tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap trong quá trình chăm sóc và thu hoạch vải thiều. Chẳng hạn như đối với những lô hàng vải thiều xuất sang thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải hướng dẫn và giám sát các hộ gia đình trồng vải thiều thực hiện đúng các quy định đã ký kết với đối tác Nhật Bản trong suốt quá trình chăm sóc và thu hoạch vải thiều. Bên cạnh đó, trước khi thu hoạch vải thiều 1 tháng, các chuyên gia của đối tác Nhật Bản sẽ đến vùng trồng vải thiều để kiểm tra các thông số kỹ thuật và giám sát quá trình thu hoạch vải thiều. Từ chính các yêu cầu khắt khe của đối tác đã làm thay đổi thói quen sử dụng vật tư nông nghiệp của người nông dân ở các vùng trồng vải thiều. Qua phỏng vấn các chủ nhiệm hợp tác xã tại Lục Ngạn cho thấy: Lượng vật tư nông nghiệp được sử dụng hiện nay đã giảm đáng kể so với trước, môi trường của các vùng trồng vải thiều đã được cải thiện hơn nhiều. Tuy nhiên, do chưa có sự thống nhất về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giữa các hộ trồng vải thiều nên vẫn còn hiện tượng các hộ gia đình chưa tuân thủ tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap và gây ảnh hưởng sang các hộ gia đình lân cận. Nếu không có sự đồng bộ trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giữa tất cả các gia đình trồng vải thiều trong một khu vực thì những nỗ lực của các hộ gia đình đang tuân thủ các tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap sẽ không mang lại kết quả như mong đợi. Về khía cạnh xã hội + Tạo việc làm cho khu vực nông thôn: Đối với người trồng vải thiều, nhu cầu sử dụng lao động không lớn, hầu hết các gia đình sử dung lao động tại chỗ trong gia đình. Khi đến mùa thu 53
- hoạch, do đặc tính thời vụ cao, vải thiều thường chín rộ trọng khoảng thời gian ngắn nên trong giai đoạn này nhu cầu sử dụng lao động phổ thông tham gia thu hoạch vải, sơ chế vải rất lớn. Phát triển cây vải thiều tại Bắc Giang đã tạo giúp người dân địa phương có việc làm ổn định tại gia đình nhưng không tạo được nhiều công ăn việc làm từ cây vải thiều do hoạt động xuất khẩu vải thiều chủ yếu tập trung vào trái vải thiều tươi. Nếu xuất khẩu được các chế phẩm từ vải thiều thì có khả năng tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động địa phương + Cải thiện thu nhập của người trồng vải thiều: Trong ba năm gần đây, sản lượng vải thiều có nhiều biến động do yếu tố thời tiết không thuận lợi. Sản lượng năm 2018 tăng vọt so với năm 2017 nhưng đến năm 2019 sản lượng vải thiều chỉ bằng gần 60% so với năm 2018. Mặc dù, sản lượng vải thiều biến động thất thường nhưng giá bán vải thiều lại khá ổn định và có mức tăng nhất định. Điều này đã tạo cơ hội tăng thu nhập cho người trồng vải thiều trên toàn địa bàn tỉnh Bắc Giang. Về khía cạnh môi trường Theo đánh giá của những người trực tiếp trồng vải thiều cho biết, vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Úc, Canada, Mỹ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nhà nhập khẩu về quy trình sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, người sản xuất phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục quy định và đảm bảo tần suất phun thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn. Do vậy, từ khi áp dụng các tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap thì mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể. Điều này được đánh giá là có tác động tích cực đến môi trường của các vùng trồng vải thiều. 4.2. Thực trạng chuỗi giá trị xuất khẩu vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang Trong chuỗi giá trị xuất khẩu vải thiều chủ yếu có ba mắt xích gồm: nhà sản xuất (hộ gia đình và các hợp tác xã), doanh nghiệp thu mua và doanh nghiệp xuất khẩu. Trên thực tế, chuỗi giá trị xuất khẩu vải thiều có hai hình thức. Chuỗi giá trị vải thiều mang đặc điểm cơ bản của chuỗi giá trị nông sản là đơn giản, ít mắt xích tham gia chuỗi. Hình thức thứ nhất, chuỗi giá trị chỉ có hai mắt xích là nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu. Trong hình thức này, doanh nghiệp xuất khẩu kiêm chức năng thu mua, sơ chế vải thiều trước khi xuất khẩu. Khi khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Toàn Cầu tại Lục Ngạn - Bắc Giang, chúng tôi nhận thấy, Công ty TNHH Toàn Cầu đã kết nối trực tiếp với các hộ gia đình trồng vải thiều tại địa bàn huyện Lục Ngạn để thu mua vải thiều, công ty trực tiếp phân loại, sơ chế và chuyển đi chiếu xạ tại Hà Nội và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hình thức thứ hai, chuỗi giá trị có ba mắt xích là nhà sản xuất, doanh nghiệp thu mua và doanh nghiệp xuất khẩu. Trong hình thức này, nhà sản xuất chủ yếu là các hộ gia đình có diện tích trồng vải thiều đáp ứng được tiêu chuẩn trong xuất khẩu. Doanh nghiệp thu mua gồm các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hoặc các doanh nghiệp trong hoặc ngoài địa bàn tỉnh Bắc Giang có khả năng kết nối với thị trường nước ngoài. Các đơn vị này tổ chức thu mua nông sản và bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Thông thường, các đơn vị thu mua chịu trách nhiệm phân loại, đóng gói theo yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu đảm nhiệm khâu chiếu xạ diệt vi khuẩn theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tổ chức xuất khẩu. Thực trạng của các chủ thể trong chuỗi giá trị xuất khẩu vải thiều + Nhà sản xuất trong chuỗi giá trị xuất khẩu vải thiều là các hộ nông dân trồng vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm 2020, diện tích vải thiều toàn tỉnh khoảng 28.000 ha, sản lượng ước đạt 160.000 tấn; trong đó, diện tích vải sớm 6.000 ha, sản lượng ước 45.000 tấn; diện tích vải thiều chính vụ diện tích hơn 22.000 ha, sản lượng 54
- ước đạt 115.000 tấn. Trong 28.000 ha vải, có 14.300 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; và 80 ha được cấp chứng nhận GlobalGAP; duy trì vùng vải sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, EU... là 218 ha. Năm 2020 là năm đầu tiên tỉnh Bắc Giang xây dựng vùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện nay, Bắc Giang đã cấp được 19 mã số vùng trồng, với diện tích 103 ha đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Để có được 19 mã vùng trồng vải thiều đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe trong xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực tuyên truyền, động viên các hộ gia đình trổng vải thiều áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong trồng và thu hoạch vải thiều. Thực tế, ban đầu người nông dân không mặn mà với việc thay đổi quy trình sản xuất và thu hoạch vải thiều. Sau hai năm vận động, Bắc Giang mới có được kết quả 19 mã vùng trồng vải thiều đạt chuẩn. Tuy nhiên, trong thực tế các hộ gia đình trong khu vực được cấp mã vùng không có sự thay đổi về lợi ích kinh tế trước và sau khi được cấp mã vùng. Trong khi họ đã mất khá nhiều công sức để đáp ứng tiêu chuẩn cấp mã vùng. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện phỏng vấn một số chủ nhiệm hợp tác xã và các hộ gia đình về kết quả sản xuất và các kỳ vọng trong xuất khẩu vải thiều trong thời gian vừa qua. Kết quả phỏng vấn cho thấy: Người trồng vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khá hài lòng với sản lượng sản xuất và giá trị kinh tế mà cây vải thiều mang lại cho các hộ gia đình; người trồng vải chưa thấy rõ lợi ích của xuất khẩu vải thiều. Do vậy, nếu trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu vải thiều sang các thị trường như Nhật Bản, Singapore, Úc… không được thúc đẩy thì khó duy trì được động lực của các hộ gia đình trong khu vực được cấp mã vùng. + Hợp tác xã và các doanh nghiệp thu mua vải thiều chủ yếu là hợp tác xã và doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Các đơn vị này có nhiều lợi thế trong thu mua vải thiều như quan hệ lâu năm với các hộ gia đình trồng vải thiều, nhiều kinh nghiệm trong thu mua vải thiều… Bên cạnh những lợi thế đó, hoạt động các đơn vị thu mua vải thiều của tỉnh Bắc Giang có một số hạn chế tạo ra những bất lợi cho họ. Thứ nhất, trong những năm gần đây các đơn vị này đang bị cạnh tranh khá gay gắt bởi các thương lái người Trung Quốc, nhiều trường hợp mức giá thu mua của thương lái Trung Quốc cao hơn so với các đơn vị thu mua trong nước nên các hợp tác xã và doanh nghiệp thu mua Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi thu mua vải thiều, không đảm bảo số lượng theo đơn đặt hàng của khách hàng. + Doanh nghiệp xuất khẩu: Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, có khá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc nhưng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển thì chưa tới 10 doanh nghiệp. Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không khai thác được lợi thế “sân nhà” trong xuất khẩu vải thiều. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do tính bị động của các doanh nghiệp Bắc Giang. Sản lượng xuất khẩu vải thiều sang thị trường các nước phát triển chủ yếu là do các doanh nghiệp ngoài tỉnh Bắc Giang. Thực trạng liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị xuất khẩu vải thiều Mức độ liên kết giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp thu mua vải thiều khá lỏng lẻo. Qua phỏng vấn các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều nhận được kết quả giống nhau: Các doanh nghiệp đã có thỏa thuận với các hộ gia đình về việc mua vải thiều nhưng hầu hết là các thỏa thuận miệng, không có thỏa thuận bằng văn bản. Doanh nghiệp đặt ra các yêu cầu về việc đảm bảo các tiêu chuẩn trong trồng và thu hoạch vải thiều đối với các hộ gia đình. Nếu không đáp ứng các yêu cầu này hoặc bị phát hiện các gian lận trong trồng và thu hoạch vải thiều thì doanh nghiệp có quyền từ chối thu mua vải thiều. Tuy nhiên, thực tế khi xảy ra các trường hợp chất lượng nông sản không đáp ứng yêu cầu của nhà xuất khẩu và bị trả lại thì doanh nghiệp thu mua thường chịu thiệt hại, trong khi doanh nghiệp không thể buộc các hộ gia đình trồng vải thiều bồi thường. 55
- Trước khi vào mùa thu hoạch vải, các doanh nghiệp thu mua đã có những thỏa thuận về giá cả với người trồng vải thiều. Theo đó, giá mua của các doanh nghiệp khá ổn định nên đảm bảo lợi ích bền vững cho người trồng vải thiều, nhưng thấp hơn thị trường một số thời điểm. Vì vậy, một bộ phận người trồng vải thiều vì lợi ích trước mắt đã bán trực tiếp cho thương lái mà không thực hiện tốt cam kết với doanh nghiệp thu mua. Doanh nghiệp thu mua và doanh nghiệp xuất khẩu đã có những hỗ trợ người sản xuất về kỹ thuật trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các doanh nghiệp đưa chuyên gia xuống trực tiếp các vùng trồng vải thiều để hướng dẫn cho người trồng về loại thuốc bảo vệ thực vật được phép dùng, thời điểm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và thu hoạch vải thiều nhằm đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hỗ trợ về mặt kỹ thuật là hình thức giúp xây dựng và duy trì liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị. Người nông dân trồng vải thiều chủ yếu dựa trên kinh nghiệm mà thiếu các kiến thức khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí. Trong những năm qua, vai trò của các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu vải thiều đã được khẳng định thông qua các hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng vải thiều. Các hỗ trợ kỹ thuật của doanh nghiệp được đánh giá rất hiệu quả và phù hợp với mong muốn của người nông dân. Doanh nghiệp thu mua tạm ứng vật tư nông nghiệp cho người sản xuất và trừ trực tiếp trên giá trị thu mua nông sản. Nhằm tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp với người trồng vải thiều, đảm bảo nguồn cung vải thiều cho doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đã tạm ứng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu cho các hộ gia đình trồng vải thiều. Các hộ gia đình chỉ phải thanh toán các khoản vật tư này khi thu hoạch vải thiều. Các vấn đề đặt ra trong liên kết chuỗi giá trị xuất khẩu vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang Thứ nhất, qua khảo sát thực tiễn tại tỉnh Bắc Giang nhận thấy, liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị vải thiều trên địa bàn tỉnh còn rất lỏng lẻo. Thứ hai, tính chủ động trong liên kết từ phía nhà sản xuất rất hạn chế. Hầu hết người sản xuất (bao gồm hộ gia đình và hợp tác xã) đều thụ động, chờ đợi sự đề xuất liên kết từ phía các doanh nghiệp. Sự chủ động còn thể hiện trong việc người sản xuất không tìm hiểu các điều khoản, điều kiện trong liên kết nên lợi ích của người sản xuất trong một số trường hợp bị xâm phạm. Chẳng hạn như khi các doanh nghiệp thu mua vải thiều đến địa bàn để mua nông sản phục vụ xuất khẩu, các hợp tác xã sẵn sàng ký hợp đồng và chứng minh truy xuất nguồn gốc xuất xứ vải thiều thuộc 19 mã vùng đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, sau một vài hợp đồng, doanh nghiệp thu mua vải thiều xuất khẩu không tiếp tục thu mua tại các vùng được cấp mã vùng nhưng vẫn sử dụng giấy tờ truy xuất nguồn gốc của các vùng này. Mặc dù biết rõ những gian lận thương mại này nhưng những người sản xuất cũng không có động thái để đảm bảo quyền lợi trong quan hệ liên kết với người thu mua vải thiều. Thứ ba, hầu như không có hợp đồng dài hạn giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị xuất khẩu vải thiều. Hiện nay chỉ có hợp đồng ngắn hạn (hợp đồng trước vụ thu hoạch) giữa doanh nghiệp thu mua với người sản xuất và các thỏa thuận hỗ trợ về phân bón, thuốc trừ sâu từng năm. Giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp thu mua vải thiều hầu như không có liên kết chặt chẽ nào. Thứ tư, tính pháp lý trong các liên kết giữa các chủ thể rất hạn chế. Do vậy, rủi ro xảy ra thì rất khó giải quyết quyền lợi cho các bên. Ý niệm về trách nhiệm pháp lý từ phía người sản xuất còn thấp. Trong thực tế, khi lô hàng vải thiều không đáp ứng được tiêu chuẩn của xuất khẩu thì các doanh nghiệp thu mua thường phải tự xử lý bằng cách tiêu thụ trên thị trường nội địa mà không thể yêu cầu bồi thường từ phía người sản xuất. Doanh nghiệp thu mua và nhà sản xuất thường thỏa thuận miệng nên để đòi hỏi bồi thường từ phía nhà sản xuất thường khá phức tạp, chi phí tốn kém. 56
- Trong khi đó, với tâm thế người sản xuất là các hộ nông dân yếu thế nên các doanh nghiệp thường chấp nhận bỏ qua các yêu cầu bồi thường. Nguyên nhân của các vấn đề đặt ra Một là, lợi ích của hoạt động xuất khẩu vải thiều và tiêu thụ vải thiều nội địa chưa rõ rệt nên người sản xuất chưa thiết tha với các quan hệ với các chủ thể trong liên kết chuỗi xuất khẩu. Quan điểm của người sản xuất là không nhất thiết phải có quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu vải thiều vì họ luôn sẵn có các chủ thể kinh doanh khác sẵn sàng thu mua vải thiều phục vụ tiêu thụ nội địa. Hai là, các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều chưa nhận được lợi ích tương xứng từ hoạt động xuất khẩu vải thiều. Mặc dù giá vải thiều bán lẻ tại thị trường các quốc gia như Nhật Bản, Úc rất cao nhưng lợi nhuận chủ yếu thuộc về các nhà phân phối bán lẻ tại các thị trường này. Lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khá thấp nên không tạo được động lực để các doanh nghiệp này mở rộng hoạt động xuất khẩu, từ đó tăng cường liên kết chuỗi đảm bảo nguồn cung cho hoạt động xuất khẩu. Ba là, hiểu biết của người sản xuất về liên kết chuỗi, kiến thức pháp luật còn hạn chế nên những bất lợi có thể thuộc về phía người sản xuất trong các quan hệ của liên kết chuỗi. Khi các quan hệ liên kết chuỗi không bình đẳng thì các mối quan hệ sẽ trở nên thiếu tính bền vững. 5. KHUYẾN NGHỊ VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH Liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị là một yếu tố quan trọng có tính quyết định đối với sự phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất nói chung và xuất khẩu nói riêng. Do vậy, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị và hàm ý chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi giá trị xuất khẩu vải thiều. Một là, doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch vải thiều. Hiện nay, các doanh nghiệp đang là đầu mối chính hỗ trợ về kỹ thuật cho các hộ gia đình/hợp tác xã trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch vải thiều nhưng mới chỉ tập trung hỗ trợ trong sử dụng vật tư nông nghiệp. Doanh nghiệp có thể tăng cường liên kết với người sản xuất để cải thiện giống vải thiều để tăng sản lượng sản xuất và sản phẩm thích ứng tốt hơn với điều kiện tự nhiên của các thị trường nhập khẩu. Hai là, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để mở rộng vùng trồng vải thiều đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay mới có 19 mã vùng được cấp trên toàn tỉnh Bắc Giang được coi là đáp ứng được các tiêu chuẩn Vietgap, Global gap để phục vụ xuất khẩu. Hướng tới việc nâng kim ngạch xuất khẩu vải thiều sang các thị trường như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Úc thì cần có nhiều vùng được cấp mã vùng hơn. Nếu để các hộ gia đình tự thay đổi quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch thì sẽ rất khó đáp ứng được các yêu cầu nên cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để thúc đẩy tiến độ trở thành vùng đạt yêu cầu cấp mã vùng xuất khẩu. Việc mở rộng vùng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu giúp Bắc Giang tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng giá trị gia tăng trong xuất khẩu vải thiều. Các vùng đạt chuẩn xuất khẩu sẽ sử dụng ít vật tư nông nghiệp hơn, nhờ vậy giúp cải thiện môi trường - một trong những định hướng của phát triển bền vững. Ba là, tăng cường liên kết dài hạn giữa các doanh nghiệp và người sản xuất. Các thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người sản xuất hiện nay mới chỉ dừng lại ở các thỏa thuận ngắn hạn trước mỗi mùa vụ. Nếu hình thành được các liên kết dài hạn thì các điều kiện giữa các bên sẽ bị ràng buộc chặt chẽ hơn. 57
- Bốn là, tăng cường các hình thức đào tạo về kiến thức pháp luật cho người sản xuất. Do hạn chế về trình độ, nên các hộ gia đình trồng vải thiều không chú ý đến các vấn đề pháp lý trong quan hệ với các chủ thể trong chuỗi liên kết. Tuy nhiên, xét về dài hạn khi hoạt động trong chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản, người nông dân cần tăng cường hiểu biết pháp luật để vừa đảm bảo quyền lợi của họ trong các hợp đồng, thỏa thuận vừa để nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch vải thiều. Có thể ở giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp thu mua vải thiều có thể chấp nhận xử lý các lô hàng chưa đạt chuẩn xuất khẩu bằng nhiều cách khác nhau mà không đòi hỏi nhà sản xuất chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, cách làm này chỉ tồn tại trong ngắn hạn, về lâu dài khi hoạt động xuất khẩu vải thiều được mở rộng, nếu các nhà sản xuất không đảm bảo quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đúng tiêu chuẩn thì các doanh nghiệp thu mua sẽ buộc nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm pháp lý. Chính vì vây, ngay từ bây giờ các hộ gia đình/hợp tác xã phải bắt đầu tính trách nhiệm trong thực thi các thỏa thuận, hợp đồng với doanh nghiệp thu mua. Năm là, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và hộ gia đình/hợp tác xã trồn vải thiều để đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu. Đặc điểm của thu hoạch trái vải thiều là thời gian thu hoạch rất ngắn mà lại phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Nếu thu hoạch sớm hoặc muộn chỉ 7 - 10 ngày thì chất lượng vải thiều đã bị ảnh hưởng nhiều. Trong khi đó, một số đối tác của các thị trường khó tính như Nhật Bản luôn yêu cầu đưa chuyên gia sang giám sát trước khi thu hoạch trước 1 tháng. Do vậy, giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo chất lượng trái vải thiều xuất khẩu. Đối với các thị trường không có yêu cầu giám sát trước thu hoạch thì các yêu cầu về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất khắt khe và có những điều chỉnh nhất định. Các doanh nghiệp xuất khẩu có khả năng tiếp cận trực tiếp và cập nhật thông tin thị trường nước ngoài nên cần tích cực hỗ trợ để người sản xuất nắm bắt kịp thời các tiêu chuẩn và điều chỉnh quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch phù hợp với các tiêu chuẩn mới. Sáu là, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương để hạn chế các gian lận thương mại về truy xuất nguồn gốc xuất xứ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất. Một mặt, các hộ gia đình/hợp tác xã chủ động đảm bảo quyền lợi của mình trong các thỏa thuận, hợp đồng. Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tăng cường giám sát, quản lý các hoạt động thương mại trên thị trường địa bàn tỉnh và có kiến nghị kịp thời với các cơ quan trung ương như Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương về các hành vi gian lận thương mại về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm vải thiều trong xuất khẩu. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chu Văn Cấp, Nguyễn Đức Hà (2013), Xuất khẩu hàng hóa bền vững: giải pháp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, Tạp chí Hội nhập và Phát triển số 12/2013. 2. Vũ Thành Hưởng (2015), Hoàn thiện nội hàm và tiêu chí phát triển bền vững ở Việt Nam trong điều kiện mới của toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 214 (II), tháng 4/2015. 3. Ngô Thị Tuyết Mai (2011), Phát triển bền vững hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong điều kiện hiện nay, NXB Chính trị quốc gia. 4. Nguyễn Văn Tuấn, Trần Hòe (2008), Giáo trình Thương mại quốc tế - Phần 1, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. 58
![](images/graphics/blank.gif)
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
![](images/icons/closefanbox.gif)
Báo xấu
![](images/icons/closefanbox.gif)
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn
![](https://tailieu.vn/static/b2013az/templates/version1/default/js/fancybox2/source/ajax_loader.gif)